Dốc Tình [tt]

 

 

Tết khi anh Trường về thì mấy anh bạn lại chơi, có lúc các anh tụm lại tán gẫu có lúc ngồi quanh bàn ăn thưởng thức những món “ba ngày tết” do mẹ nấu nhưng xôm tụ rôm rả nhất là những lần có sự tham gia của chị Mầm chị Nụ và những cô bạn của họ. Trong số bạn này có cả chị Hân, người mà Búp cho là đã thầm yêu anh trai mình.

Mùng 8 anh Trường trở vô Sài Gòn, không còn cảnh lui tới đông vui vì ai cũng phải trở về với công việc thường ngày của họ nhưng tác giả bài thơ Đời Đẹp Như Mơ thì khác. Chàng “thi sĩ” thường xuyên ghé qua nhà Búp khi thì biếu mẹ chai mật ong khi thì cho chị Mầm mượn sách khi thì chỉ ghé … thăm. Thăm chung nhưng tặng riêng cho chị Mầm thơ anh vừa sáng tác và những bài thơ này chị cất kỹ nên không ai biết nội dung hay dở ra sao.

Sau khi đậu Tú Tài II chị Mầm không thi vào đại học vì mẹ không muốn chị sống xa nhà. Chị ngoan ngoãn vâng theo lời mẹ xin dạy ở một trường tư thục do các nữ tu dòng Mến Thánh Giá điều hành và thế là có ngay bài thơ Mãi Mãi Bên Nhau Em Nhé. Búp chỉ đọc được tựa đề vì chị Mầm đã vội gấp lại khi biết có người đứng sau lưng.

 

 

Thời gian trôi lặng lẽ…xuân…hạ…thu…và chỉ mới đầu tháng Mười đã thấy mùa đông thập thò ngoài hiên mỗi khi có tiếng gió lùa qua khe cửa. Có lúc gió thổi ào ào khiến hai cây dừa ở cuối dốc nghiêng ngửa, tàu dừa theo chiều gió xuôi về đầm nước nên thoạt nhìn lá dừa trông giống như những lọn tóc dài bay bay trong khoảng trời mờ mờ màu xám nhạt, đẹp vô cùng.

Chị Mầm dạy ở trường “ma xơ” được một học kỳ thì “thi sĩ” xin phép bố mẹ Búp để đưa cha mẹ đến thăm nhà. Sau hai lần thăm, gần lễ Giáng Sinh đám hỏi trước tết Nguyên Đán đám cưới. Trong tiệc đãi khách ở nhà hàng Ngũ Châu, “thi sĩ” đã mở đầu phần văn nghệ “cây nhà lá vườn” bằng một bài thơ. Cũng may là anh đọc chứ không ngâm vì nếu anh ngâm chắc quan viên hai họ ngất ngư vì giọng anh đã rè rè lại còn ưa ngân nga..ư..ử..ừ..ư nghe rất tội. Bài thơ nói về tình yêu anh dành cho vợ và nguyện sẽ yêu vợ suốt đời khiến mọi người vỗ tay rần rần, bố mẹ nhìn nhau mãn nguyện còn cô dâu thì tươi hơn đóa hoa cưới cô đang cầm trên tay.

Anh Trường về sớm hơn mọi năm để dự ngày vu quy của em gái rồi ở lại ăn Tết nên trong khoảng thời gian đó nhà Búp lúc nào cũng nhộn nhịp. Mẹ kêu đau lưng, than mệt than mỏi nhưng mẹ cứ cười hoài, Búp nghĩ mẹ chắc rất vui vì chị Mầm lên xe hoa là mẹ đã giải quyết được một “hũ mắm” treo đầu giường. Thì hai năm trước chị Ngọc con gái thím Tửu đi lấy chồng Búp đã nghe mẹ nói như vậy mà, nói xong mẹ còn thở hắt thật mạnh như người ta vẫn thường vươn vai rồi thở phào mỗi khi vừa đặt một gáng nặng xuống đất.

Trước ngày anh Trường trở vô Sài Gòn mẹ làm cơm đãi những người bạn của anh và chị Mầm thay cho lời cám ơn vì họ đã phụ giúp rất nhiều trong lễ cưới. Bố đi ăn giỗ trên nhà bác Cả mẹ bảo các anh chị cứ tự nhiên nên không khí có vẻ náo nhiệt. Ai cũng cười khi nhắc lại cái cảnh bưng mâm quả của mấy chàng bên nhà trai, có một anh không biết vì đây là lần đầu tiên làm việc này nên lúng túng hay vì thấy mấy cô bên nhà gái xinh quá mà đã vấp khi bước lên bậc thềm, xém chút nữa là ngã nhào. Mấy chị còn nói buổi sáng hôm đó trông mẹ thật sang trọng, nghe vậy chị Hân rất vui vì chính chị là người trang điểm sửa sang quần áo cho mẹ và khi choàng chiếc khăn nhung lên vai mẹ Búp thấy nét mặt chị rạng ngời. Kể từ buổi sáng đón dâu đó có lẽ chị cảm thấy mình nay đã là một thành viên của gia đình nên từ trưa đến giờ chị hăng hái vào bếp phụ mẹ nấu nướng. Khi đã đem lòng yêu con trai của mẹ mà lại được mẹ “chấm” thì đây là cơ hội cho chị bày tỏ tình yêu cùng sự tận tụy của mình để gia đình Búp thấy rồi đây chị sẽ là người con dâu gánh vác “giang san nhà chồng” một cách toàn tâm toàn ý. Ăn uống xong chị còn vui vẻ châm trà, pha cà phê cho mọi người và khi đặt chiếc tách nóng hổi trước mặt anh Trường tay chị run run.

Búp mừng khi biết mẹ đã “chấm” chị, một người vừa xinh xắn vừa đảm đang như thế thì ai mà không quý, chị đúng là một mẫu phụ nữ hoàn hảo mà đàn ông thường mơ ước. Búp thấy vui vì nghĩ rằng mọi thứ coi như đã xong nhưng cô không hề biết có sự khác nhau giữa yêu và quý cũng như sự không trùng khớp theo thang điểm giữa mẹ và con trai. Cô gái nhỏ chưa thể hiểu trên đời này có những nghịch lý khi có những thứ mọi người đều công nhận là “rất tốt” nhưng không phải ai cũng nghĩ rằng những thứ “rất tốt” đó là “rất cần” đối với họ, nhất là cho tình yêu của họ. Người ta nói “con tim có lý lẽ riêng” nhưng dù có nghe vậy thì cô gái cũng không tin là có những lý lẽ “vô lý” thỉnh thoảng vẫn xuất hiện đâu đó trong cuộc sống hàng ngày.

