(Thương gởi con trai của Bố)
Ðó là những năm 85-88, lúc tôi còn đang làm nghiên cứu trong phòng Lab để tìm ra một loại hoá chất chỉ độc hại cho loại sâu róm mà không hại gì đến những côn trùng khác như ong, bướm, chuồn chuồn và nhất là con người. Một trách nhiệm khá khó khăn vì thời đó tất cả những loại thuốc phun để bảo vệ mùa màng đều là thuốc rất độc, và tai hại nhất là đến sức khỏe con người. Khi thuốc phun ra, bất cứ con côn trùng nào bị ăn trúng hay dính vào da sẽ chết tức khắc. Nhưng dần dà, qua qúa trình biến đổi gene, nhiều con côn trùng tạo ra chất đề kháng thuốc nên vẫn sống và sinh trưởng mạnh. Người nông dân phải dùng thuốc với liều cao gấp 10, 20 lần mới tiêu diệt được. Và thế là dư lương thuốc trừ sâu có đầy trên ruộng lúa, hoa màu, đất đai…và hậu qủa là con người ăn uống phải, hít thở và thấm vào da thịt khi tiếp xúc với dư lượng này.
Khi nhận chỉ thị từ trên, tôi và những bạn cùng nhóm biết đây là công tác rất khó thành công. Nhưng bản tính thích mạo hiểm, chịu rủi ro và quyết tâm có sẵn, tôi nói với nhóm nghiên cứu của mình: “Không có gì để mất. Thất bại cũng không sao. Nhưng nếu thành công thì ta mở đường cho những sản phẩm không độc hại để phục vụ nhân loại…” Và thế là chúng tôi vào việc.
Sau hơn 3 năm nghiên cứu, bào chế ra mấy chục ngàn hợp chất mới mà chẳng có một dấu hiệu gì khả quan cho cái đích của mình. Tôi và nhóm nghiên cứu chuẩn bị “cuốn gói” để trình lên ban giám đốc những điều bất khả thi. Nhưng rồi một buổi sáng, vừa đến văn phòng nghiên cứu làm việc, anh tiến sĩ ngành động, thực vật và phụ trách thử nghiệm các loại hoá chất do nhóm chúng tôi chế ra, gọi vội tôi xuống phòng anh. Nét mặt anh hân hoan xen lẫn với những lo âu, anh bảo tôi: ” Mày nhìn vào kính hiển vi này đây. Có phải những con “nhộng” (con sâu ăn lá trước khi hoá bướm) này còn đang sống nhưng trên đầu nó có một cái gì đó rất lạ phải không?”. Ðúng như anh nói, tôi nhìn kỹ có một lớp da mới mọc phủ lên trên đầu và che cái miệng con sâu lại. Nó không ăn được và sẽ chết đói trước khi hoá bướm. Tôi nhìn anh, mở to đôi mắt, ngạc nhiên, sửng sốt không nói nên lời. Ðây là một điều kỳ diệu mà tôi chưa bao giờ biết qua qúa trình chuyển hóa từ sâu sang bướm. Tôi hỏi anh: Chuyện gì đã xảy ra? tại sao thế này… Và chúng tôi vui mừng ôm nhau đến rơi nước mắt. Thì ra một trong những hoá chất chúng tôi chế ra có tác dụng làm thay đổi gene của con sâu, bắt nó già đi nhanh, bỏ qua quá trình trưởng thành bình thường. Con sâu sẽ chết không phải vì chất độc mà vì trong hoá chất phun lên người nó đã có tác dụng lên “gene hóa già” trong con sâu mở ra, làm nó gìa nhanh đi. Nó chưa thành bướm mà cơ thể còn gìa hơn con bướm. Chúng tôi hết đỗi vui mừng vì khám phá rất lạ này. Không dám tuyên bố vội, phải làm thêm hàng trăm thí nghiệm nữa rồi nửa năm sau mới dám phổ biến.
6 năm sau (1994), khi tôi đang công tác ở Á Châu được gọi về Mỹ, đi cùng với nhóm nghiên cứu và ông Chủ Tịch công ty xuống Washington DC, được mời vào toà Nhà Trắng nhận huy chương danh dự từ Tổng Thống Clinton tặng cho nhóm đã phát minh ra một hợp chất diệt côn trùng mà không độc, không huỷ hoại côn trùng tốt khác, nhất là mở ra một tương lai về nghành hoá chất thân thiện với môi trường và con người. Ðây là giải thưởng Cách Mạng Xanh danh gía (Green Revolution) được dành cho những khoa học gia làm việc tốt cho trái đất. Lúc đó chúng tôi không ai biết về gía trị kỳ diệu phát minh của nhóm mình trong lãnh vực y khoa sau này.
Khi về lại làm việc nghiên cứu sau 5 năm làm thương mại ở nước ngoài, tôi được trở lại nhận trách nhiệm để tìm ra cách áp dụng những khám phá đổi gene, từ côn trùng qua cây cỏ và ngay cả trên con người. Phần dành áp dụng cho con người thì chúng tôi bàn giao kỹ thuật này cho Ðại Học Pittsburgh, và Harvard, còn chúng tôi chỉ chiụ trách nhiệm áp dụng cách hoán đổi gene trên cây cỏ thôi. Mấy năm sau chúng tôi đã áp dụng được kỹ thuật này trên cây bắp và lúa. Theo qúa trình đơm bông và tạo hạt, những bông lúa thường bị thời tiết khắc nghiệt như hạn hán hay mưa bão làm hỏng, tạo ra lúa lép. Khi phun những hoá chất đổi gene này, cây lúa sẽ làm chậm lại qúa trình đơm bông, chờ đến khi thuận tiện thì kết nhụy và tạo hạt. Kết qủa là lúa, bắp được tăng năng suất lên hơn 20 phần trăm nếu phun thuốc vào đúng thời kỳ. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ nói cụ thể và đơn gỉan cho các bạn dễ hiểu về kỹ thuật này, nay đã được áp dụng khắp mọi nơi trên thế giới.
Câu chuyện này còn thú vị hơn nếu các bạn đọc tiếp đoạn sau đây. Số là tôi có 2 con trai, đứa lớn tên Ðan (Danny) giống Mẹ, thích làm trong lãnh vực IT, mày mò hàng giờ trên máy tính mà không chán. Còn đứa thứ hai tên Sơn (Sonny) thì có tính thích khám phá tìm tòi nghiên cứu như tôi. Từ những năm còn nhỏ, tôi thường qua nhà bác hàng xóm nấu rượu. Học cách chưng cất rượu của bác về nhà cũng làm được một cái lò nhỏ, chưng cất được thuốc xoa bóp dầu khuynh diệp. Thấy Mẹ thường dùng lá khuynh diệp bỏ vào nồi xông hơi khi bị cảm cúm nên nảy ra ý định này. Dầu chế ra, bị pha nhiều nước qúa loãng, không tốt lắm, nhưng cũng có chút mùi thơm. Mẹ tôi đem “sản phẩm” của thắng con trai nghịch ngợm đi khoe cả làng. Lúc còn nhỏ tôi thường thấy Bố tôi lấy trái Bồ Hòn phơi khô, giã nhỏ ra, trộn với một ít rượu và xà phòng, phun lên sâu bọ. Sau này, khi đang nghiên cứu chất Neem (một loại cây mọc đầy ở miền trung Ấn Ðộ mà ở quê nhà mình gọi là trái cây Sầu Ðông), tôi mới thấy hợp chất trong trái Bồ Hòn và trong trái Sầu Ðông cùng một loại. Về sau đi xuống làm việc vùng Nam Mỹ như Bolivia, mới thấy thổ dân ở đây dùng cây Kobé, đập dập ra, trộn với nước phun lên cây bắp trừ sâu. Tôi lại khám phá ra chất trong cây Kobé, trái Bồ Hòn và trái Sầu Ðông đều có cùng một hợp chất thiên nhiên trị được sâu rầy mà không hại đến con người. Các bạn thấy lạ lùng chưa.
