Hát Bội Ở Làng Quê

Tác giả: Trần Ngọc Phương

“Nghe tiếng trống chầu đâm đầu mà chạy. Nghe tiếng trống chiến chết điếng trong ruột…”

“Tai nghe trống chiến trống chầu/ Xếp ba hột đậu phụng lộn đầu lộn đuôi”

 

Hằng năm cứ vào mùa khô, nắng ráo, nhất là sau tiết Thanh Minh tháng ba, trải dài qua mùa hè, cho đến giữa thu là thời điểm các đoàn hát bội hoạt động sôi nổi nhất trong năm. Bầu đoàn các gánh hát dong ruổi khắp nơi, từ thị trấn sầm uất cho đến làng quê xa xôi hẻo lánh, họ xây rạp diễn tuồng, kiếm sống với nghề. Thời kì ấy là những năm đầu thập niên sáu mươi, các gánh hát bội ở miền trung lưu diễn qua các miền quê khá là nhộn nhịp. Ở làng quê nhỏ bé như làng tôi, ba mặt bao bọc là đồng lúa, hàng ngày muốn đi chợ phải xuyên qua cánh gò khô đến làng khác mà họp chợ. Thế mà trong năm cũng có vài đoàn hát bội ghé đến diễn tuồng. Mỗi lần nghe có gánh hát tới là bọn nhóc chúng tôi mừng rỡ vô cùng. Gánh hát về làng là ngày hội lớn với bọn con nít chúng tôi. Suốt ngày la cà xem người ta dựng rạp, cái rạp sân khấu dựng ở bãi đất trống phía bắc đầu làng, nơi có cây vông to cao cành lá sum suê, vươn cành che mát một vùng lớn. Nơi dân làng khi đi chợ ở làng ngoài trở về, ngồi xuống tạm nghỉ chân.

Gánh hát đầu tiên tôi biết đến cả nam nữ độ chừng hơn chục người, họ tản ra sống dựa vào nhà dân ở vùng lân cận. Trong buổi hát ở đầu làng hôm ấy, tôi nghe người lớn bàn tán, ai sẽ là người cầm chầu. Dĩ nhiên các bô lão tuổi ngũ tuần, lục tuần, là người cầm chầu. Nhưng có người đề nghị cậu tôi, bởi ông là người có nhiều chữ nghĩa trong làng (con nhà nho), thuộc nhiều tuồng tích, lại khá giả, nói chung có đủ điều kiện, nhưng vì ít tuổi, chỉ độ giữa tam tuần, nên sau khi đắn đo bàn luận ông bị gạt ra. Người ta nói “Trên đời có bốn cái ngu”, cầm chầu là cái ngu thứ tư. Nhưng không hiểu sao người ta lại thích được bị “ngu” như thế. Điều này hãy thử xem xét lại.

Người cầm chầu thì được ngồi vị trí hàng đầu ở dưới ngay sân khấu. Bên góc cánh gà là trống nhỏ, kèn, đàn nhị, đàn kìm, bộ gõ, sên, phách, chập chõa, gánh lớn thì thêm nữa. Người cầm chầu thường phải là người vừa có địa vị trong làng, lại vừa có khả năng tài chánh, vì bên cạnh cái trống chầu còn có ống tre đựng thẻ tre, khi hợp ý thích chí thì ném lên khen thưởng, cùng tiếng trống vỗ. Nhưng điều kiện này chưa đủ, người cầm chầu là phải biết thưởng thức bộ môn, nghĩa là am hiểu tuồng tích, biết các điệu hát như hát khách, nam ai, nam xuân, tẩu mã, nói lối… để biết thưởng phạt khen chê bằng tiếng trống. Đào lên một câu xướng hay, được thưởng một tiếng “thùng”, kép xuống câu hát ngọt, trống thưởng sẽ “thùng thùng” hoặc tam trống liên hồi nếu xuất sắc. Nhưng nếu dở, dùi gõ vào tang trống một tiếng “cắt”, hát hụt hơi, hai tiếng “cắt cắt” chát chúa, rõ ý chê bai. Người cầm chầu giúp nghệ sĩ tiếp hơi thì ra một roi, âm thanh đó giúp lấp khoả chỗ trống lấy hơi mà cho bắt vào câu hát tiếp, còn ác ý thì người hát vừa lên giọng đã ra roi chầu ngay vào miệng. Coi thế, để được cầm chầu phải là người có tiêu chuẩn về học vấn tuồng tích, vể tài chánh, về uy tín trong làng xã, mới có thể được nắm quyền phán xét buổi diễn.  Thế mới hiểu, ai cũng muốn mình được ở địa vị là người “cầm chầu”. Còn sở dĩ mang tiếng ngu là bởi lẽ khi đánh trống khen thưởng nghệ sĩ, mọi người đều vỗ tay hớn hở, vui là vui chung, nhưng khi kết thúc buổi hát, nghệ sĩ đem các thẻ tre đó đổi lấy tiền thưởng, người cầm chầu phải chịu một mình chi trả. Nhưng “ngàn vàng mua một trận cười” thì có chi là phải đắn đo với người hào phóng. Cũng nhờ số tiền thưởng này giúp ích cho các nghệ sĩ trang trải chi phí và hết mình với diễn xuất. Hai người cầm chầu có thể vì tính khí khác nhau, hay vì trình độ thưởng ngoạn chênh lệch, nên có thể người này đánh “thùng”, người bên gõ “cắt”, kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược dễ gây hiềm khích nhau. Không biết đêm ấy hai vị cầm chầu gõ trống như thế nào mà đêm sau cậu tôi lại được ngồi chầu.

