(Viết tặng vợ chồng Anh Chị Dzũng-Huệ và những người bạn trong nhóm Hoài Việt với tất cả chân thật từ lòng ngưỡng mộ)
Tôi gặp Anh khoảng 20 năm trước tại một buổi tiệc ra trường của con trai người bạn. Năm ấy tôi vừa xong công việc tại Á Châu được công ty đưa gia đình về Mỹ để chuẩn bị cho công tác ở các nước Nam Mỹ, còn Anh và gia đình đã đến định cư ở Mỹ được vài năm. Anh nhận ra giọng “nẫu” của tôi trong buổi tiệc và hỏi thăm, mới biết chúng tôi học cùng trường Cường Để chỉ cách nhau 3 lớp. Ra trường tú tài 2 ban C năm 69, vào Saigon học Văn Khoa vài năm rồi sau đó Anh bị đôn quân đi sĩ quan. Cũng chính thời gian bị “làm lính” này mà sau năm 75 anh “được” cho đi “cải tạo” 7 năm 8 tháng. Ra khỏi nơi đã giam giữ tuổi thanh niên trong hàng rào kẽm và lao động, anh được tha cho về lại thành phố với tâm trạng như lời trong bài thơ Ta Về của Tô Thuỳ Yên:
“Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh…” (Ta Về, thơ Tô Thùy Yên)
Không còn quyền công dân, không công việc làm, anh lang thang như kẻ không nhà. Cuối cùng may mắn anh được nhận vào dạy tiếng Pháp cho một gia đình có rất nhiều con gái và sắp sửa được đi định cư ở Pháp. Cũng chính nhờ công việc này, Anh được gần gũi Chị, như lời bài thơ:
“Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà, bụi chuối thức thâu đêm…” (Ta Về, thơ Tô Thùy Yên”
Và từ “thềm nhà, bụi chuối” ấy họ đã yêu nhau mặc cho gia đình không đồng ý, vì nếu Anh Chị lấy nhau Chị sẽ ở phải lại Việt Nam với Anh, không đi Tây với gia đình. Hơn nữa thời buổi ấy ai dám gả con gái cho người không có tương lai, mất quyền công dân, một tội phạm như Anh. Nhưng chính cái quyết định hy sinh “ngông cuồng” dám lấy Anh, Chị đi qua Mỹ cùng Anh theo diện HO vài năm sau đó, trong khi cả nhà vì trục trặc giấy tờ không ai đi Pháp.
Tính ra thời Anh Chị lấy nhau và lên Bình Dương phá rừng làm rẫy thì năm 90 tôi đã thường có mặt ở Việt Nam làm công việc giúp đỡ và chuyển giao kiến thức cho nông dân Việt Nam cách bảo vệ hoa màu và giúp các nhà máy lọc đường, nhà máy xử lý nước với những công nghệ mới. Thời đó Mỹ còn cấm vận Việt Nam, tôi phải xin phép được chuyển giao công nghệ qua chương trình nhân đạo của Liên Hiệp Quốc để được ra vô Việt Nam mà không phạm luật. Từ những năm này, Việt Nam vừa mở cửa, tôi trở về quê nhà để thực hiện giấc mơ từ thuở còn chăn bò trên cánh đồng khô là mai kia có dịp sẽ giúp cho nông dân trong nước những gì mình học hỏi được. Đó cũng là lý do khi qua Mỹ, tôi bỏ không theo học nghành Y mà đi theo nghành Hóa, và đi làm cho công ty chuyên nghiên cứu hóa chất cho nông nghiệp. Bao nhiêu năm làm trong phòng thí nghiệm, ra thực tế ngoài nông trường, tôi đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm từ khắp nơi trên thế giới và có dịp đem về quê nhà truyền lại. Từ cách trồng nho sai trái ở Chí Lợi, cách trồng lúa trên triền núi ở Bali, cách làm đường mía giá thấp ở Brazil…tôi đã học được và đem những kinh nghiệm này chia xẻ với nông dân Việt từ Nam ra Bắc. Phần Anh, trong một bài luận văn sau này đứa con gái tên Tina của Anh viết cho lớp tiếng Anh mà tôi đọc được và hiểu thêm về những ngày đói khổ, chạy gạo từng bữa của gia đình Anh ở quê nhà như thế nào. Cháu viết tả lại cảnh bố con chở nhau trên xe đạp mà trời mưa như trút nước. Cháu nói lúc đó thấy bố khổ, đứa con gái bị mưa ướt lạnh run cũng ráng an ủi người Cha: “Ráng lên Bố, mai mốt qua Mỹ Cha con mình sẽ được ngồi xe hơi, không còn bị mưa ướt nữa”.
