Đèo Bà Nam – Phù Mỹ (nhìn từ hướng đông)
Về quê Ngoại là niềm ấp ủ trong tôi từ lâu lắm. Anh chị em tôi được sinh ra và lớn lên ở Hội An – Quảng Nam vì ba tôi làm việc ở đó. Chúng tôi chỉ biết quê nội, quê ngoại qua lời kể của Ba Má và trong tờ khai lý lịch cá nhân là thôn Cát Tường, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ. Thời chiến tranh không dễ dàng đi lại, sau ngày giải phóng, nhà bị mất, kinh tế khó khăn, căn bệnh thần kinh của Má ngày càng nặng hơn, trí nhớ chập chờn, mọi chuyện trong quá khứ và hiện tại đôi lúc lẫn lộn trong tâm trí và lời nói của Má. Rồi một ngày, bỗng dưng Má bỏ nhà đi, tôi nhớ lúc đó là ngày đầu hè năm 1976. Còn Ba, sau thời gian học tập cải tạo, một mình Ông lo cho năm anh chị em chúng tôi tiếp tục ăn học, nỗi buồn cộng với sự nhọc nhằn mưu sinh đã làm cho người đàn ông trí thức đã từng “vang bóng một thời” sức khỏe ngày càng xuống dốc nhanh chóng.
Cuối cùng Ba cũng bỏ lại anh chị em tôi giữa dòng đời dâu bể sau một cơn bạo bệnh để về với cát bụi mang theo lời hứa là sẽ dẫn chúng tôi về quê cho biết cội nguồn. Tôi biết đó cũng là ước mong của Ba. Sau này lập gia đình, nhân tiện chồng tôi được cơ quan cử về chỉ huy thi công đường giao thông Tân Phụng – Mỹ Thọ, tôi theo anh về quê Nội vì tôi còn có người chị cùng cha khác mẹ và các chú ở đó.
Ngày đó, tôi không có quê ngoại trong ký ức mà chỉ có trong tâm tưởng. Tôi nghe chú tôi nói quê ngoại và nội ở cạnh nhau, nội ở xóm Đồng Quảng, ngoại ở xóm Đồng Méc. Biết vậy, nhưng có về cũng chẳng ai biết tôi, mà tôi cũng chẳng biết ai, các anh chị con cô, con cậu thì làm ăn, sinh sống ở xa, có người chúng tôi còn chưa biết mặt nhau. Má tôi bệnh hoạn, buồn vui lẫn lộn nên Má không hề khắc khoải khi chưa một lần về lại quê hương. Tôi thương Má nhiều lắm, và tự hứa trong lòng dù chưa một lần về quê ngoại nhưng mãi mãi tôi sẽ yêu thương xóm Đồng Méc nơi chôn nhau cắt rún của Má, nơi Má đã cất tiếng chào đời và lớn lên bằng lời ru nồng nàn của Ông bà Ngoại cùng tình yêu thương của các Cậu, các Dì…
Hôm tôi được người anh họ điện thoại cho biết là sắp đến các anh chị em cùng các cháu ở Sài Gòn, Huế và hải ngoại sẽ về thăm viếng quê hương, mừng quá, tôi nói với anh họ ước muốn lâu nay của tôi về quê ngoại một lần cho biết. Không phải xa xôi gì mà tôi không về được nhưng về cùng các anh, chị thì bà con trong họ tộc mới biết tôi và tôi mới biết được tường tận về quê ngoại với dấu xưa tích cũ. Tôi không có những tháng ngày thơ ấu ở Cát Tường – Mỹ Thọ nên không có nỗi niềm thương nhớ về ký ức tuổi thơ, nhưng đơn giản một điều tôi yêu quê ngoại bởi tôi thương Má lắm, bởi nơi đó Má được sinh ra, nơi đó Ngoại đã dắt Má bước đi những bước chập chững vào đời giống như Má đã từng dìu dắt tôi vậy. Tội cho Má tôi là không được may mắn như người khác, hơn nữa, tôi tin như có sợi dây huyết thống níu kéo tôi về với cội nguồn như lá rụng về cội.
