Tác giả: Minh Triết
Sau khi tham quan các di tích của tam kiệt nhà Tây Sơn – Mai Xuân Thưởng ở Phú Lạc, chúng tôi tiếp tục lộ trình ” Tây ba lô ” về phố núi. Vì có nhu cầu thăm em gái ở Kbang, giáo viên lập nghiệp nơi đây hơn 10 năm mà tôi chưa dịp đến. Hỏi bà chủ quán dưới chân đèo An Khê cho biết, nếu các anh đi tắt sau đèo sẽ rút ngắn khoảng cách khoảng 30 km. Do đã chuẩn bị trước nên chúng tôi quyết định một cuộc phiêu lưu, nếu không gọi là mạo hiểm.
Con đường bê tông nho nhỏ, lượn theo sườn núi, không một căn nhà. Trên đường đi, duy nhất thấy một xe Honda về xuôi và nhóm người đang ngồi gọt vỏ cây bời lời. Chúng tôi chạy thật chậm, quan sát thật kỹ vì chút sơ xuất có thể nguy hiểm đến tính mạng. Rồi chúng tôi cũng lên đến đỉnh đèo. Từ đây, nhìn lên đỉnh núi là hồ nước hiện đại, tích và điều tiết nước của công trình thủy điện An Khê – Kanak. Tôi đứng bên cạnh trạm xã lũ, nhìn xuống thung lũng xanh lượn theo dòng sông Côn uốn khúc. Dọc theo sông , mờ mờ xa hiện lên con mương thủy lợi, mang nước và phù sa tưới cho cánh đồng quê nhà thêm trù phú. Hai bên tả, hữu sông có những hòn núi, đồi như điểm xuyết thêm nét đa dạng , nên thơ của Tây Sơn hạ đạo. Được nhìn quang cảnh này, ta cảm thấy nước non mình hùng vĩ, xinh đẹp quá.
Khi xuống cuối đèo, chúng tôi lần mò hỏi thăm đường. Anh nông dân cho biết, nơi tôi đứng là Gò trạm Cửu An, muốn thuận lợi thì nên ngược ra QL 19, nhưng thích khám phá cảnh quan mới lạ, nên chúng tôi đi hướng ngược lại. Sau nhiều lần hỏi thăm nữa, chúng tôi đi theo những con đường đất đỏ, ngang dọc như bàn cờ. Những con đường mấp mô, nhiều ổ voi, ổ gà, có chỗ đá lởm chởm. Chúng tôi vượt qua những nương rẫy, ruộng lúa bạt ngàn, nhà thưa thớt, vắng vẻ. Một nỗi lo sợ cho phương tiện, nếu gặp sự cố. Tuy nhiên, may mắn là cũng tìm được tỉnh lộ về Kbang.
Chúng tôi dừng chân nghỉ trên cầu An Bình. Hồ nước rộng lớn, trong xanh. Nơi tích nước cho công trình thủy điện An Khê – Knak. Từng cơn gió thoảng, mặt nước lăn tăn sóng, mang hơi nước mơn man trên da mặt,chúng tôi cảm thấy hết mệt mỏi.
Trời đã về chiều, đường nhựa thông thoáng, chúng tôi thoải mái ” cưỡi ngựa xem hoa “. Đi ngang qua xã Tú An, có bảng chỉ dẫn về cánh đồng Cô Hầu. Cánh đồng rộng hàng chục hecta. Tương truyền, cô Hầu là cô gái Bana, đã có công cung cấp voi, ngựa, lương thực, thực phẩm cho nghĩa quân và cũng là vợ lẻ của Nguyễn Nhạc. Trong lòng thích thú nhưng chưa thể tham quan được. Cuối cùng, chúng tôi đã tới thị trấn Kbang, họp mặt với gia đình em gái. Nhìn lại quá trình đi qua khá nhiều vất vả nhưng mãn nguyện vì trải nghiệm được con đường gắn liền với lịch sử vẻ vang của dân tộc, khám phá nhiều điều kỳ diệu mà mình chưa biết