Đón giả vương, Càn Long trải gấm lót vàng.

Đầu tháng mười hai, được tin báo sứ bộ của Nguyễn Quang Hiển trở về, Phan Văn Lân cùng Nguyễn Văn Danh vội lên biên giới, sang Chiêu Đức Đài để tiếp nhận ấn tín và bằng sắc. Sau nghi lễ, Phan Văn Lân trao cho Phúc Khang An một bức thủ thư của vua Quang Trung và nói:

–  Xin ngài Tổng đốc chuyển gấp bức thư này đến tay Nguyễn Hoằng Khuông giúp cho.

Khang An hỏi:

–  Thư của ai mà gấp vậy?

–  Vì Quốc mẫu đang ốm nặng, quốc vương chúng tôi nghe nói nhân sâm qúy quốc rất tốt nên dặn Hoằng Khuông khi trở về tìm mua một ít để Quốc mẫu dùng.



Khang An nói:

–  Đang bệnh nặng mà phải đợi lúc sứ bộ trở về thì sao kịp. Bản bộ đường hiện có một ít nhân sâm tốt, các ông hãy mang về trước cho Quốc mẫu dùng…

Văn Lân nói:

–  Vậy thì hay quá, hạ chức xin thay mặt quốc vương cảm tạ ngài tổng đốc. Dù sao bức thư này cũng nhờ tổng đốc chuyển gấp cho.

–  Được. Ta sẽ giúp ông.

Rồi hối thủ hạ đi gấp về phủ mang bốn lạng nhân sâm quý của mình đến giao cho Quang Hiển mang về Phú Xuân. Trong tờ biểu tường trình lên Càn Long về việc trao ấn tín, Khang An cũng không quên nhắc đến việc Quốc vương An Nam đang cần nhân sâm chữa bệnh cho mẹ mình. Càn Long biết tin vui vẻ khen:

–  Thằng con quý An Nam của trẫm rất có hiếu. Các khanh hãy mở kho lấy một cân nhân sâm của nước Cao Ly tiến cống năm trước, trẫm đặc biệt gia ân tặng cho Nguyễn Quang Bình. Cho người cấp tốc mang đến Nam Quan để kịp cho mẹ y tẩm bổ.

Hòa Khôn tâu:

–  Phúc Khang An đã tặng bốn lạng rồi, nay bệ hạ lại ban thêm một cân nhân sâm quý hiếm này nữa e rằng Nguyễn Quang Bình không phân biệt khinh trọng, sẽ tưởng lầm giá trị của nó.

–  Vậy khanh hãy dụ cho Phúc Khang An phải nói cho Nguyễn Quang Bình rõ, nhân sâm này rất quý, không dễ kiếm, đây là trường hợp ngoại lệ, trẫm đặc biệt gia ân tặng cho để y càng kiên định lòng hướng hóa về thiên triều.

–  Thần tuân chỉ.

Bèn thảo ngay tờ dụ gởi cho Phúc Khang An.[1]

***

Tại khu vườn thượng uyển bên cạnh Hữu cung, Nguyễn Huệ vừa uống rượu vừa nghe Nguyễn Quang Hiển kể những câu chuyện thú vị trong chuyến đi sứ vừa qua. Quang Hiển chưa hết phấn khích, hào hứng nói:

– Cứ nghe những luận điệu phách lối của bọn quan lại nhà Thanh đối với vua tôi nhà Lê, cháu tưởng sứ giả của một nước nhỏ An Nam sẽ bị chúng xem thường lắm, không ngờ mọi chuyện đều ngược lại. Từ các địa phương cho đến Yên Kinh, nơi nào cháu cũng được đón tiếp hết sức long trọng lại quà cáp hậu hĩnh, y như chúng đón tiếp sứ giả của một đại quốc vậy.

Công Trị nói:

–  Thì cũng phải thôi. Chúng ta là kẻ chiến thắng mà, không niềm nỡ đâu được.

Quang Hiển tiếp:

–  Nhất là vua Càn Long, ông ta đặc biệt quan tâm đến vị An Nam quốc vương mà ông ta vừa sắc phong. Ân cần dặn dò cháu về chuyến sang Yên Kinh năm tới, lại ban cho chú thật nhiều quà tặng quý giá khiến bọn quan lại bên đó hết sức ngạc nhiên.

Nguyễn Huệ mỉm cười:

–  Tám mươi tuổi là đã quá già. Người già thì tính tình sẽ trở lại với trẻ con. Kể ra ông ta cũng đáng yêu lắm. Năm tới khi gặp mặt ông ta, Công Trị nên tỏ rõ sự cung kính để đáp lại thạnh tình này thay ta.

–  Dạ.

Nguyễn Huệ dặn:

–  Nội tổ mẫu đang bệnh nặng, Quang Hiển gấp rút mang toàn bộ nhân sâm vào Quy Nhơn để người tẩm bổ. Thưa với nội tổ, hiện thời ta không thể rời khỏi Phú Xuân nửa bước, xin nội đừng trách. Công Trị muốn về thăm ngoại tổ thì đi nhanh về sớm để chuẩn bị cho chuyến sang Yên Kinh. Nhớ đừng hé môi cho ai, ngay cả cha mẹ ngươi.

Nguyễn Quang Hiển và Phạm Công Trị vội vã lui ra chuẩn bị lên đường vào Quy Nhơn. Còn lại hai người, Nguyễn Huệ hỏi Tín Nhi:

–  Tình hình nhà Thanh thế nào?

Tín Nhi đáp:

–  Bọn quan lại bên đó tham nhũng, hối lộ đến mức không diễn tả nổi. Chúng bòn rút công quỹ một cách vô tội vạ. Chỉ việc cung đốn cho sứ bộ chúng ta mà đã khiến ông vua già nghe thấy phải giật nảy người vội vã ra lệnh xuống cho các địa phương chỉ được chi tiêu phân nửa thôi. Điều đáng ghi nhận nhất là vua tôi bọn chúng rất kiêng dè chúng ta. Ta tin rằng mọi yêu sách đưa ra lúc này, chúng sẽ vui vẻ chấp thuận tất.

– Tốt lắm. Vừa rồi ta chỉ mới yêu cầu chúng bỏ lệ cống người vàng và cho mở cửa giao thương trở lại. Thong thả từng bước một, ta sẽ còn nhiều đòi hỏi nữa buộc chúng phải nghe theo. Thời cơ đến, đòn tối hậu sẽ là việc thu hồi phần đất Lưỡng Quảng. À, Hoàng Nhi, Thu Cúc đâu, sao không thấy?

Tín Nhi đáp:

–  Trong chuyến trở về ở Trực Lệ ta có nhận được tin của Hoàng Nhi. Nó sai Đông Chí tìm đến nhắn với ta, nó đang theo dõi một âm mưu của bọn giang hồ Mãn Thanh nhưng chưa biết rõ mục đích nên không dám bỏ đi, sợ mất dấu. Ta đã dặn Đông Chí ở lại để liên lạc với Hoàng Nhi. Còn Thu Cúc cũng đã rời Phan Khải Đức đi tìm Hoàng Nhi tận Vân Nam nhưng đến nơi hay tin Hoàng Nhi đã bỏ đi nên trở về Nam Ninh tìm, không ngờ phát hiện Hoàng Nhi đang đi cùng con gái Hứa Thế Hanh trên đường đến Quảng Châu. Con bé nổi máu ghen nên ra mặt cho Hoàng Nhi biết, sau đó giận dỗi chạy về Thăng Long. Khi ta trở về, con bé đem chuyện Hoàng Nhi phụ bạc khóc lóc kể lể. Ta bắt phải theo ta về Phú Xuân, trên đường đi vừa khuyên nhủ vừa giải thích mấy ngày liền mới chịu nghe. Bây giờ Thu Cúc đang ở bên phủ của chị Xuân.

– Tội nghiệp. Để ta gọi vào an ủi và thưởng công cho cô ta. Chuyện mà Hoàng Nhi đang theo dõi có lẽ liên quan đến việc bọn nhân sĩ Trung Nguyên tìm cách trả thù ta trong chuyến đi sắp tới đây chứ gì?

–  Có lẽ vậy. Sẽ có nhiều chuyện vui đấy.

–  Vui thì vui nhưng sẽ rất nguy hiểm. Phải chuẩn bị kỹ càng, đừng để xảy chuyện đáng tiếc.

–  Chuyến rồi, bọn chúng hộ tống rất chu đáo. Lần này có Quốc vương An Nam đi chắc sẽ nghiêm mật hơn nên cũng không đến nỗi.

–  Ngươi tin là để Công Trị thay ta đi sứ có thể qua mắt được bọn quan lại nhà Thanh không?

–  Thành Lâm đã gặp qua Công Trị trong lớp Nguyễn Huệ rồi, hơn nữa một khi đã leo lên lưng cọp thì chúng có phát hiện ra cũng phải nuốt giận làm vui mà che mắt Càn Long thôi.

–  Chỉ sợ bọn Tàu đã từng tham chiến ở đây sẽ thắc mắc vì từ lâu rồi bên cạnh ta luôn có Công Trị và Cần Chánh làm tả hữu, nay Công Trị làm giả vương, ai sẽ thay nó đi cùng Cần Chánh.

Tín Nhi chợt vỗ tay đánh bốp một tiếng, mừng rỡ nói:

–  Có rồi. Ta nghe anh em vẫn khoe lén rằng có một viên thống lĩnh ở Nghệ An giống ngươi và Công Trị lắm. Hắn trạc tuổi Công Trị, tên là Nguyễn Quang Thực. Có thể dùng hắn để thay Công Trị trong chuyến đi này.

–  Vậy thì đỡ lo. Giao cho ngươi chuẩn bị mọi việc đấy.

Tín Nhi sực nhớ một việc khác, hỏi:

–  Ta vừa nhận được tin bọn Lê Duy Chỉ bị Nguyễn Văn Tuyết càn quét đã chạy sang câu kết với Ai Lao và bọn thổ tù Trấn Ninh, ngươi có quyết định gì chưa?

–  Ta đã dự trù kế hoạch cho Trần Quang Diệu và Nguyễn Văn Uyển sang Xuân sẽ đem quân qua lối Nghệ An tiêu diệt đám thổ tù Trấn Ninh sau đó đánh rốc tới Vạn Tượng, cùng lúc đó Nguyễn Văn Tuyết và Nguyễn Văn Lộc sẽ truy quét vùng Tuyên Quang, Bảo Lạc. Lê Duy Chỉ không còn đường chạy qua Ai Lao tất sẽ trốn sang Tàu. Chúng ta chỉ cần cho một đạo binh nhỏ vòng sang biên giới Tàu đón đường sẽ bắt được hắn. Ngươi cho một số anh em đi trước cung cấp tin tức cho họ, việc tất thành công. Việc ta lo ngại là bọn Nguyễn Ánh ở Gia Định kìa.

