Vào Cõi ‘Tâm Trong’

Mời xem:

 

TÂM TRONG

 

 

Có chàng lãng tử lưu lạc giang hồ từ thuở thiếu thời, bỗng một hôm nghe hung tin người cha già rời bỏ trần gian, lòng bồi hồi nhớ đến lời dặn dò năm xưa của cha, lời rằng, “Dù vui, buồn giữ mãi cái tâm trong.” Chàng lãng tử đó là nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du, một trong mười nhà thơ — gồm Bạch Xuân Phẻ, Hàn Long Ẩn, Huyền, Nguyên Lương, Nguyễn Hoàng Lãng Du, Nguyễn Phúc Sông Hương, Nguyễn Thanh Huy, Phan Thanh Cương, Trần Kiêm Đoàn, và Tuệ Lạc — có mặt trong tuyển tập thơ Tâm Trong vừa mới được nhà sách lớn nhất thế giới Amazon phát hành vào trung tuần tháng 12 năm 2015.

 

Trên đời này, đối với những người con chí hiếu thì có gì linh thiêng và xác thật hơn lời cha dặn! Lời cha dặn là lời chứng của sự trải nghiệm đắng cay, ngọt bùi, thành bại, nên hư, được mất cả một cuộc đời. Tâm Trong là lòng sạch như băng tuyết trên đỉnh cao chót vót, là lòng trong sáng rạng ngời như nhật nguyệt trên tầng không bao la vô tận. Như mặt hồ trong và lặng có thể phản chiếu ánh trăng trong sáng tròn đầy, tâm trong lắng xuống những ô trược để phản chiếu tự tánh thanh tịnh hồn nhiên.

“Hồ tâm phẳng lặng lung linh trăng vàng.”

(Dưới Nhành Liễu Xanh, Huyền)

Nhà Phật gọi tâm đó là tâm chúng sinh, gồm có chân và vọng, thật và giả, Phật và chúng sinh. Cái tâm trong đó bao trùm tất cả các pháp, lớn thì như cõi thái hư mười phương pháp giới, nhỏ thì như một hạt bụi vi trần mắt phàm không thấy nổi. Từ tâm đó mà các pháp sinh. Từ tâm đó mà thơ ra đời. Tâm càng trong cảnh hiện càng rõ, càng nguyên sơ. Khi tâm cảnh hòa quyện lấy nhau, thơ sẽ là âm ba, là giai điệu oà vỡ trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất. Tâm càng trong, thơ càng vi diệu, mượt mà, sâu lắng, rung động lòng người.

“Ta lấy viết phết cuộc đời lên giấy

Nghe đất trời cuồn cuộn âm ba…”

(Nét Cọ Cuộc Đời, Hàn Long Ẩn)

Nhưng có lúc tâm trong cũng như một tờ giấy trắng. “Tâm yêu lặng như một tờ giấy trắng.” (Bồ Tát Xuống Trần, Trần Kiêm Đoàn)

Đó là lúc phiền não tan đi, cõi lòng yêu tịnh. Bởi thế, ngày xưa, tại Ấn Độ, có ông bồ tát cư sĩ Vimalakirti (Duy Ma Cật) một hôm nói trước những cao đồ bậc nhất của đức Phật rằng, “Tùy kỳ tâm tịnh, nhi Phật độ tịnh,” (tùy tâm mình trong tới đâu, mà cõi Phật mình trong tới đó). Tâm trong ở trong nhà thì thấy cái nhà là cõi Phật. Tâm trong ở chợ thì thấy cái chợ là cõi Phật. Tâm trong ở chốn lầu xanh thì thấy lầu xanh là cõi Phật. Tâm trong ở địa ngục thì thấy địa ngục là cõi Phật. Cõi Phật là cõi trong sạch tột cùng không gì trong và sạch hơn.

“Bồ Ðề như chiếc cầu ngang,

Bắt qua văn tự bao hàng chữ “Như”:

Như không, như có, như từ…

Như lìa tâm cảnh thì “như” mới tròn!”

