Tác giả: Trần Mộng Tú
Tâm cuống quít nhờ chồng thu dọn nhà cửa trước khi mấy người bạn tới, mặc dù nhà cửa đã gọn gàng lắm rồi. Cô chờ suốt từ ngày hôm qua mà đến tối nay mấy người bạn ở xa mới đến được, họ vừa bay ba tiếng, vừa lái xe bốn tiếng, họ có công việc phải làm trước khi ghé thăm chỗ ở mới của cô. Cô nhìn lại một lượt căn nhà. Chỗ nào cũng mới cả. Những bức tường còn hăng hắc mùi sơn, những chiếc sô pha còn thơm mùi vải, bộ bàn ăn chưa có một vết sước, những bức tranh treo trên tường chưa có một hạt bụi, cái bếp của cô mặt gạch còn bóng lọng. Cô đi một vòng trên gác dưới nhà, nhìn vào buồng ngủ của hai con, cô hài lòng với những giường, tủ, cô mới sắm cho chúng, chúng chẳng thiếu thốn gì nữa, cô vào buồng của hai vợ chồng ở trên gác. Cái buồng này quan trọng nhất, những người bạn của cô chắc là sẽ để ý nhìn vào để đánh giá cái hạnh phúc cô đang có. “Cái hạnh phúc mới tinh.” Tâm ngồi ghé vào mặt nệm giường nhìn ra ngoài cửa sổ. Buổi chiều đang xuống, mùa đông ngày tối sớm làm Tâm không nhìn rõ được mầu gạch đỏ ở mặt tiền của những ngôi nhà bên kia đường, bãi đất trước nhà chưa xới, chưa trồng cỏ, còn lẫn những gạch đá, cũng đang cùng bóng tối buổi chiều sẫm đen lại. Cả khu phố này nhà nào cũng mới tinh, có nhà còn chưa xây xong và bảng tên đường Tâm cũng chưa thuộc. Tâm đang làm quen với chỗ ở mới, đời sống mới, người chồng mới, và một người đàn bà mới là chính mình.
Ở tuổi ngoài bốn mươi với hai đứa con tuổi 12, 14, chồng chết. Trong mấy năm Tâm thấy ba mẹ con lúc nào cũng hụt hẫng cũng phải nhờ vả vào bạn bè và anh em, phải nợ ơn nhiều người quá! Tâm cần một người cha cho hai con và Tâm sợ phải làm một bà mẹ độc thân. Bây giờ có một người đàn ông sẵn sàng đưa tay cho Tâm nắm, sẵn sàng cưu mang mẹ con cô, sẵn sàng thay vào chỗ người chồng đã mất. Tâm thương con, cân nhắc và chấp nhận một phần số mới.
Khi Hưng dắt mẹ con cô ra khỏi thành phố cũ, Tâm đã bỏ lại hết, hoặc cho đi. Từ cái bàn ăn cồng kềnh cho đến cái bàn chải đánh răng nhỏ xíu, từ cái xe thân thuộc lâu năm cho đến cái chổi mới mua tuần trước, những tấm hình chụp chung của Hoàng và Tâm ngày cũ và ngay cả bàn thờ Hoàng, Tâm cũng giao cho gia đình, bạn bè cất giữ, Tâm chỉ đem đến thành phố mới hai đứa con và trái tim rất cũ của mình.
Tâm dùng người đàn bà mới trong Tâm để sống với Hưng, Anh không bao giờ có thể thay thế Hoàng được, anh có chỗ đứng riêng của anh, Hưng có chỗ của Hưng, của người đàn ông tử tế, có tình, tốt bụng và Tâm mang ơn anh, cảm kích anh đã lo lắng cho hai đứa con học hành, nhưng Tâm không thể cho anh trái tim mà trước đây Tâm đã đem cho Hoàng (đã cho rồi thì còn đâu nữa.) Cô cho anh một trái tim khác. Hưng có bao giờ hiểu rằng cái người đàn bà anh đang sống đó đã vẽ cho anh một bức tranh yêu với một nhân vật mới có Trái Tim Mới hay không? Cô Tâm Cũ đã là họa sĩ, vẽ một cô Tâm Mới
Hưng đâu có thiệt thòi gì! Anh có một gia đình mới, hai đứa con mới, nhà mới, đồ đạc mới và cô vợ mới kém anh hơn mười tuổi.
