Một buổi sáng năm 2006, tôi lần theo địa chỉ chị Trà Giang cho, tìm đến phố Phạm Ngọc Thạch tại T/P Hồ Chí Minh để thăm ba chị-chú Khánh Cao. Phòng của chú ở trên gác 2. Từ cửa phòng tôi đã nhìn thấy cụ già gần 90 tuổi, mái tóc có màu muối nhiều hơn tiêu, đang ngồi thiền trên giường. Chú gầy và già đi nhiều nhưng tôi vẫn nhận ra-đó là “chú Khánh Cao”-người mà cách nay 51 năm, chị em chúng tôi lần lược được chú nắm 2 cánh tay xoay quanh mình để làm đu quay. Vẫn dáng người cao cao, tính tình nồng hậu. Nghe chú nói bị thấp khớp kinh niên, giờ đã chuyển sang guot. Chú cho xem các khớp viêm sưng to, đỏ tấy. Dù đi lại và cử động khó khăn nhưng chú không chịu thua; hàng ngày dành cả tiếng đồng hồ thiền, tập thể dục ngay trên giường. Chú còn làm tranh nghệ thuật để giữ vững tinh thần, chống lại bệnh tật. Hồi ấy, ba tôi khen chú là người chịu khó, nhìn xa trông rộng. Nay, nhìn mấy bức tranh treo trên tường bằng hoa lá khô được ép một cách nghệ thuật, tôi nhận thấy giờ đây tuy già rồi nhưng chú vẫn là con người của mấy chục năm trước.
Gương mặt chú rạng ngời lên khi thấy tôi, có lẽ lâu lắm rồi chú chưa gặp bạn tri kỹ nào để trút bầu tâm sự. Tôi, tuy thuộc lớp con cháu, nhưng là con của bạn thưở hàn vi chắc là thay thế được;, vì thế bao nhiêu kỹ niệm về thời oanh liệt mà thế hệ chú lần lược được nhắc lại. Trong giọng kể của chú có gì đó làm người nghe thấy rõ sự tiếc nuối và hào hứng, chú nói: “Điều tâm đắc của chú là trước khi sang thế giới khác, chú muốn con cháu của chú biết những hoạt động thầm lặng mà anh em trong đội kịch ở huyện An Nhơn- quê cháu đã giúp đỡ, bao bọc gia đình chú và anh em văn nghệ sĩ ở các tỉnh bạn trong những năm khó khăn nhất của cuộc cách mạng và kháng chiến kiến quốc; song tay chân thế này chú không thể làm nên trò trống gì cháu ạ”. Nói xong chú chép miệng luyến tiếc. Tôi biết người già sợ nhất điều “mình còn sống mà chẳng ai biết mình đã làm được gì cho thế hệ mai sau.”
Lần thứ 2 đến thăm, chú lại nhắc đến điều bức xúc ấy. Tôi hiểu ngầm là chú muốn uỷ thác nhiệm vụ khó khăn này cho tôi. Thương chú, tôi an ủi và hứa vui:-“Chú đừng lo, thế nào cháu cũng khêu lại ngọn đèn dầu mà thế hệ chú đã thắp, nhưng không biết ánh sáng yếu ớt của nó có len vào được với ánh sáng chói chang của những ngọn đèn cao oát thời hiện đại này không!” Chú cừơi buồn: “muốn giáo giục con cháu mà không cho chúng biết truyền thống hào hùng cứu nước và giữ nước của ông cha thì làm sao chúng bước tiếp theo hở cháu”
Bẵng đi một thởi gian dài, một hôm chú gọi điện đến nhà hỏi thăm sức khỏe và cuộc sống cúa má và gia đình tôi. Tôi thấy thật có lỗi với chú. Nhớ lời hứa hôm nào, tôi thử viết::