–  Vài tháng nữa Công Trị phải làm giả vương lên đường sang nhà Thanh, từ lúc ấy ngươi đâu được lộ diện nữa.

Nguyễn Huệ đùa.

–  Cho nên việc chinh chiến thì các tướng phải lo, việc trị an thì bọn Trần Văn Kỷ, Ngô Thời Nhậm phụ trách. Còn ta đành phải ngồi trong màn trướng cùng vợ con mà quyết thắng ngoài ngàn dặm vậy.

Cả hai cười xòa. Và câu nói như đùa đó của Nguyễn Huệ đã được các tướng lãnh thực hiện đúng theo ý muốn. Mùa Xuân năm Canh Tuất, Trần Quang Diệu cùng Nguyễn Văn Uyển và Nguyễn Sĩ Hoàng đem theo năm ngàn bộ binh và ba mươi thớt voi chiến tấn công Trấn Ninh, giết được Thiều Kiểu và Thiều Đế. Sau đó Quang Diệu dẫn quân vượt núi đánh sang Vạn Tượng, chém đầu hai viên đại tướng Ai Lao là Tả Phan Dung và Hữu Phan Siêu ngay trận giao chiến đầu tiên. Quang Diệu kéo quân vây thành Vạn Tượng, vua Ai Lao là Chiêu Ấn trốn thoát chạy sang Xiêm La cầu cứu. Quang Diệu dẫn quân đuổi theo đến tận biên giới nước Xiêm mới rút về.

Ở Tuyên Quang, Nguyễn Văn Tuyết và Nguyễn Văn Lộc theo kế khoạch của Nguyễn Huệ, đem quân vây đánh Lê Duy Chỉ và các tù trưởng Bảo Lạc. Nùng Phúc Tấn và Hoàng Văn Đồng không chống cự nổi, dẫn Duy Chỉ chạy sang Tàu. Nhưng đến ải Tụ Long thì bị quân Tây Sơn phục binh bắt được cả ba. Nguyễn Văn Tuyết cho giải về Thăng Long, tổng trấn Bắc thành là Khanh công Nguyễn Quang Thùy sai đem cả ba người trầm hà. Tất cả dư đảng của nhà Lê chỉ còn sót lại Trần Quang Châu, sau khi thoát chết ở sông Giản Thủy năm trước vẫn còn lén lút hoạt động thêm hai năm nữa mới dứt.

Lo xong việc nội loạn, vua Quang Trung dồn mọi nỗ lực vào việc cải cách ruộng đất, mở rộng giao thương với Trung Quốc ở biên giới, mở một thương điếm tại Nam Ninh. Nhà vua cũng xúc tiến việc giao thương với các nước phương Tây thông qua ba hải cảng sầm uất là Phố Hiến, Hội An và Nước Mặn. Bổ Trần Quang Diệu làm Trấn thủ Nghệ An lo xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô và lập viện Sùng Chính, mời Nguyễn Thiếp xuống núi làm viện trưởng lo việc dịch Tứ thư và Ngũ kinh sang tiếng Nôm để dạy học. Nhà vua lấy chữ Nôm dùng làm quốc ngữ trong tất cả văn thư trong nước, kể cả trong những kỳ thi cử, loại dần ảnh hưởng văn học và chữ Hán ra khỏi sinh hoạt văn hóa của đất nước. Hán tự bấy giờ chỉ dùng để giao dịch với nhà Thanh.

Để kiểm kê dân số, nhà vua đặt ra thẻ “Thiên hạ đại tín” phát cho mỗi người dân, ghi rõ tên họ, tuổi tác, quê quán trên đó. Bằng hình thức này, dân số trong cả nước được kiểm kê một cách chính xác, từ đó định ra lệ quân dịch, bắt tất cả tráng đinh nhập ngũ để được huấn luyện trong một thời gian rồi được trở về nhà. Lại cho đóng thật nhiều chiến thuyền, mua vũ khí hiện đại của Tây phương về trang bị. Đất nước như đang trong thời kỳ chuẩn bị chiến tranh. Tình hình này đã khiến cho Nguyễn Ánh trong Gia Định vô cùng lo sợ không dám tiến xa quá vùng đất Diên Khánh, ngay cả nhà Thanh cũng nơm nớp âu lo.

Tháng Giêng năm Canh Tuất, Nguyễn Hoằng Khuông trở về tới Phú Xuân, mang theo nhiều quà tặng cùng bài thơ Ngự Chế và thủ bút bằng mực son của Càn Long dâng lên vua Quang Trung. Thấy trong quốc thư, Càn Long muốn xin hai con bạch tượng An Nam, nhà vua mỉm cười lấy viết phê vào bức thư rồi đưa lại cho Hoằng Khuông:

–  Khanh và Hồ Đồng chuẩn bị mọi thứ để đầu tháng ba sứ bộ khởi hành sang Yên Kinh mừng thọ Càn Long.

Hoằng Khuông lạy tạ lui ra. Đến khi nhìn thấy lời phê của nhà vua: “Thằng Càn Long muốn xin voi. Lựa con cụt vòi cho nó một con”. Hoằng Khuông thất kinh vội đi gặp Hồ Đồng than:

–  Hoàng thượng bảo lựa voi cụt vòi mang sang cho Càn Long, biết tìm đâu ra con voi cụt vòi này?

Hồ Đồng vốn biết nhà vua hay đùa nên mỉm cười nói:

–  Ông chưa biết tính hoàng thượng, ngài đùa vui đó thôi. Cứ tìm hai con bạch tượng đem đi là được.

Hoằng Khuông bấy giờ mới hoàn hồn.

Hai mươi tám tháng Giêng năm Canh Tuất, Quốc mẫu từ trần ở Hoàng Đế thành, cả nước Đại Việt để quốc tang. Vua Quang Trung hết sức đau buồn, nhưng ngày sứ bộ lên đường sang Yên Kinh gần kề nên nhà vua chỉ biết ở Phú Xuân rơi lệ, cử Trần Văn Kỷ và một số quan lại vào Quy Nhơn điếu tang.

Đầu tháng hai, Phạm Công Trị đã đóng giả vai nhà vua rời Phú Xuân ra Thăng Long. Tháng ba sứ bộ An Nam gồm có vua Quang Trung giả, Nguyễn Quang Thùy, Ngô Văn Sở, Phan Huy Ích, Đặng Văn Trấn, Vũ Huy Tấn… tất cả một trăm năm mươi người, trong đó có mười hai nhạc công để biểu diễn mười bài múa Vạn Thọ Từ Khúc do Phan Huy Ích biên soạn, lên đường đến Lạng Sơn.

Phúc Khang An nhận được tin báo phái đoàn vua Quang Trung sắp sang liền bàn với Tôn Vĩnh Thanh:

–  Nay Nguyễn Quang Bình sắp sang nước ta, phải thu xếp bọn Lê Chiêu Thống thế nào để y an tâm mà tiến kinh làm lễ chiêm cận.

Vĩnh Thanh nói:

–  Việc này tôi đã có dự trù trước nên đã đệ trình lên hoàng thượng và được lệnh gởi hết bọn chúng về Yên Kinh, trước mắt cho sung tất cả vào lực lượng Hán quân, ban cho Chiêu Thống chức Tá lãnh, bắt đời đời làm lính để dễ quản thúc, sau đó sẽ xé nhỏ chúng ra nhiều nơi để chúng không có cơ hội tập trung mà làm loạn nữa. Riêng tên cứng đầu Lê Quýnh tôi đã đày tới Y Lệ, cách Yên Kinh hơn bốn ngàn dặm.

Khang An mừng rỡ khen:

–  Ông liệu việc như vậy rất tốt. Hoàng thượng chỉ định ta phải đích thân đến Nam Quan tiếp đón và hộ tống Quốc vương An Nam lên tận Yên Kinh để kịp ngày khánh thọ. Việc ở đây, ông phải thay ta trông coi.

Vĩnh Thanh nhắc nhở:

–  Hoàng thượng đặc biệt quan tâm đến việc đón tiếp ông vua An Nam này nên từ đầu năm người đã bắt bộ Lễ họp bàn cách thức đón tiếp, ra bao nhiêu chỉ dụ hoạch định ngày giờ, đường đi nước bước, bắt sửa sang đường sá, cầu cống, sơn phết nhà cửa hai bên quan lộ nơi sứ đoàn đi qua, ngay cả các nghi thức tiếp đón tại các điạ phương cũng được soạn sẵn, bắt các địa phương chúng ta làm theo. Tổng đốc là người hộ tống, phải khéo xếp đặt, đừng để phật lòng hoàng thượng đấy.

–  Ta biết.

Thang Hùng Nghiệp đã trải qua kinh nghiệm trong chuyến hộ tống lần trước nên góp ý:

–  Tổng đốc muốn phát tài thì chỉ cần đánh tiếng, lập tức các địa phương họ sẽ rất hồ hởi nghe theo.

Khang An cười nói:

–  Ông đã có kinh nghiệm nên tháp tùng cùng ta chuyến này, việc đánh tiếng giao cho ông.

Hùng Nghiệp mừng rỡ nói:

–  Tạ ơn tổng đốc. Mọi việc dọc đường, hạ chức sẽ chu tất cho ngài.

Khang An lại nhắc Tôn Vĩnh Thanh:

–  Hàng vạn binh sĩ và một số tướng lãnh Đại Thanh vừa bị thiệt mạng bởi tay của Nguyễn Quang Bình, ta e lần tiến kinh này tất gặp nhiều phiền phức vì các hào kiệt Trung nguyên, đặc biệt là bọn phản thần phục Minh sẽ không bỏ qua cơ hội phá hoại và báo thù riêng. Phải chuẩn bị bảo vệ sứ bộ chu đáo, sơ xuất để xảy ra chuyện thì rơi đầu cả lũ đấy.

Vĩnh Thanh nói:

–  Tôi cũng nghĩ vậy. Theo ý ngài tổng đốc ta nên làm gì?

– Chọn trong quân đội cả Lưỡng Quảng ra một trăm vệ sĩ võ nghệ cao cường nhất để làm nồng cốt hộ tống. Đến địa phương nào, ta buộc nơi đó chịu trách nhiệm tăng cường thêm.

