Dải Gấm Rực Rỡ

Tác giả: Lưu Thu Thuyền

 

Năm tận cùng bằng số 8 đều là những năm quan trọng của đời tôi. Tôi chào đời vào cuối mùa Ðông 1958. Ðương nhiên 1958 phải là một năm rất đáng ghi xuống.
Mười năm sau, năm Mậu Thân cho tôi biết thế nào là dựa lưng cái chết. Năm 1968 không phải chỉ đặc biệt cho riêng tôi mà là một năm lịch sử cho miền Nam Việt Nam. Suốt những ngày Tết, toàn quốc oằn lưng chịu đạn thay vì thong dong đi mừng tuổi nhau và thưởng thức pháo Xuân. Ðám con nít, từ thành thị đến thôn quê cùng ý thức rằng mình không nên lờn mặt với thần chết, chân đứa nào cũng chạy rất nhanh vào hầm trú ẩn mỗi khi nghe tiếng đạn pháo kích… Năm 1968 là năm của băng vải máu me, thuốc sát trùng và những nắm cơm gạo đỏ vắt chặt, rơi vung vãi sau sân nhà tôi. Năm mà hình ảnh trần truồng của người du kích trẻ bị bêu thây bên vệ đường đã khuấy động tâm hồn thơ dại của tôi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn hối tiếc đã không tìm cách che thân anh ta lại…
Năm 1978, Tôi ra trường Trung Học Sư Phạm. Đi làm, có lương và được phát nhu yếu phẩm. Năm tôi thực sự bước vào trường đời.