(Nhặt Lá Bồ Đề, Tuệ Lạc)

Tâm Trong là tuyển tập thơ của mười tác giả gồm khoảng trên 120 bài thơ, dày 240 trang, do Trung Đạo xuất bản tháng 12 năm 2015. Khi chọn hình bìa là những căn nhà ổ chuột mọc trên con nước đen, các tác giả muốn nói lên ý nghĩa “tâm trong” ngay chính nơi hiện thực xã hội Việt Nam khi con người sống “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn,” và cũng để mong ước sự vượt thoát, vươn lên của con người trong thế giới khổ đau, đen tối đó.

Đọc từng trang của tuyển tập thơ Tâm Trong, tôi thấy như mình đang bước vào một vườn hoa văn học với vô số những kỳ hoa dị thảo đang khoe sắc thắm tươi và tỏa hương ngào ngạt. Đọc từng câu thơ của Tâm Trong lòng tôi cũng nhẹ bớt đi phiền não lao xao của cuộc sống đời thường, và thấy tâm mình cũng trong theo với những vần thơ trong vắt của mười tác giả. Điều may mắn của tôi là có thể đọc được những bài thơ hay của mười tác giả trong một tuyển tập mà không cần phải mất công tìm tòi ở đâu xa để đọc và thưởng thức. Quả tình, nếu không đọc được Tâm Trong thì chưa chắc tôi đã có duyên để đọc thơ của tất cả những nhà thơ có mặt trong tuyển tập thơ này.

Đọc Tâm Trong mang lại cho tôi nhiều thú vị quý báu. Một trong những điều làm tôi thú vị nhất khi đọc Tâm Trong là ở đây tôi có thể tìm được những vần thơ chuyên chở hầu như tất cả những sắc thái, trạng huống, thực trạng, và ý nghĩa của cuộc đời, từ tình yêu, đạo lý, triết lý, tôn giáo, Phật, Chúa, chiến tranh, cái chết, sanh ly tử biệt, đến quê hương, dân tộc, lịch sử, phong tục, tập quán, xuân, hạ, thu, đông, Tết Tây, Tết Ta, v.v… Nói chung là mọi chuyện trên đời đều được mười nhà thơ cảm nhận bằng cái tâm trong một cách tinh tế và sâu sắc rồi thổi chúng vào chữ, họa chúng thành hình và phối khí thành giai điệu để cho người đọc tha hồ thưởng thức.

Mượn đôi chân trần của Bạch Xuân Phẻ để dạo quanh một vòng cõi Tâm Trong, tôi đã có ngay cảm giác lâng lâng nhẹ bay như mây:

“Chân trần gót ngọc hôn trên lá

Bỏ lại lợi danh hạt sương gầy

Chiều đâu xao xuyến vàng sông lạ?

Nhịp thở nhẹ hìu bóng chân mây.”

(Đôi Nhịp Chân, Bạch Xuân Phẻ)

Nhờ xem lợi danh mong manh giả tạo như giọt sương đầu cành sáng có chiều không mới nhận ra cuộc đời chỉ là “cuộc thế eo xèo,” như nhà thơ Hàn Long Ẩn đã vẽ ra trong Nét Cọ Cuộc Đời:

“…

Từ điểm khởi ta sổ dài kiếp sống

Như đường gươm vun vút lao nhanh

Rồi đứng yên ngó lại cuộc vi hành

Tâm ta đó, nét nhòe đậm nhạt.

Đã mang kiếp phong trần phiêu bạt

Thì sá chi cuộc thế eo xèo

Hơn thua nhau tảng đá nặng còn đeo?!

Chấm thêm mực ta phẩy dài lần nữa.

…”

Nhà thơ Nguyễn Thanh Huy đã trải nghiệm cuộc thế eo xèo, vô thường và khổ đau nên mới tìm về chùa cũ để gặp sư ông mà vấn đạo cho cuộc sống an lạc. Vừa bước chân vào cõi tịnh (trong) của thiền môn, chưa kịp gặp sư ông, còn đi lang thang trong sân chùa thì nhà thơ đã chợt ngộ ra rằng Phật tại tâm.

“…

Vào chùa tìm lại sư ông,

Lời kinh ngày cũ trong lòng còn in,

Ngẩn ngơ một thoáng đứng nhìn,

Hỏi tâm mới thấy bóng hình Như Lai.

