Cà Phê Ơi! Cà Phê Ơi!

Tác giả: Trần Mộng Tú

Từ một thời xa xăm nào đó cà phê được một vài tu sĩ công giáo người Pháp mang vào Việt Nam trồng trong sân nhà thờ ở những vùng Hà Nam, Quảng Bình, Kontum, sau đó các chủ đồn điền Pháp trồng ở Phủ Quỳ – Nghệ An rồi tới Đắc Lắc và Lâm Đồng, nên người Việt trưởng thành ở miền Nam rất thân quen với hương vị cà phê.
Trong Nam, thành phần nào trong xã hội cũng thưởng thức cà phê buổi sáng, buổi trưa, buổi tối. Nghĩa là bất cứ lúc nào. Điểm tâm, hò hẹn tình nhân, hẹn công việc làm ăn lớn, nhỏ, bàn thời sự, chính trị buổi trưa, hay đi chơi buổi tối, không thể thiếu ly cà phê trước mặt.

Những tiệm ăn sáng bình dân nấu cà phê trong những chiếc túi vải may theo hình chiếc vớ, được gọi là “Cà Phê Bí Tất”. Ly cà phê gọi tên là Xây Chừng (chịu không biết do đâu mà có tên này). Đây có thể là phiên âm từ tiếng Hoa sang. Trong quán Điểm Tâm của các chú Ba rất hào hoa, thường rót cà phê đầy tràn ly, khách ẩm thực giới lao động cầm cả đĩa lên uống chỗ cà phê tràn trên đĩa. Hoặc đôi khi họ đổ cà phê ra đĩa cho nguội, rồi mới bưng lên uống, (khỏi mất thời giờ chờ lâu) nhưng ly cà phê của họ cũng nhỏ thôi, uống độ ba ngụm là hết. Cách uống như thế nói lên cái dung dị của người lao động miền Nam.
Những nhà hàng lịch sự như: Brodar, Givral, Pagode là nơi của các nhà văn, nhà báo, chính khách, tụ họp nhau cà phê bao giờ cũng phải cà phê phin(Filter).Những người miền Bắc sau 1975 vào Nam ngỡ ngàng với phin cà phê, gọi là “Cái nồi ngồi trên cái cốc,” rất tượng hình.
Cà phê hay đi đôi với thuốc lá. Thưởng thức cà phê, họ ngồi nhìn những giọt lệ đen thong thả nhỏ xuống tách từng giọt một. Trong khi đợi cà phê, đốm lửa lập lòe trên đầu điếu thuốc lá. Một hình ảnh rất đẹp trong những chiều mưa bong bóng.
Cà phê ngon đúng độ, pha đúng cách phải có mầu nâu vàng đậm óng ánh như màu cánh gián. Nếu đen thui là cà phê đó đã được pha chế vào một loại hạt nào khác như ngô, đậu. Không thể nào cho bạn tách cà phê ngon được.
Có người nói, cà phê pha bằng máy Expresso ngon hơn pha phin, vì độ nóng chính xác của hơi nước làm cà phê tiết ra mùi vị trung thực của nó, pha phin không phải lúc nào cũng ngon như ý mình muốn. Họ quên mất một điều, thưởng thức cà phê không phải chỉ bằng vị nếm mà còn bằng mắt nhìn.
Từng giọt, từng giọt rơi xuống cái ly thủy tinh trong suốt như kéo thời gian chậm lại, níu lại một khoảng khắc nào đó trong đời. Đợi cà phê rơi xuống có thể rơi theo một câu thơ, có thể là cái cớ thốt lên một lời hứa hẹn, hay xóa tan một nỗi buồn.
Không còn gì tuyệt diệu hơn.
Tôi nhớ hồi đi học. Thầy dậy Pháp Văn của chúng tôi là một vị tu xuất. Thầy thuộc rất nhiều thơ Việt, thơ Pháp. Chúng tôi chưa đủ giỏi để thuộc những bài thơ Pháp khó khăn. Thầy hay kiếm bài giản dị đọc cho chúng tôi nghe trong giờ giảng bài, vừa đọc vừa dịch. Thầy chọn bài nào cũng hay cả, tôi nhớ được một bài giản dị nhất và theo tôi cũng là hay nhất trong những bài thầy đọc. Một bài thơ về cà phê rất lãng mạn.
Bây giờ lớn tuổi nghĩ lại, tôi biết người thầy dạy Pháp Văn của mình hồi đó phải có một chút thơ, có một chút lãng mạn trong máu, nên học trò mới được thưởng thức những câu thơ của Jacques Pérvert, tôi xin trích một đoạn trong bài Điểm Tâm – Déjeuner du matin
Il a mis le café                                                Chàng bỏ cà phê
Dans la tasse                                                  vào trong cái tách
Il a mis le lait                                                 chàng bỏ thêm sữa
Dans la tasse de café                                     vào tách cà phê
Il a mis le sucre                                             chàng bỏ thêm đường
Dans le café au lait                                       vào cà phê sữa
