“Hướng đạo Phật giáo” – Gia đình Phật tử – Hướng đạo Công giáo.

Tác giả: LS Nguyễn Lệnh

Tp. Hồ Chí Minh ngày 21/12/2019.

Kính gởi: Các Huynh trưởng HĐVN.

Tôi xin được gởi lại bài khảo cứu cách nay đã 9 năm (tháng 11/2010) nhưng vẫn phù hợp trong tình hình hiện nay đối với Phong trào HĐVN.

Ls. Nguyễn Lệnh.

     Khi phong trào Hướng đạo được du nhập vào Việt Nam, theo thời gian, nó đã tạo ra được tiếng tốt cho phong trào và đã có tác động lớn trong công cuộc giáo dục thanh thiếu niên như là loại hình giáo dục bổ sung cho giáo dục của gia đình và nhà trường. Bên cạnh việc giáo dục các kỹ năng sống theo một phương pháp khoa học và đầy lôi cuốn gọi là Phương pháp Hướng đạo, các điều Luật Hướng đạo cũng thể hiện một mục tiêu rèn luyện đạo đức rất cao cho những Hướng đạo sinh. Với Điều Luật thứ 10: “Hướng đạo sinh trong sạch từ tư tưởng, lời nói đến việc làm” đã nói lên sự đòi hỏi ở các HĐS một sự rèn luyện, tu dưỡng về đạo đức không thua kém một tu sĩ. Do đó, phong trào Hướng đạo VN và các tôn giáo lớn như Phật giáo và Công giáo đã có những tương quan, những sự cộng hưởng nhất định trong quá trình phát triển của phong trào HĐVN thông qua những hoạt động cụ thể của Hội Hướng đạo VN trong thời gian qua. Có mối tương quan mờ nhạt mà cũng có mối tương quan mật thiết khó phân định giữa Hội HĐVN và tôn giáo. Vì vậy, lần lượt, chúng ta sẽ khảo cứu những mối tương quan ấy để có cái nhìn thấu đáo hơn về ảnh hưởng của phong trào HĐVN đối với các hội đoàn tôn giáo ở VN.

   “Hướng đạo Phật giáo”:
     Cụm từ “Hướng đạo Phật giáo” được đặt trong ngoặc kép vì sẽ rất khiên cưỡng nếu đặt tên như thế cho một chủ thể, một lực lượng không có thật. Cũng không thể nói rằng: gọi “Hướng đạo Phật giáo” là đúng vì đã có một Hướng đạo Công giáo hình thành và hoạt động rất mạnh mẽ trong phong trào HĐVN từ những năm 1937, 1938 đến nay nên phải có một “HĐ Phật giáo” cho cân xứng. Thật ra, nếu xét về căn cứ thành lập và thực tiễn hoạt động thì không hề có “Hướng đạo Phật giáo” trong phong trào HĐVN. Vậy, những Hướng đạo sinh Phật giáo được chăm lo Phật sự như thế nào trong quá trình phát triển của phong trào HĐVN ?
Có rất ít tư liệu nói về hoạt động của “HĐPG” vì yêu cầu về việc chăm lo Phật sự cho các HĐS Phật giáo sau một thời gian dài trên 30 năm, kể từ khi có phong trào HĐVN, mới được Hội Hướng đạo VN đặt ra chớ không có sự quan tâm chủ động nào từ phía Giáo hội Phật giáo. Đến những năm đầu thập niên 1960, khi Đại Hội Đồng HĐVN nhóm họp tại Sài Gòn đã cử trưởng cao cấp đến chùa Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự xin Giáo hội cử người để thành lập Văn phòng Cố vấn giáo hạnh cho Hướng đạo sinh Phật giáo nhưng đã không thể có kết quả sớm. Mãi cho đến khi Trưởng Tôn Thất Đông và Trưởng Lê Cảnh Đạm, theo yêu cầu của Hội, đã lên chùa Từ Đàm yết kiến Thượng tọa Trí Quang nhờ Thượng tọa nói giúp cho để Giáo hội sớm cử cao tăng lo việc Phật sự cho Hôi HĐ thì mới có kết quả. Giáo hội đã cử Đại Đức Thích Châu Toàn – 32 tuổi, đến làm Tổng cố vấn giáo hạnh cho “HĐ Phật giáo” vào năm 1964 – cùng một vị phụ tá là Đại Đức Tâm Thanh. Lúc đầu, Văn phòng Cố vấn giáo hạnh được tổ chức hẳn hoi, với các thành viên giúp việc cho Tổng cố vấn giáo hạnh là: Chánh văn phòng: Tr. Tôn Thất Dương Vân; Tổng thư ký: Tr. Lê Mộng Ngọ; đặc trách Tráng: Tr. Đỗ Quý Toàn; Thiếu: Tr. Nguyễn Trực; Ấu: Tr.Lưu Diệu Liên; và một số chức sắc khác. Văn phòng Cố vấn giáo hạnh rất bề thế, có nhân viên giỏi, nằm trong Tổng vụ Thanh niên Phật giáo ở đường Hiền Vương. Mặc dù vị Tổng cố vấn giáo hạnh và phụ tá của mình cùng với các thành viên khác trong Văn phòng đã bỏ nhiều công sức nhưng vì không có chân rết tại các địa phương nên hoạt động của Văn phòng Cố vấn giáo hạnh không phát triển được.
Ngày 24/6/1974, Đại Đức Thích Châu Toàn, làm Tổng cố vấn giáo hạnh cho “HĐ Phật giáo” được 10 năm (1964 – 1974) đã bị đột quỵ và sau đó qua đời tại bệnh viện. Hoạt động của Văn phòng Cố vấn giáo hạnh “HĐ Phật giáo” cũng không còn hoạt động gì và cụm từ “Hướng đạo Phật giáo” cũng không còn được gọi từ đó ! (1)

