…Đó là một quần đảo trên biển Đông, ngoài khơi Thuận – Quảng. Tín Nhi, Hoàng Nhi và Lương Văn Canh đứng trước mũi chiếc đại thuyền đang lướt sóng tiến gần đến bờ một hòn đảo lớn phía Tây Nam. Nhìn từ xa xa, các hòn đảo giống như những đụn cát vàng nổi lên trên mặt nước, lấp loáng ánh tà dương trông như những núi vàng vô cùng ngoạn mục. Hoàng Nhi không khỏi buộc miệng trầm trồ:
– Đẹp quá! Thiên tổng và Tín ca xem chúng giống những núi vàng không kìa. Có tất cả bao nhiêu đảo, Thiên tổng?
Lương Văn Canh chỉ tay một vòng đáp:
– Không biết chính xác được. Nhưng ít nhất phải trên trăm hòn. Thấy lá cờ Tây Sơn phất phới kia không? Đó là nơi đồn trú của thủy đội Hoàng Sa. Ngôi am nhỏ của Tịnh Quang sư phụ cách đó không xa.
Hoàng Nhi náo nức:
– Nhanh lên. Chúng ta hãy ghé am gặp Lâm ca trước.
Tín Nhi nhắc:
– Đã chắc đâu mà gặp Lâm ca. Huống chi anh ấy nay đã là Thiền sư đạo hạnh lánh đời. Chú mày đừng gọi là Lâm ca nữa. Nhất là những chuyện quá khứ.
Văn Chánh hỏi:
– Vị Lâm ca mà quân trưởng nhắc tới đó là ai?
Tín Nhi nói:
– Thiền sư đã không chịu nói ra, tôi cũng không dám nhắc đến. Đợi gặp mặt xem thế nào đã.
Chiếc thuyền cập sát vào một ghềnh đá san hô, nơi có một kè tàu. Ba người lên bờ. Văn Canh nói với Phàn Văn Tài:
– Anh em lo phận sự của mình, ta đưa hai vị này sang thăm sư phụ trước đã.
Họ vòng qua một rừng cây rậm đến bờ một con suối. Phía bên kia là ngôi am nhỏ, chung quanh trăm hoa nở rực trông như cảnh tiên. Văn Canh đưa hai người qua chiếc cầu bắt ngang con suối đến trước cửa am, có tiếng chuông từ bên trong vọng ra. Văn Canh chắp tay xá vào trong bốn xá nói:
– Bẩm sư phụ. Có người đến viếng am bái phật.
Tín Nhi và Hoàng Nhi đều hồi hộp nhìn chăm chăm vào cửa am. Một lúc sau vị thiền sư trong bộ cà sa mộc mạc hiện ra nơi cửa. Vừa trông thấy mặt, Hoàng Nhi đã buộc miệng reo lên:
– Lâm ca! Đúng là Lâm ca rồi.
Chợt nhớ lại lời nói của Tín Nhi, nó vội đưa tay bịt miệng mình lại. Tín Nhí cũng không tránh được sự mừng rỡ, hai hàng lệ chợt lăn dài trên má, chàng nói nhỏ:
– Tạ ơn trời phật! Anh ấy vẫn còn sống.
Vị Tịnh Quang thiền sư không ai khác hơn là Trần Lâm. Nhìn thấy Tín Nhi và Hoàng Nhi, nhà sư không dấu được vui mừng bước vội ra bên ngoài dang rộng hai tay. Tín Nhi và Hoàng Nhi nhào tới ôm chầm rồi cả hai cùng bật khóc. Ba vòng tay siết thật chặt. Tịnh Quang thiền sư nói:
– Mối nhân duyên giữa chúng ta thật sâu đậm. Hai em tao ngộ thế nào?
Tín Nhi buông vòng tay, nhìn Tịnh Quang một lúc mới đáp:
– Bọn em vẫn sống tốt. Mừng cho đại… ơ… Sư phụ pháp thể vẫn an khang.
Tịnh Quang mỉm cười:
– Hai em không cần câu nệ việc xưng hô. Đại ca hay sư phụ cũng thế thôi, thuận miệng thì cứ gọi.
Hoàng Nhi cười:
– Vậy em kêu sư phụ là Lâm ca như trước nhé.
Tín Nhi nói:
– Gọi là sư huynh sẽ dễ nghe hơn.
Lương Văn Canh ngạc nhiên hỏi:
– Thì ra sư phụ và hai người biết nhau từ trước à?
Tịnh Quang đáp:
– Chúng tôi là anh em kết nghĩa.
Văn Canh chắp tay vái:
– Mừng sư phụ gặp lại người thân. Đệ tử cáo lui để lo một số công việc.
Văn Canh đi rồi, Tịnh Quang nói:
– Vào đây, chúng ta uống trà nói chuyện. Lúc mới đến đây anh chỉ dựng một căn nhà nhỏ để trú thân, sau anh em binh sĩ Tây Sơn dựng lên ngôi am này.
Họ ngồi dưới một chái hiên bên con suối nhỏ, Tịnh Quang rót trà ra ba chiếc tách nhỏ nói:
– Ở đây chỉ có trà, hai em uống đỡ khát.
Hoàng Nhi hỏi:
– Vậy là từ nay sư huynh phải cữ rượu thịt, chỉ ăn chay thôi phải không?
Tịnh Quang đáp:
– Ăn chay rất tốt cho người đi tu, nhưng không nhất thiết phải cữ rượu thịt.
Hoàng Nhi trợn mắt lên tỏ vẻ kinh ngạc:
– Không nhất thiết à? Sao em thấy mấy ông thầy chùa nói người đi tu buộc phải giữ giới, cấm sát sanh, cữ rượu thịt gì đó mà.
Tịnh Quang mỉm cười:
– Bây giờ chú hãy tin như vậy đi. Mai này có cơ duyên, anh sẽ nói rõ hơn về sự khác biệt này.
Tín Nhi định nhắc đến mẹ con Đoan Trang nhưng nghĩ lại không tiện nên hỏi:
– Nhìn sư huynh rất thanh sảng, anh định ở lại đây tu đến cuối đời sao?
– Theo ý chú thì anh nên thế nào?
– Em có cơ duyên gặp được vị sư tổ của Lía đại ca, sư tổ có nói đến việc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Đại Việt ta vẫn chủ trương đem đạo vào đời. Vì thế, vị Phật hoàng Trần Nhân Tông đã vân du khắp nơi trong dân gian để hoằng dương đạo pháp.
Tịnh Quang gật đầu tán thành:
– Lời dạy của Vô Danh sư tổ chí phải.
Tín Nhi sáng mắt hỏi nhanh:
– Sư huynh có định hành đạo theo kiểu đó không?
– Hai chú lúc nào cũng nhanh trí, nhanh miệng.
Tín Nhi hiểu ý nên hỏi:
– Bấy nay anh em binh sĩ có cho anh biết tình hình trong nước mình không?
– Có. Kể cả việc mẹ con Đoan Trang hóa đá.
Tín Nhi thấy Tịnh Quang nhắc đến nghịch cảnh xưa mà nét mặt vẫn thản nhiên như không thì ngạc nhiên lắm nên nhìn sững vào mặt nhà sư. Tịnh Quang mỉm cười:
– Chắc hai chú ngạc nhiên vì sự bình thản như thờ ơ của anh về việc này phải không?
