Sáng nay chợt thức giấc hơi sớm, em trằn trọc mãi không ngủ lại được. Có lẽ do tiết mùa đông ở Cali năm nay khá lạnh. Thôi thì em get up vậy và viết vài dòng cho anh đây.
Anh… Nhìn quanh quất, thấy căn phòng thật yên tĩnh vì anh và hai con vẫn còn ngủ say, em chợt giật mình khi thấy ánh sáng lờ mờ của hai ngọn đèn cầy và bát nhang trên bàn thờ gia tiên tỏa ra lù mù trong góc nhà mà em đã cố ý turn on cho sáng suốt đêm để nhắc mình đừng quên ngày mai Noel cũng là ngày giỗ ông ngoại các con đấy anh.
Anh biết không… Bỗng dưng em phì cười khi nhìn thấy tấm lịch Tam Tông Miếu treo kế bàn thờ với block lịch chỉ còn vài tờ mỏng dính. Thể nào hai con cũng nhắc anh và ghẹo em : “Gần hết năm rồi, ba nhớ mua lịch bóc từng tờ để “Má Xẩm” nhớ ngày cúng giỗ và cữ kiêng giờ tốt ngày xấu nghen ba !”.
Giờ em viết về những ngày lễ lạc ở xứ người.
Thời gian “bay” nhanh thật, thứ Năm tuần thứ ba tháng Mười Một vừa qua là ngày Thanksgiving – Mùa Tạ Ơn đó anh ! Vào dịp này thấy thật tội nghiệp cho dòng họ gà tây vì bị thiên hạ “hỏi thăm” quá trời. Riêng gia đình mình thì ngộ thật, chưa ăn gà tây được, mặc dù mình ở đây đã hơn hai mươi năm rồi mà vẫn “gà ta… muôn năm”.
Nghĩ cũng lạ, vừa mới xong lễ Tạ Ơn vào thứ Năm thì kế tiếp là ngày Black Friday. Tuy là Thứ Sáu Đen nhưng lại chính là ngày mở hàng “Sale” giảm giá cho chuỗi ngày dài shopping, mua sắm tặng quà cho nhau vào dịp Christmas đấy anh.
Em thích nhất mùa Giáng Sinh đó anh, vì năm nào hai con cũng chở mình đi xem người ta giăng đèn kết hoa thật đẹp, nổi tiếng trong những khu gia cư ở vài thành phố trong mùa lễ này kéo dài suốt cả tháng trời. Công ty điện cũng đành… bó tay khi kêu gọi mọi người tiết kiệm điện.
Em không ngờ vì đẹp lắm đó anh. Cứ ngỡ như mình lạc vào cảnh thần tiên thiên hình vạn trạng; mỗi nhà mỗi vẻ mười phân vẹn mười. Vậy là xem như mỗi năm mình được “rửa mắt” một lần nhờ sự sáng tạo của con người qua nghệ thuật trang trí đèn thật công phu phải không anh !?
* *
Anh… Loay hoay chỉ còn tuần nữa là đến New Year rồi đấy. Trong ngày Tết Tây hằng năm, riêng Nam Cali mình thì tưng bừng ghê lắm vì có diễn hành Rose Parade. Đặc biệt nhất là các xe hoa tham dự phải trang trí toàn là hoa hồng thật mới càng tốn tiền chứ ! Đấy là truyền thống tổ chức của thành phố Pasadena, bắt đầu khởi điểm từ năm 1890 đến nay là được 127 năm rồi mà vẫn còn duy trì, thật đáng phục.
Tiếc một điều là vào ngày này mình chỉ mới xem live trên TV thôi, chứ chưa có dịp đến tận thành phố độc đáo này để được tận mắt chiêm ngưỡng những công trình sáng tạo qua đôi bàn tay khéo léo của con người. Thôi thì hẹn next year vậy.
* * *
À, chỉ còn hơn tháng nữa là Tết Ta rồi đấy anh. Viết đến đây lòng em bỗng chùng xuống khi nhớ đến Tết ở quê nhà của thuở xa xưa năm nào, mà gia đình mình vẫn chưa lần nào về thăm vào dịp này cả. Thôi thì… đổ thừa cho hoàn cảnh và công ăn việc làm vậy.
Anh… Giờ ngược dòng thời gian của hai-mươi-hai năm về trước, em viết tiếp đây.