Lần đầu về quê ngoại vào tuổi hoàng hôn, tôi cũng tự buồn trách mình, nhưng biết làm sao được khi cuộc sống những ngày còn trẻ của tôi là những năm tháng quay quắt với dòng đời đầy nghiệt ngã. Giờ đây, trên chuyến xe về nguồn đầy yêu thương, nhìn anh chị em và các cháu chào hỏi nhau vui vẻ, hạnh phúc trong tôi như vỡ òa, cảm giác như vừa tìm được chốn bình yên. Tôi thấy mình trẻ lại, thời gian như ngừng trôi, trong khoảnh khắc hạnh phúc ấy, tôi nghĩ tội cho Má quá, rời bỏ quê hương theo chồng đi lập nghiệp từ tuổi thanh xuân, rồi mắc chứng bệnh thần kinh năm 40 tuổi, những khoảnh khắc Má cho là hạnh phúc thì tim tôi như quặn thắt. Bây giờ Má đã gần 90, đôi mắt mù lòa từ hơn mười năm, có lúc Má nhớ mình có một miền quê ngọt ngào nhưng chẳng bao giờ thèm nhắc đến, thích thì Má nhớ người này, người nọ, không thích thì má nói họ chết hết rồi. Tối hôm qua, tôi nói với Má:”ngày mai con về quê Ngoại nè! quê của má đó, nhớ không? Má la ó om sòm: ”Tao làm gì có quê mà về, nhà tao là đây! quê tao là đây!“, nhưng sau đó má lại nói: ”Ở Đồng Méc bây giờ còn ai không?”. Nhớ – quên – mù lòa…. biết đâu đó cũng là cách làm cho Má không thấy những mặt trái của xã hội, quên đi những ký ức đau buồn, không cần nghĩ đến những ảo vọng ngày mai và sẽ có một ngày…. Má đi thanh thản mà không hề luyến tiếc cuộc đời này.
Trời hôm nay đẹp hơn mọi ngày, cái nắng nóng đã dịu đi nhiều, không khí trên xe vừa vui vẻ vừa ấm áp với những tiếng cười, nói rộn rã làm tôi nhanh chóng quên đi mọi ưu tư và mệt mỏi hàng ngày của đời cơm áo. Khi xe gần đến đèo Nhông, Trưởng tộc giới thiệu về nguồn gốc tổ tiên họ Nguyễn cho anh chị em và con cháu trong đoàn biết, như thước phim quay về quá khứ. Bây giờ thì tôi mới biết Ông Tổ Nguyễn tộc từ miền Thanh – Nghệ vô lập nghiệp ở vùng Mỹ Thọ – Phù Mỹ vào cuối thế kỷ 18. Thuở ban đầu, không có ruộng vườn, đất đai, phải làm nghề tiều phu ở vùng đèo Bà Nam bây giờ, hàng ngày đốn củi ra chợ bán cho dân cư làng Mỹ Thọ. Trong khi chờ phiên chợ nhóm họp, ông thường xin tá túc lại nhà một người dân trong vùng, do tính tình hiền lành chất phác nên ông được chủ nhà cảm mến và gả con gái cho. Từ đó về sau con cháu tiếp tục khai phá núi đồi, tích góp mua ruộng vườn, chuyển dần xuống ở xóm Đồng Méc và định cư đến sau này. Đèo Bà Nam cũng được mang tên một bà tổ Cô trong họ tộc.
Một người anh họ bỗng cất tiếng hát bài “Làng Tôi”, hình như anh cũng xúc động nên hát phiêu lắm, anh xúc động bởi ký ức tuổi thơ của anh chợt ùa về khi chiếc xe băng băng trên đường, ngang qua những đám ruộng khô cằn bởi cái khắc nghiệt của nắng nóng, con mương thủy lợi nước đã cạn kiệt từ bao giờ, đồi núi quanh co như ôm lấy những kỷ niệm thời thơ ấu. Còn tôi với một cảm xúc trào dâng là lần đầu tiên được về quê Ngoại.
