Chuyện Lão Mẫu Mất Bánh

Cổ Tích Nhật Bản
 Bắc Phong dịch từ bản tiếng Anh The Old Woman Who Lost Her Dumpling do Lafcadio Hearn (1850-1904) chuyển ngữ.
Ngày xửa, ngày xưa có một lão mẫu tính tiếu lâm, hay cười và thích làm bánh bao bằng bột gạo.
Một hôm, trong lúc đang làm bánh bao cho bữa tối, bà làm rớt một chiếc. Nó lăn vào cái lỗ trên sàn đất nhà bếp và biến mất. Lão mẫu cố moi nó lên bằng cách thọc tay xuống cái lỗ, rồi thốt nhiên đất sụp, thế là bà cũng lọt luôn xuống hố.
Lão mẫu rơi khá sâu, nhưng không hề hấn gì. Lúc đứng dậy được trên đôi chân, bà thấy mình đang ở một con lộ giống như con lộ trước nhà mình. Trời thật sáng dưới đó, lão mẫu thấy khá nhiều những đồng lúa, nhưng chẳng một bóng người. Cớ sự ra sao, tôi chẳng biết. Nhưng dường như lão mẫu đã rơi xuống một xứ nào khác. Con lộ mà lão mẫu ngã xuống khá dốc; cho nên sau khi hoài công tìm kiếm chiếc bánh, bà nghĩ chắc nó đã lăn xuống con dốc. Lão mẫu vừa chạy xuống dốc vừa la:
“Bánh bao của tôi, bánh bao của tôi! Đâu rồi chiếc bánh bao của tôi?”
Một lúc sau, lão mẫu thấy tượng đá của Bồ Tát Địa Tạng bên lề đường. Bà hỏi:
“Bồ Tát Địa Tạng, ngài có thấy chiếc bánh bao của con không?”
Bồ Tát Địa Tạng đáp:
“Có, ta có thấy chiếc bánh bao của con lăn xuống dốc. Nhưng con không nên đi xa thêm, vì dưới đó có Quỉ Dạ Xoa ăn thịt người.”

