Tây Sơn Tam Kiệt

 

Tặng anh Nguyên Lương – hậu duệ của Đô đốc Nguyễn Văn Lộc.

Vũ Thanh

Hồi thứ hai

Giết cọp dữ, Trần Quang Diệu gặp Bùi Thị Xuân

Đánh quan binh, Nguyễn Văn Lộc cưới được vợ hiền.

*

Tám chiếc vó khỏe mạnh của hai con Bạch mã và Ô Truy phóng thật đều, chở đôi thanh niên nam nữ xuống khỏi đèo Vĩnh Viễn, rẽ qua con đường độc đạo, dọc theo bờ tây sông Côn rồi vào đường thượng đạo ở Vĩnh Thạnh. Qua khỏi địa giới Kim Sơn gần An Lão, H’Linh cho ngựa chậm lại, nàng chỉ tay xuống con suối chảy bên vách núi nói:

Chúng ta ghé xuống con suối này nghỉ một lát cho ngựa nghỉ uống nước.

Nguyễn Huệ tán thành:

Được. Hãy theo lối này.

 

Chàng rẽ ngựa theo một lối mòn xuống suối. Hai người nhảy xuống đất, vục nước suối rửa mặt, thả cho hai con ngựa tự do uống nước, gặm cỏ. Dòng suối chảy dài xuống một thung lũng bằng phẳng ở dưới xa, rừng thu vàng úa hai bên bờ trông thật cô liêu, u tịch. H’Linh dõi mắt mơ màng nói:

Rừng thu và thung lũng dưới kia thật đẹp, chẳng khác con suối Tử Tuyền ở Thạch Bích sơn của ta.

Nguyễn Huệ nhìn theo ánh mắt H’Linh nói:

Ừ, đẹp thật, nhưng buồn qúa. H’Linh có vẻ thích những nơi tịch mịch thế này phải không?

Ta từ bé đã quen cảnh núi rừng hồn nhiên, u tịch. Thời gian qua dong ruổi dưới đồng bằng, nhìn thấy biết bao cảnh tan thương, đói khổ, chết chóc, lòng ta thật xót xa, chỉ mong được sớm trở về với bản rừng cho tâm hồn thanh thản. Ngươi thì sao?

Thanh nhàn ai cũng thích, nhưng tôi là thân trai trong thời loạn, nghĩa vụ làm trai không cho phép tôi chìu theo sở thích của mình.

Suy nghĩ của ngươi thật giống Lâm ca và Tín Nhi. Ngươi đưa ta về đến Đá Vách rồi sẽ đi đâu?

Tôi định làm một chuyến giang hồ, lang thang khắp trời Nam này cho biết đất nước và con người của mình.

H’Linh thở dài:

Đất nước là một cảnh điêu tàn, con người là những bộ xương gầy còm, ốm đói. Ngươi cứ đi cho biết, nhưng ta sợ rằng sau chuyến đi ngươi sẽ thất vọng. Như tâm tình của ta bây giờ vậy.

Huệ nhìn cô gái của núi rừng thầm nghĩ: “Tôi sẽ thay đổi những điêu tàn và đau thương đó cô bạn gái ạ”. Chợt H’Linh chỉ tay xuống vùng thung lũng nói:

Chúng ta thử xuống vùng thung lũng đó xem. Một nơi đẹp thế này ta nghĩ chắc sẽ có người ở.

Nếu H’Linh thích.

Hai người bèn lên ngựa rồi thong thả theo dòng suối xuống thung lũng. Vừa đến nơi, H’Linh đã reo lên:

Ngươi thấy không, bên kia có nhà kìa. Chúng ta đến đó đi.

Theo ngón tay H’Linh, Huệ thấy một mái nhà lá khá lớn dựng bên một khúc quanh của con suối. Hai người bèn thả ngựa đến nơi. Khung cảnh im lìm, vắng vẻ. Chợt Huệ thấy một nấm mộ bên cạnh ngôi nhà, trước mộ, một chàng thanh niên đang qùi cúi đầu im lặng, bên cạnh mộ có cắm một thanh kim đao sáng rực. Biết có người lạ đến chàng thanh niên vẫn không quay lại. Huệ và H’Linh vội vàng nhảy xuống ngựa, chậm rải đến sau lưng chàng thanh niên, im lặng chắp tay vái trước nấm mộ. Lúc đó chàng thanh niên mới từ từ đứng lên quay lại nhìn. Anh ta tuổi trạc mười chín, hai mươi, mặt vuông với nước da đỏ tía, mắt xếch trông lẫm liệt, phương phi. Thoạt nhìn Huệ đã biết ngay là tay kiêu dũng trong đời. Chàng vội chắp tay ôn tồn nói:

Tình cờ thấy cảnh đẹp nên chúng tôi lạc vào đây, không ngờ lại phá tan sự yên tĩnh của anh. Thật xin lỗi.

Người thanh niên từ tốn nói:

Không hề gì. Hai vị là ai? Có việc gì đi ngang qua vùng núi thẳm này?

Tôi là Nguyễn Huệ ở Kiên Thành, đây là H’Linh ở bản Đá Vách. Dám hỏi danh tánh của anh?

Trần Quang Diệu. Hân hạnh biết hai vị.

H’Linh hỏi:

Xin hỏi anh, người dưới mộ là ai? Trên mộ cỏ đã xanh, anh qùi như thế hẳn đã ba bốn tháng rồi phải không?

Là Thầy tôi. Người tạ thế đúng ba tháng rồi.

Huệ chắp tay nói:

Thành thật chia buồn cùng anh. Anh định một mình ở lại nơi vắng vẻ này à?

Quang Diệu nói:

Tôi đang định trở về quê thăm gia đình. À, mời hai vị vào nhà nói chuyện cho phải lẽ.

Huệ cùng H’Linh theo Diệu vào nhà. Huệ hỏi:

Quê anh ở đâu?

Diệu rót nước mời khách rồi đáp:

Ở thôn Liên Chiểu gần Long Cốt sơn, Mộ Hoa.

Nguyễn Huệ nghe nói giật mình hỏi:

Anh họ Trần ở Liên Chiểu như vậy có liên hệ gì đến họ Trần Nguyên bên Liên Trì bị thảm sát hơn hai mươi năm trước không?

Không. Họ Trần Nguyên là họ lớn, họ Trần chúng tôi chỉ là một họ nhỏ trong vùng. Tội nghiệp, cả họ Trần Nguyên năm ấy bị giết hết không còn một ai. Lúc tôi còn nhỏ, nghe kể lại chuyện mà sôi giận trong lòng. Bọn Tàu này thật ác độc.

Anh nói đúng, những chuyện như vậy ai nghe cũng phải căm gan. Cũng hay là bọn gian ác đã bị trả thù đích đáng.

Nguyễn Huệ đưa mắt nhìn quanh. Gian nhà rộng, bày biện đơn sơ nhưng thoạt nhìn đã biết ngay chủ nhân là người chuyên về võ nghệ, tuy trên các giá binh khí trống trơn chẳng có món gì. Quang Diệu nói:

Anh lấy làm lạ phải không? Tất cả binh khí tôi đã chôn theo thầy tôi, chỉ còn giữ lại cây Huỳnh Long đại đao thầy tôi tặng cho mà thôi.

Huệ mỉm cười ướm lời:

Nhìn nghi biểu của anh và thanh đao tôi đoan chắc anh là người tài cao, chí cả. Dự tính tương lai của anh thế nào?

Quang Diệu hớp một hớp nước, đáp:

Trước lúc lâm chung, thầy tôi đã căn dặn phải đem sở học làm sở hành, giúp đời, giúp nước. Nhưng gần mười năm nay tôi theo thầy lên núi nên sự thể dưới kia chưa biết thế nào. Tôi định về thăm nhà trước rồi mới tính chuyện tương lai.

Huệ nghe nói trong bụng mừng thầm, nói:

Sau khi thăm nhà, nếu anh muốn góp mặt với đời thì nên ghé lại Tây Sơn Hội Quán ở bến Trường Trầu, trên bờ sông Côn, Kiên Mỹ. Anh hùng đời nay đang quy tụ ở đó rất đông.

Diệu háo hức hỏi:

Thật vậy ư? Chủ nhân Hội Quán là ai?

Nguyễn Nhạc.

Được, tôi sẽ ghé thăm nơi đó một chuyến. Tôi có sẽ gặp anh ở đó không?

Tôi đang có một ít việc phải làm, anh cứ đến đó, chúng ta sẽ gặp lại nhau sau vài tháng. Bây giờ xin kiếu từ.

Huệ và H’Linh đứng lên, Diệu tiễn hai người ra đến nơi cột ngựa nói:

Chúc hai người thượng lộ bình an. Mong gặp lại.

Nguyễn Huệ và H’Linh phóng người lên ngựa rồi vẫy tay chào, thúc ngựa trở lên đường thượng đạo về Đá Vách. Quang Diệu nhìn theo lẩm bẩm:

Chàng thanh niên Nguyễn Huệ này còn rất trẻ nhưng khí phái bất phàm, nhất là đôi mắt, thần quang nội liễm mà tia nhìn nhiếp phục lòng người, mới gặp mà mình đã thấy bảy phần kính ngưỡng. Con người như thế tất sẽ làm nên đại sự, rất đáng để kết giao. Ta ghé Vĩnh Thạnh hỏi thăm gia đình họ Diệp của Thầy theo lời dặn trước, sau đó tiện đường vào Tây Sơn một chuyến xem sao. Việc về thăm nhà hãy tính sau.

Nghĩ đến đó, bầu nhiệt huyết chợt bùng sôi, bèn lạy mộ thầy lần nữa rồi thu xếp hành trang, nghĩ rằng đây chỉ là chuyến giang hồ du ngoạn nên đem thanh Huỳnh Long bảo đao cất kỹ một nơi rồi vác bọc hành lý lên đường.

Quang Diệu vốn con nhà khá giả ở Liên Chiểu, nhưng cha mẹ mất sớm, tuy còn hai người anh nhưng tính Diệu thích thân tự lập thân nên sống tự lập từ bé. Ngày nay võ nghệ thành tài, gia đình không mấy vướng bận, lần đầu xuống núi giang hồ thõa chí nên trong lòng không khỏi có điều cao hứng. Theo lời thầy dặn, chàng ghé về Vĩnh Thạnh hỏi thăm dòng họ Diệp nhưng bà con trong vùng nói từ khi võ sư Diệp Đình Tòng giết quan huyện rồi dẫn vợ con bỏ trốn mấy mươi năm trước thì dòng họ cũng xiêu tán khắp nơi, tránh bị quan binh đàn hạch nay không còn ai ở Vĩnh Thạnh. Diệu bèn rời Vĩnh Thạnh theo đường núi vào Tây Sơn.

Khi ngang qua một vùng núi vắng vẻ, chợt có tiếng gầm rung chuyển cả núi đồi, một con cọp trắng, vằn đen to lớn từ trong bụi rậm phóng ra, hai chân trước với những vuốc nhọn vồ lấy chàng. Quang Diệu nghe tiếng gầm vội bước chéo chân né khỏi cú chộp của con cọp, động tác của chàng rất mau lẹ nhưng vì bất ngờ nên vai phải cũng đã bị vuốt cọp cào sước mấy đường, túa máu. Con cọp vồ hụt liền quay lại thật nhanh, nó lại gầm lên một tiếng rồi phóng vào chộp Quang Diệu lần nữa. Quang Diệu từ lúc sống với thầy ở Kim Sơn vẫn thường đánh nhau với cọp nên chàng rất bình tĩnh, đợi con cọp phóng gần đến nơi, chàng né vội sang bên, hai tay tung mạnh hai cú đấm thôi sơn vào bụng nó. Con cọp trúng đòn, nó lồng lên tức giận, quay vội lại tiếp tục phóng tới tấn công địch thủ.

Người và cọp cứ thế quần nhau rất lâu, Quang Diệu đầy người bê bết máu, con cọp cũng ngất ngư vì thấm đòn, miệng không ngớt gầm rống vang động cả khu rừng. Nó bước đi chầm chậm chung quanh địch thủ, như để lấy lại hơi sức, chờ cơ hội tấn công một cú tối hậu. Quang Diệu tay không phải đấu với những móng vuốt sắc nhọn của cọp nên đã rã rời, quần áo rách bươm, người bê bết máu, miệng không ngừng thở dốc, ráng trấn định tinh thần chờ đòn tấn công của con ác thú.

Bỗng có tiếng vó ngựa phi tới rất nhanh. Con cọp như biết được mình sắp có thêm địch thủ nên nó gầm lên một tiếng, phóng vút vào Quang Diệu. Vừa lúc đó con ngựa phóng đến nới, một tiếng quát trong trẻo vang lên:

Nghiệt súc, không được hại người!!

Một bóng vàng tung lên khỏi lưng ngựa phóng nhanh tới, ánh chớp lóe lên, thanh kiếm trong tay lao vút vào mắt cọp như tên bắn. Con cọp bất ngờ nên bị lưỡi kiếm phóng trúng vào mắt trái, nó gầm lên một tiếng đau đớn, vồ hụt người Quang Diệu. Nó bị đau, điên tiết gầm lên một tiếng rồi quay lại tấn công kẻ địch mới. Người mới tới là một thiếu nữ trẻ chừng mười tám với bộ y phục màu vàng anh, trên tay vẫn còn một thanh kiếm khác, thấy con cọp phóng tới nàng liền trở bộ né sang bên, thanh kiếm trong tay đâm nhanh một đường thần tốc vào con mắt thứ hai của cọp. Đường kiếm thật nhanh và thật chính xác, con cọp rống lên một tiếng đau đớn, hai con mắt nó đã bị mù. Nó lồng lộn nhảy vồ tứ tung, thiếu nữ mau lẹ lựa thế phóng thêm mấy nhát kiếm nữa vào tai và miệng cọp, nó vùng vẫy một lúc rồi ngã qụy. Quang Diệu đứng bên ngoài nhìn mấy đường kiếm của thiếu nữ áo vàng không khỏi khen thầm: “Cô gái này trông xinh đẹp, mảnh khảnh mà đường kiếm thật xuất qủi nhập thần, chính xác và mau lẹ không tưởng nổi”.