Còn năm 1988 là năm của nước mắt và chịu đựng. Không nhờ con dao của người tình, làm ứa máu trên da tôi, có lẽ tôi sẽ không có can đảm cắt đứt mối liên hệ này. Óc phán đoán của tôi rất nhanh nhẹn, nhưng chỉ trong phạm vi công ăn việc làm và chuyện tơ lòng của thiên hạ. Với tình cảm của chính mình thì tôi đặc biệt u mê. Dù sao, tôi cũng cám ơn sự rủi ro đã đánh thức tôi thật đúng lúc!
Năm 1998, năm hai mươi nhân hai, mọi người hay gọi đùa là năm hồi xuân. Tôi bắt đầu biết yêu: Tôi yêu tiếng nước tôi. Ðột nhiên tôi thèm viết. Từ xưa, tôi vẫn thích đọc sách của Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Nam Cao… Nghĩ lại, toàn là những nhà văn dùng bối cảnh đồng quê Việt Nam để thai nghén ra những đứa con tinh thần của mình. Thì ra tôi yêu tất cả những gì rất Việt Nam từ bao lâu rồi. Bây giờ, nhờ “hồi xuân”, những tình tự dân tộc mới có cơ hội bộc phát. Ðây là năm của xao động và khắc khoải, thúc dục tôi cầm bút, kéo tôi chập chững theo chân cha tìm hướng đến văn đàn. Gia đình và bạn bè đọc bài viết của tôi, chỉ cho toàn lời khuyến khích và khen ngợi nhưng tôi phải đặt vài dấu hỏi nghi ngờ. Khi nào các báo văn học hải ngoại nhận đăng thì mới cất dấu hỏi ấy đi!
Năm 2008, gia đình tôi ký giấy tờ, dọn qua Phi Luật Tân công tác hai năm. Đặt chân đến thủ đô Manila, tôi kinh ngạc nhìn những căn nhà “xây” bằng bạt ni lông, đứng thẳng được nhờ dựa vào vách tường. Những căn nhà chỉ độ ba mét vuông, cũng có chút điện câu từ đèn đường nhưng ánh sáng le lói càng làm tăng thêm vẻ u ám cùng cực của thành phố về đêm. Tôi không định hỏi chuyện chú tài xế nhưng cuối cùng buột miệng: “Thành phố cho phép họ dựng nhà ở đây à?” Chú ấy cười, “Không. Nhưng dẹp đi thì họ lại dựng lại ngay. Làm hoài cũng mệt nên đành phải nhìn đi chỗ khác!” Sau tôi mới biết đây là “squatters” của Phi. Họ bỏ làng đi kiếm sống. Nhất là sau những trận thiên tai, lụt lội hoặc núi lửa. Nhà cửa mất sạch, trợ giúp không đủ, họ bồng bế dắt díu nhau đi. Một số ít vươn lên, cho con học đại học ra nước ngoài kiếm sống gửi tiền về nuôi cả họ. Còn lại rất đông, dắt con nhỏ đi ăn xin hoặc buôn bán làm công sống từng ngày. Họ không biết dành dụm là gì. Vào dịp Giáng Sinh hoặc Tết Dương Lịch, họ đốt pháo bông mịt trời, để ngày hôm sau tiếp tục đói rách lang thang.
Về đến thành phố Angeles, tỉnh lân cận của vùng Clark (nơi Mỹ đã từng có căn cứ không quân), lại tiếp tục thấy những loại nhà tạm bợ này. Nhưng đặc biệt hơn cả là nhà xây dưới lòng sông cạn! Từ trên cầu, tôi thấy lít nhít hai bên là nhà. Có một số mái tôn mọc lên xen kẽ với mái ni lông. Khúc giữa là giòng nước đục bẩn chảy lờ đờ. Gặp mùa giông bão, tôi không hiểu họ chạy đi đâu? So với Việt Nam, tôi ngờ là họ nghèo cực hơn vì lối sống không biết đến ngày mai.
Ra khu chợ Pampanga, trẻ em và người già cả, tật nguyền xuất hiện từ năm giờ sáng để xin ăn. Tôi và chị bạn hẹn nhau đi chợ thật sớm để mua tôm, mực tươi và cũng để tránh bị khều cùi chỏ xin tiền. Vậy mà cũng không thoát được họ! Đa số trẻ ăn xin, da ngăm đen, tóc hoe cháy nắng, tuổi chỉ độ 8, 10. Có nhiều em trông rất khôi ngô sáng sủa. Tôi xót xa nhìn các em đang ở tuổi đi học, lang thang sống ngoài đường. Cơ cực chồng chất, suốt đời chỉ làm kiếp cỏ dại!
Nhắc đến trẻ em Phi Luật Tân, tôi muốn kéo tất cả cùng trở về với năm 1978. Ðỗ Tú tài xong, tôi thi vào Ðại Học Khoa học và Trung Học Sư Phạm. Dĩ nhiên là tôi không được tuyển vào Ðại Học Khoa Học. Tôi không dám viện lý lịch đen để bào chữa cho nguyên nhân thi rớt, thôi thì cho là tôi học dốt cho xong! Sau khi ra trường, nhờ mẹ tôi lo khéo nên tôi được bổ dạy ở trường Trung Tiểu học Huỳnh Mẫn Ðạt, thuộc Quận Năm (Chợ Lớn). Năm 1978 là năm tôi phải đơn phương độc mã đối phó với người lạ. Mẹ tôi không còn ở bên tôi nhắc chừng tôi ăn nói để khỏi bị vạ miệng. Tôi vừa sợ vừa háo hức. Sợ cho cái tánh trẻ con sôi nổi mà tôi vẫn không cách nào từ bỏ, sẽ làm tôi mất uy với đám học trò nhỏ bé. Ngược lại, tôi háo hức trước môi trường mới, người mới…