Buổi diễn hôm ấy ngoài đầu làng ở gần mấy ngã rẽ nhỏ. Buổi chiều có người ngồi ghế chặn sẵn, ai chỉ đi qua thì thôi, ai ở xem thì chận lại thu tiền vé, con nít thì được miễn xá. Chúng tôi thưởng thức theo kiểu hiểu biết của chúng tôi. Trên sân khấu ông mặt đỏ, ông mặt trắng, mặt xanh múa may loạn xạ, bên dưới tiếng đàn nhị cò ò e, tiếng trống dồn thùng thùng liên hồi. Bọn con nít làm gì mà hiểu được tuồng tích hay ho, chỉ thấy mọi người chăm chú lắng nghe rồi ồ lên khi thấy gay cấn, hoặc vỗ đùi cái đét khen hay, để táng thưởng. Rồi những chiếc thẻ tre hay chiếc quạt giấy có kẹp tiền quăng lên sân khấu.

Nhưng lần kế tiếp thì rạp hát dựng ở cánh đồng dưới, phía đông làng. Có lẽ gánh hát lớn muốn lấy thêm khán giả ở xóm dưới nữa, tôi không biết thu tiền vé thế nào. Nhưng lần hát bội lớn nhất, là rạp dựng ở mặt nam, khoảnh đồng ruộng khô trước làng. Khán giả rất đông, từ chòm trên kéo xuống, từ xóm dưới kéo lên, và từ làng bên kia sông băng qua xem. Những lần sau buổi hát diễn ra vào ban ngày, từ buổi chiều cho đến tối khuya. Bởi xem hát vào ban ngày, nên khán giả ăn mặc đẹp hơn ngày thường. Bọn nhóc anh em tôi, dẫu sao trong làng cũng thuộc loại con nhà ‘gia giáo’ nên ăn mặc “lịch sự’ với quần đùi áo cộc. Còn bọn nhóc đồng trang lứa khác thì nhiều đứa ăn mặc rất “thoáng”, nghĩa là ở trần với cái quần đùi dính tòn ten trên mông. Còn bọn trẻ hơn nữa, em út bọn chúng, thì “cực kì thoáng”, đúng nghĩa là chẳng có miếng vải trên mông nữa, chúng chạy chơi lung tung trên cánh đồng ruộng khô, mặc cho anh chị bọn chúng kêu gào cấm cản.

Mỗi đêm thường diễn một tuồng, những tuồng quen thuộc thường là Sơn Hậu (Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá), Đào Tam Xuân (trảm Trịnh Ân), Ngũ Hổ Bình Tây, Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê. Nhưng quần chúng thích nhất vẫn là tuồng Phạm Công Cúc Hoa, tuồng này lấy nước mắt các dì các mẹ nhiều nhất. Tuồng Quan Công Phò Nhị Tẩu, tuồng này được phe đàn ông râm ran bàn tán nhiều. Tuồng Hồ Nguyệt Cô hoá cáo hay Tiết Giao đoạt ngọc, bi kịch bị lừa tình, xót thương cho số phận éo le của nữ nhi, phái nữ mủi lòng mà khóc. Phụng Nghi Đình hay Lữ Bố hí Điêu Thuyền, lấy tiếng cười và tiếng chê bai của khán giả. Nhìn cách hoá trang, mang râu đội mũ thì con nít chúng tôi cũng hiểu nhân vật nào trung, nhân vật nào nịnh, khi mới vừa bước ra sân khấu. Người trung vẽ mặt đỏ (như Quan Công). Người nịnh vẽ trắng mốc (như Đổng Trác). Người ngay thẳng bộc trực thì mặt đen (như Trương Phi). Người hung ác thì mặt rằn rện (tướng địch). Người mưu mô thì vẽ màu xanh (Tôn Quyền, hay Cáp Tô Văn). Thêm vào cho đậm nét nữa là mang thêm những bộ râu, râu dài, râu ngắn, xoắn tít hay lưa thưa, những bộ râu này được dán vào gọng sắt rồi móc vào giữa mũi và tai. Thế mới có câu “Người trung mặt đỏ, đôi tròng bạc / Đứa nịnh râu đen, mấy sợi còi”.

