Tác giả: Thầy Nguyễn Văn Thái
Giáo Dục Con Gái
Người đàn bà Việt Nam trong dòng sinh mệnh của dân tộc
Triết học tây phương xếp đặt tư tưởng vào ba lãnh vực biệt lập: (1) bản thể luận (ontology), (2) tri thức luận (epistemology), và (3) giá trị luận (axiology). Trong lãnh vực bản thể luận, người ta đặt vấn đề thực thể (reality): hiện hữu là gì. Trong lãnh vực tri thức luận, người ta đặt vấn đề “biết”: làm thế nào để con người biết được là mình “biết”. Giá trị luận là lãnh vực nghiên cứu những vấn đề liên hệ đến những gì mà con người trân quý và những lý do tại sao con người trân quý những điều đó. Triết học đông phương, như trường hợp Nho giáo chẳng hạn, cũng đề cập đến ba lãnh vực này, nhưng không phân biệt thành ba lãnh vực tách biệt rõ rệt như là những khuôn khổ được áp dụng cho việc trình bày tư tưởng. Tư tưởng Nho giáo bàng bạc trong cả ba lãnh vực. Phần Hình Nhi Thượng trong Nho giáo bàn sâu và rộng đến đề tài “hiện hữu” (ontology) trong quan điểm vạn vật nhất thể phát sinh từ nguyên lý âm dương. Con người nhận thức (epistemology) được quan điểm này nhờ trực giác . Phần Hình Nhi Hạ bàn đến vấn đề ứng dụng Nho giáo trong thực tế, đặt trọng điểm vào quan niệm nhân, trí, dũng của đạo người quân tử bằng cách thực hiện tam cương (quân-thần, phụ-tử, phu-phụ) và ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Ở phần Hình Nhi Hạ, người ta thấy rõ những phân tách mang tính giá trị luận (axiology).
Chỉ những thành phần bác học trong xã hội khoa bảng cũ mới thấu hiểu phần cao siêu của phần Hình Nhi Thượng của Nho giáo, nhưng những phần tử này rất ít trong xã hội. Ảnh hưởng rộng lớn trong những gia đình quý tộc quan lại, khoa bảng, cũng như trong quần chúng ở thôn quê là những quan điểm thực dụng như những mối liên hệ trung, hiếu cần tôn trọng giữa vua và tôi (quân-thần), giữa vợ và chồng (phu-phụ), giữa cha và con (phụ-tử) và những đức tính mà mọi người đều cần phải tuân theo: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Ngoài ra, trên bình diện ứng dụng, Nho giáo còn chú trọng đến giáo dục người con gái qua tam tòng và tứ đức.
“Đề cập sớm nhất về tam tòng có thể là sách “Lễ ký“. Trong thiên “Giao đặc sinh” có chép: “Phụ nữ là phải theo người, lúc nhỏ theo cha anh, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con” (婦人,從人者也;幼從父兄,嫁從夫,夫死從子)[1]. Cũng trong “Lễ ký”, thiên “Hôn nghĩa” có chép: “Ngày xưa, phụ nữ trước khi lấy chồng ba tháng, nếu tổ miếu chưa hư hỏng, thì ra đó mà ở, nếu tổ miếu đã hư hỏng thì vào nhà của tông tộc ở. Dạy cho phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công (是以古者婦人先嫁三月,祖廟未毀,教於公宮,祖廟既毀,教於宗室,教以婦德、婦言、婦容、婦功)[2]….
Tứ đức là một giáo lý gắn bó hữu cơ với tam tòng. “Phụ hành đệ tứ” một chương trong sách “Nữ giới” giải thích về Tứ đức trong “Lễ ký”. “Nữ giới” là sách của Ban Chiêu thời Đông Hán. Ban Chiêu am hiểu kinh điển Nho gia, lại dạy dỗ hậu phi trong cung về phụ đức, kinh sử, vì thế hiểu rất rõ về những tấm gương phụ đức thời trước. Về đời tư, bà goá chồng rất sớm, nhiều năm thủ tiết. Với những kinh nghiệm và học vấn như vậy, bà đã viết “Nữ giới” để răn dạy các con gái. Bà không thể ngờ rằng “Nữ giới” lại trở thành quyển sách giáo khoa hàng đầu cho phụ nữ phong kiến hàng nghìn năm. Sách gồm bảy chương.
Tam tòng (三從) còn được đề cập trong sách Nghi lễ, Tang phục, Tử Hạ truyện: “Phụ nhân hữu tam tòng chi nghĩa, vô chuyên dụng chi đạo, cố vị giá tòng phụ, ký giá tòng phu, phu tử tòng tử”: Phụ nữ có đạo tam tòng, không được phép tự chuyên, chưa lấy chồng thì theo cha, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con (婦人有三從之義,無專用之道,故未嫁從父,既嫁從夫,夫死從子)[3]. Tứ đức (四德) còn được đề cập trong sách Chu lễ, Thiên quan trủng tể: “Cửu tần chưởng phụ học chi pháp, dĩ giáo cửu ngự: phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công”: Quan cửu tần quản việc dạy học cho phụ nữ, dạy quan cửu ngự (chín ngự nữ dưới quyền mình) phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công (九嬪掌婦學之法,以教九御:婦德、婦言、婦容)[4]…Với người phụ nữ, tứ đức gồm phụ công (婦功), phụ dung (婦容), phụ ngôn (婦言) và phụ hạnh (婦行)[8]:
(Trích Wikipedia. Tam tòng, tứ đức)
Nguyên thuỷ giáo dục về tam tòng, tứ đức hầu như chỉ dành cho hàng vua chúa và các gia đình quý tộc. Khi lãnh vực giáo dục này được du nhập vào Việt Nam, các Nho gia đã phổ biến trong các gia đình khoa bảng. Các sĩ tử trên khắp các vùng đất nước lại phổ biến rộng ra đến các làng mạc, thôn quê qua văn chương bình dân như ca dao, tục ngữ, các điệu hát, câu hò, truyện cổ tích, v.v…