Gia đình Phật tử:
Tuy không thể nói Gia đình Phật tử thoát thân từ phong trào Hướng đạo VN nhưng thời điểm xuất hiện loại hình hoạt động tương đối mới mẻ và trẻ trung này cùng với hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục có nhiều điểm tương tự như của phong trào Hướng đạo khiến cho nhiều người cho rằng Hướng đạo là mô hình giáo dục thanh thiếu niên đã được chuyển hóa thành Gia đình Phật tử của Giáo hội Phật giáo.

Lược sử Gia đình Phật tử Việt Nam:
Mùa thu năm 1940, Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục ra đời với sự bảo trợ của Hội An Nam Phật học và sự hướng dẫn trực tiếp của nhà Phật học: Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám và một số trên chục anh em khác. Đoàn đã tổ chức “Phật học tùng thư” và xuất bản rất nhiều sách Phật giáo nhằm xây dựng phong trào thanh niên học Phật. Các đoàn viên thanh niên Phật học Đức Dục chia nhau đến các chùa, Niệm Phật đường gom góp các nhóm Đồng ấu lại, tổ chức thành Đội, Đoàn, tập cho các em hát, tụng kinh, làm việc thiện và sống theo các hạnh lành.
Năm 1944, trong Lễ Phật đản tại đồi Quảng Tế – Huế, các đơn vị thanh niên Phật học, Hướng đạo Phật giáo, Đồng ấu Phật học … họp đại hội và khai sinh tổ chức Phật hóa Phổ – tiền thân Gia đình Phật tử ngày nay. Bốn Gia đình Phật hóa Phổ đầu tiên được thành lập tại Huế là: Gia đình Tâm Minh, Tâm Lạc, Thanh Tịnh và Sum Đoàn do các bác Lê Đình Thám, Phạm Quang Thiện, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Hữu Tuân làm Phổ trưởng và các anh trong đoàn thanh niên Phật học Đức Dục phụ trách hướng dẫn sinh hoạt. Gia đình Phật hóa Phổ đã lớn mạnh theo từng bước phát triển của các Khuôn hội, Niệm Phật đường, tỏa ra các tỉnh miền Trung cao nguyên và lan dần đến cả hai miền Nam Bắc.
Những ngày 24, 25, 26/04/1951, tại Thuận Hóa – Huế, Đại hội Gia đình Phật hóa Phổ họp tại chùa Từ Đàm gồm đại biểu của 9 tỉnh miền Trung gồm Thừa Thiên, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Viên, Bình Thuận, Dran, Đồng Nai Thượng và Hà Nội, Hải Phòng. Tại Đại hội này, tên “GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM” được thay cho Gia đình Phật hóa Phổ và một bản Nội quy trình cũng được ra đời từ đây. Anh Võ Đình Cường, Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật hóa Phổ Thừa Thiên được cử giữ chức vụ Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Tổng hội Trung phần.
Năm 1953, Hội nghị Gia đình Phật tử lần thứ 2 được triệu tập tại Huế với đầy đủ các đại biểu của 3 miền Trung, Nam, Bắc để soạn thảo chương trình tu học cho các ngành, các cấp, thống nhất hình thức, tổ chức, đồng phục, huy hiệu, phù hiệu … Tại Sài Gòn, Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Nam Việt được thành lập dưới sự bảo hộ của Hội Phật học Nam Việt. Anh Tống Hồ Cầm được Hội cử làm Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Nam Việt năm 1954. Sau đó, các Gia đình Phật tử nở rộ khắp nơi như: Chợ Lớn, Sài Gòn, Thủ Đức, Thủ Thiêm, Cầu Kè, Biên Hòa, Cần thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sa Đéc, Trà Ôn, Long Xuyên, Vũng Tàu… Tại các tỉnh, mỗi Gia đình Phật tử có một Thầy cố vấn giáo lý. Ở Sài Gòn có quý Ngài Thiện Hoa, Thiện Hòa, Thiện Định, Thanh Từ, Trí Hữu, Huyền Vi … làm cố vấn.
Tại Hà Nội, Hội Việt Nam Phật giáo Bắc phần thành lập thêm Gia đình Phật tử Minh Tâm sinh hoạt tại chùa Quán Sứ dưới sự hướng dẫn của các anh Nguyễn Văn Nhã, Văn Đình Hy. Anh Nguyễn Văn Nhã sau này là Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT Bắc Việt.
Qua 9 lần đại hội từ 1951 – 1973, Gia đình Phật tử Việt Nam đã từng bước trưởng thành trong lòng các Giáo hội đương nhiệm. Từ 4 Gia đình Phật hóa Phổ đầu tiên tại Huế, lên đến 812 Gia đình Phật tử thuộc 48 tỉnh, thành tại miền Nam, với 7.200 Huynh trưởng và 72.600 Đoàn sinh (theo báo cáo của Đại hội năm 1973 tại Đà Nẵng). Gia đình Phật tử đã hoàn chỉnh về tổ chức, có nội quy ổn định, có đường hướng giáo dục rõ ràng, có châm ngôn, điều luật và cách chào nhau đã hoàn hảo mà mãi cho đến ngày nay vẫn còn giữ nguyên giá trị ban đầu ấy.
