Nữ Họa Sĩ

Mỗi khi có dịp đi ngang qua những tiệm vẽ, nhìn các họa sĩ đang gò lưng chăm chú vào những bức tranh trên gíá, tôi không khỏi  bồi hồi bước chân chậm lại…lòng bâng khuâng nhớ về khoảng thời gian tôi đã từng ngồi miệt mài trong lớp họa truyền thần ngày còn đi học.
Hồi đó bác Sáu ở Khu Hai, bác ấy thường bỏ trà cho mấy quán hàng trên bến xe, mỗi khi ghé bán trà cho quán cơm nhà tôi, bác hay thấy tôi  hí hoáy vẽ vẽ, tô tô, có lần bác nói với má:

– Con nhỏ chị  coi bộ có khiếu vẽ, hay là chị gửi nó xuống chỗ ông nhà tôi đặng nó học nghề. “Được lời như cỡi tấm lòng”, sẵn lúc vào nghỉ hè, tôi liền xin má vội vã  xuống gặp bác Sáu trai đang làm cho tiệm vẽ Đinh, bái ông làm sư phụ. Tiệm nằm trên đường Lê Lợi, đoạn giữa đường Phan Bội Châu và Gia Long, đối diện rạp chiếu phim Lê Lợi. Trước cửa rạp, những tấm pano quảng cáo phim đang chiếu và sắp chiếu được vẽ to tướng, Màu sắc hình ảnh lộng lẫy, những gương mặt minh tinh chính tuyệt đẹp, hàng phông chữ bay bướm hấp dẫn đập vào mắt  luôn hút hồn tôi. Thời đó, tôi có thể ngồi trong tiệm vẽ, nhìn qua rạp  ngắm các tấm bảng quảng cáo  hàng giờ liền không biết chán.

 

Bác Sáu, sư phụ  tôi là một họa sĩ vẽ truyền thần. Đôi khi, bác cũng chuyển sang vẽ tranh phong cảnh, thú vật bằng sơn dầu. Bác vẽ  đẹp cũng không kém gì tranh chân dung. Bác trông có vẻ một người làm văn phòng hơn là một nghệ sĩ. Tóc tai bác luôn gọn gàng, quần áo chỉnh tề thẳng thóm. Bác chân chất, đôn hậu và thật bình dân. Không hiểu sao, khi bác với lấy cây cọ, tôi thấy bác như một người khác. Nét bút lã lướt, đưa đẫy trên giấy vẽ, chẳng bao lâu, những gương mặt người trong  những bức hình cũ nát, loang lỗ, mất nhiều dấu vết vì mưa nắng đã hiện lên đầy thần sắc. Những đôi mắt biết nói như đang nhìn chăm chăm vào tôi. Mỗi bức họa đều mang những sự  khác biệt rất riêng. Cách “đối xử” với mỗi bức họa của khách hàng cũng không giống nhau: Nếu vẽ cho người đang còn trên dương thế thì sẽ được chủ nhân trân trọng treo lên tường nhà. chỗ ai cũng có thể  dễ nhìn thấy. Nếu chẳng may người trong ảnh đã lìa bỏ  cuộc đời. .. tấm ảnh kia sẽ được người thân của nó buồn bã  đưa lên bàn thờ, sau bác nhang tỏa khói.

