Tâm sự NGỌC HÂN CÔNG CHÚA
(Trích Hồi thứ 25 – Tiểu thuyết dã sử Nhất Thống Sơn Hà của Vũ Thanh)
Đêm Trung Thu năm Mậu Thân (1788) trăng vằng vặc sáng. Trong khi dân chúng khắp kinh kỳ Phú Xuân tưng bừng múa lân, rước đèn đón Tết Trung Thu, nơi vườn hoa cạnh Bắc cung, Nguyễn Huệ đang cùng Ngọc Hân thong thả uống rượu ngắm trăng bên bờ hồ bán nguyệt. Từ khi đưa Ngọc Hân công chúa về Phú Xuân, mặc dù rất mực yêu thương người vợ tài sắc vẹn toàn này, Nguyễn Huệ vẫn phải coi Bùi Thị Lan là chánh thất theo chỉ dụ của vua Thái Đức từ trước. Năm ngoái, khi Bùi Đắc Tuyên đưa được mẹ con Bùi Thị Lan và gia đình các tướng lãnh trốn thoát khỏi thành Hoàng Đế về Phú Xuân, Nguyễn Huệ để mẹ con Bùi Thị Lan ở hậu cung, phần Ngọc Hân, ông chọn một khu lầu các phía bắc, có khu vườn thượng uyển nên thơ dành riêng cho nàng và phong danh hiệu Bắc Cung vương phi. Ông cũng dành một gian nhà lớn cạnh Bắc cung để làm thư phòng cho mình. Nhìn người vợ trẻ đẹp như tiên dưới ánh trăng thanh, Nguyễn Huệ âu yếm nói:
– Trăng Trung Thu đẹp qúa, phu nhơn xuất khẩu tặng ta một bài thơ đi.
Ngọc Hân e lệ nói:
– Thiếp làm gì có tài xuất khẩu thành thơ. Vương gia làm khó thiếp rồi.
Nguyễn Huệ mỉm cười:
– Tài sắc của nàng khắp Đại Việt này ai ai cũng biết, nàng dấu ta sao được.
Đôi má Ngọc Hân đỏ lên vì thẹn, dưới ánh trăng thanh trông nàng thanh thoát như tiên. Đưa tay rót hai chung rượu, nàng nói nhỏ:
– Thiếp xin được rót rượu hầu. Thơ văn kém cỏi chỉ e làm mất đi tửu hứng của Vương gia mà thôi. Xin Vương gia đừng ép.
– Nàng không chịu làm thơ, ta không uống chung rượu này.
Tuy biết đấng trượng phu của mình hay đùa giỡn nhưng Ngọc Hân vẫn sợ làm mất đi tửu hứng của chồng trong khung cảnh nên thơ này nên khe khẽ cất tiếng ngâm:
Trời dẫu rộng không bằng chí cả
Trăng còn thua đức sáng quân vương
Tấc lòng chứa cả quê hương
Non sông làm trọng, cương thường coi khinh.
Dứt tiếng ngâm nàng e thẹn cúi đầu. Nguyễn Huệ nghe xong bài thơ đôi mắt đăm đăm nhìn Ngọc Hân, trong lòng chợt dâng lên một niềm yêu thương và cảm phục. Nâng chung rượu lên uống cạn, giọng ông đầy cảm xúc:
– Xưa Lý Thánh Tông có Ỷ Lan nguyên phi, nay Nguyễn Huệ có Ngọc Hân vương phi há lại không thể sánh bằng hay sao? Ta sẽ tự rót ba chung để đáp tạ lòng nàng.
Rồi tự mình rót và uống cạn hết ba chung rượu. Ngọc Hân bẻn lẻn nói:
– Vương gia qúa khen khiến thiếp thêm hổ thẹn. Thiếp có tài đức gì mà dám sánh với Nguyên phi Ỷ Lan.
Nguyễn Huệ nắm lấy hai bàn tay nhỏ nhắn của vợ, giọng qủa quyết:
– Một lời đã biết, gian nan ta tự gánh lấy, phú qúy dành hết cho nàng.
Hai hàng lệ vui mừng chợt lăn dài trên má, Ngọc Hân run giọng nói:
– Dẫu lên thác hay xuống ghềnh, thếp đều muốn chung vai chia xẻ với Vương gia.
Dang tay ôm bờ vai nhỏ nhắn của vợ, Nguyễn Huệ thì thầm:
– Nếu để đôi vai bé bỏng này phải nhuốm gió sương thì Nguyễn Huệ ta đâu xứng là tay Nam tử.
Mỹ nhân và danh tướng, chốn trần ai đâu dễ tương phùng, huống chi cả hai lại tình ý tương thông cho nên chén rượu dưới trăng, hương tình càng thêm nồng thắm. Còn đang mãi đắm chìm trong niềm hạnh phúc, bỗng nghe một tiếng hét trong trẻo vang lên:
– Chết đi!
Đồng thời với thiết hét, một bóng đen từ trong một tàng cây lớn bên tường thành lao vút ra, ánh thép nhoáng lên đâm thẳng vào lưng Nguyễn Huệ. Nghe tiếng thét và tiếng gió rít sau lưng, Nguyễn Huệ vội kéo mạnh Ngọc Hân vào lòng, nghiêng người một chút, hai ngón tay như chớp giật xỉa mạnh về phía sau kẹp đúng vào lưỡi kiếm vừa đâm xẹt bên hông mình. “Cắt” một tiếng dòn dã vang lên, thanh kiếm của kẻ lạ mặt lập tức bị gãy tiện, hai ngón tay của Nguyễn Huệ thuận đà lướt tới búng nhẹ vào huyệt Chương môn của tên thích khách. Lỡ đà, tên thích khách không né kịp, chỉ nghe một tiếng “hự” nhỏ, cả thân hình của hắn rơi bịch xuống đất. Nguyễn Huệ một tay bế Ngọc Hân đứng lên, tay kia sờ vào hông nơi mũi kiếm đâm trúng thấy có một đường rách dài. Nhờ bên trong lúc nào ông cũng mặc chiếc áo giáp của Thầy Giáo Hiến tặng cho nên không phạm đến da. Ngọc Hân bấy giờ mới hoàn hồn nới lỏng hai bàn tay đang víu chặt vào áo của chồng, nàng rên khẽ:
– Ôi! Nguy hiểm qúa.