Tín Nhi ngần ngại nói:
– Em cũng định báo tin cho sư huynh nhưng lại sợ khơi lại nỗi đau cũ nên…
Tịnh Quang nói:
– Nhân quả luân hồi là điều không tránh được. Hạnh phúc và khổ đau vốn không có biên giới, nhắc lại hay không cũng vậy thôi. Khi anh ra đi, anh đã giũ sạch nợ trần, không còn vướng bận. Ý nghĩa của hai chữ xuất gia là như vậy đó.
Hoàng Nhi chen vào hỏi:
– Giũ sạch nợ trần là sao sư huynh?
– Là một sự thoát xác. Quên thân xác này đi, chỉ còn giữ cái tâm để đến với đạo.
– Vậy nay mai sư huynh trở lại với đời, chẳng phải là trở lại con người lúc trước hay sao?
– Không phải.
Hoàng Nhi nhăn mặt:
– Em không hiểu. Mấy ông thầy tu như sư huynh thật khó hiểu.
Tịnh Quang vỗ vai nó:
– Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ một người xa lạ nào, em vẫn đối xử bằng một tình thương chân thật, rồi sẽ đến lúc em hiểu ra chân tướng sự việc khó hiểu này.
Quay sang Tín Nhi, ông tiếp:
– Anh thật sự vui mừng về thành quả của Nguyễn Huệ đã mang lại cho đất nước. Con người này rất đáng để chúng ta bái phục.
Tín Nhi thở dài:
– Tiếc rằng hoàng thượng không có đại chí nên Nguyễn Huệ đang gặp nhiều khó khăn trong việc nhất thống sơn hà.
– Khó khăn gì?
– Hiện nay bọn Nguyễn Ánh đã trở lại quấy phá trong Nam, Đông Định vương mất dần lãnh thổ. Phía Bắc thì sĩ phu Bắc Hà còn chống đối, chưa chịu theo về với Tây Sơn. Nhưng cái họa lớn nhất mà Nguyễn Huệ đang lo là bọn nhà Thanh.
– Bọn nhà Thanh à?
Tín Nhi đem mọi việc kể lại và than:
– Nguyễn Huệ đang lo Càn Long sẽ mượn cớ xâm lăng nước ta. Anh ta đang ở trong thế lưỡng đầu thụ địch, khó khăn vô cùng.
– Nhiệm vụ của chú và Hoàng Nhi chuyến này là nhờ bọn Lương Văn Canh đưa vào nội địa Trung Hoa để do thám phải không?
– Cặp mắt quân sự của sư huynh vẫn tinh tường như thuở nào. Khi nghe Văn Canh nói có vị thiền sư ở đảo này, bọn em nghĩ đến anh nên tiện đường ghé ra cho biết. Không ngờ lại thật.
– Vạn sự đều do một chữ duyên mà thành. Anh sẽ đi cùng hai chú.
Hoàng Nhi reo lên:
– Thật chứ? Sư huynh bỏ tu để đi với tụi em à?
Tịnh Quang nhìn nó giải thích:
– Không phải leo lên núi vắng, hay miệt mài ngồi gõ mõ tụng kinh trong chùa mới là tu chú em ạ. Phật giáo Yên Tử Trúc Lâm của Đại Việt, như Tín Nhi vừa nhắc đến lúc nãy, chủ trương đem đạo vào đời, tu ngay trong cuộc sống, hành thiện tức hành thiền. Với tinh thần đạo đời là một, hạnh phúc của vua quan cùng bá tánh là một… nên trên dưới một lòng, nhờ vậy mà vào đời nhà Trần, chúng ta đã ba lần chiến thắng quân Mông Cổ.
Hoàng Nhi không giằn được nỗi vui mừng:
– Nếu bọn Càn Long dám đem quân sang, sư huynh cũng đem đạo vào đời, giúp Bắc Bình vương đánh cho chúng một trận chích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn để chúng biết dân ta lợi hại thế nào.
Tịnh Quang không nín được cười hỏi:
– Chú học ở đâu mấy câu nói hay ho này vậy?
– Hi…hi… Là của Bắc Bình vương Nguyễn Huệ mới nói hôm trước đó. Em nghe đã tai quá nên học thuộc lòng ngay.
Tín Nhi hỏi:
– Sư huynh là đệ tử thiền phái Trúc Lâm Yên Tử à?
– Sư phụ thuộc dòng Lâm Tế nhưng cuối đời nghiêng hẳn về Trúc Lâm. Anh đã dự trù sẽ trở về đất liền để tìm lên Yên Tử tu học thêm Phật pháp. Nay gặp cơ duyên này, anh muốn sang Trung Quốc tìm hiểu thêm về Phật pháp Trung Hoa để đối chiếu, thu thập thêm.
Có được một người tài trí như quân sư Truông Mây Trần Lâm đi cùng, Tín Nhi thêm vững lòng tin, chàng nói:
– Đã có sư huynh, bọn em khỏi phải động não nữa. Mọi việc giao hết cho anh sắp đặt.
Tịnh Quang nói:
– Hai em đi cùng Phàn Văn Tài giả làm thương buôn do thám tình hình Lưỡng Quảng. Anh và Lương Văn Canh sẽ là hai nhà sư vân du đến Bắc Kinh thăm dò phản ứng của Càn Long. Anh em Thiên Địa Hội của Văn Canh vẫn còn hoạt động ở Bắc Kinh. Sau ba tháng chúng ta gặp nhau ở Phú Xuân.
Hoàng Nhi hỏi:
– Lương tổng binh cũng phải cạo đầu làm sư à?
– Sau lần gặp anh, ông ấy đã có ý định xuống tóc quy y rồi. Con người này là một chí sĩ yêu nước. Đối với triều đình Mãn Thanh, ông ta có cả hai mối hận, nợ nước thù nhà.
Tín Nhí hỏi:
– Ba tháng có quá trễ không?
– Anh nghĩ là không. Để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh xâm lược, nếu có, chúng sẽ phải thư trình lên, chiếu dụ xuống, hoạch định kế sách, tập trung binh lính, chuẩn bị lương thảo. Anh còn lo với ba tháng chúng ta còn chưa nắm được hết tình hình của địch.
– Nhưng chúng ta cũng cần có thời gian chuẩn bị để đối phó.
– Cho nên hai em phải tùy tình hình mà hành động. Nay đã cuối tháng năm, thôi thì giữa tháng chín chúng ta có mặt ở Phú Xuân gặp Nguyễn Huệ.
Hoàng Nhi nói:
– Nếu cần, Tín ca sẽ trở về Phú Xuân trước, em ở lại bên đó thu thập thêm tin tức.
***
…Chiếc thuyền lớn cập vào bến sông Hương gần cửa Tiền thành Phú Xuân. Tín Nhi, Tịnh Quang thiền sư, Lương Văn Canh và Trần Thiêm Bảo bước lên bờ. Họ vào thành và chờ nơi tiền sảnh, toán cẩm vệ vội vã vào báo cho Nguyễn Huệ biết. Một lát sau Nguyễn Huệ bước vào, theo sau là Nguyễn Quang Thùy và Nguyễn Quang Hiển. Nhìn thấy hai nhà sư, ông thoáng ngạc nhiên nhưng chợt nhận ra nên mừng rỡ bước nhanh đến gần reo lên:
– Anh Trần Lâm! Vậy là dạo đó anh đã gặp duyên lành rồi. Bây giờ tôi phải gọi anh là sư huynh mới phải. Pháp danh của sư huynh là…
Sư Tịnh Quang đứng lên chắp tay nói:
– Mô Phật. Tôi bây giờ mang tên gọi mới là Tịnh Quang. Xin chào Bắc Bình vương gia.