Hai ông cậu tôi thời còn trẻ ở lứa tuổi teen có những trò chơi rắn mắt. Hai ông kể lại, mấy ông đã lấy roi của bọn chăn bò (phần đầu roi thường nát te tua) chấm vào đống phân bò, rồi lẻn vào hậu trường phía sau lúc vắng người kiểm soát. Bọn họ cầm roi chỉ trỏ vào các bộ râu dài móc trên giá đỡ. Vừa chấm chấm vào bộ râu vừa nói, này là râu nịnh, này là râu trung, này râu là râu dê… gặp người lớn đi vào bắt gặp thì chỉ xua đuổi bọn họ ra thôi, chẳng rầy la gì. Đến tối khi biểu diễn, ông trung thần đạo mạo, ông nịnh thần xum xoe, hay gã dê chúa cười be be … khi vuốt râu thì….có mùi thum thủm, họ khịt mũi, nhăn mặt, hách xì liên tục… ráng mà diễn hết câu rồi chạy ào vô hậu trường chưởi đổng, mấy trò chơi của bọn nhỏ. Hai ông cậu còn có màn khác cũng hấp dẫn không kém, hai ông bắt bọn cóc, nhái, ểnh ương hay chàng hiu gì cũng phải, bôi đầy bùn rồi bọc chúng lại, rạch nhẹ mặt trống nhét chúng vào đó. Buổi tối, khi trống vỗ liên hồi thì điều gì xảy ra, và ai cũng biết bị bọn con nít ranh quỉ quái dở trò rồi. Bây giờ ông cậu đứng ra mời đoàn hát về làng thì những trò chơi này của bọn hậu sinh khả uý đã bị ông ngăn chặn từ trong trứng nước.

Tinh thần hát bội thấm đẫm làng quê tôi. Ông anh tôi và nhóm bạn bè cũng đẫm thấm tinh thần ấy, cũng bắt chước lập tuồng. Lấy lá mít kết lại thành mũ đội. Tước lá chuối kết thành ren tua, làm râu nịnh râu trung. Vuốt cộng dừa cong cắm hai bên mũ như lông chim trĩ trên đầu kép tướng. Rồi cầm khúc củi hươ lên la lớn… Ải ải, như ta đây là…Trình Giảo Kim, hay Trương Phi… tuỳ nhân vật mà mình muốn đóng. Lũ nhóc chúng tôi bị bắt làm quân sĩ đứng đó dạ rân cho khí thế. Cứ ba đứa băt tréo tay lên vai, một trước hai sau, làm ngựa để ông tướng leo lên ngồi, khiên ông chạy chiến đấu với quân địch bên kia. Trò chơi này thường diễn ra trong khu vườn rộng sau lưng nhà ông cậu, nơi có mấy cây mít, cây xoài, cây ổi và giàn cà chua. Người cậu thì rất mê hát bội, ông biết nhiều tuồng nhiều tích, khi nằm võng thì đu đưa cầm quyển sách tuồng mà ngân nga, khi trăng sáng thì ra vườn đọc thiệu đi quyền, có khi ông cầm cây mác dài mà hươ tay múa võ ở đầu hè, trông không khác gì một kép tướng trên sân khấu.

Nói hát bội mà không nhắc đến “bộ múa” hay vũ đạo của kép tướng trên sân khấu thì thật là thiếu sót. Đây là sự khác biệt lớn giữa hát bội tuồng truyền thống và hát tuồng Hồ Quảng. Tôi quen thuộc hát bội Bình Định từ thuở ấu thơ thế đó, về sau xem hát bội kiểu Hồ Quảng trên truyền hình, vừa thấy giống nhau cơ bản, cũng vừa khác xa một trời mênh mông về diễn xuất. Nghĩa là cả hai cũng dùng động tác chân tay nhiều, cùng dùng trang phục xiêm y rực rỡ chói chang. Nhưng hát bội thường dùng ngân nga… ự ừ ứ ư, điểm theo tiếng trống chầu. Còn Hồ Quảng dùng từ ngân nga… a á à a, kèm thêm tiếng chập choã, hay tiếng gõ lốc cốc. Vũ đạo của hát bội thì đường nét dứt khoát mạnh mẽ, tuỳ nhân vật mà dùng đủ đạo cụ: Đao, thương, kiếm, kích. Hát Hồ Quảng thì không như thế, có cầm cung kiếm nhưng nhẹ nhàng, như để trang điểm cho nhân vật mà thôi.

