Những dịp về thăm quê, tôi thường được các anh chị lớn tuổi kể lại những việc ba tôi đã làm; đọc lại những bài thơ ông đã sáng tác trong thời gian tham gia Cách mạng Tháng Tám và Kháng chiến kiến quốc:
“Hồi ấy, hễ có việc gì xảy ra, bà con trong huyện kéo nhau đến mét “mình ên” ba em (tức chú Yến Lan). Cứ nơi nào cần thì có chú. Chú chuyên hòa giải những rắc rối của bà con xóm giềng. Ai ai cũng tin và nghe lời chú khuyên giải. Chú còn chỉ cho bà con cách chống khí độc, cách tránh bom khi máy bay ném xuống… Hồi ấy, tôi còn nhỏ, chưa được tham gia vào tổ chức nào, song cũng đã biết nhận diện rành rọt việc ba làm. Ông bận rộn, tất bật cả ngày nên tôi nghĩ trong bụng: “Ba là người giỏi giang và quan trọng nhất phố huyện mình.” Ba lo chỗ ăn, chỗ ở cho các chú bộ đội về làng. Ba đi sớm về khuya, có bữa không kịp ăn. Tối thì tập kịch cho các anh chị thanh thiếu niên. Kịch thường là những câu chuyện đời thường, tốt thì phát huy khen thưởng, xấu thì góp ý để sửa chửa. Những vở kịch ngắn do ba sáng tác, diễn theo lối hô lô tô hay bài chòi. Tôi đứng xem các anh chị tập, rồi cũng thuộc đến tận giờ; như bài vè về các loại xe thời đó:
Vè vẻ vè ve Chiếc công nhông ray
Cái vè xe cộ Ép ép đó đây
Rồ rồ máy nổ Ép ê xe ngựa
Là chiếc xe goòng Đường hư ta sửa
Kính kính cong cong Chạy sớm chạy đêm
Là chuông xe đạp Giặc Pháp cố ngăn
Chạy bay như táp Xe ta vẫn chạy.
– Thuở ấy, tôi không biết “Thi sĩ” là chức gì nhưng thấy mọi người nể trọng ba lắm. Nhất là các chú bộ đội mới về làng. Các chú hỏi tôi: “cháu con ai?- Dạ, con của ba má Lan – tôi trả lời. Các chú lắc đầu không ưng, bảo: “Nếu ai hỏi “cháu con của ai, cháu của bà nào thì con trả lời như thế này:
– Dạ, cháu là con gái thi sĩ Yến Lan; là cháu bà Cường béc (lúc ấy bà ngoại tôi bị toét mắt ).
– Ba tôi là cán bộ được lãnh đạo huyện tin tưởng giao những trọng trách còn quan trọng ở huyện. Nhà có một cái kệ bằng gỗ xoan, ba tự đóng, bự lắm. Trên đó, ba chất sách Tây, Tàu và tài liệu. Ba dặn: “không được đứa nào lấy thứ gì trên này chơi, mất nó ba bị bỏ tù!”. Tối tối có chú đến lấy một vài tờ trên kệ, ra chòi đọc vào loa cho dân thị trấn nghe.
– Trên kệ có mấy bọc giấy bạc vuông vắn, còn mới toanh. Ba nói tiền này đã đổi ra tiền Tín phiếu rồi, không còn xài được, chỉ để cho trẻ chơi đồ hàng thôi. Tết đến, ba thấm nước miếng, đếm cho trẻ con cả xóm mỗi đứa 10 tờ.
Trong những năm sống tại quê nhà, các anh chị thấy ba tôi kém may mắn hơn bạn cùng thời nên thường tưởng nhớ lại quá khứ mà ba đã đi qua. Trong Cách mạng, những ai cùng tham gia với ông, đều chứng kiến ba rất tận tâm, hăng hái với công việc. Ông không mảy may do dự, so đo, tính toán, một lòng theo Cách mạng, tham gia kháng chiến cứu quốc đến cùng.
Tôi đã ôm ngọn lửa làm người
Dù leo lét nhưng không hề để tắt
Ngày 25/6/1946 Pháp đem quân và phương tiện chiến tranh đổ bộ lên Đà Nẵng. Từ đó, chúng đem hàng tấn bom Napan rải ven khu vực miền Trung. Xóm làng nơi đây không còn bình yên nữa rồi! Nhưng một điều mới, lạ đến với các vùng quê ấy.