Avec la petite cuillère                                    với chiếc muỗng nhỏ
ll a tourné                                                      chàng quấy khe khẽ
Il a bu le café au lait                                     chàng uống nhè nhẹ
                                                                       ly cà phê sữa
Et il a reposé la tasse                                    để cái tách xuống
Sans me parler                                              Không lời với tôi
Cái hình ảnh một thầy giáo trẻ cầm viên phấn trắng trên tay, đi qua đi lại trong lớp học, có khi thầy ghé ngồi vào một góc đầu bàn của nam sinh, cất tiếng đọc mấy câu thơ tiếng Pháp, những câu giản dị, dễ hiểu nhưng rất gợi hình như những câu trên, học trò cứ ngây người ra nghe. Các nam sinh thì ao ước được làm anh chàng đang tự pha cà phê đó, các nữ sinh thì mong được làm người yêu, ngắm nghía chàng pha cà phê, uống cà phê, rồi… đội mũ lên đầu, bỏ đi. Sans me parler– Không lời với tôi. Lãng mạn như thế, làm sao mà quên được!
Bao nhiêu năm tháng trôi qua, vào những sáng mưa nho nhỏ, với ly cà phê nho nhỏ, đứng nhìn ra cửa sổ, mưa bay bay trên con dốc, trên những tán lá xanh ngọc, uống từng ngụm cà phê cũng nho nhỏ, những câu thơ lãng mạn đó lại quay về trong lồng ngực.
Mưa ở Seattle tinh khiết hơn bất cứ ở đâu nên màu diệp lục trên những tán lá óng ả, mượt mà hơn. Cà Phê Starbucks, Cà Phê Seattle Best, đều gần lắm, gần như ở ngay bên cạnh hiên nhà. Những giọt cà phê nho nhỏ, thơm ngát rơi rất nhẹ vào chiếc tách sứ mong manh có hoa văn hay chiếc ly thủy tinh trong suốt đều cho một nỗi quyến rũ rất dịu dàng
Cà phê ơi cà phê ơi!
Giọt ngọt giọt đắng em mời môi thơm.
Ừ thì có giọt đắng hơn
Em nghiêng tách xuống rót buồn sang anh.(tmt)
Bạn tới thăm Seattle đi, thế nào tôi cũng phải đưa tới tiệm Starbucks đầu tiên được thành lập ở Down Town Seattle. Chúng ta sẽ tuần tự, lịch sự, kiên nhẫn, xếp hàng chờ tách cà phê được đưa ra cho bạn đón lấy, rồi ngồi xuống ghế. Hay bạn đợi để có một ly cao hơn một chút, có thể mang ra ngoài, vừa uống từng ngụm nhỏ vừa nhìn ngắm chợ hoa bên kia đường. Starbucks được một trong ba người sáng lập là nhà văn, hai người kia là giáo sư Anh Văn và giáo sư môn Sử. Cả ba người điều thấm đậm tinh hoa của văn chương, chữ nghĩa, nên có phải nhờ đó những ly cà phê của họ làm ra đến với giới thưởng ngoạn, có cái thanh cao, nhã đạm ở từng giọt tan trong miệng mình.
Bao nhiêu bài thơ được viết xuống, bao nhiêu bài tường thuật tin tức và bao nhiêu những trăn trở, tính toán, lo toan, vui buồn, chẩy xuống theo những giọt cà phê?
Ai còn nhớ cà phê trong những phòng trà của Sài Gòn, uống từng ngụm nhỏ theo tiếng hát của Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Thúy hay trong những quán nhỏ bên đường, nơi hò hẹn của những người bắt đầu yêu hay đã yêu, hai người uống chung một tách cà phê.
Người ta hay nghe được câu gọi cà phê như thế này ở những cặp tình nhân trẻ trong quán cà phê ở Đakao của một Sài Gòn thủa trước.
– Cho một ly cà phê sữa và một ly sữa cà phê
Người chủ quán biết ngay là ly của chàng thì cà phê đậm đặc với một chút sữa và ly của nàng thì sữa với một chút cà phê cho thơm thôi.
Cà phê là một khía cạnh văn hóa rất đẹp của miền Nam. Những người ra đi mang theo văn hóa này đến những phần đất họ cư ngụ nên rất nhiều người bản xứ biết và thích “Cà Phê Việt Nam”.
Tôi may mắn có Cà phê Starbucks nổi tiếng thế giới ngay trong thành phố tôi ở. Tôi cứ đi vài ba ngã tư đường lại thấy một quán Starbucks.
Starbuck theo chân ta đến khắp mọi nơi và trao cho ta những giọt cà phê thanh nhã, những ngụm cà phê tuyệt vời.
Starbucks sang Việt Nam và sang đến cả Trung Hoa. Đây là hình ảnh tôi được xem trên trang mạng vào ngày trái đất 22 tháng 4 năm 2017.
 