Bước đầu, lúc tôi còn lơ ngơ, bác Sáu cho tôi vẽ phác thảo, giống như tập vẽ bản đồ Việt Nam trong giờ địa lý ở lớp học. Bác  hướng dẫn cho tôi gạch ca rô trên tấm hình gốc trước, rồi trên nét ca rô đó mà vẽ lại những nét chính ra giấy. Cuối cùng mới phả lên đó phần da thịt mịn màng của bột quát. Tôi theo Bác Sáu cũng sắm cho mình bộ đồ nghề hẳn hoi! Giá vẽ thì ở phòng tranh đã có sẵn, tôi tự làm một cây bút lông  bằng tóc – những sợi tóc nhỏ thật mịn, một cây tre vót nhọn, một cục tẩy được gắn ở đầu cây đũa cũng cắt tỉa nhọn không kém gì cây tre và một cục bông gòn bằng ngón tay cái, thứ không thể thiếu là lọ thủy tinh đựng bột quát đen thui. Tôi hy sinh nhuộm chiếc áo trắng thành màu lông chuột- để dễ ngồi trước giá vẽ lúc nào cũng quần áo cũng bị rơi đầy bụi than.
Khi những bỡ ngỡ ban đầu qua đi, tôi háo hức bắt đầu thể hiện tay nghề. Thấy tôi mê phim ảnh, bác Sáu cho tôi tha hồ lấy hình tượng của những minh tinh điện ảnh nổi  tiếng từ trong nước ra đến nước ngoài mà “thí nghiệm”. Lần lượt, Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Khương Đại Vệ …đều được tôi đưa lên giá vẽ. Chán vẽ nghệ sĩ, tôi xoay qua vẽ hình gia đình, tôi vẽ ba  tôi, má tôi và cả tôi nữa, tôi cũng vẽ!
Thật là sung sướng và hãnh diện, khi những người khách vào tiệm đặt hàng, hầu hết đều dừng lại sau lưng- đứa  con gái duy nhất trong tiệm, nhìn ngắm những bức hình tôi đang tập vẽ. Để những lúc chiều  về, với chiếc áo đầy bột quát, trong giấc chiêm bao hằng đêm, xoay quanh tôi luôn là những bức họa trong phòng tranh. Nó cứ xoay tròn, xoay tròn …mãi miết.
Còn ông chủ  nhà, không ai khác chính là bác họa sĩ Đinh- tên hiệu của tiệm. Bác Đinh chuyên kẽ chữ, bác Sáu chịu trách nhiệm vẽ hình. Tùy theo yêu cầu của người đặt hàng hai bác phối hợp với nhau. Vợ chồng bác họa sĩ thật dễ thương và hiền lành. Nhà đông con song bao giờ không khí cũng ôn hòa và thân thiện. Nhưng giờ tôi chỉ nhớ anh Tiến, chị Thơm, tên Thắng và hai nhỏ con gái út rất đáng yêu… Tôi hoàn toàn cảm thấy thoải mái và vui vẻ khi học ở đây. Trong phòng tranh còn có mấy trự con trai, cỡ tuổi tôi. Hầu hết mấy  tên húi cua ấy đều là họa sĩ chuyên  vẽ bảng quảng cáo. Chúng tôi vừa làm vừa đùa tếu, chẳng có ai la rầy, miễn sao công việc luôn trôi chảy là được. Tôi vẫn nhớ tên một vài người như là Dũng, Lự,  hai người có nước da ngâm ngâm, như là Xuân có thân hình đậm thấp….và anh Cầu, một thanh niên hay nói nhiều nhưng tôi biết anh rất thật thà. Anh Cầu là họa sĩ chính của tiệm. Về sau, anh bị bắt lính. Đi lính về năm 1974, đột nhiên anh bị tâm thần cho đến bây giờ. Ngày nào tôi cũng gặp anh qua lại trước nhà. Lắm lúc, anh ra ngồi mãi ngoài công viên cho đến khi tối trời…Tuy anh không bình thường như xưa, tôi vẫn nể trọng anh và luôn xem anh là sư huynh trong ngành hội họa.
Trong tiệm còn có anh Thu. Anh lớn tuổi hơn đám trăng tròn tụi tôi. Nhìn anh mới đầu tưởng anh là người chững chạc, nghiêm khắc,  thật ra anh rất vui tính. Anh không hề cười khi nói  tếu, nhưng chuyện anh kể  bao giờ cũng khiến đám tụi tôi ngoác miệng, nghiêng ngã ôm bụng lăn lộn vì cười. Những lúc ấy, anh Thu thường giả lơ, làm bộ mặt tỉnh bơ càng khiến chúng tôi không  nhịn được  .. Anh Thu đó, ngày nay chính là  chồng chị Phấn, cùng cựu học sinh NTH với chúng tôi.
Hồi đang độ tuổi mới lớn, tôi không hiểu sao mình lại nhiều tham vọng đến vậy. Học chân dung chưa đi tới đâu, nhưng đôi khi tôi cũng bày sơn dầu giá vẽ, tập tành vẽ phong cảnh, núi sông theo bác Sáu. Tôi luôn ngưỡng mộ bức tranh trong cơn sóng cao đầy cuồng  nộ, chiếc thuyền cô đơn nhưng dũng mãnh cố gắng vượt lên. Và những con ngựa ô ưỡn bộ ngực đầy sức sống đang đua nhau phi nước đại về phía trước. Thấy tôi vẽ lung tung, sư phụ tôi tỏ vẻ không hài lòng. Bác Sáu khuyên tôi nên chuyên tâm sâu hơn vào một môn rồi từ từ sau này sẽ tính. Sợ bác Sáu nhưng mỗi khi bác  có việc rời khỏi tiệm, tôi lại  lôi giấy vải, sơn dầu ra  nguệch ngoạc.