Gia đình Anh qua Mỹ, dĩ nhiên là không còn đội mưa như xưa ở quê nhà nữa nhưng phải đội và gánh bao nhiêu nỗi khó khổ của người đến Mỹ muộn và mọi thứ phải làm lại từ đầu. Không còn trẻ để đi học lấy bằng Đại Học lại, lo cho gia đình nhiều miệng ăn, nhưng không vì thế mà Anh Chị ngừng tiến thân. Chỉ trong một thời gian ngắn, Anh Chị mua được nhà ở khang trang, con cái học hành giỏi, và trong sâu thẳm có thể ngẩng cao đầu đi tới và mãn nguyện về những thành qủa mình thâu lượm được. Trong khi đó nơi quê nhà còn biết bao nhiêu người đói khổ, bất hạnh, kém may mắn, lê lết qua ngày không có tương lai. Khác với những người đã bị bạc đãi trong qúa khứ, Anh không bao giờ nuôi trong lòng mối hận cũ khi nói về nơi ấy. Với Anh, ở đó là quê hương với mồ mả ông bà, với bao người thân, bè bạn, và còn rất nhiều người dân cùng khổ. Anh đi xa quê bao năm mà lúc nào cũng hướng về quê: Quảng Trị nơi Anh sinh ra và Qui Nhơn nơi Anh lớn lên. Bạn bè Anh còn đó, ngôi trường xưa cũng còn đó. Mỗi lần nghe tin người bạn nào ở quê nhà có chuyện không may Anh liền vận động bạn bè khắp nơi đóng góp giúp đỡ. Với Anh tình bạn, tình quê là những gì thiêng liêng qúi gía nhất, không phải vì xa cách mà quên hay đánh đổi được. Người con trai học giỏi toán năm nào từ Pleiku nhưng vì yêu văn chương thi phú nên xin vào học lớp ban C ở Qui Nhơn, nên tâm hồn Anh rất lãng mạng, dễ xúc động và cũng dễ mủi lòng. Nghe ai nói về một trường hợp đáng thương nào là Anh biết phải làm gì để giúp.
Tôi nhớ lại năm 2004, sau chuyến về thăm nhà dịp Noel, có ghé thăm vùng “đồng chua nước mặn” Cần Đước, với Sơ Vân của Giòng Chúa Vinh Sơn Bác Ái, nơi vợ chồng tôi có giúp tiền cho hàng trăm đứa em gái nhà nghèo được đến trường. Cần Đước là một nơi cách Saigon không xa qua đường chim bay, nhưng muốn đến đây phải qua mấy lược phà. Có thấy tận mắt nơi này mới biết địa ngục không ở cách xa thiên đường là mấy. Một vùng đất không có công việc để làm vì không có nước ngọt sạch để sinh hoạt. Một Linh Mục trẻ đưa chúng tôi đi xem bao nhiêu giếng nước đào lên chỉ có nước ngầm nhiễm mặn. Người dân nghèo phải vào Saigon làm thuê, đám con được ông bà nội trông coi. Con trai thì được đến trường, con gái ở nhà, không biết đến sách vở, con chữ là gì. Về lại Mỹ, chúng tôi kêu gọi bạn bè thân hữu tiếp tay giúp các em gái có phương tiện được cắp sách. Nhìn những tấm hình chụp những căn nhà tranh vách lá trống rỗng không có lấy một cái ghế để ngồi mà trên tường dán đầy những bằng khen học giỏi, ai không khỏi động lòng. Qúa xúc động, Anh hăng hái tiếp tay với chúng tôi và mạnh mẽ kêu gọi bạn bè đóng góp, để ngân qũy có tiền