Ôi Bình Định, đau thương gài trước ngõ,
Mẹ ru con trong bóng tối phập phồng.
Trong tay áo còn nghe dài tiếng thở,
Bỗng thấy quanh thềm hát núi, ca sông.
(Bình Định 1945)
Khi Cách mạng bùng nổ trên toàn quốc; các tỉnh Miền Trung- Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên.., tuy muộn hơn nhưng không khí kháng Pháp của những nơi này hừng hực lửa anh hùng nào kém nơi đâu! Tinh thần đó đã chuyển hóa thành những hành động cụ thể, người dân luôn trong tư thế sẵn sàng; đây, thơ ba đã ghi lại không khí hào hùng của nhân dân quê tôi:
Ta giấu kho hàng
Ta dồn lều lưới
Hầm chồng cát dội
Địch mà cập bến
Kẻng nhanh thúc hồi
Nào anh em ơi
Súng giáo không rời….
Người trí thức trong huyện, bấy giờ luôn đi đầu, đồng cam cộng khổ với quân dân trên mọi trận tuyến.
Tôi sống những ngày thân cò lặn lội
Gánh gạo, phá thành, đốt đuốc dời kho
Cùng xứ sở chung ngọn đèn le lói
Ngày như đêm tiếp mãi lửa căm thù..
Khi tôi lên tám, tôi đã chứng kiến: Một chiếc khu trục đang lượn lờ trên khu vực chợ, chiếc khác đang quần ở cửa Đông. Ba tôi thất thanh la lên “Bà con mau xuống hầm, máy bay chuẩn bị thả bom ngay trên đầu ta đấy.” Lời ba vừa dứt thì tiếng gầm rít của động cơ máy bay, tiếng nổ của bom bùm bùm… rồi gió, bụi tung khắp mặt đất… Rồi, máy bay mất dạng, thị trấn trở lại yên ắng, nhưng tôi lại thấy nhiều người chạy về hướng có tiếng kêu cứu: “Tội quá, Cả nhà ông Thái Thạnh bị trúng bom chết hết, còn ông ấy đứng trên miệng hầm xem máy bay oanh tạc, bị sức ép hất ra xa, bị thương nặng quá! Tôi nghe tiếng rên và nhìn thấy ông Thái Thạnh đang lê tấm thân đầy máu, áo quần cháy đen, thịt ở sườn lòi đỏ au, lầy nhầy như cao su bị cháy về phía ba tôi, kêu lên thảm thiết “Anh Yến Lan ơi! cứu tôi với! nóng quá! Yến Lan ơi! tôi chết mất!” Tiếng rên ấy như xé nát tim ba! Ông không chịu nổi, liền bảo một anh thanh niên, chạy vào xóm Lò-Rèn, múc gáo bùn đắp lên vết thương để giảm cái nóng như đang rang ông ấy. Sau đó, ba cắt cử hai anh võng ông lên Nhà Thương Kim Châu. Vì vết thương quá nặng, ông đã chết trên đường đi.
Chuyện ông Thái Thạnh về sau tôi còn nghe:
Trước kia, nhà ông buôn vải được trời cho lộc. Chủ hàng bên Trung Quốc, gửi cho bà con Hoa Kiều ở Bình Định một số vàng. Vàng này được dát mỏng, cuộn lẫn vào súc vải. Người nhà không biết, đem bán tất cả cho bạn hàng. Gia đình ông Thái Thạnh may mắn mua được (không biết mấy súc). Nhờ số vàng này, gia đình ông trở nên giàu nhất nhì thị trấn bấy giờ. Vì vậy, khi gặp nạn, người ta lại nói “Lộc Trời bất tận hưởng! hay “Được bạc thì sang, được vàng thì lụi”. Chuyện đó thật hư thế nào tôi đã nghe kể như vậy thôi.