Thiếu nữ hạ xong con cọp lo lắng hỏi:

Anh có sao không? Máu ra nhiều qúa.

Giọng nói nghe thanh như tiếng khánh. Quang Diệu chắp tay nói:

Tạ ơn cứu mạng, tôi không sao, chỉ là những vết thương ngoài da. Hiệp nữ qúy tánh là chi để Trần Quang Diệu tôi ghi khắc vào lòng.

Thiếu nữ nở nụ cười thật đẹp nói:

Tôi tên Bùi Thị Xuân. Ơn nghĩa gì đâu, chỉ là chuyện phải làm mà thôi, anh đừng câu nệ. Tôi có thuốc kim san đây, nên băng những vết thương lại để cầm máu.

Bèn lấy thuốc kim san bên người ra rồi dùng chiếc khăn trong túi đeo bên lưng ngựa lau sạch những vết máu, sau đó rịt thuốc cho Quang Diệu. Cô thực hiện những động tác băng bó rất mau chóng và thuần thục không một chút e ngại chuyện nam nữ. Thoáng chốc mọi việc đã xong, Bùi thị Xuân mỉm cười nói:

Xong rồi. Tạm thời như vậy đi.

Quang Diệu lúng túng nói:

Đa tạ. Ơn cứu mạng thật to lớn, tôi thật không biết phải nói gì đây.

Thị Xuân bật cười khanh khách nói:

Đã nói đừng câu nệ rồi mà. Anh là người phương nào, sao lại đánh nhau với con ác thú này ở đây?

Tôi vừa chân ướt chân ráo hạ sơn, gặp người bạn tên Nguyễn Huệ giới thiệu nên định ghé Tây Sơn Hội Quán để mở rộng tầm mắt. Không ngờ giữa đường lại bị nạn, may mà có hiệp nữ đây nếu không..

Thị Xuân cười chận lời:

Lại định nói tới chuyện cứu mạng nữa phải không? Cái gì mà Hiệp nữ với Nữ hiệp thật khó nghe.

Sắc mặt Quang Diệu đã đỏ giờ còn đỏ hơn nữa, chàng ấp úng:

Ơ..tôi..

Bùi Thị Xuân nhìn thấy điệu bộ lúng túng của chàng trai thì cười khanh khách nói:

Anh cứ gọi tôi là Cô Xuân được rồi. Dễ nghe hơn.

Quang Diệu ấp úng:

Ơ.. Tôi sao dám vô lễ như vậy được.

Bùi Thị Xuân mỉm cười vui vẻ:

Coi anh tướng mạo đường đường mà lại hay mắc cỡ như con gái vậy. Anh muốn đi Tây Sơn Hội Quán à? Anh Nguyễn Nhạc, Quán chủ là chỗ quen của tôi. Tôi sẽ đưa anh đi. Nhưng trước hết phải mang con cọp này cho anh Phi Vân Báo trước đã.

Phi Vân Báo là ai?

Là anh Lý Văn Bưu ở trại huấn luyện ngựa dưới kia. Chúng tôi vẫn thường đi săn cọp với nhau.

Thảo nào.. Cô…Xuân hạ con ác thú hung dữ này thật dễ dàng.

Đang lúc hai người nói chuyện thì có tiếng vó ngựa vang lên từ xa. Bùi Thị Xuân nói:

Chắc là anh Bưu và anh Dũng tới.

Vừa dứt câu đã nghe tiếng ngựa đến nơi, hai chàng kỵ sĩ vừa đến nơi đã phóng xuống ngựa, một người oang oang lên tiếng:

Chào vị hiệp sĩ này, anh tay không đã giết con cọp trắng này phải không? Thật là tay kiêu dũng, Lý Văn Bưu này xin bái phục.

Quang Diệu thấy Lý Văn Bưu mặt vuông, tai lớn, hàm râu mép cứng, rậm, đen nhánh trông thật uy hùng, tính lại bộc trực, còn Võ Văn Dũng tướng người tuấn nhã nên có ngay hảo cảm. Chàng chắp tay đáp:

Trần Quang Diệu xin chào hai vị hiệp sĩ. Là ..cô.. Xuân đây giết nó đấy chứ không phải tôi đâu.

Người thanh niên thứ hai nói:

Thì ra là anh Quang Diệu. Võ Văn Dũng ở Phú Phong xin được làm quen.

Ba người hớn hở chào nhau. Bùi Thị Xuân cười nói:

Anh Quang Diệu tay không đánh con cọp nhừ tử rồi, tôi chỉ cần phóng thêm vài nhát kiếm nữa thì nó đi đời. Tặng anh đó anh Bưu.

Lý Văn Bưu cười ha hả nói:

Vậy tôi xin cảm ơn hai người. Cho tôi được đền ơn bằng một bữa tiệc mọn ở trang trại nhà được không? Cô Xuân này, tôi sẽ biến bộ da Bạch hổ này thành một cái áo choàng cho cô, bảo đảm sẽ rất đẹp. Cô chịu không?

Bùi Thị Xuân vui vẻ nhìn Quang Diệu nói:

Chịu thì nhất định là chịu rồi nhưng còn phải hỏi ý người giết cọp trước đã chứ.

Mặt Quang Diệu đỏ lên hơn nữa, chàng vội vàng nói:

Không cần phải hỏi gì tôi đâu, cô Xuân cứ tự nhiên..

Nhìn vẻ bối rối của chàng thanh niên mới quen, cả ba người không khỏi bật lên tiếng cười thích thú. Bốn người tuổi tác ngang nhau nên rất dễ tương đắc. Họ gác xác con cọp trắng lên lưng con ngựa to lớn có sắc lông đỏ chói của Lý Văn Bưu rồi cùng nhau thả bộ về trang trại của Bưu ở làng Đại Khoang – Phù Cát. Quang Diệu nhìn con ngựa khen:

Con ngựa này thật kỳ vĩ, tôi chưa từng thấy qua bao giờ.

Văn Bưu cười nói:

Người Trung Hoa xưa có câu: “Nhân trung Lữ Bố, mã trung Xích Thố”. Tôi cho rằng con Xích thố xưa cũng chỉ bằng con Huyết Long này là cùng. Nếu anh thích tôi xin tặng anh làm món qùa sơ ngộ.

Quang Diệu vội xua tay:

Nghe cô Xuân nói biệt danh của anh là Phi Vân Báo, anh mới xứng với con thần mã này, tôi là kẻ thất phu làm sao dám nhận.

Văn Bưu cười ha hả nói:

Anh khéo nhún nhường. Tôi là kẻ thô lậu nhưng cũng hình dung ra được một khi anh ngồi trên lưng con Huyết Long Câu, tay nắm đại đao thì có thua gì Quan Vân Trường qúa ngũ quan trảm lục tướng ..ha..ha.. Mà anh thiện dụng binh khí gì?

Quang Diệu nghe Văn Bưu nói qúa về mình, lúng túng đáp:

Anh đừng nói qúa khiến tôi hổ thẹn. Thầy tôi có để lại cho tôi một thanh Huỳnh Long bảo đao, thầy nói có từ đời Trần.

Văn Bưu vỗ tay nói:

Anh thấy chưa? Đây không phải là sự tấu xảo bình thường mà là sự sắp đặt tinh vi của trời đất. Anh nhất định phải nhận con vật này mới được. Nó đã tìm đúng chủ rồi đấy.

Quang Diệu vừa định lên tiếng từ chối thì Bùi Thị Xuân đã nói:

Anh đừng từ chối nữa. Phi Vân Báo một khi đã nói thì dù trời sập cũng không thay đổi được đâu.

Võ Văn Dũng cũng thêm vào:

Hắn có cả một trại ngựa qúy, anh không cần ái ngại.

Quang Diệu chắp tay:

Ba người đã nói thế, Diệu tôi xin đa tạ vậy.

Chợt thấy Bùi Thị Xuân cũng dắt ngựa đi bộ, chàng dè dặt nói:

Chúng tôi là bọn thanh niên đi bộ còn được, cô Xuân đâu cần phải giống chúng tôi..

Văn Bưu nghe Quang Diệu nói liền cưới lớn:

Anh đừng nhìn tấm thân mảnh mai của cô ấy mà cho là đào tơ liễu yếu. Cô ta thường nói không làm được như Bà Trưng, Bà Triệu nhất định không chịu đó.

Quang Diệu vội phân bua:

Tôi đâu dám có ý coi thường, chỉ là..

Bùi Thị Xuân nhìn thấy sự lo lắng và vẻ bối rối của Quang Diệu, không hiểu sao, tính cứng cỏi, thích tranh cường với nam nhân chợt biến mất, nàng mỉm cười:

Thôi được, để tôi cưỡi ngựa cho anh an lòng. Các anh tản bộ nhé.

Nói rồi nhún chân tung người đáp nhẹ nhàng lên lưng con Bạch mã của mình. Văn Bưu vỗ tay:

Chuyện lạ xảy ra rồi!! Bỗng dưng hôm nay Nữ tướng lại chịu khó nghe lời bọn nam nhân chúng ta rồi, mà lại nghe lời một kẻ người dưng khác họ nữa chứ..Ha..ha…

Bùi Thị Xuân nghe Văn Bưu ghẹo, hai má chợt đỏ hồng thật đẹp, nàng quất chiếc roi ngựa trong tay thật mạnh nghe đến “vút” vào vai Văn Bưu. Võ Văn Dũng đi cạnh Văn Bưu vội đưa tay bắt gọn ngọn roi, mỉm cười nói:

Thôi đừng nổi nóng nữa. Tôi thấy cô dịu dàng, e lệ như lúc nãy thật là đẹp, cô nên giữ như vậy để chờ Thi Sách đến rước về chứ. (Thi Sách là chồng của Trưng Trắc).

Bùi Thị Xuân mặt đỏ hơn lên vì thẹn, nàng rút mạnh cây roi về rồi đánh “vút” vào khoảng không một tiếng, thúc ngựa phóng đi:

Không thèm đôi co với các anh nữa.

Chỉ thoáng chốc bóng nàng và con Bạch mã mất hút sau khúc quanh. Quang Diệu ái ngại nói:

Các anh chọc cô ấy giận rồi.

Văn Bưu cười:

Anh đừng lo, chúng tôi rất hiểu nhau, tính cô ấy không hay giận hờn bỡi những chuyện đùa vui vớ vẩn đâu. Nhưng mà anh phải nhớ kỹ một điều, đừng bao giờ làm cho cô ấy giận thật đấy nhé. Cả một đàn voi cũng phải cúi rập xuống khi nàng hét lên đấy.

Quang Diệu nghe nói thè lưỡi lắc đầu.

*

Nhắc lại Nguyễn Huệ và H’Linh về tới Đá Vách thì mặt trời đã xế bóng. Binh triều đình đã rút đi để lại một cảnh tượng tang hoang, đổ nát cho bản làng. Tại khu nhà làng đã bị phá hủy, mấy trăm người dân bản đang tụ tập quanh những xác chết của đồng bào và lính bản tử trận, than khóc như di. H’Linh vốn được dân trong bản rất yêu thương và xem như một Thánh nữ nên khi thấy nàng quay về mọi người đều ngừng khóc vây quanh nàng mừng rỡ. H’Linh hỏi Già làng:

Cha mẹ tôi đâu rồi? Họ thế nào rồi, Già làng?

Già làng lên tiếng đáp:

Họ đã bị quân triều đình giết hại rồi. Chúng tôi đặt xác họ ở đầu kia.

H’Linh vội vã chạy đến nơi đặt xác cha mẹ mình, nàng òa lên khóc rồi nhào xuống ôm chầm lấy xác nức nở không cùng. Nguyễn Huệ để cho nàng khóc một lúc lâu mới đến đỡ nàng đứng lên, an ủi:

Cha mẹ H’Linh đã được Yàng rước lên trời rồi, H’Linh đừng buồn nữa. Chúng ta hãy lo việc chôn cất những người đã chết. Các xác chết ở đây đã bắt đầu hư rồi.

H’Linh nức nở:

Ta thật có lỗi với cha mẹ ta.

Việc qua rồi. H’Linh có tự trách mình cũng không hơn được.

Một lúc sau tâm tình bớt xúc động, H’Linh tìm Già làng hỏi:

Khi nào thì chúng ta chôn cất cho họ, Già làng?

Già làng đáp:

Ngày mai. Dân bản đã đào một huyệt mộ lớn để chôn tất cả chung một nấm mồ. Thánh nữ bấy nay đi đâu? Thánh nữ sẽ ở lại với bản làng chứ?

H’Linh gật đầu đáp:

Tôi ở lại đây. Sau chuyện tang ma, Già làng sai người dựng cho tôi một gian nhà bên suối Tử Tuyền nhé. Tôi sẽ ở tại đó.

Già làng nói:

Tôi sẽ cho người làm ngay.

Hôm sau cả bản tham dự đám tang tập thể chôn hàng ngàn tử sĩ trong một nấm mồ chung. Nguyễn Huệ hăng hái xắn tay cùng dân bản khiêng những xác chết đến huyệt mộ. Già làng nhìn thấy cách làm việc hăng say của Huệ đến độ mồ hôi, bùn đất trét lấm cả quần áo, mặt mày, ông rất vui, nói với H’Linh:

Những người bạn của Thánh nữ ai cũng vui vẻ, nhiệt tình.

H’Linh mỉm cười. Nàng đem một chiếc khăn lớn, vắt nước đến lau mặt cho Nguyễn Huệ, cười nhẹ nói:

Sao không để dân bản làm, ngươi đâu cần vất vả đến như vậy.