giúp thêm nhiều em nữa. Cầm trong tay một số ngân phiếu của bạn bè gởi cho chưa được bao lâu, vợ chồng tôi nghe tin là nhóm bạn vừa mới gởi tiền cho đã “bí mật” họp với nhau và lên án vợ chồng tôi và Anh đã lợi dụng tình bạn thân dám làm việc tày trời “lấy tiền việt kiều, nuôi con việt cộng” . Chúng tôi nghe được, thấy buồn và tiếc cho những nhận xét thiển cận của họ. Gởi trả hết lại cho từng người những tấm ngân phiếu chưa bỏ vào qũy cho nhẹ lòng. Từ đó, Anh Chị và vợ chồng tôi xa dần những người không còn được gọi là bạn nữa và âm thầm làm việc này mà không dám ngửa tay xin ai. Những kinh nghiệm đáng buồn như thế không làm chúng tôi nhụt chí, chỉ làm cho mình thêm tin tưởng vào công việc mà ít ai muốn làm này. Công việc mà chúng tôi thường hay nói đùa với mọi người là “ăn xin để cho ăn mày”. Có những người ra đi khỏi quê hương, họ không còn muốn nhắc nhớ gì về nơi chốn ấy. Với họ ở đó là nỗi ám ảnh, có đầy những kinh nghiệm đau thương, tủi buồn, thù hận. Họ chỉ muốn quên và muốn chôn nó vào nơi không bao giờ nghĩ đến nữa. Tôi gọi nước Mỹ là nơi tạm dung, họ gọi là quê hương. Tôi nói mình đang ăn nhờ ở đậu đất người ta, còn họ thì bảo đây mới chính là đất nước của họ. Có nói chuyện với nhau thì cũng chỉ quanh quẩn chuyện nhà người này nhỏ, nhà anh to, xe cô đẹp, lương ông cao…còn ai nhắc đến hai chữ Việt Nam là họ chụp cho cái nón cối lên đầu.
Với cá nhân tôi, từ ngày vào Đại Học, từ Việt Nam qua Mỹ, đã nhận được bao nhiêu giúp đỡ từ nhiều nhà hảo tâm, những chương trình học bỗng, nên may mắn học được đến nơi đến chốn. Vì thế, mỗi lần thấy mấy em ở quê nhà thất học chỉ vì không đủ tiền, tự nghĩ đến bản thân mình năm xưa nếu không được giúp đỡ thì có khác gì các em hôm nay. Thế nên có làm công việc “ăn xin” để giúp các em, cũng chỉ là công việc trả lại những ơn nghĩa mình đã nhận được. Đối với Anh, người ít được may mắn vì trải qua nhiều nghịch cảnh, nhưng Anh vẫn thường tự nhận mình là người may mắn nhất đời. Anh thấy gia đình mình “còn có phước” hơn nhiều người khác nên làm việc từ thiện để giúp đỡ phần nào những hoàn cảnh khó khăn Anh không bao giờ thắc mắc. Anh luôn hăng say, có lúc rất năng nổ trong những bước đầu để kêu gọi mọi người tiếp sức. Khi gặp khó khăn, Anh luôn động viên tinh thần mọi người. Anh thường nói, được có cơ hội giúp người là vui rồi. Đúng như Anh nói, chúng tôi thường quan niệm rằng “được cho thấy hạnh phúc hơn được nhận”. Cũng như câu nói của người Mỹ, một dân tộc luôn giúp đỡ những dân tộc khác, là “giving is receiving”. Cái mình cho là vật chất lấy từ trong túi ra, cái mình nhận được là nụ cười đến từ đáy lòng của họ .