Theo truyền thông Trung Hoa đưa tin, hưởng ứng Ngày Trái Đất thế giới 22/4, hãng cà phê nổi tiếng Starbucks đã có một số chương trình hoạt động khuyến mãi vô cùng hấp dẫn.
 
 
Theo đó, khách hàng mang cốc riêng đến một số cửa hàng trong chuỗi Starbucks sẽ được uống cà phê miễn phí. Để đáp ứng lời mời ngọt ngào ấy, từ sớm, một hàng dài người đã xếp hàng chờ tới giờ mở cửa. Điều đáng nói ở đây, là mọi người tới không phải mang theo cốc, mà là tô lớn, nồi, chảo, chậu rửa mặt, thậm chí can đựng nước 20 lít.
 
Chao ơi! Hình ảnh những người cầm nồi, chảo đi nhận cà phê miễn phí trông thật đau lòng.
Tôi nhớ dân tộc Trung Hoa với tách trà, ấm cổ, nổi tiếng thanh lịch về trà và về cách uống trà. Sao từ trà sang cà phê lại đến nỗi này.
 
 
Có phải những người Trung Hoa trong sách tôi đọc ngày xưa và những người Trung Hoa ngày nay không cùng một chủng tộc.
Một anh bạn văn nói, xem hình này thấy phục Starbucks quá! Đem thau chậu to, nhỏ, cỡ nào cũng được rót đầy. Đây mới gọi là hành động thương mại siêu việt.
Còn tôi, chỉ biết thảng thốt kêu:
Cà phê ơi! Cà phê ơi!
tmt
5/5/2017

 

1 thought on “Cà Phê Ơi! Cà Phê Ơi!

