Hồi thứ hai mươi bảy
Vì đại nghĩa, Nguyễn Nhạc thoái vị nhường ngôi
Thuận lòng dân, Nguyễn Huệ đăng cơ Hoàng đế.
*
Trần Văn Kỷ và Nguyễn Quang Hiển vào đến Quy Nhơn ghé về thành Chánh Mẫn thăm Nguyễn Lữ trước. Lê Văn Kỷ trình bày mọi diễn biến ở Thăng Long, đưa tờ bố cáo của Phú Cương, Tổng đốc Vân – Qúy cho Nguyễn Lữ xem, cuối cùng ông nói:
– Bắc Bình vương sai tôi và cháu Hiển vào Quy Nhơn tâu xin Hoàng thượng gửi viện binh để chống lại giặc Thanh nhưng có dặn phải ghé thăm Vương gia trước để nhờ Vương gia tâu giúp cho thì việc mới chóng thành công.
Nguyễn Lữ thở dài nói:
– Ta vừa bỏ Gia Định về đây, Hoàng thượng vì thế mà đã nổi cơn lôi đình, tuy người không bắt tội nhưng cũng khiến lòng ta rất hổ thẹn. Nghe nói Hoàng thượng vừa cho người mang thư ra Phú Xuân yêu cầu chú Huệ đem binh vào nam tiễu trừ Nguyễn Ánh, có lẽ thư chưa đến nơi thì ông đã lên đường vào đây phải không?
– Dạ, có lẽ là như vậy. Tuy nhiên tình hình Gia Định, Bắc Bình vương đã biết, người có dặn tôi vào tâu cùng Hoàng thượng giúp quân để dẹp cho xong cái họa bắc phương, sau đó sẽ mang quân vào nam trừ Nguyễn Ánh. Vương gia còn dặn trước mắt hãy cử tướng Lê Văn Hưng mang quân Diên Khánh vào giúp Thái bảo Tham giữ thành Gia Định.
Nguyễn Lữ thở dài:
– Ta làm hỏng đại sự quốc gia đã có tội với Hoàng thượng, nay lại phải đứng ra làm thuyết khách cho chú Huệ thật khó nói vô cùng?
Trần Văn Kỷ phân giải:
– Vương gia thấy đó, trong nam thì giặc Nguyễn rước bọn Pháp về giúp, ngoài bắc thì nhà Lê rước giặc Tàu sang xâm lăng. Tình hình này nếu Hoàng thượng cùng Vương gia không hết lòng giúp cho Bắc Bình vương thì đất nước ta sẽ bị những hai cái họa xâm lăng không thể nào cứu vãn được. Cơ đồ Tây Sơn bao nhiêu năm Hoàng thượng khó nhọc tạo dựng lên sẽ bị tiêu tan dưới gót giày của quân xâm lược, và cái ách nô lệ lại một lần nữa tròng lên đầu cổ nhân dân ta. Chừng đó Tây Sơn e khó tránh khỏi bị người đời nguyền rủa là tội đồ của dân tộc?
Nguyễn Lữ nói:
– Ông nói phải. Tình hình hiện nay chỉ có chú Huệ mới đủ khả năng giải quyết mà thôi. Tuy nhiên…
Trần Văn Kỷ mừng thầm hỏi nhanh:
– Tuy nhiên Bắc Bình vương phải có đủ thẩm quyền và chính danh để tạo sự đoàn kết và hiệu lệnh nhân dân cả nước, ý của Đông Định vương có phải như thế không?
Nguyễn Lữ im lặng gật đầu. Văn Kỷ nói:
– Vì sự tồn vong của dân tộc, vì hạnh phúc của đồng bào, vì sự nghiệp của Tây Sơn , Đông Định vương có thể…
Nguyễn Lữ nhìn Trần Văn Kỷ chậm rãi hỏi:
– Trung thư lệnh muốn ta xin Hoàng thượng thoái vị phải không?
Trần Văn Kỷ giật mình kinh sợ vội vàng qùy xuống nói:
– Hạ chức vì nghĩ cho đại cuộc nên mới vọng niệm. Xin Vương gia bắt tội.
Nguyễn Lữ mỉm cười nói:
– Đứng lên đi. Ta đã ngán ngẩm chuyện tranh đua của thế sự, đang dự định lên núi ẩn tu. Suy nghĩ của ông hợp ý ta, có gì mà phải hãi sợ.
Trần Văn Kỷ mừng rỡ đứng lên chắp tay vái Nguyễn Lữ:
– Đã vậy, xin Vương gia vì bá tánh thiên hạ mà ra ơn. Thật ra Hoàng thượng không nên thoái vị mà sẽ trở thành Thái thượng hoàng. Việc anh em nhường ngôi nhau là điều mà các bậc minh quân xưa nay vẫn thường làm.
– Hay lắm! Nhưng phải tìm thêm sự ủng hộ của các đại thần.
Trần Văn Kỷ đưa mắt nhìn, Quang Hiển hiểu ý liền lấy trong người ra một phong thư đưa cho Nguyễn Lữ:
– Phụ vương xem đi. Thư của Bùi Đắc Tuyên và cô Xuân gởi cho Tả hộ giá Bùi Văn Nhựt đấy.
Nguyễn Lữ đọc qua bức thư, nhìn Lê Văn Kỷ mỉm cười:
– Thì ra các ông đã có dự trù từ trước.
Trần Văn Kỷ phân bua:
– Mọi người đều nhận thấy tình hình đất nước lúc này qúa sức nguy ngập, nếu không trao cho Bắc Bình vương một quyền hành tối thượng để tạo uy tín mà đoàn kết toàn dân lại thì không thể nào đánh thắng được hai cánh quân xâm lược. Vương gia hãy nghĩ xem, năm mươi vạn quân Thanh kéo sang, nếu chỉ lấy một vạn quân ở Thuận Hóa để chống chọi thì có khác nào đem trứng mà chọi vào đá. Chưa kể bọn thần dân nhà Lê ở Bắc Hà sẽ nổi dậy chống lại Tây Sơn. Trường hợp Bắc Bình vương thất trận, quân Thanh đâu chịu ngồi yên bên kia bờ sông Gianh, chúng sẽ đánh chiếm luôn Quy Nhơn, rồi trong nam bọn Nguyễn Ánh và Pháp Lãng Sa sẽ nhơn cơ hội tấn công ra.. tôi thật không dám nghĩ xa hơn nữa. Xin Vương gia ra sức.
Giọng nói của Nguyễn Lữ trở nên cương quyết:
– Được. Ta sẽ tận hết sức mình. Quang Hiển, con đem bức thư này vào thành trao tận tay Bùi Văn Nhựt, dặn ông ta mời thêm các quan đại thần đêm nay ra đây gặp cha. Sau đó con vào thăm Nội tổ mẫu, kể cho Quốc mẫu nghe mọi việc. Thưa với Nội ngày mai cha sẽ vào thăm.
Đêm đó Bùi Văn Nhựt, Lê Công Miễn, Cao Tắc Tựu, Trần Trọng Vĩ.. và một số đại thần của Tây Sơn đã có mặt tại thành Chánh Mẫn. Sau khi mọi người chào hỏi nhau xong, Nguyễn Lữ lên tiếng:
– Các vị hẳn đã nghe tin giặc Thanh sắp mang năm mươi vạn quân sang giúp nhà Lê lấy lại Bắc Hà. Tiếng là giúp Lê, nhưng Càn Long là một ông vua đầy tham vọng, hắn muốn biến nước ta thành một quận huyện và thiết lập nền đô hộ như trước nay chúng vẫn thường làm. Cho nên hắn sẽ không dừng lại bên kia bờ sông Gianh mà sẽ tấn công chiếm luôn Quy Nhơn, một khi Thăng Long và Phú Xuân thất thủ. Trong khi đó giặc Nguyễn Ánh đang rước bọn Pháp sang giúp để chiếm lại Gia Định, tôi phải bỏ chạy về đây thì sự tình tệ hại thế nào các ông đã biết rồi. Tình hình đất nước chúng ta đang như chỉ mành treo chuông, Bắc Bình vương cử quan Trung thư lệnh vào đây để xin Hoàng thượng gửi binh tiếp viện nhưng còn e Hoàng thượng không thuận nên muốn nhờ đến sự giúp đỡ của chúng ta. Ý các ông thế nào?
