Cái Tôi

Trí tuệ như trăng sáng giữa trời,
Bao trùm thiên hạ, chiếu muôn nơi.
Muốn tìm được nó, đừng phân biệt
Cả rừng phong hoặc lá phong rơi.

(“Cảm hoài 2” – Bảo Giám Thiền sư)

***

Cái Tôi

một hôm lên núi tìm Từ Thức

chỉ thấy mây ngàn lộng gió khơi

quơ tay tách hai bờ hư thực

nhặt nửa trăng gầy, nửa bóng tôi

ta đứng bên nầy là núi rộng

xa phía trời kia biển xanh rờn

một tay ta đỡ ngang trời mộng

hái bóng trăng tàn soi thiệt hơn

nghĩ, dưới trời cao là ta đó

chỉ có ta và một bóng tôi

lợi-danh sương điểm đầu ngọn cỏ (*)

“ta-và-tôi”… thả một dòng trôi…

sực tỉnh, lặng yên nghe hơi thở

vui-buồn một thoáng mây về qua

buông cả cái tôi đeo nằng nặng

dưới trời xanh, đâu cũng quê nhà.

(*) theo: “Thịnh suy như lộ thảo đầu phô” (Thị đệ tử – Vạn Hạnh thiền sư){jcomments on}

0 thoughts on “Cái Tôi

  1. khoa trường

    “Triết” à?
    Ừ thì… “TRIẾT MỞ HÀNG” nè! 😛

    CÁI TÔI là cái gì he?
    Một ngày biến một CÁI TA chết chìm
    Bại – Thành. Được – Mất… Bóng chim
    Bay lên. Rơi xuống. Đi tìm … CÁI KIA (?!) 😆

    Lão “đợ” quơi!
    Huynh đùa chút xí xi cho dzui, đững có buồn nhé! hờ hờ…

    Năm mới con DÊ, huynh chúc lão “đợ” & gia đình một năm dồi dào sức khỏe – may mắn – cầu được, ước thấy – muốn gì, được nấy…!

    Huynh Pha Chường 8)

    Reply
    1. Mộc Miên Thảo

      Kính chào huynh Pha Chưởng của đệ. Có huynh tham gia chỗ nào là chỗ đó dzui lên liền hà, hihihi… Đặc biệt, khi đọc câu cuối trong đoạn huynh viết cho kia: “Bay lên. Rơi xuống. Đi tìm … CÁI KIA(?!)”, vậy mới thấy công cuộc “đi tìm” khổ nhọc biết chứng nào hén. Đã vậy, mà còn đi tìm “cái kia” mà, hổng biết “cái kia” là cái gì gì nữa mới “ác” chứ, hihihi…

      Xin cảm ơn huynh rất nhiều vì lời chúc và cả cảm tác “cái tôi” của huynh. Kính chúc huynh nhiều niềm vui, như ý trong năm mới.

      Kính quý,
      MMT

      Reply
  2. trandzalu

    Em trai đang mở khép “cái tôi” trong tư duy..nên thế để bày ra một dự cảm mới.Chúc vui nhé Mộc MIên Thảo

    Reply
    1. Mộc Miên Thảo

      Xin cảm ơn cảm nhận chân tình của sư huynh và cả lời chúc vui của huynh. MMT mong được đọc nhiều thơ của huynh nữa mà học hỏi thêm ạ.

      Kính huynh an vui, nhiều thi hứng.

      Kính quý,
      MMT

      Reply
  3. Hải Tâm

    Lời đầu là cảm ơn bạn Mộc Miên Thảo đã cho độc giả đọc bài thơ này. Riêng mình, thích cả nội dung và tu từ.

    Và vui khi thấy những dấu chân bước đầu dọ dẫm trên hành trình đến cùng tri kiến Phật.

    Bạn thật khéo khi chọn 4 câu thơ của sư Bảo Giám làm “đề dẫn” cho bài thơ của mình. Chỉ có 2 điều nhỏ muốn nói thêm, ở đây:

    – Nếu căn cứ nguyên tác “ Lĩnh thượng phù sơ toả mộ yên” thì dịch sát là: “Núi phủ mây chiều, cây cỏ tươi/sum suê” còn câu “Cả rừng phong hoặc lá phong rơi” chỉ là phỏng dịch hoặc phóng tác; dù ý không sai.

    – “Trí tuệ như trăng sáng giữa trời” dịch từ câu “Trí giả do như nguyệt tại thiên”. Thật ra chữ “Trí” sư Bảo Giám viết không phải là trí tuệ mà là “Trí huệ Bát Nhã”. Đoạn đầu tiên của Tâm Kinh (Heart Sutrà) đã mô tả quá trình thiền định của Phật Quán Thế Âm nhằm đạt đến Trí huệ Bát Nhã (Bát nhã ba la mật đa) như sau: Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không (Bồ tát Quán Tự Tại đi sâu vào cõi trí tuệ tột cùng sâu thẳm, soi thấy 5 uẩn đều không).