Búp nhỏ nhất nhà nên lúc nào cũng bị ngồi ở trong góc phía cuối bàn, đã vậy lần này mẹ còn chưng mỗi bên một chậu hoa thược dược nên Búp có cảm giác như không còn ai nhìn mình. Được rồi, nếu người ta không nhìn mình thì mình nhìn người ta vậy. Búp lặng lẽ quan sát rồi trong phút chốc bỗng muốn trở thành một nhà sản xuất phim ảnh. Cuốn phim “đầu tay” này sẽ nói về tình yêu và ca tụng những điều đẹp đẽ do tình yêu mang đến cho hai con người vốn dĩ không hề có tình thâm máu mủ gì với nhau. Các “diễn viên” đóng phân cảnh này thật hoàn hảo vì chính họ không biết mình đang đóng phim, vai diễn của họ do cô gái nhỏ, tức nhà quay phim kiêm đạo diễn “tài ba” tự sắp đặt trong tưởng tượng. Búp đưa mắt, tức đưa ống kính về phía anh Trường khi anh vừa hớp ngụm đầu tiên. Anh ngừng một lúc rồi kêu lên:

– Thơm quá! Mẹ ơi, cà phê lần này…

– Vẫn là Moka như mọi lần mà con.

Rõ ràng ly của anh ngon hơn vì nó được pha bởi một người yêu anh tha thiết, người ấy đã đặt toàn bộ sự trìu mến khi thực hiện cái việc nhỏ nhoi kia cho riêng anh thì cái vị mà anh đang thưởng thức không chỉ là cà phê. Máy quay vẫn chạy, ống kính hướng về phía chị Hân để thu cận cảnh, khuôn mặt thon thon hiền lành đang có chút rối bối… đã bắt được cái “thần” của nhân vật rồi… đẹp quá! Ống kính chuyển hướng quét qua toàn cảnh để tất cả “diễn viên” đều được xuất hiện trong phân đoạn này. Bỗng:

– Cắt…cắt…

Máy ngừng. Có ai đó vừa nói một câu không có trong kịch bản. Lời thoại trời ơi đất hỡi này là nguyên nhân khiến cho vai chính bị “bức tử” ngay ở những thước phim đầu tiên. Thế là hết! Nữ đạo diễn “tài ba” sau vài giây bần thần đã nhanh chóng trở về thực tại là cô gái ngồi ở cuối bàn, lọt thỏm giữa hai chậu bông thược dược, bé nhỏ trông thật tội nghiệp.

Ai vừa nói gì vậy? Búp nghe loáng thoáng “…đã có người yêu” và sau đó là những tiếng cười dòn dã. Giọng anh Tiệp sang sảng:

– Tin đó không phải là tin vịt đâu. Ông Trường có bồ rồi …thiệt đó… cô này là dân Sài Gòn, tui ở trong đại học xá Minh Mạng với ổng nên tui có thể làm chứng..hì..hì…

Anh trai của Búp, xưa nay được tiếng là tế nhị là trầm tính bỗng chốc trở thành một một anh chàng đơn giản đến độ thô thiển:

– Rồi sẽ biết thôi. Hè này khoa mình tổ chức chuyến công tác xã hội bên Cù Lao Xanh, khi đoàn về đây mình sẽ giới thiệu…

Chị Hân lặng lẽ rời bàn ăn. Búp thảng thốt nhìn anh trai. Sao anh có thể thản nhiên tuyên bố thẳng thừng trước mặt mọi người như vậy? Anh đúng là kẻ ác! Trong giây phút giận dữ Búp cảm thấy oán anh trai mình, ghét luôn cái người đang ở cùng phòng với “kẻ ác” trong đại học xá Minh Mạng, cái người thuộc loại “nhanh nhẩu đoảng” đã hăng hái làm chứng, nói xong còn cười hì hì trông vô tư một cách… vô duyên.

Búp lườm anh Trường rồi vội đứng lên, chạy xuống bếp thấy mẹ đang hâm thức ăn thừa, Búp lắp bắp:

– Mẹ…mẹ…chị Hân…

– Chị ấy vừa chợt nhớ có việc ở nhà…mẹ thấy có vẻ hấp tấp lắm.

Búp lặng người. Ngoài kia trời đã sụp tối, gió bắt đầu thổi mạnh mà chị Hân thì đang ngoài đường vắng. Búp cảm thấy đau khổ khi nghĩ chỉ “một mình” mình đang dõi theo kẻ “bại trận” cũng đang “một mình” lạnh lẽo trong bóng đêm. Búp bước ra hiên, ngọn đèn trên trụ điện chỗ ngã tư đầu con dốc uể oải rải xuống đường những mảng màu vàng úa cùng tiếng sóng ngoài đầm theo gió dội về như muốn nhấn chìm mọi thứ vào cõi hư vô.

Trong tâm trạng não nề, cô gái không còn quá nhỏ nhưng cũng chưa đủ lớn để hiểu về cuộc sống nên cô có cảm giác như mình đã bị mọi người chế giễu khi họ nhìn thấy đôi mắt thất thần cùng gương mặt ngơ ngác của cô lúc bất ngờ bị cướp đi bức tranh đầy màu sắc vui tươi mà cô vừa mới vẽ. Trong cơn giận dữ xen lẫn tủi thân cô thấy mình đã bị bạc đãi, đã bị bỏ rơi và cô cho rằng người lớn cùng những chuyện của họ thường có chút gì đó mang tính bất công, giả dối và đôi khi tàn nhẫn. Cô bật khóc. Cô khóc cho sự lẻ loi của mình và cho một chuyện tình không phải của mình.

 

Tháng Chín tựu trường, ngày khai giảng bạn bè thầy cô và sân trường vẫn vậy nhưng sao Búp thấy lòng không hân hoan, không vui sướng tột độ như ngày nào. Năm ngoái Búp còn hồn nhiên vui tươi mà sao giờ đây có cái gì đó như muốn làm mờ ánh mắt như muốn làm chậm đôi chân và thỉnh thoảng có tiếng thở dài vu vơ. Tiếng thở dài giống như làn gió cuối thu, nhẹ và buồn.

Trên vùng đất có nhiều cát này hình như mùa đông thường đến sớm hơn, nhất là nơi con dốc cao có cái đầm nước lớn. Chỉ mới đầu tháng Mười mà gió quất trên không rồi gió chao xuống đầm, gió sục nước dâng lên tạo thành những con sóng xếp lớp liên tục đập vào bờ, có lúc sóng vươn thật cao chồm qua bờ kè như thể sóng đang cố trườn lên dốc. Gió thổi qua thị xã nhưng gió rất khác lạ khi ghé qua đây vì cái đầm mênh mông lúc nào cũng như muốn níu gió lại giống như ta vẫn thường muốn giữ chân người khách tri âm, dù chỉ trong giây lát.

