Những Người Quanh Xóm Kẻ Trài

Ông Rộ

Quanh nhà tôi, về phía nam, có nhà ông Rộ, ông cụ trên 70 sống một mình. Đằng sau nhà ông có cây vải thiều, trái rất ngọt. Ông có cây gậy vừa để tựa khi đi lại vừa dùng làm vũ khí để bảo vệ cây vải thiều khi vào vụ thu hoạch. Trên đầu gậy ông dùng ống nhôm nguyên dùng đựng cà phê trong khẩu phần lương khô của quân đội Pháp thế nên chúng tôi thường báo động nhau “ gậy cà phê sẵn sàng” khi chúng tôi thấy ông ngồi rình chúng tôi hái trộm vải của ông. Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò,tôi cũng theo các bạn nghịch phá.

Để bảo đảm các bạn khác hái trộm thành công, tôi thường vào nói chuyện với ông, có khi đọc truyện cho ông nghe. Nào là Phạm Công – Cúc Hoa, Trần Minh khố chuối, Lục Vân Tiên, Truyện Kiều rồi các truyện Tàu như Tiết Đinh Quí chinh Đông, Tiêt Đinh Quí chinh Tây, Tàn Đường, Chung Vô Diệm, Tam quốc diễn nghĩa, Phong thần diễn nghĩa, Đông Châu Liệt Quốc, Thuỷ Hử… Có khi chuyển đề tài sang truyện Ngàn lẻ một đêm hay các truyện của nhóm Tự Lực văn đoàn như Hồn bướm mơ tiên, Đôi bạn, Bướm trắng .v.v. và tôi thường chấm dứt nhiệm vụ khi có tín hiệu của các bạn đã hái xong. Thật ra chúng tôi chỉ nghịch phá là chính. Chúng tôi chỉ hái vài chùm để cùng nhau ăn cho vui. Chúng tôi hiểu rằng việc trái vải bán được là một phần thu nhập quan trọng của ông nên không bao giờ nghịch phá quá đà. Ông là 1 người tốt bụng, không làm ai trong xóm mất lòng. Những lần đọc truyện cho ông nghe bao giờ ông cũng cho tôi khi củ khoai lùi tro nóng, khi mẫu sắn( củ mì) luộc- trích trong khẩu phần ăn điểm tâm của ông. Thời trai trẻ ông đi lính khố đỏ (tirailleurs indochinois),đã bị đưa sang làm lính thợ tại thành phố Lyon ở Pháp sản xuất đạn pháo phục vụ trong chiến tranh Pháp-Đức thời đệ nhất thế chiến. Tôi đã ngồi say sưa nghe ông kể nỗi nhọc nhằn ông trải qua khi làm lính thợ tại đó. Vào mùa đông thời tiết lạnh giá ông và các bạn đồng cảnh ngộ cũng phải lao động nhiều giờ để sản xuất đạn pháo cho kịp theo yêu cầu. Tháng 11 năm 1918, sau khi thế chiến chấm dứt ông được hồi hương với số tiền trợ cấp ít oi một lần đủ cho ông mua mãnh đất nhỏ và dựng 1 ngôi nhà tranh tre nói trên. Vợ ông mất sớm ở quê trước lúc ông sang Pháp. Ông không bước thêm bước nữa. Ông trang trọng lập 1 bàn thở để thờ cha mẹ và người vợ thân yêu của ông. Hồi mới về ông có mang theo 1 ống nhòm với các hình slides( phim dương bản) chụp các danh lam thắng cảnh ở Pháp và châu Âu và 1 cái kính vạn hoa.  Ông mang chúng đến các trường học và cho học sinh xem trong giờ ra chơi mỗi lần 1 hào để mưu sinh nhưng vào cuối đời khi quá già yếu ông sống rất đạm bạc nhờ vào trợ cấp ít ỏi của cô con gái duy nhất đã có chồng vốn dĩ chẵng khấm khá gì.