Mỗi sáng, bác Sáu thường mang theo túi trà ngon đến phòng tranh. Bác cho vào bình vài cánh sen khô. Khi bác châm trà, hương sen thoảng bay thơm ngát cả góc phòng…Từ dạo theo bác Sáu học vẽ, dần dần tôi trở thành người nghiện uống trà ngon lúc nào không hay. Và cứ vậy, vừa uống trà, vừa vẽ…tôi trông đạo mạo hẳn ra!
Ít lâu sau, bác Sáu tập tôi quen với thước tỉ lệ. Công việc vẽ phác thảo trở nên dễ dàng hơn. Và một ngày, bác Sáu hướng dẫn tôi  vẽ lại chân dung bằng hộp đèn soi rất đơn giản. Với dụng cụ thô sơ này, chỉ cần bỏ tấm ảnh cũ vào hộp, bật ngọn đèn trong hộp lên, tất cả những đường nét cần thiết như khuôn mặt, khóe mắt, làn môi sẽ in rõ mồn một lên tấm giấy trên giá vẽ đặt ở phía đối diện. Một vài nét vẽ chính sơ sài cũng giúp tôi thực hiện bức vẽ thật nhanh. Thật là thú vị, ngoài sức tưởng tượng của tôi!
Khi thấy tôi có phần tiến bộ, bác Sáu khuyến khích tôi được vẽ những phần căn bản ảnh  chân dung. Nhiều lúc tôi chăm chú vào bức hình trên giá vẽ, cố gắng hết sức thực hiện gần như là hoàn thiện. Bác Sáu chỉ việc xem lại, chấm phá thêm chút đỉnh và giao hàng cho khách. Bác Sáu cất tiền nhưng tôi lại là người sung sướng, thích thú  vô cùng! Hơn nữa, từ ngày đặt chân vào phòng tranh của Bác, tôi đâu có đóng học phí! Người ta gọi đó là học …chùa!
Trong suốt thời gian học ở đây, quán cà phê Thanh Thanh cách tiệm vẽ vài căn, có một ” cô bé”  tóc  hớt kiểu  xì tôn ngắn, với  làn da trắng mịn, gương mặt tròn trặn, đôi mắt lót mí đen láy- có lẽ đó mới chính  là đôi mắt bồ câu thật sự mà từ trước tôi đã thường đọc thấy trong những bài văn tả người. Hằng ngày, cô bé tên V.  tiểu thư  kia  hay lân la sang chơi bên  tiệm vẽ. Hai đứa tôi nói chuyện này nọ. Lâu rồi thành thân. Cùng  tuổi nhưng V, lại học hơn tôi một lớp. …Có lần  V. mượn tập thơ chép tay của tôi. Lúc trả lại, V. vô tình  bỏ quên một lá thư viết dỡ, những nét chữ tròn, to và những  lời yêu thương, nhung nhớ khắc khoải, dành cho H. nào đó trong  thư . Một đoạn ca từ trong bản nhạc ” Để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ( lần đầu, qua bức thư này tôi mới  biết). Tất cả nội dung thư đã làm một nhỏ đại ngốc về tình yêu như tôi phải bàng hoàng, ngơ ngẩn mở bừng cả mắt. Tôi  thầm nghĩ: Người ấy của V, đọc được những lời lẽ đẫm yêu thương kia chắc trái tim cũng mềm đi vì xúc động. Thời gian sau, V. không hỏi và tôi cũng không có ý trả lại bức thư. Tôi giữ và coi đó như một vật kỉ niệm dễ thương .
Tôi đọc thư  V. cảm nhận sâu sắc hơn về mảng tình yêu rất đẹp. Lúc bấy giờ, tôi mới thấy, mới  biết  cái sự ngây ngô, khờ khạo  mà lâu nay tôi vẫn hình dung, cứ tưởng là mình thâm  hiểu lắm về  tình yêu trong đầu.
Thời gian học vẽ, những khi ngồi không, tôi và các bạn học ở đây thường xem báo. Qua mục “Tìm bạn bốn phương” của tờ  Độc Lập – bác Đinh thường đọc hằng ngày, tôi  quen N..Một người thanh niên cao và gầy, lần đầu gặp nhau, ngưiời ấy mặc chiếc quần jean và chiếc áo xanh như lính thủy. Những lá thư viết bằng giấy vở học trò, được N. gấp chéo thường xuyên gửi về. Một tình cảm tôi cho là ngộ nhận giữa tình anh em, tình bạn và tình yêu..Tình cảm ngây  thơ dài theo bao nhiêu cánh thư đi lại. .Biền biệt về sau, khi lạc mất người ấy rồi, tôi vẫn chưa tìm ra cho mình câu trả lời: Giữa tôi và N. là thứ tình cảm nào trong những “tinh” tôi đã nêu ra? .