Nguyễn Huệ chắp tay đáp lễ:
– Trông thấy nghi biểu, Huệ xin chúc mừng cho thành tựu đạo pháp của sư huynh vậy.
Thiêm Bảo và Văn Canh cúi đầu chào:
– Thuộc hạ ra mắt vương gia.
Quang Hiển và Quang Thùy cúi chào mọi người:
– Hai cháu chào các chú, các bác ạ.
Chào xong, Quang Thùy chạy đến cạnh Tín Nhi mừng rỡ nói:
– Chú Tín Nhi! Lâu quá cháu không gặp chú. Món phi đao chú dạy, cháu tập khá lắm rồi, xong việc ở đây chú có thể kiểm tra.
Tín Nhi ôm nó, thân mật:
– Cháu của chú giỏi lắm. Xem nào, đã trở thành chàng thiếu niên bảnh trai rồi đây. Lát nữa chú cháu mình nói chuyện thêm nhé.
Nguyễn Huệ dặn:
– Quang Hiển đi mời bác Trần Văn Kỷ, Quang Thùy đi mời bác Quang Diệu và cô Xuân đến gặp cha.
Hai chàng thiếu niên dạ ran, chào mọi người rồi lui ra. Nguyễn Huệ hỏi:
– Mọi người đều bình an chứ? Văn Canh cũng xuống tóc rồi à?
Lương Văn Canh chắp tay đáp:
– Thuộc hạ vì công việc mà cũng coi đây là một cơ duyên để quy y nên đã xin sư phụ thí phát cho.
Nguyễn Huệ nhìn Tín Nhi nói:
– Hãy vào bên trong chúng ta đàm đạo. Hoàng Nhi đâu?
Tín Nhi đáp:
– Nó còn ở lại Quảng Tây để thu thập thêm tin tức.
Họ vào tới khách sảnh thì Trần Văn Kỷ, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và Thu Cúc vừa đến nơi. Chờ hai thị nữ mang trà đến mời rồi lui ra, Nguyễn Huệ hỏi Thu Cúc:
– Em mới về tới à? Tình hình Gia Định thế nào?
Thu Cúc đáp:
– Bẩm vương gia, quân Nguyễn Ánh ngày một lớn mạnh, Đông Định vương sai Phạm Văn Tham đánh dẹp mãi không xong. Hiện Đông Định vương đã giao hết quyền hành cho Tham thái bảo để về Quy Nhơn rồi.
Nguyễn Huệ nghe nói lắc đầu than:
– Anh Bảy vốn là người thích tu hành, không ham danh lợi, vùng đất Gia Định trù phú nhưng cũng lắm việc rắc rối nên anh ấy không kham nổi. Hà! Mặt Bắc chưa yên, mặt Nam lại có loạn. Tạm thời đành phải gác bọn thằng Chủng một bên, xong bọn Thanh cẩu rồi tính tới chúng sau vậy.
Quay sang Tín Nhi, ông hỏi:
– Chuyến đi an toàn cả chứ? Công việc thế nào?
Tín Nhi đáp:
– Công việc thì tốt nhưng tình hình rất xấu.
– Bọn chúng dự tính ra quân thật à?
– Đúng vậy. Hãy nghe Lương tổng binh nói về tình hình Bắc Kinh trước đã.
Nguyễn Huệ nhìn Lương Văn Canh:
– Ta muốn biết càng nhiều càng hay về đất nước và nội bộ triều đình nhà Thanh, đặc biệt về con người của Càn Long.
Văn Canh nói:
– Vậy chúng ta nên bắt đầu từ Càn Long. Năm nay là năm thứ năm mươi ba của đế chế Càn Long. Có thể nói đây là giai đoạn cực thịnh của nhà Thanh với bảy lần chinh phục các nước lân bang, để mở rộng biên giới.
Nguyễn Huệ ngạc nhiên hỏi:
– Bảy lần đi chinh phục! Những nước nào?
Văn Canh đáp:
– Hai lần chinh phạt Kim Xuyên (Tây Tạng) ở phía tây Tứ Xuyên, hai lần chinh phạt Chuẩn Cát Nhĩ, một bộ lạc người Mông Cổ phía Tây bắc, một lần đánh người Hồi Hồi ở Hồi Cương phía nam Thiên Sơn, một lần chinh phạt Miến Điện nhưng thất bại phải cầu hòa. Năm nay họ vừa đánh thắng Lâm Văn Sảng và thu phục Đài Loan. Bằng những chiến tích đó, Càn Long rất đắc ý với những võ công của mình, hiện ông ta đang ra lệnh cho Quân Cơ Xứ dự thảo kế hoạch đánh người Khuếch Nhĩ Khách ở Nê-pan vì chúng đang đánh chiếm một phần biên giới của Kim Xuyên (Tây Tạng).
Nguyễn Huệ gật gù khen:
– Càn Long đúng là một ông vua giỏi. Quân Cơ Xứ tổ chức thế nào?
Văn Canh đáp:
– Gồm tứ trụ đại thần, giúp Càn Long việc trị quốc như vai trò một tể tướng. Ban đầu Quân Cơ Xứ chịu trách nhiệm soạn thảo ra những kế hoạch quân sự, về sau họ còn đảm nhận thêm nhiều nhiệm vụ khác. Hiện nay A Quế đứng đầu Quân Cơ Xứ, gian thần Hòa Khôn đứng thứ nhì. Hai con người một trung một nịnh này tuy âm thầm chống đối nhau nhưng ngoài mặt vẫn sống chung hòa bình.
– Quân Cơn Xứ đã có kế hoạch gì về chuyện xâm lăng Đại Việt chưa?
– Dạ chưa có gì rõ ràng cả. Dường như Quân Cơ Xứ không muốn đem quân xuống An Nam vì họ đang chuẩn bị để đánh Khuếch Nhĩ Khách. Tuy nhiên Càn Long lại đồng tình với những tấu chương yêu cầu động binh của Tôn Sĩ Nghị gởi lên.
– Và ông ta quyết định tiến hành?
– Thưa, đúng vậy. Càn Long nay đã gần bát tuần, ông ta có tham vọng sẽ thực hiện mười chiến công lớn trong đời mình để đạt được danh hiệu Võ Công Thập Toàn mà ông ta thường nói với quần thần.
Nguyễn Huệ mỉm cười:
– Ông vua này có nhiều ý nghĩ hay đấy chứ? Với những chiến công và đóng góp của ông ta cho đất nước Trung Hoa, gọi như thế cũng xứng đáng lắm.
Lương Văn Canh nói, giọng có vẻ chua chát:
– Người Mãn Châu may mắn đã có được ba ông vua rưỡi đáng được gọi là minh quân, cho nên người Hán chúng tôi mặc dù hết lòng nổi dậy đánh đuổi vẫn không thể đẩy họ trở về sa mạc được. Mối hờn vong quốc này không biết đến bao giờ mới rửa sạch.
Nguyễn Huệ an ủi:
– Quý hồ còn những con người có lòng như tướng quân, chuyện phục quốc không phải là không có hy vọng. Ba ông vua rưỡi là sao?
– Tạ ơn vương gia khích lệ. Họ là Thuận Trị, Khang Hy, Ung Chính và tuổi trẻ Càn Long.
– Vậy ra hiện thời Càn Long đang là một hôn quân à?