Lê Công Miễn nói:
– Sự tồn vong của dân tộc, hạnh phúc của bá tánh và sự nghiệp của Tây Sơn là chính, tôi nghĩ Hoàng thượng sẽ hiểu thấu điều này mà bỏ qua sự hờn giận giữa anh em của Vương gia. Vương gia và ngài Trung thư lệnh đừng lo.
Những người khác đều lên tiếng tán đồng ý kiến của Lê Công Miễn. Nguyễn Lữ tiếp:
– Nếu vậy ngày mai thiết triều, khi Trung thư lệnh trình thư cầu viện của Bắc Bình vương lên Hoàng thượng, xin các ông lên tiếng ủng hộ giúp cho.
Cao Tắc Tựu nói:
– Việc này chúng tôi sẽ đồng lòng. Vương gia an tâm.
Bùi Văn Nhựt chợt buông tiếng thở dài. Nguyễn Lữ hỏi:
– Tả hộ giá thấy có điều gì trở ngại? Ông lo Hoàng thượng từ chối viện binh chăng?
Bùi Văn Nhựt đáp:
– Dạ không. Tôi là người rất gần gũi và hiểu rõ Hoàng thượng, tôi tin việc cử binh giúp Bắc Bình vương sẽ không có gì trở ngại cả, duy có điều…
Trần Trọng Vĩ hỏi:
– Có điều gì không ổn chăng, thưa ngài Tả hộ giá?
Bùi Văn Nhựt ngập ngừng đáp:
– Hoàng thượng hiện nay tuổi trời đã cao, sức khỏe không còn khang kiện, hùng tâm của thời kiến tạo sự nghiệp đã không còn như xưa. Đối với áp lực của hai gọng kềm từ hai thế lực xâm lăng hung bạo của Tàu và Pháp Lãng Sa ở hai phía, tôi lo rằng Hoàng thượng không đảm đương nổi.
Nguyễn Lữ hỏi:
– Thì cũng như mọi lần trước, đã có Bắc Bình vương đứng ra thay thế. Không phải bọn Xiêm La đã bị tan tác rồi hay sao?
Bùi Văn Nhựt lắc đầu:
– Lần này tình hình khác hơn nhiều so với lúc trước.
– Ông nói nghe thử.
– Ngày xưa Tây Sơn là một, trên dưới đồng lòng. Ngày nay, sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc vào năm ngoái, lòng người Nam Hà, qua sự tuyên truyền bếu rếu của Nguyễn Ánh, đã mất dần sự tín nhiệm đối với Tây Sơn chúng ta. Và tôi tin rằng trong lòng Bắc Bình vương vẫn còn ái ngại với Hoàng thượng mỗi khi muốn tự mình quyết định một việc gì to lớn. Mà để đối phó với năm mươi vạn quân Thanh hùng mạnh, nếu triều đình Tây Sơn không đoàn kết làm một thì không thể hiệu triệu toàn dân đoàn kết thành một khối thống nhất. Cuộc chiến chống hai thế lực xâm lược hùng mạnh kia sẽ không thể nào thực hiện thắng lợi được.
Lê Công Miễn hỏi:
– Vậy theo ý ông chúng ta phải làm thế nào để có thể đạt được thắng lợi?
Bùi Văn Nhựt đưa mắt nhìn Nguyễn Lữ ngần ngại nói:
– Đông Định vương từng trải qua những tháng năm kiến tạo nên triều đại này tất nhìn rõ sự nên hư, thành bại cũng như sự khinh trọng của từng sự cố. Xin Vương gia cho chúng tôi nghe nhận xét của ngài.
Nguyễn Lữ đảo mắt nhìn hết các quan một lượt mới thong thả nói:
– Lời phân tích của Bùi hộ giá rất đúng. Muốn đánh thắng cuộc chiến tranh chống lại hai thế lực ngoại xâm hùng mạnh này, ngoài việc chúng ta cần phải đồng tâm nhất trí từ trên xuống dưới, từ vua quan xuống đến dân đen, còn phải có một người đủ tài, đủ sức để lãnh đạo. Người đủ sức đánh bại quân thù thì chúng ta ai cũng biết, chính là Bắc Bình vương. Nhưng để dẫn dắt cuộc chiến tranh cam go này đến thắng lợi, đòi hỏi người chỉ huy phải được chính danh, phải có quyền uy tối thượng để ban phát mệnh lệnh cho toàn quân dân cả nước. Tôi có ý muốn tâu xin Hoàng thượng nhường ngôi cho Bắc Bình vương như các bậc minh quân xưa vẫn làm. Ý các ông thế nào?
Sự vui mừng hiện rõ trên nét mặt của tất cả những người hiện diện, họ im lặng đưa mắt nhìn nhau biểu lộ sự đồng tình. Cuối cùng Võ Xuân Hòe dè dặt nói:
– Nếu Đông Định vương đứng ra chủ trì, chúng tôi sẽ đồng tâm ủng hộ.
Nguyễn Lữ nói:
– Ba anh em ta tình như thủ túc. Việc trọng đại thế này, nếu tất cả bá quan đồng tình, ta tin Hoàng huynh sẽ vui vẻ ưng chuẩn. Quan thị lang về suy nghĩ cho thấu đáo mọi sự, viết một tờ biểu nêu rõ tình hình nguy ngập của đất nước, bá quan và bách tính đều mong muốn Bắc Bình vương có được chính danh để chỉ huy công cuộc chống ngoại xâm. Ngày mai thiết triều, ta sẽ tự mình dâng lên Hoàng thượng.
Lê Công Miễn không dấu được niềm phấn khích:
– Vương gia an tâm, hạ chức biết sẽ phải viết những gì.
Nguyễn Lữ hỏi Nguyễn Quang Hiển:
– Con vào thăm Nội tổ mẫu, người nói sao?
Quang Hiển thưa:
– Thưa phụ vương, Nội tổ mẫu dặn khi nào thiết triều để bàn về việc này thì báo Nội biết để người tham dự.
Mọi người nghe nói Quốc mẫu đồng tình thì ai nấy đều hớn hở ra về.
Hôm sau bá quan tề tựu đông đủ để đưa Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ từ Phú Xuân vào yết kiến vua Thái Đức. Nhà vua tuy vẻ ngoài còn tráng kiện nhưng tinh thần không còn tươi sáng, linh mẫn như xưa. Sau khi bá quan tung hô vạn tuế, nhà vua vừa định lên tiếng hỏi Trần Văn Kỷ thì từ sau màn trướng, Nguyễn Quang Hiển cùng hai thị nữ dìu Quốc mẫu bước ra. Đông Định vương đứng lên bước xuống đón mẹ, Vua Thái Đức ngạc nhiên cũng vội đứng lên vái chào mẹ và hỏi:
– Mẫu hậu đại giá ra chốn triều đường sao không cho con biết trước. Mời Mẫu hậu ngồi.
Bèn bước đến tự tay dìu Quốc mẫu đến chiếc long ỷ dành cho Bắc Bình vương khi xưa. Quốc mẫu ngồi xong mới chậm rải đáp:
– Ta nghe có người ở Phú Xuân vào nên muốn ra đây chính miệng hỏi thăm tình hình sức khỏe của em con. Nghe Quang Hiển nói nó đang ngày đêm lo nghĩ việc chống trả với cả thù trong là Nguyễn Ánh, giặc ngoài là bọn Mãn Thanh, mẹ sợ nó không đủ sức nên vừa lo vừa nhớ nó.
Vua Thái Đức nói:
– Mẫu hậu an tâm, em con là người trước nay chưa hề chiến bại. Giặc nào thì cũng sẽ bị chú ấy dẹp yên cả.