Huệ mỉm cười:

Có sao đâu. Tôi vẫn thích xắn tay làm hơn là khoanh tay đứng nhìn. Quen rồi.

Việc chôn cất vừa xong thì có một chàng kỵ sĩ trẻ cỡi con Huyết câu đến thăm bản. H’Linh vừa nhìn thấy chàng ta đã vội reo lên:

Tín Nhi. Ngươi cũng đến rồi ư? Ta thật nhớ ngươi. Ơ! Nhìn ngươi thật khác hẳn xưa kia.

Người mới đến chính là Tín Nhi, với mái tóc xỏa dài nhuốm bụi đường, quần thô, áo bạc như một phong trần lãng tử, đặc biệt nét vui tươi yêu đời xưa giờ biến mất, trên khuôn mặt chàng, nay là một khối u buồn nặng trĩu. Tín Nhi nói:

Ta cũng nhớ ngươi lắm. Nghe tin bản bị tấn công, ta vội vã vượt ngàn dặm đến đây thăm ngươi. Ngươi vẫn khỏe chứ? Mọi người thế nào?

H’Linh buồn bã đáp:

Ta cũng mới trở về bản. Cha mẹ ta chết cả rồi. Ta thật có lỗi với họ.

Tín Nhi ngạc nhiên hỏi:

Chia buồn cùng ngươi. Ngươi đi đâu mà mới trở về?

Ta bỏ bản đi tìm Lâm ca gần năm nay rồi. Hôm kia gặp A Nun ta mới biết bản bị tấn công. À để ta giới thiệu với ngươi người bạn mới của ta. Nguyễn Huệ, người đã cứu ta thoát chết ở vực Trầm Hương. Hai người làm bạn với nhau đi.

Nguyễn Huệ chào:

Tôi nghe H’Linh nói tốt về anh rất nhiều. Tôi cũng đã từng hâm mộ anh trong chiến dịch đốt kho lương năm xưa. Mong được làm bạn với anh.

Tín Nhi buồn bã nói:

Xin đừng nhắc lại những chuyện xưa. Chúng ta là bạn.

Huệ nói:

Xin lỗi đã khơi lại nỗi đau.

H’Linh nói:

Đi, chúng ta lên đỉnh Thạch Bích nói chuyện. Ta nhớ nơi ấy qúa.

Ba người cùng nhau phóng ngựa lên đỉnh núi. Họ đứng bên nhau nhìn quang cảnh điêu tàn của bản làng, trong sắc úa của rừng thu trông càng thê lương, ảm đạm. H’Linh rơi lệ nói:

Chiến tranh thật ác độc. Tại sao chúng ta phải chém giết nhau mới được chứ?

Giọng Tín Nhi đầy ắp căm hờn:

H’Linh đã ghé lại Truông Mây rồi phải không? Nấm mồ chung ở đó còn lớn hơn ở đây nhiều lần. Hận này làm sao nguôi được.

H’Linh hỏi:

Từ ngày rời khỏi nơi đây ngươi đã làm gì?

Ta đi tìm Sư phụ mới biết người đã bị thiêu chung với kho lương Phú Đăng. Sau đó nghe tin Truông Mây bị Chú Nhẫn phản bội đầu độc đến tan tành ta đã đi khắp nơi tìm hắn.

Nguyễn Huệ hỏi:

Ngươi có tìm được hắn không?

Giọng Tín Nhi chắc nịch:

Chưa. Nhưng ngày nào còn sống ta nhất quyết phải tìm cho ra, đem tim hắn về tế trước nấm mồ chung của Truông Mây.

Huệ hỏi:

Trời đất mênh mông, nhưng lưới trời tuy thưa mà khó lọt. Ta tin ngươi sẽ tìm gặp hắn. Ngươi đã đi những đâu?

Tín Nhi đáp:

Nghe nói hắn được bổ một chức Tri Huyện. Ta đã bắt đầu lùng tìm từ Quảng Ngãi ra đến sông Gianh. Ta sẽ tiếp tục đi từng huyện một, lật tung cả nước lên để tìm hắn cho bằng được.

H’Linh nói:

Ngươi có giết hắn ta, mọi chuyện cũng đã lỡ rồi, Truông Mây và nghĩa sĩ đều đã chết. Ngươi tự hành hạ mình như thế để làm gì. Coi ngươi bây giờ đâu còn là Tín Nhi vui vẻ yêu đời như lúc xưa.

Tín Nhi nhìn bạn:

Ngươi là Thánh nữ nơi bản rừng, ngươi không biết được lý lẽ của con người chúng ta dưới kia đâu. Xin lỗi, việc này ta không thể nghe lời ngươi được. Ngươi có chút tin tức gì về Lâm ca và Lía đại ca không?

H’Linh thở dài đáp:

Không. Đi đâu cũng nghe người ta nói rằng hai người đã chết nhưng không ai biết họ chết ở đâu cả. Ta thật không tin họ đã chết. Một người tốt như Lâm ca phải được thần linh che chở, không thể chết oan uổng như vậy được.

Ngươi sẽ ở lại bản rừng chứ?

Ừ. Ngày mai Già làng sẽ dựng cho ta một căn nhà bên suối Tử Tuyền, ta sẽ ở đó cho đến trọn đời. Hai ngươi thỉnh thoảng ghé thăm ta nhé.

Nàng nhìn Tín Nhi và Nguyễn Huệ, ánh mắt đượm buồn. Cả hai chàng thanh niên đồng thanh nói:

Chúng tôi sẽ ghé thăm H’Linh.

H’Linh tháo thanh nhuyễn kiếm quấn nơi lưng ra đưa cho Tín Nhi nói:

Ngươi giữ vật này đi, của Lâm ca đó. Ta muốn quên tất cả những việc đã qua.

Tín Nhi nhận thanh kiếm, nhìn bạn bằng ánh mắt thông cảm:

Cũng được. Chúc ngươi an bình suốt đời. Ta sẽ ghé thăm.

***

Trong khi H’Linh, Tín Nhi và bao nhiêu người khác tìm kiếm mà không thấy tung tích hai vị thủ lĩnh Truông Mây thì trong gian nhà trúc, trên một sườn đồi cuối dãy núi Bà gần cửa Cách Thử, Trần Lâm cũng bắt đầu phục hồi lại trí nhớ của mình. Từ lúc được Lía cõng chạy trốn may gặp được ông cháu Vũ Đức và Đoan Trang cứu chữa, tuy họ đã hết lòng chăm sóc để đáp ứng lời hứa trước xác của Chú Lía, nhưng vết thương sau não bộ đã khiến chàng hôn mê đến năm sáu ngày liền. Vũ Đức không ngừng dùng kim châm kích huyệt để kích thích hệ thần kinh, nhờ vậy, tuy tình trạng hôn mê kéo dài, hệ thần kinh não bộ của Trần Lâm may mắn không bị tê liệt, nhưng dù sao cũng không tránh khỏi thiệt hại về trí nhớ. Lúc vừa tỉnh lại, Lâm như một người mất hết thần trí. Chàng quên hết mọi chuyện, ngay cả mình là ai, tên gì cũng không nhớ nổi.

Sau một tháng, các vết thương đã lành. Ba tháng sau, nhờ sự tận tình, kiên nhẫn và khéo léo của Đoan Trang, trí nhớ chủa chàng dần dà hồi phục, và phải mất một thời gian khá lâu sau đó chàng mới có thể trở lại bình thường. Trong suốt thời gian đó, Đoan Trang vì ở vào thế bắt buộc nên phải chăm sóc người bệnh, bỏ qua cả sự tỵ hiềm nam nữ, trong khi Vũ Đức vì thấy cô cháu ngoan của mình nay đã gặp được người xứng đáng nên trong bụng cũng mừng thầm, do đó mọi việc ông cứ đẩy mặc cho Đoan Trang lo liệu.

Với Đoan Trang, từ sự lo lắng và chăm sóc cho người bệnh, theo thời gian tình cảm cũng đã âm thầm nẩy nở trong tim. Huống chi, sự giao tiếp nam nữ bấy lâu đã khiến tấm thân xử nữ không còn trong trắng nữa, cho nên tự trong thâm tâm, nàng coi kiếp này của mình đã thuộc về chàng trai mỹ mạo, anh hùng kia. Nhưng tình cảm càng nẩy nở trong tim, sự lo âu trong lòng nàng càng thêm lớn. Nàng sợ rằng niềm hạnh phúc đến bất chợt lần này rồi cũng sẽ như bao lần trước trong đời nàng lại bất chợt ra đi. Ai biết được cánh chim bằng kia rồi sẽ nhớ đến khung trời rộng mà tung cánh bay đi? Gẫm nhìn lại đời mình nàng càng thêm lo sợ trước bao nhiêu lần được, mất qua tay. Cho nên nàng thật muốn quên đi cái dĩ vãng đau thương và đen đủi, để những niềm bất hạnh kia không còn đeo đuổi cuộc đời mình nữa. Nàng âm thầm khấn nguyện trời cao xin đừng lấy đi niềm hạnh phúc nàng đang có trong tay như đã từng cướp đi của nàng suốt quảng đời thơ dại. Cho nên, trong vài lần ít ỏi hai người có dịp tâm sự với nhau, nàng không bao giờ nhắc đến qúa khứ của mình.

Tâm tình của Trần Lâm cũng chẳng hơn gì Đoan Trang. Khi trí nhớ được phục hồi, hình ảnh nàng tiên dịu dàng, trầm lặng, đã in sâu vào tâm khảm, vào trái tim từ lâu vẫn thờ ơ với người khác phái của chàng. Sự chăm sóc ân cần, hơi ấm từ làn da mềm mại, những ngón tay êm ái, mùi hương tóc… tất cả những thứ đó kết thành một thứ thuốc tương tư đầy ma lực bất khả kháng cự, nó đã dằn vặt khiến chàng thao thức từng đêm. Nhưng sự im lặng, kín đáo của Đoan Trang khiến cho chàng đã bao lần muốn thổ lộ cũng phải ngại ngần, câm nín.

Từ lúc nghe kể lại người đại ca thân yêu của mình cắt đầu tự vận, thêm vào hình ảnh thê lương của bao nhiêu anh em nghĩa binh ngã xuống đã khiến cho cõi lòng Trần Lâm nguội lạnh như tro tàn. Bao nhiêu hào khí bồng bột ngày xưa giờ bỗng tiêu tan như mây khói. Chàng quyết định gạt bỏ qúa khứ, lánh khỏi cuộc đời, gạt bỏ ngoài tai chuyện thế sự. Điều mà chàng hướng tới và mong mỏi bây giờ là một tình yêu, một mái ấm hạnh phúc của một gia đình. Những thứ đó chỉ có thể tìm được tại ngôi nhà trúc xinh xắn nhưng ấm áp tình thương này. Hạnh phúc đó đối với chàng lúc này lớn lao biết bao. Lớn đến độ chàng cảm giác nó thật gần trong tầm tay, nhưng lại lo sợ không dám với tới, bởi vì chàng cho rằng mình không đủ diễm phúc để được hưởng, từ đó mà ngại ngần. Người ta như tiên nữ, mình chỉ lả kẻ phàm phu, mở lời sao đây!

Nhưng thời gian đã giúp cả hai. Cho đến khi họ cảm được và chấp nhận tình yêu của đối phương dành cho mình thì cũng là lúc Vũ Đức bắt đầu lâm trọng bệnh. Con tạo thật trớ trêu nên khiến xui cho cả ba người suốt một thời gian dài không một ai nhắc đến chuyện qúa khứ của mình. Họ một lòng nghĩ đến tương lai, cũng chỉ vì qúa khứ của cả ba đều là một chuỗi dài bất hạnh. Phải chi!!..Nếu!!..Một trong ba người chịu nói!!… Oái oăm thay không ai trong ba người họ chịu nói ra. Thế gian này là vậy, bởi con tạo thật oái oăm. Sự oái oăm đó đã kết thành một mối tình oan nghiệt, đong thêm vào bể trầm luân của cõi hồng trần những suối lệ oan khiên, một thiên tình sử vừa bi thương vừa diễm tuyệt.

Một hôm chỉ có một mình Trần Lâm bên giường bệnh, Vũ Đức hỏi:

Ngoại nay đã tuổi đã cao, sắp đến lúc phải ra đi. Đời ngoại chỉ có mình Đoan Trang là thân thích nên muốn ký thác lại nhờ cháu chăm sóc. Ý cháu thế nào?

Trần Lâm vội nói:

Ngoại còn khỏe, sao lại nói chi những lời trăn trối ấy.

Ngoại biết rõ sức khỏe của mình. Cháu trả lời đi.

Dạ. Ngoại không cần nói lời ký thác, đó là bổn phận của cháu phải làm mà.

Ngoại không muốn nói đến chuyện bổn phận, ngoại muốn nói đến chuyện tình cảm của hai đứa.

Ý ngoại thế nào, con xin vâng theo.

Ngoại muốn trước khi nhắm mắt được chứng kiến hỷ sự của hai con.

Con xin vâng lời ngoại, chỉ sợ Đoan Trang..

Ngoại đã hỏi ý nó rồi. Tụi con chuẩn bị đi, năm hôm nữa đến rằm tháng tám, chúng ta cử hành hôn lễ.

Chỉ có ba người nhà mình thôi hã ngoại?

Chỉ có vậy. Bên ngoài họ còn treo giải thưởng ngàn vàng cho chiếc đầu của con, không nên lộ diện.