Nghệ sĩ hát bội Bình Định ngày xưa hầu như ai cũng biết võ hoặc chút ít võ nghệ bất luận nam nữ, họ biết sử đơn kiếm, song kiếm, đao, thương, côn, kích. Có thể nói võ Bình Định đã gia nhập vào hát bội, từ buổi đầu bộ môn phát triển ở địa phương và trở thành một thành phần quan trọng trong đặc thù diễn xuất. Cứ nhìn hai nghệ sĩ múa đấu nhau trên sân khấu thì biết ngay họ có căn cơ võ học hay không. Đường quyền có lực, đường múa có nét, do đó khi múa động tác tay chân có sức sống hơn, còn Hồ Quảng thì huơ tay hươ chân nhẹ hều như lấy lệ. Có trường hợp nghệ sĩ hát bội bê nguyên xi một bài thảo võ thuật lên sân khấu như múa song kiếm, múa một bài quyền ngắn trước khi xáp trận. Nhờ thế mà họ biểu hiện lối chiến tranh (ngày xưa) một cách hiệu quả nhất. Đó là điểm khác biệt lớn về vũ đạo giữa Tuồng hát bội và Tuồng Hồ Quảng.  Về lời hát, cả hai có nét riêng, hát bội dùng nhiều từ ngữ hán tự dành cho người học, dân thường hơi khó hiểu. Còn Hồ Quảng thì cố ghép tiếng Viêt vào điệu hát, làm mất đi thanh vận bằng trắc, thành hơi khó nghe. Hát bội cũng khác xa cải lương về lối hát. Với cải lương, phải hát đúng nhịp, khớp với tiếng đàn, trật nhịp là thất bại. Hát bội thì thoải mái hơn, mặc cho tiếng đàn cò kéo ò e lên bờ xuống ruộng, nghệ sĩ cứ hát theo ngẫu hứng của mình, cũng có thể vì gào lớn tiếng mệt quá, mà đứng nói lối thôi, chỉ có chiếc trống chầu là bạn đồng hành, là âm thanh chấm phẩy theo lời tấu. Cải lương Hồ Quảng và cải lương thông thường cũng khác lối diễn hát. Cũng một đề tài tuồng cổ, nhưng đoàn Minh Tơ – Khánh Hồng, hát và diễn xuất khác với đoàn Thanh Minh – Thanh Nga.

Theo nhà nghiên cứu và là soạn giả lão thành Nguyễn Phương, năm 1962 nhạc sĩ Đức Phú ghi âm lại một số bản nhạc trong phim Lương Sơn Bá – Chúc anh Đài của Đài Loan hát theo lối kinh kịch Bắc Kinh người Hoa, ông sáng tác tuồng cải lương LSB-CAĐ theo kiểu ấy rất ăn khách, thành công vượt bực, và mở đầu trào lưu cải lương tuồng cổ hát theo kiểu kinh kịch của người Hoa. Ông phỏng theo phim từng đoạn, từng cảnh, mà tự đặt tên nhạc bản là Ly hận, Nam sơn tiểu lộ, Minh tâm vọng nguyệt, …  để đào kép ca hát đối đáp. Lúc đầu báo chí gọi là Tuồng Cải Lương hát nhạc Đài Loan. Về sau ai đó gọi là Tuồng Cải Lương nhạc Hồ Quảng, sau rút ngắn thành tuồng Hồ Quảng. Như thế Hồ Quảng ở đây không phải là tỉnh Hồ Nam và Quảng Đông, Trung Quốc, mà ám chỉ hát với giọng âm hưởng nước ngoài. Giống như câu nói “nói Tiều nói Quảng”, nghĩa là nói (tiếng nước ngoài) không hiểu gì hết.