Mỗi khi tháng Mười về Búp có một một mùa đông của riêng mình vì những tháng tiếp theo sau dù trời rét căm căm thì đó là mùa đông chung của toàn thể cư dân trong thị xã. Mùa đông tháng Mười về trên con dốc của Búp luôn có đủ âm thanh của tiếng mưa rơi, tiếng gió thổi, tiếng sóng vỗ để rồi khi chiều xuống cả ba cùng nhau ngân nga nhảy múa trong khung cảnh mờ mờ thoang thoảng chút mùi vị tanh tanh ngai ngái của đầm nước lợ hoang sơ xinh đẹp này.

……

 

Ra phố mua len cho mẹ khi quay về Búp thấy mẹ đang ngồi nói chuyện với hai người thanh niên. Người mặc áo trắng là anh Triễn cháu chồng dì Huyên em gái út của mẹ còn người mặc áo sơ mi màu xám tro ngồi cạnh là “kẻ xa lạ”.Vừa nhìn thấy Búp anh Triễn đã reo lên:

– Bé Búp đây sao? Mau lớn quá! Em học lớp mấy rồi?

Búp cúi đầu chào, chưa kịp trả lời gì thì mẹ đã chỉ tay ra hiên:

– Em Nụ đi học cũng vừa về tới… Thôi, hai cháu ngồi chơi nói chuyện với các em nhé! Trời sắp trở rét bác phải đan khăn quàng cho bác trai kẻo không kịp.

Anh Triễn “vâng ạ” còn “kẻ xa lạ” thì vội đứng lên khi mẹ vừa rời khỏi ghế, mẹ bước đi rồi “anh ta” mới ngồi xuống. Anh Triễn định nói gì đó thì chị Nụ đã cười toe toét:

– Lâu quá mới gặp anh. Nghe dì Huyên nói…

Thấy đã có chị Nụ tiếp chuyện với khách Búp vội vào phòng mẹ. Mẹ ngạc nhiên:

– Sao con không ở ngoài đó chơi với các anh chị cho vui?

– Để con phụ tháo len cho mẹ. Anh Triễn đến nhà mình lúc nào vậy mẹ?

Búp trao đầu sợi len vừa tháo, mẹ bắt mối vào que đan:

– Khoảng mười lăm phút. Hai anh trở vào Sài Gòn nhưng chuyến bay bị hoãn. Anh Triễn tính về nhà dì Huyên nhưng nghĩ lại lâu quá không ghé thăm bố mẹ nên sẵn dịp…

Búp chậm rãi kéo sợi len:

– Còn người kia là…

Là bạn cùng công ty. Anh Triễn còn nói anh…anh..tên gì mẹ quên rồi.

– Anh Triễn nói anh đó làm sao hở mẹ?

Bắt mối xong, mẹ cầm que đan thứ hai lên:

– Anh đó rất giỏi nên hãng Philips sẽ gửi ra nước ngoài tu nghiệp. Tên gì nhỉ…Chịu. Mẹ không nhớ.

Mẹ không nhớ thì “kẻ xa lạ” sẽ là anh Philips. Búp nhẹ nhàng đặt cuộn len vào rổ may rồi quay về phòng mình, cái phòng nhỏ xíu nằm sau tủ rượu của bố. Kéo tấm màn hoa lại, Búp áp mặt sát tủ rượu, mặt tủ bằng kính trong suốt hướng ra phòng khách còn lưng tủ là những thanh gỗ ghép và những mảnh ghép này tuy có đoạn bị hở nhưng cũng đã trở thành “bức tường” làm ranh giới cho chốn riêng tư của cô gái nhỏ. Cô nhìn qua khe tủ thấy anh Triễn đang hào hứng kể về công việc và đời sống của mình cho chị Nụ nghe trong khi “kẻ xa lạ” bây giờ đã có tên là Philips thì vẫn im lặng. Hai người ngồi mặt quay vào trong, tức về phía tủ rượu nên Búp thấy họ rất rõ còn chị Nụ thì mặt quay ra đường, Búp chỉ nhìn thấy lưng của chị. Búp hơi ngạc nhiên khi thấy thỉnh thoảng anh Philips nhìn ra cửa sổ, anh nhìn gì vậy? Bên hông nhà là một khu đất trống thế thì ngoài song cửa chỉ là một khoảng không, đâu có gì mà sao anh cứ nhìn về phía ấy. Không nhìn bâng quơ, rõ ràng anh đang ngắm nhưng ngắm gì thì Búp không biết.

Tiếp tục quan sát cô ngỡ ngàng nhận ra đây không phải là “kẻ xa lạ” như khi vừa mới gặp. Cô đã nhìn thấy con người này ở đâu đó và cô đoan chắc là mình đã biết “anh ta” trong khoảng thời gian gần đây. Cô chăm chú nhìn…dáng điệu chững chạc, đôi mắt sáng cùng nét thông minh trên khuôn mặt cương nghị này làm sao cô quên được. Cô nhớ rất rõ vì cô đã từng nghĩ đây là hình ảnh tượng trưng cho một đấng nam nhi quân tử khiến người ta ngưỡng mộ, khiến người ta tin cậy để rồi người ta luôn thấy tâm yên bình mỗi khi được cận kề.

Búp vẫn quả quyết là mình đã biết người này nhưng chưa thể nhớ chính xác là đã biết trong dịp nào hay đã gặp ở đâu mà thôi. Lòng hoang mang nhưng cũng có điều gì đó làm cho Búp cảm thấy hân hoan, phấn chấn. Cô nghiêng đầu rồi chợt mỉm cười vu vơ khi quay lại ngồi trên chiếc giường gỗ chiều rộng bảy tấc chiều dài một mét rưỡi của mình. Búp thọc tay sâu vào góc áo gối nơi cô ghim cây kim băng có chiếc chìa khóa, từ khi vào năm học mới mẹ thay chiếc áo lá bằng một thứ áo dành cho thiếu nữ nên cô đã không thể giữ chìa khóa theo cách cũ tức là bỏ chìa vào túi áo rồi cài kim băng trên miệng túi như trước nữa.