Quốc mẫu nói:
– Biết vậy, nhưng lần này là hai bọn giặc lớn Tây dương và Mãn Thanh. Mẹ nghe nói chúng lại đông đến năm mươi vạn, em con chỉ có một mảnh đất Thuận Hóa nhỏ xíu thì quân lính đâu mà đủ để chống chọi với chúng? Chỉ sợ tính mạng nó không còn, giang sơn này sẽ rơi vào tay ngoại tặc.
Nhà vua trấn an:
– Việc này để quần thần báo cáo rõ ràng, con sẽ có biện pháp giúp em con. Mẫu hậu không nên qúa lo âu.
Rồi trở lại long ỷ, vua Thái Đức hỏi:
– Tình hình Bắc Hà thế nào, Trung thư lệnh trình bày rõ cho ta nghe?
Trần Văn Kỷ tâu trình mọi việc, sau đó dâng lên cho nhà vua tờ bố cáo của Phú Cương cùng tờ biểu xin viện binh của Nguyễn Huệ. Vua Thái Đức đọc qua sắc mặt đầy vẻ lo âu hỏi:
– Chúng dự định kéo năm mươi vạn quân sang xâm lăng nước ta thật à?
Trần Văn Kỷ đáp:
– Tâu Bệ hạ, thần nghĩ con số đó chúng đưa ra với mục đích hăm dọa hòng lung lạc lòng quân đội Tây Sơn và kích thích sự nổi dậy của lực lượng cần vương của nhà Lê. Tuy nhiên nếu chúng thật sự hành động, con số cũng sẽ không ít hơn là mấy. Lực lượng thám báo của ta đang triệt để theo dõi tình hình chuẩn bị của chúng ở Lưỡng Quảng.
Vua Thái Đức nói:
– Nguyễn Huệ có dặn ta sai Lê Văn Hưng đem quân Diên Khánh vào giúp Gia Định, số quân Quy Nhơn còn lại chỉ hơn vạn, phải đưa ra Phú Xuân bao nhiêu mới đủ?
Trần Văn Kỷ tâu:
– Bắc Bình vương đã ra lệnh các xứ từ Quảng Nam đến Thanh Hóa tổng động binh từ mười sáu đến sáu mươi cứ ba suất đinh lấy một, tuy vậy số quân cũng không thể hơn năm vạn.
Hô Hổ hầu đứng lên tâu:
– Muôn tâu Bệ hạ, để có thể đối chọi với vài chục vạn quân Thanh hùng mạnh, chúng ta phải có ít nhất mươi vạn quân trong tay. Hạ thần nghĩ Bệ hạ cũng nên ra lệnh tổng động binh từ Quảng Ngãi vào Bình Thuận như Bắc Bình vương đã làm thì mới đáp ứng được nhu cầu quân số.
Thái Đức gật đầu:
– Việc này ta giao cho khanh. Giữ lại năm ngàn quân để Nguyễn Văn Kim thống lãnh bảo vệ Hoàng thành, số còn lại hãy đưa hết ra Phú Xuân để Nguyễn Huệ điều động.
Hô Hổ hầu lạy tạ:
– Thần tuân chỉ.
Nguyễn Lữ thấy đã đến lúc hành động nên đứng lên bước xuống đại điện qùy trước mặt vua Thái Đức, bá quan văn võ cũng đồng loạt qùy sau lưng. Vua Thái Đức ngạc nhiên hỏi:
– Các khanh có điều gì yêu cầu ở trẫm nữa phải không?
Nguyễn Lữ dập đầu tâu:
– Những điều hạ thần sắp tâu lên có thể sẽ khiến Bệ hạ nổi trận lôi đình, nhưng vì sự tồn vong của dân tộc, vì hạnh phúc của bá tánh thiên hạ, hạ thần đành phải lộng ngôn. Xin hoàng thượng tùy nghi giáng tội.
Các quan đồng loạt nói:
– Chúng thần cũng xin chịu tội chung với Đông Định vương.
Nhà vua hỏi:
– Có điều gì các khanh cứ tình thật tâu trình, sao lại phải rào đón như thế?
Nguyễn Lữ nói:
– Thần cùng bá quan đã bàn bạc với nhau về tình hình nguy ngập của nước nhà trước họa xâm lăng của Mãn Thanh và Pháp Lãng Sa, cuối cùng tất cả đều đồng ý rằng nếu triều đình Tây Sơn không thống nhất ý chí, toàn quân và dân không đoàn kết một lòng thì cái họa diệt vong cầm chắc phải đến. Cho nên hạ thần dẫu bị chém đầu cũng xin thay mặt bá quan cùng toàn thể thần dân Đại Việt dâng lên Bệ hạ tờ biểu thỉnh cầu này. Xin Bệ hạ ngự khán.
Nguyễn Lữ dứt lời, bá quan văn võ lại đồng loạt dập đầu lên tiếng:
– Chúng thần xin cùng nhau chịu tội với Đông Định vương.
Nguyễn Lữ dâng tờ biểu lên. Vua Thái Đức chau mày đọc qua. Bá quan nín thở chờ phản ứng, cuối cùng nhà vua lên tiếng hỏi:
– Tờ biểu này do Lê Công Miễn viết phải không?
Lê Công Miễn dập đầu tâu:
– Thần cũng chỉ vì sự tồn vong của dân tộc và triều đình Tây Sơn mà viết lên lời phạm thượng. Hạ thần xin chịu tội chết.
Vua Thái Đức nói:
– Tất cả hãy bình thân.
Tất cả mọi người vẫn qùy mọp. Nguyễn Lữ nói:
– Chúng thần đang chờ nghe lời phán quyết của Bệ hạ.
Nhà vua hắng giọng lớn tiếng:
– Trẫm chấp thuận lời đề nghị của các khanh. Tất cả hãy bình thân.
Quốc mẫu tự nãy giờ đang lo lắng, nín thở chờ xem phản ứng của nhà vua. Vừa nghe lời tuyên bố đồng thuận, bà mừng qúa nên ôm mặt khóc òa. Vua Thái Đức vội rời long ỷ đến qùy bên mẹ nói:
– Xin mẹ bớt xúc động. Con làm vua hay em con làm vua cũng vậy thôi.
Quốc mẫu đưa tay đặt lên vai nhà vua nức nở:
– Hôm nay chứng kiến cảnh con nhường ngôi cho em, mẹ có chết đi cũng mãn nguyện lắm rồi. Cha con dưới suối vàng chắc cũng ngậm cười.
Bá quan nhất loạt tung hô:
– Hoàng thượng anh minh! Hoàng thượng vạn tuế! Thần dân Đại Việt sẽ ghi nhớ công đức của Hoàng thượng.
Vua Thái Đức trở về long ỷ mỉm cười phán:
– Các khanh hãy bình thân. Anh em ta từ hai bàn tay trắng dựng nên nhà Tây Sơn, những khó khăn của thời cuộc hôm nay sao ta không nhận rõ. Kể từ hôm nay, ta sẽ thoái vị để làm Tây Sơn vương, em ta là Nguyễn Huệ sẽ thay ta lên ngôi hoàng đế để hiệu triệu thiên hạ đánh đuổi ngoại xâm. Lê Công Miễn hãy viết tờ biểu nhường ngôi cùng lời bố cáo cho thần dân trong thiên hạ biết việc này.
Lê Công Miễn lạy tạ:
– Thần tuân chỉ.
Vua Thái Đức lại nói:
– Trần Văn Kỷ mau trở về Phú Xuân để chuẩn bị việc đăng quang cho Bắc Bình vương. Việc viện binh, hẹn trong vòng hai tháng Hô Hổ hầu sẽ dẫn đại binh ra tới Phú Xuân.
Trần Văn Kỷ sụp lạy tâu:
– Hoàng thượng xử sự anh minh chính là phúc lớn cho bá tánh thiên hạ. Tuy Hoàng thượng tuyên bố thoái vị nhưng chúng thần và thần dân vẫn tôn Hoàng thượng như bậc Thái thượng hoàng. Riêng ngày đăng quang, theo ý hạ thần ta nên chờ đến trước ngày xuất quân hãy thực hiện để kích thích lòng binh sĩ và dân chúng. Cầu Hoàng thượng phúc như Đông hải, thọ tỷ Nam sơn.