Năm ngoái, Anh có đề nghị với vợ chồng tôi xin đóng góp từ những thân hữu để gây một qũy học bỗng giúp cho một số em nhà nghèo, học giỏi ở quê nhà nhưng không đủ tiền vào đại học. Lúc nghe Anh đề nghị tôi thấy hơi xấu hổ vì Qui Nhơn là nơi tôi sinh ra còn với Anh đây là nơi anh chỉ đến trọ học trong 3 năm. Tôi là người con bản xứ, còn Anh là người có quê ngoài Quảng Trị, mà chính Anh lại quan tâm với những đứa em ở đây nhiều hơn tôi. Nhớ lại cách nay chừng 10 năm tôi có đề nghị một hội đoàn cựu học sinh Qui Nhơn sinh hoạt rất mạnh ở Mỹ về một học bỗng tương tự, nhưng họ nói tôi làm việc không công. Thay vì trích một ít số tiền làm báo hàng năm, tiền chi phí cho những lần họp mặt ăn uống phủ phê ở nhà hàng sang trọng, thì ta dành cấp học bỗng cho một số em nhà nghèo từ ngôi trường cũ. Không đồng ý với đề nghị này, ban tổ chức còn cho rằng những gì tôi muốn làm là “tự gánh họa vào thân”. Họ vẫn gặp nhau thường niên, vẫn ca hát ăn nhậu với nhau, và vẫn nói đến tình đồng môn, nghĩa thầy trò với nhau đấy. Nhưng tình nghĩa nào thực tế hơn khi ta bỏ ra vài trăm đô giúp cho những người trẻ thế hệ sau đang “mài đít quần” trên cùng ngôi trường thân yêu đó đi được trên con đường ta đã đi qua. Rồi biết đâu trong số những em đó sẽ có vài em trở thành một TS Dương Văn Qủa nổi danh trong nghành sinh hoá ở Nhật hay một TS Trần Trí Năng có những đóng góp to lớn cho nghành IT ở Mỹ. Tình thương người không có biên giới, lại càng không có ý thức hệ. Ai đến trường cũng để học nhân nghĩa lễ, học những bài học tình thương, không ai đến trường để được ươm cho mầm thù hận cả. Điều chúng ta không làm được trong qúa khứ, các em sẽ có dịp làm ở tương lai. Nhưng muốn những ước mơ đó thành hiện thực, các em phải được học, được hướng dẫn thành người hữu dụng. May mắn có được qúi Chị trong nhóm Hương Xưa giúp sức, qũy học bỗng của thân hữu Hoài Việt năm đầu tiên đã được đưa đến tận tay những em học sinh ở Qui Nhơn xứng đáng cần giúp đỡ nhất đã được thành công tốt đẹp.
Cũng vì muốn nhiều người cùng góp tay, góp sức làm công việc từ thiện này nên Anh và chúng tôi cùng một nhóm bạn trẻ đã thành lập ra nhóm trẻ sinh hoạt có tên Hoài Việt. Không chỉ có người lớn làm việc này mà chúng tôi tạo cơ hội cho thế hệ trẻ ý thức vai trò của mình và cùng làm. Sống xa quê hương, trên một đất nước nhìn chung quanh không nhiều người cùng màu da, màu tóc, chúng tôi muốn các em không cảm thấy lạc lõng ở xứ người. Các em có một nơi gọi là quê hương đẹp xinh để hướng về và một dân tộc có một bề dày lịch sử để hãnh diện. Các em cần biết là tại sao các em ở đây và những điều cần phải làm để tiếp nối truyền thống yêu thương, đùm bọc, và bảo vệ người đồng hương với nhau. Đóng góp công của làm việc từ thiện để cho các em thấy những trẻ em ở quê nhà cùng lứa tuổi nhưng không cùng cảnh ngộ. Chia xẻ cái mình có dư cho người đang thiếu không phải là việc làm bố thí mà là một nghĩa cử đáng ca ngợi. “Sharing is caring”, chia xẻ là cách hay nhất cho người khác biết là chúng ta rất quan tâm đến họ. Có gặp gỡ và làm việc chung với nhau, các em mới thấy qúi tình đồng hương và ý nghĩa của hai chữ đồng bào. Số người Việt ở Mỹ ngày càng đông hơn lên, chúng ta tập họp thành một cộng đồng mạnh ở bên ngoài đất nước. Giúp đỡ cho đồng bào nghèo khổ, kém may mắn ở quê nhà không phải làm việc ban ơn, ban phước mà là một công việc chia xẻ tấm lòng rộng lượng và cao cả. May mắn là chúng tôi tìm thấy ở Anh và các bạn cùng chung một quan điểm và suy tư nên làm việc với nhau rất dễ trong những công tác từ thiện và công việc xây dựng cộng đồng.