– Trước mắt hãy sai tổng binh Đức Khắc Tinh Ngạch mang theo quân sĩ Nam Ninh lên Nam Quan đón bọn họ, tôi sẽ lập tức tuyển người.

Bàn thảo xong, Phúc Khang An cùng Thành Lâm và Tinh Ngạch dẫn năm trăm quân thiết kỵ lên Nam Quan. Ngày mười lăm tháng tư năm Canh Tuất, đoàn người của vua Quang Trung đến biên ải đã thấy Phúc Khang An chờ sẵn ở Chiêu Đức Đài đón tiếp. Hai bên niềm nỡ ra mắt nhau. Phúc Khang An nhìn thấy nghi biểu lẫm liệt của Nguyễn Huệ thì giật mình nghĩ thầm: “Con người nổi danh bách thắng này quả thật đáng để mọi người kính nể. Chẳng trách hoàng thượng chỉ mới nghe tiếng thôi mà đã ưu ái y đến vậy”. Trong khi đó Thành Lâm làm lễ ra mắt xong, bằng thái độ khác hẳn hôm trước nói:

–  Vừa cách biệt nay đã gặp lại nhau. Giữa Quốc vương và tôi hẳn có nhiều duyên phận.

Vua Quang Trung cũng ôn tồn đáp:

–  Tất cả cũng nhờ ngài Lễ bộ. Bản vương vẫn ghi nhớ trong lòng.

Phúc Khang An thấy trong sứ bộ có Ngô Văn Sở liền nói:

–  Hoàng đế dụ rằng vì trong nước mới yên, Ngô Đại tư mã là rường cột, nên ở lại chăm sóc việc nước trong khi Quốc vương vắng mặt. Đại Tư mã muốn tiến kinh, ráng chờ đến kỳ tiến cống năm sau hãy sang chiêm cận. Lại dụ rằng sứ đoàn chỉ chọn một trăm người tiến kinh mà thôi. Chỉ dụ này vừa đến nên chưa kịp thông báo đến các ông.

Vua Quang Trung nói:

–  Việc quân quốc xin Phúc tổng đốc an tâm. Ngô Văn Sở là người thân cận của bản vương, xin ông chuyển tấu lên hoàng đế thể tất cho y được tiến cung chiêm cận.

Khang An miễn cưỡng nói:

–  Vậy Đại tư mã cứ tháp tùng. Bản bộ đường sẽ cố tâu trình để xin hoàng thượng gia ân.

Ngô Văn Sở nói:

–  Đạ ta Phúc tổng đốc.

Vua Quang Trung sai chọn năm mươi người bảo trở về. Sứ bộ Đại Việt theo chân Phúc Khang An tiền hô hậu ủng lên đường. Đến Nam Ninh, Tôn Vĩnh Thanh đã chuẩn bị sẵn tiệc tùng linh đình đón tiếp. Không may, hôm sau Quang Thùy bỗng lâm bệnh, vua Quang Trung sai Phạm Công Trị (do Nguyễn Quang Thực đóng giả) và Tín Nhi hộ tống trở về nước. Lúc đó Tín Nhi đã nhận được tin thám báo của Đông Chí nên dặn trước với giả vương. Nhơn lúc ấy có mặt Phúc Khang An và Thành Lâm, vua Quang Trung đưa cho một thẻ tín bài và dặn Tín Nhi:

–  Ngươi hộ tống Quang Thùy đến Nam Quan rồi trở lại sau. Không được trễ ngày chúc thọ của Đại hoàng đế.

Tín Nhi nhận tín bài nói:

– Thần tuân chỉ.

Quang Trung quay sang hỏi Phúc Khang An:

–  Phúc tổng đốc có thể cấp cho tên cận vệ trưởng của tôi một thẻ tín bài để tiện việc đi lại nơi thiên quốc chăng?

Phúc Khang An vui vẻ đáp:

–  Việc này có khó gì.

Bèn cấp cho Tín Nhi một thẻ tín bài. Tín Nhi chỉ huy toán người đưa Quang Thùy về tới ải Nam Quan rồi trở lại Nam Ninh đến khách sạn gặp Đông Chí. Cả hai cấp tốc lên đường đi Nam Xương.

*

Trung tuần tháng tư, sứ bộ rời Nam Ninh xuống thuyền theo sông lớn Liễu Giang đi Quảng Châu. Đoàn đến huyện Thanh Viễn thuộc phủ Quảng Châu, dừng chân tại một lâu đài nổi trên sông nghỉ ngơi. Tuần phủ Quảng Châu đã được báo trước nên chuẩn bị đón tiếp hết sức linh đình. Hôm sau có sứ giả từ Yên Kinh mang chỉ dụ của Càn Long đến. Phúc Khang An tiếp chỉ xong đến báo với vua Quang Trung:

–  Hoàng thượng hay tin Quang Thùy bị bệnh nên đặc biệt ban tặng một viên ngọc Như Ý để được phúc lành, lại hạ chỉ phong cho chức Thái tử. Quốc vương tiếp nhận thay cho.

Quang Trung nhận lễ vật xong nói:

–  Đây có sự hiểu nhầm, tôi sẽ viết biểu tạ ơn và tường trình lên cho hoàng đế biết. Tước vị Thái tử đã được phong cho Nguyễn Quang Toản rồi. Quang Thùy được phong tước Khanh công. Tổng đốc cũng tấu trình lên giúp cho.

Khang An nghe nói thì hơi giật mình, cùng Quang Trung viết biểu gởi gấp về kinh.

Hôm sau đoàn lên đường đi Giang Tây. Dọc đường cây cối được chăm sóc kỹ lưỡng, đường sá quét dọn sạch sẽ, nhà cửa hai bên quan lộ bị bắt buộc phải sơn phết mới mẻ, quang cảnh thật lộng lẫy tưng bừng. Trên đường đi Thang Hùng Nghiệp nói với Phúc Khang An:

–  Đây đã ra khỏi lãnh địa của tổng đốc, hạ chức đã ngầm thông tri cho tuần phủ Giang Tây và các nơi, từ đây kinh phí cho đoàn mỗi ngày sẽ được kê khai lên bốn ngàn lạng bạc. Tổng đốc lên đến kinh đô thì chiếc túi kia sẽ không còn chỗ để mà chứa châu báu đâu.

Dứt lời cả hai cùng cười rộ. Khang An hân hoan nói:

–  Làm hay lắm. Sau này hoàng thượng có hỏi đến, cứ để các nơi gánh lấy. Ha…ha…

Hai tờ biểu của Quang Trung và Phúc Khang An về đế Yên Kinh, Càn Long đọc xong khen:

–  Nguyễn Quang Bình là người thành thật đáng khen.

Bèn tự tay dùng mực son viết lời dụ, phong lại chức Thái tử cho Nguyễn Quang Toản, dặn Lễ bộ thị lang là Đức Minh:

–  Mau cho người mang gấp chiếu chỉ này đến dặn Phúc Khang An trao tận tay Nguyễn Quang Bình để y rõ. Xuất tặng cho Quang Toản một viên ngọc Như ý cùng hai túi bao sen lớn, hai bao sen nhỏ. Viên ngọc Như ý trước kia tặng cho Quang Thùy cứ để cho y giữ. Phần khanh hãy tính toán lộ trình của Nguyễn Quang Bình, khi đoàn đến Lương Hương, khanh phải thân hành đến nơi mời trà để tỏ rõ sự sủng ái của trẫm. Sau đó sai Phúc Khang An hướng dẫn mang đồ cống phẩm về kinh trước, tiện cho hắn viếng thăm mẹ già rồi đến Nhiệt Hà gặp trẫm để bẩm báo. Sau khi mời trà, khanh phải đích thân hướng dẫn Nguyễn Quang Bình cùng bồi thần đến Nhiệt Hà  làm lễ chiêm cận.

Đức Minh phủ phục tạ ơn nhận mệnh lệnh.

Đầu tháng sáu năm Canh Tuất, 1790, đoàn người hộ tống An Nam quốc vương tiến vào đất Hồ Nam. Dọc đường, ngoài số một trăm cao thủ Lưỡng Quảng đi theo, khi qua mỗi địa phương, các quan tổng đốc ở địa phương đó đã cho tăng viện thêm binh lính hộ vệ, canh gác nghiêm mật ngày đêm, vì vậy sứ bộ được bình yên. Đến Trường Sa, thủ phủ Hồ Nam, tổng đốc Lưỡng Hồ là Tất Nguyên đã chuẩn bị sẵn mọi thứ nên cuộc tiếp đón thật linh đình. Sau đó Tất Nguyên thân hành tháp tùng đoàn lên tới Hồ Bắc. Khi đoàn đến địa phận Vũ Xương, thuộc thủ phủ Vũ Hán của Hồ Bắc thì có chiếu chỉ của Càn Long từ Nhiệt Hà gởi xuống. Tất Nguyên tiếp chỉ xong tái mặt đưa cho Phúc Khang An. Ông sợ hãi nói:

–  Ngài đọc đi. Tên tuần phủ Nhiệt Hà ngu xuẩn đã đem một bản in gởi khắp các tỉnh về việc chi phí 4.000 lạng bạc hàng ngày cho sứ đoàn trình lên hoàng thượng. Nay hoàng thượng hạ chỉ điều tra nơi phát tích, bây giờ chúng ta phải tính sao đây?

Khang An nghe nói giật mình đọc qua, mặt biến sắc nói:

–  Hoàng thượng lệnh cho ta phải điều tra, và bắt các địa phương từ nay phải giảm bớt chi phí tiếp đón lại.

Tất Nguyên lo sợ nói:

–  Các nơi đã lỡ chi phí và làm báo cáo lên trên rồi, việc tiết giảm nay chỉ còn tỉnh Trực Lệ nữa mà thôi. Phần chúng ta ắt phải mang tội lớn.

Sau một lúc suy tính, Khang An trấn an:

–  Hãy chờ ta điều tra xem tờ đơn này do ai phát ra rồi cùng nhau lo liệu. Ông đừng lo qúa.

Tất Nguyên nói:

–  Ngài vốn là sủng thần của hoàng thượng, mọi việc xin ngài che chở hộ cho. Tôi và Hà Dụ Thành bên Giang Tây sẽ không quên ơn ngài.

–  Được rồi. Cứ để đến Trực Lệ gặp mặt Lương Khẳng Đường xem sao đã.