Khi Tâm vẽ xong bức tranh yêu mới , Tâm đã cất thật kỹ cái người cũ của mình vào trong sách cho lên kệ. Tâm biết rằng ngay bây giờ cô phải tạm quên tất cả và sống với hiện tại. Tùy theo cái phần phước của mình mà cô Tâm cũ ở trên kệ sách đi ra đòi lại chỗ sớm hay muộn. Chắc lúc đó Tâm phải là trọng tài của chính mình phân xử sự đo sức giữa Trái Tim Cũ và Trái Tim Mới.
Tâm không ngờ rằng, mới chỉ có mấy tháng thôi, khi nghe tiếng của những người bạn thời Hoàng còn sống gọi đến thăm gia đình mới của mình, cái cô Tâm cũ từ kệ sách bước ra ngay. Tâm đã cuống cả người lên, tâm trí đã như sóng trôi dạt thật xa lại sô về biển cũ, cô nghĩ đến những sở thích của từng người bạn; người nào là bạn đánh cờ của Hoàng, người nào Hoàng hay trêu chọc, người nào là bạn đi săn với anh vào mùa săn, đi câu với anh vào mùa hè, người nào chỉ mới quen Hoàng và Tâm vào những năm cuối của Hoàng.
Buổi tối đã ập xuống rồi, Tâm nghe tiếng xe đậu lại trước cửa nhà, tiếng Hưng chào hỏi khách lao sao bên dưới. Nước mắt Tâm bỗng đầm đìa, cô xòe hai bàn tay úp vào mặt, rồi lại mở ra xăm xoi nhìn những đường chỉ tay ngang dọc trong lòng bàn tay, nước mắt của cô làm những đường chỉ tay lấp lánh dưới ánh đèn ngủ bị cắt ngang, cắt dọc trông như một nắm chỉ rối ai vừa đặt vào tay mình, cô cứ mở ra nắm vào, cuối cùng cô úp cả hai bàn tay vào ngực như muốn mang Trái Tim Cũ trả về lồng ngực. Chao ôi! Cô thương nó quá.
Tâm vừa vui vừa bối rối khi mời mấy người bạn vào nhà. Mấy người bạn thân rất tự nhiên, họ đòi ăn, đòi uống như khi Hoàng còn sống, họ mở tủ lạnh tự tìm nước uống, kéo ghế, kéo bàn. Cái tiếng động họ gây ra nghe lạ lắm. Nó vừa ấm áp quen thuộc vừa như ở một nơi rất xa dội lại, Tâm hành xử như một cái máy, cái đầu cô không tham dự vào mà chỉ có hai trái tim cũ, mới của cô tự xoay xở. Khi Trái Tim Cũ làm chủ nó quên mất sự có mặt của Hưng, nó lan man nói chuyện về mấy đứa nhỏ, về người đàn bà trong cô, về sự thay đổi đời sống, về một vài kỷ niệm nhỏ mới có từ lúc cô đi, nó phàn nàn hơn thiệt về sự thay đổi. Tâm nhờ Hưng làm hộ cái này cái kia mà như nhờ một người anh, một người bạn, cô quên mất cái địa vị của người chủ gia đình, người chồng hiện tại của Hưng, Hưng lặng lẽ làm, cho đến khi Hưng cất tiếng lên, rất nhỏ, nhắc Tâm mang một món ăn ra, thì Trái Tim Mới của cô dành ngay lại chỗ đứng, nó làm chủ lại tình hình, nó bắt đầu ra lệnh, nó buộc Tâm hối Hưng dắt khách đi xem nhà, đi xem cái hạnh phúc mới tinh mà cô vừa nắm được trong tay. Đồng lõa với Trái Tim Mới những tranh ảnh, đồ đạc, bát đĩa, màn cửa trong nhà nhất nhất đều cất lên tiếng nói. Chúng nói rất thong thả nhưng rành mạch, rõ ràng cho những người bạn cũ của Hoàng của Tâm biết sự có mặt của Hưng trong đời sống mới của Tâm.