Sang Mỹ năm 75, tôi quyết đi theo nghành hóa học và sau khi ra trường may mắn được nhận vào một công ty chuyên nghiên cứu hóa chất diệt cỏ, nấm bệnh và sâu rầy để bảo vệ mùa màng. Là con của một nông dân nghèo, bao năm lam lũ sống với ruộng vườn và thấy cảnh khổ của người dân còng lưng nhổ từng cộng cỏ trên đồng lúa. Nhưng cỏ dại thì nhổ bỏ được, còn côn trùng, nấm bệnh chỉ biết than trời. Tôi nhận việc mà mừng như được vàng. Thế là tôi đã làm việc cật lực, quên cả giờ ăn trưa, quên về nhà, và mải mê công việc nghiên cứu ngày đêm. Có nhiều đêm nằm ngủ mơ thấy một giải pháp cho vấn đề nan giải, tôi phải vội thức dậy lấy giấy bút chép xuống rồi sáng hôm sau vào phòng thí nghiệm áp dụng. Lạ lùng thay, có nhiều lần đã có kết qủa tốt. Thật ra trong lúc ta ngủ, trí não ta vẫn không ngừng làm việc.
Những lần nhận được bằng phát minh mới của chính phủ và bằng khen của công ty, tôi đem về treo lên tường trong “thư phòng”. Sơn thấy làm lạ, thường hỏi đó là những cái gì, làm sao có được. Tôi phải giải thích sao cho thằng bé hiểu đây. Tôi bảo đây là những hy sinh mà Bố đã không dành để đưa con đi chơi banh thả diều như các bạn. Bố đã phải mày mò ngày này qua tháng kia trong phòng thí nghiệm mới có được. Có lần thằng bé đưa một đám bạn cùng tuổi lên phòng khoe những thành qủa nghiên cứu của Bố treo trên tường rồi nói: “Tao sẽ theo bước chân của Bố tao”. Năm con trai 8 tuổi, tôi hỏi Sơn: “Mai kia lớn lên con làm gì?”. Thằng bé ngây thơ nhưng không một chút chần chừ, đáp lại với nụ cười: “Bố muốn con làm gì thì con làm thế ấy”. Tôi thách nó: “Thế con có thể lấy được bằng Tiền Sĩ Khoa Học của trường ÐH Harvard cho Bố không?” Thằng bé 7 tuổi đâu biết đây là ước nguyện của Bố nó khi mới vào nước Mỹ năm 75. Nó cũng chẳng biết muốn vào trường đó không phải dễ, và ra được cũng rất khó, nên trả lời một cách chủ quan: “Con sẽ làm được. Chúc tốt cho con đi”.
Giữa tháng 3, 2016 Sơn email báo tin vui cho gia đình tôi là cháu đã bảo vệ luận án Tiến Sĩ thành công với hạng danh dự từ Harvard Medical School. Sau 8 năm dài vừa làm nghiên cứu vừa giảng dạy, làm việc liên tục 12 tháng 1 năm, không có ngày nghỉ. Ðề tài cháu nghiên cứu trong lãnh vực về gene di truyền. Ðây là cách trị bênh trong tương lai nhằm chận đứng những bệnh hiểm nghèo di truyền từ Cha Mẹ qua con cái. Nếu làm được, khi đứa bé còn trong bụng Mẹ, khoa học gia tìm cách thay đổi gene di truyền của nó để khi nó sinh ra không còn mang những di truyền bệnh tật không tốt như các bệnh tiểu đường, tim mạch…
Như tôi đã nói ở trên, từ kinh nghiệm công việc mình đã làm, trong con người cũng như con vật, côn trùng và cả cây cỏ đều có những bộ phận gene cho tất cả quá trình phát triển, sinh trưởng, lớn mạnh, sinh sản rồi bệnh tật, gìa nua. Gene thì có cái tốt cái xấu. Như con người, khi đến tuổi 40 trở đi, những gene hóa gìa sẽ mở ra (open) và con người bắt đầu qúa trình lão hóa, phát triển thành bệnh. Nghiên cứu của các khoa học gia trong tương lai để biết gene nào xấu đóng (close) nó lại hoàn toàn và cho mở (open) ra những gene tốt. Nói đơn giản là vậy, nhưng cho tới ngày có thể đem áp dụng những hiểu biết này vào con người sẽ còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn. May mắn thay, những gì mình cùng các khoa học gia khác tình cờ khám phá ra được từ hơn 30 năm trước, lúc Sơn mới được sinh ra, giờ chính con trai mình tiếp tục theo đuổi đến cùng.
Năm 72, lúc đang theo học tại VÐH Dalat, được xem phim Chuyện Tình (Love Story) do hai tài tử Oliver và McGraw đóng từ tiểu thuyết nổi tiếng của Eric Segal, tôi rất thích. Chuyện phim diễn lại cảnh trên khuôn viên ÐH Harvard mùa Ðông. Ðôi trai gái đùa trên tuyết trắng đẹp như mối tình sinh viên trong trẻo. Tôi mơ màng đến cảnh mùa Ðông ở đây, và thèm được một lần được chơi tuyết với ai đó. Hơn 40 năm sau, hàng trăm lần dọn dẹp, xúc tuyết sau những cơn bão mùa Ðông giá buốt. Tôi không còn nhìn cảnh sân trường đại học với tuyết phủ trắng xóa mà mơ mộng. Cuộc sống ở Mỹ quá nhọc nhằn cho những sinh viên tị nạn những năm đầu mới đến đây. Ði học lại chỉ để tìm cho mình một nghề dễ chịu thay vì phải làm việc trong những hãng xưởng qúa nhọc nhằn. Xa quê hương, xa gia đình nên mơ mộng, lãng mạng không còn là một điều thú vị ngoài cơm áo gạo tiền. Ði học là chỉ là theo đuổi giấc mơ được đi du học mà ngày trước đã từng mơ ước. Ngày lên thăm Sơn làm nghiên cứu ở Harvard và thấy con trai khổ cực làm việc ngày đêm trong ngôi trường mà tôi đã từng thèm được chơi tuyết mùa Ðông, thấy thương cho cháu qúa. Có những đêm Noel khi mọi người vui chơi vui vẻ với gia đình ấm cúng trong những buổi tiệc lớn, gần 12 giờ khuya Sơn gọi điện thoại về chúc Giáng Sinh gia đình. Tôi tưởng chắc con đang vui vẻ với bạn bè đâu đó, nhưng không: “Con vẫn còn đang làm việc trong phòng thí nghiệm Bố ạ”.