– Có thể nói như vậy. Càn Long vốn là một vị vua văn võ song toàn. Chỉ riêng về thơ, chưa có nhà thơ Trung Hoa nào sáng tác nhiều thơ hơn ông ta. Nghe đâu ông ta đã sáng tác hơn bốn vạn bài thơ.
Tín Nhi nhỏm lên khỏi ghế vì kinh ngạc:
– Hơn bốn vạn bài thơ à?!
– Dạ đúng vậy. Con số này gần tương đương với tổng số Đường thi của Hán tộc.
Nguyễn Huệ mỉm cười:
– Ông vua già thật có lắm điều lý thú. Đúng là một vị Phong lưu Thiên tử.
Văn Canh nói tiếp:
– Về võ công, trong ba mươi năm đầu, Càn Long đã kế tục được sự nghiệp của các tiên vương, mở mang nước Trung Hoa thành một đế chế vô cùng rộng lớn và hùng mạnh. Ông không ngần ngại chi hàng trăm triệu lượng bạc vào kinh phí chiến tranh. Nhưng càng về sau, ông vua này càng tỏ ra độc tài và hoang phí đến vô độ, chi tiêu rất hào nhoáng cho những cuộc du hành vào dân gian với hàng ngàn kẻ hầu người hạ đi theo. Ông cho xây khắp nơi những cung điện mùa hè để đến nghỉ mát. Mỗi một kỳ nghỉ hè hay du ngoạn như thế tiêu tốn hàng vài triệu lạng bạc là chuyện thường thình. Một trong những công trình vĩ đại và tốn kém nhất của Càn Long là khu nghỉ mát Viên Minh Viên cực kỳ tráng lệ ở phía Tây Bắc Kinh. Đã vậy, ông còn thẳng tay trừng trị bất kỳ ai dám lên tiếng ngăn cản hay chỉ trích những việc làm đó, bởi Càn Long lúc nào cũng muốn chứng tỏ mình là một bậc thánh quân, phải du hành vào dân chúng và phải được hưởng thụ đúng với những thành quả do mình tạo dựng nên.
Bùi Thị Xuân lên tiếng:
– Con người khi lên đến tột đỉnh quyền uy và danh vọng thường vọng tưởng như vậy. Điều này chứng tỏ Càn Long không phải là một ông vua giỏi. Hẳn tình hình triều chính nhà Thanh đang có lắm chuyện bê bối phải không?
Lương Văn Canh khen:
– Bùi đô đốc suy luận rất chính xác. Nhận định về con người của Càn Long và tình hình triều chính nhà Thanh xin mời sư phụ nói ra sẽ chuẩn xác hơn.
Nguyễn Huệ hỏi:
– Nhận xét của sư huynh thế nào?
Tịnh Quang đáp:
– Hiện tình nhà Thanh cũng giống như thời Võ vương của ta vậy. Đất nước Trung Hoa vào hai mươi năm trước đang ở đỉnh cao nhất của phồn vinh và hùng mạnh, uy vũ và danh tiếng của vua Càn Long cũng lên cao đến mức tuyệt đỉnh từ đó sinh ra kiêu ngạo và tự phụ. Càn Long tự ví mình là con trời và đất nước Trung Hoa mà ông ta cai trị là Thiên triều, là trung tâm của vũ trụ, bởi vậy ông ta ban hành chính sách bế quan tỏa cảng. Chính sách này phát sinh từ sự bảo thủ độc đoán của Càn Long, mặt khác nó cũng do tâm lý tự mãn quá độ, sợ phải nhìn thấy kẻ khác hơn mình và sợ kẻ đó nhìn thấy sự yếu kém của mình, từ đó đẩy đất nước Trung Hoa vào con đường nghèo khổ và lạc hậu hơn rất nhiều so với vùng đất Ma Cao đã cho người Bồ Đào Nha thuê.
Nguyễn Huệ hỏi:
– Nghĩa là nạn tham quan và bạo chúa đang ngự trị cả đất nước?
– Đúng vậy. Càn Long tin dùng một cách mù quáng một tên Hồng Kỳ binh trẻ tên Hòa Khôn, đến độ chỉ trong vòng mười năm, từ một tên lính gác cung điện, nhờ dáng dấp thanh tú đã thăng đến chức Đại học sĩ, có thế lực nhất, giàu có nhất và thân cận nhất. Dưới quyền Hòa Khôn, nạn mua quan bán tước, hối lộ và bóc lột dân chúng còn hơn cả dưới thời Trương Phúc Loan trước đây.
Văn Canh chen vào:
– Những tin tức nội bộ triều đình và Quân Cơ Xứ đều được anh em Thiên Địa Hội moi ra từ đường dây của tên Hòa Khôn này.
Nguyễn Huệ vừa xoa nhẹ hàm râu kẽm vừa lẩm bẩm:
– Vua hoang phí, quan hối lộ, quân đội lại viễn chinh liên tục, vậy thì dân đen làm sao mà sống, quốc khố còn gì để lo cho bá tánh?
Văn Canh đáp:
– Vua quan thì xa xỉ còn dân đen thì nghèo khổ cùng cực. Đã thế năm nào đê điều cũng bị vỡ, lũ lụt liên miên, vì kinh phí đắp đê đã bị bọn tham quan ăn bớt. Bá tánh kêu trời không thấu.
Tịnh Quang nói:
– Nhìn vẻ ngoài to lớn và hào nhoáng, nước Trung Hoa trông rất huy hoàng, oai vệ, nhưng thực lực thì e rằng đã rơi vào chỗ có tiếng mà không có miếng. Sự huy hoàng đó đầy vẻ giả tạo. Càn Long như một thủy thủ già nua đang lái con thuyền rồng Trung Hoa lộng lẫy từ trên đỉnh cao của sự huy hoàng lao xuống vực thẳm hèn yếu, bạc nhược. Với một đất nước to lớn được tập hợp bởi nhiều chủng tộc có văn hóa khác nhau, sự yếu kém của triều đình trung ương rất dễ gây ra tình trạng phân hóa, dẫn đến nội loạn.
Ánh mắt Nguyễn Huệ chợt lóe lên tia sáng, ông nói:
– Nhận định của sư huynh thật sâu sắc. Chúng đã có quyết định gì chưa?
Văn Canh đáp:
– Trước khi hạ chức rời Bắc Kinh trở về thì Càn Long đã chấp thuận đề nghị động binh của Tôn Sĩ Nghị từ Lưỡng Quảng đệ lên. Họ dự tính sẽ dùng binh mã của Vân Nam – Quý Châu và Lưỡng Quảng, đặt dưới quyền điều khiển của tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị để tiến đánh chúng ta.
Bùi Thị Xuân nói:
– Chiến trường Bắc Hà rất thuận tiện để dùng tượng binh. Lần này vương gia phải cho tượng binh dẫm nát bọn chó Ngô một trận cho chúng vỡ mật như bọn Xiêm La năm trước mới được. Cháu xin được lãnh nhiệm vụ này.
Nguyễn Huệ nói:
– Việc này hãy chờ đến lúc biết rõ phương thức tiến quân của địch hãy quyết định. Tình hình Lưỡng Quảng thế nào?
Tín Nhi lấy trong người ra một tờ giấy đưa cho Nguyễn Huệ, nói:
– Đây là tờ hịch của Càn Long sai tổng đốc Vân Nam và Quý Châu là Phú Cương tung ra để đánh một đòn tâm lý. Vương gia đọc đi.