Nguyễn Huệ nói nhỏ:
– Đừng sợ. Xong rồi.
Ông đặt nàng đứng xuống, bình thản bước đến xách tên thích khách lên để nhìn xem hắn ta là ai. Thoáng kinh ngạc khi thấy thân hình tên thích khách thật mảnh mai, nhẹ hẫng. Ông đưa tay gỡ chiếc khăn bịt đầu của hắn, một mái tóc đen óng ả liền xỏa dài xuống khuôn mặt nhỏ nhắn nhưng bẩn thỉu giống những kẻ ăn mày. Nguyễn Huệ đưa tay búng nhẹ. Tên thích khách mở mắt ra, phản ứng đầu tiên của hắn là xỉa nhanh hai ngón tay vào mắt Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ siết mạnh mấy ngón tay lại, cô gái thích khách cảm thấy cả người mình như tê dại, cánh tay vừa phóng ra liền rơi xuống. Cô cố vùng vẫy để thoát khỏi bàn tay như thép nguội của địch thủ, miệng hét lớn:
– Buông ta ra! Tên sát nhân.
Bên ngoài, toán cấm vệ quân nghe tiếng hét lớn vội vàng chạy vào. Phạm Cần Chánh sợ hãi qùy xuống lo lắng hỏi:
– Vương gia và Vương phi có sao không? Bọn thuộc hạ thật đáng chết.
Cả toán quân cấm vệ vội qùy xuống theo. Nguyễn Huệ phất tay nói:
– Không hề gì. Tại ta hạ lệnh cho các ngươi thong thả vui Tết Trung Thu. Các ngươi lui ra, từ nay phải cẩn thận hơn.
Cả đội cẩm vệ mừng rỡ đồng thanh:
– Tạ ơn Vương gia.
Bọn cẩm vệ lui ra rồi, Nguyễn Huệ nhìn cô gái, ngạc nhiên hỏi:
– Lúc nãy ngươi gọi ta là gì?
Cô gái hét lớn:
– Sát nhân. Ngươi là tên giết người.
Ngọc Hân nghe âm thanh quen quen nên bước đến gần cô gái, chợt nàng thảng thốt kêu lên:
– Trần Hương Nam! Là em à?
Cô gái quay lại gắt:
– Là ta thì sao?
Ngọc Hân chưa hết kinh ngạc hỏi nhanh:
– Tại sao em lại ám sát Vương gia? Em có nhầm lẫn không? Sao lại ăn mặc như những trẻ ăn mày thế này?
Cô gái tên Hương Nam gắt:
– Ta nhầm lẫn hay Công chúa đã nhầm lẫn, đi lấy kẻ thù làm chồng?
Nguyễn Huệ ngạc nhiên hỏi vợ:
– Nàng quen biết với cô ả thích khách này à?
Ngọc Hân gật đầu:
– Cô ta là cháu nội của quan Đồng Bình chương sự Trần Công Xán. Đã mấy lần vào cung nên thiếp có biết. Cô ta nức tiếng kinh thành là vị anh thư văn võ song toàn.
Nguyễn Huệ vỡ lẽ gật gù quay nhìn cô gái:
– Cô tưởng ta giết ông nội của cô nên ám toán ta trả thù phải không?
Hương Nam trừng mắt nhìn Nguyễn Huệ:
– Ngươi cướp nước ta lại hèn hạ đục thuyền giết ông nội ta và cả sứ bộ mấy mươi người. Ngươi không đáng chết ngàn lần hay sao mà còn hỏi?
Nguyễn Huệ nới lỏng mấy ngón tay, Trần Hương Nam lập tức vung tay đâm vào mắt kẻ thù lần nữa. Nguyễn Huệ lại siết mạnh bàn tay mình, cánh tay của Hương Nam mất hết sức lực rơi xuống. Nguyễn Huệ mỉm cười nói:
– Cô gái này thật ngoan cường.
Nói xong ông điểm nhẹ vào huyệt đạo trên hai cánh tay Hương Nam, đặt nàng vào chiếc ghế sau đó ngồi cạnh quan sát. Ngọc Hân ngồi cạnh chồng nhẹ giọng phân bua:
– Hương Nam em hiểu lầm rồi. Không phải Vương gia sát hại ông nội của em đâu.
Hương Nam gắt:
– Không phải hắn giết thì ai giết?
Nguyễn Huệ nói:
– Là chủ ý của bọn thuộc hạ. Ta vốn qúy trọng ông nội của cô, ta giết ông ta làm gì.
– Đừng chạy tội. Ta nghe quân lệnh Tây Sơn như thép, ngươi không ra lệnh, thuộc hạ của ngươi dám tự ý làm à?
Ngọc Hân nói:
– Vương gia chưa bao giờ nối dối. Em hãy tin người.
Hương Nam bĩu môi:
– Vương gia chưa bao giờ nói dối!? Giả chiêu bài phù Lê diệt Trịnh để cướp lấy Bắc Hà, đuổi nhà vua phải bôn đào chưa biết sống chết ra sao, đó là lời nói thật à? Công chúa là con gái đức Tiên vương, đã không hận hắn là kẻ thù cướp nước lại còn nhận giặc làm chồng. Đã thế còn làm thơ khen “non sông làm trọng cương thường coi khinh”. Làm người mà coi rẻ cương thường thì có đáng để sống trên đời này nữa không?