Năm 1970 – 1973, Gia đình Phật tử thành lập Ban Bảo trợ và cựu Huynh trưởng hoạt động song hành để hổ trợ cho tổ chức Gia đình Phật tử.
Cuộc họp lịch sử ngày 19/10/1997 tại Thiền viện Vạn Hạnh (Tp. HCM) ra đời một bản thông báo có chữ ký của Hòa thượng Thích Minh Châu và 4 Huynh trưởng cấp Dũng gởi đến toàn thể Huynh trưởng và Đoàn sinh Gia đình Phật Tử Việt Nam đề nghị tu chỉnh một số điều trong Nội quy và Quy chế Huynh trưởng của Gia đình Phật tử cho phù hợp với Hiến chương của Gíao hội Phật giáo Việt Nam. Cũng trong năm này, Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IV diễn ra tại Hà Nội, Gia đình Phật tử được chính thức công nhận, ghi vào Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Chương V Điều 19, nay là Điều 21).
Năm 1998, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập các Ban Hướng dẫn Phật tử từ Trung ương đến các Tỉnh, Thành. Ngành Cư sĩ Phật tử do Chư Tăng trực tiếp lãnh đạo, ngành Gia đình Phật tử do Huynh trưởng điều hành theo chủ trương đường lối của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cuối tháng 7 năm 2001, tại Tổ đình Từ Đàm – Huế, đã diễn ra 3 sự kiện lịch sử trọng đại: Lễ kỷ niệm 50 năm GĐPTVN (1951 – 2001), Hội nghị Huynh trưởng cấp Tấn để tu chỉnh Nội quy GĐPT cho phù hợp với Hiến chương Giáo hội PGVN và luật pháp Nhà nước, và khai mạc Trại huấn luyện Huynh trưởng cấp ba Vạn Hạnh II (2001 – 2005). Sau đó, hàng trăm trại huấn luyện Huynh trưởng sơ cấp, cấp một, cấp hai được các tỉnh thành liên tục tổ chức để đào tạo lớp Huynh trưởng kế thừa.
Năm 2003, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN thành lập Hội đồng xét xếp cấp Dũng cho 5 Huynh trưởng, đánh dấu một bước trưởng thành của GĐPT trong lòng GHPGVN.
Cuối tháng 7 năm 2005, Trại huấn luyện Huynh trưởng cấp ba Vạn Hạnh II khai khóa năm 2001 đã tổ chức trọng thể Lễ bế mạc tại trại trường chùa Trúc Lâm – Huế, dưới sự chứng minh của Chư Tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh thành. 268/290 Huynh trưởng cấp Tín thuộc 17 tỉnh thành sau 4 năm học tập, vượt qua 4 kỳ khảo sát (2001 – 2005) đã được cấp Giấy Chứng nhận hoàn thành chương trình bậc Lực – Trại Vạn Hạnh II. Đây là Trại huấn luyện Huynh trưởng cấp cao nhất của GĐPT (đào tạo Huynh trưởng hướng dẫn cấp tỉnh thành) được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1973.
Năm 2006 Hội nghị Đại biểu Huynh trưởng GĐPTVN họp tại Tp. Hồ Chí Minh để tu chỉnh nội dung chương trình tu học của GĐPT, khai khóa học Huynh trưởng bậc Lực – Trại Vạn Hạnh III (2006 – 2010) và trao huy hiệu cấp Tấn cho 94 Huynh trưởng đủ điều kiện.
Năm 2007, Trại họp bạn ngành Thiếu toàn quốc sau 47 năm chờ đợi đã được tổ chức quy mô hoành tráng tại chùa Linh Ứng – Bãi Bụt – Sơn Trà – Đà Nẵng.
Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2007 – 2012 tại Hà Nội công nhận Trưởng ngành Gia đình Phật tử là Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, một lần nữa xác định vị trí của GĐPT trong tổ chức GHPGVN.
Gần 60 năm qua, tổ chức GĐPT, tuy có thịnh suy, có ly hợp nhưng vẫn luôn khẳng định mình để tồn tại và vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Từ đường hướng giáo dục, chức năng giáo dục của GĐPT, đã tạo ra một đội ngũ huynh trưởng trong sáng, nhiệt tâm, là những người trọn đời sống đúng theo chánh pháp và phụng sự chánh pháp. GĐPT đã có những cống hiến cho Đạo pháp và Dân tộc; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, nền luân lý đạo đức xã hội, xây dựng đời sống đạo đức cho con em thành những con ngoan trò giỏi, thành những Phật tử chân chính, những công dân mẫu mực.
Xin lưu ý rằng: Vào năm 1944 khi hình thành tổ chức Gia đình Phật tử mà tiền thân là tổ chức Phật hóa Phổ, được khai sinh vào Lễ Phật Đản tại đồi Quảng Tế – Huế, có sự tham gia chính thức của các đơn vị Hướng đạo Phật giáo.(2)