Các Nho gia tiếng tăm của Việt Nam như Nguyễn Trãi (1380-1442), thượng thư Hồ Phi Tích (1665-1734), Bùi Huy Bích (1744- 1818). TS. Bùi Dương Lịch (1757-1828), Đặng Huỳnh Trang (1825 – 1874), TS. Đặng Xuân Bảng (1828-1910), Đặng Trung Trai (tức Đặng Ngọc Toản, em TS. Đặng Xuân Bảng), Trần Hoành Mưu (?) đều đặc biệt chú trọng đến tam tòng, tứ đức trong việc giáo dục con gái. Nguyễn Trãi viết Gia Huấn Ca [có người cho là không phải do Nguyễn Trãi viết], đặc biệt có chương “Dạy con Gái có Đức Hạnh”. Hồ Phi Tích viết Cùng Đạt Gia Huấn. Bùi Huy Bích viết Hành Tham Quan Gia Huấn đặc biệt chú trọng vào tứ đức. TS. Bùi Dương Lịch (1757-1828) viết Bùi Gia Huấn Hài (1787). Đặng Huỳnh Trang (Đặng Huy Trứ) viết Huấn Nữ Ca bằng chữ Nôm, được Trương Vĩnh Ký phiên âm ra quốc ngữ. Đặng Xuân Bảng viết Cổ Huấn Nữ Ca. Có người (Phạm Vân Dung, Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Việt Nam) cho tác giả của Cổ Huấn Nữ Ca là Đặng Trung Trai. Đặng Trung Trai viết Huấn Nữ Diễn Âm Ca Tân Đính, được hai học trò là Nguyễn Đình Tứ (Nguyễn Đình Thiết) và Lê Viết Huyến diễn Nôm. Trần Hoành Mưu viết Giáo Nữ Di Quy…. Theo thống kê của Lê Thu Hương (Lê Thu Hương, “Sách có nội dung giáo dục gia đình hiện tàng trữ trong kho sách Hán Nôm”, Tạp chí nghiên cứu Hán Nôm, 1996, số 3) thì trong kho sách Hán Nôm hiện còn 35 đầu sách thuộc thể loại gia huấn, nữ huấn. Các loại này hầu hết được trình bày dưới dạng văn vần theo thể lục bát dễ phổ biến rộng rãi trong dân gian. Nói tóm lại giáo dục con gái khi du nhập từ Tàu vào Việt Nam qua Nho giáo không còn chỉ được giới hạn cho những gia đình quý tộc mà thôi mà còn được phổ biến rộng rãi trong mọi gia đình khoa bảng cũng như tại thôn quê do các sĩ tử, bằng phương tiện văn chương bình dân. Nhưng ảnh hưởng tại thôn quê đi theo một chiều hướng khác với truyền thống chính thống của Nho giáo.
Theo truyền thống ứng dụng trên thực tế của Nho giáo tại Việt Nam, “Tam tòng” — trong ý nghĩa người con gái phải tuyệt đối vâng lời, tuân phục, và phục vụ người cha khi chưa lấy chồng; khi lấy chồng thì phải vâng lời dạy bảo của chồng và phục vụ chồng và đại gia đình chồng, gồm cả ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, v.v.v…; khi chồng mất thì phải theo và sống với người con trai trưởng – chỉ được thực hiện trong những gia đình “trâm anh thế phiệt” hay những gia đình có gia giáo, khoa bảng mà không được phổ biến và áp dụng ở thôn quê.
Quan niệm “tam tòng” đối với đại đa số quần chúng ở thôn quê — qua sự truyền bá không trực tiếp và thường xuyên của các sĩ tử nho học — đã được thanh lọc và cắt nghĩa theo sự hiểu biết và kinh nghiệm sống của người dân dã như sau:
Người con gái
- Lớn lên thì đi lấy chồng theo tiến trình tự nhiên của đời sống con người;
- Chồng đi đâu thì vợ theo đó, dù là nơi nguy hiểm hay chỗ cao sang quyền quý;
- Đồng lao cộng khổ, giàu nghèo cùng chung nhau chấp nhận số phận;
- Quản lý tài chánh gia đình;
- Tương quan công việc giữa vợ chồng được dựa trên sự hoà thuận, thoả hiệp, tương nhượng và tôn trọng lẫn nhau;
- Thương yêu nhau trong một không gian gồm hai nhân vật chính, vợ và chồng, nếu có cha mẹ cùng sống chung thì hai vợ chồng cùng chung sức phụng dưỡng;
- Thuỷ chung.
(Xem Nguyễn văn Thái. “Bài Một: Giáo Dục Con Gái”)
Về phương diện tứ đức thì “phụ đức”, “phụ ngôn”, “phụ dung”, và “phụ công” được truyền bá rộng rãi và ứng dụng trong tầng lớp quý tộc và khoa bảng, nói chung có thể được tóm lược như sau:
Tứ đức:
1.Công: Việc nữ công, gia chánh phải khéo léo. Tuy nhiên các nghề với phụ nữ ngày xưa chủ yếu chỉ là may, vá, thêu, dệt, bếp núc, buôn bán, với người phụ nữ giỏi thì có thêm cầm kỳ thi họa.
2.Dung: dáng người đàn bà phải hòa nhã, gọn gàng, biết tôn trọng hình thức bản thân
3.Ngôn: lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng
4.Hạnh: Tính nết hiền thảo, trong nhà thì nết na, kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con, ăn ở tốt với anh em họ nhà chồng. Ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh, cay nghiệt[9].”
(Trích Wikipedia. Tam tòng, tứ đức)
Giáo dục con gái được gói trọn trong “tam tòng” và “tứ đức”. Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, con gái thường không được học chữ. Nho học với mục đích đào tạo người tài đức để chọn ra làm quan bằng các kỳ thi. Kỳ thi đầu tiên xảy ra năm 1075 dưới triều vua Lý Nhân Tông và kỳ thi cuối cùng năm 1919 dưới đời vua Khải Định, chấm dứt nền Nho học. Chương trình học chủ yếu bao gồm Tứ Thư, Ngũ Kinh, văn chương, thi phú, và chỉ dành cho nam giới.
Nói sự giáo dục đàn bà con gái, thì nước ta hầu như tuyệt nhiên không có. Không phải rằng ngày xưa không có lắm bà hay chữ, lắm bậc tài tình, nhưng đó là những người lỗi lạc xuất chúng không thể kể được. Cũng không phải là các cụ ta không hề dạy đến con gái chút nào, phó mặc cả cho công gây dựng của tạo hóa. Nhưng cách dạy ấy là bằng ở tập tục cả, chỉ cốt cho biết phép cư xử khi ở nhà, khi xuất giá, để trọn phận sự làm con làm vợ mà thôi. Không bao giờ chủ [ý] mở mang trí thức cho đàn bà con gái cũng được hiểu nghĩa lý như đàn ông (“Sự giáo dục đàn bà con gái”, Phạm Quỳnh Thượng Chi văn tập (I) – Bộ Quốc gia Giáo dục – 1962).
