Tác giả: Du Tử Lê
Như đa số những người làm thơ khác, nhất là nữ giới, sợi chỉ đỏ xuyên suốt cõi-giới thi ca mang tên Phan Lan Hương, là tình yêu.
Đó là những game màu xanh của tình yêu đôi lứa, bên cạnh màu xanh của tình mẹ, màu xanh của nơi chốn họ Phan được trưởng – dưỡng với ân cần thương yêu.
Nhà thơ Phan Lan Hương
Tất nhiên, tôi không hề loại trừ màu xanh của thiên nhiên, nếu rừng cây, hoa, cỏ là những hình ảnh đầu tiên bạn đã nghĩ tới, khi cầm trên tay thi phẩm “Mùa thu xanh” của tiếng thơ nữ dịu dàng này.
Nhưng, màu xanh dẫn tới bất cứ một liên tưởng nào thì, với tôi, đó vẫn là biểu tượng của một tình yêu trong sáng. Tình yêu đó, dù đã mất hay chỉ thoáng qua thì, qua những vần thơ dịu dàng của Phan Lan Hương, chúng vẫn thấp thoáng đau đó, niềm tin yêu, chứ không là những cảm thức đoạn lìa, xót buốt trăm năm.
Tôi vẫn có xu hướng trân trọng những khoảng trời xanh chữ nghĩa dành cho tình mẫu tử, phụ tử hoặc gia đình. Phải chăng thị phần văn chương dành cho các lãnh vực vừa kể, không nhiều lắm?
Tôi không biết có phải sự hiếm hoi, bao giờ cũng được chào đón, nâng niu hơn những cảm xúc khác (?) Nên những dòng thơ mộc mạc, chân thành dành cho mẹ của Phan Lan Hương, với tôi là hương, sắc đậm nét nhất?
Những hương, sắc lan tỏa mạnh mẽ thứ hai, trong cõi-giới thi ca Phan Lan Hương, tuy vẫn là những dòng thơ mộc mạc, chân thành – với tôi là những dòng thơ dành cho nơi chốn. Nơi chốn hay địa danh trong thơ họ Phan, ở “Mùa thu xanh” là Pleiku. Thành phố, màu xanh đã cùng Phan Lan Hương lớn lên. Đã cùng tâm hồn Phan Lan Hương bước vào cuộc đời – bước vào thi ca như một định mệnh làm thành một cõi riêng Phan Lan Hương.
Nhưng, có dễ chính xác nhất về sự hiện hữu của màu xanh trong thơ Phan Lan Hương, vẫn là xác nhận của chính tác giả qua 4 câu thơ:
“Ai cũng bảo thu vàng
nhưng em thấy màu xanh
có phải vì yêu anh
câu thơ vương màu nhớ…”
Tuy nhiên, dù màu xanh là ẩn dụ cho một tình cảm riêng tư nào thì, trong cõi riêng tư đó, của Phan Lan Hương, vẫn chắc chắn “Sẽ Có Một Ngày”:
“Sẽ có một ngày
Mẹ đi xa
không hẹn ngày trở lại
bỏ mặc sau lưng
dòng đời bon chen xô đẩy
.
Mẹ bây giờ
như chiếc lá đơn côi
như ngọn đèn dầu leo lét
cơn gió vô tình thoảng qua
ngọn đèn kia sẽ tắt
chiếc lá trên cành
cũng oằn mình lắt lay…
.
Mẹ bây giờ
như trái chín trên cây
chưa biết ngày nào
Mẹ rụng
mỗi bước chim chuyền cành
mỗi hạt sương mai đọng
đếm từng ngày
con xa Mẹ dần thêm…
(Trích “Sẽ có một ngày”)
Và, cũng chắc chắn sẽ có một ngày “Cho Một Câu Hỏi”:
“Bao giờ về Pleiku
tìm lại chút dư âm ngày cũ
thương mẹ một đời
thân cò lam lũ
nuôi ta lớn khôn
.
Ngày ấy quá trẻ con
đâu hay tình đời dâu bể
đi tìm xa xôi
câu chuyện kể
đêm đêm
giấc ngủ thiên thần
.
Thời gian trôi âm thầm
con tạo xoay vần
tóc xanh giờ điểm bạc…”
(Trích “Cho một câu hỏi”)
Câu hỏi của Phan Lan Hương, tuy đã cất lên trong thi ca, nhưng thời gian, tự thân, cũng đã có cho nó, câu trả lời. Câu trả lời đó là:
“Tóc xanh giờ điểm bạc”. Cõi đến tất yếu của bất cứ một ai trong chúng ta.
Nhưng dù “tóc xanh giờ điểm bạc” thì, tôi vẫn cầu mong và, hy vọng “Mùa Thu Xanh” của Phan Lan Hương sẽ mãi… xanh với thời gian. (*)
Du Tử Lê
(Sept. 2018)