    Khi và chỉ khi “soi thấy 5 uẩn (tức Sắc-Thọ -Tưởng- Hành-Thức) đều không” thì hành giả mới đạt đến tâm thế Vô ngã, như chủ đề bài thơ bạn muốn gừi gấm. Và từ đó, chân tâm ảnh hiện, sáng như trăng rằm như Kinh Vô Lượng Thọ mô tả là một thứ ánh sáng chiếu soi mười vạn ức cõi, không gì chướng ngại.

    (tiếp)

    Reply
    1. Mộc Miên Thảo

      Kính chào anh hải Tâm,

      Anh có cái nhìn và viết lời bình, đặc biệt về lãnh vực nầy, làm MMT bái phục. Mới chỉ biết qua ở anh vài bài thơ, vài lời còm thôi mà MMT nhận ra nhiều đồng cảm sâu xa, anh ạ. Đặc biệt thơ của anh cao siêu vời vợi, cũng như những lời bình kia mà, bản thân chỉ “đặt những dầu chân, bước đầu dọ dẫm trên hành trình” mông lung, mênh mông nầy nên tự xét cần học thêm ở anh nhiều, nhiều lắm.

      Bài “cái tôi” nầy thực tế có một xuất xứ đặc biệt. Trong một chiều rời “Phương Thảo Am” về và, những lời trong câu chuyện của thầy còn đọng lại, vẳng vọng mãi. Trong chút hiểu được đó, MMT đã “liều”, viết ra vậy. Bản thân nó cũng gắn liền với một câu chuyện “thơ” rất riêng nữa nên… vậy vậy. Nay, được anh chỉ cho, thật mến phục anh quá.

      MMT muốn chia sẻ thêm rằng, câu cuối của bài thơ trên, thực ra, được viết, thỉnh theo ý khuyết danh thế nầy:
      “Nếu bạn tự có tâm an
      Ở đâu cũng thấy như đang ở nhà”

      Lại nữa, một loạt những động từ mà anh nêu ra (những “tác ý” trong bài) càng cho thấy “bước dọ dẫm” rõ ràng hơn cả, anh nhỉ?

      Cảm ơn anh rất nhiều với những chia sẻ chân tình trên mà bản thân như được sáng ra, học hỏi được thêm nhiều điều ạ.

      Kính chúc anh thân tâm thường lạc.

      Kính quý,
      MMT

      PS: Về “tâm thái vô ngã” anh có nói đến, trong chút nào đó có đồng, MMT xin chép lại hai câu thơ nhỏ nầy mà bản thân rất tâm đắc, góp chút vui chung:

      “Tâm nhàn muôn sự thông ba cõi
      Một tiếng cười khan ấm đất trời.”
      (lời Khuyết Danh)

      Reply
      1. Hải Tâm

        Bạn mình quá lời rồi, lão nạp nghìn lần không dám nhận. Chỉ xin chia sẻ chút duyên ở Phương Thảo Am, từ đó mà có bài thơ này. 🙂

        Reply
        1. Mộc Miên Thảo

          Trên là những lời chân tình, không khách sáo với bài viết, chia sẻ rất công phu Anh viết tặng cho, thưa Anh.
          Một lần nữa, kính chúc Anh an vui.

          Reply
  4. Hải Tâm

    Đi vào bài thơ, suốt trong 2 khổ đầu, ngã tướng và nhị kiến đã được mô tả bằng một ngôn ngữ thơ rất thực:

    “quơ tay tách hai bờ hư thực
    nhặt nửa trăng gầy, nửa bóng tôi

    ta đứng bên nầy là núi rộng
    xa phía trời kia biển xanh rờn
    một tay ta đỡ ngang trời mộng
    hái bóng trăng tàn soi thiệt hơn”

    Để cuối cùng là lộ ra cái khao khát tột cùng:

    “buông cả cái tôi đeo nằng nặng
    dưới trời xanh, đâu cũng quê nhà”.

    Thật ra, kể cả các vị xuất gia, chức quyền trọng vọng; mấy ai đạt đến tâm thái vô ngã, bao người đã diện kiến chân tâm ấy đâu (!). Thế nên một vài “tác ý” trong bài mà bạn đã nêu, đã sử dụng trong bài như “quơ tay tách”, “nhặt”, “tay ta đỡ” “hái”…cũng là điều thường tình mà thôi.

    Đôi lời thô mộc, mong nguyên lượng.

    Reply
  5. Quốc Tuyên.

    ta đứng bên nầy là núi rộng
    xa phía trời kia biển xanh rờn
    một tay ta đỡ ngang trời mộng
    hái bóng trăng tàn soi thiệt hơn

    nghĩ, dưới trời cao là ta đó
    chỉ có ta và một bóng tôi
    lợi-danh sương điểm đầu ngọn cỏ (*)
    “ta-và-tôi”… thả một dòng trôi…

    Những câu thơ mang đậm triết lý cuộc sống đáng suy ngẫm, hay lắm Mộc Miên Thảo ơi!

