Tác giả: Huỳnh Thị Thùy Hạnh
Năm ngoái bà Chín, mẹ con Nếp cho cô Lài người cùng quê vô ở nhờ để đi học may nhưng chỉ vài tháng sau cô gói ghém đồ đạc lặng lẽ chuyển đi nới khác. Nghe nói cô yêu anh Bản người đang ở trọ nhà ông bà Tiêu đầu xóm nhưng anh Bản không hề quan tâm đến cô. Cô thất tình, cơm không muốn ăn nước không muốn uống thì dù nhỏ như cây kim mảnh như sợi chỉ cô cũng không thể cầm nổi thì may với vá làm chi nữa.
Cô Lài đi bà Chín cho hai chị em con Sáu con Bảy thế chỗ. Hai đứa này là con gái bà Tư Chòi, chị em bạn dì của ông Chín, người chồng quá cố của bà. Con Sáu theo học nghề uốn tóc còn con Bảy thì học ngang lớp con Nếp nhưng khác trường. Con Sáu con Bảy không “sắc nước hương trời” nhưng làn da trắng mịn của con gái xứ dừa khiến ai cũng muốn ngắm nhìn. Phải rồi, cả huyện bạt ngàn dừa là dừa, đi ngang đi dọc đi qua đi lại gì cũng đều được hàng vạn tàu dừa che bóng thì nắng nào giáp mặt. Anh Phúc công nhân hãng bia BGI, anh Nhã thợ tiện thì chú ý đến cô “uốn tóc” còn mấy thằng nhóc cỡ thằng Sửu đang còn đi học thì chăm chăm vào cô em. Hai chị em biết mình được mấy chàng trong xóm bàn tán dữ nhưng trước khi xa nhà họ đã được mẹ căn dặn: con trai thành phố “ghê” lắm nên phải tránh xa. Khi được hỏi “ghê” chuyện gì thì mẹ nói chuyện gì cũng “ghê” hết. Mẹ còn nói chị học xong ra nghề nán lại làm cho chủ một thời gian để lấy thêm kinh nghiệm rồi mẹ mở cho một tiệm nho nhỏ, nhỏ nhưng nhất định phải có tấm bảng hiệu vẽ hình một cô tóc quăn cùng hàng chữ “viện uốn tóc” như mấy cái tiệm trên phố. Em thì khi nào xong Đệ Tứ, ráng thi lấy cho được cái bằng Trung Học rồi mẹ nhờ người quen bày cách làm đơn thi vô ngạch thơ ký của Tòa Tỉnh, nơi cậu Tám em trai của mẹ đang làm tài xế. Khi mọi thứ đâu vào đấy mẹ sẽ bán nhà ngoài quê rồi nhờ “cô Chín nó” tìm cho một căn vừa túi tiền, cha con chồng vợ chị em gom về một mối.
Nhà thằng Sửu đối diện nhà bà Chín và có một ngày bà Tư Sành má thằng Sửu lấy làm lạ khi thấy mấy đứa con trai nhà khúc trên khúc dưới dạo gần đây hay lui tới nhà bà. Hồi trước mấy đứa đi ngang chỉ để hú thằng Sửu ra đám đất trống đầu ngõ đá banh nhưng nay cả đám tụ trên cái chõng tre ngoài hiên nói chuyện rôm rả. Lạ một điều là miệng nói nhưng mấy cặp mắt thì liếc liếc qua bên kia đường, con đường đất ốm tong ốm teo khiến có người cho rằng mình đứng lề bên này có thể bắt tay người đứng lề bên kia. Con đường đất nhỏ và dài như cái ruột nghé của xóm nhỏ, cái xóm nhỏ nằm trong khoảnh đất trũng của một thị xã nhỏ.