Nhưng từ khi đất nước chịu sự bảo hộ chính thức của người Pháp với hoà ước Giáp Thân năm 1884, giáo dục tây phương với quan niệm cách mạng văn hoá về bình quyền, bình đẳng, và những kiến thức khoa học đã dần dần đẩy lui nền Nho học đến thời điểm kết thúc năm 1919. Phong trào tiếp thu giáo dục tây phương đòi hỏi quyền người đàn bà cũng phải được hưởng một nền giáo dục như đàn ông. Phạm Quỳnh trong Thượng Chi văn tập (I) – Bộ Quốc gia Giáo dục – 1962 đã hỗ trợ mạnh mẽ đòi hỏi này:
Hiện nay còn có nhiều người đeo cái não đời Trung cổ mà chủ trương cái thuyết bó buộc người đàn bà, không muốn cho thông hiểu điều gì, nói rằng đàn bà càng biết chữ lắm càng dễ nhiễm thứ xấu nhiều; bất nhược để cho ngu dốt như xưa lại dễ dạy hơn. Không những cái tư tưởng ấy không có lượng, chỉ có lòng vị kỷ của đàn ông, mà lại thực trái với tình thế hiện thời. Phong bội ngày một mở mang, văn minh ngày một tiến bộ, cuộc đời như bài kịch hay, lắm vẻ ly kỳ, lắm màu thú vị, đàn ông có thể giữ lấy một mình mà coi, không cho đàn bà được dự sao? E ngăn cấm bao nhiêu lại càng giục lòng hiếu kỳ bấy nhiêu. Mà lòng hiếu kỳ không được thỏa mãn, dễ sinh ra lắm nỗi hiểm nghèo, di hại cho xã hội không phải là ít vậy.
Do đó, bắt đầu từ thế kỷ XX, người ta thấy đã có nhiều phụ nữ chính thức tham gia học đường, và ngày nay khả năng của người đàn bà đã được chứng minh rõ ràng trong mọi lãnh vực: văn chương, ngôn ngữ, triết lý, nghệ thuật, toán học, cũng như các ngành khoa học khác nhau.
Tuy nhiên, ảnh hưởng văn hoá của “tam tòng”, “tứ đức” không những chỉ thấm nhuần vào lối sống của những gia đình quý tộc, khoa bảng trong xã hội cũ mà dư âm của ảnh hưởng này vẫn còn đậm nét ở những gia đình trung lưu có gia giáo trong xã hội tân học của thế kỷ XX.
Để tìm hiểu và phản ánh sự quan trọng của giáo dục con gái qua các thời kỳ trong xã hội Nho giáo cũ kéo dài cho đến đầu thế kỷ XX, người ta tìm thấy những câu dạy dỗ đàn bà, con gái trong Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV như sau:
Phận làm gái ở cùng cha mẹ,
Lòng phải chăm học khéo học khôn,
Một mai xuất giá hồi môn,
- 370. Phận bồ liễu giá trong như ngọc,
Khéo là khéo bánh trong, bánh lọc,
Lại ngoan nghề dệt vóc, may mền.
Khôn là khôn lẽ phải, đường tin,
Lại trọn đạo nâng khăn sửa túi.
- Khôn chẳng tưởng mưu lừa chước dối,
Khéo chẳng khoe vẻ lịch, chiều trai.
Xưa nay hầu dễ mấy người,
Miệng khôn, tay khéo cho ai được nhờ.
Phận làm gái này lời giáo huấn,
- 380. Lắng tai nghe cổ truyện mới nên,
Hãy xem xưa những bậc dâu hiền,
Kiêm tứ đức: dung, công, ngôn, hạnh,
Công là đủ mùi xôi, thức bánh,
Nhiệm nhặt thay đường chỉ mũi kim.
- Dung là nét mặt ngọc trang nghiêm,
Không tha thiết, không chiều lả tả.
Ngôn là dạy trình thưa vâng dạ,
Hạnh là đường ngay thảo kính tin.
Xưa nay mấy kẻ dâu hiền,
- Dung, công, ngôn, hạnh là tiên phàm trần.
Phận con gái ở nhà thi lễ,
Lắng mà nghe kể chuyện tam cương:
Dẫu ái ân cùng chiếu cùng giường,
Đạo chồng sánh quân thân chi đạo,
- Làm tôi con chỉ trung chỉ hiếu,
Làm dâu thì chỉ kính mới nên.
Chớ khoe khoang mình bạc mình tiền,
Đừng đỏng đảnh cậy khôn cậy khéo.
Bề thiếp phụ thuận tòng là điệu,
- Cũng như bên thờ chúa thờ cha,
Muôn nghìn đừng thói kiêu ngoa,
Mắng ta không giận, yêu ta không nhờn.
Đến cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, Bùi Huy Bích trong Hành Tham Quan Gia Huấn rất chú trọng đến việc dạy dỗ con gái.
Gái thời học nghiệp cửi canh,
Trong việc gia đình dậy sớm thức khuya.
Làm ăn thu vén việc nề.
Giữ giàng danh tiết mọi bề sạch trong.
Vui lòng nức tắc, nữ công,
Kiệm cần đôi chữ tấc lòng chớ sai.
Đến đầu thế kỷ XX, Đặng Xuân Bảng trong Cổ Huấn Nữ Ca đã răn dạy người con gái như sau:
Khi nghe tiếng gọi trên nhà,
Theo lời vâng dạ chân đà bước mau.
Nào đâu lấy nước têm trầu,
Nào đâu nấu bếp, nào đâu quét nhà.
Đường ăn ở có nết na,
Để người vui dạ là ta yên lòng.
Dưới màn ngày hạ, đêm đông,
Chăm lo đắp lạnh, quạt lồng sớm khuya…
Kiên trinh hai chữ là đầu,
Đá trơ trơ vững, gương lầu lầu trong…
… Dẫu mà tuổi trẻ đầu xanh,
Quyết lòng ở vậy, chẳng tình trăng hoa.
Bướm ong đâu mặc người ta,
Nước trong, trăng sáng mới là gái trinh…
Đến như kính mẹ thờ cha,
Biết đường lui tới mới là đạo dâu.
Dưới màn sớm trực khuya hầu,
Ghét đâu cũng chịu, thương đâu cũng nhờ.
Chẳng nên nhạt nhẽo ơ hờ,
Cho người tóc bạc sớm trưa phàn nàn.
Trong những thập kỷ 30, 40, 50, 60, và 70 của thế kỷ XX, người ta vẫn còn thấy những lời cha mẹ dạy dỗ con gái phảng phất ảnh hưởng của nền giáo huấn như mô tả ở trên, trong những gia đình trung lưu có gia giáo.