Nội quy Gia đình Phật tử Việt Nam:
     Bản Nội quy GĐPT VN gồm có 7 Chương, 32 Điều, được tu chỉnh tại Hội nghị Huynh trưởng cấp Tấn, Dũng Gia đình Phật tử toàn quốc ngày 28 – 29/07/2001 tại Tổ Đình Từ Đàm – Tỉnh Thừa Thiên Huế. Xin được tóm tắc như sau:
Trong phần Lời nói đầu, bản Nội quy xác định 2 điều quan trọng: * GĐPTVN sinh hoạt tu học trong pháp lý GHPGVN và pháp luật Nhà nước hiện hành** GHPGVN quản lý toàn bộ các sinh hoạt tu học của GĐPT kể cả vấn đề cơ cấu nhân sự các cấp theo Hiến chương của GHPGVN.
– Chương I: Danh hiệu – Mục đích – Châm ngôn – Khẩu hiệu – Điều luật: Đây là Chương quan trọng nhất với các  Điều chính như sau:
– Điều 2: Mục đích: Đào luyện Thanh – Thiếu – Đồng niên tin Phật thành Phật tử chân chính. Góp phần phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội.
– Điều 3: Châm ngôn: Bi – Trí – Dũng.
– Điều 4: Khẩu hiệu: Tinh Tấn.
– Điều 5: Điều luật – Bao gồm:  5 Điều luật của Huynh trưởng và Đoàn sinh Thanh, Thiếu niên: *Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện; **Phật tử mở rộng lòng thương và tôn trọng sự sống; ***Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật; ****Phật tử sống trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm; *****Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo. Và 3 Điều luật của Đồng niên (Oanh Vũ): *Em tưởng nhớ Phật; **Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em; ***Em thương người và vật.
– Chương II: Huy hiệu – Phù hiệu – Cấp hiệu – Bài ca chính thức – Cách chào – Cờ – Đồng phục.
– Chương III: Tổ chức – Nhiệm vụ – Liên lạc – Sinh hoạt – Tài chính.
– Chương IV: Điều kiện được công nhận – Gia nhập – Kỷ luật – Tạm ngưng – Giải tán.
– Chương V: Tu học – Huấn luyện.
– Chương VI: Xét xếp cấp Huynh trưởng.
– Chương VII: Tổng quát – Sửa đổi.
Bên cạnh Bản Nội quy có Phụ đính Nội quy GĐPT đính kèm hướng dẫn chi tiết quy cách, cách thức của Huy hiệu, Phù hiệu, Cấp hiệu, Bài ca chính thức, Cách chào, Cờ của GĐPT, và Đồng phục.
Nhìn vào lịch sử phát triển của Gia đình Phật tử và Bản Nội quy được xây dựng một cách hoàn chỉnh, bất cứ ai cũng đều nhận thấy dấu ấn của những Hướng đạo sinh đã cùng tham gia xây dựng nên một đoàn thể Gia đình Phật tử VN thuộc GHPGVN ngày nay. Có thể nói đây là một mô hình hoàn thiện về sự chuyển hóa: “Hướng đạo trong lòng Phật giáo”. Còn nói theo quy luật vận động, phát triển và theo qui định của pháp luật Nhà nước hiện hành, một hội đoàn tôn giáo như Gia đình Phật hóa Phổ hay Gia đình Phật tử của Phật giáo không thể ghép cùng phong trào Hướng đạo để cùng đứng chung trong một tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân là Hội Hướng đạo VN.

Hướng đạo Công giáo:
Hướng đạo Công giáo có thể được coi gần như là đồng hành với phong trào Hướng đạo Việt Nam suốt 80 năm qua kể từ khi Hướng đạo được đưa vào Việt Nam bởi các vị Linh mục thừa sai người Pháp. Khi họ còn ở Pháp, các vị Linh mục này đã từng tham gia, hoạt động trong phong trào Hướng đạo với tư cách là Tráng sinh, Huynh trưởng hoặc với tư cách là Tuyên úy. Vì vậy, giữa Hướng đạo và Công giáo đã có một quá trình lịch sử lâu dài thể hiện sự pha trộn nhưng không hòa nhập mà cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu về một sự ổn định để phát triển tương tự như Gia đình Phật tử. Xin lần lượt khảo cứu lịch sử của Hướng đạo Công giáo và những tồn tại trong nội bộ của danh xưng Hướng đạo Công giáo.