Cả thị xã chỉ có một rạp hát cũ kỹ không bảng hiệu, nghe những người cao tuổi kêu là Trường Hát Trung Hoa. Sau có một cặp vợ chồng thương gia đứng ra ký hợp đồng thuê rạp, họ cho sửa chữa sơn phết lại để làm rạp “chiếu bóng” thì bốn chữ Tân Châu Hí Viện mới toanh uy nghi hiện rõ trước cổng thềm. Theo ngày tháng cái tên Trường Hát Trung Hoa cũng dần đi vào quên lãng và hai tiếng “xi nê” như một làn gió mới thổi qua làm mát dịu cuộc sống của cư dân trên vùng đất có rất nhiều cát. Hình như người ta đang sinh sống trên một đụn cát khổng lồ, thời đó nhìn đâu cũng thấy cát mà đẹp nhất là cát ngoài bờ biển. Cứ ra biển nằm dài trên bãi cát màu vàng nhạt nhắm mắt nghe sóng vỗ là thấy liền. Nhắm mắt mà vẫn “thấy” thì đủ hiểu cát đẹp biết nhường nào.
Tân Châu Hí Viện chiếu phim mỗi ngày hai xuất vào buổi tối, riêng chúa nhật thì thêm một xuất sáng. Lâu lâu có đoàn cải lương hay đoàn ca-vũ-nhạc-kich từ Sài Gòn ra thì chủ rạp cho đoàn thuê vài đêm, dân chúng được dịp thay đổi món ăn tinh thần. Cuộc sống tuy đơn sơ nhưng thật yên bình, nhẹ nhàng và hạnh phúc.
Người ta thường nói “đi coi xi nê” để chỉ đến thú vui đi tới rạp xem phim. Rạp chiếu nhiều phim, phim nào cũng hay cũng ý nghĩa nhưng hấp dẫn nhất vẫn là những phim cao bồi bắn súng. Mấy tay cao bồi phi ngựa tung bụi mù, phi ra đi hay phi trở về gì khán giả cũng luôn luôn vỗ tay vang dội mặc dù chưa biết ra đi sẽ ra sao và trở về sẽ như thế nào, chỉ cần phi là vỗ. Có phi là có vỗ.
Nói tới giá vé thì học trò khó kham nổi vì hạng nhất 30 đồng, hạng nhì 20 đồng còn hạng ba ngồi sát màn ảnh mà cũng 10 đồng. Đi học mỗi ngày cha mẹ chỉ cho 1 đồng dằn túi coi như tiền dự phòng lỡ “đạp bánh tráng” nhưng không phải đứa nào cũng có nên xi nê được xem là môn giải trí dành cho người lớn. Mấy đứa nhỏ thì một năm chỉ coi được vài lần “đàng hoàng” với tấm vé trong tay, đó là ngày Tết có tiền lì xì hoặc lâu lâu có bà con ghé thăm và nếu may mắn gặp trúng cô dì chú bác tính tình rộng rãi dúi vào tay chút đỉnh gọi là tiền cho mấy cháu ăn bánh. Thường thì các cháu không ăn bánh, số tiền nhỏ đó vừa đủ cho một vé xi nê hạng chót nên các cháu sẽ ngồi ở hàng ghế sát màn hình mà màn hình thì cao khiến phải ngữa cổ và có lúc ngựa đang phi cháu bỗng giựt mình vội né qua một bên vì tưởng vó ngựa thò ra đá trúng mặt.
Phim được chiếu trong vòng ba ngày và mỗi lần thay phim mới mấy đứa không tiền thường lân la trên thềm rạp để xin tờ “pồ gam” coi cho đỡ ghiền. Mỗi vé luôn được kèm theo một tờ chương trình, trong đó ngoài hình ảnh của tài tử đóng vai chánh còn có cả những giòng sơ lược nội dung phim nhưng không bao giờ tiết lộ đoạn kết. Đứa nào xin cũng được người có vé cho một cách vui vẻ vì ai cũng nghĩ đã mua vé cứ vô coi rồi sẽ biết rõ đầu đuôi thì coi chi ba cái giòng sơ lược. Mấy đứa cầm tờ “pồ gam” hít hà vì sắc đẹp mê hồn cũng như nét hào hoa lãng tử của các nam nữ minh tinh màn bạc. Có đứa còn đem về sắp xếp theo thứ tự thời gian của từng phim để làm thành những bộ sưu tập giống như người lớn chơi tem có những bộ ảnh tem theo từng chủ đề.