Nguyễn Huệ mở tờ hịch đọc qua, có mấy đoạn sau:
… Bản bộ đường tổng đốc các tỉnh Vân Nam – Quí Châu cùng với tổng đốc Quảng Ðông – Quảng Tây họ Tôn đều trông coi hai tỉnh, cùng phụng thánh chỉ đem quân tiễu trừ bọn giặc.
…………..
…Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ các ngươi vốn là bầy tôi họ Lê, nay dám làm điều phản loạn, đem quân đuổi chủ, dân trong nước không ai là không phẫn hận, hiện nay Tôn tổng đốc đích thân dẫn đại binh tiễu trừ, lại có trấn mục Lạng Sơn là Phan Khải Ðức cùng nhân mã bảy châu, thêm xưởng dân châu Văn Uyên là Hoàng Liêu Ðạt, xã mục châu Thất Tuyền là Nguyễn Trọng Khoa tất cả kéo nhau đi trước. Binh mã Lưỡng Quảng uy phong cường tráng, liệu bọn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ yêu ma tiểu xú các ngươi, dám giơ cái càng bọ ngựa chống trả, một khi bắt được rồi ắt sẽ lập tức tru diệt, còn như trốn chạy vào nơi núi rừng, thì dân trong nước cũng sẽ bắt lấy đem hiến cho vua Lê, quốc vương các ngươi trước bị đuổi đi, lẽ nào bây giờ lại dung thứ?
…Nếu như Nguyễn Nhạc biết tức tốc quay đầu, bản bộ đường sẽ tâu lên đại hoàng đế mở cho một đường, tìm cách chiếu liệu. Bản bộ đường ngưỡng vọng đức hiếu sinh của đại hoàng đế như trời nên đặc biệt chỉ đường mê cho ngươi, tìm một sinh lộ mới, hoạ phúc hay không chỉ trong khoảnh khắc, chớ nên chần chờ, hãy vâng theo lời dụ này[1]
Nguyễn Huệ đọc xong cười lớn nói:
– Chúng vừa hăm dọa các trấn mục biên giới đã theo về với Tây Sơn vừa dọa dẫm nếu hoàng thượng và ta có khiếp hãi thì quy thuận chúng. Ha…ha… Đã vậy ta cũng giả bộ như khỉ sợ rung cây để chúng sinh lòng kiêu ngạo.
Trần Văn Kỷ hỏi:
– Vương gia định viết thư nhận tội với bọn chúng à?
– Đúng vậy, nhưng không phải ta viết. Việc này hãy giao cho Ngô Văn Sở và bọn Lê Duy Cẩn đảm trách. Dặn họ dùng lời lẽ thật nhún nhường để thỏa mãn tính tự phụ của vua tôi Càn Long.
– Vương gia thật cao kiến. Tôi sẽ gởi thư căn dặn Ngô Thời Nhậm.
Huệ lại hỏi:
– Các trấn mục biên giới đã đầu hàng Tôn Sĩ Nghị, việc này không có gì đáng nói, nhưng ta biết Phan Khải Đức, Trần Danh Bính là những người rất nghĩa khí, sao lại theo giặc dễ dàng như vậy?
Tín Nhi nói:
– Vương gia đánh giá rất đúng. Hai người này nhất thời thấy thế giặc to nên quy thuận, nhưng nếu có thể thuyết phục, họ sẽ là những người tâm phúc của ta trong lòng địch.
– Việc này giao cho ngươi. Tôn Sĩ Nghị là người thế nào?
– Tôn Sĩ Nghị người Hàng Châu, đỗ Tiến sĩ lúc tuổi đã bốn mươi. Nhơn chuyến du Giang Nam lần thứ ba của vua Càn Long, hắn dự một kỳ khảo thí đỗ đầu nên Càn Long khen và triệu về làm Nội Các Trung Thư, sau đó thăng lên Quân Cơ Chương Kinh cùng làm việc với Học sĩ Phó Hằng. Năm Càn Long thứ ba mươi ba. Sĩ Nghị cùng Phó Hằng đem quân chinh phạt Miến Điện, tuy không thắng nhưng khi trở về được thăng lên Hộ bộ thị lang trung, rồi tuần phủ Vân Nam. Lúc tổng đốc Lưỡng Quảng là Phú Lặc Hồn tham nhũng bị cách chức, Sĩ Nghị được bổ nhiệm giữ chức này.
Huệ hỏi:
– Tính cách của hắn thế nào?
– Hắn là người có nhiều tham vọng, muốn lưu danh hậu thế nên rất tận tụy với công việc. Trong chiến dịch Đài Loan, tuy tổng đốc Phúc Kiến là Phúc Khang An được chỉ định làm nguyên soái, Sĩ Nghị chỉ lãnh nhiệm vụ tiếp liệu cho cuộc chiến nhưng vì làm tốt công việc nên được Càn Long thăng chức Văn Uyên Các Đại Học Sĩ, tam đẳng nam tước và ban mũ với lông công hai mắt, một vinh dự đặc biệt đối với một quý tộc người Hán.
Nguyễn Huệ gật gù khen:
– Tên này khá lắm.
– Đúng vậy. Hắn lúc nào cũng muốn chứng tỏ mình là người văn võ song toàn nhưng chưa có dịp nào thực hiện. Năm rồi Phúc Khang An chiến thắng trong chiến dịch Đài Loan khiến họ Tôn có bụng ganh tức vì vậy khi hay tin bọn tông thất nhà Lê cầu viện, Sĩ Nghị nghĩ ngay đến việc xua quân xâm lấn An Nam để tạo danh tiếng cho mình. Hắn tin chắc cuộc viễn chinh sẽ rất dễ dàng nên viết ngay một tấu chương trình lên vua Càn Long xin được ra quân.
– Vua muốn đạt danh hiệu thập toàn, tướng biên cương muốn tạo cho mình một võ công hiển hách, hai chí lớn gặp nhau thì cho dù Quân Cơ Xứ có không muốn, việc động binh tất phải được thực hiện.
Tịnh Quang nói:
– Đúng vậy. Càn Long ngoài giấc mơ đạt được danh hiệu Thập Toàn Lão Nhân, hắn còn có tham vọng đặt nền móng đô hộ trên đất nước ta. Hắn còn có một âm mưu khác cũng rất thâm hiểm, đó là muốn tiêu diệt tinh thần Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử của Đại Việt.
Nguyễn Huệ ngạc nhiên hỏi:
– Sư huynh nói rõ hơn xem nào. Tiêu diệt tinh thần Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử là sao?
Tịnh Quang đáp:
– Có lẽ nên sơ luợc qua nguồn gốc và nền tảng của Phật Giáo Trúc Lâm để vương gia biết và có kế hoạch bảo hộ và phát triển sau này. Phật giáo Yên Tử vốn được bắt đầu từ Thiền sư Hiện Quang, đời vua Lý Huệ Tông. Thiền sư Hiện Quang là Sơ Tổ dòng Thiền Yên Tử. Đến đời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông sau khi lãnh đạo đất nước chiến thắng thêm hai cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ đã từ bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử tiềm tu và viên thành chánh quả, pháp hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng và lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Sau ngài Điều Ngự truyền y bát xuống sư Pháp Loa rồi sư Huyền Quang – Lý Đạo Tái. Ba vị này là Tam Tổ Trúc Lâm. Chính Tam Tổ Trúc Lâm mới thực sự có công trong việc thống nhất các phái Thiền đã du nhập từ Trung Hoa và Ấn Độ để xây dựng thành Thiền phái Trúc Lâm. Tam Tổ đã thay đổi một vài nội dung để tạo nên một dòng Thiền đặc trưng của người Việt, nhất là trong bối cảnh Đại Việt trước hiểm họa Nguyên Mông lúc bấy giờ.