Các quan cũng đồng loạt sụp lạy tung hô vạn tuế.
*
Tờ bố cáo vua Thái Đức nhường ngôi cho em mình là Bắc Bình vương để hiệu triệu thiên hạ đánh đuổi giặc ngoại xâm được dán khắp nơi từ đèo Tam Điệp vào đến Gia Định khiến cho bá tánh ai nấy đều mừng vui nức dạ. Từ đó những nghi ngờ về sự rạn nứt tình cảm giữa ba anh em Tây Sơn đã bị xóa tan, thay vào đó là sự tin tưởng vào chiến thắng trong công cuộc chống ngoại xâm dưới sự lãnh đạo tài tình của vị tân hoàng đế từng nổi danh là bách thắng tướng quân Long Nhương Nguyễn Huệ. Lòng dân hừng hực mừng vui, khi lệnh tổng động viên ban hành, người người náo nức tòng quân vì họ thực sự muốn tham gia vào cuộc chiến tranh chống bọn giặc xâm lăng phương bắc, một cuộc chiến mà họ tin tưởng chắc chắn sẽ thắng lợi vì từ khi Tây Sơn nổi lên, chưa có kẻ thù nào mà không bị tiêu diệt. Với lòng tin và khí thế đó, hai tháng sau khi lệnh động viên ban hành, Hô Hổ hầu đã có trong tay gần năm vạn binh lính cũ, mới để đưa ra Phú Xuân.
Trần Văn Kỷ mang tờ biểu nhường ngôi về đến Phú Xuân, Nguyễn Huệ đọc xong vô cùng ngạc nhiên và xúc động, ông hỏi:
– Ai đã nghĩ ra việc này?
Trần Văn Kỷ đáp:
– Các tướng lãnh Tây Sơn nghĩ đến trận chiến cam go sắp tới khi phải đối đầu với mấy chục vạn quân Thanh xâm lược đều đồng ý rằng nếu Vương gia không có được sự chính danh để hiệu triệu bá tánh khắp thiên hạ thì cơ thắng lợi sẽ rất nhỏ. Vì thế trước khi vào Quy Nhơn, tất cả đã đồng ý ủy thác trách nhiệm này cho tôi vào đó nhờ Đông Định vương cùng bá quan viết tờ biểu xin Hoàng thượng nhường ngôi cho Vương gia. Việc tưởng sẽ khó khăn hóa ra rất thuận lợi vì sự anh minh của Hoàng thượng. Ngài đã chấp thuận lời yêu cầu của bá quan một cách hết sức vui vẻ.
Nguyễn Huệ cầm tờ biểu nhường ngôi trong tay, qùy xuống hướng mặt về Quy Nhơn lạy ba lạy nói:
– Tình cảm và ơn đức của Hoàng huynh em nguyện khắc cốt ghi tâm.
Bá quan đồng loạt qùy xuống tung hô:
– Thái Đức hoàng thượng vạn tuế, Bắc Bình hoàng đế vạn tuế. Xin Tân hoàng đế định ngày lên ngôi để bá tánh thiên hạ sớm được hưởng phúc.
Nguyễn Huệ nói:
– Bình thân. Ta nghĩ ngày đăng quang nên đợi đến khi xuất quân hãy cử hành. Như vậy sẽ kích thích thêm hào khí cho binh sĩ.
Trần Văn Kỷ nói:
– Hạ thần cũng đã tâu cùng Thái Đức hoàng thượng ý đó. Tuy nhiên, chúng ta nên chuẩn bị mọi sự từ lúc này.
Nguyễn Huệ nói:
– Được, việc này giao cho khanh và Trương Đăng Đồ.
Quay sang các tướng lãnh, ông tiếp:
– Thám báo từ biên giới vừa phi vũ truyền thư về cho hay bọn Mãn Thanh đã chuẩn bị hai mươi vạn quân, định ngày hai mươi tám tháng mười sẽ chia làm ba đạo tràn qua biên giới nước ta. Tất cả tướng lãnh phải cấp tốc thao luyện tân binh. Bộ binh, bộ hộ, bộ lại, phải chuẩn bị tốt khâu vũ khí, lương thảo và nhu yếu phẩm cho đại binh. Mọi việc đến cuối tháng mười một phải sẵn sàng, không được bê trễ.
Nhân dân Thuận Quảng nghe tin quân Thanh tràn sang xâm lăng nước nhà nên càng náo nức tòng quân. Một hôm Nguyễn Huệ đến thao trường đang lúc diễn ra cuộc chiến đấu hết sức gay go giữa Đại đao Trần Quang Diệu và một dũng sĩ trẻ. Nhìn đường đao như giao long nộ hải của người lính trẻ, Nguyễn Huệ giật mình khen thầm:
– Đường đao này xem ra đâu thua kém gì ta!
Bèn hỏi Đặng Văn Long:
– Người thanh niên đang giao đấu với Quang Diệu là ai thế?
Đặng Văn Long đáp:
– Bẩm Vương gia, anh ta tên Nguyễn Sĩ Hoàng, quê ở Quảng Nam. Họ đấu nhau có lẽ đã hơn năm trăm hiệp chớ không phải ít.
Nguyễn Huệ mừng lắm lớn tiếng hô:
– Dừng tay!
Quang Diệu và Sĩ Hoàng đang mãi mê giao đấu, nghe tiếng hô vội tung ra một giải chiêu rồi phóng người lui ra sau. Trần Quang Diệu hớn hở bước đến vỗ vai Sĩ Hoàng nói:
– Ta từ trước chỉ phục đường đao của Võ Văn Dũng, anh là người thứ hai đấy.
Nguyễn Sĩ Hoàng ôm quyền vái dài nói:
– Là nhờ Đô đốc nương tay cho tiểu tốt mà thôi.
Trần Quang Diệu cười ha hả dắt tay Nguyễn Sĩ Hoàng đến ra mắt Nguyễ Huệ và giới thiệu:
– Chúc mừng Vương gia đã có thêm một dũng tướng dưới cờ. Nguyễn Sĩ Hoàng ở Quảng Năm.
Nguyễn Huệ nhảy xuống ngựa niềm nỡ nói:
– Đó là vận may của Tây Sơn mà cũng là vận rủi của quân Mãn Thanh đó. Tráng sĩ năm nay niên kỷ được bao nhiêu rồi?
Sĩ Hoàng lễ phép đáp:
– Đa tạ Vương gia khen ngợi. Tiểu tốt vừa tròn hai mươi lăm.
Nguyễn Huệ vui vẻ nói:
– Từ nay anh hãy theo Đô đốc Diệu rèn luyện thêm binh pháp, sau đó ta sẽ liệu việc mà sắp xếp cho.
Sĩ Hoàng vái Nguyễn Huệ nói:
– Tạ ơn Vương gia đã thu dụng.
Quay sang Trần Quang Diệu, Sĩ Hoàng nói:
– Được theo Đô đốc học hỏi là vinh hạnh và mơ ước từ lâu của tiểu tốt. Xin Đô đốc chỉ dạy.
Trần Quang Diệu mừng rỡ nói:
– Tạ ơn Vương gia.
Vỗ vai Sĩ Hoàng, ông tiếp:
– Anh sẽ là người thừa kế ta trên con đường Thượng đạo.
Ngày hai mươi bốn tháng mười một năm Mậu Thân (21-12-1788), đúng theo lệnh của Nguyễn Huệ tất cả mọi việc đã được chuẩn bị sẵn sàng. Nguyễn Huệ đang họp các quan văn võ để nghe báo cáo thì Nguyễn Văn Tuyết từ Tam Điệp cùng con thiên lý mã Xích Kỳ về đến Phú Xuân, cả người lẫn ngựa phủ kín bụi đường. Vừa vào đến nơi, Nguyễn Văn Tuyết đã vội vã báo tin:
– Giặc Mãn Thanh đã chiếm mất Thăng Long, Đại Tư mã rút quân về cố thủ Tam Điệp và sai tôi về báo lại cho Vương gia rõ tình hình.
Nguyễn Huệ bình thản nói:
– Ông vừa trải qua quảng đường xa mỏi mệt hãy nghỉ ngơi cho khỏe trước đã.