Sở dĩ gọi hát bội ở miền trung là hát bội truyền thống, bởi xuất phát từ tuồng cung đình nhưng được thăng hoa ở miền trung mà cụ thể là ở Bình Định. Người dân Bình Định hầu như ai cũng biết câu chuyện chàng chăn trâu. Có chàng họ Đào đi chăn trâu cho ông phú hộ ở làng Tùng Châu huyện Hoài Nhơn (Bình Định) rất thông minh. Phú ông thấy chàng là người học rộng hiểu biết bèn khoe với quan lớn họ Trần. Quan lớn họ Trần vì mến tài mà gả cô con gái độc nhất của mình cho chàng và tiến cử với chúa Nguyễn. Được chúa trọng dụng, và trở thành rường cột nhà chúa, giúp xứ Đàng Trong phát triển mạnh mẽ. Đó là ông Đào Duy Từ, ông được triều Nguyễn phong là Khai quốc Đại công thần và chính ông cũng là người soạn thảo tuồng, phổ biến khúc hát điệu múa, tổ chức đoàn hát, làm phát triển nghệ thuật hát tuồng ở Đàng Trong và được coi là tổ ngành hát bội.

Nghệ sĩ thời ấy được làng quê tôi ca tụng nhiều nhất là bốn kép chính là Chinh, Thu, Cá, Trọng. Nghe danh trong đoàn có một trong bốn nhân vật ấy là khán các làng khác kéo đi xem rất đông. Lần đầu tôi theo người Bà xem hát ở một nơi khá xa, ở cánh đồng bên kia sông, ngôi làng nằm dưới chân ngọn đồi tháp Chăm. Và cũng lần đầu tôi nghe hát qua loa phóng thanh (bởi thường khi hát bội người ta rống cổ lên thật to để người ngồi sau cuối cũng nghe được) có lẽ đoàn hát này hiện đại hơn, nên đèn đuốc sáng choang, người xem đông nghịt. Lúc đầu tôi không chui vào nổi, cho đến lúc giữa tuồng, mới lẻn vào gần sân khấu một chút. Vừa khi nhìn lên sân khấu, thấy tên “yêu đạo” mặt vằn vện (nhân vật xấu, hung ác) bị đuổi rượt chạy quanh cây cột, bất ngờ tên yêu đạo nhảy tót leo lên cột cao, gần nóc rạp, chân kẹp cột tay cầm cây thương mà múa mà hát. Nhưng khán giả la lớn là nghe không rõ. Bên trong, một người phụ việc, móc micro vào cây (cù nèo) đưa cao gần miệng cho yêu đạo hát một cách hồn nhiên. Tên yêu đạo hát xong, tay vẫn cầm giáo, từ từ mà tụt chân xuống. Người phụ trách thấy hết việc, cũng rút cây khều lại, và cũng hồn nhiên lặng lẽ lui vào trong. Hát bội giúp đỡ nhau ‘hồn nhiên’ trên sân khấu là như thế. Hình như hôm ấy là tuồng Tiết Giao đoạt ngọc thì phải, đoàn hát có ghi chương trình trên tấm bản to rần bên ngoài. Nhưng rất tiếc, tôi mù chữ từ lúc mới sinh, nên nhìn không thông được chữ gì, khi người khác chen lấn vào xem, tôi phải lịch sự mà nhường bỏ đi thôi.

Các gánh hát bội thường được dân địa phương ân cần tiếp đãi. Gánh hát hôm lần sau, ông chú tôi mời bốn đàn ông trong đoàn đến dùng cơm và trò chuyện ân cần. Một người trong nhóm đó sau này trở thành bạn ông chú, thỉnh thoảng ghé thăm chú, chúng tôi không biết tên ông, chỉ biết ông đóng vai tuồng Phạm Công nên gọi là ông Phạm Công, đến nhiều năm sau, ông Phạm Công vẫn thường về thăm chú. Một nghệ sĩ trong gánh hát khác cũng kết bạn với ông chú, tên Minh, được chú giúp đỡ nhiều về vật chất, nhưng về sau gánh hát giải tán, ông buồn tình hay uống rượu, nói lè nhè lúc tỉnh lúc say nên bọn nhóc tôi gọi chọc là ông Minh điên.

Mỗi lần có đám hát bội đến là mỗi lần người lớn có dịp hội ngộ, trai gái có dịp gặp gỡ trao đổi tình cảm, do vậy mà cả làng lớn bé đều ưa thích. Hát bội có tác dụng rất lớn về mặt giải trí thời ấy, từ trẻ con cho đến người già, từ người giàu cho đến kẻ nghèo đều mở lòng đón nhận. Hát bội còn đóng vai trò giáo dục lớn bởi nó đề cao luân lý đạo đức. Nó dạy người yêu bậc anh hùng ghét kẻ dua nịnh, giúp kẻ thế cô, giữ đạo làm người, với nhân nghĩa lễ trí tín. Sống cuộc sống trung hậu, hoà thuận, đạo vợ chồng tình nghĩa thuỷ chung. Những gánh hát hằng năm đến rồi đi, có gánh quay lại, có gánh ra đi mãi mãi chẳng thấy tăm hơi. Họ mang lại cho dân làng những phút thư giãn sau những ngày đồng án vất vả mệt nhọc. Giúp họ có động lực lao động, mơ tới cuộc sống tốt đẹp và mong kết cục hết sức có hậu, như những tuồng hát họ xem. Với bọn nhóc chúng tôi, khi họ đến thì mang theo niềm vui, khi họ rời đi, họ để lại một nỗi buồn bâng khuâng tiếc nuối.