Bùi Thị Xuân hỏi:
– Thiền đặc trưng của người Việt là thế nào?
– Nét đặc trưng của Thiền Trúc Lâm là lấy đời làm đạo. Lấy hạnh phúc của người khác làm tiêu chí để tu hành. Tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thể hiện rất rõ khi các Tổ đề xướng “Tâm Phật cũng là Tâm dân tộc”. Cho nên khi vua Trần Thái Tông lên Yên Tử cầu Phật, Quốc sư Trúc Lâm đã dạy: “Phàm là đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nếu bệ hạ thực lòng hiếu Phật, thì không có gì bằng quay trở về lo cho bách tính, giảm nhẹ hình án, chăm lo cây đức của muôn nhà mãi mãi xum xuê, xin bệ hạ chớ nguôi quên”.
Ánh mắt của Nguyễn Huệ chợt lóe lên một tia sáng, ông cảm thán:
– Một triều đình như vậy thì quân xâm lăng có mạnh đến thế nào cũng phải chuốc lấy thảm bại. Thật đáng để chúng ta tự hào và học theo.
Bùi Thị Xuân hỏi:
– Cho nên bọn Càn Long sợ cái tinh thần ấy sẽ khiến cho dân Việt đoàn kết lại thì chúng sẽ bị tan tành như bọn Mông Cổ lúc trước nên tìm cách tiêu diệt?
– Bùi đô đốc nói đúng. Chúng muốn đàn áp và hủy diệt tinh thần Phật giáo Yên Tử để đưa Phật giáo của Tịnh Độ tông Trung Hoa vào nước ta.
Trần Văn Kỷ ngạc nhiên hỏi:
– Theo chỗ hiểu biết của tôi thì Phật giáo Trúc Lâm là sự kết hợp của ba tông phái Thiền tông, Tịnh Độ tông của Trung Hoa và Mật tông của Ấn Độ, như vậy việc chúng đưa Tịnh Độ tông vào nước ta có gì đáng lo?
Tịnh Quang đáp:
– Tịnh Độ tông nguyên thủy do Thiền sư Huệ Viễn đời nhà Tấn – Trung Hoa sáng lập, là một pháp môn tu tập chính thống, giúp cho người chuyên tu rũ bỏ những phiền não thế gian bằng cách chí tâm đảnh lễ và niệm Phật A Di Đà để được vãng sanh nơi Cực Lạc. Tuy nhiên vào khoảng cuối thế kỷ thứ bảy, khi sư Pháp Minh dâng bộ Đại Vân Kinh lên Võ Tắc Thiên nhà Đường, truy tôn bà là một vị Phật Di Lặc Sống, Võ Hậu vì muốn che đậy phần nào những hành vi dâm, bạo của bà ta trong chính trường nên đã hạ sắc chỉ cho in bộ kinh này lưu hành rộng khắp dân gian, bà còn viết bốn câu kệ khai kinh vào đầu bộ Kinh Đại Thừa của Phật giáo Trung Hoa, từ đó pháp môn Tịnh Độ phổ biến rộng trong dân gian đã biến thể trở thành mê tín. Các vua chúa Trung Hoa theo gương Võ Hậu, lợi dụng lòng tham cầu Cực Lạc của đại đa số lão bá tánh tiểu trí, dùng nó như một phương tiện để phục vụ cho vương triều của mình.
Bùi Thị Xuân thích thú hỏi:
– Vị Nữ hoàng duy nhất của Trung Quốc đó cũng có thể viết được kệ khai kinh Đại Thừa à? Thật ly kỳ!
– Đúng vậy. Võ Hậu tuy là một người phụ nữ tàn ác trong chính trị nhưng lại có công phát triển, đưa Phật giáo Trung Hoa lớn mạnh, lấn át cả Đạo giáo và Khổng giáo truyền thống thời bấy giờ. Tuy nhiên, ngay trong bốn câu kệ khai kinh, ở hai câu sau bà ta đã hiểu sai ý Phật khi nói: “…Ngã kim kiến văn đắc thọ trì. Nguyện giải Như Lai chơn thiệt nghĩa”. Nghĩa là: “Nay con nghe thấy chuyên trì tụng. Nguyện rõ Như Lai nghĩa nhiệm mầu”. Đạo Phật chính tông của Đức Bổn Sư Thích Ca không chủ trương hành ác như Võ Hậu rồi đêm về trì tụng để xóa bỏ ác nghiệp mà vãng sanh Cực Lạc. Tịnh Độ tông bị bóp méo biến thành mê tín, dối đời, khởi nguồn từ đó. Trên đã gian dối thì dưới sẽ lầm mê.
Trần Văn Kỷ chắp tay vái Tịnh Quang một vái, cung kính thưa:
– Nghe lời giảng của sư huynh, kẻ mù lòa như tôi mới được mở rộng tầm mắt.
Nguyễn Huệ hỏi:
– Công đức của Võ Hậu phát triển đạo Phật ở Trung Hoa có lẽ cũng giống như các đời chúa Nguyễn chúng ta rước hàng loạt các Thiền sư Trung Hoa sang truyền đạo và cho phép hàng ngàn ngôi chùa mọc lên để chứa chấp hàng vạn tăng ni mượn đạo lánh đời phải không?
Tịnh Quang đáp:
– Đúng vậy. Ba tháng qua tôi đi được khá nhiều nơi, thăm thú và trao đổi với khá nhiều thiền sư, cư sĩ Trung Hoa nên có được một cái nhìn tuy tổng quan nhưng khá chính xác về tình hình Phật giáo bên đó. Những thiền phái, những chùa chiền, tu sĩ nào theo Phật giáo chính thống đều bị nhà Thanh đàn áp hoặc tiêu diệt. Điển hình là những ngôi chùa thuộc Nam Thiếu Lâm mấy lần bị đốt bỏ và tăng chúng bị truy sát, vì Phật giáo chính tông chủ trương sát cánh với đồng bào để đấu tranh cho sự trường tồn của dân tộc và hạnh phúc của bá tính. Số lớn còn lại thường là nơi mượn đạo lánh đời như vương gia vừa nói.
– Âm mưu của chúng định đối phó với Phật giáo Trúc Lâm của ta thế nào?
– Có lẽ chúng sẽ thực hiện biện pháp mạnh, đốt bỏ và tiêu diệt giống như đã đối phó với Thiếu Lâm Tự.
Nguyễn Huệ nhíu mày suy nghĩ một lát nói:
– Quân Thanh tung tin sẽ mang tới năm mươi vạn quân tràn sang, tuy con số đó chỉ là tin thất thiệt để dọa dẫm tinh thần quân dân ta nhưng với khí thế mạnh mẽ của đoàn quân xâm lược, quân chủ lực của ta ở Thăng Long chỉ có dưới một vạn tất không thể ngăn cản nổi. Việc bảo vệ chùa Yên Tử và tăng ni ở đó e khó thực hiện, sư huynh có cách gì không?