Thế là cái thị trấn bé nhỏ, nghèo nàn, lạc hậu mà trong bài “Lại về tỉnh nhỏ” của nhà thơ Yến Lan hiện ra: Tỉnh nhỏ / đìu hiu / mặt trời ngủ giũa chiều….Tỉnh nhỏ ấy có cô thiếu nữ chỉ biết dùng thời gian rỗi của mình để xem kiếm hiệp; còn anh chàng bưu điện tay xương xương, phủ trên thân hình gầy gò của mình là chiếc áo vải đã vá hai vai, đi trên con đường mấp mô, không kẻ đợi, người chờ. Tỉnh nhỏ ế ẩm của những gánh hàng rong “hàng rong gặp hàng rong / liếc nhìn nhau qua mẹc bánh…”
Cuộc sống của người dân nơi đây đơn điệu và khổ lắm, gánh nặng về mưu sinh oằn lên lưng người dân. Nói đâu xa, gia đình chú Khánh Cao, tuy có hiệu ảnh Thái An mà chẳng đủ sống. Anh con cả Ấn Sơn phải xuống tận ga Diu Trì mua bắp về luộc rồi ra ngã tư huyện An Nhơn bán. Ngày chợ phiên chị Trà Giang (nay là diễn viên điên ảnh-Nghệ Sĩ Nhân dân) mang ấm nước chè tươi đổ quanh chợ; và tỉnh nhỏ có những người chỉ dám mơ đến những điều rất đơn giản “Khế chua nấu với lá mòng tơi / Em ước được ăn đến trọn đời…”
Khổ vậy đó. Nhưng, khi Cách mạng đến thì cái thị trấn nhỏ bé ấy với khí thế hào hùng, lớp lớp thanh niên “Xung phong lên đường sao cho xứng danh thanh niên / Quyết tranh đấu đến cùng để Đế quốc đến ngày diệt vong” Những trai làng ở lại không chịu thua, họ thành lập Đội du kích để đêm đêm canh giữ làng, xóm. Còn lớp trí thức không yên lòng với bọn đang âm mưu chia rẽ tình quân dân với kháng chiến. Chú Khánh Cao và nhà thơ Yến Lan đã khởi xướng việc lập đội kịch, thông qua những buổi biểu diễn để tuyên truyền giáo giục nhân dân về Cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp.. Đội kịch đã đề nghị nhà thơ Yến Lan liên hệ với Chùa Ông để lấy nơi đây tập và biễu diễn. Vốn tuổi thơ đã sống tại nơi đây nên nhà thơ băn khoăn “ Chùa Ông là nơi linh thiêng nên phải xin phép Bề trên tức là thảy hai đồng tiền, nếu một mặt sấp, mặt ngửa thì bề trên đồng ý, còn hai mặt đều nhau thì ta sẽ đi tìm nơi khác. Kết quả được như ý. Vậy là đội kịch chính thức được thành lập và lấy tên nhà thơ – Đội kịch Yến Lan.
Đội có người Ấn Độ, người theo đạo Công giáo tham gia, tùy theo khả năng của từng người mà phân công :
– Nhà thơ Yến Lan có nhiệm vụ biên soạn chương trình (kịch, vè, bài chòi, lô tô..)
– Chú Nguyễn Văn Khánh làm đạo diễn
– Ông Thoại, ông Nguyễn Liên ( con trai nhạc sĩ đàn tranh nổi tiếng thời ấy) phục vụ về nhạc
– Ông Khuê, Ông Thành, ông Pô v.v…là những diễn viên
– Ông Hùynh Can và ông Cao Kế là phát thanh viên (bằng loa) và kiêm phần phụ trách thiếu nhi, nhi đồng.
Lúc đầu các chị phụ nữ không dám tham gia vì sợ hàng xóm chê cười là đồ “xướng ca vô loài” nên thanh niên phải đóng giả gái. Theo chú Khánh thì nhà thơ Yến Lan là người phải thủ vai các nàng tiên, công chúa, vì ông có làn da trắng, người mảnh mai, ăn nói nhỏ nhẹ.