Búp bật kim băng rút chìa rồi ngồi bệch xuống đất mở khóa. Kéo hộc tủ ra, mọi thứ vẫn nằm đúng vị trí như cô đã sắp xếp. Nhẹ nhàng cầm con gà đất lên, ghé môi vào cái lỗ nhỏ bên hông gà thổi một hơi dài, âm thanh “te te” lần nào cũng làm cho Búp bồi hồi nhớ lại những tháng ngày sống trong xóm nhỏ trước khi bố mẹ dọn về đây. Ngày chia tay anh Quý đã chạy vào nhà lấy con gà đất đưa cho Búp, con gà đất này anh mua ở chợ Gò, cái chợ mỗi năm chỉ nhóm một lần vào sáng mồng 2 Tết. Anh Quý cùng chị Mầm chị Nụ chia tay trong nước mắt như thể không bao giờ gặp lại mặc dù ai cũng biết muốn đến chỗ ở mới của gia đình Búp nếu anh Quý đi xe đạp thì chỉ mất khoảng 10 phút. Không biết ngày sau ra sao nhưng cho đến giờ phút này Búp vẫn thấy không có gì hấp dẫn và đáng yêu bằng con gà đất xinh xắn phát ra âm thanh te te thay vì tiếng gáy ò..ó..o..ò…mà Búp vẫn thường nghe vang vọng đâu đó vào những buổi trưa hè oi ả.

Đặt con gà trở về chỗ cũ Búp nhấc hủ “bùng binh” lên lắc lắc…chắc là đầy rồi vì không nghe tiếng sột soạt của những tờ tiền. Nghe nói trong Sài Gòn có vài lò gốm đã sản xuất được một loại heo đất láng lẫy đẹp mắt để trẻ con cất tiền nhưng chưa bao giờ Búp có ý nghĩ sẽ thay cái hũ sần sùi mà mình đã mua ở gánh hàng đồ đất của một người đàn bà nghèo khó từ trên quê gánh xuống phố bằng một sản phẩm tinh xảo khác. Hũ “bùng binh” của Búp chỉ lớn hơn cái bình đựng vôi ăn trầu của bà ngoại một chút, màu rất lạ vì nó đậm hơn màu hồng nhưng lại lợt hơn màu đỏ, Búp không biết gọi là màu gì nên đã tự đặt tên cho loại màu khó tả này là màu “hũ bùng binh đất” như mấy người lớn vẫn thường gọi một thứ màu đỏ nhưng không đỏ là màu “rượu chát” hay “cánh sen” hoặc “gạch cua” vậy.

Chủ nhân của “bùng binh” sẽ đập bể khi hũ đầy nhưng đôi khi chưa đầy thậm chí chỉ vừa mới bỏ được có vài đồng thì hũ vẫn bị đập bể trong những trường hợp khẩn cấp. Còn nhớ khi gia đình mới chuyển về đây, một lần Búp nghe có tiếng rao rất lạ:

– …Ớ..lầy…bi don don bi dòn dòn ăn ngon ngon ăn ngọt ngọt…

Búp chạy ra thì thấy mấy đứa cùng trang lứa đang bu quanh chiếc xe ba bánh cũ mèm của một ông già Tàu. Ông thọc mấy đầu ngón tay vô tô bột khô, rao tiếp:

– Ô..ô…lầy…yến thòn lây…yến thòn là thứ kẹo tơ…

Miệng rao hai tay ông già thoăn thoắt kéo cục bột đã được trộn với một loại đường ươn ướt có màu nâu nâu thành những sợi dài rồi gập vào, tiếp tục kéo sợi ra gập sợi vào, kéo gập…kéo gập và chỉ vài giây sau cục bột dẻo trở thành những sợi tơ ngà ngà óng ánh. Ông đặt mớ sợi đó trên một tờ giấy cỡ bằng tờ giấy quyến người ta thường dùng để vấn thuốc lá rồi trao cho thằng bé đang chìa tờ tiền trước mặt ông. Đám trẻ con vui vẻ hả hê, đứa thì nhai mấy viên “bi don don bi dòn dòn” nghe rôm rốp đứa thì ngửa mặt lên trời thả chùm tơ vô miệng trông thật đã đời. Búp chạy vào nhà cầm cái hũ “bùng binh” chốc ngược lắc lắc rồi mượn cây kẹp xước của chị Mầm cố gắng khèo tờ tiền nhưng cái khe trên miệng hũ chật ém, bỏ vào còn khó nói chi tới việc lấy ra. Đang lúng túng thì nghe ông già cất tiếng rao, đoán là ông rao lần chót trước khi đẩy xe đi nên Búp đành thả tay, hũ rớt xuống đất bể tan tành. Bốn tờ là bốn đồng. Thôi thì một đồng kẹo bi một đồng kẹo tơ, hai đồng còn lại vừa đủ mua cái hũ khác.

Lần đó chị Mầm đã gieo quẻ làm thấy bói:

– Con nhỏ này mai sau chắc bán chồng bán con…

Đặt hũ tiền xuống đất Búp cầm cuốn sổ cạc-nê lên ngắm, đây là quà sinh nhật của anh Nam tặng năm Búp 12 tuổi. Tháng trước Búp đã kẹp tấm thiệp mặt trước in hình một bông hồng lấp lánh kim tuyến mặt sau là một bài thơ tiếng Anh mà một người học trên Búp hai lớp đã chép tặng khi người này rời trường theo gia đình ra nước ngoài. Búp đợi sang năm khi đã được sở hữu một quyển tự điển thì sẽ tự mày mò dịch nghĩa chứ không nhờ ai vì những gì thuộc về riêng tư Búp không muốn tiết lộ. Tính của Búp như vậy nên thỉnh thoảng người nhà vẫn nghe âm thanh “te te” và biết là Búp có một con gà đất nhưng chưa có ai nhìn thấy con gà ra sao vì với Búp xấu đẹp gì không biết, một khi đã là của riêng thì “bất khả xâm phạm”.

Cuốn tập vở 200 trang ngoài bìa in hình người phu xe đầu đội nón lá đang đạp xích lô, phía dưới có hàng chữ Cyclo Đạp (để phân biệt với xích lô máy) là tiền công được trả do Búp đã giúp viết lại những lá thư của chị Lượm khi chị làm quen với một anh qua mục Tìm Bạn Bốn Phương trên báo. Chị nói chữ chị như cua bò nên phải nhờ đến Búp nhưng công việc này không bền, đến lá thư thứ sáu thì chị Lượm “bắt bồ” với anh Dăm Bào con trai của bác Bảy có xưởng mộc ngay sau lưng nhà chị. Chị nói bồ “tại chỗ” tai nghe mắt thấy cho chắc ăn, bốn phương tám hướng biết đâu mà lần, mệt lắm. Búp nghĩ anh bạn “bốn phương” kia sẽ không bao giờ biết được cả sáu lá thư anh đã đọc là chữ viết của một cô gái nhỏ chứ không phải của Diễm Lệ (trong thư chị không nói mình tên Lượm) một cô gái “tóc thề vừa chấm ngang vai, đa sầu đa cảm, sống nội tâm, yêu sự chân thật ghét sự giả dối…” như chị đã tự giới thiệu về mình trong lá thư đầu tiên. Tập vở “xích lô” giấy trắng và láng nên Búp để dành, định sau này sẽ chép những bài hát mà Búp đã nghe được từ chiếc radio 4 băng hiệu Philips của nhà đối diện tức bên số chẵn của con dốc vào mỗi buổi chiều khi chú hàng xóm trở về sau giờ làm việc.