Đêm rằm tháng tám năm đó, một đám cưới nhỏ chỉ có ba người đã diễn ra. Vũ Đức làm chủ hôn thay mặt cho cả hai họ đàng trai và gái. Ông hết sức vui mừng cho sự kết hợp toàn mỹ của đôi trai tài gái sắc này. Cũng có lẽ vì sự vui mừng qúa lớn đó, không lâu sau khi làm đám cưới, bệnh ông đã trở nặng hơn và qua đời. Đoan Trang than khóc khôn cùng, Trần Lâm phải an ủi mãi nàng mới nguôi ngoai. Thời gian thấm thoát, sự đau xót qua đi, niềm hạnh phúc lứa đôi kéo về tràn ngập. Từ đó họ sống êm ấm và thầm lặng bên nhau dưới mái gian nhà trúc đầy thơ mộng, tách rời hẳn thế giới loạn lạc, đầy đau khổ bên ngoài. Khung cảnh và cuộc sống thần tiên đó còn được tô điểm thêm bởi tiếng hồng chung Ông Núi và tiếng sáo mỗi chiều về vang vọng khắp không gian. Chẳng thế mà dân chúng quanh vùng Cửa Thử vẫn truyền tụng hai câu ca dao:

Chiều chiều vượn hú trên ngàn

Hồng chung Ông Núi, sáo làng Phương Phi.

***

Sau khi giúp H’Linh dựng xong gian nhà ở suối Tử Tuyền, Nguyễn Huệ và Tín Nhi từ giã nàng ra đi. Đến đường thượng đạo dọc theo bờ lũy, Nguyễn Huệ hỏi:

Ngươi đi đâu?

Tín Nhi đáp:

Xuân thu nhị kỳ ta đều ghé về Truông Mây nhan khói. Ta trở lại đó. Ngươi đi cùng ta không?

Đi. Ta cũng muốn ghé thăm và lạy trước nấm mồ của những trang nghĩa sĩ một lần.

Tín Nhi bèn dẫn Nguyễn Huệ đi theo con đường tắt mà chàng thường dùng lúc xưa mỗi bận lên Đác Vách. Sau hơn một năm, căn cứ địa của cuộc kháng chiến đã trở thành một khu rừng hoang dại, thành quách tan hoang, cỏ dại phong rêu, không một bước chân người. Dân địa phương dù thương tiếc những chàng nghĩa sĩ đã hy sinh cho họ, nhưng ít có ai dám ghé lên thăm vì họ đồn rằng, đêm đêm, nơi thành cũ có nhiều tiếng than khóc của những oan hồn. Tín Nhi thắp nén nhan, rưới rượu xuống đất rồi cả hai chàng thanh niên qùy lạy trước nấm mộ khổng lồ trước kia dân địa phương đã chôn chung mấy ngàn xác chết. Ngồi trước mộ, Tín Nhi cầm bình rượu tu một hơi rồi đưa sang cho Nguyễn Huệ, giọng ngậm ngùi:

Người dân quanh vùng nói, đêm đêm ở đây văng vẳng tiếng khóc than của những oan hồn chưa tiêu tán. Có lẽ anh em muốn nhắc ta phải tìm cho được tên phản bội đem về tế họ, họ mới siêu thoát được.

Huệ tu một hơi rượu, trao bình lại cho Tín Nhi:

Ngươi một mình lặn lội, trời cao đất rộng biết ngày nào mới tìm thấy hắn. Sao không nhờ bang Hành Khất giúp một tay.

Có chứ. Hôm đám tang lão bang chủ Trần Kim Bằng ta có nhờ anh Tiểu Phi.

Phong Điền Tiểu Tử Tiểu Phi nay đã là bang chủ bang Hành Khất rồi phải không? Anh ta hiện ở đâu?

Ừ. Ta vừa gặp anh ấy tại cửa Hàn, chắc còn ở đó.

Ta sẽ ghé ra tìm gặp anh ấy một phen. Anh Nguyễn Văn Tuyết, sư đệ của Tiểu Phi đang ở trên Tây Sơn thượng.

Ta có nghe đồn anh Nguyễn Nhạc kết giao anh hào, chiêu tập, bảo bọc cho những người cùng khổ, anh em các ngươi đang dự tính điều gì?

Đất nước tang hoang, bà con đói khổ. Anh Cả muốn dựng lại một Truông Mây thứ hai ở Tây Sơn, ngươi giúp ta một tay chứ?

Đợi ta moi xong trái tim tên phản bội đã, ta sẽ đến tìm ngươi.

Lúc trước ngươi ở trong đội thám báo của Truông Mây, anh em trong đội có còn ai không?

Còn nhiều. Vì đa số thám báo đều nằm trong lòng đất địch nên thoát được thảm hoạ ở Truông Mây. Ngươi muối ta kêu gọi họ trở lại phải không?

Nếu ngươi chịu giúp ta việc này thì còn gì qúi hơn nữa. Họ tản mác cả, làm sao quy tụ họ về?

Bọn ta có ám hiệu riêng. Thật ra bấy lâu nay ta vẫn liên lạc với họ để truy tìm tung tích tên phản bội.

Ngươi có nghĩ rằng tên Chú Nhẫn kia thay vì nhận một chức Tri huyện, hắn đã xin một chức vụ khác để đánh lạc hướng tìm kiếm của nghĩa sĩ Truông Mây không?

Tín Nhi bật người dậy nói lớn:

Đúng rồi. Sao ta không nghĩ ra điều này nhỉ? Cái vụ chỉ thị bổ nhiệm chức Tri huyện đã bị nói lộ ra, một tên cáo già như hắn sao lại không biết. Ta thực ngu ngốc, cứ bỏ công lục tìm các tên tri huyện khắp nơi mà không chú ý đến những ngõ ngách khác.

Huệ mỉm cười:

Ngươi đừng tự trách. Người ngoài cuộc bao giờ cũng sáng hơn. Ta hy vọng cả toán thám báo và anh em hành khất sẽ sớm tìm ra hắn.

Nhất định phải tìm cho ra.

Huệ nheo mắt nhìn Tín Nhi:

Nếu ngươi là Chú Nhẫn, ngươi sẽ tìm đến nơi nào để an thân? Tránh được tai mắt của bọn hành khất?

Ta phải tìm nơi nào ít có ăn mày. Miền Nam! Đúng rồi! Miền Nam mênh mông, trù phú, lực lượng bang Hành Khất trong đó rất mỏng. Nếu là ta, ta sẽ trốn trong đó.

Chưa hết. Tìm một người đàn ông cố dấu mặt sẽ khó hơn tìm một người đàn bà đẹp, lại có uy quyền. Nghe nói thiếu phụ Quỳnh Dao xuất thân là một ca kỷ rất xinh đẹp, nay trở thành một mệnh phụ tất sẽ cố ý khoe khoang với mọi người. Ngươi nói cái đạo lý này có đúng không?

Tín Nhi vỗ tay đánh “bốp” một tiếng reo lên:

Ngươi qủa nhiên là tay cơ trí. Ta chịu ngươi rồi đó.

Huệ mỉm cười:

Chúc ngươi thành công.

Ta phải cảm ơn ngươi trước.

Khỏi. Còn vài việc ta muốn hỏi thăm ngươi.

Hỏi đi.

Ta chưa có dịp ra miệt ngoài kia. Tình hình ngoài đó và phủ Chúa giờ ra sao?

Tín Nhi trút những giọt rượu cuối cùng trong hũ vào miệng mình rồi ném cái hũ ra xa:

Phủ Chúa giờ như cái hũ rượu trống không kia. Mọi thứ đều chui vào túi tên chó Quốc phó và bọn phe cánh của hắn. Sau chiến thắng Truông Mây, bọn chúng huyênh hoang nức dạ, chẳng còn coi Định Vương ra gì, mặc tình mua quan bán chức. Ngươi có bao giờ nghe trong lịch sử nước mình, một xã mà có hơn mười tên Xã trưởng, mười mấy ông Tướng thần đi bóp cổ dân đen thu thuế không?

Hừ! Quân đội thì sao?

Những lực lượng chủ chốt của phủ Chúa, nhất là phủ Quy Nhơn hầu hết đã bị tiêu diệt trong cuộc chiến với Truông Mây. Đám lính mới bây giờ được bổ sung đa số là thanh niên con nhà cùng đinh khố rách, hoặc lính già, lính kiểng. Đám lính đó cộng với đám quan dốt và chết nhát, hám lợi bây giờ, chỉ cần mình la ó rùm beng lên là đủ rượt chúng chạy cong đuôi rồi, khỏi cần đánh đấm mẹ gì cả.

Bây giờ nhìn lại cuộc chiến đã qua, ngươi có những kinh nghiệm gì?

Tín Nhi ngậm ngùi thở dài:

Ta là người gần gũi với Lâm ca, lúc ấy vì sợ anh em nản lòng nên Lâm ca không dám nói ra, nhưng có lần anh ấy than thở với ta rằng Truông Mây không được thiên thời. Bao nhiêu lần, cơ thắng lợi trong tầm tay thì trời lại phá hỏng. Chủ trương của Đại ca Lía lại qúa nhân từ, dang tay qúa rộng để cưu mang đồng bào nghèo khó. Nhưng điều quan trọng nhất là binh lực của phủ Chúa hùng hậu hơn sự đánh giá của Truông Mây. Thêm vào đó sự cố đốt phủ Quy Nhơn gây nên chiến sanh sớm hơn dự tính, do đó Truông Mây chưa đủ thực lực.

Theo ngươi tình hình bây giờ thế nào?

Trái cây đã chín muồi, ngươi không ăn, kẻ khác sẽ dành mất.

Nghe nói Vô ảnh phi đao của Triệu Thiên Tường là tuyệt đỉnh võ học của dòng dõi danh thần Lê Sát, ở Truông Mây có ai học được không hay đã thất truyền?

Tín Nhi buồn bã đáp:

Ta. Tường ca thấy ta có hai bàn tay khéo, bàn tay móc túi mà, nên đã truyền lại bí quyết phi đao cho ta. Trước khi lên đường đi Đá Vách xin viện lương, Lâm ca lại dạy cho ta một bài “Cái thế thần côn” và tặng ta cây roi thật qúi. Ta may mắn nhận được bao điều tốt lành của anh em ban cho, vậy mà chỉ một tên phản bội cũng không tìm ra được để an ủi linh hồn của họ. Thật vô dụng.

Huệ vỗ vai bạn an ủi:

Ngươi đừng buồn. Ngươi đã cố gắng hết sức mình. Mà ta tin ngươi sẽ tìm ra tên phản bội đó một ngày gần đây.

Sao ngươi lại hỏi về môn Vô ảnh phi đao?

Ta sợ tuyệt học của nước nhà bị thất truyền. Về sau, nếu có điều kiện ta muốn thống nhất nền Việt Võ Đạo thành một mối, có hệ thống đàng hoàng để có thể đối kháng với võ học Trung Hoa.

Mới quen nhưng ta biết ngươi là người có đại chí. Ta sẽ giúp ngươi tất cả những gì ta có thể. Ngươi thiện dụng binh khí gì?

Món nào ta cũng sờ được cả.

Ta đã có cây nhuyễn kiếm, tặng lại ngươi cây roi của Lâm ca. Ngươi quấn ngang lưng, rất tiện dụng.

Bèn rút cây roi quấn quanh người ra đưa cho Nguyễn Huệ. Huệ cầm cây roi mềm mại như nhuyễn tiên, vận công vào, cây roi bỗng cứng lên như sắt nguội. Chàng thích thú nói:

Cây roi thật qúi. Cảm ơn ngươi.

Ta còn một kho binh khí cổ của Sư phụ sưu tầm mấy mươi năm qua, ta sẽ tặng ngươi để sử dụng trong quân sau này. Ngươi có thể dùng nó làm giải thưởng trong các kỳ khảo hạch tướng sĩ.

Huệ mừng rỡ nói:

Thật ư? Ngươi cất ở đâu?

Trong một hang động ở Trưng Sơn, gần nhà của ngươi.

Tín Nhi bèn chỉ đường cho Huệ, xong nói:

Ngươi cứ tự tiện sử dụng. Ở đó có đủ thập bát ban binh khí, món nào cũng gía trị liên thành cả đấy.

Ta có nghe Thầy ta nói về cái thú sưu tầm binh khí cổ của Sư phụ ngươi. Thật là một thú chơi hiếm có trên thế gian. Sao lúc trước Thầy ngươi không đem tặng các tướng lĩnh Truông Mây?

Ta cũng không hiểu. Có lẽ vật qúi phải chờ đúng chủ mới xuất hiện. Bây giờ ngươi theo ta, ta còn một món qùa nữa tặng ngươi.

Cả hai lên lưng ngựa, Tín Nhi đưa Nguyễn Huệ vào sâu trong núi phía sau thành Truông Mây. Đến một vách núi nơi có một tảng đá lớn, cả hai xuống ngựa, Tín Nhi tung người nhảy lên đỉnh tảng đá, Huệ nhảy lên theo. Phía sau tảng đá là một cửa động nhỏ, cả hai nhảy xuống rồi len vào trong. Bên trong là một hang động vô cùng lớn, ánh sáng từ một khoảng trống ở đỉnh bên trái chiếu xuống khiến lòng động sáng rỡ. Nguyễn Huệ giật mình khi nhìn thấy hàng trăm lò rèn lớn, nhỏ đủ cỡ, rất nhiều binh khí chưa rèn xong còn nằm cạnh các lò. Tín Nhi dẫn Nguyễn Huệ vào sâu hơn bên trong, ở đây chứa hàng ngàn binh khí đủ loại, kiếm, đao, thương, câu liêm… Tín Nhi nói:

Đây là nơi rèn vũ khí của Truông Mây, may mắn quân triều đình không phát hiện ra. Giao lại cho ngươi đó.

Nguyễn Huệ cầm thử một vài binh khí lên coi, nước thép rất tốt, kỷ thuật rèn rất tinh xảo. Chàng không dấu được nỗi vui mừng và cảm động, nắm tay bạn nói:

Với ngươi không thể nói tiếng cảm ơn. Được, ta dẫu nát thân cũng không phụ lòng ngươi.