Đội hoạt động theo phương châm “Ăn cơm vợ mà phục vụ nhân dân”. Hàng ngày đội phát thanh tuyên truyền các chủ trương, giải thích những điều dân chưa thông, chưa hiểu. Hàng tháng phải diễn kịch hai lần. Nội dung kịch thường lấy những tích cổ như Thanh Xà, Bạch Xà, hay từ chuyện thật ở đời; gương tốt thì biểu dương, gương xấu thì giáo dục, răn đe.
Đội kịch vừa thành lập đã tạo thành một guồng máy hoạt động sâu rộng trong mọi mặt, Từ chủ trương chính sách của Đảng đến kịp và đúng lúc nên tinh thần người dân nâng lên rõ rệt. Người dân thuộc lòng những bài ca dao và ý thức được việc mình phải làm; lòng quyết tâm chống giặc, chống buôn lậu, chống dùng hàng ngoại được dân ủng hộ đến cùng:
Ai đi Bến Vắng (Tam Kỳ) thì đi
Ai về Bình Định nhớ ghi lời này
Bình Định đã quyết bao vây
Chớ buôn hàng lậu vào đây uổng tiền
Năm ngày một buổi chợ phiên
Cửa Hội, cửa Tiền đông đúc người ta
Hởi người đi chợ đường xa
Mua vịt, mua gà hàng lậu chớ mua.
Hởi người chớ tính hơn thua
Bình Định đã quyết thi đua phen này
Bình Định đã quyết bao vây
Hàng ta ta bán hàng Tây ta đừng.
Năm 1951 chủ trương giảm nhẹ biên chế hành chính ở các tỉnh. Bình Định nhờ có vựa lúa của huyện Tuy Phước nên không bị đói như Quãng Nam, Đà Nẵng…Bình Định không những là nơi của “đất võ” mà còn là nơi có các tài năng thơ thời bấy giờ như Quách Tấn, Yến Lan, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên , Xuân Diệu, và là cái nôi của hát bội…Nó còn là trục lộ chính đón khách từ Nam ra, từ Bắc vào. Vì thế thị trấn An Nhơn là nơi để hội tụ các nhà văn hoá và dân y từ các tỉnh bạn về.
Nhìn thấy tìm năng này ông Khánh cao và nhà thơ Yến Lan đã qui tụ toàn bộ anh chị em, lập thành Đoàn kịch Liên Khu Năm. Đoàn đã bầu nhà thơ Yến Lan làm trưởng đoàn. (Nay mỗi lần về thăm quê, tôi vẫn còn nghe mấy chị bán hàng ở chợ Gò Chàm, ê a bốn câu thơ, không biết có phải nói về việc bầu trưởng đoàn kịch lúc bấy giờ hay không:
Đi đâu mà vội mà vàng
Vào đây bỏ phiếu cho chàng Yến Lan
Chàng ấy vốn thật to gan
Mắt đeo kính trắng gọng vàng thật oai
Đoàn kịch lần này có thêm các chị phụ nữ như bà Nga, bà Ngọ, bà vợ của chàng Lu-y người Ấn Độ… Bà Ngọ là giọng ca vàng của Đoàn, bà hát bài chòi rất hay, lôi cuốn nhiều người đến với những đêm diễn, điều đó rất thuận lợi cho việc tuyên truyền, cổ động v.v …
Đoàn kịch là người đóng vai trò quang trọng trong mọi hoạt động ở huyện Bấy giờ, để đồng hành cùng các phong trào chống giặc dốt, giặc đói trong cả nước; đội tiến hành mở lớp học bình dân. Trên những nẻo đường quan trọng đều có chốt kiểm tra việc học chữ, ai thuộc thì cho qua, ai chưa thuộc thì bị giữ lại, khi nào đọc được mới cho đi… Khi cuộc chiến đến lúc ác liệt, đội đã đặt nhiều bài vè, đêm đêm loa vang kêu gọi người dân chấp hành mọi chủ trương chính sách, không nghe tin đồn nhảm.