Khóa ngăn kéo xong Búp đập nhẹ hũ “bùng binh” xuống sàn nhà, cô vuốt những tờ bạc thẳng thớm rồi nhón gót bước từng bước nhẹ xuống bếp đi vòng qua cửa sau, chạy nhanh ra phố.

Khi mua len Búp đã nhìn thấy chiếc băng đô màu tím trong tủ kính của tiệm tạp hóa, cô đã ngắm rất lâu và thầm nhủ sẽ xin mẹ mua vào dịp nô-en này. Nhưng sao phải đợi cho tới gần cuối tháng Mười Hai khi mình muốn có món đồ màu tím đó ngay hôm nay. Vừa thấy Búp bác chủ tiệm cười:

– Hồi nãy mua len cho mẹ bây giờ mua gì? Kẹp có nơ hay…

– Sao bác biết cháu…

– Mua len mà mắt cứ nhìn chăm chăm vô cái hộp này rồi bây giờ quay lại thì ai mà không biết.

Hơi bẽn lẽn vì thấy đã bị người khác nói “trúng tim đen” Búp ấp úng:

– Dạ…dạ..cái băng đô màu tím…

Búp rất quý hai vợ chồng bác chủ tiệm vì bác trai có nụ cười hiền lành, tính tình vui vẻ còn bác gái thường mặc đồ lụa, cổ đeo một xâu chuổi ngọc màu xanh, môi tô một chút son hồng trông rất trang nhã. Mỗi khi có dịp đi ngang tiệm của họ Búp thích nhìn bác gái vì với Búp đó là một phụ nữ tân thời và xinh đẹp.

Mua xong thấy còn tiền Búp ghé vào tiệm Khánh Hưng tìm nhạc. Trên tường chủ tiệm treo những bản chưa được nhiều người biết đến như một cách giới thiệu tác phẩm mới còn mấy trăm bản với đủ thể loại nằm trong từng tập bìa cứng thì được đặt ngay ngắn trên kệ để khách chọn lựa. Có những bản nhạc nhà xuất bản Tinh Hoa phát hành khi Búp còn chưa chào đời, trong số này có vài bài Búp đã nghe bố hát. Khi anh Trường biết chơi đàn ghi-ta Búp cũng nghe anh hát nhưng anh cũng như bố chỉ biết những bài nổi tiếng mà bất kỳ ai yêu nhạc cũng đều say mê như Dư Âm, Nỗi Lòng, Thu Quyến Rũ, Tạ Từ, Em Tôi, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa, Đêm Đông, Biệt Ly, Thuyền Viễn Xứ ..v..v ..Cho đến năm Đệ Tứ anh mới biết thêm Chiều Tím, Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Ngọc Lan, Tiếng Thời Gian, Hoài Cảm, Suối Tóc… và sau đó có thêm Mái Tóc Dạ Hương, Dưới Giàn Hoa Cũ, Chiếc Lá Cuối Cùng, Giòng Thời Gian, Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn, Tan Vỡ..v..v…

Tuy yêu nhạc và thích hát nhưng anh thường không thuộc lời, còn những bản có vẻ “bí hiểm” thì anh “mù tịt” vì có một lần Búp hát khi đang giã đậu phọng cho mẹ, vừa nghe được vài câu anh đã kêu lên:

– Hay quá! Bài gì…bài gì? Có lẽ mới ra nên anh chưa biết.

Búp cười, nụ cười cũng có vẻ “bí hiểm” như bài hát:

– Bài này được sáng tác từ khi anh còn nằm trong nôi. Đừng hỏi bài gì vì em có nói anh cũng không biết đâu.

Búp không hát tiếp mặc cho anh Trường năn nỉ. Búp nghĩ mình nhỏ nhất nhà nên không có gì để “lấy le” thì đây là cơ hội cho mình “làm le” chơi. Tiếp tục giã đậu phọng. Không hát.

Miên man với những hồi tưởng về ông anh “chuyên gia” không thuộc lời bài hát, Búp giật mình vội vã đếm tiền khi người chủ tiệm hỏi:

– Cháu mua 3 bản này phải không? Mỗi bản 7 đồng.

– Dạ…dạ…cháu chỉ lấy Tà Áo Tím và Tiếng Dương Cầm thôi. Bản kia để hôm khác.

 

Búp băng qua đường đi nhanh về nhà. Phòng khách vắng hoe. Cảm giác hoảng hốt khiến Búp tưởng mình như vừa bị hụt chân rơi xuống hố. Chỉ mới đây thôi chốn này ấm cúng khi những âm thanh là lạ reo vui mà sao giờ đây im lìm và mọi thứ như đang bị bao phủ bởi một lớp tro mỏng nhìn vào chỉ thấy mờ mờ một màu ủ ê buồn bã. Xuống bếp thấy mẹ và chị Nụ đang lột đậu ngự nấu chè Búp ráng giữ cho giọng thật tự nhiên:

– Anh Triễn đâu rồi mẹ?

– Ra phi trường. Chuyến bay chỉ bị hoãn 2 tiếng nên ghé thăm nhà mình xong anh phải trở lại ngay. Từ nhà mình đi bộ ra sân bay cũng mất…

Mất bao nhiêu thời gian Búp không nghe rõ vì cô đang tự giận mình khi đã la cà ở tiệm bán nhạc quá lâu. Chị Nụ nói với mẹ:

– Bạn anh Triễn khen tên bé Búp đẹp.

– Tên ở nhà kêu cho vui thì đẹp gì mà đẹp.

Chị Nụ cười lớn:

– Không phải tên Búp, khi anh Triễn nói anh biết tên đi học của con và chị Mầm nhưng chưa biết tên thật của bé Búp nên con đã nói. Bạn anh Triễn nghe xong là khen liền. Anh ấy còn nói ngoài song cửa nhà mình có cây soan …

– Cây thầu đâu bên cửa sổ phải không?