Nhớ lại lần mới gặp Anh, tôi có tâm sự rằng ở đây tuy có nhiều người Việt nhưng tôi cảm thấy rất cô đơn. Cô đơn không phải không có người để uống rượu, tán gẫu, để vui khi cần, nhưng cô đơn vì không có người hiểu mình và chia xẻ những điều mình nghĩ. Gần đây chúng tôi rất may mắn có được những người bạn rất dễ gần, có suy nghĩ giống nhau, cùng chí hướng và cùng nhau làm những công việc từ thiện chung. Thấy Anh Chị nhiệt tình sẵn sàng mở hầu bao cho bất cứ tổ chức nào kêu gọi đóng góp, có người hỏi tôi chắc Anh Chị có cuộc sống đầy đủ lắm thì phải. Tôi bảo Anh Chị giàu tiền thì không nhưng giàu tình thì có. Câu nói ấy rất đúng với hoàn cảnh và những tấm lòng của tất cả anh em trong nhóm Hoài Việt. Trong những buổi dạ tiệc gây qũy, chúng tôi dù là người trong ban tổ chức cũng phải mua vé tham dự như mọi người. Số tiền thâu được sau khi trừ đi chi phí, còn lại bỏ vào qũy để khi nào có nơi cần giúp đỡ thì góp một phần nhỏ để cho những người trong cuộc thấy họ không cô đơn, bị bỏ quên bên lề cuộc sống. Ở hải ngoại cuộc sống tương đối đầy đủ, thanh bình, nhưng nhìn về quê hương nơi chúng tôi sinh ra và lớn lên thấy còn qúa nhiều hoàn cảnh rất đáng thương. Bề trái của những hào nhoáng nhà cao, xe đẹp là những mảnh đời bất hạnh ngụp lặn trong bóng tối mà ánh sáng văn minh chưa rọi tới. Đó là nơi những em bé học sinh 7 tuổi xa nhà phải tự nấu cơm ăn với muối, tối ngủ trên nền đất ở Tây Trà Quảng Ngãi. Cũng là nơi mà hàng trăm em trai gái bị bệnh tâm thần, sống chen chúc, không thuốc men, không nước ấm để tắm trong mùa đông tại trại Trọng Đức, Lâm Đồng. Còn bao nhiêu trại nuôi trẻ em mù, câm, điếc như trại ở Bình Thuận sống nhờ từng đồng tiền giúp đỡ đến từ những tấm lòng ở nơi rất xa. Nhìn những em nhỏ sống vất vưởng qua ngày trong những nơi như thế này ở quê nhà rồi nhìn đến những đứa trẻ lớn lên ở Mỹ chưa biết đọc mà đã có Ipad, Iphone để chơi, qủa thật cuộc đời qúa đỗi bất công.
Không thay đổi được định mệnh, cũng không mong thay đổi được xã hội, chúng tôi chỉ muốn giúp để thay đổi vài hoàn cảnh đáng thương. Chúng tôi tha thiết và cầu mong qua những việc làm nhỏ của nhóm sẽ giúp thay đổi quan niệm và cái nhìn của một số người đối với những người đồng bào kém may mắn. Một người bạn trong nhóm Hoài Việt thường tâm sự: “Chúng tôi đến nhà Thờ nghe giảng về bác ái, tình thương hàng tuần. Nhưng đến khi có việc cần giúp đỡ thì một xu họ cũng không chịu bỏ ra…” . Có dịp đến những ngôi Chùa trong vùng khi có tượng Phật làm bằng ngọc đem về cúng bái tôi mới biết những số tiền lớn phật tử bỏ ra mua nhang đèn và cúng dường nhiều đến mức nào. Tiền quyên được từ bá tánh dùng để xây Chùa to lớn hơn, trong khi bao nhiêu phật tử ở quê nhà không có nơi khang trang để tu, nói gì đến có Phật ngọc để lạy.
Mọi người trong nhóm rất vui vì bây giờ không phải chỉ có Anh, có tôi mà chúng ta đã có nhau, có thêm những tấm lòng vàng không dễ tìm trên xứ người này. Cảm ơn Anh đã cho tôi thấy được nghị lực phấn đấu từ ý chí vươn lên và niềm tin vào việc làm lành, phục vụ đức tin cao cả.
Cảm ơn những người bạn đã cho tôi sống vui và làm việc bên cạnh các bạn, những người lặng lẽ hy sinh, âm thầm làm những điều phải. May mắn thay chúng ta còn có nhau. Từ những giòng chữ trên, tôi chỉ mong một điều duy nhất là kể cho người đọc nghe về những câu chuyện đời thường, thật cảm động mà tôi được biết.
Horsham, 14 tháng 10, 2014{jcomments on}