Hôm nay, viết thư này gởi báo tin vui đến qúy thân hữu xa gần:
“Sau 8 năm dài miệt mài, vất vả và làm việc 12 tháng 1 năm, cuối cùng Sonny, con trai út của gia đình mình đã bảo vệ thành công luận án Tiến Sĩ từ Harvard Medical School hạng danh dự với đề tài: “Strategies for Studying Chromatin Regulation and Organization” tuần rồi. Trong qúa trình nghiên cứu, Chaú Sơn đã cống hiến cho khoa học rất nhiều hiểu biết về lãnh vực gene di truyền và phương pháp để chận đứng những gene xấu tái tạo. Tạo môi trường và cơ hội cho gene tốt phát triển để bảo vệ sức khoẻ con người.
Nghiên cứu của cháu trong lãnh vực về gene di truyền (Chromatin), tương lai sẽ được dùng để tìm cách chận đứng những gene bệnh tật (mitosis) từ Cha Mẹ truyền qua con cái từ trong bào thai (gene expression). Ðây là lối chữa bệnh khá mới trong tương lai để giúp nhân loại không bị những bệnh hiểm nghèo truyền từ đời này qua đời khác. Tháng 5 này Cháu sẽ về nhận việc giảng dạy và tiếp tục nghiên cứu nghành Chromatin tại ÐH University of Penn tại Philadelphia cho gần nhà “
Viết xong thư thấy lòng vui khôn tả. Có những giấc mơ trong đời mãi mãi là giấc mơ. Nhưng giấc mơ này, hôm nay đã thành sự thật. Có một lá thư chúc mừng từ một người bạn, có một câu mình rất thích: ” Ðây là niềm hãnh diện không của riêng gia đình Lương mà là của cả cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Chúng ta ra đi vất vả, bỏ lại tất cả, quyết tâm lập nghiệp xứ người, nuôi con khôn lớn, để được như thế này đây. Việt Nam ta bây giờ không còn chỉ đóng khung và giới hạn trong mảnh đất hình cong chữ S nữa”.
Cảm ơn các bạn đã đọc mẫu chuyện này. {jcomments on}
Đúng là “Hổ phụ sanh hổ tử”, chúng em lấy làm hãnh diện và vui mừng cho cháu Sonny và gia đình anh cũng như cho cộng đồng người Việt chúng ta. Chúng em rất vui mừng được biết cháu Sonny tốt nghiệp tiễn sỹ hạng danh dự tại trường đại học nổi tiếng, Harvard Medical School. Chúng mừng anh chị, cháu Sonny và đại gia đình. Mai mốt chúng ta sống lâu, trẻ hoá, hay ít bệnh cũng nhờ những nghiên cứu như thế này. Một lần nữa chúc mừng cả nhà. Cũng như anh, em nghĩ “Việt Nam ta bây giờ không còn chỉ đóng khung và giới hạn trong mảnh đất hình cong chữ S nữa”. Vậy xin tất cả hãy tự lên đường đi nhé để tiến tới, tiến xa với mục tiêu mình đã định hướng.
Congrats to you and family.
Phẻ,
Cảm ơn em đã đọc và góp ý. Mấy hôm nghe tin có Ðại Hội gia đình Phật Tử toàn quốc tổ chức chắc là em có đi dự?
Là người cũng đã từng làm theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học và ngày đêm “sống” trong 4 bức tường để tìm ra những khám phá mới cho khoa học hầu phục vụ nhân loại hẳn em biết nó cực bao nhiêu nhưng cũng vui bấy nhiêu. Anh vẫn thường nói với bạn bè, làm nghiên cứu cũng như làm thơ, viết văn. Mình phải mơ mộng, lãng mạng một chút mới tìm ra được cái đẹp, cái mới, cái hay. Tất cả đều đến từ trí sáng tạo và cảm xúc của tâm hồn. Không ngạc nhiên, đa số những người giỏi nhạc đều giỏi toán và những người làm thơ hay đều thích khoa học.
Cả hai lãnh vực, tưởng là tương phản, nhưng thật ra đến từ một nguồn: nguồn cảm hứng.
Sonny lúc còn học trung học cũng có làm thơ rất khá đấy. giờ thì bận qúa nên “tịt” rồi.
Chúc vui,
NL
Ngày lên thăm Sơn làm nghiên cứu ở Harvard và thấy con trai khổ cực làm việc ngày đêm trong ngôi trường mà tôi đã từng thèm được chơi tuyết mùa Ðông, thấy thương cho cháu qúa. Có những đêm Noel khi mọi người vui chơi vui vẻ với gia đình ấm cúng trong những buổi tiệc lớn, gần 12 giờ khuya Sơn gọi điện thoại về chúc Giáng Sinh gia đình. Tôi tưởng chắc con đang vui vẻ với bạn bè đâu đó, nhưng không: “Con vẫn còn đang làm việc trong phòng thí nghiệm Bố ạ”.
Thật ngưỡng mộ Sony, mà nầy Sony không những nối nghiệp Bố mà về nhân dáng đẹp trai hơn Bố rất nhiều…chạy.
Hi Dạ Lan,
Ngày bằng tuổi Sonny (30t), Bố nó coi cũng “được” lắm. Nhưng giờ thì đã qúa 60t rồi nên hơi xuống cấp đấy.
Hôm lên thăm cháu đúng vào Mùa Xuân, trời Boston đẹp vô cùng. Ðứng trước khuôn viên sân trường mà ngẩn ngơ nhìn những toà nhà xây theo kiểu Âu Châu cổ điển mà ngẩn ngơ. Quên mất tuyết lạnh mùa Ðông, quên mất giấc mơ “vật lộn” với ai đó trên tuyết và cũng chợt nhớ lại là mình không còn trẻ nữa. Thấycon tiếp tục đi con đường nghiên cứu khoa học của Bố nên mừng lắm. Lâu lâu cháu khám phá ra điều gì mới lạ có gọi phone về khoe, thế là mình lại tìm thấy mình trong những năm còn trẻ. Nhờ thế mà cứ nghĩ như mới hôm qua đây.
Chúc vui
NL
chèng đéc ơi! cha và con cực giỏi
phục gia đình ông bác học quá trời
con nối chí cha rạng tông người Việt
Nguyên Lương con rực rỡ một góc trời
Sony cháu hãy noi gương cha cháu
học lai rai chơi thoải mái cái đầu
đừng ru rú vùi thân trong thí nghiệm
học quá mụ người rồi sẽ đổ đau
tiến sĩ xứ người chắc không phải giấy
học nhừ hơi mài miệt tháng ngày qua
mai đây cháu thành danh trên đất Mỹ
nhớ đừng quên nguồn cội của quê Cha
Gởi Thi sĩ Hạt Dưa,
Cảm ơn bài thơ vui. Thích nhất mấy câu này:
“Sony cháu hãy noi gương cha cháu
học lai rai chơi thoải mái cái đầu
đừng ru rú vùi thân trong thí nghiệm
học quá mụ người rồi sẽ đổ đau”
Ðúng là Sonny cũng vừa học vừa chơi đấy. Nhưng làm nghiên cứu là phải “vừa chơi vừa học”. Có như thế thì mới không bị “tẩu hỏa nhập ma”. Cháu nó cũng co nhiều đào vây quanh. Không phải như bố nó ngày xưa chỉ biết đừng từ xa “ngưỡng mộ” âm thầm.