Trên con đường bê tông từ đèo Nhông đi Mỹ Thọ qua đèo Bà Nam để về nhà thờ Tổ, về lại xóm làng xưa, hai bên đường những đám ruộng lúa đã héo khô vàng úa vì thiếu nước, mặt ruộng khô cằn, nứt nẻ, thật tội nghiệp cho thân phận cây lúa, cũng thăng trầm, được mất, cũng mong manh trong cái vũ trụ bao la, nó đã bất lực, không tìm được cho mình một sự sống vì thời tiết nắng nóng hạn hán kéo dài. Xe dừng lại bên đường để cả đoàn thắp nhang cho vong hồn Cậu Bốn. Bây giờ tôi mới biết rõ lai lịch về ông Cậu của tôi, tôi bàng hoàng khi thấy anh em trong đoàn đi tìm nơi được xác định là Cậu Bốn chết, nghe mấy anh chị nói là phải nhờ nhà ngoại cảm thì mới biết được nơi này. Dẫu biết cuộc đời này là sinh, trụ, hoại, diệt, nhưng cái chết của Cậu thật oái oăm, tôi thương cậu quá! con cháu biết ngày cậu đi đến cõi nhân gian mà không biết đích xác ngày Cậu trở về…. Vợ cháu Quân trải tờ giấy nhỏ, đặt bánh, hoa và đốt nhang, Sư Cô Hạnh Nguyên (con dâu của Cậu Bốn giờ đã xuất gia) lạy Phật, khấn vái, cầu nguyện cho linh hồn Cậu được siêu thoát. Sư Cô nói không cần thật chính xác nợi cậu bị giết, đặt hương hoa nơi này cúng cũng được. Một chút ngậm ngùi trong tôi…. có lẽ Cậu đã đi vào cõi hư vô trong niềm uất nghẹn…. Tội nghiệp cho hai đứa cháu tôi dẫn đi theo, nó cứ hỏi sao phải tìm chỗ Ông Bốn chết, mấy cháu nhỏ quá, tôi chỉ biết nói: ”chiến tranh mà con, lớn lên con sẽ hiểu”
Xe đưa cả đoàn về đến xóm Đồng Méc, thôn Cát Tường. Quê Ngoại của tôi đây, chưa một lần đặt chân đến vùng đất này bao giờ nhưng sao trong tôi là cả một khoảng trời yêu thương. Xuống xe, cả đoàn đi bộ, ngang qua nhà từ đường của một tộc họ Nguyễn nhánh khác, ngôi nhà to lớn được xây dựng kiểu biệt thự, cổng ngõ uy nghi, có lẽ ngôi nhà này to nhất xóm. Tuy chi phái tộc họ tôi không có nhà thờ họ to lớn, nhưng trong tôi chẳng có một chút chạnh lòng, tôi vẫn tự hào về tộc họ của mình. Con cháu Ông Ngoại tôi học hành rất giỏi giang, phần lớn lập nghiệp tại Sài Gòn, một số ở các tỉnh phía Nam và ở hải ngoại, điều kiện làm ăn ở xa nên không có người thân ở đây để coi ngó, chăm sóc nhà thờ họ.
Chúng tôi theo chân Sư Cô Hạnh Nguyên vào thắp nhang ở bàn thờ tổ, được nghe giới thiệu về một số bà con trong tộc họ đang sinh sống tại đây, rồi cả đoàn cùng bà con trong tộc họ dùng bữa cơm trưa đầy tình thân gia tộc. Chúng tôi hàn huyên, tâm sự đủ điều, kể cho nhau nghe về lai lịch, rồi mừng vui khi nhận ra con người này, cháu người kia, thăm hỏi nhau về cuộc sống. Qua bữa cơm trưa thân mật đầy ý nghĩa này đã làm cho tình cảm gia tộc như xích lại gần hơn, sao nhìn ai tôi cũng thấy đáng yêu quá đỗi, một người tôi gọi là cô họ, hỏi tôi: “Má ở trỏng cũng hẳn hé con”, tôi nói: ”Dạ, Má cũng khỏe cô, chỉ tội là bị mù hơn 10 năm nay rồi, nhưng Má con nhạy lắm, nghe giọng nói cũng đoán được là ai”, cô nắm lấy tay tôi rồi suýt xoa: “Dẫy na”, giọng xứ Nẫu chân chất, mộc mạc nhưng ấm áp tình người. Ăn cơm gần xong, giai điệu nhạc karaoke vang lên làm tôi chợt nhớ đến bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
“Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu
Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau
Trái tim cho ta nơi về nương náu
Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều”
Tôi chưa từng sống ở vùng quê nên chưa cảm nhận hết mọi thứ xung quanh như mùi hương của đất, mùi thơm của rơm, rạ. Chưa từng sống ở đây nên tôi cũng không biết quê Ngoại giờ đây đã thay đổi như thế nào, nhưng trong tôi cảm nhận được một tình yêu chân thành, mộc mạc, hiếu khách của người bà con ở đây. Tuy cuộc sống của họ có vẻ khắc khổ, lại thêm thiên nhiên khắc nghiệt, nhất là mùa nắng hạn vừa qua, nhưng khi gặp mặt họ hàng, bà con, tôi thấy trong ánh mắt ai cũng hiện lên một nỗi vui mừng, hình như ngoài những lo toan cơm áo, mỗi người mỗi phận đời không giống nhau, cuộc mưu sinh khác nhau nhưng tôi nghĩ tất cả họ đều có mong muốn chung là: “sống để yêu thương nhau”
Ăn xong, tôi rủ chồng đi dạo quanh trong xóm để chụp hình, ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của lần đầu tiên về quê ngoại. Tôi định chụp hình trên đám đất khô cằn đang trồng đậu bắp cạnh con đường đi, một người đàn ông cũng trạc tuổi chồng tôi nói: ”Ra chỗ nền nhà cũ chụp mới ý nghĩa chứ chụp ở đây làm gì”. Qua tìm hiểu tôi mới biết đó là nền nhà cũ của cậu Bốn, nghe kể lại là anh Lệ đã nhiều lần về quê đặt vấn đề với thôn, xã xin lại nền nhà cũ của Cha Mẹ anh để xây dựng nhà từ đường nhưng không được địa phương chấp thuận. Anh Lệ cũng đóng góp và làm từ thiện ở quê nhà nhiều lắm. Biết làm sao được khi ta muốn sống tốt nhưng cứ bị dòng đời xô đẩy. Nghĩ đến Cậu Bốn tôi lại thấy thương cho Ba Má tôi nhiều hơn nữa, Ba tôi đến ngày nhắm mắt xuôi tay, nhà còn đó nhưng cũng không để lại cho con cháu được.
Nhìn lại xóm làng một lần nữa rồi tôi cũng bước lên xe, chiếc xe lăn bánh bỏ lại đằng sau những bụi mờ cùng một khoảng trời yêu thương của miền quê nghèo với những người bà con hiền lành, chất phác. Tôi cũng đã từng ước mơ làm gì để khi về quê hương cùng chia sẻ với bà con, họ hàng những khốn khó trong đời, để cho Ba tôi nơi bên kia thế giới sẽ mỉm cười mãn nguyện, cho Má được vui trong trí nhớ xa… gần…… Nhưng cuộc đời đã tát vào tôi những cái tát đớn đau, nghiệt ngã. Nhiều lúc ngã quỵ, tôi đã cố gắng đứng lên, cơn giông bão cuộc đời đã cuốn lấy tôi rồi quăng ra xa giữa dòng đời dâu bể, xô ngã mọi ước mơ và hoài bão của thời mới lớn. Tôi mệt mỏi, cho đến một ngày…. tôi gọi là “duyên”, tôi vịn vào triết lý Phật giáo để đứng lên mà không bị ngã quỵ, từ đó tôi đã hiểu đâu là nguyên nhân của mọi sự khổ đau, và cũng từ đó, giữa tôi và cuộc đời này chẳng còn gì để hận thù nhau nữa.
Cả đoàn đã về đến Qui Nhơn, chiếc xe chạy chậm lại đi qua phố biển và dừng trước quán bún cá cũng là lúc những vạt nắng chiều cuối cùng sắp tắt. Ăn bún cá xong, chúng tôi chia tay nhau tại đây. Chuyến về nguồn đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc, có lẽ là do lần đầu tiên về quê Ngoại. Bây giờ tôi đã biết xóm Đồng Méc – Cát Tường, nơi có dòng sữa ngọt ngào đã nuôi Má với một tình yêu diệu vợi. Thương Má, thương quê Ngoại và thương cuộc đời này, tôi sẽ đưa các con, cháu về quê nhiều hơn, có lẽ vì…..”Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” (Mưa Hồng – Trịnh Công Sơn).
Kỷ niệm lần đầu tiên về quê Ngoại
Qui Nhơn, ngày 19 tháng 7 năm 2014
Kim Đức{jcomments on}