Tác giả: Phan Ni Tấn
Tôi vẫn nghĩ như vầy: Vai trò người vợ hay còn gọi là “con vợ” quán xuyến trong nhà ngoài ngõ thì chữ “con vợ” có vẻ như bị kỳ thị, hạ bệ, phân biệt thứ hạng “chồng chúa vợ tôi”. Tuy nhiên, gọi vợ mình là “con bạn” lại nghe ra đơn sơ hơn, mộc mạc hơn, gần gũi, tha thiết hơn, chí tình, chí nghĩa hơn.
Tôi không biết “con bạn” của các bạn ở đời ra sao, nhưng con bạn của tôi thiệt tình là… “quê một cục”. “Quê” đây không phải là quê ở cái hình cái tướng mà quê ở cái tính cái tình. Thuở đời nay, văn minh… chạy đầy đường, mà con bạn của tôi vẫn quen hành trì cái chức năng đúng nghĩa của một người vợ hiền lương ôm riết cái quan niệm Nho giáo đời xửa đời xưa, cũ rích cũ rang là “tam tòng, tứ đức”.
Nói về hình tướng thì nhiều bà nhiều cô sống ở hải ngoại ba bốn chục năm trời vẫn không làm sao gột rửa hết được cái “chân quê” chung thủy dính trên thân hình. Vậy mà con bạn của tôi được cái là rất tây, rất đầm, dù sanh đẻ ở tí tè tận miệt “U Minh, Rạch Giá thị qua sơn trường. Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um” thấy ghê.
Đi dự tiệc, họp hành, họp mặt thì áo đầm chấm gót hay đồ tây thẳng nếp có thua gì ai đâu nà. Ấy vậy mà con bạn về với tôi gần 40 năm, tóc đã muối tiêu mà cái nết thuần lương vốn có của người phụ nữ phương đông nó thấm vào huyết quản sao mà dễ thương quá chừng chừng. Có được con bạn chí tình chí nghĩa này ai mà không sướng thấu trời xanh. Nhất là những ngày cuối năm sắp Tết.
Nói “sướng” là sướng làm sao? Thì đây, nói nghe chơi:
Hồi còn sung sức, cứ tới 23 tháng Chạp là tôi lăng xăng phụ con bạn vàng quét dọn trong nhà ngoài ngõ, lau chùi bếp núc, lễ mễ cúng kiếng tiễn ông Táo về trời. Con bạn của tôi mau mắn lắm. Tay liền tay, miệng liền miệng, năm nào cũng nhờ hai Táo nhà ta lên trển nhớ tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế làm ơn ban phước cho thế giới hòa bình, muôn dân no ấm, gia đình hai họ tụi tôi thân tâm an lạc. Rồi nường lỏn lẻn xì xầm thêm cái gì thì tôi không nghe nên không biết.
Nghĩ mà thắc cười. Xưa nay Táo quân ở yên trong bếp thì không sao, mà hễ sanh tật làm biếng, ham vui chạy ra đường thả dê, không bị lính bắt cũng bị mang tiếng “công xúc tu sỉ”. Bị tại từ ngày ra đời Táo nhà ta có được mặc quần bao giờ đâu nà, cứ… ở truồng miết hà. Phong tục gì kỳ cục.
Từ ngày Táo ta theo đồng bào mình di tản qua xứ
người, đặc biệt ở xứ tuyết, mỗi năm cứ tới 23 tháng Chạp trời buốt giá, tuyết bay tá lả, nhà nhà đều thành tâm cúng kiếng tiễn ông Táo về trời. Thấy hàng hàng lớp lớp nhà Táo thăng thiên mà tội nghiệp cho mấy ổng. Là vì có “me-xừ” Táo nào được mặc quần đâu, nên “xừ” nào cũng… lạnh teo. Riêng hai Táo nhà tôi được con bạn vàng trang bị đầy đủ nào mũ cánh chuồn, nào quần là áo lụa, ủng cao cỡi cá chép về trời mà mặt mày vênh váo hí ha hí hửng thấy… bắt ghét.
Sống ở chốn phồn hoa đô hội, văn minh dàn trời mà con bạn quê quít của tôi vẫn ôm riệt ba cái phong tục tập quán của ngày ta ngày tết tuy mệt nhưng tôi thấy cũng dễ thương quá xá ể.
Trước giờ giao thừa, trên bàn thờ đã đầy đủ lễ nghi: cơm nước, trái cây, bông hoa, nhang đèn. Chờ đúng giờ giao thừa, vợ chồng già xênh xang áo dài khăn đống lễ mễ đốt đèn, thắp nhang khấn vái, lạy Phật, chúc Tết nhau cung kính như tân xong hè nhau ăn tối đêm 30.