Photo

Một nữ diễn viên tuồng cần đủ 6 điều kiện: thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần. Vai diễn Đào Tam Xuân đã giúp nghệ sỹ Hương Thơm đoạt Huy chương vàng trong Festival Tuồng lần thứ 1 diễn ra tại Bình Định tháng 8 – 2008

4 thoughts on “Hát Bội Ở Làng Quê

  1. TT.Hiếu Thảo

    Bài viết đọc hay thú vị quá nhà “khảo cứu” “Một nữ diễn viên tuồng cần đủ 6 điều kiện: thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần” TNP. Văn hóa các loại hình nghệ thuật: Hát bội, Hồ Quảng Cải lương vv… mà nó truyền tải được cái riêng của mình. Thảo vẫn là con của nhà hát bội mà anh Phương? Ba em hát bội rất hay ổng thường hát Khách, Nam xuân cho em nghe. Anh nói đúng điệu bộ của hát bội rất mạnh mẽ chí chất, điều độ và khoan thai… Tối ngày thấy ba tập là biết dù chỉ hát tết và hát thanh minh hihih. Ba đi hát bội từ thanh niên lận…
    Với HT thì cả ba loại hoạt hình đó đều thích. Và thích cải lương nhất vì hái ra tiền trong các thập niên… “Mộng từ trong lòng” nhưng ba không cho em đành chịu.Vì ba rành đào và kép hát huhu. (Quan niệm rất cổ hũ) Chính vì vậy mà có một tp em gởi vào của Biển Kkơi… trong Biển Khơi ba đã cho đi. (Trích đây)
    * Trời sinh Thanh Lê khổ nạn nhiều, khổ nạn lớn. Nhưng trong nàng là một tài năng lớn, thiên phú lớn. Sau đó nàng được trưởng đoàn Đồng Tháp 9 cân nhắc Thanh Lê, bỏ công tập dợt cho cô, để cô lên vai Mạnh Lệ Quân xen cho cô đào chính nửa màn đầu là Thùy Trang. Thanh Lê thông minh, lanh lẹ, chịu khó nhập vai, học dợt, cô đã có thành công nhanh. Được khán giả các tỉnh phía Nam ái mộ bậc nhất nhì trong vai Mạnh Lê Quân, Giáng Kiều, Mùa xuân ngủ trong đêm. Xin một lần yêu nhau, Trưng nữ Vương. Hoa Mộc Lan. Nàng Son. Tình yêu và bạo chúa. Chuyện tình An Lộc Sơn.. Đặc biệt thấy nàng xuất hiện đâu đâu, bên ngoài cứ kêu là Mạnh Lệ Quân, nàng hết sức mắc cỡ và e dè…
    Tội nghiệp cho Thanh Lê sớm gãy đổ tình yêu. Trái tim nàng như băng tuyết, nàng chẳng thiết tha mấy đến tình yêu, hay là tình nàng vẫn còn nồng, chưa nhạt nhòa với Duy phong? Trong hai vấn đề. Không biết cô ở trong trường hợp nào. Hát xong biết bao người ái mộ, nhưng nàng chỉ cười buồn, rồi lủi thủi về phòng riêng mình. Hình không đối bóng với chính mình…
    Cần nói thêm là. Đặc biệt về chế độ ăn uống. Nàng là đào nhất có chế độ ưu tiên. Nhưng Thanh Lê bao giờ cũng nhường phần hơn của mình để chia sẻ cho những nghệ sĩ già đi hát lâu năm, dày sương dãi gió giờ vì tuổi tát, hoặc cho các em làm lụng dựng sân khấu giúp những đêm diễn. Hôm ấy chị chủ bếp Tuyết đem giỏ xách thức ăn nấu cho Thanh Lê nơi phòng nàng ở che cạnh một góc của căn nhà dân Tuyết bày ra và bảo:
    – Lê ơi đây là những món ăn của con. Thời buổi hơi khó một chút, nên vợ trưởng đoàn chỉ muốn ưu tiên hơn cho đào kép chính, còn tùy theo thứ bật một chút. Lê sẽ được hơn ở phần canh khổ qua và thịt heo hầm.Và ít thịt bò luộc nhúng giấm, có hai kiểu đây, một nhúng cuốn bánh tráng rau. Hai thịt đã nhúng dấm chấm thẳng với mắm nêm. Ăn đi kẻo nguội dở.
    – Trời ơi. Vậy đa phần nghệ sĩ trong đoàn có gì để ăn thưa dì Tuyết.
    – Họ có cá cơm, rau dưa, là lách, dưa leo, canh chua rau muống.
    – Trời ơi con không thích vậy đâu. Con chỉ muốn như tất cả mọi người.
    – Không được đâu. Vợ trưởng đoàn nói Thanh Lê ưu tiên cần bồi dưỡng.
    – Con có tiền hơn mà. Thèm gì con tự đi ra ngoài tự mua ăn. Mấy người già hơn, lớn tuổi cần có sức để khỏi đau bịnh vì thiếu thốn. Những thanh niên bưng vác, dọn dẹp giúp sân khấu cần thiết cho họ ăn. Vả lại họ thèm cũng không có tiền mà hoang phí hay xa xỉ. Con dù sao giá lương vẫn vẫn ưu tiên rồi. Đâu cần vậy.
    – Đành biết vậy, nhưng đây phần phần ăn tôi nấu cho ông bà trưởng đoàn. Và họ bảo thế. Đem riêng cho cô.
    – Dạ thực sự Lê cám ơn anh chị trưởng đoàn và chị Tuyết quan tâm. Nhưng Lê không cần phải như vậy đâu.
    – Vậy bây giờ cô tính sao?