Mùa hè năm xưa qua thật nhanh. Hoa phượng rơi rụng gần hết, đường tôi đi, chỉ còn hàng cây vươn cao, xanh biếc trên đầu. Trường tôi bắt đầu vào năm học mới.
Bài vở, giờ giấc học tập và sinh hoạt học đường căng thẳng theo sự leo thang của chiến tranh, khiến tôi thưa dần thời gian đến tiệm vẽ.  Nhưng phòng tranh với nhiều mảng mầu của bảng quảng cáo, những bức chân dung nhìn vào mắt người đi qua, những tên con trai thợ vẽ, cô bạn xinh xắn đáng yêu, một người anh trai với  những cánh thư…tất cả đã in vào tôi: dấu ấn khó phai…
Và rồi cuối cùng, một con bé nhiều  tham vọng như tôi, đành  xếp lại  giấy vẽ, gác qua một bên giấc mơ nữ họa sĩ, để lại sau lưng những khát khao, ước vọng, những yêu thương phù phiếm, một ngày đầu xuân: tôi đi lấy chồng… {jcomments on}

0 thoughts on “Nữ Họa Sĩ

  1. TT Hieu Thao

    Bài viết chuyển tải những kỷ niệm đáng yêu.Dù là kỷ niệm văn chương,cũng có thể bắt đầu từ kỷ niệm .Hoạ sĩ bắt đầu từ một giấc mơ nào đó,ĐTH đã dựng lại một “mãng phim nhỏ “trong cuộc đời rất dể thương… Đáng trân trọng.Chúc vui

    Reply
    1. Hòa Đào

      Cảm ơn TT Hieu Thao đã đọc và chia sẻ. Viết…bây giờ cũng giống như đang rèn luyệt trí nhớ, có những hồi ức vui và những hồi ức rất buồn.