Từ lang thang giữa trần ai,

Tử sinh mấy độ trải dài cuộc chơi,

Lang thang góc bể chân trời,

Rồi mai cõi tạm xa rời xác thân.

(Vẫn Trắng Tay Đời, Nguyễn Thanh Huy)

Tử sinh từ đó đã thành vấn nạn của cuộc đời, còn khổ đau như nghiệp dĩ cứ dai dẳng bám theo kiếp người từ thuở lạc vào bến mê. Nhờ tâm trong mà con người nghĩ đến con đường giác ngộ để giải thoát khổ đau. Vì vậy, nhà thơ Tuệ Lạc đã dẫn ta đi “Nhặt Lá Bồ Đề.” Bồ đề là giác ngộ, nhặt lá bồ đề là nhặt lấy giác ngộ.

“Tôi đi nhặt lá Bồ Ðề,

Treo lên để nhớ lối về của tâm.

Mỗi chiều nghe tiếng chuông ngân,

Loang đi như dẫn xa dần bến mê…

…”

Nhờ nhặt lá bồ đề mới nhớ lối về của tâm. Lối về của tâm chính là con đường thực hành bồ tát hạnh. Hạnh bồ tát là sống không chấp ngã, không chấp pháp, không vị kỷ tham sân, luôn luôn làm lợi lạc cho người khác, cho chúng sinh, giúp họ giác ngộ vô minh và giải thoát đau khổ, từ vật chất đến tinh thần, từ thể xác đến tâm thức. Thực hành hạnh bồ tát vì vậy, không chấp ở hình danh sắc tướng mà cốt là ở tâm từ bi vô lượng và trí tuệ sáng suốt vô biên.

Nhà thơ Trần Kiêm Đoàn đã kể cho chúng ta nghe về hình ảnh một vị bồ tát vô danh đang có mặt ở trần gian này như con người bằng xương bằng thịt mà ông đã một lần tận mắt thấy. Đó là một cựu sĩ quan cấp bậc đại tá không quân trong quân đội Hoa Kỳ từng tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nay đã về hưu và mỗi ngày đi lượm lon đem bán để lấy tiền nuôi trẻ mồ côi.

“…

tôi đi loanh quanh gặp một bồ tát trên góc phố

hiện thân thành một ông già Mỹ trắng cực khổ

tôi hỏi ông đi đâu quá sớm thế

trời lạnh kiểu này bên ngoài âm độ

Ông già nói ta đi lượm lon và chai không

sợ đợi hơi trưa xe vệ sinh hốt mất

tôi hỏi sao ông không xin tiền trợ cấp

tiền tuổi già tiền tàn tật nước Mỹ thiếu gì

ông già nói xin làm chi ta dư tiền hưu trí

huy chương đầy mình xưa ta là đại tá không quân

trưởng phi hành trong chuộc chiến việt nam

cuộc chiến đã tàn ta làm từ thiện

nuôi lũ trẻ mồ côi bên đó hay ở đâu cũng được

ta lượm lon mỗi tuần hai lần

bán đủ tiền cơm nuôi ba mươi đứa nhỏ

dăm bảy chục nghìn đô la sá chi mà chẳng có

nhưng ta muốn nuôi bằng tâm huyết của mình

như thân xác nầy cần nuôi một trái tim

…”

(Bồ Tát Xuống Trần, Trần Kiêm Đoàn)

Trong truyền thống Phật Giáo Đại Thừa, vị bồ tát được nhiều người biết đến vì lòng từ bi bao la rộng lớn thương yêu và cứu giúp chúng sinh như mẹ hiền thương con là Bồ Tát Quán Thế Âm, hay Quan Âm, mà chúng ta thường thấy tượng ngài được tôn trí trong nhiều chùa. Nhà thơ Huyền kể cho chúng ta nghe về công hạnh của Bồ Tát Quan Âm:

“…

Mắt Người thăm thẳm uy nghi

Từ quang soi khắp nẻo đi lối về.

Xua tan cơn mộng cõi mê

Độ người thoát khỏi bốn bề bão giông

Ngàn tay trải rộng hư không

Ngàn mắt soi thấu tận cùng khổ đau.