Sơn lâu lâu cũng mần thơ, nhưng chưa khổ đau và bị “bò đá” nhiều như bố nên thơ chưa được quằn quại lắm.
Mình sẽ chuyển những lời này của Hạt Dưa đến cháu Sơn:
“Mai đây cháu thành danh trên đất Mỹ
Nhớ đừng quên nguồn cội của quê Cha”
Chúc vui,
NL
Gửi Anh Lương.
Em nhận được mail của anh hôm trước và nay đọc bài anh viết thấy rất xúc động. Em nghĩ trong đời một con người, làm được những gì mình yêu thích, thành công, có đóng góp cho xã hội đã là một hạnh phúc.
Hạnh phúc hơn nữa là hậu duệ của mình cũng tìm được con đường đúng cho bản thân và phát triển xã hội lại thành công vượt bậc. Đối với một đời người thật không còn gì hạnh phúc hơn, không của cải vật chất nào có thể sánh bằng. Vợ chồng em chúc mừng gia đình anh.
Bài anh viết như một sự truyền cảm hứng với em. Em nhận thấy được cuộc sống dù có những tiêu cực vẫn rất nhiều điều tích cực, tốt đẹp và có ý nghĩa, có rất nhiều nhà khoa học như anh, như Sơn đã và đang làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn.
Chúc mừng gia đình anh.
Em
Hoàng Anh
Hi Hoàng Anh,
Lâu qúa không thấy cháu gái Linh Ðan thư cho Bố Lương gì hết. Chắc cháu đang bận rộn để lo đi du học phải không? Hai vợ chồng em có mỗi đứa con gái mà cũng quyết tâm cho cháu “bơi ra biển lớn”. Mà không quyết tâm sao được khi đã có vợ chồng Bác Lương và anh Sonny bên này sẵn sàng tiếp sức. Mỗi lần cháu Linh Ðan viết thư than là học ở VN khó qúa, chẳng hiểu gì mà cứ phải nhớ, phải thuộc bài. Cứ như con vẹt. Anh cũng thấy như thế ngày xưa khi theo học ở đó. Hơn 40 năm rồi mà hệ thống giáo dục đó không thay đổi.
Cái học ở các nước tiên tiến, nhất là Mỹ, họ chuộng thực nghiệm. Tức là học để làm gì, chứ không phải học để chỉ có mảnh bằng.
Nói với Linh Ðan đừng sợ, qua đây cháu gái sẽ thấy thích thú hơn và học thoải mái hơn. Chỉ có điều ở đây mình phải tự học, tự tìm tòi và tự kiểm tra mình. Thầy giáo, có cũng như không. Thầy có mặt ở lớp để truyền cảm hứng, để gỉai toả áp lực và để cho trò cần thì tâm sự. Thầy trò ở Mỹ coi nhau như 2 người bạn. Nhờ thế Thầy rất hiểu trò và trò cũng thấy gần gũi với Thầy nên có gì không hiểu thì hỏi. Có lẽ nhờ thế mà những ngươì “ham vui” như anh đã học tốt ở đây không chừng.
Cảm ơn những nhận xét rất thân tình của em. Gởi lời thăm ông “Nghè” nhà em nhé. Khi vinh quy xong phải qua đây đãi rượu anh Lương đấy nhé.
NL
NL
Rất vui mừng và hãnh diện. Xin góp lời chung vui cùng toàn thể gia đình anh chị và đặc biệt là cháu Sơn. Rồi đây bao nhiêu người sẽ benefits với những công trình tim óc của cháu.
Nam Lộc
Dạ cảm ơn Anh MC Nam Lộc. Hôm trước có đọc bài viết về (Đại Đức) Kusho Tenzin Drodon. Có những đoạn như: “Đặc biệt lại đúng vào dịp mà đứa cháu ngoại cuả Bố tôi, nhà sư trẻ Kusho, một tu sĩ Phật Giáo Mật Giáo vưà từ Ấn Độ về thăm nhà sau hơn tám năm trời tu học. Kusho đã sung sướng được tụng niệm bên giường bệnh để tâm hồn ông ngoại thư thái ra đi. Đây có thể xem là món quà cuối đời quý giá nhất mà Bố tôi để lại cho các con, các cháu…” đã hiểu thêm về vị Sư trẻ trong gia đình Anh.
Lần chúng ta gặp nhau trong dịp ra mắt sách cho Vũ Thanh ngày 22 tháng 5 sắp tới này tại Philadelphia sẽ được nghe MC Nam Lộc kể chuyện và hát cho nghe anh nhé.
Bài viết rất hay, rất cảm động! Hồi sáng em định hỏi anh viết một bài về Sonny để các gia đình khác và các em học theo. Buồn cười chưa gởi mail, nay đã đọc được bài viết. Ai là làm cha mới hiểu được tâm trạng của Nguyên Lương bây giờ. Dù anh khó tánh, nhưng phải công nhận hai con của anh đều thành công rất vẻ vang. Thật là một ngày vui.
Gởi Sỹ và Diễm Tươi,
Mỗi lần thấy con trai của Sỹ thì nhớ đến Sơn ngày còn trẻ. Hai đứa có nhiều điểm giống nhau là: tự mình thúc mình, không cần ai đẩy.
Cháu trai cũng đã vào được Brown University, một Ivy League, đâu thua gì Harvard. Rồi cháu cũng sẽ làm cha mẹ cháu vui và Bác Lương cũng vui lây. Những gì anh em mình mong làm nhưng không được thì ráng truyền cảm hứng và những mơ ước đó đến những đứa con. May ra có đứa thích và cầm ngọn đuốc tiếp tục đi tới. Thế là chúng ta tạm gọi là thành công phải không em.
NL
Chúc mừng Nguyên Lương, cháu út và gia đình ! Thành công của cháu làm cho cha mẹ, gia đình thân quyến vui mừng và cả thân hữu và đồng hương cũng hãnh diện .
Nếu như ngày xưa thì cha con Nguyên Lương đều có bia Tiến Sĩ ở nhà Thái Miếu để muôn đời rạng danh . Những cống hiến của cháu út để cho nhân loại mới thật sự là hữu ích hơn gấp bội lần những bia đá mai một với thời gian .
Tân Anh và gia đình xin chia sẻ niềm vui cùng gia đình Nguyên Lương và hãnh diện vì cháu út nói riêng và lớp trẻ ngày nay nói chung . Tân Anh
Hi Nhạc Sĩ Nguyễn,
Lâu qúa không được nghe sáng tác mới của Anh.
Cảm ơn Anh có lời khen và chúc tụng.