Văn Tuyết nói:
– Nhưng lần này lực lượng Mãn Thanh rất hùng hậu. Vương gia phải có kế sách vẹn toàn mới được.
Nguyễn Huệ mỉm cười:
– Việc gì phải gấp gáp. Chúng sang đây chỉ để tìm cái chết mà thôi. Mọi việc ta đã trù liệu cả rồi. Việc phòng thủ Tam Điệp thế nào?
– Đại Tư mã cho quân đóng hàng ngang từ Tam Điệp xuống tận Biện Sơn, cắt đứt mọi liên lạc giữa Thanh Hóa và Thăng Long.
– Giỏi lắm. Ai đề xuất việc bỏ Thăng Long về giữ Tam Điệp? Phải Ngô Thời Nhậm không?
– Đúng là do Thời Nhậm đề xuất. Nhưng Đại Tư mã cũng đã có tính toán như vậy nên tán thành ngay.
– Ông về thật đúng lúc. Ta dự định ngày mai sẽ cử hành lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế và làm lễ xuất quân…
Nguyễn Văn Tuyết giật mình vội vàng qùy xuống vừa lấy tờ chiếu lên ngôi của Ngô Thời Nhậm soạn sẵn dâng lên vừa tung hô:
– Nóng lòng qúa nên quên cả việc chúc mừng và tờ chiếu lên ngôi của Ngô thị lang Đại học sĩ gởi về. Hoàng thượng vạn tuế! Vạn vạn tuế!
Nguyễn Huệ bước đến nhận tờ chiếu và đỡ Nguyễn Văn Tuyết đứng lên thân mật nói:
– Đợi ngày mai ra Núi Bân hãy nói tiếng tung hô cho quân sĩ thêm nức lòng.
Nguyễn Huệ đọc lướt qua tời chiếu xong nói với chư tướng:
– Nay mọi việc đã sẵng sàng, ngày mai sau lễ đăng quang chúng ta sẽ lập tức tiến binh.
Bùi Thhị Xuân lên tiếng:
– Lần này xin Hoàng thượng cho thần được chỉ huy đoàn tượng binh ra Thăng Long..
Nguyễn Huệ ngắt lời:
– Không được. Ta nghe Tôn Vĩnh Thanh đang chuẩn bị ba vạn thủy quân ở Quảng Đông sẵn sàng tiến xuống Quảng Nam để đánh sau lưng quân ta. Hơn nữa, có thể chúng sẽ cho một cánh quân theo đường núi qua Ai Lao để tiến đánh Thuận Hóa. Nay ta giao nhiệm vụ canh giữ mặt biển từ Phú Xuân vào Quy Nhơn cho Võ Văn Dũng, cháu và Đô đốc Diệu sẽ trấn thủ kinh thành. Đây là nhiệm vụ quan trọng, không được sơ suất. Tượng binh lần này giao cho Đặng Văn Long chỉ huy. Các tướng khác sẽ theo ta ra bắc.
Các tướng hớn hở nhận lệnh. Đêm đó Nguyễn Huệ sau khi rời hậu cung của Bùi chánh phi liền đến thăm Bắc cung Ngọc Hân, gặp lúc Ngọc Hân và Trần Mỹ Tuyết đang trò chuyện với nhau. Thấy Nguyễn Huệ bước vào cả hai vội đứng lên chào:
– Tiện thiếp ra mắt Vương gia, mừng Vương gia sắp lên ngôi Cửu ngũ.
Nguyễn Huệ mỉm cười hỏi:
– Hai nàng chỉ mừng suông vậy thôi sao? Vật gì sau lưng nàng đó?
Ngọc Hân đỏ mặt bẻn lẻn nói:
– Là chiếc Hoàng bào thiếp tự tay may và thêu con rồng vào để chờ ngày Vương gia đăng quang.
Trần Mỹ Tuyết cười nói:
– Mất nửa tháng trời, Bắc cung vương phi mới may và thêu xong. Vương gia ướm thử xem.
Rồi lấy chiếc hoàng bào từ tay Ngọc Hân choàng lên người Nguyễn Huệ. Mỹ Tuyết ngắm nghía một lúc lớn tiếng khen:
– Đẹp qúa, lại vừa y. Vương phi thật là người khéo tay.
Nguyễn Huệ hỏi:
– Bắc cung tặng ta hoàng bào, phần nàng, nàng có gì cho ta?
Ngọc Hân cầm chiếc áo ngự hàn trên bàn đưa cho Nguyễn Huệ xem và đáp thay Mỹ Tuyết:
– Chiếc áo ngự hàn này, Tuyết vương phi đã tự tay may lấy để Vương gia đỡ lạnh khi ra bắc.
Rồi nàng bước đến cởi chiếc hoàng bào trao cho Mỹ Tuyết, mặc chiếc áo ngự hàn vào cho chồng. Nguyễn Huệ cười đùa:
– Với ân tình của hai nàng dành cho ta, không có cái rét của bất cứ miền đất nào có thể khiến ta cảm thấy lạnh lẽo được cả.
Cả hai vì Vương phi nhìn nhau mỉm cười rồi đồng thanh nói:
– Tạ ơn Vương gia đã ghi nhận.
Nguyễn Huệ nhìn Mỹ Tuyết nói:
– Ngày mai xuất quân, nàng sẽ cùng ta ra bắc. Mọi thứ đã chuẩn bị xong chưa?
Mỹ Tuyết đáp:
– Dạ, thiếp đã chu toàn.
– Lần này quân ta có thể hành quân thần tốc đều nhờ sáng kiến của nàng đấy.
Ngọc Hân hỏi:
– Là hai món lương thực cầm tay bánh tráng và bánh tét phải không?
Nguyễn Huệ gật đầu. Mỹ Tuyết nói:
– Thiếp xin phép cáo lui để thu xếp chút việc.
Rồi nhìn Ngọc Hân mỉm cười ý nhị và rời khỏi phòng. Mỹ Tuyết đi rồi, Ngọc Hân hỏi chồng:
– Ngày mai Vương gia đã phải rời Phú Xuân viễn chinh lâu ngày, sao không ở lại với Chánh phi mà đến đây?
Nguyễn Huệ cầm hai bàn tay Ngọc Hân mỉm cười nói:
– Chánh phi bảo ta phải sang với nàng. Nàng biết rằng ta lúc nào cũng tuân lệnh vợ mà.
Ngọc Hân rút bàn tay nhỏ bé, trắng như ngọc ra khỏi bàn tay sạm nắng của Nguyễn Huệ, khẽ đánh nhẹ vào ngực chồng, thẹn thùng nói:
– Nhưng Vương gia chỉ nghe lời lúc nào thấy có lợi cho mình không thôi.
Nguyễn Huệ cười ha hả nói:
– Trên đời này có ai thấy có lợi mà không làm không?
Rồi ông nhẹ giọng âu yếm:
– Trước khi ra quân, ta thực muốn cùng nàng đối ẩm đêm nay.
Ngọc Hân ngoan ngoãn vâng lời, sai tỳ nữa bày cuộc rượu. Nàng rót rượu ra chung, tay nâng ngang mày nói:
– Ly này chúc Vương gia ghi thêm một chiến tích lẫy lừng nữa vào trang sử bách thắng của mình.
Nguyễn Huệ hỏi:
– Sao nàng không uống cùng ta?
Ngọc Hân bẻn lẻn đáp nhỏ:
– Chỉ vì lương y nói, thiếp đã có long chủng của Vương gia trong người rồi.
Rồi đưa tay xoa nhẹ bụng mình. Nguyễn Huệ nghe nói mừng rỡ hỏi:
– Thật ư? Bao lâu rồi? Thật là đại hỷ sự trước ngày ra quân!
Ngọc Hân đáp:
– Dạ, vừa tròn ba tháng.
Nguyễn Huệ uống cạn chung rượu, đứng lên bước đến qùy một chân xuống trước mặt Ngọc Hân, đặt nhẹ tay lên bụng nàng âu yếm:
– Một người mẹ như nàng ta tin nhất định sẽ cho ta một nàng công chúa xinh đẹp hoặc là một hoàng tử kháu khỉnh và bụ bẫm rồi.