Tịnh Quang đáp:
– Quân đội nhà Thanh nếu có sang cũng sẽ không trực tiếp ra mặt đàn áp đạo pháp để tránh khích động thêm sự căm thù của dân ta. Việc đàn áp và phá hoại, như Tín Nhi đã thu thập được, họ sẽ giao cho các tăng lữ của chùa Hoa Đình ở Côn Minh, Vân Nam, đi theo đoàn quân. Việc này tôi có thể thu xếp được. Chúng ta cần phải tập trung bảo vệ Phật địa Yên Tử trước. Cái gốc mà còn thì mai này sẽ còn cơ hội tái sinh, những nơi khác có bị thiệt hại cũng phải chấp nhận như một ách nạn của đạo pháp mà thôi.
– Sư huynh cần trợ giúp xin cứ nói ra.
Tịnh Quang hỏi Trần Văn Kỷ:
– Tình hình tăng lữ Phật giáo ở Phú Xuân ngài nắm rõ chứ?
Văn Kỷ đáp:
– Dạ rõ. Sư huynh định đưa họ ra bảo vệ Yên Tử à?
– Tôi cần khoảng hai mươi tám vị tu sĩ có võ công giỏi nhất Phú Xuân, ngài tìm giúp cho?
– Dạ được. Khi nào sư huynh khởi hành?
– Chúng tôi sẽ lên đường khi nào có đông đủ.
– Tôi sẽ cho người đến các ngôi chùa lớn Thuận Hóa hỏi thăm và mời họ ngay.
Tín Nhi hỏi:
– Sư huynh cần hai mươi tám vị sư để lập thành Nhị thập bát tú trận phải không?
Tịnh Quang đáp:
– Hy vọng từ nay đến ngày đó tôi có thể giúp họ thực hiện được trận pháp này.
Tín Nhi đùa:
– Vương gia biết không, chùa Hoa Đình ở Côn Minh có tới năm trăm tượng La Hán, họ nổi danh khắp Trung Nguyên về Thập bát la hán trận, còn trên cả Thiếu Lâm ở Tung Sơn. Nay sư huynh dùng Nhị thập bát tú trận của Đại Việt để đánh các đệ tử kiệt xuất của những la hán tượng kia thì hẳn là một trận đấu kinh thiên. Nếu công việc cho phép, tôi nhất định đến tham dự cuộc vui này.
Nguyễn Huệ mỉm cười:
– Chính ta cũng háo hức muốn tham gia đừng nói chi ngươi. Hãy để xem tình hình thế nào đã. Tốt hơn hết là đừng để cho chúng có cơ hội thực hiện ý đồ đen tối này.
Trần Quang Diệu chợt lên tiếng:
– Lực lượng quân Thanh lớn như vậy, quân Tây Sơn dưới quyền vương gia chỉ hơn hai vạn làm sao chống cự được chúng?
Nguyễn Huệ nói:
– Một mặt phải xin viện binh từ Quy Nhơn, mặt khác phải cấp tốc tổng động viên các xứ từ Quảng Nam ra đến Thanh Hóa để huấn luyện cho kịp. Ông cùng Lý Văn Bưu và Võ Đình Tú tiến hành ngay cho ta.
Quang Diệu nói:
– Hộ bộ Hồ Đồng vừa cho tôi biết, tráng đinh của Thuận Hóa và Nghệ An còn rất ít vì đã bị sung quân nhiều đợt. Muốn có đủ lực lượng chống giặc Thanh chỉ còn cách phải cầu viện quân chủ lực và tráng đinh ở Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên và Diên Khánh mà thôi.
Văn Kỷ lo ngại hỏi:
– Biết hoàng thượng có chịu phái quân ra giúp mình không? Mặt trận Gia Định cũng đang khó khăn lắm.
– Ông phải vào Quy Nhơn một phen. Ta tin hoàng thượng không thể làm ngơ trước đại nạn của dân tộc. Tâu với hoàng thượng, đợi ta diệt xong lũ chó Ngô này sẽ vào Nam diệt bọn thằng Chủng sau. Trước mắt hãy điều Lê Văn Hưng đem quân Phú Yên và Diên Khánh vào giúp Phạm Văn Tham giữ cho được Gia Định.
Bùi Thị Xuân bàn:
– Đông Định vương đã về Quy Nhơn, trường hợp khó khăn, chúng ta nên nhờ ông ấy tác động với Quốc mẫu và các quan cận thần thì việc cầu viện với hoàng thượng không khó gì.
Nguyễn Huệ nói với Trần Văn Kỷ:
– Sai Hồ Đồng viết cho ta một lá thư nữa để gởi Nguyễn Thiếp nhắc việc chọn đất xây hành cung, phần ông cùng Quang Hiển vào Quy Nhơn lo việc viện binh. Tín Nhi đi cùng sư huynh ra Thăng Long, mọi việc ngoài đó dặn Ngô Văn Sở tùy cơ mà ứng biến và nhất nhất báo gấp về cho ta.
Thu Cúc hỏi Bùi Thị Xuân:
– Đô đốc cho em theo quân trưởng ra Thăng Long chuyến này nhé?
Bùi Thị Xuân mỉm cười hỏi:
– Lo cho Hoàng Nhi phải không? Được em cứ đi theo quân trưởng.
Thu Cúc e thẹn mỉm cười không nói gì.
…………
***
Trích hồi thứ hai mươi sáu – NHẤT THỐNG SƠN HÀ
Mộng thập toàn, Càn Long quyết chiếm An Nam
Mưu phục quốc, Lê thần đang tâm cõng rắn.
***
Sách do AMAZON phát hành khắp thế giới từ ngày 1-11-2015.
http://www.amazon.com/Nhat-Thong-Volume-Vietnamese-Edition/dp/099611131X
Ở Châu Âu, order theo link tiếng Pháp dưới đây:
http://www.amazon.fr/Nhat-Thong-Son-Ha-Thanh/dp/099611131X
*****
________________________________
[1] Bản dịch của Ts Nguyễn Duy Chính “Việt Thanh Chiến Dịch”{jcomments on}
Chào anh Vũ Thanh!
” Không phải leo lên núi vắng, hay miệt mài ngồi gõ mõ tụng kinh trong chùa mới là tu chú em ạ. Phật giáo Yên Tử Trúc Lâm của Đại Việt, như Tín Nhi vừa nhắc đến lúc nãy, chủ trương đem đạo vào đời, tu ngay trong cuộc sống, hành thiện tức hành thiền. Với tinh thần đạo đời là một, hạnh phúc của vua quan cùng bá tánh là một… nên trên dưới một lòng, nhờ vậy mà vào đời nhà Trần, chúng ta đã ba lần chiến thắng quân Mông Cổ.”VT
Như vậy anh đã khả Đạo rồi. Chúc mừng anh!
NHLN
Cảm ơn nguyenhoanglamni, VT chỉ mượn lời người xưa để nói mà thôi.
Chúc vui vẻ.
Hay lắm Quang ! Tác giả thật là có lòng với giòng lịch sử đất nước nên mới bỏ biết bao thì giờ, tâm huyết để viết nên bộ truyện đồ sộ về những anh hùng áo vải Tây Sơn . Khâm phục !
NĐ D có phải là anh bạn cùng lớp đánh bóng bàn chung của tớ không vậy? Cảm ơn nghen. Mỗi người chúng ta hãy tự đặt cho mình một trách nhiệm đối với quê hương, dân tộc thì sẽ còn có nhiều việc rất tốt được thực hiện nữa chứ không chỉ là một bộ truyện lịch sử không thôi đâu NĐ D ơi.