Em thì nay gìa rồi, về hưu, chơi với bè bạn và hoa lá, cỏ cây. Cũng may là cháu Sơn đi tiếp con đường nên lâu lâu nghe con kể chuyện còn thấy cập nhật những tin tức về khoa học. Thời buổi này, khoa học tiến nhanh. Những gì trong 50 năm trước cần 10 năm mới thành thì bây giờ thời gian rút ngắn lại chỉ còn 1/10. Nhưng cái cần phải kéo dài thêm ra là tuổi thọ của chúng ta. Không những phải sống thọ mà sống tốt, khỏe mạnh, và minh mẫn nữa. Ngày đó hy vọng sẽ không xa lắm để anh em mình được nhờ, phải không anh.
Nói về vụ Bia Tiến Sĩ em có chuyện này: Khoảng hơn 5 năm trước có 1 ông TS gốc BÐ, đề nghị với Báo Bình Ðịnh là liên lạc hết tất cả các ông Nghè người BÐ trên khắp thế giới để bàn chuyện lập bia, khắc tên các ông vào bia mộ nơi thật trang trọng. Em nghe được đã viết thư cực lực phản đối cái trò “hư danh” ấy. Em bảo, ta làm gì có ích cho xã hội, cho nhân loại thì làm, không cần phải có bằng cấp, không cần phải làm bia ghi công trạng, và cũng không cần phải có bằng nọ kia để mới được người đời ngưỡng mộ. Bao nhiêu nhà Hai Lúa sáng tạo ra bao nhiêu sản phẩm phục vụ nông nghiệp mà có ông TS khoa học nào ở VN để mắt tới đâu. Ðó mới chin1h là những người ta cần vinh danh. Còn mấy ông TS, có mảnh bằng treo tường cho con cháu nhà xem là vui rồi. Ðừng làm phiền thiên hạ! Các ông ấy chắc là giận mình vô cùng. Nhưng biết làm sao phải không Anh?
Chúc vui,
NL
Xin chúc mừng anh chị Nguyên Lương, chúc mừng cháu, chúc mừng Dân Tộc Việt Nam chúng ta. Ôi! Niềm tự hào còn đâu đó của Dân Tộc.
NÐT
Cảm ơn nhà văn Nguyễn Ðình Toàn. Thấy đám con cháu chúng ta đi tiếp con đường phục vụ con người, dù ở xứ người, nhưng nhờ còn mang họ tộc người Việt, nên cả thế giới đều biết.
Có dịp đi dự những đại hội khoa học thế giới, thấy rất nhiều những họ tên: Nguyễn, Lê, Trần, Ðỗ…bên cạnh những Kim, Park, Wang, Lee…là mình thấy hãnh diện rồi. Ðó là chúng ta chỉ có mới 40 năm. Chờ 40 năm nữa sẽ thú vị lắm đấy. Nghĩ lại, như ông nhạc sĩ họ Phạm, sau khi viết ca khúc “Tháng Tư Ðen”, 20 năm sau ông nói: Nếu viết lại, tôi sẽ viết là “Tháng Tư Xanh”. Ý của ông là cũng nhờ ngày đó mà chúng ta đã ươm được nhiều mầm non ở bên ngoài đất nước. Bây giờ những mầm non ấy đã cao lớn, xanh to và bắt đầu đơm hoa kết trái. Và bây giờ, không phải chỉ cộng đồng người Việt ngưỡng mộ mà cả thế giới. Chúng ta giờ là con dân của thế giới rộng mở này.
NL
Viết xong thư thấy lòng vui khôn tả. Có những giấc mơ trong đời mãi mãi là giấc mơ. Nhưng giấc mơ này, hôm nay đã thành sự thật. Có một lá thư chúc mừng từ một người bạn, có một câu mình rất thích: ” Ðây là niềm hãnh diện không của riêng gia đình Lương mà là của cả cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Chúng ta ra đi vất vả, bỏ lại tất cả, quyết tâm lập nghiệp xứ người, nuôi con khôn lớn, để được như thế này đây. Việt Nam ta bây giờ không còn chỉ đóng khung và giới hạn trong mảnh đất hình cong chữ S nữa”.
SS xin chúc mừng Anh Nguyễn Lương và g/đ với sự thành công của cháu Sonny. Một niềm vui chung của nhân loại. Chúc cháu luôn trên đà phát triển.
Cảm ơn cô bạn Sông Song. Ðúng là “Có những niềm riêng làm sao nói hết” là đây. Mình vui nhưng con mình khó nhọc. Thấy tội cho nó cũng vì lời thách đố của Bố năm xưa mà gồng mình gánh trách nhiệm.
Mai kia chắc nó cũng sẽ làm thế với con của nó. Nếu được thì chắc sẽ vui lắm đây. Chỉ sợ…
Chúc vui,
NL
Ngọn núi nhỏ âm thầm nuôi chí lớn
Một vầng trăng dung dị giữa mùa thơm
Trong Khoa Học Cha Con thành tri kỷ
Đường con đi cây lá đã đơm bông
Cảm ơn R Xưa. Biết nói sao đây với bạn.
Hôm nay qua NH Lãng Du chơi, anh ấy cứ nhắc đến R Xưa hoài. Anh nói người làm thơ hay như thế nhưng chỉ đợi khi nhà thơ nào mở đường rồi đi theo “ghẹo” nhưng ghẹo thật có duyên. Có khi còn hay hơn bài thơ mở đường nữa.
Tên thật của Sơn là Nguyễn Cao Kỳ Sơn. Không phải vì mình thích ông Nguyễn Cao Kỳ đâu. Chỉ vì ở gần Gò Bồi có ngọn núi Kỳ Sơn. Ðây là quê tổ của mình khi xưa từ Bắc vào Nam lập nghiệp. Vì muốn con nhớ đến quê nhà nên cho nó cái tên Kỳ Sơn. Lại thêm họ Cao của Mẹ mình vào nên mới thành Nguyễn Cao Kỳ Sơn. Hy vọng cháu sẽ nghe lời R Xua để ráng trở thành “Một vầng trăng dung dị giữa mùa thơm”.
Chúc vui
NL
Anh Nguyên Lương thân mến,
Chúc mừng cháu Sơn đã thành công trong một đoạn đường . Chắc chắn sự thành-công không dừng tại nơi đây . Đường còn dài, tương lai còn huy hoang hơn nữa
Khi anh chị em gặp mặt, anh thao thao nói chuyện rất hay. Anh lại là nhà văn cư ngụ vùng Philadelphia nhưng được người biết dến tại nhiều nơi . Anh cũng là nhà khoa học . Khi viết bài hồi ký, and dung hợp được hai điều này hay lăm .