Tín Nhi cười:

Lời nói đó hơn hàng vạn tiếng cảm ơn.

Kho binh khí không bị phát hiện, anh em thợ rèn chắc không hề gì chứ?

Sau khi Truông Mây tan nát họ tản mát khắp nơi, nhưng người lò trưởng Hồ Thiết Thủ thì ta biết hiện ở đâu.

Tốt qúa, ta muốn gặp ông ta.

Ta đưa ngươi đi.

Cả hai trở lại lạy ngôi mộ lần nữa rồi giục ngựa qua đèo Màn Lăng để xuống Phù Ly. Cuối con phố chính gần huyện thành là một lò rèn khá lớn, cả hai dừng ngựa trước cửa, nhảy xuống bước vào. Người đàn ông thân vóc to lớn, lực lưỡng, ở trần trùi trụi đang cắm cúi trui thanh sắt trong lò, nghe có tiếng ngựa dừng trước cửa liền quay lại. Nhận ra người mới đến, ông vội quăng thanh sắt đang đỏ hồng xuống đất chạy ra, hai bàn tay to lớn, xam xám như thép nguội ôm chầm lấy vai Tín Nhi, giọng ồ ồ mừng rỡ:

Tín Nhi. Nửa năm nay cháu đi đâu sao không thấy ghé thăm chú. Khỏe chứ? Mọi việc ra sao? Vào đây, bạn mới à?

Tín Nhi cười đáp nhỏ:

Dạ, nửa năm nay cháu lo đi lùng tên phản bội nên không ghé thăm chú được. Đây là Nguyễn Huệ, bạn của cháu.

Huệ chào:

Cháu xin chào chú Thiết Thủ. Tín Nhi không hết lời khen ngợi chú về cái tài biến sắt vụn thành đao qúi, kiếm báu, nên cháu muốn ghé thăm cho biết mặt cao nhân.

Thiết Thủ cười hề hề, giọng diễu cợt:

Tài nghệ gì đâu, cao nhân con mẹ gì nữa. Tan nát hết rồi. Giờ chỉ cần kiếm đủ hai bửa cơm rau muối và một hũ rượu đế cho qua ngày tháng là vui rồi.

Tín Nhi hỏi:

Mấy anh em khác đâu rồi chú?

Thằng Ba Lực qua mở một lò bên Bồng Sơn, thằng Tư Lửa thì dô mở một lò ở phủ thành gần chợ rượu Phú Đa. Nó là thằng hám rượu mà, nó nói mở gần chợ rượu, ngắm mấy cô hàng rượu, hít mùi rượu cho đỡ thèm…hề..hề.. Còn thằng Năm Sức thì ở đây phụ tao, nó vừa đi đâu đó không biết.

Lúc nãy ngang qua tiệm rượu đầu phố cháu có mua một vò lớn Bàu Đá hạng nhất và ba con gà nướng. Chú cháu mình làm một bữa cho ấm cái ngày chớm đông nghen chú.

Thiết Thủ cười hề hề nói:

Thằng nhỏ mày lúc nào cũng biết tâm ý người khác.. hề..hề.. Bây giờ mà trời có sập tao cũng xin ổng ráng chờ tao uống hết hũ Bàu Đá và xực hết mấy con gà nướng đã rồi sập sau..hề..hề..

Rồi đi nhanh vào trong mang chén bát ly muổng ra chiếc bàn gỗ để ở chái nhà bên phải. Tín Nhi rót rượu ra ba cái chén mời:

Mời chú. Chẳng biết uống mừng cho cái gì đây. Cho sức khỏe của chú vậy..hì..hì..

Tao thì lúc nào cũng khỏe như voi đâu cần uống mừng. Mừng gặp người bạn trẻ này đi.

Huệ nói:

Cảm ơn chú. Mừng được biết chú.

Rượu hết vài tuần, Thiết Thủ hỏi:

Không có tin tức gì của Đại ca và Quân sư sao? Cả tên phản bội nữa?

Tín Nhi buồn bã đáp:

Không. Không một ai biết cả. Thật lạ kỳ.

Thiết Thủ thở dài, hậm hực:

Trời cao không có mắt. Người tốt, kẻ có lương tâm thì chết oan chết uổng, chết tức chết tối, còn những thằng khốn nạn, vô lương lại sống phè phè trên nhung lụa, trên sự đau khổ của đồng bào. Thật giận đến bể hông, trào máu. Lão tặc thiên mù mẹ nó hai con mắt rồi. Cả cái luật nhân qủa của ông Phật nữa, sai be sai bét, sai tới phát ghét.

Tín Nhi nói giọng tự tin:

Chú yên tâm. Cháu thề sẽ mang trái tim tên phản bội về đây để cùng chú và anh em đem tế trước mồ Truông Mây. À! Chú nhắc đến luật nhân qủa cháu mới nhớ.

Nhớ gì?

Lúc trước cháu cũng nghĩ như Chú vậy, nhưng hôm kia tình cờ gặp một vị Sư ông trong một động đá ở Quảng Ngãi, cháu hỏi vì sao người tốt như Lâm ca và Lía đại ca lại gặp kết qủa bi thảm như thế, ngài giảng giải sự huyền vi trong luật nhân qủa ở đời, cháu mới hiểu ra.

Huệ hỏi:

Huyền vi thế nào?

Tín Nhi đáp:

Sư ông nói, tao ngộ hôm nay của con người phần lớn do nghiệp dĩ người đó mang theo từ kiếp trước. Những đau khổ và bất hạnh đời này đều là kết qủa của ác nghiệp từ kiếp trước họ đã tạo ra, nay phải trả.

Thiết Thủ uống hết bát rượu đặt mạnh xuống bàn nói:

– Sai bét, sai bét. Người tốt như Đại ca và Quân sư thì kiếp trước không thể nào là người xấu được. Ông sư đó ở đâu, tao sẽ tới đó nói cho ổng nghe. Sai bét.

Tín Nhi mỉm cười nói:

Trong một hang núi ở Mộ Hoa, Quảng Ngãi. Chú chưa tin thì đến đó gặp Sư. Một người tu hành, đạo hạnh như Sư ông mà còn gặp đại họa thì Lía đại ca và Lâm ca đã là gì.

Huệ hỏi:

Sư ông đó gặp đại họa gì?

Sư chính là Sư tổ của Lía đại ca. Hôm trước ngày cả nhà Lía đại ca bị thảm sát, Sư đã bị bọn Trương Phúc Loan hạ độc thủ, may nhờ nội công cao cường nên đã vận công ép độc xuống chân, tuy thoát chết nhưng cả nửa thân dưới đã bị hư thúi, không di chuyển được. Vì thế Sư chỉ ăn rau cỏ quanh động để sống.

Thật ư? Thiết Thủ trợn mắt hỏi. Sống như thế sao bằng chết?

Sư nói tai họa đời này là món nợ mà Sư đã vay lúc trẻ nên phải sống đọa đày như thế để trả cho hết, hầu giảm bớt nghiệp chướng cho kiếp sau.

Huệ hỏi:

Lúc trẻ ông ấy vay nợ gì?

Nợ tình. Thời trẻ, Sư nổi danh là Ngũ Tuyệt Thư Sinh, cầm kỳ thi họa kiếm tuyệt. Vì một chút bất cẩn ông đã khiến vợ con bỏ đi, suốt đời không tìm lại được. Lúc đó ta mới biết con ông ấy chính là Ngọc Lan Hương, mẹ của chị Cao Tiểu Hồng và Chú Lê Trung.

Thiết Thủ hỏi:

Như vậy theo cháu thì Đại ca và Quân sư kiếp trước là người xấu à?

Cháu không biết. Theo Sư ông giảng dạy thì người tốt gặp tai họa trong kiếp này cũng có thể là để tạo thiện nghiệp cho kiếp sau. Những người như Đại ca và Lâm ca kiếp sau sẽ gặp thiện duyên, cuộc sống an lành.

Huệ hỏi, giọng có chút châm biếm:

Sư ông có khuyên ngươi đừng trả thù cho Trưông Mây không?

Tín Nhi mỉm cười đáp:

Ta có hỏi Sư ông điều này, Sư bảo kẻ gieo gió, sẽ gặt bão. Nếu ta không tìm giết hắn, kiếp này hắn cũng sẽ phải trả vì món nợ hắn vay qúa lớn.

Huệ mỉm cười:

Nhưng ngươi muốn chính tay giết hắn hơn là để cho kẻ khác đúng không?

Mắt Tín Nhi long lên ánh căm hờn:

Đúng vậy. Không một ai có thể khuyên can hay ngăn cản ta làm việc này.

Huệ gật đầu:

Ta đọc được sự quyết tâm này khi mới gặp mặt ngươi.

Thiết Thủ uống một hơi cạn một chén rượu, thở dài:

Hà!! Dù gì thì cũng thật đáng thương và thật đáng tiếc!

Tín Nhi hỏi:

Đáng tiếc điều gì chú?

Từ khi thất thủ, rút tỉa kinh nghiệm máu xương đó, chú đã cố nặn óc tìm ra một thứ vũ khí sao cho thuận tiện trên mọi chiến trường, ít có thể thắng nhiều, đánh xa, đánh gần, công thành, phá lũy, trên bộ dưới nước đều được, nhưng nghĩ lại có tìm ra thì giờ cũng vô dụng nên lại bỏ đi. Nghĩ tiếc mãi.

Ánh mắt Nguyễn Huệ chợt ngời lên, chàng nhìn Tín Nhi. Tín Nhi hiểu ý bèn rót một chén rượu đầy đưa cho Thiết Thủ hỏi:

Nếu có chỗ dụng, chú còn đủ nhiệt huyết như ngày xưa để chế tạo binh khí nữa không?

Thiết Thủ uống một hơi cạn chén rượu, khà một tiếng xòe hai bàn tay màu thép xám ra đáp:

Chỗ dụng gì? Ai dụng? Nếu dụng vì chính nghĩa, vì quê hương, vì bá tánh thiên hạ thì dẫu còng lưng ta cũng còn có đủ nhiệt huyết như thường.

Tín Nhi cười hì hì nói:

Vậy thì chú cứ tiếp tục suy nghĩ để sáng chế ra món vũ khí lợi hại đó đi. Không lâu nữa, cháu sẽ đến tìm chú và nói rõ ai dụng và dụng cho cái gì. Chú cứ tin cháu đi.

Cháu thì chú tin chắc rồi, nhưng..

Còn nhưng với nhị gì nữa. Chú hứa với cháu đi. Đây, ly rượu này chúng ta uống cho lời hứa đó nhé.

Nói xong Tín Nhi rót rượu ra ba chén. Thiết Thủ cười hề..hề.. nói:

Được, thằng nhỏ mày tính láu vẫn bám chặt hai cái môi. Chú hứa. Ba tháng sau cháu trở lại đây.

Tín Nhi cười:

Sang xuân cháu sẽ trở lại. À, chú có biết những anh em khác trong tổ nay ở đâu không?

Cháu muốn gọi họ trở lại à?

Dạ. Chú tập hợp họ lại được không?

Được. Khi cháu trở lại sẽ có tin. Tụi cháu định làm gì? Về lại Truông Mây à?

Tín Nhi cười:

Dạ. Nhưng không phải Truông Mây mà là Tây Sơn. An Khê!

Thiết Thủ vỗ đét vào đùi thật mạnh nhưng lại nhỏ tiếng:

Thì ra! Hèn chi lúc này trong dân chúng cứ rì rầm câu sấm: “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công”, và tiếng đồn Tây Sơn tụ nghĩa, kêu gọi anh hào và bà con nghèo khó về trên đó nương thân. Cháu Huệ đây là..

Huệ vội đáp:

Cháu ở trên đó. Mời chú ghé lên chơi một chuyến cho biết rừng núi Tây nguyên.

Được. Khi nào Tín Nhi trở lại, chú sẽ lên thăm. Để chú tặng hai đứa cái này. Đáng giá liên thành đó.

Liền đứng dậy vào trong lấy ra hai thanh trủy thủ, bao bằng da trâu, đưa cho hai người, giọng trịnh trọng:

Năm ngoái có một sú sét rất lớn đánh xuống vùng núi Lạc Phụng, tao thấy lạ tìm tới nơi xem, lấy được một thỏi sắt đen. Tao mừng qúa liền mang về nhà bỏ ra ba tháng trời rèn, luyện, còn phải dùng máu của thằng Năm Sức tưới vào mới ra được hai thanh trủy thủ này. Hai đứa thử xem.

Hai chàng rút thanh trủy thủ ra, nước thép đen ngòm, bóng lẫy. Tín Nhi cầm con dao cắt thịt gà trên bàn, dùng thanh trủy thủ chém nhẹ một phát, con dao đứt tiện như cộng rau muống. Cả hai trợn mắt reo lên:

Bén thật. Kiếm báu. Chú đúng là cao nhân trong nghề rèn kiếm thời nay rồi.

Thiết Thủ cười hề hề:

Cao nhân con mẹ gì. Đừng có nịnh tao. Hai đứa dắt vào ống giày phòng khi hữu sự.

Nguyễn Huệ nói:

Ngày xưa danh tướng Cao Lỗ đã rèn ra thanh Ô Long đao và Thanh Long kiếm, nay chú Hồ Thiết Thủ rèn hai thanh đoản kiếm, chú đặt cho chúng một cái tên cho oai chứ chú.

Thiết Thủ nói:

Tao chỉ biết thổi lò đập búa chứ chữ nghĩa gì mà đặt tên, cháu coi bộ thông tuệ, muốn đặt gì thì cứ đặt đại đi.

Vậy cháu gọi chúng là Thiết Phụng Hoàng song kiếm nghe chú.