Còn thơ ba sáng tác lúc này như chắp thêm cánh cho Cách mạng:
Chỉ mong em để làm tin
Đôi tai lắng lấy lời khuyên, ghi lòng
Ở đây đài điện đã thông
Phổ câu hát ngọt, phổ dòng ca vui
Bài viết của anh Cao Kế trên Tạp chí VNBĐ càng chứng minh cho điều ấy.
“ Nơi nào tôi không biết chứ ở ”Phòng thông tin” An Nhơn thời ấy, dưới sự chỉ đạo của anh Yến Lan, công tác tuyên truyền khá sinh động. Ngoài việc đọc tin, bài. Còn có ngâm thơ, hát những bài ca Cách mạng, hô bài chòi, có đưa ra những câu thơ để đố. Chính anh Yến Lan là người đảm nhiệm chuyên mục này. Anh sáng tác một số câu thơ ẩn ý để đố về tên các loại vũ khí, các huyện trong tỉnh, các cửa hiệu thị trấn…Hoặc tổ chức thi, khuyến khích khán thính giả gửi bài về “Phòng thông tin”. Đến ngày định trước, anh phân tích các câu thơ đã đố và đưa ra lời đáp án. Ai trả lời đúng được nêu tên trước thính giả, được đám đông hoan nghênh nhiệt liệt. Chỉ có thế mà tác dụng rất lớn, khích lệ người dự thi rất đông.
Ông Trà Văn Tri cũng viết về ba:
“Trong thời Pháp thuộc dân ta sống trong gông xiềng áp bức của thực dân phong kiến, xã hội ta lúc ấy thật vô cùng tối tăm và đời sống của đa số đồng bào ta nhất là thợ thuyền và các tầng lớp lao động đều có một lối sống rất lầm than, cơ cực, thơ văn lúc đó là nguồn an ủi với những người yêu nước, yêu thơ nhạc, yêu nghệ thuật. Khi đắm mình trong thơ văn thì tâm hồn mới thanh thoát, mới quên đi được niềm nhục nhã nỗi đắng cay của một dân tộc bị thực dân đế quốc thống trị.”
Với lòng yêu thơ ấy họ đã đứng ra thành lập một Hội Tao Đàn nho nhỏ, tổ chức những buổi “Xuân giang hoa nguyệt dạ” để làm thỏa mãn những khách thơ văn của lớp trí thức trẻ. Một trong những bài được chọn để ngâm trong những đêm trăng đó có bài “Nhớ” của nhà thơ Yến Lan ….”
Năm 1951, có chủ trương giảm biên chế ở lĩnh vực Hành chính và Y tế tại các tỉnh miền trung-Trung Bộ. Bình Định, nhờ có vựa lúa của huyện Tuy Phước, không bị đói như các tỉnh bạn. Bình Định có đường quốc lộ I ngang qua thị trấn An Nhơn đã trở thành điểm hẹn văn hóa lý tưởng cho văn nghệ sĩ các tỉnh bạn. Ba tôi và chú Khánh Cao tập họp những văn nghệ sĩ đã về đây thành lập nên Đoàn kịch Liên Khu Năm. Đoàn kịch do ba làm trưởng đoàn. Ông giữ chức vụ này cho đến khi ra tới Hà Nội (3/1955)
Song le, nói đi cũng nên nói lại. Bên cạnh những chiến công hào hùng của quân dân; Bình Định cũng để xảy ra một vài sự việc đáng tiếc. Cho đến hôm nay, nghĩ lại rất đỗi xót xa nơi con tim mình!
Hồi ấy, các phương tiện thông tin, hiếm hoi; sơ sài. Mọi tin tức, chủ trương chỉ thông qua cái loa làm bằng sắt tây mà Phòng Thông Tin truyền đến từng ngõ, ngách xóm làng. Trình độ dân trí phần đông còn thấp; văn hóa chỉ mới qua chương trình “Bình dân học vụ”. Lúc đó, chủ trương của Đảng có nêu ý “Đề cao giai cấp Công Nông, hạ tầng trí thức” nên bọn cơ hội, lợi dụng vế “hạ tầng trí thức” để trả thù cá nhân.
Nạn nhân trước tiên là thi sĩ Yến Lan. Một vài người tìm trăm phương, nghìn kế hại ông. Họ thấy ông hiểu đời quá, hăng hái quá nên cố dìm ông.