Nói chuyện vê học vị. Anh đã khéo giới thiệu cho người đọc rằng dù là tiên sĩ nêu không tiên bộ thì sẽ lỗi thời . Bằng câp nêu không thận trọng thì chỉ là hư danh, không phần thực dụng
Thỉnh thoảng anh nên đóng góp thêm trong loạt bài như thế này
Anh NH Lãng Du,
Cảm ơn Anh đã đọc bài dù đang đau mắt. May là bài không dài nên cũng dễ đọc. Trong vùng mình ở, ai cũng biết mình làm nhiều thứ việc nhưng ít ai biết việc chính mình làm trong suất 35 năm. Lại thêm, chưa bao giờ dám để chữ TS trước tên mình. Trời đất mênh mông, trí tuệ mình có hạn lại thêm càng đi xa, càng gặp nhiều càng thấy những hiểu biết và đóng góp của mình trong lãnh vực khoa học qúa nhỏ nhoi, chưa thấm vào đâu. Bỡi thế nên cố gắng ủng hộ, động viên đứa con trai “nối dõi”, may ra sẽ có thêm những câu chuyện và niềm vui để kể cho gia đình, bạn bè nghe chơi. Mình thích kể chuyện có thật, mà kể hoài không hết đấy anh.
Cảm ơn Anh. Hy vọng cái Sty trên mí mắt của anh chóng biến đi
NL
Giữa tháng 3, 2016 Sơn email báo tin vui cho gia đình tôi là cháu đã bảo vệ luận án Tiến Sĩ thành công với hạng danh dự từ Harvard Medical School. Sau 8 năm dài vừa làm nghiên cứu vừa giảng dạy, làm việc liên tục 12 tháng 1 năm, không có ngày nghỉ. Ðề tài cháu nghiên cứu trong lãnh vực về gene di truyền. Ðây là cách trị bênh trong tương lai nhằm chận đứng những bệnh hiểm nghèo di truyền từ Cha Mẹ qua con cái. Nếu làm được, khi đứa bé còn trong bụng Mẹ, khoa học gia tìm cách thay đổi gene di truyền của nó để khi nó sinh ra không còn mang những di truyền bệnh tật không tốt như các bệnh tiểu đường, tim mạch…
Như tôi đã nói ở trên, từ kinh nghiệm công việc mình đã làm, trong con người cũng như con vật, côn trùng và cả cây cỏ đều có những bộ phận gene cho tất cả quá trình phát triển, sinh trưởng, lớn mạnh, sinh sản rồi bệnh tật, gìa nua. Gene thì có cái tốt cái xấu. Như con người, khi đến tuổi 40 trở đi, những gene hóa gìa sẽ mở ra (open) và con người bắt đầu qúa trình lão hóa, phát triển thành bệnh. Nghiên cứu của các khoa học gia trong tương lai để biết gene nào xấu đóng (close) nó lại hoàn toàn và cho mở (open) ra những gene tốt. Nói đơn giản là vậy, nhưng cho tới ngày có thể đem áp dụng những hiểu biết này vào con người sẽ còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn. May mắn thay, những gì mình cùng các khoa học gia khác tình cờ khám phá ra được từ hơn 30 năm trước, lúc Sơn mới được sinh ra, giờ chính con trai mình tiếp tục theo đuổi đến cùng.
Đọc bài viết của anh Nguyên Lương vui mừng và cảm động đến rơi nước mắt, thật không hổ danh con trai của một khoa học gia.
Đứng như Bạch Xuân Phẻ đã viết “Hổ phụ sinh hổ tử.”
Xin cám ơn hai cha con đã làm rạng danh người Việt trên năm châu.
Cảm ơn Cô Út. May mà cái gene di truyền thích khám phá, tò mò và làm nghiên cứu trong đứa con trai không bị đóng mà mở ra rất sớm. Từ nhỏ, lúc còn đi chưa vững, cháu đã luôn lẻo đẻo theo dõi việc mình làm và hỏi những câu ngớ ngẩn như tại sao thế nọ, tại sao thế kia. Có lúc mình mãi chú vào công việc và bực vì những câu hỏi khó trả lời đó nên quạu. Thằng nhỏ lẳng lặng đi chơi chỗ khác, chừng 10 phút sau nó lại quay trở lại, tiếp tục hỏi. Hình như trong đầu nó lúc nào cũng muốn được trả lời những gì nó thắc mắc, cho đến khi thấy có lý mới thôi. Nay thì tự nó phải trả lời cho tập thể các khoa học gia những gỉa thuyết cần phải chứng minh. Nay nó mới thấy ở đời đâu phải câu hỏi nào cũng có câu trả lời xác đáng. Mà đặt được câu hỏi thông mình là đã được 1/2 đáp án rồi.
Chúc vui,
NL
Trước hết, xin được chúc mừng anh/chị, chúc mừng cháu đã bảo vệ thành công luận án Tiến Sĩ hạng danh dự từ Harvard Medical School. Đó niềm hãnh diện chung của thế hệ trẻ Việt Nam chúng ta. Đúng như một người bạn anh đã nói:
“Ðây là niềm hãnh diện không của riêng gia đình Lương mà là của cả cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Chúng ta ra đi vất vả, bỏ lại tất cả, quyết tâm lập nghiệp xứ người, nuôi con khôn lớn, để được như thế này đây. Việt Nam ta bây giờ không còn chỉ đóng khung và giới hạn trong mảnh đất hình cong chữ S nữa”.
Thứ đến, MMT thấy thú vị khi đọc câu chuyện của anh, câu chuyện một “nhà khoa học” viết truyện – chứ không phải của “nhà văn” Nguyên Lương, những nỗ lực, cố gắng hết mình, những chứng nhận/giải thưởng đạt được như: “Green Revolution”… Và, dĩ nhiên ngoài những điều lý thú về nghiên cứu, chúng ta vẫn được thưởng lãm một đoạn cực kỳ thơ mộng:
“Năm 72, lúc đang theo học tại VÐH Dalat, được xem phim Chuyện Tình (Love Story) do hai tài tử Oliver và McGraw đóng từ tiểu thuyết nổi tiếng của Eric Segal, tôi rất thích. Chuyện phim diễn lại cảnh trên khuôn viên ÐH Harvard mùa Ðông. Ðôi trai gái đùa trên tuyết trắng đẹp như mối tình sinh viên trong trẻo. Tôi mơ màng đến cảnh mùa Ðông ở đây, và thèm được một lần được chơi tuyết với ai đó.”
Tự nhiên, cứ ước “một lần được chơi tuyết với ai đó”.
Một lần nữa, xin chúc mừng anh và gia đình!
Kính quý,
MMT
Hi MMT,
Mỗi con người, mỗi hoàn cảnh, thuận đâu làm đó. Ðược đưa đẩy đến những môi trường thuận tiện, tự nhiên những tiềm ẩn trong người mình lộ ra, còn không thì nó ngủ vùi trong sâu thẳm.
Ðất nước mình không có nhiều cơ hội tốt cho những hạt mầm tốt bén rễ nên nhiều người tài giỏi không có cơ hội để sáng tạo và đóng góp.
Những năm 90, anh về nước rất sớm, vào thư viện của các trường ÐH lớn thấy lèo tèo vài cuốn sách, phòng thực nghiệm trống trơn. Anh đã vận động xin hàng chục ngàn đô la của người Mỹ giàu và mua những sách đã xuất bản từ Hong Kong, Ðài Loan còn dư, bỏ vào container gởi về VN, qua nhà sách Fahasa, để vừa bán rẻ vừa cho các sinh viên hiếu học. Trong một lá thư gởi cho các đại gia người Mỹ vận động xin tiền, anh có trích một phần bài thơ “Con Ðường Các Anh Về (1990)”, có đoạn:
… Anh gọi người Mỹ: “ngày xưa gởi bom bây giờ gởi sách
Bao nhiêu năm thôi bỏ đi chuyện hận thù
Những hố bom đã thành ao nuôi cá, đầm trồng rau
Ðừng gợi nhớ chuyện mùa Giáng Sinh năm nào bom nổ long trời lở đất…” .