      Reply
  2. Meocon

    Sao mờ ĐTH giúng mình thế cơ chứ! Ngaỳ xưa mình hay bắt chước mấy anh vẽ chân dung nên về kẽ ô vuông li ti trong tấm hình rồi hí hoáy vẽ lại mấy tấm hình của mình nhưng …xí quắc hà (chắc giúng mèo!?? hic hic)

    Reply
    1. Hòa Đào

      Cảm ơn những lời khen tặng có phần hơi quá của Thuy Du Khuc, mình đây không dám không dám hì hì…

      Reply
  3. HN Tín

    “Và rồi cuối cùng, một con bé nhiều tham vọng như tôi, đành xếp lại giấy vẽ, gác qua một bên giấc mơ nữ họa sĩ, để lại sau lưng những khát khao, ước vọng, những yêu thương phù phiếm, một ngày đầu xuân: tôi đi lấy chồng… “ĐTH
    Rứa là hết!

    Reply
  4. camtucau

    Và rồi cuối cùng, một con bé nhiều tham vọng như tôi, đành xếp lại giấy vẽ, gác qua một bên giấc mơ nữ họa sĩ, để lại sau lưng những khát khao, ước vọng, những yêu thương phù phiếm, một ngày đầu xuân: tôi đi lấy chồng…
    Thế là “trong đám xuân xanh ấy, có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” ĐTH nhỉ Chúc vui nhé

    Reply
    1. Hòa Đào

      Dạ, cảm ơn chị yêu đã mượn thơ để kết thúc câu chuyện. Chúc anh chị luôn vui khỏe, hạnh phúc!

      Reply
  5. Tran Kim Loan

    Lâu ngày được đọc bài viết của Đào Thanh Hòa thích quá!nhắc lại những kỷ niệm thật dễ thương , đáng yêu của thời con gái … rất hay!chúc em luôn vui nhiều & đẹp ra nhe!

    Reply
  6. Hòa Đào

    Dạ, chị Tran Kim Loan ơi! Thì hồi giờ em cũng chỉ quanh quẩn viết chuyện hồi xưa của em không mà. Cảm ơn chị đã đọc và chia sẻ.

    Reply
  7. phamlehuy

    Cám ơn Nữ Họa Sĩ Đào Thanh Hòa đã dắt tôi về miền tuổi học trò của mình.
    Hồi đó tôi cũng mê vẽ lắm – chắc là do cái máu vẽ vời truyền xuống từ đời ông Nội của tôi. Trước ‘75, anh tôi cũng đã là Giáo Sư Hội Họa của trường Nữ Trung Học Qui Nhơn; và cũng có đôi lần triễn lãm tranh tại thị xã mình.
    Những năm Thất Lục Ngũ Tứ tôi là tay vẽ “có hạng” trong lớp (sic !). Một hôm, trong giờ vẽ tự do của thầy Nguyễn Văn Quang, tôi đặt úp bàn tay trái mình trên bàn rồi say sưa vẽ, rồi đánh bóng bằng bút chì, bằng bút giấy cho những nếp da nhăn, đường gân và khớp xương nổi lên. Bài vẽ này thầy Quang cho tôi tối đa 18 điểm, tôi sướng rêm người lên. Nhưng tôi vẽ chân dung thì chẳng ra gì, tạm được thôi.
    Bác Họa Sĩ Đinh là bạn cùng thời với ba tôi. Hồi tiểu học, tôi thường đến học Hè thêm trong lớp thầy Khương (anh của bác Đinh) ở sau tiệm vẽ này.
    Còn nhỏ V. Thanh Thanh kia thì đang chăm sóc… cháu ngoại ở bên này.