Nghe thế mà lão mẫu cũng chỉ cười rồi chạy xa thêm xuống con dốc, la to: “Bánh bao của tôi, bánh bao của tôi! Đâu rồi chiếc bánh bao của tôi?” Rồi bà lại gặp một pho tượng Bồ Tát Địa Tạng khác, và hỏi:
“Bồ Tát Địa Tạng từ bi, ngài có thấy chiếc bánh bao của con không?”
Và Bồ Tát Địa Tạng đáp:
“Có, ta có thấy chiếc bánh của con từ lâu rồi. Nhưng con đừng có chạy tìm xa thêm nữa, vì dưới đó có Quỉ Dạ Xoa ăn thịt người.”
Nhưng lão mẫu cũng lại chỉ cười, vừa tiếp tục chạy vừa la: “Bánh bao của tôi, bánh bao của tôi! Đâu rồi chiếc bánh bao của tôi?” Lúc sau, bà gặp pho tượng Bồ Tát Đia Tạng thứ ba và hỏi:
“Bồ Tát Địa Tạng tôn kính, ngài có thấy chiếc bánh bao của con không?”
Bồ Tát Địa Tạng nói:
“Đừng có nói chuyện bánh bao bây giờ. Quỉ Dạ Xoa đang đến đây này. Con hãy ngồi xuống núp sau tay áo của ta và chớ gây tiếng động gì cả, nghe chưa!”
Vừa lúc đó Quỉ Dạ Xoa đến gần, cúi đầu thi lễ Bồ Tát Địa Tạng nói:
“Chào ngài Địa Tạng!”
Bồ Tát Địa Tạng cũng lễ độ chào lại.
Quỉ Dạ Xoa thốt khịt mũi hai ba lần có vẻ nghi ngờ và kêu lên: “Ngài Địa Tạng, ngài Địa Tạng! tôi ngửi thấy mùi giống người đâu đây – ngài có ngửi thấy không?”
“Ồ!” Bồ Tát Địa Tạng đáp, “Chắc ngươi lầm rồi.”
“Không, không!” Quỉ Dạ Xoa nói sau khi hít không khí thêm lần nữa, “Tôi ngửi thấy mùi giống người.”
Lúc đó, lão mẫu không nhịn được cười – “hì hì” – thế là Quỉ Dạ Xoa lập tức vươn bàn tay to lông lá ra sau tay áo Bồ Tát Địa Tạng và lôi lão mẫu vẫn còn đang cười hì hì ra.
“À ha!” Quỉ Dạ Xoa kêu.
Lúc đó Bồ Tát Địa Tạng nói:
“Ngươi định làm gì lão mẫu hiền lành này? Ngươi không được hãm hại bà.”
“Tôi sẽ không hại bà,” Quỉ Dạ Xoa nói. “Tuy nhiên, tôi sẽ bắt bà về nhà nấu bếp cho chúng tôi.”
“Hì hì!” Lão mẫu lại cười.
“Được rồi,” Bồ Tát Địa Tạng nói. “Nhưng người phải thực lòng tử tế với bà. Nếu không, ta sẽ giận lắm đấy.”
“Tôi sẽ không làm gì hại bà lão đâu” Quỉ Dạ Xoa hứa; “Bà lão chỉ phải làm chút việc cho chúng tôi mỗi ngày thôi. Chào ngài Địa Tạng.”
Rồi Quỉ Dạ Xoa đưa lão mẫu xuống sâu dưới con dốc cho đến khi họ gặp một con sông rộng, ở đó có một con thuyền. Quỉ Dạ Xoa đặt lão mẫu xuống thuyền xong đưa bà qua sông đến nhà của nó. Đó là một ngôi nhà rất lớn. Nó lập tức đưa bà vào bếp và bảo bà nấu ăn tối cho nó và đồng bọn. Quỉ Dạ Xoa đưa cho lão mẫu một thìa xới cơm bằng gỗ và nói:
“Bà phải luôn luôn đặt một hạt gạo vào nồi thôi, và khi bà khuấy hạt gạo trong nước với cái thìa này, nó sẽ nở ra những hạt gạo khác cho đến khi đầy nồi.”
Nghe thế, lão mẫu bỏ một hạt gạo vào nồi nước như Quỉ Dạ Xoa bảo và bắt đầu lấy thìa khuấy; khi bà khuấy hạt gạo nở làm hai, làm tư, làm tám, rồi mười sáu, ba mươi hai, sáu mươi bốn hạt và cứ thế. Mỗi lần bà khuấy thìa, gạo cứ nở tăng dần cho đến lúc đầy nồi.
Thế rồi lão mẫu sống một thời gian dài trong nhà của Quỉ Dạ Xoa, mỗi ngày bà nấu ăn cho Quỉ Dạ Xoa và đồng bọn. Quỉ Dạ Xoa không bao giờ làm hại hay dọa nạt gì bà cả. Công việc của bà trở nên dễ dàng với chiếc thìa thần mặc dù bà phải nấu một nồi cơm lớn vì Quỉ ăn nhiều hơn người.
Nhưng lão mẫu cảm thấy cô đơn, luôn luôn khao khát được trở về căn nhà nhỏ và làm bánh bao. Rồi một ngày nọ, khi bọn Quỉ đều đi vắng, bà nghĩ bà phải tìm cách chạy trốn thôi.
Việc đầu tiên lão mẫu làm là lấy chiếc thìa thần nhét vào đai lưng xong đi xuống bờ sông. Không ai thấy bà; con thuyền vẫn nằm đó. Bà trèo lên thuyền và đẩy nó ra sông; rồi vì bà chèo giỏi, không lâu bà đã xa hẳn bờ.
Nhưng con sông rất rộng; bà chèo mới được một phần tư sông thì Quỉ Dạ Xoa và tất cả đồng bọn về nhà.
Chúng thấy đầu bếp của mình đã biến mất và chiếc thìa thần cũng thế. Chúng bèn chạy ngay ra bờ sông và thấy lão mẫu đang chèo thuyền mê mải.
Có lẽ bọn Quỉ không biết bơi, chúng lại không có thuyền; nên nghĩ muốn bắt lại bà lão, chúng chỉ còn một cách là uống cạn nước sông trước khi bà chèo thuyền sang tới bờ bên kia. Thế là bọn Quỉ gục đầu xuống bờ sông và bắt đầu uống nước. Chúng uống nước nhanh đến nỗi lão mẫu chưa ra đến giữa dòng, nước sông đã vơi đi hẳn.
Nhưng lão mẫu vẫn cứ chèo đến khi mực nước sông đã đủ nông, bọn Quỉ ngừng uống nước và bắt đầu lội bì bõm đuổi theo. Thấy thế, lão mẫu bèn buông tay chèo và rút chiếc thìa thần từ đai lưng ra đánh dứ bọn Quỉ, rồi làm mặt dọa, trông diễu đến nỗi tất cả bọn Quỉ phải bật cười lên sằng sặc.
Và khi bọn Quỉ sặc cười, chúng không kềm được nên nôn tháo ra hết nước sông chúng đã uống. Thế là nước sông đầy trở lại. Bọn Quỉ không vượt được sông; và lão mẫu nhờ tính tiếu lâm đã chèo thuyền sang được bờ bên kia an toàn. Bà chạy hết sức mình lên con dốc, không ngừng nghỉ cho đến khi bà thấy mình lại đứng trước căn nhà nhỏ thân yêu.
Sau đó lão mẫu sống rất hạnh phúc; vì bà lại có thể làm bánh bao bất cứ khi nào bà vui muốn. Hơn nữa, bà còn có chiếc thìa thần làm gạo. Lão mẫu làm thêm bánh bao bán cho hàng xóm và khách qua đường. Chẳng mấy chốc bà trở nên giầu có.
Cổ Tích Nhật Bản Bắc Phong dịch nhân mùa Phật Đản 2562.

1 thought on “Chuyện Lão Mẫu Mất Bánh

  1. Quốc Tuyên

    Nhờ vui vẻ, hay cười mà Lão Mẫu đã qua được nguy hiểm và có cuộc sống hạnh phúc.

    Reply

Leave a Reply to Quốc Tuyên Cancel reply

Your email address will not be published.