Với những người anh em trong nước, anh đã viết:
“Thấy nước người giàu anh buồn chua xót
Ôi! dòng máu Rồng Tiên vẽ mặt, xâm mình
Lời thề xưa: Thà làm quỷ nước Nam
Sát Thát ngày nay: Giết tên giặc nghèo, đói, dốt…”
Với quê hương anh đã tâm sự:
“Anh về với tương lai nhẹ nhàng, phơi phới
Chặt bỏ ngày xưa những mắc xích vô hình
Những nợ nần, khắc nghiệt, oan khiên
Những chia rẽ, tị hiềm , lầm lỡ…”
Tự nhủ với chính mình, anh mượn lời của Lê Bi, đã viết:
“Anh về từ một đại dương xa xôi
Sóng vỗ một bên đẩy xô đất trời nghiêng lệch
Thà lấy màu xanh này lấp vào khoảng không thù nghịch
Những đau thường của người sẽ biến thành yêu thương…”
Anh dạy con làm khoa học nhưng cũng không quên dạy nó những điều nhân bản nêu trên. Mai kia, cháu sẽ tiếp tục “Con Ðường Các Anh Về” mà anh đã vạch.
Chúc vui
NL
Lá thư anh NL viết cho cậu út Sơn làm em thật sự xúc động. Xúc động vì niềm vui của một người cha vỡ òa khi thấy con mình thành công trên con đường mà xưa kia mình đã ao ước “Có những giấc mơ trong đời mãi mãi là giấc mơ. Nhưng giấc mơ này, hôm nay đã thành sự thật.” Anh mừng cho con và cũng xót cho con vì phải khổ cực miệt mài nghiên cứu để theo đuổi đam mê ” Ngày lên thăm Sơn làm nghiên cứu ở Harvard và thấy con trai khổ cực làm việc ngày đêm trong ngôi trường mà tôi đã từng thèm được chơi tuyết mùa Ðông, thấy thương cho cháu qúa. Có những đêm Noel khi mọi người vui chơi vui vẻ với gia đình ấm cúng trong những buổi tiệc lớn, gần 12 giờ khuya Sơn gọi điện thoại về chúc Giáng Sinh gia đình. Tôi tưởng chắc con đang vui vẻ với bạn bè đâu đó, nhưng không: “Con vẫn còn đang làm việc trong phòng thí nghiệm Bố ạ”.”. Ôi, tấm lòng của người cha bao dung lo lắng cho con. Thương quá anh Nguyên Lương ơi!
Em xin chúc mừng cháu Sơn, chúc mừng anh và cả gia đình.
Em xin mượn câu của bạn anh thay lời em muốn nói “” Ðây là niềm hãnh diện không của riêng gia đình Lương mà là của cả cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Chúng ta ra đi vất vả, bỏ lại tất cả, quyết tâm lập nghiệp xứ người, nuôi con khôn lớn, để được như thế này đây. Việt Nam ta bây giờ không còn chỉ đóng khung và giới hạn trong mảnh đất hình cong chữ S nữa”.
Thân chúc anh và gia đình luôn an lành, hạnh phúc .
Cảm ơn Cô Giáo Tiết.
Có những lúc trong đời mình thấy vui không tả được đó là hôm cháu gởi email về báo tin. 8 năm trước khi cháu được nhận vào Harvard, Bố vừa mừng vừa lo. Mừng vì cháu sắp đạt được điều cháu muốn, lo là vì mình qúa hiểu con đường nghiên cứu rất gian nan, may cũng nhiều mà rủi không ít. Không phải chỉ có chăm chỉ, cần cù, chịu khó mà thành. Có nhiều khoa học gia bỏ ra suốt đời chưa tìm được điều gì mới để cống hiến nhân loại và xứng đáng với mảnh bằng mình được nhận. Những bước đi khởi đầu vững vàng, mình biết cháu có những tố chất tốt để đi đến cuối.
Mong sao mai kia cháu sẽ tiếp tục con đường mà Bố chưa đi hết để làm điều gì ý nghĩa.
Cảm ơn Cô Giáo đã có lời khen cháu.
NL
Chào anh Nguyên Lương!
Học giỏi, thi cử đỗ đạt cao làm rạng danh tổ tông. Đó là người con đại hiếu.
Xin chúc mừng anh là người con đại hiếu và giờ Nguyễn Cao Kỳ Sơn là người cháu Đại Hiếu vậy. Chúc mừng gia đình anh.
Thân mến.
Hi Lâm Ni,
Anh nghĩ cháu Kỳ Sơn chỉ đi con đường cháu muốn đi. Hy vọng rồi sẽ tới đích. Rất nhiều người trẻ Việt Nam, trong và ngoài nước, đang đóng góp to lớn cho đất nước và nhân loại. Cho họ thêm thời gian, ta sẽ thấy nhan nhản khắp nơi những họ Việt Nam thường thấy trên các trang mạng, các báo cáo khoa học và biết đâu đó mai kia sẽ có một vài người lãnh giải Nobel. Tất cả bắt đầu từ những bước nhỏ bé, tuy cô đơn, nhưng rồi sẽ gặp nhiều người đồng hành. Con đường đó sẽ dẫn dân ta ra khỏi căn hầm tối tăm. Chắc chắn ánh bình minh chói rạng đang chờ. Ngày đó sẽ không xa đâu phải không Lâm Ni.
Chúc vui và vững tin,
NL
Chúc mừng anh Nguyên Lương về kết quả nghiên cứu của cháu Sonny.
Cảm ơn Anh Luận,
Làm Cha Mẹ ai cũng vui khi thấy con mình thành đạt. Mình vẫn nghĩ Cha Mẹ là tấm gương sáng cho con cái noi theo. Mình là người thầy với con sau khi những người thầy khác đã rời trường. Có được đứa con biết nghe lời chỉ dạy của cha mẹ là điều hạnh phúc lắm rồi.
NL
CHÀO ANH NGUYÊN LƯƠNG
DP đã đọc bài viết của anh và các cmt của quý anh chị em trên HX, Rất mừng và xin chúc mừng anh. Con cái là hạnh phúc , niềm tự hào cho cha mẹ. Chúc anh và gia đình luôn an mạnh.
Hi Duy Phạm,
Ðọc comment của Duy rồi nhờ đến một bài viết trên báo Ðất Việt, trong đó có đoạn:…”Ăn chơi đua đòi chẳng đem lại điều gì cho bản thân và xã hội, nhưng học hành vớ vẩn cũng vô dụng. Học có bằng cấp để làm gì khi tấm bằng đó chỉ là mảnh giấy màu trang trí trong phòng khách. Tại cuộc gặp giữa thanh niên với lãnh đạo thành phố, tiến sĩ Trần Hữu Lộc – giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TPHCM – bày tỏ: “Tại sao bây giờ nói tiến sĩ giấy nhiều quá. Bản thân tôi là tiến sĩ nghe rất đau đầu”.