Quan Âm Bồ Tát nhiệm màu

Hiển linh giữa chốn trần lao độ đời

Hữu thân trong nẻo luân hồi

Tâm hương một nén xin Người chứng tri.

…”

(Dưới Nhành Liễu Xanh, Huyền)

Trong cõi Tâm Trong chắc chắn không thể thiếu hình bóng quê hương, nơi mà những nhà thơ đã một thời được sinh ra và lớn lên với đầy ắp tình nhà, tình người, tình quê hương dân tộc. Đặc biệt với những chàng lãng tử xa quê đã lâu có dịp về lại quê nhà thì cảm xúc thật khó tả giữa ký ức tình tự thơ mộng và hiện thực xa lạ ngại ngùng.

“Chạm êm ái da chân lên sỏi cát

Từng bước ngập ngừng, thong thả đường quê

Nắng nhiệt đới múa reo trên ruộng lúa

Con cò ngóng nhìn kẻ lạ trên bờ đê

Hít thở ngất ngây mùi bùn đen rạ mục

Mắt lạ lùng nhìn ruộng mía trổ hoa

Mấy năm xa cau dừa lên cao ngọn

Đâu cành che trời rợp bóng tuổi thơ

…”

Xưa gối quê hương trong từng giấc ngủ

Giờ nhìn quê hương ánh mắt xa xăm

…”

(Nhìn Lại Quê Hương, Nguyên Lương)

Với nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du, hình bóng quê hương vẫn còn trong ký ức nhưng đó là hình ảnh tang thương khói lửa ngút trời của thời chiến tranh khốc liệt.

“…

Rồi quê hương đêm ngút trời khói lửa.

Viên đạn đồng tàn-nhẫn đã bay qua.

Em nhắm mắt.. Đường mình chia hai ngả.

Anh lang thang, mưa gió, mãi không nhà.

…”

(Trên Giòng Sông Trắng, Nguyễn Hoàng Lãng Du)

Trong ký ức về chiến tranh trên quê hương của nhà thơ Nguyễn Phúc Sông Hương không có cảnh máu đổ thịt rơi trong hận thù chất ngất, mà có chút tình người quý giá như bếp lửa đêm đông của người lính Miền Nam thương cho những người du kích đói lạnh nơi sa trường.

“Ta biết người chờ đêm xuống núi

Kiếm vài túi gạo vác lên rừng.

Ta biết mùa mưa rừng lạnh lắm

Ngươi mò về kiếm tấm nilong.

Người đi cho khéo đừng lay động

Lau lách đôi bờ đang ngủ yên.

Đừng để đầu thôn vang tiếng sủa,

Ta đây nổ súng xé lòng đêm.

….’

(Bên Sông, Nguyễn-Phúc Sông Hương)

Nói đến quê hương và chiến tranh Việt Nam, không ai không nhớ tới những ngày tháng 4 năm 1975, thời điểm đánh dấu sự kết thúc trận chiến và mở ra những hệ lụy đau thương sau đó  v.v…

“tháng tư úp bàn tay anh

dưới bàn tay ấy những vàng – xanh.

anh theo cây rừng mười năm lá rụng

em và trời cũ có thiên thanh?

tháng tư xưa, ngày đang chạy,

ngang qua nhau không kịp vẫy tay chào.

may cho em về trường nối lại những xôn xao,

có dẫm dấu chân anh ngày hôm trước?

…”

(Tháng Tư, Phan Thanh Cương)

Trong Tâm Trong còn có những mối tình đẹp và mơ mộng nữa. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du gợi nhớ hình ảnh những mối tình chân quê lãng mạn trong dân ca và thi ca Việt Nam non thế kỷ trước, mà ở đó những gã thanh niên si tình tán tỉnh cô gái quê gánh rượu trên đồi.

“Hỡi cô gánh rượu trên đồi;

Dáng xuân yểu-điệu, cho tôi gánh cùng.

Gánh Trời, gánh cả Non Sông.

Cô đi, tôi gánh cùng chung đường về.”

(Mơ, Nguyễn Hoàng Lãng-Du)

Hay:

“Khi anh về chiều vàng trên phố nhỏ,

Hàng phượng hồng rực-rỡ đã theo em.