Một ngày nọ chủ rạp treo thông báo: một người lớn mua vé hạng nhất được dắt theo một em nhỏ. Thế là bỗng nhiên có nhiều “em” và “cháu” xuất hiện trước quày vé. Khi có một người vừa lấy vé xong là có một đứa nhỏ trờ tới:
– Chú..chú..cho cháu vô với…
Đôi khi có tiếng nài nỉ nghe khá thảm:
– Anh ơi! Anh dẫn em vô…làm ơn đi anh…
Mấy người lớn thương tình gật đầu vì họ cũng có mất gì đâu, thế là hai “chú cháu” hay hai “anh em” ung dung vô cửa. Nhưng chuyện gì cũng có giới hạn, một ngày nọ người soát vé nhận thấy cùng một thằng nhóc đó mà sao vài ba ngày là có chú có anh dắt nó đi coi xi nê. Phim trước đi với ông chú ba ngày sau rạp đổi phim thì có ngay ông anh, chả lẽ giòng họ thằng này có nhiều đàn ông mà ông nào cũng đi xi nê mà mỗi ông đi đều dắt theo mỗi mình nó. Mấy đứa trong xóm thằng Sửu thường đi coi xi nê theo kiểu này nhưng từ khi người soát vé khám phá ra chú cháu anh em giả thì hết đường coi ké. Có lần thằng Phước được một khán giả tốt bụng dẫn vô nhưng bị chận lại. Thằng Phước gằn giọng:
– Sao ông không cho tui vô? Tui đi với chú tui mà…
Người soát vé không thèm nhìn nó, không thèm trả lời. Người chú hờ cũng lên tiếng:
– Khi mua vé hạng nhất tôi có quyền dẫn theo một cháu nhỏ phải không?
– Dạ… chủ rạp có qui định như vậy nhưng đó là dành cho những trường hợp lâu lâu có cháu chớ còn thằng này cứ vài ba ngày là có mặt ở đây. Anh thương nhưng coi chừng hại nó, con nít không lo học mà tối ngày xi nê thì…
– Thôi…thôi..tôi hiểu rồi. Về đi cháu, về lo học bài đi…
Chú buông tay “cháu” rồi lặng lẽ vén màn bước vô trong. Tình chú cháu chấm dứt trong ê chề. Chuyện loan ra cho cả đám cùng biết để từ nay đừng có xớ rớ trước quày vé rồi “chú…chú…” mà có ngày bẽ mặt. Hết rồi!
Cả kỳ nghỉ hè đứa nào đứa nấy buồn thiu vì không được coi xi nê như trước nhưng hết ba tháng hè dù cho chủ rạp có thay người soát vé cũng không coi theo cách cũ được vì cả đám bắt đầu nhổ giò, chỉ có thằng Phu “đẹt” ở gần chùa thầy Năm là còn kiếm chác được vài lần do nó nhỏ con và ít xuất hiện nên người soát vé không nhớ mặt. Nhưng bắt đầu khai giảng thì mấy nhóc quên phức chuyện đi coi xi nê theo kiểu đóng vai cháu hờ của thiên hạ. Có hai cô gái vừa xuất hiện trong xóm nên mọi cảm xúc đều dành cho làn da trắng mịn cùng mái tóc đen tuyền thì cao bồi có rút súng quay vòng vòng rồi mới bắn, mà đã lên cò thì bách phát bách trúng, cũng không còn hấp dẫn như trước. Bây giờ tiếng hú của Tạc-Dăn cũng chỉ gọi được sư tử, voi, khỉ…..trong rừng chứ không còn đủ ma lực để gọi mấy chàng thiếu niên nữa. Một khi không còn cất giọng nài nỉ “…chú ..chú… dẫn con vô …” cũng như không còn cái cảnh chầu chực xin tờ “pồ gam” thì không còn nhỏ nữa với lại nay đã biết để ý tới con gái mà nói “còn nhỏ” sao được!