Nói tới đêm 30 trước Tết, tôi thấy xưa nay người ta chờ giờ giấc thiêng liêng này để yêu nhau qua nhiều động tác lạ mắt lạ tai mà tình thực rất ư là hả hê, sinh động. Riêng mấy ông mấy bà nhà thơ nhà thẩn càng lãng mạn, ướt át hơn:
“Gập ghềnh qua những khúc đường. Cùng anh chia ngọt xẻ thương xế chiều. Con gà nó yêu yếu sìu. Không dám thí cái mạng liều như anh”. Đọc thơ Quan Dương, không riêng gì tôi, hầu như ai cũng khoái chí tử. Xưa nay ổng mần thơ rất chi là thoải mái. Câu nào ra câu nấy dễ ẹc như nước chảy, huê trôi.
Ông thơ Hoàng Xuân Sơn lâu nay cũng không thua gì ai. Đây nè: “Ôi Tết nhỏ trong lòng xưa hỡi nhỏ. Em lớn khôn rồi đời bỗng xa khơi. Một ở. một đi. một lần. một thuở. Tết nhỏ mất rồi. Tết nhớ thương ơi”. “Nhỏ” của ôn Hoàng cũng như “nhỏ” của tôi, giờ này nếu còn sống tại dương gian chắc cũng con đàn, cháu đống, răng long, đầu bạc, nhăn nheo, già chát.
“Anh đến thăm em đêm 30. Còn đêm nào vui bằng đêm 30. Anh nói với người phu quét đường. Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em”. Còn ai điệu nghệ hơn thơ ông Nguyễn Đình Toàn qua tài phổ nhạc của ông Vũ Thành An.
Còn ông thơ hiền lành này nữa nè: “Em tay gối lòng nằm trong nhau mãi. Tình thương yêu đầy hạnh phúc trong lành. Đâu dễ dại thả rơi em khỏi Tết. Nên làm thơ là nhiệm vụ chân thành”. Thơ của ông bạn già Luân Hoán của tui hễ đụng đâu ra thơ đó. Đầu ngọn bút của ổng hễ trào thơ ra vung vít đủ thứ chuyện trên trời dưới đất xong thế nào cũng có “con bạn trăm năm” ỏn ẻn xuất hiện bay trên những dòng thơ. Bởi tại “đâu dễ thả rơi em khỏi Thơ”.
Nhưng ngặt nhất, tội nghiệp nhất vẫn là ông bạn già Hoàng Lộc của tôi. Ai đời bị mấy con nhỏ cà chớn nó phụ bạc te tua mà vẫn vác bút chạy theo… níu áo đề thơ, trong khi con bạn vàng thưong yêu mình rất mực thì coi như “nơ-pa”. Nghe ông bạn già thở than trước cơn tình phụ thấy thương:
“Ôi vợ khốn khổ nhất. Ta chỉ viết đôi bài. Người tình cà chớn nhất. Ôm luôn… cả gia tài. Thì ra người ta yêu. Không khiến ta làm thơ. Còn đứa chuyên phụ bạc. Mới tổn hao giấy mực”.
Riêng tôi, tuy “nhất vợ nhì trời” nhưng càng về chiều tôi càng lòi ra ba cái thói hư tật xấu: “ngủ sớm thức trễ, xà nẹo ba mớ chữ nghĩa, viết lách thì lung tung”. Mới 9, 10 giờ tối đã lên… “động hoa vàng” ngáy khò khó kho; sáng nào con bạn không đánh thức thì tôi mần một lèo tới trưa trờ trưa trật mới bừng con mắt dậy… thấy mình tay không.
Ngày nào con bạn vàng có việc ra ngoài đi chợ, đi khám bác sĩ hoặc đòi đi đâu đó phải thức sớm thì tôi giống hệt như con gà nuốt dây thun, lề mề lệt mệt, xốc xa xốc xếch như “người lết trên mây”.
Nhưng mà nói gì thì nói, chí cốt tôi vẫn thương con bạn vàng của tôi quá cỡ thợ mộc. Nhớ hồi mới lần đầu gặp nhau cả hai đứa tôi đều rụt rè rụt rẹt riết rồi con ếch nó cũng bực mình.
Con ếch ngồi dựa gốc bưng
Nó kêu cái “quệt” biểu ưng cho rồi
Con ếch biểu ưng thì tôi ưng cái rột, ngặt nỗi thuở đó nghèo rớt mồng tơi, nhà không, cửa cũng không, tôi lấy ngựa đâu mà thắng cái kiệu vàng rước nàng về dinh.
Thương em không biết để đâu
Để trong họng súng lâu lâu bóp cò
Hề hề! Xướng nghe chơi, đừng ai giựt mình nghen. Đó là “anh” ca dao tục ngữ nói chớ hổng phải tôi. Tôi thì tình thiệt như vầy nè:
Nửa đêm chui tọt vô mùng
Thấy em nằm mộng qua khật khùng chui ra
Nhà quê bụng dạ thiệt thà
Thương em qua lại rụt rà chui vô
Thương em hiền như con đò
Chở qua dìa với câu hò vẳng xa
Thương em qua thưong luôn… con gà
Xa quê gáy lạc giọng “à… í… o…”
Em ngon như miếng thịt kho
Như trứng vịt lội vòng vo trong nồi
Ôm đòn bánh tét, qua ngồi
Tết Con Heo đã tới rồi, bớ em!
— phan ni tấn