Tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Đào
Trái đất đang nóng dần lên.
Buổi sáng, người nữ ra vườn, áo xanh, trời xanh, lá xanh, khuôn mặt đẹp, mix thêm chiếc nón, cả khu vườn được tưới ánh nắng buổi sớm mai: mùa hè đã đến rồi đấy ,không hâm hấp nóng bỏng mà dung dị, dịu dàng như thơ, như ngọc. Ngắm nhìn chân dung thiếu phụ, nhà thơ Luân Hoán tức cảnh sinh tình, phóng bút:
bóng người nối liền bóng cây
xanh thêm một nhánh vươn tay vói trời
nắng cao cúi tìm hương người
hai chiều hạnh ngộ sáng ngời niềm vui
Bức tranh ban mai đã hình thành lung linh qua bốn câu thơ mướt rượt, đầy thi vị ở hai từ ngữ: “vươn” & “cúi” nhánh cây vươn lên ” ” nắng ban mai cúi xuống và “cuộc hạnh ngộ hai chiều “tạo ra một không gian có sắc, có hồn. Nơi đây thi ca đã hóa thân thành hội họa, hai lãnh vực không còn biên giới nữa thơ đã thành tranh và bức tranh có hương vị đầy cảm tính như Leonardo de Vinci ( 1) :
“Hội họa là thi ca được ngắm thay vì được cảm nhận, và thi ca là hội họa được cảm nhận thay vì được ngắm.”
mặt nghiêm nhưng trong bụng cười
đón chào nhan sắc cuộc đời trẻ trung
cây đầy lá trái ung dung
lòng tôi đầy nụ hoa xuân giữa hè
Đối tác trong thơ thật đẹp và thật yêu đời. Một khúc nhạc xuân bất tận, một bài luân vũ mùa hè phơi phới đằm thắm, ngọt ngào. Chị có phải là giai nhân không? hay chỉ có chút duyên thầm như chị tự nhận:
gió nhìn tôi có duyên thầm
với cái nón lá ai chằm bài thơ
Có lẽ chị hơi khiêm tốn đó thôi. Ái mỹ là thiên tính của con người, riêng đối với nhà thơ đặc thù ái mỹ còn hơn người bình thường gấp mấy trăm lần, chị là vợ nhà thơ, trong cuộc so tài với các người đẹp để sở hữu trái tim & con người thi nhân, chị đã chiến thắng từ đó suy ra chị là hoa hậu thiệt tình không bàn cãi gì nữa…
Giai nhân của nhà thơ đương nhiên không phải là ” bình hoa di động” chữ tâm trong chị vời vợi, đau đáu diết da, xưa nay con gái đi lấy chồng mỗi lần nhớ về quê cũ đều có cảnh:
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Hướng về quê mẹ ruột đau chín chiều”(2)
hay tự trách mình:
“Đi đâu mà bỏ mẹ già
Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai dâng ?” (3)
Nỗi buồn của chị mờ mịt hắt hiu hơn vì nhìn tới, lui, trái, phải, mông mênh quá biết đâu tìm về nguồn cội:
đứng yên giữa vạt nắng chiều
sân nhà con gái hiu hiu nỗi buồn
nếu có Bụt hiện lên trong cõi đời nầy thì chị cũng chỉ xin:
ước chi bắt gặp mùi hương
theo gió Đà Nẵng thuận đường sang thăm
Ôi! ước mơ của chị nhỏ nhoi và dễ thương như vậy đó, nên trong nhà của người tha hương lúc nào cũng tận dụng miếng đất nhỏ trong vườn trồng vạt rau, dây bầu bí, khổ qua để ở đâu vẫn còn chút gì để nhớ …quê xa. Ở đây hình ảnh chiếc nón lá làm cho dung nhan người nữ lồng lộng thấm đẫm tình quê trong không gian êm ả của những nhớ thương và thương nhớ …
Chồng chị, anh Luân Hoán có được vốn trời cho đó là làm thơ, đây là bộ môn nghệ thuật làm lay động lòng người, bởi nó là tiếng lòng của người nghệ sĩ gởi đến tha nhân, từ buổi ban sơ thơ đã có sẳn trong tế bào, mạch máu, theo thời gian chất thơ ấy thêm phần ung dung ,tự tại, tròn trịa, độc đáo hơn, ngôn ngữ thơ đơn giản, không cầu kỳ, thêm chút dí dõm, trào phúng tạo cho thơ anh trong trẻo tự nhiên, đó là một kiểu thơ rất riêng Luân Hoán, trong sức sáng tạo dồi dào của nhà thơ, hơn một nữa dành cho các giai nhân đã đến trong đời.Thi sĩ mà. Trong 4 đặc điểm để xếp loại Thi Sĩ thì Đa Tình là đặc điểm đứng vị trí số 1 đương nhiên thì sĩ nhà ta không nằm ngoại lệ, biết vậy, nên chị chỉ yêu cầu:
thương con là đã thương tôi thật nhiều
Trời ạ! không lẽ chị tiếp nối sứ mệnh của bà Tú Xương nữa hay sao? Không đâu để trị cái bệnh hoa lá cành của nhà thơ chị cũng biết xuất chiêu độc đáo:
có chồng mãi sống viễn mơ
tôi cũng nhiễm bệnh hồ đồ đôi khi…
Bái phục chị, như vậy thì mới cầm cương nhà thơ từ buổi yêu nhau đến cuối cuộc đời. Người nữ nầy đẹp về mọi phương diện, ngoài một nhan sắc trời cho chị còn thêm một cái tâm trong trẻo, buồn mà vẫn thư thái, không nghiêng ngã rũ rượi, yêu chông thương con mà không mê muội, đôi khi có chút góc cạnh mà không cố chấp nên nhan sắc nàng càng hấp dẫn bội phần, e rằng qua 24 câu lục bát chưa diễn tả hết nét duyên dáng của chân dung nàng, tính thủy chung khéo léo của người bạn đường của nhà thơ là bậc Thầy của các thi sĩ đương đại, nhưng thôi hiểu chút chút về thơ của anh khi ca ngợi chị, hiểu chút chút về cảm xúc của thơ anh khi viết về chị cho dù không viết được dòng thơ nào thì chắc cũng được George Sand (4) cho được nửa phần là thi nhân…
(1)Leonardo de Vinci(1452 – 1519) Thiên tài toàn năng người Ý trong các lĩnh vực : phát minh, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, khoa học, âm nhạc, toán học, giải phẫu học, thiên văn học, lịch sử…
(2) (3): ca dao Việt Nam
(4) George Sand (1804- 1876) nhà văn, nhà biên kịch Pháp tác giả câu nói:”Người tìm được niềm vui sướng cao quý từ những cảm xúc của thi ca là thi nhân thực thụ, cho dù anh ta không viết được dòng thơ nào trong cả cuộc đời.
Giữa Vườn Nắng Xanh Xứ Người
Thơ: Luân Hoán
Anh Cho Em Mùa Xuân
Thơ: Kim Tuấn
Nhạc: Nguyễn Hiền
Trình Tấu: Various Artist
Chúc Hương Xưa kỳ nghỉ phép thường niên thật vui vẻ!