Tác giả: Minh Triết
Sáng ngủ dậy, bóc tờ lịch cuối. Vậy là một năm mới bắt đầu. Cộng thêm cho mình một tuổi. Nhớ ngày, nhớ tháng đã qua với bao nhiêu kỷ niệm buồn vui . Lòng cảm thấy bâng khuâng, luyến tiếc những điều tốt đẹp, mơ về ngày mai tươi sáng hơn. Dù muốn hay không dòng đời vẫn trôi . Để mở màn và kỷ niệm năm mới, chúng tôi về thăm Gò Gông.
Gò công, có lẽ là thị xã miền Tây cách Sài Gòn gần nhất ( khoảng 25 km ) theo hướng Cần Đước. Hòa vào dòng người nhộn nhịp, náo nức, chúng tôi đến tham quan vào ngày Tết Dương lịch 2021. Khi nhắc đến Gò Công là người ta nghĩ ngay là xứ có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nổi tiếng là quê hương của nhiều nhan sắc, danh ca nức tiếng nam bộ
Khi xe qua cầu Mỹ Lợi, nhìn sóng nước mênh mông, ” nước xanh biêng biếc, chẳng đổi thay dòng… ” của sông Vàm Cỏ, chạnh lòng nhớ đến những chuyến phà năm xưa. Bến phà với hơn 100 năm tuổi, đã từng đưa, đón bao lượt người sang sông. Những chiếc phà đã trở thành ký ức, là hình ảnh thân thương cho người dân Gò Công khi rời, trở lại quê hương hay du khách có dịp đến. Rồi đây, theo dòng chảy của thời gian, những chiếc phà ấy không biết trôi dạt về đâu, nhưng chắc nó để lại những hoài niệm, những yêu thương da diết trong sâu thẳm trái tim của mọi người. Qua cầu Mỹ Lợi, một Gò Công hiện ra với phong cảnh thiên nhiên thanh bình Những con đường, góc phố nho nhỏ với nhịp sống thư thả, yên bình, không ồn ào, náo nhiệt như những nơi tôi đã qua. Về Gò Công là sống lại với di tích cổ xưa, những danh lam thắng cảnh hình như không bị tàn phá bởi chiến tranh. Mặc dù thời gian có làm cho xuống cấp, nhưng người dân vẫn còn gìn giữ , trùng tu, bảo tồn tương đối còn nguyên vẹn. Đó là nhà Đốc phủ Hải, Dinh Tỉnh trưởng với kiến trúc Pháp, như chứng tích cho một giai đoạn lịch sử để mọi người đến quay phim, chụp ảnh làm kỷ niệm. Đó là nhà thờ , bia mộ của người anh hùng dân tộc Trương Định luôn nghi ngút khói hương của người đến tưởng niệm. Có lẽ, nơi thu hút du khách nhiều nhất là Lăng Hoàng Gia. Rất may, khi tôi đến cùng các nữ sinh, được anh Phạm Văn Dũng ( người quản lý ) tiếp đón và thuyết minh. Đây là nơi thờ Quốc Công Phạm Đăng Hưng, ông ngoại vua Tự Đức, cha Hoàng thái hậu Từ Dụ. Sau khi Phạm Đăng Hưng mất, triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây nhà thờ theo kiến trúc dành cho vua quan. Vì vậy, người đời gọi Lăng Hoàng Gia. Sau khi lòng vòng các con phố, thăm vài nơi nữa nhưng đều đóng cửa, im lìm. Chúng tôi dự định về biển Tân Thành ăn hải sản, ngắm biển , nhưng khoảng cách khá xa và thời gian không cho phép.
Tạm biệt Gò Công với lưu luyến, lòng tôi lắng lại và dâng đầy cảm xúc trong những ngày đầu năm.