Ngọc Hân nghe Hương Nam mắng một hơi dài thì tủi lòng đưa hai tay bưng mặt khóc òa. Nguyễn Huệ thương vợ nhưng không tiện phát tác với một cô gái nhỏ, hơn nữa những lời cô ta nói, đứng trên phương diện một thần tử nhà Lê là đúng nên ông chỉ nói:
– Cô gái này thật qúa quắt lắm. Người đâu?
Phạm Cần Chánh đang túc trực bên ngoài nghe gọi vội chạy vào:
– Dạ, Vương gia.
– Đem cô gái hung dữ này nhốt lại, tìm y phục cho cô ta thay, chăm sóc tử tế. Nhớ đừng để cô ta tự sát. Ta sẽ xử trí sau.
Cần Chánh vâng dạ bước đến định đỡ Hương Nam đứng lên. Nàng vùng vẫy lớn tiếng:
– Đừng đụng vào người ta. Ta tự biết đi.
Nguyễn Huệ đưa tay vỗ nhẹ vào hai vai của Trần Hương Nam giải khai huyệt đạo cho nàng, dặn đùa Cần Chánh:
– Coi chừng cặp mắt của ngươi sẽ bị cô ả móc mất đấy.
Hai tay hoạt động trở lại được, lập tức Hương Nam lại vung tay định xỉa vào mắt Nguyễn Huệ lần nữa. Cần Chánh đứng cạnh nhanh tay chộp lấy cánh tay nàng siết mạnh. Hương Nam đau đến ứa nước mắt nhưng vẫn rít lên:
– Bọn sát nhân, độc ác. Bọn Tây Sơn các ngươi, tên nào cũng độc ác, vũ phu.
Cần Chánh đưa tay búng nhẹ vào huyệt Á môn của cô gái, vừa lôi đi vừa hăm:
– Cứng đầu thì sẽ còn chịu khổ hơn nữa đấy, đồ nữ kê hung dữ ạ.
Còn lại hai người, Nguyễn Huệ đặt hai tay lên vai Ngọc Hân đang còn run lên vì nức nở, nhỏ giọng an ủi:
– Đừng kích động vì những lời nói vớ vẩn của cô gái đó. Những kẻ tiểu tâm trong thiên hạ làm sao hiểu được lòng nàng.
Ngọc Hân quay lại úp mặt vào người chồng thổn thức:
– Chỉ cần Vương gia thông cảm là thiếp mãn nguyện rồi. Tuy nhiên, những điều Hương Nam nói là sự thật. Tiếng đời sẽ còn mai mỉa thiếp đến ngàn sau.
– Không phải nàng vừa khen ta vì dân tộc đã dám coi khinh hai chữ cương thường hay sao? Nàng còn sợ gì bia miệng. Nàng không dám đi cùng ta chăng?
Ngọc Hân rút chiếc khăn tay lau nước mắt, ngước lên nhìn chồng, giọng cương quyết:
– Vương gia vì nghĩa lớn của dân tộc, thiếp chẳng đã thề sẽ cùng Vương gia lên thác xuống ghềnh hay sao?
Nguyễn Huệ dành lấy chiếc khăn âu yếm lau nước mắt cho vợ sau đó ôm chặt nàng trong vòng tay rắn chắc của mình, thì thầm:
– Đời người chỉ cần có một tri kỷ. Nàng chính là tri kỷ của ta vậy.
*
Hôm sau Ngọc Hân gọi Phạm Cần Chánh đến hỏi:
– Cô gái hôm qua thế nào rồi? Các ngươi chăm sóc cô ta tử tế chứ?
Cần Chánh thưa:
– Dạ. Vương phi. Nhưng cô ta thật cứng đầu, nhất định không chịu ăn uống gì cả.
– Đưa ta đến thăm cô ấy.
Trần Hương Nam đang bị giam trong một căn phòng nhỏ, có những người lính thị vệ canh chừng các cửa. Thấy Ngọc Hân bước vào có Cần Chánh theo sau, Hương Nam hằn học hỏi:
– Công chúa đến đây làm gì? Định biện hộ tội sát nhân cho chồng mình phải không?
Ngọc Hân bước đến ngồi lên chiếc giường nhỏ cạnh Hương Nam, nhẹ nhàng nói:
– Đó là sự thật, chị đâu cần phải biện hộ.
– Công chúa tin rằng em đã lầm lẫn?
– Đúng vậy. Vương gia là con người quảng đại, rất trọng nhân tài, những người như nội của em. Hãy xem La Sơn phu tử năm lần bảy lượt từ chối lời mời, Vương gia vẫn một mực tôn kính và đeo đuổi việc cầu hiền. Thảm họa xảy ra cho nội em đều là do sự sắp xếp của đám thủ hạ.
Hương Nam mỉa mai:
– Đều do đám thuộc hạ à? Thế Vương gia của Công chúa có trị tội đám thuộc hạ đó không?
Ngọc Hân thật thà đáp:
– Họ báo cáo lên tai họa là do gió lớn thuyền bị đắm, Vương gia không thể bắt tội mà chỉ khiển trách.
Hương Nam tức giận nói:
– Em không tin. Mà dù vì lý do gì đi nữa, mối thù giết ông nội em cũng phải báo. Công chúa khỏi cần biện hộ mất công.
– Em chỉ là một cô gái yếu đuối đơn độc. Hành động liều lĩnh chỉ chuốc lấy tai họa vào bản thân mà thôi.
– Thù nhà, nợ nước em tiếc gì bản thân. Công chúa có thể phản bội quê hương, phản bội tổ tiên nhận giặc làm chồng nhưng em thì không. Dòng họ Trần nhà em đời đời ăn lộc nhà Lê, em phải tìm cách đền đáp. Ý em đã quyết, Công chúa đừng mất công khuyên giải vô ích.