Ảnh hưởng giáo dục “tứ đức” trên quần chúng thôn quê thì như đã được trình bày ở “Bài Một”, người con gái chỉ chú trọng đến một khía cạnh quan yếu của chữ “hạnh”, đó là: trinh tiết, vì – theo phân tích văn chương bình dân – có ba lý do: (1) xã hội Nho giáo nói chung chê bai, bài bác, khinh miệt, không chấp nhận người con gái không trinh tiết, (2) con trai thường không lấy vợ không còn trong trắng, và (3) có con mà không có chồng là một gánh nặng kinh tế mà, một thân một mình, người đàn bà không thể đảm đang nỗi. Ngoài ra, công, dung, ngôn, hạnh như được ứng dụng trong truyền thống Nho giáo không thích hợp với đời sống của người dân lao động ở thôn quê mà chỉ thích hợp với lối sống của giới khoa bảng.
Sau 1975 khi đảng Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, làn sóng di dân từ miền Bắc vào Nam ồ ạt, mang theo cả một nền văn hoá chủ trương “vô gia đình, vô tôn giáo, vô tổ quốc”, đạp đổ những giá trị cũ như là những tư tưởng phong kiến, lạc hậu, phản động.
Đến năm 1980, sau khi đã gánh chịu những thất bại nặng nề gây nên bởi chính sách kinh tế chỉ huy, đảng Cộng sản đã chuyển hướng qua kinh tế thị trường. Hệ luận của nền kinh tế thị trường là những luật lệ đòi hỏi những tự do và bình đẳng trong lãnh vực thương mại và tự do đi lại, do đó – như là một luật liên đới — ảnh hưởng của tự do, phóng khoáng trong tư tưởng và hành động trong những lãnh vực khác cũng toả rộng trên khắp toàn cõi đất nước mặc dù tư tưởng tự do, phóng khoáng trong lãnh vực chính trị bị kiểm soát và kiềm chế rất gắt gao vì “kinh tế thị trường” còn có cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Sự tự do, phóng khoáng trong tư tưởng trong các xã hội tây phương thường được thể hiện qua tự do lựa chọn công ăn việc làm, tự do kinh doanh, tự do làm giàu, tự do ăn mặc, tự do trong tình yêu đôi lứa và sinh lý, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do sinh hoạt chính trị, tự do đeo đuổi hạnh phúc, v.v…Tuy nhiên, không phải là những tự do này không được kiềm chế. Nhưng những kiềm chế này không phải là những kiềm chế áp đặt, cưỡng bức, mà là những kiềm chế văn hoá tự nguyện và đồng thuận. Kiềm chế văn hoá tự nguyện ở tây phương là sự thể hiện hành vi ứng dụng hệ thống giá trị mà chủ yếu phát sinh từ Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo (Judeo-Christian) đã thẩm thấu trong đời sống hằng ngày của người dân suốt mấy ngàn năm lịch sử. Kiềm chế đồng thuận là hệ thống luật pháp tam quyền phân lập công minh do quốc hội, được toàn dân bầu lên và đại diện cho toàn dân, thiết lập. Đây là hai gọng kềm xác định giới hạn của tự do.
Ở Việt Nam, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do lập hội, tự do sinh hoạt chính trị bị cưỡng chế theo khuôn khổ của nhà nước. Những giá trị của tôn giáo đem lại từ Khổng giáo, Phật giáo, Cao Đài, Hoà Hảo, Thiên Chúa giáo và các tôn giáo khác đã bị tha hoá vì nỗ lực xâm nhập, quản lý và đánh lạc hướng của đảng Cộng sản. Luật pháp thì chỉ có trên giấy tờ, mọi phán quyết đều nằm trong tay giới lãnh đạo và tập đoàn công an. Do đó, không còn một hệ thống giá trị nào có đủ sức mạnh và cũng không có một nền tảng luật pháp công minh để điều hướng hành vi con người mà chỉ có bạo lực cưỡng bức tư duy con người đi vào một con đường duy nhất, con đường của đảng Cộng sản. Sinh lực con người bị ức chế, tạo nên sức mạnh dồn ép thành công lực phát huy những lãnh vực tự do khác được cho phép, như tự do kinh doanh, tự do ăn mặc, tự do trong tình yêu đôi lứa và sinh lý mà không có kim chỉ nam đạo đức hay luật pháp nào điều hướng hành vi của con người. Người ta làm giàu hay kiếm tiền trên xương máu hay bất chấp sự an nguy và quyền lợi của người khác; ăn mặc thì trong nhiều trường hợp quá lố lăng; tình yêu không đặt nền tảng trên chung thuỷ mà phần lớn dựa trên tiền tài, danh vọng; làm tình chỉ là một nhu cầu của thân xác như cơm nước hay một loại sở thích như ăn hàng, chứ không còn là một cử chỉ yêu đương, đặc biệt dành riêng cho đời sống thân mật của vợ chồng. Cuộc sống thiếu vắng tính nhân văn và trong một số trường hợp hầu như bị hạ thấp xuống ngang hàng với lối sống của súc vật vì hành vi của súc vật chỉ dựa trên bản năng, trong lúc hành vi và phản ứng của con người thường được điều hướng bởi những giá trị, phần lớn là những giá trị tinh thần, được hầu hết mọi người trong xã hội bình thường trân quý.
Nếu ảmh hưởng của tôn giáo, nói chung, và luật pháp trong xã hội Việt Nam hiện tại không thể là kim chỉ nam cho đời sống con người thì một số giá trị cao quý và hợp lý – mà trong bài này chỉ được giới hạn trong công việc giáo huấn đàn bà, con gái – qua “tứ đức”, có thể nào giúp hướng dẫn đời sống của người phụ nữ Việt Nam hay không?
Dĩ nhiên là “tứ đức” theo ý nghĩa thuần tuý của truyền thống Nho giáo cũ không còn thích hợp với nền kinh tế và văn minh kỹ thuật toàn cầu của thế kỷ XXI nữa. Mạng lưới điện tử đã thu tóm nền văn minh, văn hoá của thế giới vào màn hình nhỏ bé của máy điện toán. Điện thoại thông minh là chiếc cầu nối lời nói và hình ảnh với bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi nào trên địa cầu. Những phong trào văn chương, triết học, thời trang, lối sống được phổ biến nhanh chóng trên toàn thế giới. Tiếp thu những phong trào này mới nhìn qua thì có vẻ đồng bộ. Tuy nhiên sự khác nhau chính yếu là người thu nhận những trào lưu này có có một căn bản được xây dựng bằng một hệ thống giá trị hay không.