    Lê mỉm cười tươi tắn trả lời:
    – Đơn giản dì Tuyết mang lại cho ai đó. Họ ốm yếu và cần nhất.
    – Không được ông bà Nhuận, Nhu sẽ la tôi.
    – Không sao mà. Có gì Lê sẽ tới nói sau.
    – Thiệt tình cô Lê ơi.
    – Dạ Lê cần ăn cơm đói bụng rồi. Dì Tuyết cứ mang đi, để lại cho con hai món là được rồi. Có gì thích Lê đi mua ăn thêm. Lê thích ăn trái cây.
    – Ồ trái cây cô nhắc tôi nhớ. Tôi quên mất, vợ trưởng đoàn Nhu có bảo tôi đem thanh long và nho, táo cho đó chứ?
    – Dạ Thanh Lê đi mua hoặc những người bưng bán tới nơi Lê sẽ mua không sao. Nhưng gì chị Nhu bảo dì Tuyết cứ đem cho mấy em, mấy anh, những người nơi chuẩn bị sân khấu, để họ làm việc có sức hơn.
    – Cô thật đặc biệt. Mong chúa ban phước cho cô. Tuyết có đạo thiên chúa nên bà nói và ra dấu thánh.
    Sau đó họ nói gì một chặp nữa rồi Tuyết phải ra về mang theo thức ăn Lê gởi lại, và Lê bắt đầu ngồi ăn cơm. Mỗi lần ăn cơm nàng rất nhớ cha mẹ khi xưa ngồi ăn cơm với mình. Mà giờ đây cuộc sống và định mệnh làm Lê xa họ. Nàng tươi mấy rồi cũng phải buồn khi trong lòng có những việc riêng.
    Thấy nàng có tâm trạng, trưởng đoàn rất thương tâm. Nhưng anh không bao giờ hỏi. Những bông hoa ca nhạc diễn viên, các cô đào của anh lúc nào cởi mở với khán giả. Đi khuya về muộn, trò chuyện với khán giả, riêng tư của họ, hoặc “chơi xả láng sáng về sớm.” Mà còn cô bé này lại khác, nhút nhát, và hình như có một tâm sự buồn lo, hồi hộp gì? Và nhất định không phải là cao ngạo. Nhưng rất lạ kỳ… Anh như hiểu được, nên thường chú ý đến Thanh Lê. Vợ anh cũng thấy thế. Vợ của trưởng đoàn Đồng tháp 9, tên là Lợi Nhu, là nghệ nhân hóa trang cho diễn viên, đồng thời làm thủ quỹ cho chồng. Là phụ với chồng theo dõi, lên lịch kịch bản để đem ra diễn. Thanh Lê được hai ông bà đánh giá cao cả hai mặt tài năng, đức hạnh. Rồi cũng chẳng bao lâu không biết may hay là rủi, đoàn đang lớn mạnh. Vậy mà, đoàn lại chung cộng với một số người hùn vốn muốn đóng thuyền đi ra nước ngoài. Sau lần diễn cuối đêm đó, vợ trưởng đoàn Lợi Nhu bàn hỏi Thanh Lê.
    – Thanh Lê chị để ý thấy tánh cách em rất là dễ thương. Anh chị sắp có thuyền ra đi nước ngoài, đi Mỹ đó. Chuyện bí mật chị chọn em có danh sách được theo tàu. Em nghĩ thế nào?
    – Ý chị nói em chưa hiểu? Thanh Lê ngơ ngác.
    Lợi Nhu giải thích:
    – Không cần có tiền bạc gì đóng góp, nhưng chị chọn em vì thấy em có một dễ thương. Có một cái gì đó rất là khác hơn những diễn viên số đông… Chị muốn em được đứng vào danh sách ưu tiên của chị để đi…
    – Tại sao chị lại nghĩ đến em như vậy? Thanh Lê ngơ ngác hỏi như vậy nữa!
    – Thấy em ăn nói từ tốn, nhiều đức hạnh khiêm nhường, không tranh hơn thua, chỉ biết hát xong về phòng, nên chị thương. Tấm lòng lại thơm thảo khác lạ chị thích. Anh Nhuận chị cũng thương em lắm. Nên chị chọn em.
    Thanh Lê nở nụ cười tươi nhất, kể từ ngày đó đến giờ và cô nói:
    – Em cám ơn anh chị, nếu như anh chị có lòng.
    – Tàu đã sẵn sàng không bao xa nữa ra đi. Em có thể về nói với ba má, để xa gia đình ba mẹ biết…
    – Vâng em sẽ về nói. Em không hiểu điều này đến với em mơ hay thật?
    – Là thật đó. Em nên sẵn sàng?
    – Dạ. Thấy Thanh Lê vẻ xúc động bối rối. Lợi Nhu cầm tay Thanh Lê, cả hai nhìn nhau xúc động thêm. Trong đôi mắt Thanh Lê như chứa một lời thề bảo mật, và biết ơn chị Lợi Nhu…
    Chương Mười Một
    Một đêm tối trời Thanh Lê đã về lại gia đình đột nhiên. Khi cha mẹ chưa ra mở cửa, nàng nói vội với người xe ôm:
    (trích tạm ngưng)
    Bây giờ em chỉnh sửa tác phẩm này dài trên 100 trang, như phân đoạn Dì Tuyết mang đồ ăn lúc xưa chưa có, thì không thể dựng lên phim hay được… He he giỡn mà thật với anh trai tý, bỡi lâu ngày không gặp cũng nhớ một chút hihih.
    Chúc anh vui khi có dịp sẽ qua texas vì thích bộ phim GIANT lấy tiểu bang đó làm bối cảnh với Washsington… Với một tài tử rất nổi tiếng lại mất sớm…