Hướng đạo Công giáo Việt Nam trước 1975:
     Theo tài liệu chính thức của Văn phòng Trung ương Hướng đạo Công giáo VN thì sau khi sang VN, các vị Linh mục thừa sai đã liên lạc với những công chức và quân nhân Pháp đã từng hoạt động Hướng đạo để tổ chức các đơn vị đầu tiên tại trường trung học Pháp Albert, Nhà chung Hà Nội, rồi đến nhà thờ Hàm Long và sau đến nhà thờ Cửa Bắc (xứ các Thánh Tử Đạo). Những đoàn HĐ này do một số Trưởng người Pháp điều khiển. Thành phần gồm có thanh niên nam nữ Việt và Pháp, không phân biệt tôn giáo, đặt trụ sở tại nhà chung Hà Nội (năm 1926).
Dần dần, các đơn vị Hướng đạo Công giáo được thành lập trong các tỉnh Bắc việt như: Hải Phòng, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Sơn Tây, Bùi Chu … với các Cha Tuyên úy phần đông là người Pháp, có một ít Cha người Việt.
Năm 1937, Liên Hội Hướng đạo Đông Dương được thành lập, ủy nhiệm anh Trần Văn Thao làm Ủy viên các đoàn HĐCG miền Bắc. Anh Trần Văn Thao có xuất bản 2 cuốn sách: Hướng đạo là gì ?và Hướng đạo với Hội thánh Công giáo.
Năm 1939, số đơn vị HĐCG phát triển đông mà một Ủy viên HĐCG không đủ sức phụ trách cho toàn xứ Bắc nên Hội (?) đã đem các đơn vị này cho sáp nhập vào các Đạo, không phân biệt tôn giáo hay là chủng tộc nữa.
Nhưng việc sáp nhập đã gây nhiều trở ngạicho các anh em Công giáo trong sinh hoạt tín ngưỡng của mình nên các Tuyên úy và các trưởng Công giáo đã quyết định thành lập “Phòng Liên lạc Hướng đạo Công giáo“.
Ngày 12/10/1941 tại Huế, Ban Giám đốc của Liên hội Đông Dương được triệu tập để cứu xét Bản Quy luật của Phòng Liên lạc. Sau nhiều ngày thảo luận, Liên Hội chấp thuận việc thành lập Văn phòng Liên lạc và chính thức công nhận các chức vị trong Văn phòng này.
Bản Quy luật này ấn định: a/ Chức vụ, địa vị và quyền hạn của: – Cha Tổng tuyên úy – Trưởng Phòng liên lạc – Đoàn trưởng thuộc các đơn vị Công giáo không phân biệt chủng tộc. b/ Hệ thống tổ chức Phòng Liên lạc của các đoàn Công giáo. c/ Hoạt động của Phòng liên lạc như: xuất bản sách báo, cổ động, huấn luyện.
Thành phần của Phòng Liên lạc thời ấy gồm có: – Một Ủy viên HĐCG toàn quốc – Một Phó Ủy viên – 3 Ủy viên công cán – Một Cha Tổng Tuyên úy – Một Phó Tổng tuyên úy (BV) – Một Phó Tổng tuyên úy (NV). Một số nhân viên phụ trách các ban và một số thân hữu Hướng đạo.
Văn phòng Liên lạc được đặt tại trụ sở của Liên Hội số 86 phố Hàng Trống Hà Nội. Nhưng không được bao lâu thì tình trạng gây hấn Nhật Pháp xảy ra làm cho các hoạt động của Phòng Liên lạc phải ngưng hoạt động.
Đầu năm 1946 Hội HĐVN thành lập và Phòng Liên lạc HĐCG VN cũng tổ chức lại trên cơ sở cũ của Phòng Liên lạc HĐCG Đông Dương. Tới cuối năm 1946, vì chiến sự trong nước nên Hướng đạo đã ngưng hoạt động.
Năm 1949, tình hình trong nước đã thuận tiện để HĐ hoạt động trở lại nên HĐVN đã tái lập trong những vùng gọi là “tạm bị chiếm trong thời kỳ kháng chiến”, nhưng hoạt động rất yếu ớt và phần đông các Trưởng kỳ cựu Công giáo trong nước chưa chịu tham gia nên chưa tái lập Phòng Liên lạc.
Năm 1952, các Trưởng HĐCG đại diện toàn quốc đã nhóm họp tại nhà thờ Thánh Vinh Sơn Hà Nội dưới sự chủ tọa của Cha Hồ Văn Vui. Hội nghị quyết định tái lập Phòng Liên lạc HĐCG, vẫn nằm trong Hội HĐVN như trước để tiện hoạt động về pháp lý, hành chánh và chuyên môn. Còn về tinh thần do các Cha Tuyên úy và Phòng Liên lạc chịu trách nhiệm.
Năm 1953, đề nghị đề cử Cha J. Nguyễn Văn Thích chính thức làm Tổng Tuyên Úy HĐCGVN đã được Giáo quyền đồng ý.
Năm 1956, họp Phòng Liên lạc, anh Mai Liệu được đề cử làm Trưởng Phòng. Cuối năm 1957 anh Mai Liệu bận nên đề cử các anh: Trấn Văn Lược: Trưởng Phòng; Đoàn Văn Lụy: Phó TP; Đinh Quang Điện: Phó TP; Đinh Xuân Phúc: Thư ký và thường trực.