  1. TT.Hiếu Thảo

    Bài ghi chép phóng sự nhưng văn hay quá. Ý tưởng được gởi vào cũng hay, bài thơ tiếng Pháp câu cuối là lãng mạn và hình ảnh gợi tả- thơ của Jacques Pérvert. Tôi thật tình ít uống coffee và sợ ghiền sẽ khổ… Nhưng tôi viết truyện và tiểu thuyết lúc nào tôi có dịp vẫn mang nó vô tác phẩm vì cái hồn, nó rất thơ mộng tôi thích để làm nền cảnh… Vì tôi cho những người uống coffee rất tri thức và khơi chuyện, bình dân cũng nạp được niềm vui và năng lượng…
    Thì ra mình sử dụng hình dung ly coffee trong các tâm trạng không tồi…-XIn giới thiệu tôi đã viết liên quan đến coffee
    Mình đùa thôi. Lưu Ngọc Thanh nhìn vào mắt bạn Ngọc Trinh nói thế lại pha chút dò xét. Nụ cười mỉm chi cô kéo lại, vẫn chưa tắt trên môi.
    Sau đó cả hai dùng coffee thật thơm phức nổi tiếng của Pháp. Dòng sông nước chảy thật êm đềm, và bao cảnh vật nơi đây thanh bình trang nhã như đưa hương vào lòng họ…
    Một sáng sớm trong lành thanh bình, thơm khiết vây lấy hai tâm hồn. Của hai người bạn, thật lâu họ mới gặp lại. Cả hai đang thưởng thức một bữa ăn sáng điểm tâm của người Pháp có cả coffee ban đầu. Có lẽ những ly coffee nổi tiếng thượng hạng ở đây, đem đến hàng triệu người trên thế giới đều ngưỡng mộ và ưa thích! Và có lẽ trái tim họ cũng dành cho những bản tình ca hay nhất nước Pháp nữa. Của thế kỷ mười sáu, rồi kéo mãi hôm nay nữa! Đố ai mà không mê đến chết người nhỉ? Khi dòng nhạc thách thức qua bao thăng trầm biến loạn của vũ trụ, vẫn hiên ngang sống mãi… Lưu Ngọc Thanh, Ngọc Trinh ngồi nghe như thế. Họ gần như quên hết những vui buồn chung quanh.*/ TTHT 2014 (Trích trong tp:Ngỡ Ngàng Màu Phai)***
    Anh hồi hộp trong lòng thì Nguyễn Tùng đã chuẩn bị đủ thứ bảo:
    – Có nhiều loại rượu mạnh, có rượu Champagne nhẹ… có trà Bắc Thái, có coffee Trung Nguyên Việt Nam thượng hạng, có cả coffee Pháp. Chu Vinh thích dùng gì cứ tự nhiên. Nếu mà uống rượu mạnh là không nên về đó nha.
    – Tiên chủ hậu khách đi. Chu Vinh nói và nhìn Nguyễn Tùng thân mật.
    – Nhưng trường họp này khác, mình ưu tiên cho khách.
    – Nói đùa thôi hai ta cứ coi như bạn có chi là.
    – Ừa đúng vậy. Ta không nên khách sáo mất tình cảm. Nguyễn Tùng chỉ hai ly coffee pha sẵn để riêng ra trên bàn, gần bộ bình trà tách và chai rượu XO cognac, rồi anh bảo thêm:
    – Nói đùa vài câu cho vui thôi. Hai ta dùng coffee nha, coffee Trung nguyên VN đó, mình mới chế rồi đó.
    – Được cám ơn bạn. Nhà bạn sắm tết không khác chi Việt Nam.
    – Lan Anh làm cho không khí tết đó.
    – Xin chúc mừng anh thật hạnh phúc.
    – Thanks bạn hiền.
    Tùng nói và nếm môi coffee. Chu Vinh cũng nếm theo.
    Coffee thật đậm đà hương vị nhưng cả hai không nói, chỉ cảm.
    Đoạn Nguyên Tùng bảo:
    – Thời gian đi qua nhanh quá Chu Vinh ơi.
    – Đúng, nhưng bạn có tất cả.
    – Cũng thường thôi, chỉ có Lan Anh là vốn quý trong đời tôi.
    – Vinh xin chúc mừng Tùng một lần nữa, và mong cho Tùng mãi mãi…
    Tùng lắng nghe, anh không nhìn đồng hồ đổ chuông reo, mà nhìn đồng hồ đeo ở tay mình rồi Tùng bảo:
    – Anh chờ tôi chút, tôi sẽ quay lại.
    Chu Vinh như chưa hiểu ra điều chi. Chu Vinh chưa kịp trả lời, Nguyễn Tùng ngụm thêm tý coffee lần nữa rồi tiến sâu vào thang lầu. Còn lại một mình Chu Vinh có dịp ngắm nơi phòng khách. (Trích trong tp Sóng Tình Yêu)***
    Hoặc là. Chàng lần đó đi uống coffee một mình trong một cái hẻm có vẻ bình dân hơn, tại một góc núi. Ly coffee chàng không phải được nàng mang ra, mà là một người khác. Nhưng bên cạnh chàng, hai vị khách ngồi là nàng Thanh Trúc mang ra. Một người tay dùng tiền nhét bỏ vào bờ chiếc áo “bra” nơi ngực Thanh Trúc, trong khi nàng vẫn mặc chiếc áo khá kín đáo. Tay Thanh Trúc hất tiền ra, và chúng một tên lên tiếng hách hách cười rồi bảo:
    – Đi làm gái bán coffee mà chãnh nha.
    – Đừng ăn nói vô lễ với tôi có được không?
    – Không bao giờ được.
    Tên khác lại cười bảo:
    – Chẳng ham tiền chút nào đồ ngốc. Hay là chê mày đó thôi.
    Hai tên lại ha hả, cười để thích chí với những câu nói của mình. Nàng Thanh Trúc đã lẳng lặng vào trong…
    Nghĩa Phi ngồi kế bên đưa mắt nhìn họ không nói gì. Quán nơi đây vốn hợp bình lặng, để suy tư thưởng thức coffee thơm nguyên chất, đậm đà. Anh đưa mắt nhìn những cánh hoa Lan, hoa Thủy Tiên, Mẫu Đơn, Hoa Cúc và nhiều hoa khác đẹp ơi là đẹp nơi này, và nghe những bài hát Diễm Xưa, Biển Nhớ, Nắng Thủy Tinh của Trịnh Công Sơn từ loa bên trong phát ra nhè nhẹ, nhừa nhựa, mơ hồ nữa… Vậy mà sao lại có kẻ quấy rầy làm hư hỏng một không gian thơ mộng thế kia? Nghĩa Phi nghĩ. Nếu không biết nghe nhạc và thưởng thức coffee theo kiểu này, thì đến đây làm gì nhỉ?
    (Trích trong tp Chú Chó Khôn Ngoan 2017)***
    Và còn rải rác trong các tác phẩm khác. Thảo luôn luôn chú trọng hình ảnh này. 39 tp thì có mặt hình ảnh coffee khoảng 19 tp hoặc hơn nữa. Tại “chủ nhân” rất ghiền coffee và hương vị nó trên trang giấy. Hi hi. Tp sắp in nên “sẵn dịp” quảng bá cho vui lòng mình-vì bài viết của MT chạm tim. Kính chúc HX và tất cả các bạn luôn giàu năng lượng!!!

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.