    Reply
    1. Hòa Đào

      Cảm ơn anh Lê Huy đã đồng cảm và luôn ghi nhớ những kỷ niệm xưa. Chúc anh chị mãi an lành và hạnh phúc!

      Reply
  8. Phan Mạnh Thu

    “Và rồi cuối cùng, một con bé nhiều tham vọng như tôi, đành xếp lại giấy vẽ, gác qua một bên giấc mơ nữ họa sĩ, để lại sau lưng những khát khao, ước vọng, những yêu thương phù phiếm, một ngày đầu xuân: tôi đi lấy chồng…”

    Tiếc cho Đào Thanh Hòa, nếu không bây giờ HX đã được xem những bức tranh của chị. Những kỷ niệm bao giờ cũng đẹp và đáng nhớ…
    Chúc chị vui.

    Reply
    1. Hòa Đào

      Cảm ơn bạn đã đọc và chia sẻ.Đôi khi những việc mình muốn mà không đạt được lại canh cánh bên ta đến suốt đời…cũng hay.

      Reply
  9. Quốc Tuyên.

    Truyện rất dí dỏm và dễ thương!
    Đào Thanh Hoà ui, sao em nở vội lấy chồng bỏ ngang sự nghiệp dzậy, tiếc… tiếc… quá chừng chứ hông thui bay giờ chị cũng được một bức chân dung rùi… hihi

    Reply
    1. Hòa Đào

      Chị ơi!Bây giờ người ta có máy vẽ rồi,ai đâu thèm vẽ tranh người nữa. Mai mốt,em sẽ vẽ…máy cho chị một tấm nghe.

      Reply
  10. nguyenhoanglamni

    Chào Đào Thanh Hòa, cuộc đời mình đã là những trang tiểu thuyết và ĐTH không cần phải đi tìm chất liệu đâu xa. Hy vọng còn được đọc tiếp những chương còn lại.

    Chúc bạn vui để viết.
    NHLN

    Reply
    1. Hòa Đào

      Cảm ơn bạn đã đồng cảm. Đôi lúc, cuộc đời thực còn phong phú hơn sự hư cấu của tiểu thuyết. Chỉ mong còn chút trí nhớ đê viết, như một chia sẻ với các bạn vậy thôi.

      Reply
      1. Hòa Đào

        Anh Hải nhầm H với chị Diệu Tâm rồi!H lâm «bà thầy» hồi nào? Anh thiệt là «những người thích đùa».
        Cảm ơn anh đã chịu khó đọc và khen…

        Reply
  11. Bửu chau - Kim Đức

    Chị ĐTH,
    Em theo đọc truyện ngắn của chị trên các trang mạng, gần như là độc giả truyện ngắn của chị đó, chị có biết không? Em rất thích văn phong của chị lắm và bài “Nữ Họa sĩ” càng làm em hãnh diện về bà chị mà em từng yêu qua văn chương và lối nói chuyện dí dỏm nhưng rất sâu sắc.
    Chị, đây cũng là phòng tranh mà sau ngày 30/4, buồn quá nên em cũng theo học, nhưng rồi đời cơm áo không cho phép nên cũng đành gác lại ước mơ. Những gì chị kể về tiệm vẽ Đinh, về Bác Sáu, về Bác Đinh đều đúng cả. Các con của Bác Sáu là anh Tiến, chị Công, rồi có một ông con trai bị tật nữa phải ko chị và hai cô gái út là Thơm,Tho. Còn cô bé quán “Thanh Thanh ” là chị Vinh phải ko chị, em cũng từng “mê” chị ấy.
    Chị ĐTH thực sự là cây bút truyện ngắn, bút ký xuất sắc.
    Rất mong đón đọc tác phẩm của chị nhiều nhiều.

    Reply
  12. Thu Thủy

    Người bạn tài hoa về nhiều phương diện, văn thơ hoạ nhạc…, viết truyện rất có duyên đó nhỏ ạ!

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.