Từ năm 1958 đến 1965 có thay đổi chút ít về nhân sự của Phòng Liên lạc và đến 1965 đã được đổi tên là Văn Phòng Trung Ương HĐCG VN với các thành viên:
– Cha Nguyễn Văn Thích: Tổng Tuyên Úy; Cha Nguyễn Kim Bính: Phó Tổng TU; Cha Trần Ngọc Phan: Phó tổng TU; Cha Đinh Quang Điện: Tuyên Úy văn phòng. – AA. Vũ Ngọc Tân: Ủy viên Trưởng phòng; Nguyễn Xuân Long: Phó Ủy viên Trưởng phòng; Đinh Xuân Phúc: Tổng thư ký; Chị Nguyễn Thị Đáp: Thủ quỹ. Anh Trần Văn Thao, anh Mai Liệu. Đại diện Nữ HĐCG: Chị Trần Bạch Bích và chị Nguyễn Thị Đáp.
Có thể nói năm 1965 là năm cột mốc quan trọng của HĐCG VN vì ngày 8/1/1965, Đức Tổng Giám Mục Phaolồ Nguyễn Văn Bình đã phê chuẩn và ban phép thi hành Quy chế Hướng đạo Công giáo Việt Nam. Bản Quy chế này đã xác định Mục đích, Tôn chỉ của HĐCGVN; ấn định Tương quan giữa HĐCGVN và Công giáo Tiến hành VN và giữa HĐCGVN và 2 Hội Nam và Nữ HĐVN; qui định về Tổ chức và điều hành, Cơ sở tinh thần, Chương trình giáo lý và Nghi thức. Tuy nhiên, bản Quy chế này đã có một điều bất hợp lý và thiếu căn cứ khi quy định cả cách giải quyết mối xung đột xảy ra trong tương quan giữa HĐCG VN và hai Hội HĐVN – tức là mối xung đột giữa Hướng đạo và Công giáo. Xin được nêu ra điều bất hơp lý đó như sau:
Tại mục III.Tổ chức và điều hành: Ở phần Nguyên tắc ghi rằng: “Các đơn vị cũng như các Đạo HĐCGVN hoàn toàn thuộc hệ thống tổ chức quản trị và điều khiển chuyên môn của hai Hội Nam và Nữ HĐVN“. Tại mục II. Các tương quan: Ở phần 2.Giữa HĐCGVN và hai Hội Nam và Nữ HĐVN cũng ghi rằng:”a/ Các đơn vị HĐCGVN đứng trong hệ thống tổ chức và chịu sự điều khiển của hai Hội Nam và Nữ HĐVN như những đơn vị HĐ ngoài Công giáo khác, Nam HĐCGVN trong hội Nam HĐVN và Nử HĐCGVN trong hội Nữ HĐVN”. Nhưng cũng ngay tại mục II. Các tương quan, lại ghi tiếp rằng: “c/ Tuy HĐCGVN không chủ trương đứng ngoài hai Hội HĐVN nhưng: – Khi xẩy ra trường hợp một trong hai Hội vi phạm nguyên lý căn bản của phong trào HĐ nhất là điều thuộc về Tôn giáo. – Khi xẩy ra trường hợp những người lãnh đạo một trong hai Hội có thái độ kỳ thị rõ rệt đối với Tôn giáo hoặc đối với các Trưởng Công giáo có khả năng tham gia Hội đồng Trung ương hay Bộ Tổng Ủy viên của Hội đó.  Trong hai trường hợp này, HĐCGVN sẽ bày tỏ lập trường và đưa đề nghị để Hội sửa chữa. Nếu không giải quyết xong, lúc đó các đơn vị HĐCGVN sẽ buộc lòng phải tách khỏi Hội”. Xin lưu ý là Bản Quy chế HĐCGVN tự quy định xác lập cho HĐCGVN quyền được tách các đơn vị HĐCG khỏi Hội HĐVN mà chính bản Quy chế đã nhìn nhận rằng các đơn vị này là đứng trong hệ thống và chịu sự điều khiển của hai Hội Nam và Nữ HĐVN – mà hai Hội này theo quy định của pháp luật đương thời đều được thành lập hợp pháp và là một tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân, hoạt động độc lập và chịu sự điều chỉnh của pháp luật nhà nước. Về nguyên tắc thẩm quyền và phạm vi điều chỉnh, bản Quy chế HĐCGVN do Giáo hội Công giáo VN ban hành chỉ có thẩm quyền trong phạm vi Gíao hội, không thể tự xác lập cho mình một quyền như thế đối với một tổ chức xã hội như Hội HĐVN, vì như vậy là không có căn cứ pháp luật. Trong mọi trường hợp nếu có tranh chấp, xung đột xảy ra trong các quan hệ xã hội đã được pháp luật quy định mà không thể hòa giải được thì mỗi bên có quyền đưa yêu cầu của mình ra tòa án giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo pháp luật dân sự. Thật may là kể từ khi có Quy chế HĐCGVN 1965 đến nay chưa xảy ra xung đột đến mức như bản Quy chế đã quy định.