Thiết Thủ vỗ hai bàn tay thép vào nhau đánh bốp một tiếng cười ha hả nói:

Hay! Bây giờ hai đứa, mỗi đứa là một con Phụng Hoàng, ráng bay cao lên nhé.

Ba người uống sạch vò rượu mới chia tay. Ra đến quan lộ, Nguyễn Huệ nhìn Tín Nhi, giọng trịnh trọng:

Mình chia tay. Mong ngươi sớm trả được thù cho anh em Truông Mây. Tây Sơn mở cửa chờ ngươi và những anh em thám báo của ngươi. Ta chờ ngươi.

Tín Nhi đánh tay với Nguyễn Huệ giọng trịnh trọng không kém:

Ta nhất định sẽ lên Tây Sơn tìm ngươi.

*

Chia tay nhau, Tín Nhi với con Huyết Câu dong rủi vào Nam, Nguyễn Huệ cùng con Ô Truy lên đường ra Quảng Nam, xuống cửa Hàn tìm Tiểu Phi. Phân đà này của bang Hành Khất chính là trại mồ côi của Đinh Hồng Liệt năm xưa giao lại. Sau hai mươi năm, khu trại nay đã trở thành một làng nhỏ với gần năm trăm nóc nhà tranh, nơi dung nạp những người ăn mày lang bạt. Huệ tìm đến gian nhà chính là nơi bang Hành Khất dùng làm trụ sở phân đà. Tiểu Phi nghe anh em báo có người tìm vội ra đón, gặp lại Nguyễn Huệ, chàng mừng rỡ:

A, chú Huệ. Ngọn gió lành nào thổi chú ra đây tìm tôi vậy? Xem nào, mới đây mà đã trở thành một chàng thanh niên đường đường lẫm liệt thế này rồi.

Huệ cười nói:

Chào anh Tiểu Phi. Tưởng anh trở thành bang chủ đã quên thằng nhỏ này rồi chứ?

Tiểu Phi ôm vai Huệ nói:

Chú tưởng tôi là loại người như vậy sao? Ra đây có việc gì không?

Em chỉ nói đùa cho vui thôi. Ra thăm anh. Cũng có chút chuyện muốn bàn. Sao hôm đám tang ông Nội anh không vào?

Việc này làm tôi bức rức mãi, nhưng lúc đó Sư phụ anh đang bệnh rất nặng. Giờ thì cả hai đã về cõi Phật cả rồi. Văn Tuyết đang ở chỗ chú hã?

Dạ. Từ sau khi ảnh về dự đám tang ông Nội. Giờ ảnh đang lo cai quản bọn bạt mạng trên Tây Sơn thượng.

Vậy là đúng nghề của hắn rồi. Còn cô bé vui tính Thi Lan?

Cô ấy qua Xuân Huề theo chị Bùi Thị Xuân học làm Bà Trưng, Bà Triệu rồi.

Tiểu Phi cười:

Chú mày lúc nào cũng có cách chọc cười thiên hạ. Anh Nhạc và chú Lữ khỏe chứ? Vào đây, anh em ta nói chuyện.

Huệ theo Tiểu Phi vào bên trong. Gian nhà bày biện rất đơn sơ. Tiểu Phi hỏi:

– Chú có việc gì muốn bàn?

Huệ nói:

Trước hết em muốn hỏi anh, chí hướng của anh lúc trước giống với ông Nội và Thầy em hơn là Sư bá phải không?

Đúng vậy. Gì nữa?

Nay anh là bang chủ, anh sẽ đưa hoạt động của bang theo hướng cũ của Sư bá hay theo chí hướng của riêng anh?

Tiểu Phi nhìn Huệ mỉm cười:

Chú muốn bang Hành Khất về giúp cho Tây Sơn phải không?

Dạ. Anh nghĩ sao?

Tiểu Phi trầm ngâm:

Sư phụ cho đến lúc nhắm mắt vẫn căn dặn tôi cố giúp cho phủ Chúa quang phục lại thời hưng thịnh cũ. Chí hướng của tôi có khác Sư phụ, nhưng phận làm đệ tử nhận lấy lời ủy thác của thầy khiến tôi khó xử vô cùng. Chú vẫn là người lanh trí nhất, chú nghĩ tôi nên làm thế nào cho phải?

Em thông cảm với sự khó xử của anh. Nếu anh muốn vẹn cả hai đàng, chúng ta có thể chọn cách trung hòa.

Trung hòa là thế nào?

Là bang Hành Khất không giúp Tây Sơn bằng nhân lực, nhân mạng, chỉ kín đáo giúp bằng trí lực mà thôi.

Có nghĩa là chúng tôi sẽ làm tai mắt cho chú?

Huệ cười:

Làm tai mắt cho Tây Sơn chứ không phải em.

Tiểu Phi cũng phì cười:

Ừ, thì cho Tây Sơn, đúng không?

Đúng vậy. Với nhiệm vụ đó, bang Hành Khất cũng đã đóng góp một phần to lớn trong cuộc đấu tranh cứu đồng bào thoát khỏi cảnh đói khổ này rồi.

Được. Tôi và anh em rất sẵn sàng. Để tôi chỉ chú cách huấn luyện phi vũ truyền thư. Chúng ta liên lạc nhau bằng cách ấy, rất nhanh và rất tiện.

Huệ mừng rỡ nói:

Tốt không còn gì bằng. Em nhất định sẽ học cho được. Anh có tổ truyền tin này chứ?

Có chứ. Khá đông.

Anh gởi lên Tây Sơn cho em một số anh em được không?

Cần gì. Để tôi bảo Tín Nhi lo cho vụ này. Bọn thám báo của nó, ai cũng rành về chuyện này. Chú biết Tín Nhi chứ?

Dạ bọn em mới chia tay nhau. Hắn đang lo lùng sục cho ra tên Chú Nhẫn nên chưa giúp em được lúc này.

Hắn là một con người rất mực chí tình. Vậy để tôi đưa một số anh em trong ban truyền tin lên Tây Sơn trước cũng được.

Anh cứ bảo họ lên Tây Sơn thượng gặp anh Tuyết. Việc tổ chức huấn luyện để anh ấy lo.

Còn gì nữa không?

Còn một việc nữa. Nhờ anh cho anh em trong bang bí mật rao truyền rộng rãi câu sấm ngôn “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” trong dân gian, và hô hào bà con lên Tây Sơn tụ nghĩa.

Được. Còn gì nữa không? Anh em lâu ngày gặp nhau cũng phải uống vài bầu cho đáng mặt nam nhi chi chí chứ?

Huệ nắm hai tay lại cười nói:

Tiểu đệ sẵn sàng bồi tiếp đại huynh.

Cả hai cười xòa bày cuộc rượu.

*

Rời phân đà Cửa Hàn, Nguyễn Huệ lại giục ngựa đăng trình trở vào Quy Nhơn. Trời đã sang đông, mưa lất phất bay, gió bấc se sắt lạnh. Hình ảnh những xóm thôn xơ xác, những thân người ăn mày còm cõi, co ro trên những hè phố, những xác người chết đói rải rác dọc hai bên quan lộ trông thê thiết làm sao! Tâm tình chàng trai trẻ chợt chùng xuống bỡi một khối ưu sầu và rồi bầu nhiệt huyết như được đun sôi lên. Chàng quất mạnh cây roi trong gió, con Ô Truy cất cao bốn vó phóng như bay dưới cơn mưa, ngốn mấy trăm dặm đường dài.

Kỳ Sơn là dãy núi có hai ngọn thuộc xã Phước Sơn, huyện Tuy Viễn, nằm phía đông thành Đồ Bàn như một lá chắn thiên nhiên bảo vệ mặt đông thành. Núi tuy không cao nhưng địa thế hiểm trở rất tiện lợi cho việc dụng binh. Từ thời Chiêm Thành đến các đời Chúa Nguyễn đều có đặt trọng binh nơi đây tiếp trợ cho cửa biển Quy Nhơn.

Ngọn phía nam dãy núi là Kỳ Sơn, ngọn phía bắc đến đèo Cao gọi là Phụng Sơn. Bao bọc chung quanh núi là những cánh đồng lúa bạt ngàn, dân cư trù phú. Nguyễn Huệ tìm đến sơn trang của Kỳ Sơn Tiều Hiệp Võ Thăng vào một buổi chiều trọng đông, lạnh buốt. Vừa dừng ngựa trước cổng sơn trang chàng đã nghe có tiếng cười nói từ một gian nhà trúc mé đông vọng lại, sau đó có tiếng người ngâm thơ:

Đông ba diễm diễm thu phong vãng

Đảo ảnh tây tà cô nguyệt quang

Hào khí vô thời quân tử hận

Lâm tuyền bán túy độc ca xang

Và những tiếng vỗ tay vang lên hòa với tiếng cười. Nguyễn Huệ nghe ý thơ biết ngay người ngâm là tay hào kiệt đang ẩn nhẫn chờ thời thì trong bụng mừng thầm. Chàng ngồi trên ngựa lớn tiếng ngâm:

…Lỗ Thánh khấp lân tri mệnh hỷ

Sở Cuồng ca phượng thức thần hô

Tuy nhiên dụng xả phi do ngã

Tự thị hành tàng khước tại ngô[1].

Dịch:

…Khổng Tử khóc con lân vì đã biết mệnh trời

Sở Cuồng hát về chim phượng là thức thời chăng

Tuy nhiên việc dùng hay không đâu phải do ta

Từ đây ra giúp đời hay ở ẩn mới thật tại ta.

Tiếng ngâm vừa dứt đã có tiếng người từ trong gian nhà trúc vang lên:

Giữa lúc lạnh giá thế này không ngờ nơi núi rừng hẻo lánh lại có bậc kỳ sĩ giá lâm. Thật hân hạnh lắm thay.

Rồi một người đàn ông tuổi dưới ba mươi từ trong nhà bước ra. Huệ nhận ra chính là Kỳ Sơn Tiều Hiệp Võ Thăng, chàng vội nhảy xuống đất chắp tay xá chào:

Đường đột xông vào làm mất nhã hứng của những bậc tao khách thật có lỗi vô cùng.

Võ Thăng trong dạ đinh ninh người ghé thăm sẽ là một văn nhân tao khách không ngờ lại là một chàng hiệp sĩ rất trẻ, áo bạc phong trần nên thoáng giật mình:

Không sao, không sao. Qúi khách quang lâm là một điều vinh hạnh cho tệ xá. Xin mời vào trong uống một chung rượu cho ấm dạ trước đã.

Nguyễn Huệ ôm quyền nói:

Đã vậy tiểu đệ mạn phép quấy rầy.

Võ Thăng đưa chàng vào bên trong, bốn người đàn ông đang có mặt nơi bàn rượu vội đứng lên chào. Cả bốn người tuổi trạc trên dưới ba mươi, người trẻ nhất chính là Phan Sinh, người đi cùng với Trần Lâm ở anh hùng đại hội dạo nọ. Huệ lên tiếng trước:

Tiểu đệ Nguyễn Huệ ở Tây Sơn tình cờ ngang qua đây nghe tiếng ngâm thơ biết chư huynh trưởng là bậc hào kiệt chưa gặp thời nên đường đột ghé vào mong được diện kiến. Xin thứ cho.

Võ Thăng rót rượu ra các chung mời mọi người:

Xin mời tất cả một chung sơ ngộ. Tiểu hiệp sĩ tuổi còn trẻ mà khí thế bất phàm, Võ Thăng tôi rất lấy làm hân hạnh được kết giao, sao dám nói lời trách cứ. Để tôi giới thiệu, vị này là Diệu thủ Phan Sinh ở Phương Phi, người đã cao ngâm bài thơ lúc nãy, còn ba người này là anh họ của tôi, Võ Thục, Võ Chất ở Nhạn Tháp và Võ Triệu ở Phước Hòa.

Nguyễn Huệ chắp tay xá dài:

Rất hân hạnh được biết Võ gia tứ huynh đệ. Phan huynh thì tiểu đệ đã gặp qua ở đảo Phương Mai trong kỳ anh hùng đại hội.

Phan Sinh như sực nhớ ra liền reo lên:

Anh có phải là chàng thiếu niên đi cùng Phong Điền Tiểu Tử Tiểu Phi và Thiết Tý Trần Kim Hùng lão võ sư không?

Huệ mỉm cười đáp:

Lúc đó đệ còn nhỏ xíu mà Phan huynh vẫn còn nhớ, thật là hi hữu.

Võ Thăng hỏi:

Vậy là tiểu huynh đệ có tham dự đại hội anh hùng dạo nọ?

Huệ đáp:

Dạ có. Cho nên đệ hâm mộ phong cách cũng như tài nghệ của Võ huynh, từ lâu vẫn ao ước được quen biết để học hỏi, nay mới mạo muội ghé thăm.

Võ Chất vốn người giỏi văn chương nên hỏi:

Bài thơ huynh đệ vừa ngâm lúc nãy ý tứ thật cao siêu, đúng là tuổi trẻ tài cao.

Nguyễn Huệ vội xua tay:

Ố, không! Không phải! Đó là phần sau bài thơ Tự thuật của Ái Trúc Trai Ngô Thế Lân, bạn của Gia sư. Đệ vì nghe bài thơ lúc nãy hàm chứa một hoài bảo lớn mà chưa gặp thời nên ứng tiếng đọc lên để tán tụng thêm cái thanh cao của những kẻ sĩ sinh bất phùng thời mà thôi.

Võ Thục hỏi:

Chẳng hay thầy của huynh đệ là ai?

Thầy đệ là Giáo Hiến ở An Thái.

Phan Sinh hỏi ngay:

Có phải là Trại Ức Trai Trương Văn Hiến ngày xưa phá tan âm mưu chiếm Cù Lao Phố của Lý Văn Quang không?

Huệ đáp:

Chính là người. Nhưng từ khi vào An Thái mở trường, người không muốn nhắc đến chuyện xưa nữa.