    Reply
    1. Mộc Miên Thảo

      MMT xin chân thành cảm ơn những cảm nhận và lời ưu ái, ban khen của chị ạ. Kính chúc chị an vui luôn.

      Kính quý,
      MMT

      Reply
  6. lamcamai.

    nghĩ, dưới trời cao là ta đó
    chỉ có ta và một bóng tôi
    lợi-danh sương điểm đầu ngọn cỏ (*)
    “ta-và-tôi”… thả một dòng trôi…(MMT)

    Ở cõi ta bà thì cuộc đấu tranh phân định giữa “ta và tôi” là điều không phải ai cũng làm được, khi bản ngã vùi vào vô minh, không có cái “ta” kéo cái “tôi” ra, một cái ta chân tâm ngộ kiến để “ta và tôi” cùng nhập lại là một ” ta và tôi …thả một dòng trôi…” để ” lợi – danh sương điểm đầu ngọn cỏ”
    Chúc tác giả thân tâm thường an lạc.

    Reply
    1. Mộc Miên Thảo

      Cảm ơn chị “lamcamai” chia sẻ cho. Nhiều khi, kể cả các vị thiền sư, nếu nghiệm cả đời không ngộ ra được (“kéo ra được” như cách nói của chị) thì, đành… sống chung với nó vậy. Và, một khi, nếu có nghiệm ra hay, nhận ra được “lợi-danh sương điểm đầu ngọn cỏ” và rồi thì, hay lúc đó thì, “ta và tôi” đó cũng đã “thành tro” rồi. Và, cùng “thả một dòng trôi” là vậy. Bỗng MMT nhớ câu kết trong một tứ tuyệt của cố thi sĩ của Vũ Hoàng Chương rằng: “đinh đóng vào săng tiếng trả lời” (khi ông dẫn đề: “dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người”).

      Chúc góp vui cùng chị ạ.

      Reply
      1. Mộc Miên Thảo

        Hổng biết làm sao MMT đánh máy nhầm chỗ nầy “Chút (thành “chúc) góp vui cùng chị ạ”. Mong chị thông cảm.
        Chúc chị an vui luôn.

        Reply
          1. Mộc Miên Thảo

            MMT xin cảm ơn chị “Mộng Cầm” ghé qua, góp cho lời động viên trân quý.
            Chúc chị vui.

  7. Dạ Lan

    ta đứng bên nầy là núi rộng

    xa phía trời kia biển xanh rờn

    một tay ta đỡ ngang trời mộng

    hái bóng trăng tàn soi thiệt hơn

    Bốn câu thơ đầy hào khí,thơ mộng và rất hay.

    Reply
    1. Mộc Miên Thảo

      “Một tay mà đỡ ngang trời” hẳn là đầy “hào khí” phải không ạ? Cảm ơn chị Dạ Lan (chị ca sĩ góp mặt trong buổi ra mắt thơ nữ sĩ Trần thị Hiếu Thảo, phải không ạ?) góp lời còm ngọt ngào làm sao.
      Chúc chị nhiều niềm vui.

      PS: chị thấy hôn, mặc dù nói to tát rằng “buông cái tôi” nhưng hẳn từ lý thuyết đến thực hành là một khoảng xa, khó mà thực hiện được. Bởi đơn giản, ai khen thì thích, ai chê thì buồn, giận. Thế nên cần buông bỏ đúng lúc, chị ha?
      Một lần nữa, chúc chị vui.

      Reply
  8. Anh Phương

    Chào Mộc Miên Thảo !
    AP nghĩ MMT chắc còn trẻ thế mà làm thơ rất Thiền ….chắc là đã ngộ….?! Đọc xong bài thơ MMT AP bỗng nhớ đến 2 câu trong baif “Ngôn hoài ” của Thiền sư Không Lộ

    Hữu thời trực thướng cô không đỉnh
    Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư

    Reply
    1. Mộc Miên Thảo

      Thưa anh Anh Phương,
      Hai câu Anh trích cho chính là hai câu MMT tâm đắc, rất thích. Bởi trong chút hạn hẹp mà MMT hiểu được, MMT có dùng nó trong một bài thơ viết gần đây, tựa: “Lại trở về, cặm cụi… rất con người”. Nếu có duyên, sau nầy trang nhà sẽ xét đăng góp chút vui chung và, rất riêng với chúng ta, chính ở hai câu Anh dẫn cho.
      Xin cảm ơn Anh góp lời chia sẻ và kính chúc Anh an vui.

      Reply
    2. Mộc Miên Thảo

      MMT xem và biết được rằng Anh Phương là một nữ sĩ. Rất lấy làm tiếc vì xưng hô chưa chính xác. Mong chị thông cảm cho ạ.
      Chúc chị vui.

      Reply
    3. Anh Phương

      AP xin đính chính lại lỗi chính tả 2 câu
      Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
      Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.