Ngọc Hân nghe Hương Nam mắng mình là phản bội thì sa lệ nói:
– Chị là phận gái, Phụ vương đã quyết định gả cho Vương gia, xuất giá chị phải tòng phu. Chị không thể làm khác hơn được. Huống chi…
Hương Nam vẫn hằn học nặng lời:
– Huống chi cái gì? Huống chi Vương gia của chị đang là kẻ quyền uy vô thượng, có ý xưng vương xưng bá ở Bắc Hà nên Công chúa vì mê danh lợi mà quên mất hắn là kẻ thù của dòng họ, của quê hương phải không?
Ngọc Hân lau nước mắt, nhẫn nại giải thích:
– Em và cả thiên hạ đều không hiểu nỗi lo toan của Vương gia. Vương gia làm mọi chuyện, bất chấp thị phi chỉ vì một mục đích duy nhất là sự thống nhất đất nước và đoàn kết dân tộc. Chúng ta vốn là con dân Đại Việt, không phải là hai nước riêng biệt Bắc Hà và Nam Hà. Chúng ta đã làm một việc sai lầm để anh em một nhà bôi mặt giết nhau hơn hai trăm năm qua, Vương gia muốn chấm dứt tình trạng quê hương chia cắt, huynh đệ tương tàn này.
– Nói cho cùng là Vương gia của Công chúa sẽ tiếm ngôi nhà Lê để lên làm vua phải không?
– Chuyện đó Vương gia chưa nghĩ đến.
– Ông ta dám đem Công chúa ra ví với Nguyên phi Ỷ Lan, không phải ông ta tự sánh mình với Lý Thánh Tông hay sao mà còn chưa nghĩ đến?
Ngọc Hân đỏ mặt ngồi im lặng một lúc mới thở dài đáp:
– Đó là sự thật, em không tin cũng được nhưng việc Vương gia nghĩ đến hiện giờ là sự cường thịnh của Đại Việt để chống lại ngoại bang.
– Chống lại ngoại bang? Ngoại bang nào?
Ngọc Hân đưa tay vuốt mái tóc rối bời của Hương Nam đáp:
– Ở trong Nam, người Pháp Lãng Sa vừa đưa con trai của Nguyễn Ánh về nước. Họ buộc Nguyễn Ánh phải ký kết chấp thuận một số điều kiện, họ sẽ mang quân lính và vũ khí sang giúp để đánh lại Tây Sơn. Ở ngoài Bắc, Thái hậu đã sang Thanh cầu viện, hiện nay nhà Thanh đang chuẩn bị đem quân sang nước ta, danh nghĩa là giúp nhà Lê nhưng thực chất là để đô hộ dân ta như chúng đã từng làm nhiều lần trong hai ngàn năm qua. Vương gia một mình phải lo đối phó với hai thế lực ngoại xâm để bảo tồn lãnh thổ và sự tự do, độc lập cho dân tộc, em lòng dạ nào lại muốn giết người. Em muốn chúng ta bị bọn Tàu, bọn Pháp đô hộ hay sao?
Giọng nói của Hương Nam đã bớt hằn học:
– Những việc này là sự thật chứ?
– Ta dối em làm gì. Tin tức Thái hậu đang cầu viện quân Thanh lan truyền khắp nơi, dân chúng cả Bắc Hà đang lo sợ vô cùng. Cái họa nhà Minh hãy còn in đậm trong lòng người dân Việt, bọn Mãn Thanh còn tàn ác hơn nữa.
– Công chúa không muốn khôi phục lại nhà Lê của tổ tiên mình ư?
– Nhà Lê của chị hai trăm năm nay chỉ còn là hư vị, một cái bình phong do chúa Trịnh dựng lên làm chiêu bài lừa gạt bá tánh, thực chất mọi quyền hành trị nước và quyền lợi đều nằm trong tay họ. Cho nên hai trăm năm qua, cái đạo trung với vua đã biến thành trung với chúa. Cái học chính thống đã mất rồi, nay chỉ còn là mớ chữ nghĩa rỗng không dành cho những kẻ xu phụ kiếm lợi mua danh mà thôi. Huống chi bọn Tàu có sang giúp họ Lê dành lại ngôi vua thì chúng cũng sẽ bắt chúng ta đóng vai trò một chư hầu, một công cụ bù nhìn cho có vị, còn quyền cai trị nằm trong tay chúng. Cái họa bắc phương đời nào cũng vậy, em phải biết rõ điều này.
– Công chúa cho rằng ông nội em giữ một lòng trung trinh với nhà Lê là sai hay sao?
– Em có thể không bằng lòng nhưng theo chị thì đúng là như vậy.
Hương Nam trợn mắt kinh ngạc:
– Công chúa sao vậy? Ngày trước chúng ta không phải đã rất tương đắc trong khi nói chuyện hay sao? Nay Công chúa hoàn toàn khác xưa rồi.
– Từ khi gặp Vương gia, sự hiểu biết của chị đã thay đổi. Cái nhìn dành cho dân tộc, cho quê hương đã thay đổi nhận thức về trung hiếu mà chị đã từng được dạy dỗ. Một bên là đại thể dân tộc, một bên là tiểu tâm, tư lợi cá nhân.
– Nhưng thiên hạ đều cho rằng Công chúa đã vì hai chữ tòng phu mà quên cả trung lẫn hiếu. Họ sẽ nguyền rủa Công chúa mãi mãi đến ngàn sau.
– Đành vậy. Nhưng chị không phải vì hai chữ tòng phu. Chị đang vì bốn chữ đại nghĩa dân tộc mà Vương gia đang gánh nặng trên vai.
– Dường như vị Vương gia kia đã trở thành thần tượng của Công chúa rồi. Đó có phải là ý nghĩa câu thơ “Non sông làm trọng, cương thường coi khinh” Công chúa tặng cho ông ta không?