Võ Chất vẻ mặt hớn hở nói:

Thì ra là cao đồ của Giáo Hiến, thảo nào văn võ toàn tài.

Huệ hỏi:

Võ huynh biết Gia sư à?

Võ Chất đáp:

Mấy người bạn tôi là Trương Mỹ Ngọc ở An Nhơn, La Xuân Kiều ở Phù Cát vốn là chỗ bạn thân với Nguyễn Nhạc ở Kiên Thành. Qua Cả Nhạc, và qua tiếng đồn, họ rất hâm mộ thầy Giáo Hiến.

Huệ lộ vẻ vui mừng nói:

Thì ra Võ huynh và qúi hữu là chỗ bạn thân với anh Cả Nhạc. Em xin lỗi đã không nhận ra.

Chàng đổi cách xưng hô khi biết những người này là bạn của anh Cả mình. Phan Sinh hỏi:

Huynh đệ ngâm đoạn thơ lúc nãy là có ý gì?

Huệ đáp:

Không có gì, chỉ vì đệ thích câu cuối của bài thơ, nó chứng tỏ tính tự cường của tác giả.

Phan Sinh mỉm cười:

Có nghĩa là huynh đệ cho chúng tôi là những kẻ hèn nhát thấy việc không dám xông vào chỉ biết ngồi yên than thời, trách thế phải không?

Huệ vội xua tay:

Nhất thiết không dám rồi. Đệ đoan chắc Phan huynh không tham gia Truông Mây lúc trước là có lý do ngoài ý muốn.

Phan Sinh thở dài:

Nói ra thêm hổ thẹn, nhưng tôi ở vào thế nợ nước tình nhà không thể vẹn.

Có thể cho đệ biết được không?

Cha tôi tuy là một nhà cựu Nho nhưng lẽ xuất xử rất rõ ràng, không phải Minh Chúa nhất định không theo về.

Người như thế nào mới là Minh Chúa?

Đất nước lâm nguy, triều chính suy tàn, bá tánh lầm than là lúc anh hùng xuất hiện. Anh hùng thì nhiều nhưng Minh Chúa chỉ có một, bởi vậy khi Minh Chúa ra đời thì điềm trời sẽ báo, kỳ tích sẽ hiện ra. Cha tôi tin như vậy.

Ví dụ?

Lý Công Uẩn lúc mới sinh, có con chó bộ lông bỗng hiện chữ Thiên Tử. Lê Thái Tổ lúc khởi nghĩa thu được thanh Thuận Thiên bảo kiếm truyền quốc, chém rắn ra quân…

Huệ thầm khen cho tính thực tế của anh Cả mình, tuy có hơi trí trá nhưng lại đánh đúng vào tâm lý của quần chúng, ngay cả những người được coi là kẻ sĩ, là hào kiệt như những người này đây. Phan Sinh thấy Huệ ngồi yên nên hỏi:

Theo ý huynh đệ thì sao?

Huệ chậm rải đáp:

Ý kiến của Bá phụ và huynh rất xác thực, nhưng theo đệ, ai có lòng với quốc gia, dân tộc, ai dám đứng lên đạp đổ bạo quyền, đánh đuổi quân xâm lăng, đem lại hạnh phúc cho trăm họ, người ấy đáng để cho chúng ta tôn phò, giúp sức. Nói đúng hơn, Minh Chúa là người, sẽ vì người mà hành động, chứ không phải con trời, chờ trời sai xuống, mang theo điềm lành ứng mạng mới trở thành Minh Chúa để cai trị người. Minh Chúa là con dân chứ không phải Thiên tử, con trời. Cho nên thầy Mạnh tử nói rằng: “Dân vi qúy, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”.

Tiếng nói của chàng nhẹ nhàng thong thả, nhưng lời lẽ hùng hồn, đanh thép, ánh mắt của chàng lại rực lên một tia lửa của nhiệt huyết khiến cho năm người ngồi nghe ai nấy đều thầm khiếp phục trong lòng. Võ Triệu từ trước vẫn ngồi im lặng, bỗng cười ha hả lên tiếng:

Nói rất hay. Huynh đệ là em của Cả Nhạc à?

Dạ. Là em út trong nhà.

Võ Triệu nói:

Trái đất tròn, đất Tuy Viễn lại không lớn, quanh đi quẩn lại cũng là người quen cả. Tôi với Cả Nhạc đã từng uống rượu say đến hết biết trời trăng rồi gác chân lên nhau mà ngủ trên chiếc thuyền chở đầy trầu của anh ấy đấy.

Huệ mừng rỡ nói:

Thì ra là các vị huynh trưởng cả.

Võ Triệu vốn người bộc trực, ông vỗ vai Huệ thân mật:

Tiếng đồn Tây Sơn Tam Kiệt qủa không ngoa. Tôi rất hâm mộ tài năng và đức độ của Cả Nhạc, nay gặp chú út trong nhà tuổi còn trẻ mà uy vũ hơn người, trí huệ thâm viễn, nhiệt huyết đầy lòng. Nghe Cả Nhạc rất đề cao về tài nghệ của chú út, nay gặp mặt tôi mới tin.

Huệ mỉm cười nói:

Anh Cả thương em nên nói qúa vậy thôi.

Võ Thăng hỏi:

Gần đây khắp nơi loan truyền việc Tây Sơn tụ nghĩa, huynh đệ ghé thăm nơi rừng núi này không ngoài mục đích đó phải không?

Nét mặt của Nguyễn Huệ trở nên nghiêm nghị, nhìn Võ Thăng từ tốn đáp:

Các anh đây đã là chỗ bạn thân của anh Cả, em đâu dám lạm bàn về việc đó.

Võ Thăng lại bị ánh mắt của Nguyễn Huệ làm cho rúng động trong lòng, ông nghĩ thầm: “Chàng thanh niên này mục quang trông thật bình ổn, nhu thuận, nhưng thần uy rất mạnh. Thật kỳ lạ!”. Trong thâm tâm ông chợt nảy sinh cảm giác nể vì nên cất giọng thân mật hơn:

Không hề gì, huynh đệ đừng câu nệ. Chúng tôi thật muốn biết về chuyện tụ nghĩa của Tây Sơn.

Võ Triệu nói thêm vào:

Chú đừng ngại. Tôi chỉ là một tên thô lỗ chuyên cung cấp khô biển cho Cả Nhạc, nhưng những việc làm của anh ấy ở Tây Sơn thượng tôi rất ngưỡng mộ và tán thành. Anh em các người định biến Tây Sơn thành một Truông Mây thứ hai phải không?

Huệ trịnh trọng nói:

Các anh tuy không câu nệ nhưng đều là bậc huynh trưởng cả nên em chỉ xin trả lời: Vâng, Tây Sơn sẽ làm lại một Truông Mây. Còn những chi tiết khác em sẽ mời anh Cả gặp các anh bàn thêm. Em quấy qúa đã lâu, xin phép các anh, cáo từ.

Nói xong chàng đứng lên lễ phép cúi chào năm người. Họ nhất loạt đứng dậy đáp lễ như đối với những người ngang hàng hay bậc trưởng thượng. Võ Thăng tiễn Nguyễn Huệ ra đến nơi cột ngựa, ông thân mật hỏi:

Chú có còn liên lạc với Tiểu Phi huynh đệ không? Con người ấy về tài đức tôi đều cảm phục.

Dạ, anh ấy giờ là bang chủ bang Hành Khất. Em vừa từ phân đà Cửa Hàn của anh ấy vào đây.

Thế à? Mà cũng xứng đáng lắm. Thời này thật nhiều người tuổi trẻ tài cao. Bang Hành Khất và Tây Sơn của huynh đệ liên hệ thế nào?

Là tai mắt.

Võ Thăng gật gù rồi chắp tay nói:

Nếu anh em huynh đệ cần đến kẻ sơn dã này xin nhắn cho một tiếng, tôi nhất định góp chút tài hèn.

Huệ ngồi trên lưng ngựa ôm quyền, cúi mình đáp lễ:

Võ huynh phong thái vẫn hào sảng như lúc xưa. Tây Sơn đang tụ nghĩa, ngày khởi nghĩa không xa, cửa Tây Sơn mở rộng và dang cả hai tay đón chờ huynh và qúy hữu bất cứ lúc nào.

*

Rời Kỳ Sơn, Nguyễn Huệ giục ngựa định trở ra quan lộ dẫn từ Nước Mặn lên Đồ Bàn. Khi đến Phụng Sơn bỗng phía trước có một đám quan binh mấy mươi tên đang bao vây đánh một chàng thanh niên mặc quần áo ra dáng nông dân. Chàng thanh niên này thân thể cường tráng, võ nghệ thật cao cường, cây roi gỗ trong tay múa vun vút, đám lính ba bốn mươi tên gươm giáo sáng ngời vẫn bị chàng ta đánh tơi bời, kêu la inh cả cánh đồng vắng. Bọn lính đánh một lúc nữa thì già nửa đã bị trúng đòn, té ngã ngổn ngang trên đường lộ. Tên toán trưởng nhắm bộ không xong bèn la lớn:

Anh em dừng tay. Tên chăn trâu này không chạy thoát đi đâu mà sợ. Ta về kéo thêm lính đến bắt nó sau cũng được.

Bọn lính trong bụng rất sợ bị ăn đòn, nên vừa nghe tên toán trưởng nói vội dừng tay rồi kéo nhau chạy về trại. Tên toán trưởng nhìn chàng thanh niên hăm dọa:

Mày hãy chờ xem. Ông mà không cho mày rục xương trong tù thì ông bỏ luôn cái chức Chánh suất Kỳ Sơn này. Đi!

Hăm xong vội vàng dẫn đám lính chạy tuốt. Chàng thanh niên dộng cây roi gỗ xuống đất, chống nạnh nói lớn:

Ngươi đừng hăm dọa mất công. Nguyễn Văn Lộc này mà sợ bọn lính ác ôn các ngươi thì đã không ra mặt. Giỏi thì cứ tìm ta mà bắt bỏ tù, đừng ỷ thế quan quân hà hiếp dân lành.

Nguyễn Huệ ghìm ngựa ở xa theo dõi cuộc chiến đấu của chàng thanh niên tên Lộc trong lòng không khỏi mừng rỡ và thầm phục đường roi của chàng ta. Đường roi này mường tượng như đường roi của Tiểu Bạch Long năm xưa ở Anh hùng đại hội. Huệ bèn nhảy xuống ngựa tiến đến gần cúi đầu chào:

Gan mật hơn người, tài cao xuất chúng. Tiểu đệ là Nguyễn Huệ xin được làm quen với người anh hùng, không biết có được chăng?

Nguyễn Văn Lộc thấy chàng thanh niên lạ mặt cũng trạc tuổi mình, dáng người thanh tú, lời nói điềm đạm, vẻ mặt thân thiện nên ôm quyền đáp:

Anh nói qúa cho tôi rồi. Tôi chỉ là tên chăn trâu, đốn củi xứ Kỳ Sơn làm sao xứng với hai chữ anh hùng. Anh định ghẹo tôi à?

Không thể coi xuất xứ qúi tiện để luận anh hùng. Đinh Bộ Lĩnh chăn trâu mà lập nên nhà Đinh, Phạm Ngũ Lão đan giỏ tre, Trần Khánh Dư bán than, mà quân Mộng Cổ nghe danh thì mất vía. Những người đó, có ai dám bảo họ không là bậc cái thế anh hùng chăng?

Văn Lộc xua tay nói:

Tôi không rành chữ nghĩa, nói không lại anh đâu. Anh từ đâu ngang qua đây?

Huệ không đáp ngay mà lại đề nghị:

Tôi nhớ phía trước nơi ngả ba đường lớn có quán rượu, chúng ta đến đó uống vài chung ấm bụng nói chuyện được chăng?

Được chớ sao không. Có rượu là được.

Vậy mời anh lên ngựa ta cùng đi.

Anh cưỡi ngựa, tôi chạy bộ theo. Coi bộ con ngựa của anh rất hay, tôi muốn thử xem nó nhanh hay tôi nhanh.

Huệ nghe chuyện lạ rất thích thú nhưng vẫn nói:

Làm như vậy coi sao được.

Có gì mà không được. Anh sợ tôi chạy không lại con ngựa của anh hã? Lên đi.

Nguyễn Huệ đành lên ngựa, chưa kịp thúc ngựa thì Nguyễn Văn Lộc đã vác gậy lên vai, phóng người vun vút chạy đi. Huệ giục ngựa đuổi theo, chàng định cho ngựa chạy cầm chừng, nhưng khoảng cách của Văn Lộc phía trước mỗi lúc một xa dần ra. Huệ tăng vó ngựa, khoảng cách vẫn không thay đổi, chàng thúc ngựa chạy nhanh hơn, con Ô Truy sải bốn vó phóng nước đại mới có thể thu dần khoảng cách đó. Huệ hết sức kinh ngạc trước sức chạy kinh hồn của Nguyễn Văn Lộc, chàng cho ngựa chạy ngay sau lưng của Văn Lộc cho đến khi tới quán rượu, cả người và ngựa cùng dừng chân một lúc trước quán. Nguyễn Huệ nhảy xuống ngựa, thấy Văn Lộc mặt không đổi sắc, chạy đua với ngựa mấy dặm đường dài như kẻ đi dạo chơi, chàng ôm quyền cúi đầu bái:

Anh xứng đáng với hai chữ Thần hành. Từ nay tôi gọi anh là Thần hành Nguyễn Văn Lộc nhé. Vào đây, tôi kính anh chén rượu để tỏ lòng bái phục.

Nguyễn Văn Lộc cười hề hề:

Nhìn anh cũng hay hay. Tôi thích sự thẳn thắn và thành thật của anh. Tốt. Ta uống với nhau một bữa cho thật đã mới được.