Hệ thống giá trị bao gồm tất cả những gì mà con người cho là tốt đẹp và thiết yếu cho cuộc sống. Mọi hành vi và phản ứng của con người đều bị chi phối bởi hệ thống giá trị này. Một người nhặt được một ví tiền thất lạc đã tìm cách trả lại cho khổ chủ. Một người khác lại dùng số tiền đó cho những lợi ích của bản thân, không màng đến sự thiệt hại của người đánh mất nó. Hai người này có hai giá trị khác nhau. Người ta có thể tìm hiểu được hệ thống giá trị của một xã hội nếu chú ý quan sát những hành vi và phản ứng của con người trong xã hội đó. Những hành vi này không phải tự nhiên mà có, mà là kết quả của một quá trình lâu dài về giáo dục gia đình, tôn giáo, và luật pháp.
Tìm hiểu hệ thống giá trị đích thực của dân tộc đòi hỏi nhiều khảo cứu. Giới hạn của bài này được thu hẹp vào bốn giá trị: (1) công, (2) dung, (3) ngôn, và (4) hạnh, trong tiến trình giáo dục phụ nữ.
Phạm Quỳnh mặc dù đòi hỏi bình quyền cho phụ nữ về lãnh vực trí dục nhưng vẫn đặt nặng đức dục. Tự Lực Văn Đoàn trong những thập niên 30 của thế kỷ XX đã bài bác những thói tục cũ, nhất là cảnh làm dâu khắc nghiệt, nhưng vẫn không đả động đến hành vi cần có của người phụ nữ. Mặc dù vậy, mãi cho đến trước 1975, trong các gia đình có gia giáo, người ta vẫn còn thường nghe những lời cha mẹ dạy dỗ con gái về “công”, “dung”, “ngôn”, “hạnh”. Sau 1975, hơn ba triệu người mà đa số là người miền Nam đã di tản ra các nước, phần lớn là các nước tây phương. Dân số Việt Nam từ 40 đến 45 triệu người trên toàn quốc năm 1975, nay đã tăng lên khoảng 96 triệu người với 65% sinh sau 1975. Do đó, có lẽ bốn từ “công”, “dung”, “ngôn”, và “hạnh” không còn được nghe thấy trong giáo dục gia đình nữa. “Công”, “dung”, “ngôn”, và “hạnh” là bốn “giáo điều” của Nho giáo trong lãnh vực giáo dục phụ nữ, nói một cách tổng quát, là trước 1975. Vậy bốn “giáo điều” này có còn giá trị ứng dụng trong xã hội Việt Nam hiện đại hay không?
“Công” [功] có nghĩa là việc làm. Trong xã hội Nho giáo xưa về lãnh vực giáo dục phụ nữ, “công” chủ yếu được hiểu là việc nữ công, gia chánh phải khéo léo bao gồm may vá, thêu thùa, dệt cửi, bếp núc, buôn bán. Trong xã hội hiện đại, người đàn bà cũng học hành như người đàn ông, cũng đảm trách những công việc chuyên môn, những chức vụ quan trọng “ngoài” xã hội như người đàn ông. Công việc may vá được dành cho những người thợ hay không còn cần thiết. Thêu thùa trở thành một cơ hội giải trí mang tính nghệ thuật thường là cho giới phụ nữ. Do đó, nói chung không còn một công việc nào là dành riêng cho phái nữ, ngay cả những công việc lao động nặng nhọc, hoặc chỉ cho đàn ông mà thôi. Tuy nhiên, những vấn đề nội trợ khác như chăm sóc con cái, lo nhà cửa cho sạch sẽ, giặt áo quần, lo cơm nước, dọn dẹp và rửa chén bát mà trước đây hoàn toàn do người đàn bà đảm trách, vẫn cần phải được giải quyết. Hiện nay, đối với những gia đình khá giả trong nước thì người ta vẫn dùng người giúp việc dưới sự kiểm soát của người đàn bà. Đối với những gia đình trung lưu, nói chung, ngoài công việc chuyên môn, người đàn bà – khi xong việc ngoài xã hội — vẫn còn phải lo những công việc nội trợ như vừa liệt kê ở trên. Đây là một bất công đối với người phụ nữ, ngoại trừ trường hợp người phụ nữ không đảm trách công việc chuyên môn “ngoài” xã hội. Do đó “công”, như là công việc nội trợ, không thể là một đòi hỏi riêng cho phụ nữ mà cho cả người đàn ông nữa. Trong xã hội hiện đại, nhất là ở tây phương, người ta thấy không ít người đàn ông ở nhà chăm sóc con cái và lo việc nội trợ. Trong xã hội xưa, công việc của người đàn bà mặc dù bị áp đặt, nhưng vẫn được dựa trên nguyên tắc công bằng hợp lý: người đàn bà lo việc “trong” nhà; người đàn ông lo việc “ngoài” xã hội, và là cột trụ kinh tế của gia đình. Ngày nay người đàn ông và cả người đàn bà đều đảm trách những công việc chuyên môn, đóng góp vào kinh tế gia đình thì không lý do gì, ngoài công việc chuyên môn, người đàn bà còn phải đảm trách công việc nội trợ. Người đàn ông cần hợp tác với người đàn bà trong một kế hoạch phân công hợp lý và công bằng. Sự tồn tại và ổn định của xã hội bắt nguồn từ sự tồn tại và ổn định trong gia đình. Tồn tại tuỳ thuộc vào tài chánh do công việc chuyên môn của người đàn ông hay của người đàn bà hay của cả hai đem lại. Ổn định là trật tự do sự xếp đặt mà người ta phải tuân theo hay đồng thuận. Trong xã hội Nho giáo xưa, trật tự được áp đặt bởi giáo điều và quyền lực. Trong xã hội hiện đại, giáo điều Nho giáo không còn thích hợp và quyền lực, thường do khả năng kinh tế đem lại, đã mất hết hiệu lực, vì khả năng kinh tế gia đình của người đàn bà tương đương với người đàn ông. Do đó ổn định gia đình không thể áp đặt mà chỉ có thể duy trì dựa trên tình yêu và nguyên tắc công bằng.
“Dung” [容] có nghĩa là vẻ mặt, hình dáng bên ngoài, và cũng có nghĩa là trang điểm, và trang phục. “Dung” là vẻ đẹp trong cách ăn mặc trang nhã, kín đáo; trang điểm vừa phải; và phải lo chăm sóc hình dáng bản thân. Những đòi hỏi này thực ra rất hợp lý cho bất cứ thời đại nào. Những đòi hỏi này không dựa trên nguyên tắc quyền lực áp đặt, không dựa trên phân biệt giới tính độc đoán mà chỉ dựa trên yêu cầu thẩm mỹ, một yêu cầu thiết yếu trong lãnh vực giá trị luận (axiology).