Nhập học đã gần hai tuần nhưng mấy anh chàng mới lớn dù đã bày đủ trò cũng không thấy hé một tia hy vọng nào vì chị em con Sáu con Bảy luôn ghi nhớ lời mẹ dặn, đó là chưa kể tới gọng kềm tức hai con mắt của bà Chín mẹ con Nếp. Chiều chiều bà Chín bắt cái ghế đẩu ra ngồi trước hiên, tay phe phẩy cái quạt đan bằng tre có cái cán dài mà mấy bà nội trợ thường dùng để quạt lửa. Khi thì bà xổ đầu tóc mới gội cho gió thổi khô khi thì bà bưng tô nước chè vối uống từng ngụm, từng ngụm…Mấy bà trong xóm nói bà Chín uống theo kiểu “thưởng thức” nhưng với mấy chàng trai trẻ đang ngồi bên hiên đối diện thì cho rằng uống theo kiểu “mật thám” chớ đàn bà biết gì về rượu về chè mà thưởng với thức. Việc canh chừng để “giữ gìn” cho con gái cũng như hai đứa cháu chồng bà Chín đã hoàn thành một cách xuất sắc vì chỉ cần vài lần hong tóc vài lần nhâm nhi chè vối là đám “cò con” kia bay mất. Ngoài hiên giờ chỉ còn chiếc chõng tre im lìm dưới tàng cây trứng cá.
Sau tết Nguyên Đán một tin vui được loan ra, cả thị xã ai cũng biết mà rành nhất là giới học trò: Tân Châu Hí Viện vào chiều thứ năm hàng tuần sẽ chiếu một xuất đặc biệt với giá vé đồng hạng là 5 đồng. Tháng đầu rạp luôn đông nghẹt và vì vé chỉ một giá nên ai muốn ngồi đâu thì ngồi khiến cảnh tượng có phần hơi xô bồ, bát nháo. Khi đèn vừa tắt để bắt đầu buổi chiếu phim có vài người vô trễ phải mò mẫm tìm chỗ, khi đó người đang ngồi phải rút chân lên hoặc lùi ra phía sau ghế một chút để chừa đủ khoảng cách cho họ len tới chiếc ghế trống. Bỏ chân xuống đang chuẩn bị tư thế ngay ngắn để bắt đầu nhìn lên màn ảnh thì:
– Cu ơi! Cu…u..u..
– Hú..hú…ú…u…
– Mày đâu?
– Hú…h..ú…u… Tèo…Tè..ò..ò…
– Cu..Cu..u..u…
– Tèo ơi! Tao ngồi dưới đây nè…è..è…
Có khi xui xẻo ngồi kế một thằng nhóc dẫn theo đứa em mới biết đọc nên câu nào vừa hiện lên là nó đọc ngay đã vậy gặp chữ khó nó còn đánh vần nghe mà tức anh ách. Người ta nói “tiền nào của nấy” quả không sai.
Người lớn vì tò mò hay quá rảnh rỗi coi chơi cho biết chứ thưởng thức nghệ thuật thứ bảy kiểu này thì ở nhà đọc sách cho rồi. Mấy cái cảnh dắt em theo cũng không kéo dài vì có khi đang say sưa theo dõi một đoạn gay cấn thì đứa em kêu khát nước. Nước ở đâu mà đòi uống bất tử vậy trời mà dẫu trong rạp có bán cũng không có tiền mua, chắt bóp lắm mới đủ tiền mua vé…Lỡ lần này thôi, lần tới kiếm đủ 5 đồng sẽ trốn đi một mình, cái tội không coi em khi về có ăn đòn cũng đành cam chịu.
Rồi như lẽ tự nhiên dần dần người lớn “rụng” con nít “rơi” thế là “xi nê đồng hạng” chiều thứ năm của rạp Tân Châu Hí Viện trở thành xi nê của giới học trò.