Ngọc Hân mỉm cười:
– Em không tin vì em chưa hiểu con người của Vương gia cũng như chưa nhìn thấy sự lao tâm khổ trí của người dành cho dân tộc.
Cần Chánh từ nãy giờ thấy Hương Nam không có vẻ gì hung dữ với Vương phi nên đã lui ra bên ngoài để hai người nói chuyện. Lúc ấy trống đã điểm canh ba, chàng ta lên tiếng nhắc:
– Đêm đã khuya lắm rồi, mời Vương phi về cung nghỉ ngơi.
Nghe nhắc, Ngọc Hân hỏi Hương Nam:
– Em có muốn nhìn thấy sự khó nhọc của Vương gia không?
– Để làm gì?
– Chị muốn em hiểu thêm về Vương gia mà quên đi lòng thù hận đối với người. Đi theo chị.
Bèn đứng lên nắm tay Hương Nam kéo về phòng của mình. Dẫn Hương Nam đến bên khung cửa sổ, chỉ tay sang thư phòng của Nguyễn Huệ vẫn còn ánh đèn bên trong, Ngọc Hân nói:
– Em thấy không? Suốt những năm tháng dài, không đêm nào Vương gia ngủ trước canh tư. Đêm nào chị cũng phải tự tay sắc thuốc mang sang cho người tẩm bổ. Đêm nay mãi nói chuyện với em nên lỡ rồi.
Hương Nam nhìn thấy chiếc bóng của Nguyễn Huệ cúi đầu đi lại trong phòng in lên khung cửa, không hiểu trong lòng cô gái bướng bỉnh này đang nghĩ gì, chỉ thấy nét mặt của cô đã dãn nhẹ ra và im lặng thật lâu. Ngọc Hân nhẹ nhàng đặt cánh tay mình choàng qua vai Hương Nam, giọng tràn đầy cảm xúc:
– Đánh nam dẹp bắc, thù trong giặc ngoài, xông pha hàng trăm chiến trận, tất cả những thứ đó không làm khó được con người cứng như thép kia. Vậy mà những thứ tưởng như vô thưởng vô phạt lại có thể làm cho Vương gia phải lao tâm khổ trí suốt ngày đêm.
Ánh mắt Hương Nam vẫn không rời chiếc bóng của Nguyễn Huệ giờ đã ngồi nơi bàn làm việc in trên mành cửa sổ, nàng hỏi nhỏ:
– Là những thứ gì?
– Tình cảm.
Hương Nam quay lại:
– Tình cảm gì? Nam nữ à?
Ngọc Hân mỉm cười:
– Không phải. Tình huynh đệ.
– Em nghe nói ông ta dám vượt qua quyền vua Thái Đức đem quân xâm chiếm Bắc Hà, Công chúa nói tình cảm huynh đệ làm khó ông ta ở chỗ nào?
– Trước kia, Vương gia đinh ninh Hoàng thượng cũng có chí lớn, có lòng với dân tộc như mình nên quyết định hành động vượt qúa quyền vua rồi lấy công chuộc tội. Nhưng..
– Nhưng thế nào?
– Nhưng Hoàng thượng không giống như Vương gia nghĩ, dẫn đến chuyện huynh đệ bất hòa, tuy không đến độ tương tàn nhưng vết rạn nứt kia không thể hàn gắn lại mà không còn tỳ vết trong lòng Hoàng thượng. Điều này vừa khiến Vương gia nhức nhối suốt đời vừa làm giảm sút uy tín của Tây Sơn tạo cơ hội cho Nguyễn Ánh nổi lên ở trong nam.
– Còn thứ gì khác nữa?
– Là ý nghĩ phân biệt Bắc Hà và Nam Hà của người dân hai miền.
– Công chúa muốn nói đến hai nước Nam Hà và Bắc Hà là một?
– Đúng vậy. Hai trăm năm qua dân Việt chúng ta bị chia đôi và quay lại đánh giết nhau như hai đất nước, hai chủng tộc xa lạ. Đó là một tai họa của dân tộc gây nên bởi sự sai lầm của những người cầm quyền, đúng hơn là của chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Tai hại hơn nữa là lâu dần hầu hết người dân hai miền chúng ta cứ ngỡ đó là sự thật…
– Trong đó có cả em phải không?
Ngọc Hân mỉm cười thân mật:
– Chúng ta lớn lên trong cái khuôn ý thức được phủ chúa Trịnh đặt để sẵn, việc chị và em tin điều đó là thực cũng đâu có gì đáng trách.
– Nay thì Công chúa đã vượt ra khỏi cái khuôn ý thức đó rồi?
Ngọc Hân nhìn Hương Nam im lặng không đáp. Hương Nam hỏi tiếp:
– Việc này làm khó Vương gia của Công chúa chỗ nào?
– Vương gia muốn xóa bỏ ý tưởng phân chia thù địch Bắc – Nam đó đi. Có như vậy thì người dân Đại Việt mới đoàn kết, đất nước mới có thể hùng mạnh lên được. Đây là vấn đề nan giải.
– Không nan giải sao được khi mình đem quân chiếm nước người khác rồi bắt họ phải coi mình như anh em một nhà?
Ngọc Hân thở dài:
– Những người càng có học thức, định kiến trong họ càng cao. Cao hơn nữa và cố chấp hơn nữa là những người từng làm việc với hai phủ Chúa Trịnh và Nguyễn.
– Công chúa nói đến ông nội phải không?
– Đừng trách chị. Tư lợi là một đặc tính tự nhiên của con người. Ai bị mất quyền lợi bản thân đều có lòng phản kháng. Huống chi những người đương có chức quyền họ còn bị một mặc cảm thua cuộc nữa, sự phản kháng càng mạnh hơn.