Trường khóa cổng nhưng tình không bỡ-ngỡ,

Ngõ ve sầu như động bước chân quen.”

(Thuở Vỡ Lòng Yêu, Nguyễn Hoàng Lãng-Du)

Và có lúc nhà thơ tưởng chừng trái tim mình đã khô héo, nhưng không! Nó chỉ ngủ yên đâu đó để rồi một hôm:

“Lang thang sân chùa nắng đọng

Ngõ hồn buốt ngọn thu phong

Trăm năm rã rời cuộc mộng

Vẫn chưa kịp chết cõi lòng…

(Hồn Thu, Huyền)

Đó chỉ là một vài cái góc nhỏ của vườn thơ Tâm Trong. Vì thích quá không thể giữ trong lòng nên người viết xin giới thiệu với người đọc một vài cảm nghĩ về tuyển tập thơ Tâm Trong để cùng chia xẻ. Nhưng, tự mình đọc Tâm Trong độc giả sẽ cảm nhận thấm hơn, trọn vẹ hơn gấp bội phần vài điều giới thiệu sơ sài ở đây. Hãy đặt mua một cuốn Tâm Trong trên trang nhà www.amazon.com như món quà đầu năm mới.

Đọc Tâm Trong lòng mình sẽ lắng trong và bình an hơn. Khi cõi lòng lặng yên sẽ thấy thế giới và cuộc đời đáng yêu hơn.

Xin cảm ơn mười nhà thơ trong tuyển tập Tâm Trong.{jcomments on}

0 thoughts on “Vào Cõi ‘Tâm Trong’

  1. Nguyên Lương

    Bài viết cuả anh H K Quang rất gần với ý nghĩa và tâm hồn của mỗi tác gỉa. Tham gia trong tập thơ này mình đã có dịp biết thêm những người anh, người em và tâm tư, cảm xúc của họ. Ðúng như anh Huỳnh Kim Quang đã viết, trong vườn hoa thơ này, mỗi bài, mỗi tác gỉa rất khác nhau, nhưng cùng chung một điểm: họ viết thơ cho chính mình, cho người thân yêu và cho quê hương, đồng bào. Không có nhiều bài thơ tình trọn vẹn, chỉ thấy có thơ về những mối tình không trọn. Vì từ ngàn dặm xa, ngoái cổ quay về, vẫn còn ở đó cả một khối tình rất lớn, càng viết càng thấy nặng hơn lên. Ðọc những bài thơ, nhất là thơ của hai người bạn trẻ Khỏe và Huyền, mình thấy tâm tư những đàn anh trong tập thơ này nặng chĩu những nhọc nhằn qúa khứ, và móc xích của thời gian đớn đau chưa thể dức bỏ ra được. Còn thơ các em, cả hai nhàn nhã, ung dung hơn. Không bị ám ảnh bỡi những mất mác, buồn đau, nhìn đời với đôi mắt thản nhiên và một tâm hồn trong sáng. Chữ “Tâm Trong” này dành cho ý nghĩa thơ của hai em. Còn thế hệ của các anh, cứ thế họ kéo lê nỗi đau qua ngày tháng, kéo lê qua cuộc đời đây đó, và sẽ kéo mãi cho đến khi xuống mồ chôn mới thôi chăng?
    Ðọc thơ mà nghẹn ở cổ, nhưng không thể ngừng được, đọc đến hết rồi đọc lại, mới biết mình chưa đọc được gì.
    Cảm ơn những người bạn thơ đã tham gia trong tuyển tập thơ này. Lần đầu mình có thơ in sách, thấy lạ lắm, đọc xong không nghĩ là chính mình đã viết ra những tâm tình như thế nữa. Một tập hợp rất quý.
    Cảm ơn HX đã cho đăng bài viết.
    NL