Chúa nhật thằng Tịnh ghé xóm tìm thằng Sửu. Hai đứa đang định đi tắm biển thì thằng Phước xuất hiện, nó kéo thằng Sửu lại gần:
– Sáng nay mày có thấy anh chàng tới nhà con Nếp không?
Thằng Sửu cau mày. Nó không thấy ai cả. Bà Chín mẹ con Nếp dữ như bà chằn thì anh chàng nào dám tới. Thằng Sửu lắc đầu:
– Chắc mày nhìn ….
– Trời ơi! Rõ ràng tao nhìn thấy có một anh chàng cỡ như anh Bản thơ ký…
– Có phải cái anh công chức làm trong Tòa Tỉnh đang ở trọ nhà ông bà Tiêu không?
– Phải…phải. Cái anh mà…
Thằng Phước bỗng câm như hến, mắt mở to nhìn chằm chằm về phía trước. Thằng Sửu nhìn theo thì ra anh Bản đang cùng một người tiến về phía tụi nó. Hai người vừa đi vừa nói trông bộ tịch rất vui, khi tới gần nhà thằng Sửu hai người bước qua bên kia đường rồi dừng trước nhà bà Chín, người lạ đi cùng anh Bản gõ cửa. Bà Chín bước ra, giọng đon đã:
– Cậu Tám…cậu Bản…vô đi. Sáu ơi, Bảy ơi…có cậu Tám tới thăm nè.
Con Bảy chạy ra cười toe toét:
– Cậu ơi! Tuần trước cậu đi công tác ghé qua nhà mẹ có gửi gì cho tụi con không?
Người cậu nói gì mấy chàng trai nghe không được vì họ đã kéo nhau vô nhà.
Thằng Tịnh cười cười:
– Tụi bay thua là cái chắc. Hai anh chàng kia coi bộ ngon lành…đâu phải loi choi lóc chóc như …
Thằng Phước đổ quạu:
– Mày biết gì mà nói. Tụi tao dính dáng gì tới họ mà hơn với thua.
– Tụi mày không dính dáng tới họ nhưng có dính dáng tới mấy cô hàng xóm bên kia, nói cho có vẻ âm nhạc một chút là mấy cô láng giềng…
– Mày có im không. Ăn nói bậy bạ, mày không nghe họ kêu là cậu sao? Vậy người đó là cậu của con Sáu con Bảy.
– Cậu của con Sáu con Bảy chớ có phải cậu của con Nếp đâu với lại anh chàng đi chung là bạn của cậu chớ đâu phải là cậu…
Đúng là cái thằng cùng lớp đáng ghét. Nó học chung chớ không phải là bạn. Bạn gì cái thứ chanh chua muối mặn, bạn gì mà chỉ chuyên nói cho người ta tức nó mới thấy hả dạ. Con trai gì mà lanh chanh lách chách, nói như moi gan móc ruột người khác. Bực quá!
– Tao không đi tắm biển nữa.
– Khỏi nói tao cũng hiểu…ở nhà là phải rồi…bơi gì nổi mà bơi. Bảo trọng! Tại hạ xin phép cáo từ.
– Đúng là cái đồ vô duyên. Hèn gì trong lớp chẳng có trò nào ưa nó.
Sau nhiều ngày dò la tìm hiểu thằng Sửu có được thông tin: cậu Tám là em út bà Tư Chòi, mẹ con Sáu con Bảy. Hồi nhỏ cậu ham chơi, ham đi rong và khi đang học lớp Đệ Ngũ thì cậu bỏ trường đi theo ông dượng người có chiếc xe khách chạy tuyến đường Bồng Sơn – Tam Kỳ. Do đó mới có chuyện anh Bản nhỏ hơn ba tuổi học sau ba lớp là người cùng huyện nay lại làm cùng chỗ mà anh Bản ngồi văn phòng còn cậu thì lái xe. Khi có người tỏ ra ái ngại thì cậu nói:
– Biểu tui ngày tám tiếng ngồi trước bàn máy đánh chữ gõ lốc cốc rồi lui cui sắp xếp mấy đống hồ sơ li chi lít chít toàn chữ là chữ thì dù lương có cao gấp đôi tui cũng không ham. Ngồi trong bốn bức tường có khác chi ngồi tù.
