Trở Về Chốn Cũ

Tác giả: Minh Triết

Ninh Thuận quê mình biển  xanh sóng vỗ miên man / Những cánh đồng muối trắng , đàn hải âu tung cánh giữa trời xanh / Ninh Thuận quê mình bạt ngàn nho chín tím trời chiều…
(  Ninh Thuận Quê Mình – NS Phan Quốc Anh )
Bài hát gắn với ký ức về mối tình đầu của tôi. Dù thời gian có phôi pha,  cuốn trôi đi tất cả nhưng tình cảm trong sáng, ngây ngô ấy vẫn đẹp mãi.
Sau nhiều năm, tôi có dịp trở lại trường xưa. Trường đã thay đổi rất nhiều, to lớn, khang trang hơn. Qua nhiều thời kỳ đổi tên cũng trả lại  cũ. Nhìn cây phượng già còn sót lại sân trường, xác hoa rụng đỏ dưới gốc, dường như những kỷ niệm và cảm xúc về thời học sinh trong tôi  bỗng hiện về. Tôi cứ ngỡ nó vừa mới là ngày hôm qua thôi, nhưng nó đã trôi xa lắm … Ước gì có thể một lần sống lại  …
Thuở ấy, tôi, cậu học trò được bác dẫn vô nuôi ăn học. Ngôi trường vừa mới thành lập nằm cạnh thị trấn  của một tỉnh cực nam trung bộ đầy nắng  gió. Phố nhỏ bé, có dòng sông Dinh thơ mộng như dải lụa mềm uốn quanh, có Tháp  Chàm rêu phong, cổ kính, sững với thời gian cùng mưa nắng, có sân ga nối bờ thương yêu Nam – Bắc và xứ ngàn hoa Đà Lạt, có giàn nho chín bạt ngàn tím cả trời chiều. Tuổi học trò chúng tôi với những ngày miệt mài sách vở , bận rộn những kỳ thi, lưu luyến khi phải chia xa mỗi khi tiếng ve sầu râm ran hay náo nức, vui mừng khi chào đón năm học mới. Riêng tôi, ngoài cắp sách đến trường còn phải giúp gia đình công việc nhà. Số là nhà bác đông con, không có nước máy. Do vậy, chiều đến tôi,  ông anh cả đảm trách. Nước sinh hoạt thì chuyển từ mương  trước nhà. Còn nứớc uống ra  sông Dinh cách vài cây số., đào trên bãi cát một cái hố ,múc từng ca vô thùng, kẽo kẹt gánh về . Mỗi khi mương  khô thì càng vất vả hơn. Vì thế đến hôm nay đôi vai tôi vẫn còn dẻo dai, chai sạn. Ngoài ra còn phải phụ thêm việc đồng án. Tuổi của tôi vừa đủ lớn cho việc cỏn con làm nên lúa gạo. Mỗi vụ mùa, tôi đi bộ vòng qua chân tháp còn hoang vắng đến ruộng. Có lẽ khó quên là theo cày, nhất là bừa để bắt những con cá. Ham đến nỗi mà quên những con đỉa  bám  chân hút  máu. Mỗi lần rửa chân tay cũng bị chúng săn đón. Nghĩ lại đến bây giờ vẫn còn kinh hãi.
Thời gian dần trôi, năm qua tháng lại, những kỷ niệm càng chồng chất, những trang vở ép nhành phượng thêm dày., những món quà nho nhỏ lưu niệm tặng cho nhau kỳ nghỉ hè. Tuổi học trò gắn liền với tình cảm thân thương, trìu mến dành cho Thầy Cô, bạn bè với tâm hồn vô tư nhất. Tuỏi học trò chúng tôi là những trò vui chơi tinh nghịch, có lúc nhào lộn từ trên cầu Mống , càu Than hay  ngâm mình dưới dòng sông Dinh trong mát , theo bè bạn cút bắt, bơi lội khi mùa hè nóng nực.
Rồi những năm cuối cấp, tôi gặp em. Lần đầu là em nhờ tôi giải giúp những bài toán, lý. Cuối tuần em mời tôi về vườn cây ăn trái chạy dài theo mương gần ngôi  trường. Tôi rất vui  mỗi lần được em nhờ… Dần dần tôi thành cái đuôi của em khi đến trường hay giờ tan lớp.. Và một mùa hạ cuối cũng đến. Mỗi buổi học chỉ mong thời gian chậm lại, giờ ra chơi, những phút tâm sự ngắn ngủi sao lại trôi nhanh. Một đêm tối mùa hè em tiễn tôi ra sân ga. Em trao tôi tập lưu bút cùng bộ sách , dường như muốn trả ơn tôi đã giúp em học tập tốt hơn.