– La Sơn phu tử là người gạt bỏ thế sự, ông ta đâu có bị mất quyền lợi cá nhân cũng không phải kẻ thua cuộc, tại sao ông ta cũng năm lần bảy lượt từ chối giúp Vương gia của Công chúa?
– Đó cũng là một thứ khác nữa đang làm khó Vương gia.
– Công chúa muốn nói đến Phu tử và giới kẻ sĩ Bắc Hà?
– Đúng hơn là ý thức trung quân mù quáng của kẽ sĩ trong thiên hạ, cả Nam lẫn Bắc.
– Không phải đạo của người quân tử lấy chữ trung làm đầu sao?
Ngọc Hân hỏi lại:
– Một ông vua ác như Trụ vương bên Tàu em có nên giữ đạo trung không?
– Nhưng Phụ vương của Công chúa đâu phải là bạo chúa?
– Chị đã nói với em, hai trăm năm rồi nhà Lê của chị chỉ còn là một cái bóng của họ Trịnh. Cho nên khi nói đến chữ trung, tức là trung với họ Trịnh, không phải họ Lê.
– Công chúa đang trách ông nội em đặt chữ trung sái chỗ khi cự tuyệt không theo về với Tây Sơn?
– Không chỉ ông nội em mà hầu hết kẻ sĩ trong thiên hạ. Có cả Nguyễn Thiếp. Họ bị hai chữ trung quân của Hán Nho cột chặt, không ai dám bứt phá đi vì sợ bị chê cười. Sai lầm về tri thức, mặc cảm là người thua cuộc, sợ mất đi quyền lợi bản thân…. những thứ đó đẩy kẻ sĩ quay lưng với Tây Sơn. Quay lưng còn chưa đủ, họ còn thiểu trí đến mức chạy đi cầu viện nước ngoài về đánh giết dân mình hòng dành lại quyền lợi mà họ tự cho rằng dòng họ của họ có quyền được hưởng. Nguyễn Ánh đang làm như thế, Lê thái hậu đang làm như thế đấy.
Hương Nam nhìn Ngọc Hân bằng ánh mắt đầy kinh ngạc lẫn khâm phục:
– Công chúa thật sự không nghĩ đến việc giang san này là của họ Lê nhà mình sao?
– Trước họ Lê là họ Hồ. Trước họ Hồ là họ Trần..vân.. vân.. Luật thịnh suy thay đổi liên tục. Cho nên đâu có một triều đại nào vĩnh viễn muôn năm đâu em. Lãnh thổ này là của con dân Đại Việt, ai có lòng mưu cầu hạnh phúc cho cả dân tộc thì được suy tôn, và ngược lại sẽ bị dẹp đi, bị thay thế.
– Công chúa cho rằng họ Lê đã dứt để họ Nguyễn Tây Sơn lên thay thế?
Tiếng trống canh tư vang lên trong đêm vắng. Ngọc Hân đưa mắt nhìn về phía thư phòng. Bóng Nguyễn Huệ vẫn còn đi đi lại lại bên trong. Nàng thở dài:
– Họ nào không quan trọng. Quan trọng là người thay thế có thực lòng lo cho dân, cho nước hay không mà thôi em ạ.
Hương Nam cũng hướng mắt nhìn sang phía thư phòng. Sau một lúc im lặng, cô nói:
– Công chúa sang thăm Vương gia đi. Em về.
Ngọc Hân nắm hai tay Hương Nam, giọng thân mật:
– Em giờ đây chỉ còn một thân một mình, nếu em rộng lượng bỏ qua chuyện thù hận thì hãy ở lại đây với chị.
– Cảm ơn Công chúa. Em..
– Em không cần trả lời vội. Trở về phòng, nhớ ăn uống, nghỉ ngơi tử tế nhé.
Cần Chánh đón Hương Nam ở bên ngoài để dẫn về phòng giam. Vừa đi chàng vừa nhắc nhở:
– Cô đã không ăn uống gì cả suốt hai hôm nay rồi. Muốn trả thù thì trước phải giữ mình cho đủ sức đã. Tôi sẽ sai tỳ nữ mang thức ăn khác và y phục đến cho cô.
Hương Nam đáp cộc lốc:
– Cảm ơn.
– Cảm ơn!
– Cảm ơn cái gì?
– Cảm ơn cô đã chịu nói chuyện với tôi.
– Không cần. Đi lấy cho tôi giấy mực.
– Cô định viết di ngôn à?
– Xàm! Có đi hay không?
– Đi, đi ngay.
Cần Chánh chạy đi lấy giấy mực mang vào phòng. Hương Nam nói:
– Ra ngoài, im lặng, chờ một lát.
– Tuân lệnh tù nhân.
– Xì!!
Cần Chánh bước ra ngoài, Hương Nam trải giấy mực ra bàn hí hoáy viết một lúc, xong cô lớn tiếng:
– Xong rồi, vào đây.
Cần Chánh bước vào, Hương Nam trao tờ giấy nói:
– Mang đến Công chúa giùm tôi. Cấm không được đọc lén.
– Tuân lệnh tù nhân.
Tuy nói tuân lệnh nhưng trên đường đi, Cần Chánh tò mò mở tờ giấy ra đọc thử. Chàng vô cùng kinh ngạc khi thấy đó là một bài thơ thất ngôn bát cú với nét chữ như phụng múa rồng bay:
Ngàn dặm ai xe sợi chỉ hồng
Ngây thơ Công chúa biệt Thăng Long
Thương Cha, xuất giá tròn trung hiếu
Nhớ Mẹ, vu quy vẹn chữ tòng
Miệng thế không hoen tình thục nữ
Tiếng đời chẳng ố mộng lang quân
Mặn duyên kim cải nồng tri kỷ
Thanh sử tô hồng Lê Ngọc Hân
*****
{jcomments on}
Ngàn dặm ai xe sợi chỉ hồng
Ngây thơ Công chúa biệt Thăng Long
Thương Cha, xuất giá tròn trung hiếu
Nhớ Mẹ, vu quy vẹn chữ tòng
Miệng thế không hoen tình thục nữ
Tiếng đời chẳng ố mộng lang quân
Mặn duyên kim cải nồng tri kỷ
Thanh sử tô hồng Lê Ngọc Hân
Vậy là tiểu thư Trần Hương Nam đã thấu hiểu nỗi lòng của nàng Công Chúa Ngọc Hân.