Ngọc Hân nhoẻn miệng cười:
– Dù vậy chúng cũng không hơn được cha mình.
– Sao nàng lại nói chắc như vậy?
– Là vì trên thế gian này làm gì có người tài hơn Long Nhương được nữa.
Nguyễn Huệ phì cười, hôn nhẹ lên bàn tay vợ:
– Bên cạnh nàng, ta lúc nào cũng cảm thấy tràn trề niềm hạnh phúc
Rồi đứng lên tự tay rót rượu hân hoan nói:
– Ta uống thay cho nàng để mừng cho hỷ sự này.
Và cạn liên tiếp ba chung. Ngọc Hân nói:
– Đêm nay thiếp không uống được rượu để hầu Vương gia, xin thay thế hai chung rượu tiễn bằng hai câu thơ vậy.
Nguyễn Huệ nói:
– Thế thì còn gì hay bằng. Ta vẫn mê giọng ngâm và thi tứ của nàng.
Ngọc Hân cất tiếng trong trẻo ngâm:
Cổ kim bách thắng Long Nhương tướng
Nhất thống sơn hà Bắc Bình vương.
Nguyễn Huệ cười lớn:
– Ha..ha..Nàng thật khéo biết ca tụng chồng mình. Nhưng ta sẽ uống ba chung rượu cho mối ân tình này.
Ngọc Hân bẻn lẻn:
– Thiếp chỉ nói lên sự thật thôi.
Nguyễn Huệ uống hết ba chung rượu, cao hứng bắt chước kép hát bội ra bộ rồi lớn tiếng diễn:
– Nàng đã tặng ta hai chữ bách thắng, ta nhất định không để phụ lòng nàng. Lần này ra bắc, nhất định bọn Mãn Thanh sẽ bị ta đánh cho để dài tóc, đánh cho để răng đen, đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ..ha..ha..ha..
Ánh mắt của Ngọc Hân bỗng sáng ngời lên vì kinh ngạc. Nàng vỗ tay khen:
– Vương gia đang làm thơ đánh giặc đó à? Xem nào:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để răng đen
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Ôi! Thật là một bài thơ tuyệt diệu và đầy hào khí!
Nguyễn Huệ thôi cười, dừng lại nheo mắt nhìn vợ hỏi:
– Nàng qúa lời không sợ làm ta thẹn sao?
Ngọc Hân nghiêm trang đáp:
– Thiếp không qúa lời đâu. Đây đúng là bài thơ đầy khẩu khí của một bậc thiên tướng, một bậc đế vương. Vương gia hãy đọc lại câu cuối cùng mà xem, nó như một bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước nhà vậy.
Nguyễn Huệ hỏi:
– Vậy bảng tuyên ngôn thứ nhất là của ai đã nói?
– Danh tướng Lý Thường Kiệt đời Lý. Khi ông ta làm một bài thơ để kích thích lòng binh sĩ chống giặc Tống xâm lăng, vô tình nó đã trở thành một bản tuyên ngôn độc lập của Đại Việt. Để thiếp đọc lại cho Vương gia nghe nhé:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Bài thơ của Vương gia đâu có khác gì khi tuyên bố rằng đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Nguyễn Huệ bước đến nắm hai bàn tay nhỏ nhắn của vợ đặt lên ngực mình, giọng chân thành:
– Hai năm qua nàng vừa là một người vợ hiền, vừa là một người thầy tài giỏi của ta. Tên học trò này dẫu ngu dốt đến mấy cũng phải học được chút ít chứ.
Ngọc Hân đứng lên áp má vào người chồng, nũng nịu:
– Vương gia lại qúa khen thiếp rồi.
Đêm chia tay tình ái mặn nồng biết bao!
*
Núi Bân thuộc thôn An Cựu, huyện Hương Trà, Phú Xuân. Núi không cao, ước chừng tám trượng (dưới 50m), đã được Trương Đăng Đồ cho cắt ba lớp mặt cắt tạo thành ba tầng. Tầng trên cùng được thiết bày hương án làm thành Đàn Nam Giao tế Trời. Rạng sáng ngày hai mươi lăm tháng mười một năm Mậu Thân, hàng vạn quân sĩ cùng bá tánh thành Phú Xuân đã có mặt quanh đàn. Nguyễn Huệ hôm nay mặc chiếc Thiên tử Hoàng bào do đích tay Ngọc Hân công chúa may, thong thả bước lên đàn. Sau nghi lễ tế cáo trời đất, Nguyễn Huệ chính thức đăng quang chọn đế hiệu là Quang Trung hoàng đế, tức Tây Sơn đệ nhị Hoàng đế, lấy năm Mậu Thân làm năm Quang Trung thứ nhất.
Tiếng trống Tây Sơn hòa cùng hàng vạn tiếng tung hô tung hô chúc tụng của mấy vạn quân dân tham dự làm vang động cả kinh thành Phú Xuân. Sau khi nhận lời chúc tụng, Vua Quang Trung với giọng nói sang sảng tuyên đọc chiếu lên ngôi:
Trộm nghĩ: năm đời đế đổi họ mà chịu mệnh, ba đời vương gặp thời mà mở vận, đạo có thay đổi, thời cũng biến thông, đấng thánh nhân vâng theo đạo trời để làm chủ tể trong nước, làm cha mẹ dân, chỉ có một nghĩa mà thôi.
Nước Việt ta từ đời Đinh, Lê, Lý, Trần gây dựng ra nước cho đến ngày nay, thánh minh dấy lên không phải là một họ, nhưng thịnh suy, dài ngắn, vận
mệnh do trời, không phải sức người tạo ra được. Trước đây nhà Lê mất chính quyền, họ Trịnh và cựu Nguyễn chia bờ cõi. Hơn hai trăm năm nay, kỷ cương rối loạn, vua Lê chỉ là hư vị, cường thần tự ý vun trồng, giềng mối của trời đất một phen rơi xuống không nâng lên được, chưa có lúc nào hư hỏng quá như lúc này vậy. Vả lại mấy năm gần dây, nam bắc gây việc binh đao, nhân dân rơi vào chốn bùn than. Trẫm là người áo vải ở Tây Sơn, không có một thước đất, vốn không có chí làm vua, chỉ vì lòng người chán ngán đời loạn, mong mỏi được vua hiền để cứu đời yên dân, vì vậy trẫm tập hợp nghĩa binh, mặc áo tơi đi xe cỏ để mở mang núi rừng, giúp đỡ hoàng đại huynh rong ruổi việc nhung mã, gây dựng nước ở Tây Thổ, vỗ yên các nước Xiêm La, Cao Miên, đánh lấy Phú Xuân, tiến ra Thăng Long, cố ý quét sạch loạn lạc, cứu vớt dân trong vòng nước lửa, rồi sau trả lại nước cho họ Lê, trả đất về đại huynh, trẫm sẽ ung dung xiêm thêu hia đỏ ngao du hai nơi làm vui mà thôi. Nhưng việc đời run rủi, trẫm không theo được cái chí xưa đã định.
Trẫm hai lần gây dựng họ Lê, thế mà tự quân họ Lê không biết giữ xã tắc, bỏ nước đi bôn vong, sĩ dân Bắc Hà không hướng về họ Lê, chỉ trông mong vào trẫm, về phần đại huynh có ý mỏi mệt, tình nguyện giữ một phủ Qui Nhơn, tự nhún xưng là Tây vương, mấy nghìn dặm đất về phương nam thuộc hết về trẫm. Trẫm tự nghĩ tài đức không bằng người xưa, mà đất đai thì rộng, nhân dân thì nhiều, ngẫm nghĩ cách thống trị, lo ngay ngáy như dây cương mục chỉ huy sáu ngựa.
Vừa rồi đây, văn võ tướng sĩ, trong ngoài thần liêu, đều muốn trẫm sớm lên ngôi báu để giữ chặt lòng người, đã hai ba lần dâng thư khuyên trẫm lên ngôi, tờ biểu suy tôn, không ai bàn tính với ai mà đều cùng một lời tán thành.