Bức tranh to nhất treo bên trên lò sưởi, vẽ phong cảnh một vườn hoa mùa xuân lên tiếng trước:
– “Này, các bạn, các bạn nhìn xem tôi treo ở chỗ này đẹp đấy chứ! Mầu sắc tôi rực rỡ bừng bừng, lá xanh, hoa đỏ, khung vàng, ngắm mãi cũng không chán mắt.
Các bạn có biết ông chủ nhà này phải trả bao nhiêu tiền mới đem được tôi về đây không? Tôi mà nói ra thì cái ông vừa đòi ăn mì kia lại kêu hốt hoảng lên cho mà xem.”
Bộ bàn ăn mười ghế cũng tự phụ không kém:
– “Dạ, tôi được đem từ Ý sang, xa quá, nhưng quả thật được xếp vào căn nhà mới này cũng đáng, chỗ này cũng khá thoải mái, không sợ mỗi khi kéo ghế chúng tôi lại va tay, va chân vào nhau. Chắc các bạn nghe xuất xứ của tôi thì cũng biết rồi, tôi chẳng phải nói nhiều nữa.”
Cái dàn truyền thanh, truyền hình ngay giữa buồng gia đình thì chẳng cần chào hỏi ai cả, chúng chỉ việc gân cổ lên ca hát và nhẩy múa trước mặt mấy đứa nhỏ, cho nên dù không chú ý mọi người cũng thấy sự hiện diện của nó rõ ràng.
Bộ ghế đệm thì không hề lên tiếng, nó biết rõ trước sau gì ông bà chủ nó cũng mời mọi người ra phòng khách chụp hình, nó cố giữ vẻ nhún nhường nhưng nếu tinh ý một chút thôi, sẽ nhìn thấy cái kiêu hãnh trong nụ cười nửa miệng của nó.
Cứ thế, từ trên gác, dưới nhà, trong bếp, các đồ đạc, vật dụng, chén bát thi nhau nói đến xuất xứ và sự hiện diện của mình.
Cái Trái Tim Mới này thật là quá quắt, nó muốn mọi người tán thưởng cái may mắn của Tâm và cám ơn Hưng là người đã đem lại cái may mắn đó. Tâm như một con múa rối và Trái Tim Mới của Tâm là người điều khiển sợi giây cử động (Puppeteer,) nó bảo cái gì thì Tâm làm cái đó.
Đúng như dự đoán của bộ ghế nệm, cuối cùng mọi người được mời ra chụp hình ở phòng khách, và cả ngay trước cửa nhà nữa. Cái mặt tiền nhà đồ sộ xây gạch đỏ thẫm, trong đêm nó bầm tím như mầu máu của trái tim. Dưới cái nháy đèn của máy hình khuôn mặt của mọi người trông giống những diễn viên trong một vở kịch “Nô” * của tuồng Nhật Bản.
Khi các bạn ra về, Tâm và Hưng tiễn họ lên xe thì Trái Tim Cũ của Tâm thắng sự cạnh tranh cuối cùng, nó gửi vào xe món quà cho suốt cuộc hành trình. Là khuôn mặt mang mác buồn của Tâm đứng ở trước hiên nhà nhìn theo bạn.
tmt
* Kịch “Nô” của Nhật, tất cả diễn viên sơn mặt trắng giống nhau, không phân biệt được cảm giác trên mặt, họ chỉ diễn xuất bằng động tác thân thể.