Bấy giờ Tuần phủ Trực Lệ là Lương Khẳng Đường đang ở Trường An trông coi việc đắp đê trên sông Vĩnh Định[2] phòng mùa lũ lụt sắp đến thì nhận được chiếu chỉ của Càn Long đưa tới bèn giao công việc lại cho thuộc cấp, vội vã trở về Bảo Định để chuẩn bị đón tiếp sứ đoàn[3]. Trong các địa phương sứ đoàn đi qua, Trực Lệ là nơi tổ chức tiếp đón long trọng và rầm rộ nhất. Tuy đã biết việc đón tiếp rầm rộ của Trực Lệ là phạm tội nhưng vì mọi việc đã lỡ nên Khang An và Tất Nguyễn giữ yên lặng, vui vẻ tham gia. Hôm sau, Phúc Khang An gặp riêng Lương Khẳng Đường đưa tờ chỉ dụ của Càn Long cho viên tuần phủ đọc. Khẳng Đường đọc xong mặt tái đi, hai tay không ngớt run rẩy vì sợ hãi. Khang An hỏi:

–  Hoàng thượng bảo tôi tra xét xem tờ truyền đơn phát xuất từ nơi nào. Bên Giang Tây và Hồ Quảng họ đều chối cả. Là của ông phải không?

Khẳng Đường chối:

–  Không phải, không phải. Xin Phúc tổng đốc đừng nói thế.

Khang An trấn an:

–  Ông đừng sợ. Hoàng thượng rất chú trọng việc tiếp đón viên Quốc vương An Nam này, bởi vậy chúng ta có quá tay một chút cũng không bị bắt tội đâu. Tôi nghĩ đây chỉ là lời cảnh cáo cho chúng ta biết không thể dấu hoàng thượng được việc gì mà thôi.

–  Nhưng việc này không phải do Trực Lệ..

Khang An ngắt lời:

–  Tôi lãnh nhiệm vụ điều tra, nếu không chu toàn sẽ làm hoàng thượng nổi giận. Chừng đó Quân Cơ Đại Thần nhúng tay vào thì còn lôi thôi hơn nữa. Ông nghĩ kỹ đi, có tôi cáng đáng không việc gì phải sợ cả.

Khẳng Đường biết không thể dấu được nên thú nhận:

–  Đã vậy tôi xin thú nhận. Cũng do sự mớm ý của Thang Tả Giang binh đạo mà ra. Tổng đốc là người hoàng thượng tin dùng, cố gắng giúp cho, tôi sẽ kêu gọi các địa phương góp sức đền ơn.

Khang An mỉm cười:

–  Vậy ông mau viết tờ biểu nhận tội. Viện dẫn lý do vị Quốc vương phiên bang họ Nguyễn vì nặng tình chiêm cận Hoàng đế thiên triều đã từ xa vạn dặm đến sân đình nên việc tiếp đón trọng thể cũng chỉ để tỏ uy đức và lòng thể tất của một nước lớn. Hoàng thượng vốn tính hào phóng lại rộng lòng thưởng tuất với phiên bang hẳn sẽ bỏ qua cho chúng ta.

Khẳng Đường mừng rỡ hỏi:

–  Theo tổng đốc, hoàng thượng có chấp thuận lời phân giải này không?

–  Ông cứ viết. Tôi sẽ ráng tâu thêm vào việc ắt xong.

Khẳng Đường bấy giờ mới an tâm thảo biểu chương thú tội. Đang bàn luận thì quân vào báo có ngựa trạm từ Yên Kinh đến. Khang An cho đòi vào. Viên phu trạm tâu:

–  Hoàng thượng lệnh mang gấp một số trái vải tươi đến tặng cho viên Quốc vương An Nam hai trái, Phúc tổng đốc hai trái, bồi thần Ngô Văn Sở một trái. Hoàng thượng lại dặn Phúc tổng đốc phải giải thích cho viên Quốc vương rõ, trái vải này ở kinh thành không có, phải từ Phúc Kiến dâng lên, nay đặc cách ban cho để tỏ rõ tấm lòng ưu ái của hoàng thượng đối với ông ta.

Phúc Khang An và Lương Khẳng Đường quỳ xuống tiếp nhận, tung hô :

–  Hoàng thượng vạn tuế!

Khang An dặn viên phu trạm:

–  Ngươi nghỉ ngơi đợi ta dạy việc.

Viên phu trạm tạ ơn vâng dạ lui ra. Khang An nhìn Khẳng Đường mỉm cười:

–  Ông thấy chưa. Hoàng thượng rất có biệt nhãn với viên Quốc vương An Nam này. Ông đừng lo.

Rồi đích thân mang mấy trái vải sang tặng vua Quang Trung. Khang An nói:

–  Hoàng thượng biết ở xứ An Nam của Quốc vương loại trái vải không thiếu gì, nhưng ở Yên Kinh thì hoàn toàn không có nên rất qúy hiếm, vì vậy sai ngựa trạm không kể ngày đêm mang đến tặng ngài để tỏ rõ lòng thưởng tuất.

Vua Quang Trung và Ngô Văn Sở cảm kích tạ ơn. Sai Phan Huy Ích viết biểu tạ ơn. Khang An nhận biểu tạ ơn của vua Quang Trung cùng biểu thú tội của Phan Khẳng Đường giao cho viên phu trạm dặn:

–  Ngươi cấp tốc mang hai biểu chương này đến Nhiệt Hà dâng lên hoàng thượng cho ta.

Bèn thưởng cho viên phu trạm một số bạc khá lớn. Viên phu trạm mừng rỡ tạ ơn rồi cấp tốc lên đường. Hôm sau đoàn rời Trực Lệ lên đường đến Lương Hương.



***

Động Đình hồ là thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Hồ Nam. Trong khoang chính của một chiếc đại du thuyền đang đậu cạnh bờ hồ gần Nhạc Dương lâu, Lý Hồng Thiên và các hào kiệt Trung Nguyên đang bàn thảo kế hoạch ám sát vua Quang Trung của An Nam. Hoàng Văn Thông và Hứa Băng Băng cũng có mặt ở đó. Hồng Thiên tức giận nói:

–  Bọn Phúc Khang An cho quân lính canh giữ nghiêm mật như vậy nên tôi vẫn chưa tìm được chỗ sơ hở, nếu liều lĩnh hành sự sẽ thất bại. Càn Long còn hạ lệnh kẻ nào gây tổn hại đến sứ giả lân bang, làm thương tổn uy tín quốc gia sẽ bị tội chém. Cho nên tổ chức không khéo sẽ mang họa. Các ông có cao kiến gì không?

Trong thời gian qua những người có mặt ở đây đã quan sát kỹ tình hình cuộc hộ tống sứ bộ An Nam nên ai cũng giữ im lặng nhìn nhau không có ý kiến gì. Băng Băng nóng ruột hỏi:

–  Lý vương gia cũng đành vô kế khả thi à? Chúng sắp sang Hồ Bắc để vào Trực Lệ rồi đấy.

Lý Hồng Thiên đáp:

–  Tất nhiên là phải có cách chứ. Lý Hồng Thiên này đâu dễ chịu thua để anh em hào kiệt Trung nguyên bẽ mặt hay sao.

Băng Băng giục:

–  Vương gia nói nghe đi. Lòng tôi thật như bị lửa đốt khi nhìn kẻ thù được tiền hô hậu ủng, tiệc tùng linh đình trước mặt mình như thế này.

Hồng Thiên nhìn mọi người một lượt hỏi:

–  Tất cả đều giữ im lặng tức là chấp nhận bó tay rồi phải không?

Lưu Hiền đáp thay:

–  Với lực lượng giáp sĩ hộ vệ đông như thế, lại là những người tinh nhuệ trong quân đội Thanh triều, đúng là chúng tôi đành phải thúc thủ rồi. Hay ta ráng chờ khi bọn chúng trở về, có thể việc phòng vệ sẽ lơ là hơn. Vương gia có kế hoạch gì hay xin nói ra cho chúng tôi đỡ tức.

Hồng Thiên rút trong túi ra một tờ giấy đưa cho Cao Hùng:

–  Minh thương không được thì dùng ám tiễn. Cao huynh hãy xem cái này.

Cao Hùng đọc xong trả lại hỏi:

–  Vương gia định làm gì với chuyện này?

Hồng Thiên mỉm cười âm hiểm:

–  Đã có chỉ dụ phân chia chủ khách, vị trí đứng ngồi của từng người thế này thì chúng ta rất dễ hành động mà không phải tốn công sức động võ.

Cao Hùng nhíu mày suy nghĩ rồi nói nhanh:

–  Trong chung trà có…

Hồng Thiên cười ha hả cướp lời:

–  Ha..ha… Cao Hùng quả đúng là Thông thiên lão sư. Nói đúng lắm. Việc này là của ông đó. Thành sự Lý mỗ sẽ tặng Cao huynh  ngàn lạng vàng ròng. Các huynh đệ ở đây cũng được một nửa số.

Cao Hùng hỏi:

–  Đây là người tôi sẽ làm việc chung với phải không?

–  Đúng rồi. Cao huynh cứ đến địa chỉ đó, gặp hắn ta là được. Tôi đã cho người đến thõa thuận với hắn ta rồi.

Cao Hùng gấp tờ giấy lại cẩn thận rồi đút vào túi áo trong. Hồng Thiên nhìn mọi người nói:

–  Tất cả chúng ta sẽ ở lại đây chờ tin tức của Cao huynh. Chúc Cao huynh mã đáo thành công. Chúng tôi ở lại đây mong được nghe tin lành.

Cao Hùng đứng lên chào mọi người, mỉm cười nói:

–  Vương gia và quý vị an tâm. Cao Hùng này đã ra tay thì tin không lành không được.

Rồi hăm hở rời thuyền lên bờ đến Nhạc Dương lâu lấy ngựa vội vã phóng đi. Trên thuyền, Băng Băng hỏi Lý Hồng Thiên:

–  Vậy là chúng tôi phải ở lại đây cho đến khi có tin của Cao Hùng à?

Hồng Thiên đáp:

–  Vì bảo mật và cũng vì công việc chung, nữ hiệp đành phải chịu khuất tất một thời gian vậy. Bây giờ mời tất cả chúng ta cứ thong thả dong thuyền dạo chơi khắp hồ Động Đình này chờ tin lành.

Băng Băng biết việc phải như vậy, lại nghĩ có được một thời gian du ngoạn Động Đình hồ với người mình yêu thích cũng là một chuyện hay nên mỉm cười nói:

–  Du ngoạn Động Đình hồ cũng là một cái thú lớn trong đời người. Vương gia không phải áy náy.