Nghe ai, chợ quán trao lời
Phải lọc ra cốt, phải xoi ra luồng
Kẻo mà lộn ghét thành thương
Nhầm người đoan chính ra phường gian ngoa
Ta về ta mở tiếng loa
Điều hơn lẽ thiệt phân qua tỏ tường
Từng thành viên của Đội luôn gần gủi, sẻ chia đến tận người dân. Đôi thành lập những tổ chức nhỏ như “Hội Mẹ, Chị chiến sĩ” để làm các công việc như thu hủ gạo, khâu áo trấn thủ gửi ra mặt trận cho bộ đội; còn thanh niên thì đào hầm, vót chông sẵn sàng chờ giặc đến.
Bằng những việc làm thiết thực đó, Đoàn kịch Liên Khu 5 đã thắp sáng trong lòng người dân niềm tin vào Cách Mạng. Sự đóng góp của họ trong cuộc Kháng chiến, bảo vệ xóm làng bình an cho đến ngày Pháp đầu hàng, đa số họ đã được tập kết ra Bắc.
Nay, sau 40 năm được giải phóng (30/3/1975 -> 30/3/2015) thị trấn An Nhơn đã thay đổi nhiều., cuộc sống người dân được nâng lên trong từng chặn đường phát triển của xã hội Việt Nam. Từ khi có cơ chế thị trường, thị trấn không còn đìu hiu như trước. Chợ Gò Chàm đông đúc người mua kẻ bán. Thị trấn giờ đã lên thị xã; Chợ Gò Chàm thành Trung tâm buôn bán sầm uất, không còn cảnh cô em nằm xem kiếm hiệp, không còn anh bưu điện gầy gò, áo vá đi trên đường mấp mô nữa. Ở đây đã có những con đường rải nhưa êm êm; các cô em cởi trên những chiếc xe đắt tiền đi pícnic, các bé tung tăng đến trường, người già đến câu lạc bộ hưu trí v.v… Và người nghèo có những ngôi nhà tình thương….
Nói đi thì cũng nên nói lại, trong 40 năm qua tuy thị xã chúng ta từ Ban lãnh đạo các cấp và người dân thị xã An Nhơn đã làm được nhiều việc ích nước, lợi nhà, song chúng ta cũng đã vô tình làm mất nhiều báu vật không thể bù lại được. Một trong số đó là Chùa Ông mà đội kịch đã lấy đó làm cơ sở hoạt động, tuyên truyền. Chùa Ông có cụ Đa già hơn năm trăm tuổi bị chặt phá để xây nhà xi măng hóa làm cơ quan. Nói một cách nhân văn-đó là việc làm có tội với con cháu của các thế hệ mai sau!
Chú Khánh nói với tôi: “Chúng ta không mong các bạn trẻ sống và hy sinh như chúng ta, nhưng mong rằng họ cũng đừng bao giờ quên đã có hàng triệu cái chết và những việc làm thầm lặng mà ông cha ta đã để lại cho con cháu hôm nay”
Tuy những con người của Đội kịch và việc làm thầm lặng của họ đã đi dần vào sự lãng quên, song ảnh hưởng của họ vẫn vương vấn trong lớp người không còn trẻ ở thị xã An Nhơn. Họ là nhân chứng sống của thế hệ anh hùng, họ luôn kể về Đội kịch với niềm tự hào – Đó chính là phần thưởng quí giá đối với trí thức các bậc tiền bối . Tôi thường nghe họ chân tình kể lại chuyện xưa và luyến tiếc nói:”các chị thèm khát được xem kịch và nghe những câu ca, lời hát như ngày ấy quá. Bây giờ mọi người chỉ lặp đi lặp lại: sáng dậy đi chợ bán, tối về ngủ; chẳng có gì để mà xem. Lớp trẻ giờ chúng lên sân khấu quậy, xem chán lắm,…”
Đây cũng là việc để lớp trẻ nghiên cứu rút kinh nghiệm lãnh đạo thị xã ngày càng hoàn thiện hơn nữa./.
{jcomments on}