Hai điểm quan trọng khác trong ý nghĩa của từ “dung” là trang điểm và trang phục. Yêu cầu truyền thống trong hai lãnh vực này được đặt trên hai tiêu chuẩn: trang nhã và thẩm mỹ, dựa vào nguyên tắc trung dung. Trong xã hội hiện đại, nguyên tắc tự do và khác biệt được tôn trọng. Do đó, trang điểm và trang phục không thể dựa vào một công ước hay một sự áp đặt nào cả mà hoàn toàn chỉ dựa vào sở thích cá nhân. Trong lúc đó nền kinh tế thị trường, mà mục đích chính là làm tiền, đã nhanh chóng tạo nên những thời trang luôn luôn mới gây ảnh hưởng mạnh lên sở thích cá nhân và có thể làm tê liệt khả năng thẩm định giá trị thẩm mỹ chuẩn xác của đa số quần chúng. Do đó người ta thấy khá nhiều trường hợp thái quá trong lãnh vực trang điểm và trang phục của phụ nữ vì chạy đua theo thời trang. Những người con gái trang điểm phấn son quá lòe loẹt hoặc mặc áo quần phơi bày thân thể quá đáng là những hiện tượng xảy ra hằng ngày. Dĩ nhiên nhận định này mang tính chủ quan và có thể bị kết án là thủ cựu. Tuy nhiên, chắc chắn là bất cứ người đàn bà, con gái nào cũng muốn mình được khen là trang nhã và có óc thẩm mỹ. Trước sức mạnh ào ạt của thời trang thúc đẩy bởi nền kinh tế thị trường, có lẽ tiêu chuẩn trang nhã và thẩm mỹ vẫn có thể duy trì và tồn tại qua thời gian được, bằng cách tôn trọng nguyên tắc trung dung. Câu ca dao sau đây là chứng liệu cho một sự chọn lựa thái quá:
Cá lên khỏi nước cá khô,
Làm thân con gái loã lồ ai khen.
“Ngôn” [言] có nghĩa là lời nói. Giáo dục Nho giáo đòi hỏi người đàn bà, con gái phải ăn nói từ tốn, khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng. Văn chương bình dân có câu ca dao châm biếm người đàn bà không đạt được yêu cầu này như sau:
Chân đi nhè nhẹ như voi bước,
Tiếng nói thanh thao tựa phèn la.
Đối với chồng, người lớn, cha mẹ thì phải dạ, thưa, bẫm, phải xin phép khi muốn làm một việc gì, và khi nào được hỏi mới trả lời, chứ không được tự ý phát biểu ý kiến. Phải xin phép khi muốn làm một việc gì hay khi nào được hỏi mới trả lời là những đòi hỏi mang tính áp đặt của quyền lực võ đoán, không còn thích hợp với xã hội hiện đại. Dạ, thưa, bẫm có thể được quan niệm như là một áp đặt võ đoán, nhưng cũng có thể xem như là một hình thức lịch thiệp chứng tỏ sự tôn trọng đối với người đối thoại với mình. Hơn nữa, ngôn ngữ của người Việt đã hàm chứa một ý thức hệ hệ đẳng: ông/cháu, cha/con, mẹ/con, chị/em, anh/em (anh/em trai hay chồng/vợ), v.v…được dùng để chỉ ngôi thứ hai và ngôi thứ nhất trong đối thoại. Và khi sử dụng những từ này, người nói đã xác định và chấp nhận vai vế người đối thoại với mình là kẻ bề trên và mình là bề dưới, ám chỉ sự tôn trọng tự nguyện về hệ đẳng. Đây là một vấn đề văn hoá đặc thù của dân tộc. Cho nên dạ, thưa, bẫm không những chỉ chứng tỏ sự tôn trọng của mình đối với người đối thoại mà còn chứng minh tư cách của chính bản thân mình là người khiêm nhường và lịch thiệp.
Từ tốn, khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng mặc dù là những đòi hỏi của Nho giáo trong lãnh vực giáo dục đàn bà, con gái về cách ăn nói; nhưng những đặc tính này cũng còn phản ánh nét đẹp (giá trị thẩm mỹ) của phụ nữ. Dĩ nhiên là trong xã hội hiện đại đặt nặng bình đẳng và bình quyền, rất nhiều phụ nữ phản bác những yêu sách này và cho là những đặc tính này do người đàn ông áp đặt với ý đồ chiếm hữu. Trên thực tế mặc dù bình đẳng và bình quyền với người đàn ông, nhưng người đàn bà có những đặc điểm sinh lý thể chất khác người đàn ông. Từ tốn, khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng mặc dù cũng phù hợp với người đàn ông, nhưng dựa trên thể lý thì phù hợp với dáng vóc, kiểu cách đi đứng của người phụ nữ hơn và làm tăng vẽ trang nhã và thẩm mỹ đặc thù của người đàn bà mà người đàn ông không thể có được. Vã lại, những đặc tính này không nói lên sự yếu kém mà trái lại trong nhiều trường hợp đã chứng tỏ sức mạnh của người đàn bà: “Mật ngọt chết ruồi.” Laura Doyle, người đàn bà tranh đấu quyết liệt cho nữ quyền, trong cuốn The surrendered Wife, đã từ bỏ và khuyên tất cả mọi người đàn bà từ bỏ ý muốn khống chế và kiểm soát người đàn ông, nhất là bằng lời nói và nên phát huy những nữ tính đặc thù của người đàn bà, như chăm sóc dáng vẻ của bản thân, tôn trọng quan điểm của người đàn ông bằng cách lắng nghe, cũng như tôn trọng ý kiến và ước muốn của chính mình bằng cách phát biểu trung thực mà không tìm cách áp đặt ý kiến hay ước muốn của mình một cách gián tiếp. Những khuyến cáo này đã đưa đến sự ổn định và hạnh phúc trong đời sống vợ chồng của rất nhiều người Mỹ.
“Hạnh” [行] có nghĩa là nết na, đức hạnh. Đức hạnh, nết na là điều được trân quý nhất nơi người con gái, bởi vì:
Người chết, nết còn
Nếu “ngôn” nói đến ‘lời ăn, tiếng nói” thì “hạnh” nói đến nết na trong hành vi, cử chỉ, cách thức ăn uống và đi đứng.