*

Cao Hùng rời khỏi Nhạc Dương lâu, phóng ngựa như bay về hướng Bắc. Chiều hôm đó khi đến bờ sông Lưu Dương, Cao Hùng mướn một chiếc đò lớn đưa cả người ngựa qua sông. Chủ đò là một thanh niên cầm mái chèo và một người đàn ông đội chiếc nón rộng vành ngồi giữ lái. Thuyền ra giữa sông bỗng đổi hướng trôi xuôi về Nam chứ không sang bờ. Cao Hùng lấy làm lạ hỏi nhanh:

–  Này! Sao thuyền bỗng dưng quay mũi đổi hướng vậy?

Người đàn ông ngồi giữ lái bấy giờ mới hất chiếc nón rộng vành ra sau lưng, nhìn Cao Hùng mỉm cười lên tiếng:

–  Chào Cao huynh. Từ sau chiến dịch Phú Xuân nay mới gặp lại cố nhân. Bấy nay Cao huynh vẫn mạnh khỏe chứ?

Cao Hùng giật mình nhìn kỹ người lái đò, ông giật mình vì kinh ngạc:

–  Tín Nhi! Là anh à? Anh đón đường tôi ở đây để làm gì?

Người lái đò chính là Tín Nhi và chàng thanh niên cầm chèo không ai khác hơn là Trần Đông Chí. Họ theo dõi sát Hoàng Nhi nên biết rõ mọi hoạt động của bọn Lý Hồng Thu. Tín Nhi đáp:

–  Không có gì. Chỉ để hỏi anh cách thu hồi các vật anh đã trấn yểm trên đất nước tôi mà thôi.

Cao Hùng nghe nói sững người một lát, khi hiểu ra ông biết rằng hôm nay dữ ít lành nhiều nên gằn giọng nói:

–  Thì ra Hoàng Văn Thông là người của các anh. Giỏi thật.

Tín Nhi mỉm cười đáp:

–  Không giỏi thì làm sao có thể đánh tan hai mươi vạn quân của các anh được. Tôi còn biết anh đang có âm mưu ám toán nhà vua chúng tôi nữa kìa.

Cao Hùng đưa tay rút nhanh thanh kiếm bên hông ra mỉm cười chế diễu:

–  Biết rồi các ngươi làm gì được ta?

Dứt lời tung người tới xuất chiêu tấn công Tín Nhi. Tín Nhi bỗng vung mạnh hai tay gần như cùng một lúc, Cao Hùng thoáng thấy hai lưỡi phi đao bay tới vội xoay thanh kiếm đang tấn công để gạt một lưỡi phi đao. “Keng” một tiếng trong trẻo vang lên, ngọn liễu diệp phi đao bị thanh kiếm gạt trúng bay véo xuống sông. Nhưng đồng thời với tiếng “keng” đó là tiếng “á!” phát ra từ miệng của Cao Hùng. Ngọn liễu diệp phi đao thứ hai của Tín Nhi đã cắm lút vào yết hầu hắn. Thân người của Cao Hùng đang lướt tới bỗng dừng lại, thanh kiếm trong tay rơi xuống sàn thuyền, hai mắt hắn trợn trừng vì kinh khiếp, tay ôm cổ họng khò khè nói:

–  Vô.. ả..nh.. ph..i…

Chưa dứt lời cả thân người hắn đã ngã nhào xuống sàn thuyền. Đông Chí buông mái chèo bước đến cạnh xác Cao Hùng cười hì hì nói:

–  Ngươi đi gặp hà bá để nói cho hết câu “Vô ảnh phi đao” nhé..hì..hì…

Dứt lời lục xác Cao Hùng lấy hết tất cả đồ vật trong túi ra, sau đó dùng viên đá mang theo sẵn trên thuyền cột vào xác hắn ném xuống sông Lưu Dương. Tín Nhi bẻ lái quay thuyền hướng sang bờ bắc. Cột chiếc thuyền ở nơi vắng vẻ, Tín Nhi xem xét các vật dụng của Cao Hùng, chàng thấy có một tờ giấy ghi lại nội dung chiếu chỉ của Càn Long, chỉ thị cho quan Lễ bộ Đức Minh chi tiết về buổi tiếp đón vua Quang Trung ở Lương Hương để mời trà. Tín Nhi mỉm cười nói với Đông Chí:

–  Ngươi coi. Không biết tên Càn Long yêu thích nhà vua mình hay là do hắn sợ uy mà bắt các quan đại thần tổ chức buổi mời trà, lại phải dặn dò chi tiết đến thế này.

Đông Chí coi qua tờ chiếu chỉ xong cười hỉ hả nói:

–  Sợ hay thích gì cũng được, cứ nhìn cung cách bọn chúng phô trương đón tiếp nhà vua long trọng như vậy chúng ta cũng hãnh diện lây. Mà sao tên Cao Hùng lại mang tờ giấy có nội dung chiếu chỉ này trong mình. Chúng sao lại tờ chiếu này có ý gì?

Tín Nhi nghe hỏi sực tỉnh người nói:

–  Có thể là bọn chúng không dám đương nhiên đột kích ám sát nhà vua bằng võ lực trên đường đi nên dùng kế khác… xem nào, mời trà.. khách tới viên môn.. khách (tức Quốc vương An Nam) ngồi kiệu tới đại đường. Tổng đốc mời khách lên đại đường.. khách hướng tây, chủ nhân hướng đông. Chủ khách hành lễ… khách đông, chủ tây bước lên đại đường rồi an tọa… quan Chấp sự hiến trà…[4]

Đọc đến đây Tín Nhi lẩm nhẩm nói:

–  Lễ hiến trà thực hiện theo đúng chi tiết này thì việc sắp xếp một chung trà có bỏ thuốc độc là rất dễ thực hiện, chỉ cần có người tay trong sắp xếp là mọi việc… Đúng rồi! Cao Hùng là tay thiện dùng độc, có lần ta nghe hắn nói về việc này…

Đông Chí đang lục tìm trong những món đồ của Cao Hùng bỗng ngước lên nói lớn:

–  Đúng rồi. Tín ca coi đây. Chiếc lọ nhỏ có đề chữ “thất nhật đoạn trường”. Đây không phải độc dược Thất nhật đoạn trường tán thì là gì nữa.

Tín Nhi cầm chiếc bình nhỏ mở nắp rồi trút ra một loại bột màu trắng, đoán chắc là chất độc, chàng nói:

–  Cũng may chúng ta phát hiện được, nếu không bảy ngày sau khi uống trà, chất độc bộc phát thì làm sao biết được người bị trúng độc đã bị hãm hại lúc nào. Bọn cao thủ Trung nguyên ghê gớm thật.

Đông Chí cười hì hì:

–  Cũng không gớm ghê bằng các thám báo của Tây Sơn hì.. hì… Hắn mang theo một số vàng khá lớn, chắc là để mua chuộc kẻ pha trà ám toán.

–  Tuy Cao Hùng đã bị giết nhưng cũng phải tìm cho ra kẻ toa rập với hắn ta là ai, nếu không hắn tự mình ra tay mà không cần Cao Hùng thì nguy lắm. Có thể cái tên Đông Quách ghi bên dưới cùng tờ giấy này là người tay trong của Cao Hùng.

Đông Chí thấy trong số vật dụng có tấm đồng bài có hình bảy ngôi sao giống Bắc đẩu thất tinh thì lấy làm lạ đưa cho Tín Nhi:

–  Tấm đồng bài nhỏ với hình bảy ngôi sao này không biết có ý nghĩa gì?

Tín Nhi cầm tấm đồng bài xem xét, sực nhớ lại ngày xưa Trần Lâm đã kể chuyện tiêu diệt bọn sát thủ nhà Thanh ở Cù Lao Phố bèn giải thích:

–  Đây là tín bài Bắc đẩu thất tinh của Lý Thiếu Thu, cha của tên chủ mưu Lý Hồng Thiên. Vấn đề bây giờ nằm ở chỗ phải bắt ngay kẻ toa rập. Chúng ta mau đến Lương Hương, nếu không hoàng thượng sẽ lâm nguy.

Đông Chí nói:

–  Tín ca đi nhanh đi, em trở lại liên lạc và cho anh Hoàng Nhi biết việc này.

–  Cũng được. Dặn hắn theo dõi bọn chúng xem có hành động gì trong chuyến trở về.

Đông Chí quay thuyền trở lại bờ bên kia. Tín Nhi dắt con ngựa của Cao Hùng lên bờ, tung người lên ra roi phóng như bay về hướng Trực Lệ.

*

Tại Lương Hương, Lương Khẳng Đường đã theo chỉ dụ của Càn Long chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng chờ trưa hôm sau Thị lang bộ Lễ Đức Minh cùng viên Nội vụ phủ tổng quản đại thần Kim Giản đích thân đến mời trà. Tối hôm đó Tín Nhi lên tới Lương Hương, chàng đến gặp toán lính canh trình cho họ xem tín bài của vua Quang Trung và Phúc Khang An kèm theo một đính vàng ròng và nói:

–  Tôi là cận vệ trưởng của Quốc vương An Nam, vì có việc phải trở về Nam Quan nên đến nay mới theo kịp sứ bộ. Xin các anh cho phép tôi được vào phục mệnh với Quốc vương của tôi.

Mấy tên lính canh thấy người An Nam này có thêm tín bài của Phúc tổng đốc, lại kèm theo đính vàng nên vui vẻ đưa vào nơi hành tại của Quốc vương An Nam. Tín Nhi vào gặp Quang Trung thuật lại mọi việc. Quang Trung lo ngại hỏi:

–  Bây giờ chúng ta phải làm gì?

Tín Nhi đáp:

–  Chỉ còn cách nói thẳng với Phúc Khang An để ông ta đối phó. Vì Quốc vương An Nam bị hại thì cái đầu của hắn và đồng bọn cũng không còn nên hắn tự động phải lo.

Vua Quang Trung vội sai Phan Huy Ích sang mời Phúc Khang An và Lương Khẳng Đường đến hội kiến. Cả hai nghe Quang Trung mời nên đến ngay. Khang An hỏi:

–  Quốc vương có việc cần đến chúng tôi phải không?

Quang Trung hỏi Khẳng Đường:

–  Xin hỏi Tổng đốc, thuộc hạ trong nội phủ, những người lo việc bảo trù, trà nước có ai tên Đông Quách không?