Chuyện này do ba tôi kể lại:
Hôm đó, Ủy Ban Kháng Chiến báo cho nhà thơ Yến Lan là cần triệu tập nhân dân thị trấn để phổ biến Chủ trương chính sách của Đảng mới nhận được. Nhà thơ đến Phòng Thông Tin cử người loa thông báo cho bà con biết để đi họp đông đủ. Sau đó, ông tới thẳng điểm họp chờ dân đến. Ở đấy, ông thấy đã có hai cán bộ lãnh đạo; một của huyện và một đại diện ở Bồng Sơn vào, đang ngồi nói chuyện ở dãy ghế đầu. Nhà thơ hớn hở tới đó. Bỗng, ở đâu, ông Dước xuất hiện, sải chân, ngán đường và hất bộ mặt bóng lộn như bôi dầu, xách mé:
– Này Yến Lan, đi đâu đấy?
– Sao anh hỏi lạ vậy, tôi đi họp chứ đi đâu?
– Đi họp sao không về chỗ ngồi còn lên đây làm gì?
– Thì tôi đang đến chỗ ngồi đây.
– Chỗ ông ở đâu trên này mà lên?
– Thế chỗ của tôi ở đâu?
– Chỗ của ông là ở dưới kia – Ông ta nhếch mép vẻ khinh khi, đưa bàn tay sần sùi, móng tay cáu đen, cụt ngủn như những quả chuối đẹt, chỉ xuống băng ghế tận cùng, nói:
– Đó, chỗ ông ở dưới, xuống đó mà ngồi .
Nhìn theo tay chỉ dãy ghế cuối cùng dành cho người đến sau; nhà thơ thấy mình bị xúc phạm quá mức, mặt nhà thơ bừng bừng, cục tự ái ứ lên tận cổ, song ông gìm lại được; không thèm trả lời, lách mình sang trái, đến thẳng dãy ghế dành cho Ban lãnh đạo. Hành động này như đổ thêm dầu vào lửa đối với ông Dước; khiến ông ta tức điên, mặt hầm hầm như đe “mày hãy đợi đấy, Yến Lan kia”
Thời gian này, tôi còn nghe má cằn nhằn với ba: ông làm gì mà để họ xì xầm nhiều thế.” Và tôi nghe ba giải bày “Tôi có làm gì bậy đâu mà má nó lo đến thế,” Nhưng vài hôm sau đó, lại thấy ba lấy túi, xếp áo quần vào và nói với má là ra Bồng Sơn.
Tại Bồng Sơn, thoạt nhìn thấy ba bước vô Đồn (cảnh sát), ông Minh Vĩ Trưởng Ban KC tỉnh Bình Định, ngạc nhiên hỏi:
– Yến Lan! cậu đi đâu mà lạc ra tận đây?
– Nghe nói các anh sắp cho tôi đi an trí (tù), tôi tự ra đây trước để các anh đỡ vất vả.
– Bậy nào! đúng là mình có nghe nhiều tin đồn thất thiệt về cậu, biết là ý đồ bọn xấu, hòng phá vỡ tình đoàn kết giữa trí thức với dân, làm tổn hại Cách mạng. Nếu tin họ, mình đã lôi cổ cậu ra lâu rồi chứ đợi đến giờ sao? Rồi, ông cười cười, bảo: “Thôi về đi, kẻo gia đình lo!”
Tại thị trấn An Nhơn, chính ba tôi và cậu Thúc Thành của tôi tự đứng lên dẫn đầu dân quân, trí thức đi cướp chính quyền về trao cho Uỷ Ban Kháng chiến huyện khi cách mạng đến. Vậy mà có người tìm trăm phương nghìn kế để triệt ông, lý do rất chính đáng là:
“Yến Lan đã từng dạy học tại trường của Pháp ở Thanh Hóa, tức là tay sai cho địch, là phản động, phải loại bỏ không thương tiếc!
Hồi đó, nhân dân bị ảnh hưởng câu khẩu hiệu từ phong trào Xô viết Nghệ Tỉnh đề ra: “Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rể”.