    Reply
  2. Phuong

    Ôi giời Hiếu Thảo ơi, Hiếu Thảo comment mà có thêm phần quá giang khá dài hơi. Bài viết vui cho mục ‘giải trí’ cuối tuần trên báo, mà đọc thêm “rờ móc” quá giang hơi nặng kí đó, thì không biết cảm giác đọc giả ra sao nhỉ? Ngồi làm việc, nhớ chuyện xưa nên về nhà ghi lại chuyện vui vậy thôi. Người ngoài Bắc thích nghe Quan họ, người miền Trung thích nghe Hát Bội, người miền Nam thích nghe Vọng cổ, đó là do thói quen từ nhỏ. Nếu người Trung hay người Nam sinh ra và lớn lên ở vùng Bắc Giang hay Bắc Ninh ắt hẳn họ thích nghe hát Quan họ hơn là hát Bội hay Vọng cổ rồi. Sở thích âm nhạc cũng từ thói quen ấy mà ra. Không lấy làm lạ thấy các cụ Mỹ lớn tuổi (trong hãng) thích nghe nhạc Rock & Roll thập niên 60, 70, hơn nhạc hiện đại, bởi thời đó là thời của họ. P chẳng biết hát bội miền Trung bây giờ ra sao? Có còn tồn tại nữa không?

    Reply
  3. TT.Hiếu Thảo

    Có cơ hội thì hoá giang mà. Bài đồng dạng Thảo mới hoá giang thôi. còn không thì thôi. Ai thèm hóa… Và có thể mới giới thiệu thêm về tp mình chứ . Hoá giang của em cũng giải trí mà ???Anh P sợ em lấn đài phải không? Cứ cho lấn đi, ai thích cứ nghe ,nó dở thì người ta tự tắt thôi.Hhiih

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.