Tiến sĩ giấy nhiều đến mức nào chưa ai đếm, nhưng chỉ cần nhìn thực tế của đất nước là biết được chất lượng của nền học thuật, đóng góp của các khoa học gia trong nước. Trí thức trẻ phải “đau đầu” nhiều hơn khi thấy dân mình nghèo, nước mình lạc hậu, hơn là hao tổn tâm trí tìm kiếm cho bản thân các loại bằng cấp…”
Mình thấy buồn về tình trạng này ở quê nhà. Chỉ cần một con số nhỏ làm không đúng chức năng với những tin tưởng xã hội ban cho mình, thì xã hội đó không còn tin tưởng ở người trí thức nữa. Mảnh bằng chỉ có giá trị không phải mình tốt nghiệp ở trường nào mà mình làm được gì với kiến thức mình đã học hỏi được.
Ðiều này làm nhiều người đọc phải suy nghĩ thật kỹ đây.
Cảm ơn Duy Phạm đã quan tâm.
NL
Rất vui khi đọc bài viết này của anh Nguyên Lương , đúng là Phụ Tử đăng khoa rồi đó !
Đây là niềm vui của gia đình anh nhưng cũng là niềm vui của người Việt chúng ta cả trong và ngoài nước về một thành tựu mới của khoa học vì lợi ích con người . Xin chúc mừng cháu Sơn , cậu con trai nuôi chí lớn trưởng thành và nối gót cha mình đi tiếp trên con đường truyền nhân ái !
Cảm ơn Anh Quế Anh.
Có tin vui này mới thấy khi quyết định ra đi có ý nghĩa.
Dẫu biết làm được điều gì có tiếng tốt không đâu bằng ở trên quê nhà mình. Nhưng nếu không có điều kiện lý tưởng ấy, thì dù ở đâu trên trái đất này, cống hiến khoa học đều giúp nhân loại, trong đó có dân tộc mình. Chúng ta giờ là con dân thế giới rồi, phải không Anh?
NL
Anh Lương thân mến!
Thật là vui phải không anh khi mà con cái đã không phụ lòng mong mỏi của mình.
Xin chúc mừng anh và cháu Sơn. Mong rằng với những tri thức đã học được cháu Sơn sẽ có điều kiện thuận lợi để cống hiến cho nhân loại được nhiều hơn
Hi Tín,
Cũng như em, những gì mình làm chưa được thì ráng cố gắng giúp thế hệ sau mình tiếp nối. Nhưng mình cũng phải luôn là tấm gương tốt cho bọn nó soi. Di truyền trong máu chưa đủ, phải mài dũa, khuyên nhủ và luôn cận kề để chia xẻ nữa thì mới mong.
Anh hy vọng nhận được tin vui từ gia đình em.
NL
Thanks anh NL đã tường trình một sự nghiệp cao cả của con anh ,(và lồng vào những thách đố của anh lúc còn nguyên cứu-một giáo trình khoa học…)Bài viết rất súc tích đọc có những đoạn rất cảm động. Đó là anh nói ngủ nhưng trí não anh vẫn cứ làm việc mơ màng… Điều này Thảo nghĩ có thật. Vì phương diện nào cũng thế, đam mê, cháy bỏng… Mới giải quyết những khó khăn đặc ra, cho tuyệt diệu bấtngờ…
*Và có một điều anh giải thích trên bướm lột xác từ sâu mà con em hay nói em nghe .Nó nói có phim … (nhưng Thảo chưa coi)
* và môt điều nữa Thảo thấy làm cảm động, với đứa con trai anh ham học.ham nghiên cứu để thành công. Đem lại vinh quang cho bản thân và gia đình. Con gái lớn em cũng thế, năm nay cháu bước vào trường y chính thức ở trường Stanford. Noel và new years về thăm ba mẹ. Cũng cứ học mãi,ít đi chơi, thấy tội nghiệp! Nhưng đâu phải một cái gì thành công không bỏ ra công sức tối đa, khi cần? Đúng không anh?
Rất vui khi thành tích của con trai anh. “Cha truyền con nối của gia đình”
Em gái:TTHT
Cảm ơn Hiếu Thảo,
Con gái Thảo vào được chương trình MD của Stanford không phải dễ chút nào. Trường này mỗi năm có hàng chục ngàn sinh viên gốc Á xuất sắc khắp nơi muốn xin vào, nhưng hình như họ chỉ nhận chừng 10%, còn 90% khác dành cho những giống dân khác.
Năm 2008 Sonny cũng được nhận vào đây và một số trường Y Khoa nổi tiếng khác, nhưng cuối cùng cháu chọn Harvard vì tại đây có chương trình PhD+MD,dành cho những ai muốn nghiên cứu về y khoa trên con người. Nếu chỉ có PhD không thôi thì tất cả nghiên cứu không được làm trên con người. Học vất vả vì phải lấy cả hai nên đường đi phải mất tổng cộng 8 năm.
Cho anh gởi lời thăm chaú gái, chúc cháu đạt những gì cháu muốn trong tương lai gần.
NL
trường Stanford nổi tiếng, nhưng còn dễ vô hơn Harvard mà anh NL? Con anh number One quá rồi! Một lần nữa chúc gia đình vui.
Thanks anh quan tâm cháu. Lúc xưa em cứ tưởng anh chưa có con huhu …
Chúc mừng anh và cháu đã làm nên những điều kì diệu, đã làm rạng danh những người con đất Việt trên xứ người, xin được chia sẻ niềm vui cùng gia đình anh chị.
Cảm ơn Quốc Tuyên,
Năm cháu Sơn 12t anh có đưa cháu về thăm quê Nội tại Phước Thành. Tại đây cháu đến trường tiểu học nơi mà bố cháu đã “mài đít quần” ở đó thuở thiếu thời. Thấy trường xập xệ, cữa trống, tường loang lỗ. Ngay giữa lớp học có một cái “hố” to hơn cái thúng. Cháu tìm đến cái bàn nơi Bố cháu đã ngồi đó, còn in dấu mực vẽ bậy và tên mình. Cháu xúc động vì nơi cháu học qúa sạch sẽ, đầy đủ và tiện nghi.
Cháu có nói đại ý như: “Sao đời qúa bất công. Kẻ ăn không hết, người lần không ra..” Anh nghe mà thấy lòng vui. Vì ít ra cháu còn nhỏ mà đã biết xúc động trước những gì không vui. Cháu chọn đi nghành y khoa vì cháu muốn gần với con người, những người bất hạnh. Nghèo còn sống được, nhưng bệnh tật hiểm nghèo thì chỉ biết chờ ngày đi. Khoa học gia khắp nơi trên thế giới vẫn mong tìm cách để cãi mệnh trời. Sonny muốn tham gia đội ngũ này nên phải chịu vất vả. Làm khoa học gia không giàu nhưng được cái là làm điều mình thích.
Chúc vui,
NL
Thành thật chúc mùng vợ chồng bạn đã có người con đáng tự hào như vậy. Đã có tài lại có tâm .