Trong ứng dụng, những gia đình Nho giáo thường đòi hỏi người đàn bà, con gái phải biết ăn uống thư thả, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Trong xã hội hiện đại, không những đàn bà, con gái mà người Việt nói chung đều có thể thích ứng cách ăn uống lịch sự của người tây phương (table manners) như là một mô hình thẩm mỹ. Ví dụ, ăn uống phải từ tốn, không chắp miệng gây tiếng động làm phiền người chung quanh, dùng muỗng (thìa) hay nĩa lấy phần đồ ăn vào đĩa hay chén riêng của mình, không nhúng đũa mình đang ăn vào đĩa đồ ăn chung để gắp phần ăn — nếu cần — nên trở đầu đũa. Trong giáo dục gia đình truyền thống, ông cha ta cũng không quên dạy bảo phải trở đầu đũa khi gắp đồ ăn từ đĩa đồ ăn chung.
Và, giáo dục nết na cho đàn bà, con gái trong xã hội Nho giáo xưa đòi hỏi sự hoà nhã, từ tốn, khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng, kính trên, nhường dưới, chiều chồng, thương con, ăn ở tốt với đại gia đình nhà chồng. Những yêu cầu này được áp dụng trong hành vi, cử chỉ, và cách đi đứng của người phụ nữ. Trong xã hội tây phương hiện đại, nhất là với phong trào nữ quyền (feminism) bắt đầu từ thập niên 60 và phát triển mạnh trong những thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, người phụ nữ phản bác những yêu sách này và khẳng định là không cần có sự đối xử phân biệt giới tính trong hành vi và cử chỉ. Phong trào nữ quyền lúc ban đầu hay chống đối việc người đàn ông mở cửa xe, cửa tiệm, hoặc kéo ghế cho người đàn bà vì những hành động này được cắt nghĩa như là hành vi trịch thượng (macho) hoặc có ý chiếm hữu vô thức, biến người đàn bà thành nạn nhân; nhưng dần dà người phụ nữ cảm thấy đó chỉ là những hành vi lịch thiệp, trân quý và tôn vinh nét đặc thù của người đàn bà và làm cho người đàn bà hãnh diện vì sự xinh đẹp và cao quý của mình.
Về vấn đề ăn ở tốt với gia đình chồng thì trong xã hội hiện đại, mô hình đại gia đình đã dần dần đi vào lịch sử. Chỉ còn lại mô hình của tiểu gia đình bao gồm vợ chồng và con cái mà thôi. Nhưng dù sao, đòi hỏi “tốt với đại gia đình chồng” là một áp đặt võ đoán và một chiều. Nhất Linh của Tự Lực Văn Đoàn trong thập niên 30 của thế kỷ trước đã chống đối tính võ đoán này trong Đoạn Tuyệt qua nhân vật Loan. Đối đãi tốt phải là một con đường hai chiều.
Ngoài ra, nền giáo dục Nho giáo còn đòi hỏi người con gái phải có tư cách đứng đắn, không được gần gũi con trai cũng như không được lả lơi khi gần con trai, và nhất là phải giữ gìn trinh tiết. Người đàn bà đã có chồng thì không nên quyến rũ người đàn ông khác và khi chồng mất, phải thủ tiết và tang chế cho chồng ba năm (Xin xem Bài Một).
Vấn đề người vợ thủ tiết và phải để tang chồng ba năm thường được tôn trọng trong những gia đình Nho giáo, khoa bảng xưa. Nhưng đa số những người đàn bà thôn quê đối kháng đòi hỏi này vì, trước tiên, là con người ai cũng có những đòi hỏi sinh lý, do đó không có lý do gì bắt người đàn bà phải sống ba năm không có sự thân mật của người đàn ông. Như Hồ Xuân Hương đã từng than vãn:
Năm thì mười họa hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không.
Một tháng một hai lần mà có cũng như không, huống hồ là ba năm. Hơn nữa, chờ đợi ba năm sẽ đánh mất đi tuổi xuân xanh của người đàn bà và việc tái giá có thể trở thành khó khăn, nên người đàn bà dân dã đã thẳng thắng khẳng định là:
Ba năm trực tiết còn gì là xuân.
Trong xã hội hiện đại ở Việt Nam, với ảnh hưởng của tây phương, có lẽ không còn ai đặt vấn đề thủ tiết và tang chế cho chồng ba năm nữa. Hoặc nếu còn người đàn bà chọn lựa thủ tiết và tang chế cho chồng thì sự lựa chọn này hẳn là một tự nguyện bắt nguồn từ tình yêu chứ không thể là một yêu cầu đạo đức cần phải tuân theo.
Về vấn đề trong trắng của người con gái thì gần gũi, lả lơi, và mất trinh tiết là một tiến trình tiệm tiến hầu như tất yếu. Do đó, giáo dục Nho giáo muốn chặn ngay từ bước đầu tiên: sự gần gũi. Trong những gia đình Nho giáo, khoa bảng xưa, sự đi lại của người con gái có thể bị giới hạn. Trong xã hội hiện đại, tình trạng “bế quan toả cảng” không còn có thể xảy ra. Khung cảnh học đường và môi trường tiếp xúc xã hội cho phép con trai, con gái cận kề nhau thường xuyên. Còn “lả lơi” trong thái độ hay hành vi là một quan niệm thuộc phạm trù đạo đức mang tính chủ quan, mà ý nghĩa biến đổi tuỳ theo hoàn cảnh xã hội. Cường độ biến đổi có thể di chuyển từ hành vi tán tỉnh đến hành vi động chạm kích thích sinh dục. Ngừng hay không ngừng lại ở điểm nào trên tiến trình di chuyển này không còn là quyết định của cha mẹ nữa mà hoàn toàn là quyết định của người con gái. Sự quyết định này tuỳ thuộc vào ảnh hưởng của những giá trị mà xã hội trân quý, những cảnh báo của cha mẹ, và nhất là sự khôn ngoan của chính người con gái. Có một điểm mà có lẽ ai cũng biết là đa số con trai ưa thích những người con gái tự do, phóng túng về phương diện sinh lý, nhưng lại chỉ chọn những người con gái đoan trang làm vợ của mình.
Vấn đề còn lại là vấn đề trinh tiết của người con gái. Trong những gia đình quý tộc, Nho giáo, khoa bảng xưa thì trinh tiết là một điều thiết yếu mà người con gái phải tuyệt đối tuân theo vì ảnh hưởng đến tương lai gia thất của chính người con gái cũng như vì danh dự của gia đình cha mẹ. Người con gái thôn quê cũng tôn trọng việc gìn giữ trinh tiết, nhưng vì những lý do thực tiễn: (1) xã hội Nho giáo nói chung chê bai, bài bác, khinh miệt, không chấp nhận người con gái không trinh tiết, (2) con trai thường không lấy vợ không còn trong trắng, và (3) có con mà không có chồng là một gánh nặng kinh tế mà, một thân một mình, người đàn bà không thể đảm đang nỗi (Xem Bài Một).