Tuổi thơ của tôi nơi xóm Kẻ Trài ( Kẻ = Cửa, được đọc trại) đã găn bó nhiều với ông cho đế khi tôi nhập học trường VBQG Đà Lạt vào đầu thập niên 1960. Rồi tôi thuyên chuyển làm việc ở nhiều vùng miền xa Huế nên tin tức về bà con lối xóm Kẻ Trài thưa thớt đến với tôi nên cho mãi cuối năm 1968, khi tôi được đổi về Huế tôi mới được biết ông đã qua đời năm trước. Ông mất thanh thản ở tuổi 87.{jcomments on}

0 thoughts on “Những Người Quanh Xóm Kẻ Trài

  1. Sông Song

    Quanh nhà tôi, về phía nam, có nhà ông Rộ, ông cụ trên 70 sống một mình. Đằng sau nhà ông có cây vải thiều, trái rất ngọt. Ông có cây gậy vừa để tựa khi đi lại vừa dùng làm vũ khí để bảo vệ cây vải thiều khi vào vụ thu hoạch. Trên đầu gậy ông dùng ống nhôm nguyên dùng đựng cà phê trong khẩu phần lương khô của quân đội Pháp thế nên chúng tôi thường báo động nhau “ gậy cà phê sẵn sàng” khi chúng tôi thấy ông ngồi rình chúng tôi hái trộm vải của ông. Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò,tôi cũng theo các bạn nghịch phá.(ĐT)
    Cảm ơn anh Đào Thương đã gợi nhớ trong SS cái khoảng đời hồn nhiên..phá phách của tuổi học trò..thật vô tư..thật đẹp..
    May mà còn có “nó” để nở nụ cười tươi mỗi khi được gợi nhớ..
    SS chúc anh luôn vui khỏe để viết tiếp những dòng hồi kí..
    Kính mến

    Reply
  2. HN Tín

    Bài viết làm Tín nhớ hồi nhỏ mình cũng y chang vậy đó anh Thuơng. Tuổi thơ thật hồn nhiên, vô tư và đầy những kỷ niệm thân thuơng.

    Reply
  3. TT Hieu Thao

    Anh ĐT viết những kỷ niệm thật đáng yêu . NHững truyện anh kể tưạ đề hay hết ,độc đáo hết,Hồi nhỏ em cũng được mấy chị đọc thơ trưyện cho nghe
    Em thích truyện Lâm sanh xuân nương
    NƯả đêm thức giấc mơ màng…
    đọc nghe khóc mà thích lúc đó em 8 .9 tuổi gì đó,RỒi VC
    Sao bây giờ em tra kiếm hoài truyện này không thấy? ,Chúc anh và chị CTC trăm năm hạnh phúc

    Reply
  4. Hòa Đào

    Anh viết rất mộc nhưng lại chứa chan cảm xúc. Cảm ơn anh. Chúc anh chị hạnh phúc mãi mãi…

    Reply
  5. Quốc Tuyên

    Để bảo đảm các bạn khác hái trộm thành công, tôi thường vào nói chuyện với ông, có khi đọc truyện cho ông nghe. Nào là Phạm Công – Cúc Hoa, Trần Minh khố chuối, Lục Vân Tiên, Truyện Kiều rồi các truyện Tàu như Tiết Đinh Quí chinh Đông, Tiêt Đinh Quí chinh Tây, Tàn Đường, Chung Vô Diệm, Tam quốc diễn nghĩa, Phong thần diễn nghĩa, Đông Châu Liệt Quốc, Thuỷ Hử… Có khi chuyển đề tài sang truyện Ngàn lẻ một đêm hay các truyện của nhóm Tự Lực văn đoàn như Hồn bướm mơ tiên, Đôi bạn, Bướm trắng .v.v. và tôi thường chấm dứt nhiệm vụ khi có tín hiệu của các bạn đã hái xong. Thật ra chúng tôi chỉ nghịch phá là chính. Chúng tôi chỉ hái vài chùm để cùng nhau ăn cho vui. Chúng tôi hiểu rằng việc trái vải bán được là một phần thu nhập quan trọng của ông nên không bao giờ nghịch phá quá đà.

    Anh viết rất hay, những kỉ niệm tuổi thơ khó quên anh nhỉ?

    Reply
  6. ....Thu Thuỷ

    Quanh nhà tôi, về phía nam, có nhà ông Rộ, ông cụ trên 70 sống một mình. Đằng sau nhà ông có cây vải thiều, trái rất ngọt. Ông có cây gậy vừa để tựa khi đi lại vừa dùng làm vũ khí để bảo vệ cây vải thiều khi vào vụ thu hoạch. Trên đầu gậy ông dùng ống nhôm nguyên dùng đựng cà phê trong khẩu phần lương khô của quân đội Pháp thế nên chúng tôi thường báo động nhau “ gậy cà phê sẵn sàng” khi chúng tôi thấy ông ngồi rình chúng tôi hái trộm vải của ông. Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò,tôi cũng theo các bạn nghịch phá.

    Bài viết súc tích, văn phong tự nhiên rất hay. Cám ơn anh Đào Thương đã cho tụi em biết về những ngày tháng tuổi thơ dễ thương của mình.