Ta chia tay đêm cuối mùa hè
Sân ga lặng lẽ dưới hàng me
Lưu bút ngày xanh còn dang dở
Tình đầu ngọng ngiụ mấy vần thơ.

Cầm tay em, ngậm ngùi tôi chẳng biết nói gì thêm. Tiếng còi tàu từng hồi ngân xa, càng lúc càng rõ dần. Đèn tàu lấp lóa xé tan màn đêm.Tôi thấy giọt nước mắt long lanh trong khóe mắt em khi tôi lên tàu. Tôi ngoái lại, bóng em càng mờ dần rồi khuất hẳn.
Tôi trở lại nơi cũ khi bác tôi mất. Chạnh buồn, nhà xưa đã bán và gia đình bác chuyển về một thị trấn với công việc nhà nông bên  rẫy thuốc lá, vườn nho , chăn nuôi đàn dê nằm giữa những làng Chăm nổi tiếng. Đó là làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiêp và làng gốm Bầu Trúc thuộc huyện Ninh Phước. Trên đường về , qua làng Chăm Phú Nhuận, , tôi tìm  bến nước sông Dinh mà tôi đã từng gánh nước. Dòng chảy đã thay đổi, không còn bãi cát trắng min,  đường xuống là những lũy tre xanh chắn lối. Tôi đứng thật lâu trước nhà em, tường cổng rong rêu kín mít. Miên man một thời áo trắng, những rung đông đầu đời còn ngây ngô, vụn dại, chưa đủ sức thăng hoa cho cuộc sống lứa đôi. Tôi trở lại những con đường đỏ rực cánh phượng, những nhánh bằng lăng tím biếc, những cành địệp vàng kiều diễm chở đầy tháng ngày yêu dấu, êm đềm dưới mái trường. Nghe tiếng còi tàu ngân vang, tôi lại mơ về một khoảng trời bình yên  xa xưa …

Nghe còi tàu ngân vang cứ ngỡ
Bước chân em rẻ lối trở về
Chiều hạ vàng ấm áp tình quê
Hai trái tim hòa cùng nhịp thở
 
Cây phượng hồng sân trường rực rỡ
Xa nhau rồi cảm thấy bơ vơ
Lạc lõng giữa bằng lăng tím biếc
Em sao đành biền biệt cách xa

Tôi về nhà trong chuyến tàu đêm ở sân ga như năm nào chia tay em. Còi tàu hú từng hồi , chuyển động rồi tăng tốc, bỏ lại phía sau thành phố của tuổi học trò và những kỷ niệm ngọt ngào. Nỗi buồn mênh mông khi văng vẳng bài hát …
Trở lại sân ga đón tàu tôi về một mình / Bao nhiêu ước mơ đầu chìm vào con nước trôi mau / Tình yêu là mộng thành bọt bèo và mây khói / Tàu đêm vẫn âm u mà người tình vào thiên thu …  ”
( Người Tình Không Đến – Thượng Ngàn )

3 thoughts on “Trở Về Chốn Cũ

  1. Minh Triết

    Cảm ơn Hương Xưa đã đăng.
    Bài viết này — Tỏ lòng tri ân đến hai Bác
    — Thân thương đến các bạn trường cũ
    — Gửi đến ” người ấy ” chút vấn vương người ở lại.

    Reply
  2. Sông Song

    Mừng là tác giả đã “bị” dứt đuôi kể từ dạo đó… Để giờ đây kí ức vẫn in hằng kỉ niệm của một thời non dại với mối tình đầu dễ thương… Từ đó đã cho bạn đọc được xem lại một đoạn phim hay của một thời áo trắng ngây thơ!
    Xin cảm ơn anh tác giả xứ sương mù…

    Reply
  3. Minh Triết

    Ai cũng có một thời để nhớ, để thương. Nhưng có lẽ ấn tượng sâu săc, khó phai mờ nhất là mối tình đầu ở lứa tuổi học trò . Hầu hết mối tình này đều không thành duyên nợ và sẽ theo ta đến hết cuộc đời , để lại nhiều kỷ niệm đẹp. đáng yêu. Cảm ơn Song Song có lời bình vui, dí dỏm, dễ thương

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.