Nay xem khí thần rất hệ trọng, ngôi trời thật khó khăn, trẫm chỉ lo không kham nổi, nhưng ức triệu người trong bốn bể đều xúm quanh cả vào thân trẫm, đó là ý trời đã định, không phải do người làm ra. Trẫm nay ứng mệnh trời, thuận lòng người không thể khăng khăng cố giữ sự khiêm nhường.
Trẫm chọn ngày 22 tháng 11 năm nay lên ngôi thiên tử, đặt niên hiệu là Quang Trung năm đầu, truyền bảo cho trăm họ muôn dân phải tuân theo giáo lệnh của nhà vua. Nhân nghĩa, trung chính là đạo lớn của người, trẫm nay cùng dân đổi mới, vâng theo mưu mô sáng suốt của vua thánh đời trước, lấy giáo hóa trị thiên hạ.
Một là: mười ba đạo các xứ địa phương, vụ đông năm nay, các khoản “tô, dung, điệu” chỉ thu năm phần mười, nơi nào bị nạn binh hỏa, cho phép các quan chức đến nơi xét thực, tha miễn tất cả.
Hai là: bầy tôi và nhân dân cựu triều hoặc bị vạ lây đã phải kết tội nặng, trừ tội đại nghịch bất đạo, còn thì đều cho đại xá.
Ba là: các đền thờ dâm thần đều bãi bỏ đi không được liệt vào tự điển, còn các đền thiên thần và trung thần, hiếu tử, nghĩa phụ, trước đã được các đời bao phong thì nay đều cho thăng trật.
Bốn là: quan viên văn võ cựu triều, hoặc vì tòng vong trốn tránh, cho phép được về nguyên quán, người nào không muốn ra làm quan cũng cho tùy tiện.
Năm là: nhân dân Nam Hà, Bắc Hà, cách ăn mặc cho được theo tục cũ, dùng áo mũ triều nghi thì nhất luật phải theo qui chế mới.
Than ôi! Trời vì hạ dân đặt ra vua, đặt ra thầy, cốt là để giúp thần thượng đế, yên vỗ bốn phương. Trẫm nay có thiên hạ sẽ dìu dắt dân vào đạo lớn, đem dân lên cõi đài xuân. Vậy tất cả mọi người thần dân đều yên chức nghiệp, chớ có theo đòi những việc sai trái; người làm quan giữ đạo công liêm, người làm dân vui theo lệ tục, giáo hóa thấm nhuần, đi đến con đường chí thận, để vãn hồi lại thịnh trị của năm đời đế ba đời vương, để kéo dài phúc lành của tôn miếu, xã tắc không có bờ bến, chả là tốt dẹp lắm ru![1]
Những tiếng Hoàng thượng vạn tuế lại nổi lên như sấm dây. Vua Quang Trung chính thức phong Bùi Thị Nhạn làm Chính cung Hoàng hậu, Ngọc Hân làm Bắc cung Hoàng hậu, Trần Mỹ Tuyết làm Đệ nhất thứ phi. Phong Nguyễn Quang Toản, con trai của Bùi hoàng hậu làm Thái tử. Lễ đăng quang vừa dứt, Vua Quang Trung trên mình voi đích thân chỉ huy ba quân thủy bộ lập tức lên đường tiến ra Nghệ An.
Nhờ vào tinh thần hăng hái của ba quân, nhờ món bánh tráng và bánh tét của Thứ phi Trần Mỹ Tuyết, rất gọn nhẹ, không mất thời gian nấu nướng dùng làm lương thực đi đường, nhà vua chỉ định những nơi tập trung nhất định, sau đó chia quân ra nhiều nhóm nhỏ tùy tiện băng đồng hay vượt núi, tất cả các những ưu thế đó được phối hợp rất nhịp nhàng và kỷ luật, dó đó chỉ sau bốn ngày, đại binh đã đến Nghệ An. Vua Quang Trung cho dừng quân ở đó mười ngày, sai Đô đốc Hô Hổ hầu và Đề đốc Đặng Hữu Cán tiếp nhận số tân binh mà trấn thủ Nghệ An đã tuyển mộ để huấn luyện. Nhờ Đặng Hữu Cán là người Nghệ Tĩnh nên chỉ trong vòng mười ngày, Tây Sơn đã có thêm một vạn tân binh cùng nhiều người tài như Cai đội Nguyễn Đình Tín.
Trong thời gian ở Nghệ An, Nguyễn Huệ đã bảo Trần Văn Kỷ:
– Khanh viết một lá thư, cho người đi mời Nguyễn Thiếp đến gặp trẫm.
Trần Văn Kỷ y lệnh viết thư mời. Hôm sau Nguyễn Thiếp đến quân doanh, vua Quang Trung lấy lễ đón tiếp hỏi:
– Quân Thanh đem quân hai mươi vạn tràn sang xâm lấn bờ cõi, ta muốn đem quân chống lại. Mẹo đánh giữ, cơ được thua theo ý Tiên sinh thế nào?
Nguyễn Thiếp đáp:
– Người Thanh từ xa mới tới còn chưa biết tình hình nước ta khó dễ, thế thủ hay chiến lợi hại thế nào. Chúng lại có lòng khinh địch. Nếu Hoàng thượng đánh gấp thì chỉ trong vòng mười ngày là phá được giặc. Chậm trễ sẽ khó khăn hơn.
Vua Quang Trung hớn hở nói:
– Binh qúy thần tốc. Lời Tiên sinh rất hợp ý ta.
Tiễn Nguyễn Thiếp về xong, Trần Văn Kỷ nói:
– Lòng thành của Hoàng thượng đã cảm hóa được vị danh sĩ này rồi.
Nguyễn Huệ mỉm cười:
– Lòng thành cũng không đánh đổ được hai chữ trung quân, chỉ có chánh nghĩa của dân tộc mới thay đổi được nó mà thôi.
– Ý Hoàng thượng muốn nói Tây Sơn đang nắm chính nghĩa trong tay để đánh đuổi ngoại xâm?
– Đúng vậy. Lần ra quân này nếu thành công chúng ta sẽ chiến thắng được hai kẻ thù cùng một lúc.
Trần Văn Kỷ đỡ lời:
– Giặc Mãn Thanh và kẻ sĩ trong thiên hạ.
Ánh mắt Nguyễn Huệ long lên:
– Cho nên để biến họa thành phúc, bằng mọi giá chúng ta phải thắng cuộc chiến này.
Bèn chia quân là năm doanh: tiền, hậu, tả, hữu và trung quân. Cho sung toàn bộ tân binh ở Nghệ An và trung quân đặt dưới quyền chỉ huy của mình sau đó tổ chức một cuộc duyệt binh. Trước gần mười vạn quân, vua Quang Trung lớn tiếng tuyên bố:
“Quân Thanh sang xâm lược nước ta, hiện đang ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao nấy, tất cả đều được phân biệt rõ ràng, Bắc Nam hai phương chia nhau cai trị, người phương Bắc không phải nòi giống ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời Hán đến nay, chúng đã bao phen cướp bóc nước ta, cho nên người mình không ai chịu nổi, đều muốn đánh đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng nữ vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ… các ngài không nỡ ngồi yên nhìn chúng làm điều tàn bạo, cho nên đã thuận theo lòng người mà dấy nghĩa binh, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về hẳn bên phương Bắc. Ở các thời ấy, Bắc Nam riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi lâu dài. Từ đời nhà Đinh tới nay dân ta không đến nỗi khổ như hồi nội thuộc xưa kia. Mọi việc lợi hại và được thua đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại trước. Nay người Thanh lại sang mưu đồ lấy nước Nam ta mà đặt thành quận huyện của chúng, không biết trông gương các đời Tống, Nguyên, Minh thuở xưa, vì thế ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng. Các ngươi đều là những kẻ có lương tri, lương năng, hãy nên cùng ta hiệp lực để dựng nên công lớn. Chớ có quen theo thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như ta phác giác ra sẽ bị giết chết ngay lập tức không tha một ai, chớ bảo ta không nói trước”
……………
[1] Bài Chiếu Lên Ngôi trong tập Hàn Các Anh Hoa của Ngô Thời Nhậm.{jcomments on}
Một đoạn lịch sử đã qua, được Vũ Thanh viết lại bằng một ngòi bút sắc sảo tuyệt vời.