Bây giờ thì đã hiểu, đó là cây thầu đâu của bố mẹ, là cây sầu đông của anh Trường chị Mầm chị Nụ và giờ đây nó là cây soan của anh, anh Philips.

 

Bước về phòng Búp kéo màn lại rồi lên giường ngồi co ro, cô thấy lòng mình trống trãi, cái cảm giác hụt hẫng khiến trái tim như đang bị một ngọn roi vô hình quất mạnh. Đau nhưng không thể kêu la …

Đắm chìm trong u buồn Búp chợt nhận ra là mình chưa hề gặp “người ấy” bao giờ. Hình ảnh trang “nam nhi quân tử” này được cô phát họa kể từ khi các bạn trong lớp chuyền tay nhau cuốn tiểu thuyết Bên Dòng Sông Trẹm và bắt đầu thì thầm bàn luận về sự lãng mạn cũng như những éo le đau khổ trong tình yêu. Ai cũng có một người trong mộng và cô gái nhỏ cũng mơ về một người mà cô cho rằng đã là của riêng cô thì phải là một thanh niên thông minh, đứng đắn và điềm đạm. Trong tim mình thấp thoáng một hình ảnh có đính kèm những điều ước nguyện và khi một người xuất hiện có những đường nét “khớp” với bản phát thảo thì cô đã hạnh phúc khi “hội ngộ” cũng như đã đau khổ khi “chia ly” mặc dù cuộc hội ngộ không hề được hẹn trước cũng như trong chia ly không hề được nói câu giã từ. Cô thấy lòng mình tê tái và nỗi niềm này cô thề “sống để bụng chết mang theo” vì cũng là bí mật nhưng cô đã không thể cất trong ngăn kéo của cái tủ “mẹ bồng con” rồi khóa lại như cô vẫn làm từ bấy lâu nay.

Chỉ trong vòng chưa đầy hai tiếng đồng hồ mà cô đã lần lượt chạm vào khổ đau và hạnh phúc, bắt đầu biết đến thất vọng và hy vọng để rồi chớm hiểu mọi thứ luôn có hai mặt còn thời gian thì không hề ngừng trôi. Cô tò mò muốn biết đoạn đường cô sắp bước tới khi nhận thức được mình vừa bị “trục xuất” khỏi cái thế giới thơ mộng đẹp đẽ của tuổi niên thiếu và kể từ nay nếu có tiếc nuối thì cô cũng chỉ có thể ngoái đầu nhìn lại mà thôi. Tất cả đã trở thành quá khứ mà quá khứ thì không có đường về.

Nước mắt còn đọng trên mi nhưng môi mỉm cười khi cô nghĩ giờ đây đã có người khen tên mình đẹp là mình đã lớn. Chắc vậy, chắc là đã lớn thật rồi.

 

Gió chiều dào dạt làm lay động cành soan bên song cửa như thể có ai đó đang trở lại…Bồng bềnh trong những cảm xúc lạ lẫm về cuộc sống muôn màu muôn vẻ, sau một thoáng ngập ngừng, cô gái trẻ của chúng ta rón rén bước vào đời.

 

 

Huỳnh Thị Thùy Hạnh

Tháng 10/2014{jcomments on}

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0 thoughts on “Dốc Tình [tt]

  1. Nguyên Lương

    Mượn tình cảm của người chị dâu ở phần trên để nói đến tình yêu của cô em chồng ở phần dưới, truyện của Chị Thùy Hạnh đọc qua như xem một cuộn phim, và truyện nào cũng vậy, một cuộn phim quay chậm. Tinh tế và tâm lý đến ngạc nhiên, ngòi bút của Chị không dừng ở một nơi nào hay ai đó nhất định. Chị dẫn người đọc chạy vòng vòng, nhìm mọi thứ xoay quanh cô Búp, và tâm lý của đứa em gái nhỏ nhất nhà, lớn lên từ từ qua năm tháng. Búp quan sát tình cảm của người chị dâu để về phần sau dùng đó làm “đề tài” gởi gắm tình yêu của mình cho người không tên.
    Chị Thùy Hạnh có lối tả cảnh đẹp như những bức tranh sống động: “…Có lúc gió thổi ào ào khiến hai cây dừa ở cuối dốc nghiêng ngửa, tàu dừa theo chiều gió xuôi về đầm nước nên thoạt nhìn lá dừa trông giống như những lọn tóc dài bay bay trong khoảng trời mờ mờ màu xám nhạt, đẹp vô cùng…”
    Có lúc tả cảm xúc nội tâm như một nhà tâm lý học: “…Trong tim mình thấp thoáng một hình ảnh có đính kèm những điều ước nguyện và khi một người xuất hiện có những đường nét “khớp” với bản phát thảo thì cô đã hạnh phúc khi “hội ngộ” cũng như đã đau khổ khi “chia ly” mặc dù cuộc hội ngộ không hề được hẹn trước cũng như trong chia ly không hề được nói câu giã từ…”
    Đọc truyện cứ như được đang nghe Chị kể chuyện, câu chuyện hay đến quên mất là mình đã nghe đến đoạn kết mà chưa kết thúc.
    Truyện của Chị cứ như thế, bắt đầu từ đâu, chấm dức ở chỗ nào… không ai biết. Cái cảm giác lơ lửng, trống không, buồn vu vơ, rồi nhớ rồi thương… như cảm giác của cô em tên Búp trong truyện này. Và cũng đã cùng cô em: “…Bồng bềnh trong những cảm xúc lạ lẫm về cuộc sống muôn màu muôn vẻ, sau một thoáng ngập ngừng, cô gái trẻ của chúng ta rón rén bước vào đời…”
    Như lời Chị đã hứa, chờ đến lần sau trên HX được đọc phân tích tâm lý và xem phong cảnh chị vẽ. Hay ơi là hay!
    NL

    Reply
    1. Thuy Hanh

      Cám ơn em khi đã dành nhiều ưu ái cho chị.
      Tháng 12 này “Kỷ niệm 50 năm CTKD” em có về dự không?
      Chị vẫn luôn nghĩ về Đà Lạt. Nhớ Thụ Nhân, nhớ giảng đường Hội Hữu, nhớ con đường Tăng Văn Danh nơi anh Bằng thường ghé thăm và làm nhiệm vụ “chim xanh” …

      Reply
      1. Nguyên Lương

        Gởi Chị,
        Tiếc qúa năm nay khôngvề VN chơi được. Năm ngoái đã về rồi.
        Mỗi lần nghe ai nhắc tới Dalat là thấy lòng nao nao lạ lùng. Anh Chị có về Dalat và gặp ai quen cho em gởi lời thăm. Không biết qúi anh chị của CTKD như anh Thọ, Chị Mai, Chị Yến, Chị Phụng, Thu Hiền… có về dự không. Ước gì mình được về đó để sống lại những ngày thật vui của hơn 40 năm về trước. Cho vợ chồng em gởi lời thăm Anh Lệnh.
        NL

        Reply
        1. Thuy Hanh

          Anh chị đã về lần kỷ niệm “50 năm Thụ Nhân” vì là chung của toàn viện. Lần này 50 năm của CTKD nên bên VK cũng có một số thân hữu tham dự. Đọc chương trình thấy rất quy mô, nhất là đêm Gala. Chị rất muốn nhưng không thể dự vì cuối năm hơi lu bu…
          Có một cựu CTKD từ nước ngoài về, người này rất quý em.
          Chị gửi lời thăm Vân Các. Chúc vui.