Nhằm dịp Tết Dương Lịch năm 1994, vào ngày 19 tháng 1 là ngày anniversary hằng năm đánh dấu ngày đầu tiên của gia đình mình đặt chân lên xứ Cờ Hoa này đó anh. Đến định cư ở đây mới vừa tròn tháng, chưa kịp hoàn hồn với những đơn từ, thủ tục, luật lệ nhập cư cũng như ổn định nơi ăn chốn ở v.v… và v.v…, thì Tết Nguyên Đán lại gần kề. Thế mới càng thấm thía câu “Thời gian vùn vụt như thoi đưa”.
Anh biết sao không ? Cứ ngỡ như mình vẫn còn ở quê nhà, nên em cũng vội mua sắm vài thứ. Nào là hoa quả, bánh tét bánh chưng, dưa món củ kiệu và cả mứt đủ loại nữa chứ. Để khuya 30 tháng Chạp sẽ cúng Giao Thừa, đón rước người thân đã khuất về chung vui với con cháu trong ba ngày Tết. Nhưng em thật ngỡ ngàng vì quanh khu vực mình ở chỉ toàn là dân bản xứ, im lặng như tờ, chẳng nghe được tiếng pháo nổ nào cả. Vậy là xem như chỉ còn riêng em “mình ênh” ráng thức đến 12 giờ khuya để đón Giao Thừa trong bỡ ngỡ ngậm ngùi…
Còn anh thì phải ngủ sớm để mai còn “đi cày” nữa chứ. Bởi Tết Ta chớ đâu phải Tết Tây, lại không rơi vào ngày cuối tuần nên đâu có được nghỉ làm. Phần hai con thì phải ngủ sớm để mai còn đi học nữa.
Để kỷ niệm cái Tết đầu tiên ở xứ này, em lẩm bẩm ca “chế” là : “Đón Giao Thừa một đêm… vắng hoe… ”.
Ồ… Viết đến đây em chợt nhớ, năm 2005 anh được giải thưởng Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo, đến năm 2006 (cũng vào dịp Tết Ta) anh viết bài Giao Thừa Xa Xứ Nhớ Má. Tuy không được giải nhưng lại thấy vui vui vì bài mình được chọn đăng. Đó cũng là một kỷ niệm nho nhỏ đáng nhớ. Em trích một đoạn ngắn trong bài ấy để anh đọc lại mà bùi ngùi xúc cảm cùng em : “Thưa Má…! Cũng như mười hai cái Tết trước đây, Tết năm nay tụi con và các cháu các chít đâu còn dịp khoanh tay mừng tuổi Má để được Má lì xì nữa đâu, vì Má đã bỏ Ba con, bỏ tụi con, bỏ cháu chit mà về với Ông Bà Tổ Tiên rồi, Má ơi…!. Chúng con cầu xin Hương Hồn Má luôn được siêu thoát, luôn được thanh thản. Xin Má phù hộ cho Ba con với các con các cháu các chít của Má, Má nghen!”.
Anh… Thế là ba ngày Tết Ta đã âm thầm lặng lẽ trôi qua. Vì khu vực mình cư ngụ thuộc Los Angeles đa số là người bản xứ và các sắc tộc khác, nên nhìn quanh chẳng có ai là bà con thân thuộc hay bạn bè hàng xóm để thăm viếng và chúc tụng nhau vào dịp đầu Xuân gì cả. Chỉ duy nhất còn có anh Sơn thôi; anh Tuấn thì dọn xuống Fountain Valley rồi. Buồn thật !
Ngược lại, ở Little Saigon lại đông người Việt mình sinh sống – chỉ cách nhà mình khoảng ba-mươi phút lái xe – thì ồn ào nhộn nhịp hẵn lên. Đó là nhờ những “người di tản buồn” mang theo “một góc quê nhà” qua đây – như anh vẫn thường nói đùa “Chúng ta đi… rinh theo quê hương”. Mình thấy đấy, nào là chương trình văn nghệ Mừng Xuân Đón Giao Thừa ở các khu sinh hoạt của cộng đồng, ở các nhà thờ, chùa chiềng, thánh thất. Rồi xe hoa diễn hành Tết của các đoàn thể, hội đoàn, của các cơ sở thương mại, trường học… Lại thêm hai ba Hội Chợ Tết của Sinh Viên và Cộng Đồng đều tổ chức song hành hằng năm, nhưng vẫn thu hút đông đảo mọi người từ khắp nơi kéo nhau về tham dự.