Huệ vào quán, chọn một chiếc bàn sát cửa sổ, gọi hai cân thịt bê thui và một vò Bàu Đá loại ngon. Chàng rót ra đầy hai chén, nói:

Kính anh ly này, ta uống cho hai chữ Thần hành.

Văn Lộc bưng chén uống cạn, khà một tiếng khen:

Rượu ngon. Lần đầu mới uống được một chén rượu ngon thế này. Rượu ngon, bạn mới. Không ngờ cuộc đời tên chăn trâu, đốn củi như tôi lại có được giây phút sảng khoái thế này.

Huệ rót rượu vào hai chén nói:

Tôi kính anh một chén nữa cho sự quen biết của chúng ta.

Văn Lộc đỡ chén rượu uống tràn một hơi xong đặt xuống bàn cười hề.. hề:

Anh Huệ người ở đâu?

Tôi ở Tây Sơn.

Phải chi anh ở Kỳ Sơn thì hay biết mấy.

Sao phải ở Kỳ Sơn mới hay?

Ở Kỳ Sơn thì gần tôi, thỉnh thoảng anh mời tôi uống rượu ngon, không hay thì còn cái gì hay hơn nữa ..ha..ha…

Huệ cũng bật cười vì ý nghĩ ngộ nghĩnh của Lộc, bèn nói:

Tôi cũng muốn được uống rượu với anh lắm. Có một cách chúng ta sẽ được ở gần nhau để cùng nhau hàng ngày uống rượu, không biết anh có thích nghe không?

Cách gì anh nói nghe thử?

Trước tiên tôi xin phép hỏi anh, vì sao một người tài ba như anh lại phải chọn cái nghề chăn trâu, đốn củi để mưu sinh?

Ai khùng đi chọn cái nghề vừa hèn mọn vừa kiết xác này. Nhưng tôi vốn con nhà nghèo, Cha bệnh chết, Mẹ già lại đau yếu liên miên, từ nhỏ đã phải chăn trâu cho lão Bá hộ Kỳ Sơn, lớn lên phải đi đốn củi thêm cho lò rượu lão Hai Phái mới đủ tiền thang thuốc cho Mẹ. Cái nghề đốn củi qủi quái lại tập cho tôi cái bệnh thèm rượu, nhưng lão Hai Phái bủn xỉn hết chỗ nói, thỉnh thoảng lão cho một bát rượu hạng bét, dở như nước đái trâu. Cũng may.. hì..hì..

Huệ cười thích thú:

Cũng may cái gì?

Lộc đỏ mặt:

Cũng may cô Út thỉnh thoảng trút lén một vò rượu ngon của lão dấu ngoài bụi chuối sau vườn..

Huệ ngã người ra sau cười lớn:

Ha..ha… Vậy mà anh khen rượu ở đây là ngon à? Mấy vò rượu ở gốc chuối đó là rượu tình, rượu nghĩa, mới đậm đà hương vị chứ. Đúng là anh hùng đoán giữa trần ai mới già..ha..ha….

Lộc mắt cỡ đến mặt đỏ như hơ lửa:

Hê! Anh đừng ghẹo tôi. Tôi ngu qúa tự dưng nói cái bí mật này ra. Cấm anh hớ ra với ai đó nhé, không tôi bằm thây anh ra.

Được, được. Tôi hứa không bao giờ hé môi. Nhưng, như vậy thì anh cần gì tôi mời rượu nữa?

Nét mặt của Lộc bỗng dàu dàu:

Hết rồi. Từ nay sẽ không có chuyện ấy xảy ra nữa.

Sao vậy? Có chuyện bất trắc à?

Thằng con trời của lão Bá hộ Kỳ Sơn mê mệt cô Út, nó đòi cưới nàng. Nàng cự tuyệt, cha nàng thương con gái cũng từ chối chuyện hôn nhân, lão Bá hộ giận, cậy đám lính Kỳ Sơn tới phá lò rượu, lão Hai Phái ức lắm chống lại, bị bọn lính đánh một trận tái tê. Lúc đó tôi mới để lộ thân thế, đập cho bọn lính một trận bò càng, nhưng cuối cùng lão Hai Phái sợ thế nên buộc cô Út phải đồng ý. Cô Út nhất định không nghe, hôm qua cô treo cổ tự vận, cũng may tôi phát hiện kịp nên cứu được, vậy mà đám lính chó hồi nãy còn định tới nhà nàng hoạnh họe nữa đấy. Bọn chó chết!

Đúng là bọn chó chết, đáng ghét thực. Anh đánh lúc nãy hay lắm. Bây giờ thế nào rồi?

Lộc thở dài buồn bã:

Cô Út bảo tôi đem nàng đi trốn. Anh coi, tôi một xu không dính túi, lại mẹ già đau yếu, giờ mang nàng đi, tôi biết về đâu, rồi lấy gì bảo bọc cho Mẹ và nàng.

Huệ an ủi:

Anh đừng buồn. Không gian nan đâu phải anh hùng. Mà anh có quyết tâm như nàng không?

Lộc uống hết chén rượu, dằn mạnh chén lên bàn nói:

Anh còn phải hỏi tôi chuyện quyết tâm à? Con mẹ nó, đám lính hung dữ Kỳ Sơn tôi còn đánh cho tơi bời thì không quyết tâm là gì nữa.

Vậy được. Tôi sẽ giúp anh đưa Bá mẫu và cô Út của anh đến một nơi thật an toàn, tài năng của anh sẽ có đất dụng võ, tôi và anh còn có dịp gần nhau uống rượu thõa thích nữa.

Văn Lộc trợn mắt hỏi:

Thật chứ? Ở đâu có được những điều kiện đó?

Tây Sơn thượng. Đất đai trù phú, mênh mông, không một tên lính chó nào dám bén mảng tới, anh em ở đó đều giống như chúng ta, thương yêu bảo bọc nhau như anh em ruột. Đó là miền đất dụng võ cho những người tài cao như anh. Chúng ta cùng nhau đem tài trai ra cứu bá tánh nghèo đói trong thiên hạ.

Lộc hừng chí nói:

Được như vậy thì còn gì hay bằng. Tôi ngán cái kiếp sống ở đợ cho người qúa rồi. Anh giúp tôi thay đổi cuộc đời, tôi dẫu chết cũng không quên ơn.

Nói xong đứng lên vái Nguyễn Huệ. Huệ vội đứng dậy chụp tay Lộc kéo ngồi xuống:

Hê! Anh làm cái trò gì vậy? Anh muốn báo ơn tôi thì ráng đem tài mình ra giúp cho trăm họ. Mà này, hỏi thật lòng nhé. Anh nói từ bé đã chăn trâu, đốn củi thì cái tài thần hành và ngọn roi tuyệt diệu của anh ở đâu mà có vậy?

Nói ra buồn cười, hồi nhỏ tôi chăn bò, con bò đực của lão Bá hộ hôm đó tự dưng nổi điên dựng đuôi chạy miết, tôi cố sức rượt theo mà không kịp để con bò sổng mất tiêu luôn. Lão bá hộ đánh tôi một trận nên thân, bắt phải ở đợ ba năm không lương, về nhà Cha tôi lúc đó còn sống, đánh thêm một trận nhừ tử nữa. Từ đó tôi quyết tâm tập chạy. Ngọn Kỳ Sơn kia tôi chạy lên chạy xuống thành đường mòn thì anh phải biết.

Huệ vỗ tay nói:

Thật tuyệt. Tôi phục cho ý chí kiên cường của anh. Còn ngọn roi?

Thầy tôi là một nhà sư trong núi Kỳ Sơn, một hôm thấy tôi tập chạy bèn gọi lại hỏi tôi muốn học võ không, tôi mừng qúa lạy ông làm thầy. Từ đó tôi âm thầm tập võ mà cả làng không ai biết. Nay chỉ tại đám lính khốn kiếp kia mà lộ việc.

Nhờ vậy mà tôi với anh gặp nhau, không phải là chuyện vui sao? Bây giờ ta tính chuyện kia đã. Có chỗ nào bán ngựa quanh đây không?

Sơn trại của Tiều Hiệp Võ Thăng ở Kỳ Sơn có nhiều ngựa lắm, toàn ngựa tốt nên nghe nói giá rất đắt.

Không sao. Chúng ta mua một con ngựa hay, tối nay tôi chở Bá mẫu, anh rước cô Út của anh. Chúng ta quất ngựa truy phong thì thằng con trời kia chỉ còn nước tức hộc máu ra mà chết..Ha..ha..

Lộc do dự nói:

Chỉ sợ lão Bá hộ mướn tụi lính phá nát nhà nàng, trả thù cha nàng thì..

Sợ gì. Chúng ta cứ đem Bá mẫu và nàng đi trước. Sau đó tôi và anh trở lại, bọn lính Kỳ Sơn dám phá nhà nàng, ta cho chúng một trận nên thân cho bỏ ghét. Còn không thì.. nhà nàng còn ai nữa không?

Nàng có người anh trai tham gia nghĩa quân Truông Mây bị chết trận hai năm trước. Mẹ nàng thương con trai, lâm bệnh mới chết năm ngoái, giờ chỉ còn cha nàng. Cũng vì anh nàng theo Truông Mây mà gia đình nàng bị quan quân ở đây hoạnh họe đủ điều.

Vậy thì đơn giản lắm. Anh nói nàng năn nỉ Cha bỏ đi luôn, về trên ấy ông ta có thể tiếp tục cái nghề nấu rượu. Không phải chúng ta sẽ có rượu uống dài dài hay sao?

Được. Giờ cũng đã tối. Tôi về hỏi ý tứ nàng xem sao. Anh đi mua ngựa xong đến chờ tôi ở đình làng. Trên đường về tôi chỉ cho.

Hai người bèn quay trở lại Kỳ Sơn. Nguyễn Huệ tìm tới sơn trang của Võ Thăng, được ông ta tặng cho hai con ngựa thật tốt. Huệ bèn theo lời chỉ dẫn của Lộc, đem hai con ngựa đến chờ ở đình làng. Một lát sau đã thấy Lộc lưng cõng Mẹ, vai gánh hai gói hành lý to tướng, cùng hai cha con Hai Phái vai nải kè kè đi tới. Huệ bèn đỡ Hai Phái lên ngựa hỏi:

Bác cỡi ngựa được chứ?

Hai Phái đáp:

Được, cảm ơn cậu.

Huệ nói với cô Út:

Cô đi cùng với Bác trai nhé. Đưa gói đồ tôi giữ, xin phép đỡ cô lên.

Cô Út lí nhí:

Cảm ơn anh.

Huệ đỡ cô Út lên xong qua phụ Lộc cột mấy gói hành lý vào con ngựa rồi phóng lên ngựa của mình, Lộc trùm chăn kín người Mẹ xong bế bà nhún chân nhẹ nhàng phóng lên lưng con ngựa còn lại. Hai Phái nhìn thấy cách lên ngựa của Lộc không khỏi hãi thầm trong bụng, ông gục gật đầu mỉm cười trong bóng tối. Huệ nói:

Chúng ta đi. Cứ theo quan lộ lên thẳng Tây Sơn.

Bèn giục ngựa đi trước, hai con ngựa kia cũng phóng theo sau. Trời cuối đông, gió bấc thổi lạnh như cắt, ba con ngựa trong đêm trăng lờ mờ giữa tháng Chạp vừa qua khỏi Kỳ Sơn đến Phụng Sơn thì có một toán lính đi ngược lại, hai tên thủ lĩnh cỡi ngựa đi trước. Một tên hách dịch quát hỏi:

Bọn kia đang đêm đi đâu đây? Ăn cướp phải không?

Huệ cho ngựa tiến tới trước một chút lên tiếng đáp:

Chúng tôi là dân lành, không phải cướp bóc gì đâu. Xin quan nhân nhường đường cho.

Lúc đó Lộc cũng cho ngựa mình đến cạnh Nguyễn Huệ. Đám lính đốt mấy cây đuốc lên soi, tên đội trưởng vừa thấy Lộc liền lớn tiếng quát:

Thì ra là thằng chăn trâu. Mày cả gan đả thương quan lính rồi đang đêm định bỏ trốn hã? Bắt lấy nó cho ta.

Huệ quay sang nói nhanh với Lộc:

Anh phá vòng vây đưa tất cả đi trước đi, bọn lính chó này để tôi.

Nói xong rút cây roi quanh bụng ra, lớn tiếng:

Đám lính chó tụi bay chuyên hà hiếp dân chúng, hôm nay ta sẽ dạy thêm một bài học nữa cho bỏ cái tật hống hách, quan liêu.

Cả hai liền kèm con ngựa của Hai Phái vào giữa, ba con ngựa cùng nhau lao tới, hai cây roi trong tay tung ra hai đường sấm sét vào hai tên cỡi ngựa. Hai tên này không kịp trở tay, mỗi tên trúng một roi nhào xuống đất giãy tê tê. Bọn lính thấy vậy vội vung đao xông vào chém ba con ngựa, Huệ và Lộc lại vũ lộng cây roi trong tay, hàng loạt những thanh đao bị đánh văng xa, rơi xuống mấy đám ruộng hai bên đường. Huệ nói lớn:

Hai người chạy trước đi. Để tôi đoạn hậu.

Lộc và Hai Phái nghe nói liền giục ngựa phóng đi. Huệ đảo ngựa một vòng, cây roi trong tay quất ra vun vút, bọn lính bị cây roi quất vào chân ngã nhào ra đất miệng la bai bải. Nguyễn Huệ cất tiếng cười ha hả:

Cho các ngươi ăn một trận đòn để nhớ. Sau này đừng ỷ thế hà hiếp dân lành nữa..ha..ha..

Rồi quày ngựa phóng đi, mất hút trong đêm khuya sương lạnh.

*****

 


[1] Đoạn sau bài thơ Tự Hoài của Aí Trúc Trai – Ngô Thế Lân.{jcomments on}

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.