    Reply
  7. Mộng Vân

    “Thật ra chúng tôi chỉ nghịch phá là chính. Chúng tôi chỉ hái vài chùm để cùng nhau ăn cho vui. Chúng tôi hiểu rằng việc trái vải bán được là một phần thu nhập quan trọng của ông nên không bao giờ nghịch phá quá đà. Ông là 1 người tốt bụng, không làm ai trong xóm mất lòng. Những lần đọc truyện cho ông nghe bao giờ ông cũng cho tôi khi củ khoai lùi tro nóng, khi mẫu sắn( củ mì) luộc- trích trong khẩu phần ăn điểm tâm của ông”

    Em thích đoạn nầy lắm lắm đó anh Đào Thương ơi!

    Reply
  8. Mộc Miên Thảo

    Ký ức tuổi thơ luôn đẹp, hồn nhiên, trong sáng, dễ thương. Câu chuyện lại gắn liền với cuộc đời ông Rộ (cái tên nghe là lạ…), buồn trong đoạn kết, cho người đọc một cảm giác chênh vênh, tiếc nuối…
    Qua câu chuyện lại được biết thêm về địa danh “Kẻ Trài”.
    Xin cảm ơn tác giả.
    MMT

    Reply
  9. Meocon

    Đọc bài của anh Meocon chợt nhớ lại ngày xưa-cái ngaỳ mà chuyên đi nghịch phá hái trộm…cái gì có thể nhâm nhi được í!Cái tuổi thơ dữ dội ..hồn nhiên ..trong sáng…cứ theo mình suốt cuộc đời anh hén!Cám ơn anh bài viết thật hay đã gợi cho Meo những kỷ niệm khó quên bởi các câu chuyện một thời Mẹ đã kể cho Meo nghe!Chúc anh khỏe để viết nhiều về những ký ức ngọt ngào nữa nha anh!

    Reply
  10. Tran Kim Loan

    Những kỷ niệm của tuổi thơ anh viết thật hồn nhiên trong sáng, hay quá!rất lôi cuốn… cứ mãi mê đọc hết lúc nào không hay! Cám ơn anh& chúc anh sức khỏe, hạnh phúc!

    Reply
  11. Đào Thương

    Xin gửi lời cám ơn chung đến các bạn đã đọc 1 mãnh hồi kí của mình. Bây chừ ở tuổi già nửa bảy bó, ngồi ghi lại một số sự kiện xãy ra trong đời, lời kể mộc mạc những mong vẽ lại một bức tranh của xã hội nhỏ bé nơi tôi từng ngày lớn lên sau khi hồi cư về thành phố Huế sau ngững sự kiện lịch sử trong thập niên 1940 để giới thiệu với các bạn.Các bạn nhận xét theo hướng tích cực làm mình phổng mũi nhưng ngại quá…

    Reply
  12. PhanMạnhThu

    Ký ức tuổi thơ luôn đẹp đẽ, trong sáng, dễ thương và rất khó quên.
    Qua câu chuyện lại được biết thêm về địa danh “Kẻ Trài”.
    Xin cảm ơn tác giả Đào Thương.

    Reply
  13. Đào Thương

    PM Thu thân mến,
    Xin gửi đế bạn thông tin về Kẻ trài

    Đông Bắc Môn – Cửa kẻ Trài
    cuabac 21409 Kinh thành Huế có bao nhiêu cửa ?

    Đông Bắc Môn có tên gọi dân gian là cửa Kẻ Trài, nằm ở góc Đông Bắc của Kinh Thành, bên bờ Tây của sông Đông Ba. Phần vòm cửa được xây dựng vào năm 1809, dưới thời Gia Long, vọng lầu được xây dựng vào năm 1824, dưới thời vua Minh Mạng. Ngày xưa, Kẻ Trài là tên một xóm ở phía trước cửa thành, nơi đây có chợ Mới, có Hàng Bè, có phố Đông Hội, thương nhân Bắc kỳ đưa hàng hoá vào buôn bán, họ làm lều quán lúp súp, thành những dãy nhà trài hai bên bờ sông, dân bản địa thường gọi là Kẻ Trài, từ đó cửa Đông Bắc cũng có tên là Kẻ Trài.

    Reply
  14. Phan Nam

    Đọc bài anh Đào Thương viết, biết thêm tình người quê hương ta và nhớ lại những địa danh ngoài nớ hồi đó… Chuyện viết của anh
    rất hay!

    Phan Nam

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.