Người muốn đào tận gốc, rể của trí thức ở huyện, và tích cực nhất là ông Châu và ông Dước. Trình độ ông Dước chỉ học đến đệ tam (lớp 2-3 bây giờ), là cai đồn điền cao su Phú riềng trốn về. Ông ta căm ghét Yến Lan tận xương tủy vì không thích sự nổi tiếng của nhà thơ. Tính đố kỵ, cố chấp của ông không chịu để Yến Lan yên. Ông Châu và ông Dước họp kín, bí mật bàn kế hoạch thủ tiêu tên tay sai của giặc: “Bắt Yến Lan bỏ bao tải dìm chết rồi thả trôi sông”. Thật may! trong nhóm họp kín có ông Nguyễn Thoại, người tham gia “Đội kịch Yến Lan”, lén báo tin để nhà thơ biết mà đề phòng. Ông kịch liệt phản đối việc đối xử với Yến Lan: “Các anh làm như thế là bậy! Yến Lan không làm gì sai sao ta cứ cố tìm cách hại anh ấy. Với ai chứ với Yến Lan tôi kịch liệt phản đối hành động này…”
Nếu không có chú Thoại, chắc ba tôi đã bị bỏ bao dìm chết thả trôi sông từ ngày đó rồi!
Sau giải phóng, chú đến nhà ôn lại chuyện cũ với ba. Chú cười hiền, tự hào nói: “Tôi đã cứu được cho văn học nước nhà và quê hương Bình Định một nhà thơ lớn”. Còn với vợ con, ba căn dặn: “Ba còn sống được đến giờ, là nhờ có chú Thoại đấy.. công chú lớn lắm các con đừng bao giờ quên!”
Chúng tôi nhớ mãi người đã cứu ba. Rất tiếc chú không còn và không có con cháu nối dõi; nghe nói chú ái nam ái nữ .
Năm tháng trôi qua, chiến tranh, bom đạn, chết chóc cũng qua; hòa bình, tự do trên toàn cõi Việt Nam. Mọi chuyện tưởng như hòn đá tảng, chìm trong lòng hồ. Thế mà, vào đầu thế kỷ 21, trong một buổi sinh hoạt ”Câu Lạc Bộ thơ ca Thanh Đa”, thình lình tôi nghe một nữ thi hữu, tuổi đã cao, nói: “Ông xã tôi bảo: Yến Lan là nhà thơ phản động”. Tôi bàng hoàng! Câu nói đó làm tôi nhức đầu! Tôi cố tìm ra câu trả lời của cái gọi là ”Yến Lan là nhà thơ phản động” ấy. Và rồi, phát hiện được từ trong lá thư ba tôi gửi cho nhà nghiên cứu văn học hiện đại – Khổng Đức, có đề cập đến vấn đề này.
“…Năm 1946 Đoàn văn nghệ sĩ Miền Trung ra dự Văn Hoá Toàn Quốc, lúc đến hội trường Nhà hát lớn, anh em văn nghệ Bắc Hà ùa ra đón, riêng Võ Hoàng Chương chạy lên trước, hỏi to “Tôi hỏi có Chế Lan Viên không – tác giả “Bóng giai nhân”? Khi Tôi bước tới hỏi lại: “Tôi chưa có hận hạnh được biết anh là ai, thì Chương chỉ vào mình nói: “Vân muội đây và cậu – Bóng .Giai Nhân?”.
Còn vở kịch có diễn ở Quãng Ngãi, nghe nói hôm ấy tướng Nguyễn Sơn lên sân khấu, vổ tay vào bao súng , đòi bắn Yến Lan…vì…..Chuyện ấy người ta đồn vào tới Đồn Đá – cách Bình Định 5 khu – do hoạ sĩ, văn giáo lang thang vào đó kề vui cho bạn làm quà. Thế là tai hại đáo để; tự nhiên người ta cho rằng Yến Lan phản động, bị Nguyễn Sơn đòi bắn, và đã bao lần tôi bị chính quyền kháng chiến gọi đi, muốn tống vào khu an trí với bao chuyện bị bịa đặt do bọn khác vu cáo làm hại mình.
Quả không sai chút nào khi Nhà bác học A.Einstein đã đúc kết từ trong trãi nghiệm của mình: “Phá vỡ một thành kiến còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử”./.
{jcomments on}