          Reply
  2. HN Tín

    Truyện viết thật hấp dẫn, lôi cuốn người đọc đi hết tình huống này đến tình huống khác một cách logic, tài tình.
    Phân tích tâm lý nhân vật sâu sắc, như thể chính mình là người đó.Hay lắm Chị!

    Reply
  3. camtucau

    Bài viết thật hay, thật hấp dẫn đã lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối Thuý Hạnh tài hoa quá Rất bái phục Chúc vui khoẻ nhé

    Reply
  4. Tran Kim Loan

    Dốc Tình, thật hấp dẫn tác giả dẫn dắt người đọc thật lôi cuốn từ đầu đến cuối một cách nhẹ nhàng & rất hay! Cám ơn chị Thùy Hạnh lâu lâu được đọc bài chị rất thích!

    Reply
    1. Thuy Hanh

      Mong có dịp ba chúng ta (KL, KC, TH) gặp lại, ăn mì quảng – uống cà phê.
      Mình vẫn còn nhớ KL đã nói họ kho tôm thịt bằng dầu phụng khi mình chưa kịp nhận ra và sau đó thì thấy ngon thật.
      Vui nhiều nhé KL.

      Reply
    1. Thuy Hanh

      Khi đọc được câu “Chị yên tâm nhé! Thương chị nhiều” chị đã thấy tâm mình yên và lòng mình vui. Cám ơn em.

      Reply
  5. phamlehuy

    Hềy… Baloo…
    Một Bông Hồng dành cho Búp – người làm phinh trẻ tuổi tài ba nhứt.
    Baloo làm AD nhớ lại những nhân vật Nụ và Mầm của mình.
    Lại thêm cái băng đô màu tím mua ở tiệm tạp hóa của “ông via bà via” mình bán đủ các cái cho nam phụ lão ấu nữa.
    Lại thêm “…Ớ..lầy…bi don don bi dòn dòn ăn ngon ngon ăn ngọt ngọt…” với lại “Ô..ô…lầy…yến thòn lây…yến thòn là thứ kẹo tơ…”…
    Với lại thêm… nhiều thứ nhớ hoài quá !
    Cám ơn Baloo. Gởi lời thăm Lệnh nghen !

    Reply
    1. Thuy Hanh

      Nghe rao lại hai câu một cách thuần thục là biết ngay hồi đó AD cũng đã nhiều lần “gặp gỡ” ông già bán kẹo. Em đoán đúng, phải không?
      Gửi lời thăm Hải và xin đừng quên là anh chị còn “nợ” Baloo bún cá…Năm 2015 sẽ “đòi” nếu thu xếp được công việc bên này.

      Reply
      1. phamlehuy

        Còn kẹo đậu phộng, kẹo kéo, đậu hũ, chuối nướng, bắp nướng… nữa chi !
        Ờ, thì “nợ”… Muốn nhiu có nhiu !

        Reply
  6. Kim Đức

    Chào Thím Thùy Hạnh,
    Trong đặc san HX, KĐ đã được đọc “Dốc tình” của thím rồi, chẳng dám phân tích truyện của nữ nhà văn Thùy Hạnh, chỉ là một cách đọc riêng của KĐ với “Dốc tình” thôi. Ước gì KĐ viết được như Thím nhỉ?
    Đó là kí ức tuổi thơ, đó là những tháng ngày mới lớn trong khoảnh khắc theo dòng hoài niệm trở về, Thùy Hạnh đã viết bằng giọng văn nhẹ nhàng, đằm thắm, thiết tha, có sức đọng lớn, gợi cho người đọc những rung cảm tinh tế đầy tình yêu thương:” Thời gian trôi lặng lẽ…xuân…hạ…thu…và chỉ mới đầu tháng Mười đã thấy mùa đông thập thò ngoài hiên mỗi khi có tiếng gió lùa qua khe cửa. Có lúc gió thổi ào ào khiến hai cây dừa ở cuối dốc nghiêng ngửa, tàu dừa theo chiều gió xuôi về đầm nước nên thoạt nhìn lá dừa trông giống như những lọn tóc dài bay bay trong khoảng trời mờ mờ màu xám nhạt, đẹp vô cùng” (TH)
    Đọc truyện của TH, KĐ bị lôi cuốn cả hai thứ, lôi cuốn vì TH đã cắt lát những chuyện đời thường một cách nghệ thuật và lôi cuốn bởi giọng văn của nhẹ nhàng, man mắc của TH:”Mỗi khi tháng Mười về Búp có một một mùa đông của riêng mình vì những tháng tiếp theo sau dù trời rét căm căm thì đó là mùa đông chung của toàn thể cư dân trong thị xã. Mùa đông tháng Mười về trên con dốc của Búp luôn có đủ âm thanh của tiếng mưa rơi, tiếng gió thổi, tiếng sóng vỗ để rồi khi chiều xuống cả ba cùng nhau ngân nga nhảy múa trong khung cảnh mờ mờ thoang thoảng chút mùi vị tanh tanh ngai ngái của đầm nước lợ hoang sơ xinh đẹp này” (TH)
    Bằng lối viết giàu gợi cảm, Thùy Hạnh đã khơi lại miền ký ức trong lòng người đọc, KĐ nghĩ ai cũng sẽ nhớ lại một thời: “bi don don bi dòn dòn/yến thòn lây/cuốn sổ cạc-nê/Cuốn vở 200 trang Cyclo Đạp /hủ bùng binh/ những bản nhạc nhà xuất bản Tinh Hoa phát hành…..”, nhớ lại một thời hồn nhiên nhất đã đi qua trong cuộc đời của mỗi người.

