Tác giả: Thầy Nguyễn Văn Thái
CHUNG THUỶ
Một Đặc Tính về Tình Yêu của Người Đàn Bà Việt Nam
Người Đàn Bà Việt Nam trong Dòng Sinh Mệnh của Dân Tộc
Thường thường vợ chồng chung sống trong gia đình ít khi lưu ý đến những sắc thái đặc thù của chồng hay của vợ mình. Hơn nữa, trong thời gian lâu dài chung sống, nếu có người để ý thì thường có khuynh hướng để ý đến những điều làm phật lòng mình, có nghĩa là để ý đến những điều xấu hơn là những điều tốt. Dĩ nhiên là không phải ai cũng vậy, nhưng sự quen thuộc lâu ngày thường làm giảm bớt đi sự trân quý những nét đẹp của nhau, nhất là nét đẹp đặc thù của người vợ Việt Nam.
Bài viết ngắn ngủi này nói lên một nét đặc thù rất đáng trân quý của không phải chỉ một số người vợ Việt Nam, mà của hầu hết mọi người vợ Việt Nam suốt dọc dài lịch sử của đất nước.
Nếu chúng ta chịu khó tìm tòi trong toàn bộ ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích thì chúng ta sẽ tìm thấy nét đặc thù này. Đó là lòng chung thuỷ. Những bằng chứng về lòng chung thuỷ của người đàn bà nhan nhản trong văn chương bình dân từ Bắc chí Nam: lòng chung thuỷ trổi bật không những chỉ trong những hoàn cảnh bình thường mà nhất là trong những hoàn cảnh đặc biệt.
Trong quá trình lịch sử phát triển của dân tộc, người đàn ông thường phải đi làm ăn nơi xa hoặc phải tòng quân, để vợ ở nhà với cha mẹ chồng hằng bao nhiêu năm tháng dài đằng đẵng. Người vợ một thân một mình chăm nuôi, dạy dỗ con cái; đồng thời thường còn phải chăm nuôi cha mẹ chồng; có nhiều trường hợp phải chịu đựng sự bạc đãi của cha mẹ chồng, nhất là sự khó tính của mấy cô em chồng. Dĩ nhiên cũng có những bà mẹ chồng thương yêu con dâu, nhưng đây là những trường hợp biệt lệ.
Trong hoàn cảnh ngang trái như thế, cảnh vợ phải xa chồng mà xã hội lại chấp nhận như là lẽ bình thường, người đàn bà ý thức rõ ràng nỗi nhọc nhằn mình phải gánh chịu, nhưng quý hoá là nàng vẫn chỉ nghĩ đến sự thành công và hạnh phúc của chồng, cho chồng, chứ không hề nghĩ đến bản thân mình.
Anh đi, em ở lại nhà,
Hai vai gánh vác mẹ già, con thơ.
Lầm than bao quản muối dưa,
Anh đi, anh liệu chen đua với đời.
Nhưng không cần người chồng phải thành công với đời, người đàn bà mới được toại nguyện. Thành công là thành công cho chồng mình, để chồng mình được vừa lòng, vì mình yêu chồng mình chứ không phải để cho chính bản thân mình sung sướng. Thực ra nếu được có chồng ở nhà, gần gũi, yêu đương thì chắc hẳn nàng sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Trong bối cảnh văn hoá xã hội Việt Nam, có lẽ không mấy ông chồng ý hội được điều này, ngoại trừ trường hợp đặc biệt của những ông chồng đã bị đi “cải tạo” trong các trại tập trung của cộng sản may ra mới cảm nhận được sự hy sinh, sức chịu đựng và lòng chung thuỷ của các bà. Sẽ có một vài ông tranh cãi quan điểm này, nhưng cái đúng của những ông này lại là những trường hợp cá biệt. Ngay cả trong những trường hợp cá biệt này, hành động gọi là “sai trái” của một số bà vẫn có thể biện minh được. Một thân một mình, chân yếu tay mềm, chưa từng lao động, không biết buôn bán, lại phải nuôi đàn con, thử hỏi làm sao người đàn bà có thể tồn tại? Vã lại, giả dụ hoàn cảnh đảo ngược, nghĩa là thay vì các ông thì các bà bị đi cải tạo nhiều năm, thử hỏi tỉ lệ các ông chung thuỷ với các bà và chịu cực lặn lội núi rừng đi thăm nuôi như các bà sẽ là bao nhiêu?
Sự chung thuỷ của đa số các bà rất là nhất quán. Sự chung thuỷ này phát quang tính lãng mạn lý tưởng có căn cơ từ một hệ thống giá trị nhân bản cao, nhưng rất xót xa vì nó cũng phản ánh một sự cô đơn tột cùng của tâm hồn người đàn bà, và cũng bởi vì không mấy ai đồng cảm được sự cô đơn này. Do đó, không ai thương xót nó.
Không có ai để tâm sự, không có ai để chia sẻ nỗi cô đơn tột cùng của mình cũng như tình yêu tha thiết của mình đối với chồng suốt những tháng năm dài chờ đợi ngày chồng về. Chỉ có ánh trăng, mà không phải ánh trăng đẹp của ngày rằm mà là ánh trăng tà quanh năm, biểu tượng cho chiều đi xuống mãi mãi của sự cô đơn miên viễn.
Anh đi đàng ấy xa xa,
Để em ôm bóng trăng tà quanh năm.
Nước non một gánh chung tình,
Nhớ ai, ai có nhớ mình hay không.
Nguyễn văn Thái, Ph.D.
Philadelphia, Ngày 9 Tháng 9 Năm 2019