Tôi được chị Hiệu Phó giao lớp Năm Hai cho tôi hướng dẫn. Chị nháy mắt bảo tôi: “Lớp ngoan có tiếng, chị cưng em lắm mới cho em lãnh nó đó.” Hỏi ra tôi mới biết đây là trường cho học sinh người Hoa nên giáo viên đa số đều là Hoa kiều. Trong bốn lớp Năm, chỉ có lớp này đã được cô Hồng, cô giáo Việt duy nhất của trường, dạy dỗ năm ngoái. Trời ơi! Không biết tôi đã khéo tu từ bao kiếp mới được chị Hiệu Phó, kiêm Ủy Viên Chính Trị, kiêm Ðoàn viên Ðoàn Thanh Niên Thành Phố Hồ Chí Minh, kiêm đối tượng Ðảng, cưng đặc biệt như vậy?
Ngày đầu tiên tôi bước vào lớp, mặt mày tôi hết sức ngơ ngáo. Nhìn xuống năm mươi đứa học trò đứng nghiêm, mặt mũi còn ngơ ngáo hơn tôi gấp mười lần. Lúc đó tôi mới bình tĩnh lại được. Chỉ đến ngày hôm sau, tôi làm chủ tình thế 100%. Chọn xong lớp trưởng, tôi ra tay đổi chỗ ngồi một loạt. Con trai ngồi xen kẽ với con gái, đứa nào cũng ngồi cứng như tượng, không dám nhúc nhích thì lấy gan đâu mà nói chuyện trong lớp? Tôi thuộc tên học trò vanh vách nhờ học kỹ bản đồ lớp ở nhà ngay đêm hôm đó. Học trò phục tôi quá chừng!
Ðến tiết chính trị, trò Huỳnh Cẩm Hoà đứng lên gãi tai, nhắc khéo tôi: “Cô Hồng vẫn kể chuyện công chúa hoàng tử cho tụi em nghe!”. Tôi suy nghĩ đắn đo vì không muốn đi ngược đường hướng nhà nước đã vạch. Cứ trông gương cha tôi: Chỉ quanh quẩn trong nhà mà cũng bị công an đến còng đi bằn bặt ba bốn năm trời!. Tôi cúi đầu nghĩ cách từ chối câu đề nghị của Hòa. Khi ngước mặt lên, một trăm con mắt đầy hy vọng và chờ đợi đã làm tôi mềm lòng quên cả sợ. Từ đó, cứ đến giờ chính trị là đám học trò cưng của tôi ngồi ngay ngắn vểnh tai nghe tôi hào hứng kể về Phạm Công Cúc Hoa, Nghi Xuân Tấn Lực, Công Chúa Ðội Ðèn, Tấm Cám thay vì Kim Ðồng, anh Trỗi…
Những ai kêu rêu nghề dạy học là một nghề bạc bẽo. Tôi sẵn sàng cãi tới cùng. Hễ hết lòng vì học trò, thì điều tất nhiên là thế nào chúng cũng sôi nổi đáp lại. Trẻ con thông minh và nhậy cảm lắm! Sau giờ học, tôi vẫn hay ở lại trường để vá áo, đơm nút và dạy kèm thêm toán, chính tả. Thày cô nào đã dạy học ở trường Tàu mới hiểu thấu cái khổ của tôi. Học sinh phát âm ngọng líu ngọng lịu thì làm sao viết đúng được? Tôi thường mệt rũ sau giờ chính tả. Ðó là tôi may mắn có một lớp trưởng giỏi giang đắc lực, Hà Ngọc Vân, cất giọng sang sảng lập lại dùm tôi câu vừa viết xong. Dù vất vả, tôi vẫn không quản vì đám học sinh quá đáng yêu!
Một hôm trước Giáng Sinh, tôi cao hứng kể chuyện Em Bé Bán Diêm cho lớp nghe. Chuyện một em bé mồ côi mẹ phải đi bán diêm trong đêm Giáng Sinh lạnh lẽo băng giá. Em đã đốt cháy que diêm đầu tiên để sưởi ấm đôi tay tím ngắt vì gió Ðông. Dưới ngọn lửa vừa bùng cháy, em thấy một cây thông được trang hoàng lộng lẫy hiện trước mắt. Que diêm tắt, em bật lên que thứ hai. Lần này em thấy một bàn tiệc ê hề bánh trái thịt thà. Nhưng que diêm rồi cũng tắt ngúm, em vội đốt cả bó diêm. Giữa vùng ánh sáng lung linh, em thấy mẹ mình đến. Mẹ đẹp như thiên thần, mẹ dịu dàng như thánh nữ. Mẹ đến gần, khoác cho em chiếc áo ấm áp và ôm em vào lòng khóc. Em cũng ôm lấy mẹ, bật khóc, xin người đừng bỏ em ở lại với đói nghèo, đau khổ. Mẹ em vuốt tóc em và dắt em đến một nơi đầy nhạc và ánh sáng êm dịu. Ngày hôm sau, người quét đường tìm thấy xác một cô bé lạnh cóng. Chung quanh cô bé đầy những tàn diêm. Ðặc biệt nhất là đôi môi cô bé vẫn còn cài một nụ cười thật rạng rỡ… Năm mươi khuôn mặt nhìn tôi buồn ngơ ngẩn sau khi nghe xong. Nguyễn Ngọc Thanh, đứa học trò Việt độc nhất, rên lên: “Chuyện này buồn quá cô ơi…” Ừ nhỉ, buồn thật!
Mỗi lần Giáng sinh về, câu chuyện xưa trở lại mồn một trong tôi. Một trăm đôi mắt rưng rưng buồn, ám ảnh tôi. Bao nhiêu chuyện thần tiên đầy hy vọng của ngày Giáng Sinh sao tôi không kể? Tâm hồn ngọc ngà của những đứa học trò cưng: Hà Ngọc Vân, Lưu Hán Manh, Huỳnh Cẩm Hòa, Nguyễn Ngọc Thanh… có bị tì vết bởi câu chuyện buồn thuở xưa? Tôi hy vọng các em quên mau vì tôi chỉ muốn tâm hồn của các em suốt đời là một dải gấm rực rỡ, tươi vui.
Năm tận cùng bằng số 8 lần lượt qua đi nhưng không bao giờ tôi quên được những đôi mắt lưu ly nhìn tôi, chờ đợi câu bắt đầu rất quen thuộc: “Ngày xưa…”
Thu-Thuyền