Khẳng Đường đáp:

–  Việc này tôi phải hỏi người quản lý. Có việc gì vậy, thưa Quốc vương?

Tín Nhi đưa bản sao tờ chiếu của Càn Long và lọ thuốc Thất nhật đoạn trường tán cho hai viên tổng đốc coi. Chàng nói:

–  Tôi tình cờ phát hiện một nhóm người đang âm mưu đột kích ám sát Quốc vương chúng tôi. Nhưng vì trên đường đi chúng ta canh gác quá nghiêm mật nên chúng không dám hành động và thay đổi âm mưu muốn dùng độc để ám toán. Hai vị nghĩ kỹ xem, với chương trình tiếp đón chi tiết rõ ràng như trong bản sao chiếu chỉ này, việc hạ độc Quốc vương rất dễ thực hiện.

Khang An xem qua chiếu chỉ và lọ độc dược thì thất kinh, đưa tờ giấy cho Khẳng Đường xem rồi hỏi:

–  Ai đã sao lại nội dung tờ chiếu này? Tên Đông Quách được ghi trong giấy này là ai, ông mau cho người điều tra gấp. Sơ xuất là rơi đầu cả lũ.

Khẳng Đường lo sợ nói:

–  Tôi phải cho người điều tra ngay. Quốc vương và tổng đốc chờ đây, tôi sẽ trở lại.

Rồi vội vã rời khỏi phòng. Khang An dặn vói theo:

–  Nhớ giữ bí mật, đừng để lộ chuyện đến tai hoàng thượng là nguy đấy.

Tín Nhi đề nghị:

–  Để an toàn, Phúc tổng đốc nên thay đổi đội ngũ phục vụ trà ngày mai bằng những người thân tín của mình.

–  Vâng. Tôi sẽ cho thay tất cả. Hộ vệ có biết ai chủ xướng việc này không?

Tín Nhi lấy tấm đồng bài Bắc đẩu thất tinh đưa cho Khang An xem:

–  Tổng đốc có biết vật này không?

Khang An từng có một thời gian làm tổng đốc Phúc Kiến nên biết rõ. Ông nói:

–  Bọn họ Lý à? Lý Hồng Thiên đâu có liên quan gì đến ngài Quốc vương đây, sao hắn lại ám hại?

Tín Nhi giải thích:

–  Hắn không có liên quan nhưng cha và ông nội hắn đã chết ở An Nam, vì vậy hắn thù Quốc vương An Nam là chuyện dễ hiểu thôi.

Khang An gục gật đầu tỏ vẻ thông cảm:

–  Hắn làm bậy mà không nghĩ gì đến an nguy của bổn tổng đốc, xong việc này hắn sẽ biết tay tôi.

Tín Nhi mỉm cười:

–  Nghe nói cái kho châu báu của Lý Văn Quang để lại cho hắn lớn lắm. Tổng đốc nên bắt hắn đổ bớt ra cho thiên hạ với. Cũng từ công khố Thiên triều cả đấy.

Khang An cười khoái trá:

–  Lời của hộ vệ không sai..ha..ha…

Vừa lúc đó Khẳng Đường trở lại, theo sau ông ta là một toán vệ sĩ dẫn theo một người đàn ông hai tay bị trói thúc ké. Khẳng Đường nói:

–  Đây là tên Đông Quách, quản lý trù phòng ở Lương Hương. Hắn là người có nhiệm vụ pha trà và bưng trà đến cho viên chấp sự để mời Quốc vương và tổng đốc ngày mai.

Khang An trừng mắt nhìn Đông Quách đang qùy dưới đất mặt không còn một chút huyết sắc vì sợ hãi, quát lớn:

–  Ngươi mau khai hết ra, gian dối nửa lời thì ta sẽ chém hết cả nhà. Nói mau, ai là người xúi ngươi bỏ độc ám toán Quốc vương An Nam và ta?

Đông Quách lạy như tế sao, giọng lập cập đáp:

–  Dạ bẩm ngài tổng đốc. Một người lạ mặt đêm kia đến nhà hạ chức trao cho một gói vàng lớn dặn hạ chức đêm nay sẽ có người đến liên hệ một việc cần. Thực ra hạ chức chưa biết đó là việc gì và người sẽ đến gặp là ai. Hạ chức đang lo lắng chờ đợi thì bị Lương tổng đốc cho người bắt đến đây. Hạ chức chỉ biết có bấy nhiêu thôi, tuyệt đối không dám khai gian đến nửa lời, xin tổng đốc minh xét cho hạ chức nhờ.

Khang An nghe xong tin là hắn nói thật. Ông đưa tấm đồng bài thất tinh ra hỏi:

–  Ngươi có biết cái này là cái gì không?

Đông Quách giật mình nói:

–  Đây là tấm đồng bài thất tinh, tín vật của Lý vương gia ở Phúc Kiến…

Khang An ngắt lời:

–  Ngươi và Lý Hồng Thiên có quan hệ thế nào?

–  Dạ, Lý vương gia là đại ân nhân của hạ chức. Gia đình hạ chức có được ngày hôm nay là nhờ ơn đức của Lý vương gia ban cho.

–  Cho nên ngươi nghe lời hắn ám toán Quốc vương An Nam và cả ta nữa phải không?

Đông Quách sợ qúa lại dập đầu binh binh lạy Khang An:

–  Xin tổng đốc xét lại. Hạ chức thật tình không biết mình sẽ phải làm gì vì người đến gặp hạ chức để nhờ vả vẫn chưa xuất hiện. Hạ chức cũng không biết đây là chủ ý của Lý vương gia. Đó là sự thật, hạ chức bị oan, xin tổng đốc xét lại.

Hắn vừa nói vừa lạy trông rất thảm thương và thành khẩn. Vua Quang Trung động lòng nói:

–  Lời hắn nói là thật. Tổng đốc không nên buộc tội hắn làm gì.

Khang An trừng mắt nhìn Đông Quách:

–  Nhờ lời nói của Quốc vương ta hãy tạm tha cho ngươi. Nhưng ngay lúc này ngươi phải vào nhà lao ngồi trong đó một thời gian, đợi mọi việc xong xuôi ta sẽ tha ra.

Đông Quách mừng rỡ lạy tạ vua Quang Trung và Khang An:

–  Đại ân của Quốc vương và tổng đốc ti chức nguyện ghi nhớ suốt đời.

Khang An nói với Khẳng Đường:

–  Ông cho người đem hắn giam lại cho tôi.

Khẳng Đường ra hiệu cho toán vệ sĩ. Họ liền lôi Đông Quách đem xuống nhà lao. Khang An nói với Quang Trung:

–  Tuy mọi việc đã ổn thõa nhưng tôi sẽ cho đổi toán người thân tín vào phục vụ lễ mời trà ngày mai, Quốc vương hãy an tâm.

Vua Quang Trung nói:

–  Tôi không sao, tổng đốc đừng lo.

Khang An cùng Khẳng Đường đứng lên cáo từ:

–  Đã khuya lắm rồi, Quốc vương an nghỉ. Ngày mai ta còn nhiều việc bận rộn lắm đấy.

Quang Trung và bồi thần cũng đứng lên tiễn khách:

–  Nhị vị tổng đốc về.

Đợi họ đi rồi, Tín Nhi lấy ra một cây kim nhỏ đưa cho Quang Trung dặn:

–  Dù sao, ngày mai trước khi uống trà, hoàng thượng nên kín đáo nhúng cây kim này vào ly nước trà trước. Nếu cây kim đổi màu tất trà có độc.

Quang Trung nhận cây kim mỉm cười:

–  Đúng vậy, cẩn thận vẫn hơn.

Trưa hôm sau, Đức Minh và Kim Giản từ Yên Kinh đến, họ căn cứ vào chỉ dụ của Càn Long tổ chức các nghi thức đón tiếp và mời trà vị An Nam quốc vương hết sức long trọng và chu đáo. Tiệc trà xong, Lương Khẳng Đường lại tổ chức yến tiệc chiêu đãi. Hôm sau có chiếu chỉ từ Nhiệt Hà đưa xuống[5]. Tiếp chỉ xong Khang An cười thật tươi nói với Khẳng Đường:

–  Mừng cho ông. Hoàng thượng đã hạ chỉ bỏ qua việc quở trách về chi phí tiếp đón của chúng ta rồi đó.

Lương Khẳng Đường nghe nói vội đọc tờ chiếu chỉ, nét mặt lo âu mấy ngày qua biến mất. Chỉ dụ có đoạn:

“…Lương Khẳng Đường cho rằng Phiên vương họ Nguyễn nặng tình chiêm cận, từ nơi vạn dặm đến sân đình nên trù liệu điều khoản nghênh tiếp qúa ư phung phí, sai lầm này là do ý tốt mà ra. Không phải như bọn Lưu Nga về vụ án trộm cắp của Duyên Ngoạn hay Thư Lân, Mẫn Ngạc Nguyên về tồi che chở cho viên chức kém cỏi, xâm phạm tiền lương… Viên tổng đốc há lại không biết việc Kê Tán được lưu nhiệm, không phải vì nể mặt Kê Hoàng hay sao mà còn quanh co bào chữa để dẫm vào hình pháp. Đối Lương Khẳng Đường không thể không có lời nhận xét như vậy, nhưng cũng không đáng truy vấn thêm. Nay truyền dụ này để hay biết”.[6]

Khẳng Đường đọc xong mừng rỡ hướng về phía Bắc làm lễ:

–  Hoàng thượng vạn tuế! Hoàng thượng thật đại lượng hải hà. Thần tạ ơn hoàng thượng.

Quay sang Phúc Khang An ông chắp tay xá nói:

–  Tạ ơn Phúc tổng đốc.

Cả hai vị tổng đốc được một lúc hai tin mừng nên không xiết hoan hỉ vui mừng. Khẳng Đường lại tổ chức thêm một đại tiệc nữa để chiêu đãi sứ bộ An Nam. Hôm sau Phúc Khang An đưa một số bồi thần An Nam, đem theo hai con bạch tượng và cống phẩm về Yên Kinh. Kim Giản và Đức Minh thay mặt hướng dẫn vua Quang Trung và các bồi thần đến Nhiệt Hà diện kiến Càn Long. Khẳng Đường điều thêm một toán quân thiết kỵ của Trực Lệ đi theo hộ vệ đoàn lên đến Nhiệt Hà.