Ở tây phương hiện đại thì ngoài ảnh hưởng của phim ảnh, sự tự do giao thiệp ở học đường và trong xã hội, sự độc lập tương đối của con em đối với sự giáo huấn trực tiếp của cha mẹ và thuốc ngừa thai đã tạo nên một môi trường phóng khoáng về sinh lý. Mặc dù vậy, giáo điều của Thiên Chúa giáo và các tôn giáo khác, và sự giáo huấn của cha mẹ tín đồ của những tôn giáo đó cũng phần nào kiềm chế sự phát triển của môi trường này. Ở Việt Nam, ngoài ảnh hưởng phim ảnh và mạng lưới điện tử, thường có mục đích thương mãi, liên tục phổ biến sự phóng túng về hành vi sinh lý, thêm vào đó, nhà nước Cộng sản lại chủ trương vô gia đình, vô tôn giáo, vô tổ quốc và đồng thời chi phối, chỉ đạo các tôn giáo đi theo đường lối của nhà nước. Do đó, con em, nhất là con gái không có kim chỉ nam đạo đức để điều hướng con đường cần lựa chọn, và có thể, vì thiếu hướng dẫn, dấn thân vào những hành vi phóng túng truỵ lạc thiếu trách nhiệm, có hại cho cuộc sống tương lai. Hằng hà sa số tin tức trẻ con sơ sinh ở Việt Nam bị quẳng vào thùng rác rất phổ biến. Thật là một tình trạng hết sức bất nhẫn!
Bài này không có mục đích đưa ra một phán đoán đạo đức là trinh tiết tốt hay xấu, trinh tiết là một giá trị cần bảo tồn hay nên huỷ bỏ, mà chỉ đưa ra một phân tách thực tại trong lúc hoàn toàn tôn trọng sự tự do suy tư và quyết định khôn ngoan của người con gái đang lớn lên và đang bước vào giai đoạn trưởng thành, với hy vọng là những người con gái này có thể xây dựng hạnh phúc cho chính bản thân trong tương lai cũng như có thể đóng góp vào công việc xây dựng xã hội lành mạnh mà trong đó họ đang sống. Tuy nhiên, trẻ em vị thành niên chưa thể suy tư một mình để có thể có những lựa chọn quan trọng trong cuộc đời mà không có sự hướng dẫn của cha mẹ:
Dạy con từ thuở nên ba.
Từ 12 tuổi trở lên – tuổi bắt đầu có khả năng suy luận — con em có thể được cha mẹ trao đổi ý kiến qua những cuộc thảo luận lý giải những lợi hại của những lựa chọn trong cuộc đời. Sự hiểu biết sẽ giúp các em có những lựa chọn, hợp lý và hữu ích cho bản thân. Áp đặt võ đoán thường đưa đến đối kháng dù những điều áp đặt có hữu lý đi chăng nữa. Các em, dù tuổi còn nhỏ, vẫn cần phải được tôn trọng.
Tóm lược
Chủ điểm của bài này tập trung vào việc rút tỉa những giá trị của tứ đức trong Nho giáo với mục đích ứng dụng những giá trị đáng duy trì và bảo tồn, bằng cách gạn lọc những cái hay và gạt bỏ những cái không còn thích hợp vào thời điểm hiện đại của đất nước. Sự gạn lọc này dựa trên cơ sở do ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của nền văn minh và văn hoá thế giới đã được thu tóm lại trên màn hình nhỏ bé của máy điện toán đem lại, ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả mọi người ở mọi quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Trong tứ đức, Nho giáo nêu lên những yêu cầu về “công”, “dung”, “ngôn” và “hạnh”.
Về công việc thì trong thời buổi hiện đại, không còn công việc nào là chỉ thích hợp cho phụ nữ hay cho nam phái không mà thôi. Khả năng trí tuệ và chuyên môn của phái nam cũng như phái nữ, nói chung, đều không cách biệt nhau, và phụ nữ cũng như đàn ông đều đảm trách những công việc như nhau ngoài xã hội. Chỉ còn việc nội trợ là cần phải được phân công dựa trên nguyên tắc công bằng và cơ sở tình yêu, là một thoả hiệp hợp lý giữa vợ và chồng.
Về hình dung bên ngoài thì nam cũng như nữ đều cần chăm lo bản thân. Đặc biệt, đối với phụ nữ thì vấn đề trang điểm và trang phục thường bị văn minh thị trường lôi cuốn có thể làm lệch lạc khả năng đánh giá chuẩn xác những tiêu chuẩn về trang nhã và thẩm mỹ. Do đó, nguyên tắc trung dung có thể là một nguyên tắc hữu ích.
Từ tốn, khoan thai, thuỳ mị, dịu dàng, mềm mỏng trong lời ăn tiếng nói (ngôn) không là chỉ dấu của sự yếu đuối của phụ nữ. Trái lại, trong rất nhiều trường hợp, những đặc tính này không những chứng tỏ sức mạnh vô địch của người đàn bà mà còn nâng cao vẻ đẹp cao quý của phụ nữ.
Những đặc tính này không những phù hợp trong lời ăn, tiếng nói mà còn phù hợp trong hành vi, cử chỉ, cách đi đứng của người phụ nữ. Nhìn tổng thể, những đặc tính này tạo nên cái mà trong truyền thống cổ xưa gọi là cái nết (hạnh).
Năm quan mua người, mười quan mua nết.
Người đẹp mà thiếu khôn ngoan,
Cũng như một cánh hoa lan vùi bùn.
Người chết, nết còn.
Về cái nết của chữ “hạnh”, quan niệm về trinh tiết phải được áp dụng như là một giáo điều cần phải tuân phục không còn thích hợp với thời đại. Nói như thế không có nghĩa là trinh tiết là một điều cổ hũ nên huỷ bỏ. Tây phương chịu ảnh hưởng nặng của Thiên Chúa giáo mà đối với Thiên Chúa giáo cũng như nhiều tôn giáo khác, trinh tiết vẫn là một giáo điều. Tại Việt Nam, hiện nay ảnh hưởng của tôn giáo có lẽ không được mạnh trong đại đa số quần chúng. Do đó, sự hướng dẫn thông minh của cha mẹ — qua những cuộc thảo luận với con cái trong sự lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau, trao đổi ý kiến về những lý do lợi hại của những chọn lựa quan trọng trong cuộc đời của con em – hy vọng sẽ là kim chỉ nam giúp các em có một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc.
Nguyễn văn Thái, Ph.D.
Ngày 28 Tháng 8, Năm 2019