Hướng đạo Công giáo sau 1975: khôi phục và khủng hoảng.
Từ sau năm 1975, phong trào HĐVN và Hội HĐVN ngưng hoạt động – kể cả HĐCG. Nhưng đến tháng 11/1980 các HĐS thuộc Đạo Xuân Hòa – Gia Định (thuộc Châu Bình Triệu) trước năm 1975, đã bắt đầu khôi phục hoạt động Hướng đạo do Trưởng Trần Văn Hợp là Đạo trưởng cũ dẫn đầu. Trong điều kiện khó khăn, khi mà Hội HĐVN chưa chính thức có phép hoạt động và các đơn vi HĐ khác cũng chưa sinh hoạt công khai, Đạo Xuân Hòa đã hoạt động với danh xưng là “Gia đình Hướng đạo Xuân Hòa” (GHX) – nghe như về qui mô có vẻ chỉ trong phạm vi gia đình. GHX qui tụ phần đông là các HĐS Công giáo, đã nhanh chóng phát triển theo thời gian và cho đến năm 2009, GHX đã phát triển được 10 Liên đoàn, bao gồm: 6 Liên đoàn trong Tp.Hồ chí Minh, 2 Liên đoàn tại Đồng Nai, 1 Liên đoàn tại Bình Thuận và 1 Liên đoàn tại Bến Tre. GHX luôn nêu lập trường trung thành với Mục đích giáo dục của phong trào HĐVN, với Nguyên lý căn bản của HĐ và với Phương pháp sinh hoạt chung của HĐ trên toàn thế giới.
GHX hoạt động và phát triển tốt đến mức đã được Linh mục Nicôla Maria Đinh Quang Điện từng nhận trách nhiệm làm Tuyên úy cho Đạo Xuân Hòa vào những năm 1964-1966 – và làm Tổng Tuyên úy cho HĐCG trong Hội HĐVN từ năm 1970, phải làm một bản tường trình vào ngày 05/10/2003 gởi cho Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam để Hội đồng Giám Mục VN quan tâm đến hoạt động của GHX như là một điển hình của những người Hướng đạo chân chính có lý tưởng Công giáo vững mạnh. Từ bản tường trình của Linh mục Tổng Tuyên úy Đinh Quang Điện nên ngày 09/10/2003, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục VN đã gởi thư cho Linh mục Đinh Quang Điện với 2 nội dung chính, xin trích: 1/ “Chúng tôi rất cảm kích trước sự kiên trì của anh chị em HĐCG VN, nhất là trong Đạo Xuân Hòa, gìn giữ truyền thống của Hội HĐVN. Chúng tôi hoan nghênh tinh thần bất khuất của anh chị em trước những khó khăn và thử thách để nuôi giữ tinh thần HĐS CG trong thời gian dài từ 1975 đến nay”. 2/ “Chúng tôi xin báo tin mừng cho cha và anh chị em là chúng tôi đã chính thức đưa phong trào HĐCGVN vào trong hoạt động Công Giáo Tiến Hành của Giáo Hội VN và Hội Đồng Giám mục VN đã chính thức giới thiệu hoạt động của HĐCG trong cuốn Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Niên Giám 2003 của Hội Đồng Giám mục VN”.
Sau khi đã có sự chấp thuận của Hội Đồng Giám Mục VN chính thức đưa phong trào HĐCGVN vào trong hoạt động Công Giáo Tiến Hành thì Linh mục Tổng Tuyên úy Đinh Quang Điện đã xúc tiến những việc cần thiết như: 1/ Tập họp các vị Linh mục Tuyên úy cũ (nay đổi tên là Linh mục Linh hướng), xác định rằng các vị Linh mục này “chỉ làm Linh hướng, không trực tiếp trông coi, điều khiển đơn vị HĐ mà chỉ hướng dẫn phần tâm linh cho các Đoàn sinh và các Trưởng, cốt sao cho các HĐS sống đạo thực sự để làm hạt nhân Công giáo trong cộng đồng những anh em không Công giáo”, 2/ LM Đinh Quang Điện “sẽ cùng với các Linh mục Linh hướng HĐCG đưa Quy chế HĐCG, đã được Đức cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình phê chuẩn năm 1965, xem xét lại cho phù hợp với tình hình hiện tại và đệ trình Hội Đồng Giám Mục VN phê chuẩn”  (Trích thư của LM Đinh Quang Điện ngày 20/9/2004 gởi Đức GM Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐGMVN).
Trong khi Linh mục Tổng Tuyên úy Đinh Quang Điện cùng với các Linh mục Tuyên úy HĐSCG và GHX đang tiến hành khôi phục các hoạt động của tổ chức từ trung ương đến địa phương thì có một sự kiện xảy ra tạo nên một sự khủng hoảng, gây chia rẽ về mặt tổ chức trong nội bộ của HĐCG. Đó là vào ngày 07/11/2006, Linh mục Inhaxio Nguyễn Thới Hòa, nguyên Phó Tổng Tuyên úy (do Tổng Tuyên úy bổ nhiệm theo Quy chế HĐCGVN năm 1965) đã tự ý lập ra Văn phòng Đại diện Hướng Đạo Sinh Công giáokhông đúng với qui định trong bản Quy chế HĐCGVN năm 1965. Ngày 10/9/2008 một số các LM Linh hướng và các Trưởng HĐ người Công giáo trong GHX gởi thư trực tiếp cho LM Nguyễn Thới Hòa phản đối việc lập Văn phòng đại diện HĐSCG này. Một năm sau, LM Tổng Tuyên úy HĐSCGVN Đinh Quang Điện, nhân danh Văn phòng Tuyên úy HĐSCGVN ra văn bản ngày 15/8/2009 tuyên bố Văn Phòng Đại Diện HĐSCG của LM Nguyễn Thới Hòa là không có giá trị đối với HĐSCG. Cho tới nay, sự kiện “vượt rào” gây chia rẽ nội bộ của Văn phòng Đại diện HĐSCG do LM Nguyễn Thới Hòa thành lập vẫn chưa được cấp thẩm quyền trong Giáo hội Công giáo giải quyết.