Quyển A Thắng Cảnh ở Nhiệt Hà là một sơn trang cực kỳ xinh đẹp, Càn Long cho xây dựng để dùng làm nơi nghỉ mát mùa hè. Ngày mười một tháng bảy năm Canh Tuất, năm Càn Long thứ năm mươi lăm, vua Càn Long cho mở tiệc ăn mừng ngày Vạn Thọ Khánh Điển của mình. Ngoài sứ đoàn An Nam, lễ khánh điển còn có mặt Hãn Cáp Tát Khắc Trác Luật Tề em ruột của đức vua, Thổ ty xứ Kim Xuyên, các sứ thần các phiên quốc như Cao Ly, Nam Chướng, Mông Cổ, Miến Điện, Đài Loan… cùng vô số Vương công, Bối lặc đến chúc thọ.

Vua Quang Trung được đặc biệt cho hành lễ Bảo Kiến. Giả vương Công Trị nhớ đến lời dặn của vua Quang Trung lúc trước nên thành kính quỳ xuống ôm gối Càn Long, nói:

– Phiên thần Nam quốc cảm tạ ân điển của Lão đại hoàng đế ưu ái dành cho. Chúc Đại hoàng đế tuế tăng vạn tuế.

Càn Long nhìn thấy nghi biểu của Quang Trung thì yêu lắm, cúi xuống đỡ Giả vương đứng lên cười ha hả nói:

–  Tốt lắm! Tốt lắm! Rất xứng đáng là đứa con bách thắng tướng quân của trẫm.

Bèn đích tay dùng mực son viết bốn chữ “Củng Cực Quy Thành”[7]ban tặng và xếp vua Quang Trung được ngồi cạnh bên trái của mình, bên phải là hoàng đệ Trác Luật Tề.

Sau khi nhận những lời chúc tụng của bá quan và phiên thần, vua ban yến tiệc. Trong bữa tiệc, Càn Long cao hứng làm ngay một bài thơ Ngự Chế tặng riêng vua Quang Trung.

Thơ Ngự Chế như sau:

Doanh phiên nhập chúc trị thời tuần

Sơ kiến hồn như cựu thức thân

Y cổ vị văn lai Tượng Quốc

Thắng triều vãng sự bỉ kim nhân

Cửu kinh nhu viễn chi trùng dịch

Gia hội ư kim miễn thể nhân

Vũ yển văn tu thuận thiên đạo

Đại Thanh tộ vĩnh vạn thiên xuân.

Nghĩa:

Phiên thần đến triều cận, lúc Thiên tử đi tuần               thú

Tuy mới gặp mà như đã thân nhau từ trước

Từ xưa chưa tùng nghe vua An Nam sang                       chiêm cận

Lệ cống người vàng của triều trước thật đáng               khinh bỉ[8]

Nhà Thanh vẫn coi trọng việc phiên thần đi sứ

Ngày hội vui vẻ hôm nay là do lòng thể tất

Bỏ vũ lực, tu chỉnh văn trị để hợp thiên đạo

Nước Đại Thanh phúc tộ vĩnh yên vạn năm.

Vua Quang Trung cung kính nhận bài thơ tâu:

–  Tạ ơn hoàng thượng đã hậu tứ.

Quay xuống Phan Huy Ích, nhà vua dặn:

–  Khanh hãy cho vũ đoàn trình diễn mười khúc ca để mừng thọ và đáp tạ ân điển của hoàng thượng.

Phan Huy Ích liền cho những vũ công và nhạc công đi theo ra trình diễn mười khúc ca Vạn Thọ Từ Khúc dâng lên Càn Long để đáp lễ. Đó là các bài: Mãn đình phương, Pháp giá mẫn, Thiên thu tuế, Lâm giang tiến, Thu ba tuế, Bốc dưỡng từ, Yết kim môn, Hạ thánh triều, Lạc xuân phong và Phượng hoàng các.

Những vũ điệu và nhã nhạc xứ An Nam đã làm say mê tất cả những khách tham dự. Càn Long rất đẹp ý không ngớt lời khen tặng Phan Huy Ích:

–  Không khác những vũ khúc Nghê thường của Đường Minh Hoàng xưa. Trẫm đặc biệt thưởng khanh một chung Đề hồ ngự tửu. Hãy truyền dạy những khúc hát này lại cho các vũ đoàn cung đình để trẫm còn được thưởng thức mai này.

Rồi tự tay rót ngự tửu vào chén ngọc, sai thị vệ mang đến cho Phan Huy Ích. Huy Ích sụp lạy tạ ơn.

Sự tiếp đón hết sức ân cần và ưu ái của vua Càn Long đối với ông vua trẻ xứ An Nam khiến cho đình thần và sứ bộ các phiên quốc vô cùng kinh ngạc. Trong suốt thời gian khánh thọ, những sứ bộ các phiên quốc không dấu được sự ganh tức lẫn thán phục đối với sứ đoàn An Nam. Đối với họ đây là một sự kiện chưa hề xảy ra trước nay tại sân chầu của thiên triều, đại quốc.

Những ngày sau đó Càn Long cho mở yến tiệc liên miên đến ngày mười hai tháng tám nhà vua mới đáp xe Lễ Dư trở về kinh đô[9]. Sứ đoàn các phiên quốc được mời đến điện Thái Hòa để làm lễ triều kiến, sau đó lại được dự những yến tiệc linh đình khác.

Tháng mười năm Canh Tuất, vua Quang Trung và tùy tùng lên đường về nước, mang theo rất nhiều tặng phẩm Càn Long ban cho. Càn Long còn tự tay viết một chữ “Phúc” thật lớn tặng vua Quang Trung để chúc phúc trước cho Tết Nguyên Đán năm Tân Hợi sắp tới.

Phúc Khang An vì lo ngại cho sự an toàn của Quốc vương An Nam nên tâu vua Càn Long đặc cách cho danh tướng Trần Dụng Phu đi theo hộ tống. Trong chuyến về, các địa phương lại tiếp tục đón tiếp linh đình chẳng khác chuyến đi. Đến Hà Bắc, hai viên sứ thần là Nguyễn Đức Nhuận và Trần Văn Đối được Nguyễn Quang Thùy cử sang dâng biểu tạ ơn lên Càn Long về việc được tặng ngọc Như Ý đã được lệnh dừng lại tại đây không phải mất công lên Yên Kinh. Hai người bèn ở lại Vũ Hán chờ. Khi sứ đoàn trở về họ tháp tùng đoàn về nước.

Ngày hai mươi chín tháng mười một, vua Quang Trung về đến Nam Quan. Bá quan tiếp đón long trọng. Mọi người hân hoan trở về Thăng Long.

Phan Huy Ích không ngăn được niền phấn khích nói với các quan:

–  Từ trước đến nay, người mình đi sứ Trung Quốc chưa có lần nào lạ lùng và vẻ vang như thế này cả.

*

Lý Hồng Thiên cùng đồng bọn dạo chơi Động Đình hồ cả nửa tháng trời vẫn không có tin tức gì của Cao Hùng báo về thì lấy làm lạ, vội sai thủ hạ lên Yên Kinh dò xét. Ngay sau đó tên thủ hạ có nhiệm vụ đưa số vàng trước cho Đông Quách từ Lương Hương đã trở về đến nơi. Hồng Thiên lo lắng hỏi nhanh:

–  Mọi việc ở đó thế nào?

Tên nọ lo sợ đáp:

–  Đông Quách đã bị bắt ngay đêm trước ngày mời trà. Thuộc hạ chờ mãi mà không thấy Cao gia đến nên phải trở về bẩm cáo lại cho vương gia hay.

Hồng Thiên thắc mắc:

–  Cao Hùng biệt dạng, Đông Quách bị bắt. Ai đã tiết lộ bí mật này nhỉ? Nhưng chuyện này chỉ có ta và Cao Hùng biết thôi mà, không lẽ hắn phản bội ta, lấy số vàng rồi bỏ đi.

Lưu Hiền nói:

–  Chắc không đến độ như vậy đâu. Cao Hùng đâu có nghèo khó gì. Có thể ông ta bị nạn trên đường đi, từ đó tin tức bị lộ ra.

Hồng Thiên hỏi:

–  Nhưng ai có thể giết được Cao Hùng? Họ là người của phe nhóm nào? Mật thám của triều đình chăng?

Tăng Thiên Tích góp ý:

–  Có thể là mật thám triều đình đã ra tay. Vậy là ngoài việc cho nhiều người hộ tống, họ còn cho mật thám âm thầm theo bảo vệ sứ bộ nữa không chừng.

Hồng Thiên lo lắng nói:

–  Nếu điều này là đúng thì việc chúng ta tụ hội ở đây tất bị lộ rồi. Phải mau giải tán trước khi bọn quan binh tới làm khó dễ. Chúng ta đành phải chờ cơ hội trên đường chúng trở về mà thôi.

Mọi người nghe nói đều tỏ ra vô cùng thất vọng. Hồng Thiên vội an ủi:

–  Tuy việc không thành, nhưng nhiệt tình của quý vị Lý mỗ không thể quên. Xin nhận của Lý mỗ một ít qùa thay lời tạ ơn vậy.

Bèn sai thuộc hạ mang đến tặng mỗi người một chiếc hộp. Mọi người biết không thể từ chối nên nói vài lời khách sáo lấy lệ rồi thu nhận. Sau đó họ chia tay.

Rời Động Đình hồ, Văn Thông nói với Băng Băng:

–  Tôi thật nóng lòng muốn biết tin của đức vua và thái hậu. Xin tiểu thư trở về Nam Ninh, tôi phải cấp tốc đi Yên Kinh một chuyến, có dịp sẽ trở lại viếng thăm tiểu thư mai này. Giờ xin cáo từ.

Băng Băng nghe cách nói của Văn Thông biết chàng nhất định ra đi tìm vua mình nên buồn bã, hai mắt đỏ hoe nói:

–  Thông ca bảo trọng. Băng Băng sẽ chờ Thông ca trở lại.

Một thời gian khá dài bên nhau, Văn Thông đã hiểu rõ mối cảm tình Băng Băng dành cho mình nên trong lòng không khỏi có mặc cảm tội lỗi và hổ thẹn. Chàng ngượng ngùng nên không biết phải nói gì lúc chia tay. Cuối cùng họ cũng phải quày ngựa ra đi mỗi người một hướng. Hoàng Nhi phóng ngựa thật nhanh về hướng Bắc được một quảng đường khá dài thì Đông Chí xuất hiện. Họ cùng nhau dong ruổi lên Yên Kinh. Đến nơi hay tin sứ bộ An Nam đang chuẩn bị trở về, cả hai âm thầm đi sau sứ đoàn về đến gần Nam Ninh, Hoàng Nhi nói:

–  Chúng ta không trở về bằng lối ải Nam Quan được vì bọn lính Thanh ở quan ải sẽ hỏi han khó dễ.