“Nhìn vẻ ngoài to lớn và hào nhoáng, nước Trung Hoa trông rất huy hoàng, oai vệ, nhưng thực lực thì e rằng đã rơi vào chỗ có tiếng mà không có miếng. Sự huy hoàng đó đầy vẻ giả tạo. Càn Long như một thủy thủ già nua đang lái con thuyền rồng Trung Hoa lộng lẫy từ trên đỉnh cao của sự huy hoàng lao xuống vực thẳm hèn yếu, bạc nhược. Với một đất nước to lớn được tập hợp bởi nhiều chủng tộc có văn hóa khác nhau, sự yếu kém của triều đình trung ương rất dễ gây ra tình trạng phân hóa, dẫn đến nội loạn.”
Là một truyện dã sử, nhưng Vũ Thanh đã bỏ công sưu tầm nhiều tài liệu chính sử rất quý gía để giúp người đọc hiểu rõ hơn là nhờ đâu mà Quang Trung dám đánh và thắng vẻ vang trước kẻ thù lớn mạnh hơn mình hàng trăm lần. “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng” là đây. Vì hiểu rõ cá tính của Càn Long, của Tôn Sĩ Nghị nên Vua Quang Trung đã biết dùng mưu chước và tâm lý khi đánh giặc. Có lẽ nhờ đó mà chỉ trong một thời gian ngắn quân Ðại Việt đã quyét sạch 20 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi.
Ðoạn văn trên đây cho ta thấy Vũ Thanh kể chuyện nước Tàu thời Càn Long nhưng cũng ngụ ý là nói nước Tàu xưa nay không khác mấy. Cũng tóm thâu thiên hạ, cũng cho mình là cái rốn vũ trụ, cũng hống hách tham lam và cũng đúng 3 đời Vua rưỡi thống nhất và làm chủ nước Tàu. Và chuyện gì xẽ rảy ra khi lịch sử Tàu lập lại nỗi ô nhục khi bị “Lục Cường Xâu Xé”. Gợi lại chuyện xưa như để nhắc nhở đến chuyện nay…Vận thế đất nước đang tiến gần đến những khúc quanh như thế, liệu toàn dân có ý thức được chăng? Mong lắm thay!
NL
Mấy ngàn năm nay, mỗi khi đất nước khổng lồ Trung Hoa ở phương Bắc phát triển đến hùng mạnh thì lúc nào họ cũng có ý định nhòm ngó, thôn tính, nuốt chững cái thằng nhóc cứng đầu, ngoan cường ở phương Nam. Hì..hì.. Nhưng lần nào dân Nam ta cũng cười vỡ bụng ra và ngâm câu ” Nực cười châu chấu đá xe. Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng”. Đặc biệt trong “Mùa Xuân Hùng Võ” năm Kỷ Dậu 1789, chiếc xe khổng lồ Trung Hoa đã bị rơi xuống Mấu Tử Lãnh ở Lạng Sơn đến tan tành. Sau lần đó, người Trung Hoa khiếp sợ đến độ vừa bị Tây Sơn giết chết gần 20 vạn dân, vậy mà vua Càn Long, vị Thập Toàn Lão Nhân kia phải đổi hận làm vui tiếp đón long trọng ông vua Tây Sơn giả, mà kinh phí tiếp đón mỗi ngày lên đến 40 vạn lạng bạc !!! Các bạn nều có dịp đọc hồi thứ 33 của NTSH: “Thắng ngoại giao, Quang Trung chấn hưng đất nước.
Đón Giả vương, Càn Long trải gấm lót vàng”
Qua tài liệu trong cuốn Cao Tông Thực Lục mà VT dựa vào đó để viết nên chuyện, các bạn sẽ thấy rằng lời nhận xét của một vị sư Yên Tử trong truyện về vấn đề này là chí hay: ” Tịnh Quang cảm khái: Chứng tỏ rằng một nước nhỏ như An Nam cũng có thể uy phục một nước lớn như Đại Thanh. Nguyễn Huệ đã vượt lên trên tất cả những vĩ nhân trong lịch sử dân tộc vậy”. Cho nên cái tinh thần và hào khí Quang Trung là phương thuốc bổ mầu nhiệm nhất để giúp dân ta đứng vững một cách tự cường.
Cảm ơn anh Nguyên Lương đã đọc thấy tâm ý của VT.
Chào anh Vũ Thanh!
Các nhà văn đương đại thì nhiều nhưng nhà văn viết về đề tài lịch sử thì quá ít, viết về người anh hùng áo vải Tây Sơn lại càng ít hơn. Hiện tại nơi đất Bàn Thành xưa cũng có một nhà văn chuyên viết đề tài lịch sử và thường lấy bối cảnh thời Tây Sơn là anh Phạm Hữu Hoàng nhưng chỉ là các tập truyện ngắn. Nay được đọc và biết thêm tác giả Vũ Thanh nữa thì lấy làm cảm kích lắm. Tôi luôn trân quý vàcổ súy cho những tác giả khá hiếm hoi đó. Những trang viết đầy bổ ích giữ lửa cho hào khí Quang Trung bửng cháy mãi trong lòng người dân Việt.
Cảm ơn tác giả.
DP.
Chào anh Duy Phan. Cảm ơn sự đồng tình của anh về tinh thần của người viết. Vâng, chỉ có hào khí Quang Trung mới có thể giúp dân ta tự lớn mạnh để sống còn mà không phải lệ thuộc vào bất kỳ ai. Tôi nghe gần đây có nhiều học giả đưa ra thuyết THOÁT TRUNG LUẬN. Nghe hay qúa, nhưng vẫn chưa biết và chưa nghe họ chỉ bảo thoát Trung rồi về đâu? Đứng ở đâu? Đứng bằng cách nào để không bị đám Trung kia nó bắt trở lại? Theo tôi, tinh thần Quang Trung là giải pháp đúng đắn nhất để thoát Trung rồi sẽ trở về với chính dân tộc mình. Chúng ta không yếu, chỉ vì chúng ta không nhìn thấy cái mạnh của chính mình mà thôi. Vua Quang Trung đã thấy, mà thấy ngay từ lúc ông còn rất trẻ. Nhất Thống Sơn Hà cố gắng vẽ lại những hình tượng đó để chúng ta cũng thấy như Nguyễn Huệ – Quang Trung của hơn 200 năm trước. Chúc anh vui khỏe.
Hào khí Quang Trung đang sống lại ở thời điểm nầy đây .Cám ơn Vũ Thanh.
Mong lắm thay! Thank you thuydukhuc
Non Tây áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình
Những trang tiểu thuyết dã sử hào hùng đầy khí phách của dân tộc…
Chúc mừng Vũ Thanh, chúc mừng tác phẩm NHẤT THỐNG SƠN HÀ đã đến tay bạn đọc.
Một ngày trùng dương thênh thang câu hát
Trái tim Việt Nam hào khí Rồng Tiên
Bắc phương xâm lăng ngậm ngùi tan tác
Bồ câu chắp cánh hạnh phúc bình yên
Cảm ơn Tuệ Minh, Quốc Tuyên và R.Xưa. Hẹn một ngày kia NTSH sẽ có mặt ở VN.
Anh Quang Vo viết tiểu thuyết dã sử rất công phu, hay quá!
Rất ngưỡng mộ.
Cảm ơn lamcamai. Viết cho bọn Tàu nó sợ mà nó không chịu sợ tí nào hết. Buồn qúa.
Xin cảm phục Võ Thanh Quang!
Thank you Võ Như Vũ.