Vũ Thanh viết tiểu thuyết dã sử hay quá, rất lôi cuốn, rất hấp dẫn!
Chào Quốc Tuyên
Cô Trần Hương Nam chính là hình ảnh của tầng lớp sĩ phu Bắc Hà và lưỡi kiếm thích khách của cô ta là chữ trung của họ đối với nhà Lê. Họ khư khư ôm một chữ trung cứng ngắt, không dám phá vỡ nó để lo cho quyền lợi chung của đất nước. Sự khổ nhọc của Nguyễn Huệ và tấm lòng của Ngọc Hân đã cảm động được cô gái, nói lên sự chiến thắng của Nguyễn Huệ với sĩ phu Bắc Hà qua hình ảnh ông bẻ gãy lưỡi kiếm thích khách kia, và bài thơ của Hương Nam tặng cho Ngọc Hân.
Chào anh Vũ Thanh, đọc Tâm sự Ngọc Hân Công Chúa(hồi thứ 25 trích từ tiểu thuyết dã sử Thống Nhất Sơn Hà)VT, đến đoạn nói về Nguyễn Thiếp(La Sơn Phu Tử) cũng giống như kẻ sĩ nam bắc thời đó là trung Quân một cách mù quán.
Thưa anh Vũ Thanh, kẻ sĩ thì tôi không dám nói. Nhưng riêng với Nguyễn Thiếp(La Sơn Phu Tử), tôi rất kính trọng ông, ông không những là một kẻ sĩ mà còn hơn kẻ sĩ cả một cái đầu. Ông là người rất giỏi về Dịch Số lúc bấy giờ có thể sánh với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho nên ông ta biết khí số nhà Tây Sơn có hưng nhưng không giữ được lâu, dù năm lần bảy lượt đích thân Nguyễn Huệ(Bắc Bình Vương) đến mời ông ra giúp triều Tây Sơn, nhưng ông một mực không ra là có lý do của nó. Đến khi ông mất, ông có viết sẵn một phong bì, dặn người nhà khi liệm ông xong trước khi đậy nắp quan tài, hãy để phong bì sơn son thiếp đỏ được bảo quản cẩn thận lên trên, vì ông biết sau này con cháu có kẻ sẽ đào mộ ông lên và cải táng lại. Thế mới biết ông thông Thiên quán Địa đến cỡ nào…, vài lời trao đổi với anh về người thầy vĩ đại của Nguyễn Huệ.
Xin cảm ơn anh đã cho đọc trích đoạn về nàng công chúa Lê Ngọc Hân rất hay.
Thân mến.
Chào lamni. ý kiến về lý do không chịu ra giúp Nguyễn Huệ của Phu Tử do lamni đưa ra hết sức mới lạ, tôi tìm hiểu rất nhiều tài liệu về Nguyễn Thiếp nhưng chưa hề thấy lý do này. Ngay cả học giả Hoàng Xuân Hãn khi viết cuống La Sơn Phu Tử cũng đồng ý rằng sở dĩ Nguyễn Thiếp năm lần bảy lượt không chịu ra giúp Nguyễn Huệ chỉ vì ông sợ nguyễn Huệ cướp ngôi nhà Lê, mà ông là một thần tử. Cho đến khi biết Chiêu Thống rước giặc Thanh về tàn hại quê hương và thái độ hết sức ươn hèn của Chiêu Thống đối với giặc Tàu, Nguyễn Thiếp mới chịu giúp Huệ vì thấy cơ đồ đẵ đến lúc đổi chủ. Tuy nhìên cái học của Nguyễn Thiếp cũng chỉ từ chương rập khhuôn cũ của Tàu, do đó mà khi ra giúp, ông có đề nghị một số vấn đề nhưng Vua Quang Trung không thi nhành vì chẳng có gì mới mẻ so với những tân tiến của các nước phương Tây đã có mặt ở châu Á thời đó. Nguyễn Huệ chỉ nhờ ông ta coi việc Sùng Chính để dịch sách từ hán tự ra chữ Nôm mà thôi. Nguyễn Huệ là người rất hiếu học nhưng Nguyễn Thiếp chưa phải là người thầy vĩ đại của ông ta. Giáo Hiến mới đích thực là người thấy vĩ đại.
Nói theo ý của tôi thôi, lamni cứ giữ ý tưởng của mình, chúng ta không nên bàn cãi, vì triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn đã có hàng triệu cuộc cãi vả rồi, không nên tái diễn. Chúc vui nhé.
Hình ảnh một công chúa trẻ đẹp, thông minh, tài giỏi bên cạnh Nguyễn Huệ được Vũ Thanh vẽ lại để làm mờ đi những cảnh chiến tranh tương tàn khốc liệt giữa đàng trong, đàng ngoài trong những năm trước ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Thu được đất Bắc, nhưng chưa thu được lòng dân, nhất là đám sĩ phu Bắc Hà thời đó vẫn còn thờ vua Lê, Nguyễn Huệ đã cố mua chuộc nhân sĩ Bắc Hà vì ông nghĩ ngày nào mà họ không phục Tây Sơn ngày đó đất nước chưa thống nhất thành một mối, và may mắn ông đã có được một người giúp ông làm điều đó: người đó chính là nàng Ngọc Hân Công Chúa.