Khảo sát lịch sử hoạt động của phong trào HĐVN có những Hướng đạo sinh theo Phật giáo hay Công giáo cho thấy quá trình phát triển đã hình thành 2 thực thể khác nhau như sau:
1/ Quá trình hòa nhập giữa Hướng đạo và Phật giáo đã đưa tới kết quả là một hội đoàn hoàn toàn nằm trong Giáo hội Phật giáo là Gia đình Phật tử đã hình thành và phát triển ổn định theo thời gian. Gia đình Phật tử đã vận dụng các phương pháp, các nghi thức, cách thức tổ chức v.v… của Hướng đạo để hoàn thiện, nâng cao hoạt động, tổ chức của mình, vừa phù hợp với giáo luật lại theo đúng với pháp luật hiện hành.
2/ Hướng đạo và Công giáo gần như đồng hành và gắn kết trong suốt chiều dài lịch sử của phong trào Hướng đạo. Nhưng sự ổn định là không có và sự xung đột luôn tiềm ẩn khi Hướng đạo và Công giáo đứng chung với nhau. Một bên là “hội đoàn phụ tá” đứng trong tổ chức Công giáo Tiến hành Việt Nam chịu sự điều chỉnh của Giáo quyền, Giáo hội. Một bên là một “tổ chức xã hội” có tư cách pháp nhân, chịu sự điều chỉnh của pháp luật nhà nước. Sự xung đột về mặt “quản lý” và “pháp lý” là điều đã và sẽ còn tồn tại nếu không có sự phân định rạch ròi giữa “Giáo quyền” và “Thế quyền”, giữa Giáo luật và Pháp luật. Do đó, các đơn vị HĐCG trong tương lai, dù muốn hay không, phải có sự chọn lựa: hoặc trở về sinh hoạt trong hội đoàn Công giáo Tiến hành tương tự như Gia đình Phật tử; hoặc sinh hoạt như một đơn vị Hướng đạo thuần túy nằm trong tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân là Hội Hướng đạo VN và chịu sự điều chỉnh của pháp luật nhà nước. Tự do tín ngưỡng luôn được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ.
Cuối cùng, bài khảo cứu này xin lưu ý một điều khoản quan trọng trong Nghị định của Chính phủ số 88/2003/NĐ-CP ngày 30-7-2003, và được thay thế bằng Nghị định Chính phủ số 45/2010/NĐ-CP ngày 21-4-2010 Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Đó là quy định tại Điều 1: Phạm vi điều chỉnh (của cả 2 Nghị định) 1/…  2/. “Nghị định này không áp dụng với các tổ chức: a/… b/Các tổ chức giáo hội.” Tức là theo quy định tại Điều 1 Khoản 2b của Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21-4-2010 thì các tổ chức giáo hội như Gia đình Phật tử của Giáo hội Phật giáo và Công giáo Tiến hành của Giáo hội Công giáo không áp dụng Nghị định này. Còn Hội Hướng đạo Việt Nam là một tổ chức xã hội nên áp dụng các quy định của Nghị định này về mặt tổ chức, hoạt động và quản lý.

Luật sư NGUYỄN LỆNH  (11/2010)

———————
(1) – Giữ vững mối giây, trang 17 – Tưởng nhớ ĐĐ Thích Châu Toàn / tác giả: Sáo Dễ thương.
(2) – http://www.giadinhphattu.vn – Gia đình Phật tử Việt Nam.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.