1998-2008

Chợt quay nhìn lại, mới thấy hành trang cuộc đời mình có thêm mười năm nữa…
Năm 2018 cũng là một năm nhiều biến chuyển, năm tuổi mà…

Tháng Giêng 2018, tôi vừa được hãng tặng quà thưởng cho nhân viên ưu tú. Sang tháng Hai, tôi và vô số đồng nghiệp nhận giấy hồng sa thải.
Bộp! Tôi bị đời cho một đá. Mặt mũi ngơ ngáo chưng hửng vì chưa bao giờ bị lây ốp. Tuy nhiên, xếp lớn có cho tôi một lối thoát nho nhỏ: Một công việc ở Denver, Colorado. “Cám ơn Igor I., ông ở lại vui vẻ. Tôi sợ tuyết giá nên phải phụ lòng ông.”
Tôi nhận gói bồi thường ở nhà nghỉ khoẻ.
Ai có hỏi thì tôi thú thật. “Ở nhà cũng hơi buồn buồn một chút”. Những ngày tháng sau đó, tôi lang thang Pháp Đức Ý, Thái Việt Hàn. Thoải mái đi chơi. Về nhà ngủ đêm ngủ ngày tha hồ. Sáng mở mắt hay nhắm mắt, chim vẫn hót bên ngoài, nắng vẫn reo bên song cửa. Cơn bệnh mất ngủ và trái tim đập lọan nhịp không làm phiền tôi nữa. Ngày thứ Hai, Chủ Nhật đều như nhau. Chỉ có Thứ Ba phải lo nhớ để đi đổ rác. Thôi thì nghĩ lại, có làm mấy cũng hết nếu xài vung vít. Từ mười năm trước, tôi đã không có nhu cầu sắm sửa chỉ dẻo chân du ḷich.
Bây giờ túi rủng rỉnh bạc cắc, tôi sẽ tiếp tục đi chơi (sau đại dịch COVID19) và hưởng nhàn cho sướng thân già.
Hiện giờ tôi cũng hơi hồi hộp, chờ xem 10 năm nữa, 2028 có gì lạ?

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.