Trong chính sử, không biết vì vô tình hay cố ý đều viết rất mờ nhạt về vai trò tối quan trọng của nàng công chúa còn trẻ tuổi nhưng sớm biết chuyện chính trường. Người ta trách công chúa đã không thủ tiết, không sống trọn với chữ trung mà chịu lấy một tướng giặc Tây Sơn Ðàng Trong làm chồng. Trách thế là không hiểu đúng, vì Ngọc Hân không đã có quyền lựa chọn. Nhưng đã đặt mình vào vị trí có thể giúp Nguyễn Huệ thu phục nhân tâm, Ngọc Hân đã làm tất cả cho nguời mình yêu, và chính bà nghĩ rằng chỉ có Nguyễn Huệ mới thống nhất được đất nước và chấm dức tình trạng trong ngoài, cung vua phủ chúa đã hơn 200 năm. Vai trò của Ngọc Hân được Vũ Thanh đưa lên hàng đầu, người đã giúp Huệ hiểu và hành động đúng mực để tìm sự đồng thuận người dân đất Thăng Long. Ngọc Hân ở đây, không tầm thường như những nàng công chúa trước đó đã bị triều đình gả cho các tướng bộ lạc để mong tìm sự bình yên, mà nàng đã đóng vai tró tối quan trọng trong sự nghiệp giúp Quang Trung danh thành công toại.
(viết tiếp)
Dã sử, khác với chính sử ở chỗ là tác gỉa có quyền dựa vào lịch sử và hư cấu câu chuyện để trả lời cho những thành bại của lịch sử, và không thiên kiến. Nói về hai nàng công chúa từ Thăng Long đi vào miền Trung làm dâu, ai cũng nhớ đến nàng Huyền Trân đời Trần, và trong truyện này thì có nàng Ngọc Hân đời Hậu Lê. Ðọc một trích đoạn thích thú trên đây, tôi mong từng ngày bộ truyện Nhất Thống Sơn Hà ra mắt để được sống lại những ngày hào hùng nhất của lịch sử Ðại Việt. Tôi sẽ Mơ Làm Người Quang Trung như Thằng Vũ của Duyên Anh. Tôi sẽ nhìn Quang Trung không phải là một tướng giặc cỏ từ đất Tây Sơn mà nhìn Quang Trung dưới ánh mắt ngưỡng mộ, yêu qúi, kính mến của nàng Ngọc Hân.
Nói chuyện với tác gỉa, anh đã rất phấn khích khi viết về nàng công chúa lá ngọc cành vàng. Anh đã giúp để trả Ngọc Hân về đúng với những công trạng cũng như đóng góp của bà cho đại cuộc nhà Nguyễn Tây Sơn trong công cuộc thống nhất lãnh thổ, thu phục lòng người và đại phá quân Thanh.
Vũ Thanh say sưa nói một hồi, rồi ngâm lên: “Xưa có Huyền Trân, nay Ngọc Hân”.
Không biết mai này sẽ có một ngọc nữ nào xuất hiện để làm những việc như Ngọc Hân đã làm. Cảm ơn Vũ Thanh đã cho tôi có cái nhìn khác về người đàn bà đáng được cúi đầu khâm phục.
NL
Cảm ơn anh Nguyên Lương về những nhận xét sâu sắc. Làm một việc dài công vừa mệt mỏi vừa ngán ngẩm này mà có được người thông cảm như anh khiến VT cảm thấy phấn chấn lên để ráng đi cho hết con đường thiên lý này. Là bạn đồng hành cho đến cuối nhé anh.
Có giai thoại vua Quang Trung chết vì bị Ngọc Hân công chúa đầu độc nàng ghen khi vua cầu hôn với công chúa Tàu?đúng không ?
Thảo cũng có nghe giai thoại này nhưng nghĩ cái lớn mà NH đãlàm được … Chúc mừng anh Vũ Thanh luôn nổ lực khai phá…coi như những kỳ công cuả anh không thể phủ nhận được.
Thao chia sẻ vớ Xanh nhưng sao chạy xuống dưới này huhhu
Cảm ơn Hiếu thảo nhé. Vui.
Giai thoại bêu rếu để hạ uy tín nhà Tây Sơn thì có nhiều lắm Xanh ơi, ngay cả trong chính sử họ đã làm thì ngoài dân gian thiếu chi kẻ xấu miệng. Người Việt chúng ta có cái dở là chỉ vì chút tiểu tâm cá nhân mà quên đi đại thể dân tộc. VT viết tâm sự Ngọc Hân là để chúng ta noi gương nàng kỳ nữ này đã dám vượt lên miệng thế, quên cả quyền lợi của dòng họ mà ủng hộ tinh thần cho Nguyễn Huệ để dân tộc được thống nhất. Một người phụ nữ trinh liệt như vậy mà chỉ vì ghen tuông mà hạ độc thủ với chồng ư?
Hãy xem người Trung Hoa, với một bà Võ Hậu nổi tiếng dâm bạo, chính sử của họ cũng xác nhận như vậy, mà nay họ dựng nên một hình ảnh thật khác, thật đẹp để tuyên truyền, vậy mà dân chúng Việt Nam đổ xô vào xem rồi khen lấy khen để!!!
Hãy vượt lên trên mọi cái xấu của từng cá nhân để nước Việt, dân Việt nở mặt với Năm Châu, cái thời qụy lụy, lòn cúi trước Thiên triều đã qua rồi!!!!
Anh chuẩn bị cho ra phim bản cho những bộ truyện dài này là vừa, nếu muốn “lấy vốn” lại và đánh cho “T cút, N nhào” sớm hihi. Chúc mừng anh Vũ Thanh. Đoạn trích này anh viết thật là “mê”. Quá tuyệt vời! Thanks.
Muốn đánh cho “T cút” thì phải có Quang Trung mới được. Lễ Đống Đa năm này sẽ có đấy. Mấy bà mấy cô đọc đoạn viết về Ngọc Hân này “mê” là phải rùi. Vui nhé RB.