Cám ơn vũ Thanh .
Cảm ơn Thu Thủy.
Cũng nhờ Vũ Thanh viết lại thời khắc quan trọng nhất của khởi nghĩa Tây Sơn để người đọc biết rõ một điều: nhờ đâu mà Quang Trung đại thắng quân nhà Thanh. Ðó là nhờ ở chính nghĩa. Chính nghĩa có không phải do tự nhiện mà có mà đến từ lòng dân. Chính sử có nhiều người đã viết không đúng về thời đó là Quang Trung đã soán ngôi vua anh để xưng Hoàng Ðế. Nếu làm thế thì làm gì được thuận lòng dân, theo mệnh trời mà đi dẹp xâm lăng. Nhường ngôi cho em, Nguyễn Nhạc biết đây là lúc vai trò dựng nghiệp của mình đã xong, lặng lẽ lui vào bóng tối, để cho Long Nhương tướng quân làm lịch sử. Câu chuyện nhường ngôi một cách êm thấm này đã giúp cho toàn dân thời đó biết vai trò chính danh của Huệ để theo phò giữ nước.
Dân theo, sĩ phu theo, trời thuận, thời cơ đến…Huệ như ngọn cờ trước gió phất phới lòng người. Ðược thế thì giặc nào ta không đánh tan, kẻ thù nào ta cũng dám đương đầu. Cũng may, bên cạnh Nguyễn Nhạc không có những ngu trung như nhà hậu Lê nên việc chuyển giao quyền lực thật êm ấm để tăng sức mạnh cho Quang Trung đi diệt quân Thanh.
Ðang hăm hở chờ đọc tiếp những đoạn sau nữa.
Cảm ơn Vũ Thanh đã cho anh em thưởng thức trước.
NL
Ngay trong tờ chiếu lên ngôi của vua Quang Trung do Ngô Thời Nhậm soạn còn sờ sờ câu nói
“…Trẫm hai lần gây dựng họ Lê, thế mà tự quân họ Lê không biết giữ xã tắc, bỏ nước đi bôn vong, sĩ dân Bắc Hà không hướng về họ Lê, chỉ trông mong vào trẫm, về phần đại huynh có ý mỏi mệt, tình nguyện giữ một phủ Qui Nhơn, tự nhún xưng là Tây vương, mấy nghìn dặm đất về phương nam thuộc hết về trẫm….” Vậy mà lịch sử và thiên hạ (nhà Nguyễn) vẫn tìm cách chối bỏ công lao thống nhất đất nước của Nguyễn Huệ, cũng như đã tìm mọi cách bóp méo cho lớn thêm chuyện xích mích giữa anh em Tây Sơn để làm giản uy tín của họ. NHẤT THỐNG SƠN HÀ của VT ra đời như một sự cố gắng chỉnh sửa lại mọi méo mó của gia đoạn lịch sử này anh Nguyên Lương ơi.
Báo tin vui cho mọi người hay: NHẤT THỐNG SƠN HÀ chỉ còn hai hồi thứ nữa là hoàn thành rùi đấy….. (bộ 4 cuốn = 4 cuốn Én Liệng Truông Mây) đón xem.. đón xem…
Đang chờ…đang chờ…đây…
Anh Vũ Thanh có bóp méo chính sử để viết dã sử không đấy …chạy.
Chạy đi đâu cho thoát lưới trời Dạ Lan ơi. Sự thật thì sẽ trở về với sự thật thôi. Chính sử của kẻ chiến thắng không hẳn đã là sự thật nên cần dã sử tu chính thêm. VT đang làm việc này đấy.
Hồi thứ hai mươi bảy
Vì đại nghĩa, Nguyễn Nhạc thoái vị nhường ngôi
Thuận lòng dân, Nguyễn Huệ đăng cơ Hoàng đế.
*
Đọc hồi thứ hai mươi bảy thật thích, lâu ni QT vẫn kính phục vua Nguyễn Huệ nhưng vẫn nghe nhiều nguồn tin không hay về giai đoạn lịch sử này nay dã rõ, mừng lắm thay…
Quốc Tuyên ơi. VT dựa vào những chi tiết lịch sử để vẽ lại bức tranh xưa, cố gắng gạt bỏ tình cảm riêng tư của người Bình Định để bức tranh được sáng sủa và không nghiêng lệch bên nào. Đọc cả bộ sẽ thấy rõ ràng hơn. Chờ nghen.
Đoan Tuyết đọc từ đầu đến cuối hồi thứ hai mươi bảy ( những hồi trước rất tiếc không được đọc đầy đủ vì cũng chỉ mới làm quen với trang nhà),xin mạo muội ghi vài cảm nhận như sau:
– Tác giả đã chọn thể “chí” – một loại tiểu thuyết viết theo chương hồi. mỗi hồi thường có hai câu tóm tắt nội dung chính của hồi đó. Đây là thể văn rất thích hợp để viết lịch sử ( hay dã sử ), “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái là một ví dụ
– Chọn ngôi kể thứ ba để kể lại cho khách quan nhưng TG không quên nhân vật chính Nguyễn Huệ xuyên suốt tác phẩm
-Các sự kiện, tình tiết, lời thoại…người viết đã rất ý thức để dựng lại được bối cảnh lịch sử XH và tính cách, ngôn ngữ của từng tầng lớp người lúc ấy. Điều này ĐT xin bái phục vì người viết hẳn đã dày công nghiên cứu và phải có năng khiếu văn học mới làm được
– Riêng chi tiết Ngọc Hân cho rằng bài xuất khẩu thành thơ của Nguyễn Huệ trong đêm chia tay có thể xem là “bảng tuyên ngôn độc lập thứ hai” thì ĐT có chút thắc mắc, vì xưa nay trong LS và VH vấn xem bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi là tuyên ngôn độc lập thứ hai, nếu vậy bài của N.Huệ phải là thứ ba
Nếu có gì mong tác giả bỏ quá cho và ĐT chờ đọc hồi tiếp theo
Cảm ơn Đoan Tuyết đã có những nhận xét rất bổ ích giúp tác giả tự tin hơn để tiếp tục công việc. Về việc Bình Ngô Đại Cáo là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai thì VT chưa được biết, sẽ tìm hiểu thêm và sửa chữa vấn đền này. Cảm ơn ý kiến thú vị này của Đoan Tuyết lần nữa. Hy vọng còn được nghe những lời góp ý chân tình và sâu sắc của bạn về sau. Chúc mọi điều bình an đến với bạn.
Chí lý.
Viết hay, tâm huyết nhưng không đáp ứng nhu cầu thời đại công nghiệp hiện nay.
Tôi không đồng ý với Tuệ Minh điểm này. Ở thời đại công nghiệp, con người sau những lúc túi bụi với mưu sinh, rất cần những lúc thư giãn để quân bình cuộc sống. Âm nhạc và tiểu thuyết là 2 món ăn bổ ích nhất cho việc quân bình này. Có thể đất nước ta đang bắt đầu bước vào giai đoạn công nghiệp hóa nên việc đọc sách giải trí chưa là nhu cầu cần thiết, nhưng ít nhất, những bộ truyện lịch sử như thế này sẽ góp phần giúp nền điện ảnh VN có sự tích để làm phim, từ đó quảng bá lịch sử Việt cho người Việt, thay ví cái gì cũng lấy từ Tàu. Phải phát động và cổ động cũng như ủng hộ cho phong trào người Việt đọc lịch sử Việt, xem phim Việt. VT chấp nhận làm người khai mở, tuy có thiệt thòi nhưng tương lai sẽ rất có ích cho văn học và điện ảnh nước nhà. Đó là mục đích chính yếu mà VT nhắm đến Tuệ Minh ạ.
Tuy dã sử nhưng với lối viết lách của VT thật hay nên” Lộng giả thành chân” rồi! Hì, Hì… Chúc Vui
PN