Đông Chí hỏi:

–  Vậy nên đi đường nào?

–  Dùng đường tắt đến Long Châu, nương theo bờ bắc Bằng Giang rồi vượt sông Kỳ Cùng để vào nước mình.

Đông Chí nói:

–  Hay đấy. Em cũng muốn biết con đường này để khi cần sẽ dùng đến.

Khi cả hai vượt sông Kỳ Cùng vào lãnh thổ Đại Việt, họ đứng trên một đỉnh núi cao nhìn lại nhìn dòng sông đang dẫn nước từ núi rừng Đại Việt đổ sang phần đất Trung Hoa, lòng Hoàng Nhi chợt dâng lên một cảm xúc bùi ngùi khó tả. Chàng chỉ tay về bên kia biên giới nói với Đông Chí:

–  Gần hai ngàn năm trước, dòng sông Kỳ Cùng này từ Lạng Sơn chảy ngược lên Thất Khê rồi lại chảy xuôi xuống Long Châu cũng chỉ là một cuộc dạo chơi sơn thủy của một con sông Âu Lạc. Nay thì nó đã bị chia đôi không còn được tiếp tục mang khí thiêng của núi rừng Âu Lạc theo sông mẹ Tây Giang về nuôi dưỡng vùng đồng bằng phì nhiêu quanh Phiên Ngung thành được nữa. Hà! ước gì một ngày nào đó đức Quang Trung hoàng đế của chúng ta thực hiện được giấc mộng thu hồi lại vùng đất Lưỡng Quảng bên kia để cho con sông Kỳ Cùng này lại được trở về với mẹ Tây Giang của nó.

Đông Chí hăm hở nói:

–  Với tài ba của nhà vua và sự ươn hèn của bọn quan lính nhà Thanh, em tin vua Quang Trung của mình sẽ thực hiện được điều người đã nói.

–  Anh cũng tin như vậy.

Trong lòng đang cao hứng, Đông Chí bỗng nổi tính tinh nghịch hỏi:

–  Hoàng đại ca. Hai ngàn năm nay dòng sông này đã cung cấp cho bọn Hán nhân cướp đất bên kia biết bao là linh khí của Đại Việt ta, giờ em muốn ban thêm ơn huệ cho chúng để tỏ lòng thưởng tuất có được không?

Hoàng Nhi ngạc nhiên hỏi:

–  Em định làm gì?

Đông Chí cười đáp:

–  Em muốn chúng ta hãy thực hiện nghĩa cử “Nam tử thượng nguồn ban vũ lộ. Hán nhân hạ bạn hưởng cam lồ” ..hic…hic…

Hoàng Nhi nghe Đông Chí nói, hiểu ra liền bật cười, tính nghịch ngợm nổi lên định hưởng ứng nhưng chàng nghĩ lại nên can:

–  Không nên. Hoàng thượng chúng ta là bậc vĩ nhân độ lượng hơn người, chúng ta là thuộc hạ của ngài, không nên có thái độ tiểu nhân như thế, sẽ làm mất uy phong của người Nam tử, những thần tử của Đại Đế Quang Trung.

Đông Chí nghe lời phân tích chí lý của Hoàng Nhi thì thè lưỡi rụt đầu nói:

–  Hoàng ca không nói em đã làm giảm mất cái hào khí Quang Trung của chúng ta rồi.

Bèn bỏ ý định ngịch ngợm kia đi. Cả hai chàng thám tử dõi mắt nhìn quanh vùng biên giới một lần nữa rồi lên ngựa tìm đường đến Thất Khê sau đó xuống Lạng Sơn. Khi họ đến Lạng Sơn thì sứ bộ của vua Quang Trung giả cũng vừa về đến nơi.



***

Trích NHẤT THỐNG SƠN HÀ TẬP 4



________________________________

[1] CTTL – Dụ số 133.

[2] Còn gọi là sông Vô Định vì sự thay đổi dòng chảy nhiều lần của nó. Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ “Nắm xương Vô Định đã cao bằng đầu” là lấy tên con sông này qua câu thơ ” Khả liên Vô Định hà biên cốt” trong bài Lũng Tây Hành của Trần Đào thời Vãn Đường.

[3] CTTL – dụ số 155-156-157, ngày 10 và 11 – 6, Canh Tuất. Càn Long thứ 55.

[4] CTTL – Dụ số 111 – mồng 5 – 11 – năm Càn Long thứ 54.

[5]  CTTL – Dụ số 164.

[6] CTTL quyển 1358, trang 199-200.

[7] Chầu về sao Bắc Đầu. Ý nói sự thần phục của Quang Trung đối với Thanh triều.

[8] Bằng câu thơ này, theo yêu cầu của Quang Trung, Càn Long đã bỏ lệ cống người vàng có từ thời nhà Lê.

[9] Chi tiết những yến tiệc và vui chơi được vua Quang Trung sai các bồi thần viết trong thư gởi về cho Thái tử Nguyễn Quang Toản và các quan ở Phú Xuân. Thư đề ngày 29-7-Canh Tuất. (Đại Việt Quốc Thư).{jcomments on}

0 thoughts on “Đón giả vương, Càn Long trải gấm lót vàng.

  1. Rong Biển

    “Đã xoá rồi”. Anh em mình hiểu nhau là quá quý rồi. Thành thật cảm ơn quynh. Quá tuyệt vời! Tiến thẳng “Bay Rồng”!
    Chúng ta nhất định sẽ THẮNG! Ăn tết vui vẻ nhé quynh Nhà văn học Vu Thanh.

    Reply
  2. Nguyên Lương

    Chỉ sau một năm, từ ngày đánh cho tan tác 20 vạn quân xâm lăng, Nguyễn Huệ (gỉa) đã oai nghi qua tận thiên triều để thăm viếng. Biết đánh khi cần phải đánh, biết hòa khi cần phải hòa. Không khiếp nhược, không ươn hèn với tên khổng lồ, Quang Trung đã cho dân Ðại Việt biết sức mạnh của lòng qủa cảm và tinh thần đoàn kết để giữ nước là thế nào. Chính sức mạnh này đã giúp vua Quang Trung đi vào xứ địch mà vẫn hiên ngang, oai dũng. Không thèm đích thân đi, đưa người đóng gỉa để đi, đi để viếng thăm, giao hảo chứ không để thuần phục, cuí đầu. Ði để tìm cách lấy lại giang sơn mà không cần đổ một giọt máu. Và đi vào lòng địch để đứng thẳng người cho bọn Bắc Phương biết người Nam không hề sợ ai.
    Dùng sức mạnh và lòng dân để làm vũ khí ngoại giao, để đòi cho bằng được cái thế đứng ngang hàng, không lòn, không cúi. Không một ông vua nước Nam nào làm được điều đó đối với thiên triều,từ mấy ngàn năm dựng nước cho đến tận bây giờ. Ngày nay, trước tình thế mới, một năm mới ta lại đọc Nhất Thống Sơn Hà của Vũ Thanh để nhận ra: Ta yếu không phải vì nước ta nhỏ, dân ta nghèo, mà vì ta không dám đứng thẳng nhìn vào mặt người ta mà lúc nào cung kính cúi đầu khép nép. Ta hèn vì không ai cùng ta dám đứng thẳng.
    Ta đã đánh mất hết nhuệ khí thì làm sao không mất giang sơn?
    Cảm ơn Vũ Thanh đã cho mình tìm lại một chút hãnh diện về dòng máu Việt vẫn còn chảy nóng rần trong huyết quản. Rất mong một Quang Trung tái thế, rất mong được đứng thẳng như người xưa, và rất mong con dân Việt chúng ta không để nhục.
    NL

    Reply
    1. Quang Võ

      Hê..hê.. Hiểu VT thì không ai bằng Nguyên Lương !!! Đa tạ, đa tạ. Ở hồi trước, Vt đã liệt kê ra những thảm họa mà người Hán đã chịu đựng trước sự xâm lấn của nhiều rợ phương Bắc như Hồ, Kim, Mông Cổ, mãn Thanh..v..v.. Đọc qua những chi tiết đó chúng ta mới thấy rằng hai dân tộc Việt và Hán, hai đất nước Đại Việt và Trung Hoa một nhỏ, một lớn như số phận truân kiểu giống như nhau. Vì cứ sau những thảm họa của rợ phương Bắc, nước Trung Hoa lớn mạnh lên thì họ lại tìm cách đánh chiếm Đại Việt ta, sự việc xảy ra liên tục hơn ngàn năm như một chu kỳ lịch sử, tuy rằng mỗi lần như vậy, không chóng thì chầy họ cũng bị dân ta đuổi chạy tan tác trở về. Giờ đây, sau loạn Liệt cường xâu xé Trung Hoa, họ đã lớn mạnh và muốn lập lại chu kỳ xâm lăng cũ. Nếu không có sự chuẩn bị về tinh thần và vật chất, e rằng dân ta phải chịu ách nạn một thời gian. Nhất Thống Sơn Hà ra đời không ngoài mục đích giúp nhắc nhở người Việt chúng ta về việc chuẩn bị này đấy Bác Nguyên Lương ạ..

      Reply
  3. HNTIN

    Anh Lương viết lời bình hay lắm! Cho mượn ý anh gửi đến Vũ Thanh lòng mến mộ người bạn tài hoa.

    Reply
    1. Quang Võ

      Nếu có lòng tin như vua tôi Quang Trung Nguyễn Huệ thì chúng ta có sợ gì giặc lớn nào phải không Dạ Lan? Chúc năm mới vạn sự như ý.

      Reply
  4. Quốc Tuyên.

    Hay lắm Vũ Thanh ơi, từng chương… tùng chương… đã khơi dậy hào khí của dân tộc Việt, cám ơn người viết tiểu thuyết dã sử tài hoa. Chúc Vũ Thanh và gia đình năm mới an lành, hạnh phúc.

    Reply
  5. Quang Võ

    Năm mới Bính Thân, năm huề vốn của tui, VTQ xin chúc gia đình Hương Xưa một năm tròn đầy hạnh phúc.

    Reply
  6. Đặng - Danh

    Giữ nước cũng như giữ tình, mình không cần họ thi họ nể nang mình , mình cần họ thì họ bắt nạt.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.