    Reply
  2. Nguyễn Hoàng Lãng Du

    Anh Huỳnh Kim Quang thân mến,

    Tôi rất thích bài giới-thiệu của anh. Anh khéo léo dùng “Tâm Trong” là trọng-điểm để nối kết các tác giả một cách tự-nhiên. Các bài giới-thiệu khen tặng nhau thì có nhiều nhưng bài giới thiệu như anh viết thì ít thấy. Độc giả của anh đọc rồi còn muốn đọc thêm trong tuyển tập. Anh viết trong một thời-gian ngắn . Lúc đầu khi xúc-tiến thực-hiện cuốn Tâm Trong với tiểu-lão Bạch Xuân Phẻ, tôi nghĩ có 10 người may mắn được góp mặt với nhau. Bây giờ phải kể là 12 người mới đúng: Anh và anh Uyên-Nguyên. Thật ra là 13 người. Chị Tuyết-Đào đã nhiệt-thành sửa-soạn cho bài giới-thiệu này. Chân-thành cám ơn chị.

    Một điều nữa tôi muốn nói anh là một hành-giả uyên-thâm . Đọc lời giới-thiệu không chỉ có thơ mà còn chan-chứa mầu sắc tuyệt-vời của Ánh Đạo Vàng.

    Reply
  3. Dạ Lan

    Tâm Trong
    tựa đề sao thấy Thiền quá nhưng mà đọc hết lời giới thiệu thì thấy
    thơ của các tác giả cũng rất đời thường …chạy.

    Reply
  4. TT Hieu Tha

    Chúc mừng nhửng tâm hồn đồng điệu yêu thơ…quý thơ..quý tâm hồn sáng tạo…
    Happy new year!

    Reply
  5. nguyentiet

    “Đó chỉ là một vài cái góc nhỏ của vườn thơ Tâm Trong. Vì thích quá không thể giữ trong lòng nên người viết xin giới thiệu với người đọc một vài cảm nghĩ về tuyển tập thơ Tâm Trong để cùng chia xẻ. Nhưng, tự mình đọc Tâm Trong độc giả sẽ cảm nhận thấm hơn, trọn vẹn hơn gấp bội phần vài điều giới thiệu sơ sài ở đây.
    Đọc Tâm Trong lòng mình sẽ lắng trong và bình an hơn. Khi cõi lòng lặng yên sẽ thấy thế giới và cuộc đời đáng yêu hơn.” (HKQ)

    Bài giới thiệu tuyển tập thơ TÂM TRONG của anh Huỳnh Kim Quang hay quá, rất lôi cuốn làm Nguyentiet cũng muốn được đọc vì rất ngưỡng mộ các nhà thơ trong tuyển tập TÂM TRONG.
    Cám ơn anh Huỳnh Kim Quang. Chúc năm mới an lành hạnh phúc đến với mọi người.

    Reply
  6. SÔNG SONG

    SS dược cái may mắn được đọc TÂM TRONG do Ông Rùa Đá gởi qua Email. SS đã dành 2 ngày để “từ từ” uống từng giọt TÂM TRONG. Nhưng tối nay vào đọc bài giới thiệu của anh Huỳnh Kim Quang đã dẫn dắt SS xuyên suốt vào TÂM TRONG.
    “Đọc Tâm Trong mang lại cho tôi nhiều thú vị quý báu. Một trong những điều làm tôi thú vị nhất khi đọc Tâm Trong là ở đây tôi có thể tìm được những vần thơ chuyên chở hầu như tất cả những sắc thái, trạng huống, thực trạng, và ý nghĩa của cuộc đời, từ tình yêu, đạo lý, triết lý, tôn giáo, Phật, Chúa, chiến tranh, cái chết, sanh ly tử biệt, đến quê hương, dân tộc, lịch sử, phong tục, tập quán, xuân, hạ, thu, đông, Tết Tây, Tết Ta, v.v… Nói chung là mọi chuyện trên đời đều được mười nhà thơ cảm nhận bằng cái tâm trong một cách tinh tế và sâu sắc rồi thổi chúng vào chữ, họa chúng thành hình và phối khí thành giai điệu để cho người đọc tha hồ thưởng thức.(HKQ)”
    SS xin cảm ơn anh HKQ và 10 tác giả của TÂM TRONG. Xin chúc nhà nhà, người người an lành và hạnh phúc cùng năm mới.

    Reply

Leave a Reply to Dạ Lan Cancel reply

Your email address will not be published.