Tuy ở xứ người nhưng Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định năm nào cũng tổ chức thật long trọng Đại Lễ Kỷ Niệm Đại Đế Quang Trung Chiến Thắng Đống Đa với nghi thức thật trang nghiêm và linh đình. Vì Đại Đế Quang Trung không chỉ là Vị Anh Hùng của Bình Định mình mà còn là Vị Anh Hùng của Dân Tộc mình nữa nên hầu hết các hội đoàn, đoàn thể, tôn giáo, các viên chức cơ quan chính quyền… đều tề tựu thật đông đảo trong ngày Đại Lễ này; thế nên năm nào hội trường cũng không còn chỗ ngồi nữa.
Viết đến đây lòng em bỗng bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm khi còn ở quê nhà từ thời ấu thơ, đến thời đi học rồi đi dạy.
À… Valentine’s Day hằng năm là ngày 14 tháng 2, bất cứ nhằm thứ nào trong tuần. Thế mà năm nay “nó” lại rơi vào Chủ Nhật trùng với ngày tổ chức Đại Lễ Đống Đa (mùng 7 tháng Giêng – Bính Thân), ngộ thật !
Em vẫn còn nhớ mãi một kỷ niệm vào dịp Tết năm 1973. Năm đó, em rất háo hức muốn dự lễ Chiến Thắng Đống Đa của Vị Anh Hùng áo vải cờ đào đất Tây Sơn (trước đây là thị trấn Phú Phong) mà hằng năm cứ vào mùng 5 Tết Âm Lịch thì chính quyền nơi này kết hợp với dân địa phương để tái hiện quang cảnh lịch sử về tài năng bày binh bố trận của vua Quang Trung, ban lệnh cho quân binh, tướng sĩ ăn Tết trước, rồi tiến thẳng ra Bắc đánh đuổi quân xâm lược, tạo nên Chiến Thắng Mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789) vẻ vang cho dân tộc Việt; vì thế, mới mùng Bốn Tết em đã cùng vài bạn nữa rủ nhau kéo đến chơi nhà Nguyễn Thị Loan (bạn học cùng lớp Sư Phạm với em, là dân ở thị trấn này). Trước là thăm Xuân, sau là “ngủ ké” qua đêm tại nhà bạn ấy để sang hôm sau mới kịp qua cầu Kiên Mỹ mà đến khu vực hành lễ sẽ tổ chức rất sớm.
Thấy thiên hạ chen lấn, xô đẩy nhau qua cầu lọt xuống sông ướt nhẹp, bọn em cũng hơi chùn bước. Nhưng rồi nghĩ cũng uổng công chờ đợi, nên đành nhắm mắt đưa chân theo đoàn người qua bên kia cầu, cho thỏa lòng mong muốn…
Anh… Ký ức nào cũng đáng nhớ, đáng viết cả. Vì thế em cũng phải “để dành” cho những lần viết sau nữa chứ.
Dòng hồi ký này em viết từ Noel đến nay cũng vừa tròn ba tuần mới xong. Thì anh cũng biết rồi, vào những lúc tiệm vắng khách em viết mỗi bữa mỗi ít, rồi gom lại thành bài đó.
Trước khi dừng bút, em vẫn không quên nhắc anh và hai con : Cuối tuần này là 17 tháng 1, nhân tiện xuống Quận Cam dự Lễ An Vị Tượng Đức Trần Hưng Đạo tại Mile Square Park, em sẽ đãi cả nhà đi “kéo ghế” để kỷ niệm lần thứ 22 gia đình mình sống trên đất Mỹ.
Thôi em stop nhé !
Em đây,
Kim Loan
(Los Angeles, Jan. 16 – 2016) {jcomments on}
lễ lạt đâu đâu cũng có lễ lạt nhiều thì dân nghèo càng khổ.
Viết cho anh và cũng viết cho mọi người về Những Ngày Lễ Lạt trên xứ người củ cộng đồng người Việt, cám ơn Kim Loan rất nhiều, chúc anh chị và gia đình năm mới an lành, hạnh phúc.