    Reply
  7. Kim Đức

    Viết tiếp:
    Dù biết rằng không ai có thể giữ mãi quá khứ, nhưng Thùy Hạnh đã lưu giữ được lại cho mình, cho đời những ký ức thật đẹp được chắt chiu qua “DỐC TÌNH” , giúp chúng ta quay về tìm lại tuổi thơ, tìm lại ta của ngày xưa cũ, tìm lại những kỷ niệm đẹp mà ngỡ như ta đã đánh mất tự hôm nào….” Tất cả đã trở thành quá khứ mà quá khứ thì không có đường về” (TH)
    Giọng văn Thuỳ Hạnh rất nhẹ nhàng nhưng nó đã khám phá thế giới nội tâm của con người:” Trong tâm trạng não nề, cô gái không còn quá nhỏ nhưng cũng chưa đủ lớn để hiểu về cuộc sống nên cô có cảm giác như mình đã bị mọi người chế giễu khi họ nhìn thấy đôi mắt thất thần cùng gương mặt ngơ ngác của cô lúc bất ngờ bị cướp đi bức tranh đầy màu sắc vui tươi mà cô vừa mới vẽ. Trong cơn giận dữ xen lẫn tủi thân cô thấy mình đã bị bạc đãi, đã bị bỏ rơi và cô cho rằng người lớn cùng những chuyện của họ thường có chút gì đó mang tính bất công, giả dối và đôi khi tàn nhẫn. Cô bật khóc. Cô khóc cho sự lẻ loi của mình và cho một chuyện tình không phải của mình” (TH).
    Ngoài ra, Thùy Hạnh còn là một nhà sản xuất phim tài hoa, đã thu hết những khoảng sáng, tối của cuộc đời để truyện “Dốc tình” trải qua nhiều cung bậc của cảm xúc, mang đến cho người đọc những rung cảm đầy thú vị.
    Hay lắm Thím ơi! truyện “Dốc tình” này đã được xuất bản chưa hả Thím?
    Chúc Chú Thím luôn vui vẻ và hạnh phúc. Nhắc lại với Chú là KĐ cám ơn Chú đã cứu KĐ một bàn thua trông thấy tại cuộc họp mặt HX ở SG nhé Thím, mà người hại cháu lại là Bửu Châu. Mong đón đọc những sáng tác của Thím.

    Reply
    1. Thuy Hanh

      Thím thấy truyện của mình có vẻ hay hơn sau khi đọc lời bình của KĐ. Thật đấy!
      Cũng có một chút ưu tư vì người ta thường nói “mẹ hát con khen hay” nhưng bây giờ đã bình tâm lại rồi.
      Không thể chuyển lời cám ơn của KĐ vì thím ủng hộ kẻ đã “hại” cháu. Có một người bạn đời như KĐ thì BC vui và hãnh diện mà niềm vui hay sự hãnh diện thường khó che dấu.
      Thím nói như vậy đúng hay sai cháu cứ hỏi BC sẽ biết.
      Thương mến.

      Thương mến.

      Reply
    2. HN Tín

      Hay quá Kim Đức ơi!Lời bình vừa cô đọng toàn bộ câu chuyện, vừa ngân nga bay bỗng những ngôn từ của riêng Kim Đức làm cho người đọc thấy hay hơn Câu chuyện vốn đã rất hay của Tác giả.Ai mà được Kim Đức bình thật là hạnh phúc.

      Reply
  8. Giáng Hương

    Em lại được gặp cái tủ mẹ bồng con của nhà mình nữa rồi ,đồ cổ nên quý phải không chị.

    Reply
    1. Thuy Hanh

      Thời nay người ta không đóng loại tủ đó nữa. Có một lần ghé thăm nhà kia thấy cái tủ “mẹ bồng con” mừng quá, cứ nhìn hoài. Chủ nhà nói “cô đừng cười nghen, tui muốn bỏ mà bà ngoại mấy đứa không chịu, ngoại nói gỗ tốt…” Chị tiếp lời “gỗ tốt, kiểu dáng xinh đẹp. Đừng bỏ…” Chủ nhà ấp úng “Cô nói xã giao chớ cái tủ quê mùa, cũ rích mà sao cô lại thích…”
      Họ không tin chị nhưng Giáng Hương thì tin, phải không?
      Chúc GH có được nhiều niềm vui và hạnh phúc.

      Reply
  9. Thu Thuyr

    Chỉ trong vòng chưa đầy hai tiếng đồng hồ mà cô đã lần lượt chạm vào khổ đau và hạnh phúc, bắt đầu biết đến thất vọng và hy vọng để rồi chớm hiểu mọi thứ luôn có hai mặt còn thời gian thì không hề ngừng trôi. Cô tò mò muốn biết đoạn đường cô sắp bước tới khi nhận thức được mình vừa bị “trục xuất” khỏi cái thế giới thơ mộng đẹp đẽ của tuổi niên thiếu và kể từ nay nếu có tiếc nuối thì cô cũng chỉ có thể ngoái đầu nhìn lại mà thôi. Tất cả đã trở thành quá khứ mà quá khứ thì không có đường về.

    Nước mắt còn đọng trên mi nhưng môi mỉm cười khi cô nghĩ giờ đây đã có người khen tên mình đẹp là mình đã lớn. Chắc vậy, chắc là đã lớn thật rồi.

    Thoi thieu nu da den voi Bup roi do.

    Reply
  10. NĐD

    ” Dốc tình ” đưa ta trở về những ngày cũ, thuở của cuộc sống hiền hòa và những mối tình nhẹ nhàng, chân thật. Tác giả đã diễn tả rất hay cảnh vật cũng như tâm lý từng nhân vật, lúc nào cũng bàng bạc một không gian êm đềm trong câu chuyện.

    Chúc mừng chị, chúc anh chị nhiều sức khỏe !

    Reply
    1. Thuy Hanh

      Hy vọng năm 2015 sẽ cùng uống cà phê ăn bánh “Bè Nhè” ở quán Ông Già.
      Chúc em và gia đình luôn được an vui – mạnh khỏe.

      Reply
  11. Bích Vân

    Chỉ là một câu chuyện thường ngày xảy ra nơi một con dốc nhỏ với dăm ba nhân vật mà sao cứ muốn đọc hoài và muốn biết kết cuộc ra sao….thật là hay.

    Reply
  12. Thỏ con

    Mợ Thùy Hạnh có lối viết văn rất riêng làm người đọc cuốn theo dòng ký ức đẹp ngọt ngào trong sáng của mợ Hạnh!

    Reply
  13. thuydukhuc

    Văn hay,câu chuyện bình thường chỉ vài nhân vật mà không đơn điệu,phân tích tâm lý nhân vật tỷ mỹ mà không nhàm chán,tác giả ít xuất hiện thường xuyên nhưng mỗi lần có mặt là độc giả được thưởng thức một bửa tiệc hoàn hảo.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.