Có lần bà chị đề cập tới chuyện lập gia đình để ổn định cuộc sống thì ông em tuyên bố:
– Con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là quả báo.
Nói xong cậu ngồi im. Chị cậu cũng ngồi im. Trả lời vậy thì bà Tư Chòi ngồi im cho rồi, tranh cãi chi cho thêm tức.
Cậu ruột! Không phải đối thủ, vậy là khỏe rồi. Thằng Phước thở phào nhưng rồi chợt nhớ tới lời thằng Tịnh “bạn cậu chớ đâu phải cậu” thì cảm thấy bất an, anh Bản đâu phải là cậu con Sáu con Bảy đã vậy ảnh mới ngoài hai mươi thì trở ngại chính là đây. Chết rồi!
Biết thằng Phước lo lắng thì thằng Sửu trấn an:
– Cỡ đồng trang lứa và điệu đàng như chị Lài thợ may mà ảnh còn không thèm ngó tới thì …úi chà… mà mày lo chi cho mệt vì nếu có chấm thì ảnh chấm con chị đang học nghề để khi có công ăn chuyện làm dễ tiến xa hơn chớ con em đang đi học, nó còn nhỏ chút thì ảnh coi như…
– Vậy mới chết tao.
– Sao chết?
Thằng Sửu suýt ngã nhào khi nghe thằng Phước lí nhí:
– Tao thích con chị…
– Mày điên hả? Con Sáu lớn hơn tụi mình đã vậy nay mai ra nghề mở tiệm làm bà chủ… Mày tỉnh lại đi, tỉnh lại đi.
Thằng Phước không “tỉnh” lại. Giọng nghe y như người đang mê sảng:
– Tao không biết. Mày có nói gì thì tao cũng chỉ thích con chị…không cần biết…
Thằng Sửu triết lý vụn sau tiếng thở dài:
– Thiệt là éo le! Đường đời chưa đi sao đã thấy lắm chông gai. Khổ tới nơi rồi!
……
Chúa nhật nghỉ học thằng Sửu tới chỗ cậu Năm Sứ để phụ sửa sang rào dậu mảnh vườn sau nhà. Xong việc mợ Năm Sứ thọc tay vô túi áo bà ba:
– Con cầm ăn bánh. Tuần sau rảnh nhớ chở má lên chơi nghen.
Thằng Sửu về vội chạy qua nhà thằng Phước, nó đếm đếm rồi cười cười:
– Hai vé vẫn còn đủ cho một chai xá xị. Hoan hô xi nê đồng hạng!
Tuần trước rạp chiếu Hiệp Sĩ Mù Nghe Tiếng Gió Kiếm, chiều nay cũng phim của Nhật nhưng thuộc thể loại tình cảm-tâm lý-xã hội và đây là lần đầu tiên hai chàng thiếu niên được xem loại này. Không hiểu nhiều, không hiểu một cách trọn vẹn nhưng sao thấy lòng buồn quá! Hết phim đèn bật sáng nhưng dường như khói trong phim chưa tan trong mắt nên nhìn đâu cũng mờ mờ ảo ảo và cái cảm giác se se cứ như những sợi tơ lướng vướng trong hai trái tim non trẻ. Bạc Trắng Lửa Hồng, phim buồn lắm!
Ra khỏi rạp với tâm trạng bùi ngùi xúc động nên cả hai không ai nói với ai lời nào. Khi đang ngược về phía tiệm kem Phi Điệp thì gặp con Sáu đi cùng một đám con gái. Thằng Phước lúng túng vì đây là lần đầu tiên nó chạm mặt với cô gái mà nó thầm thương nhớ, nó định gật đầu chào rồi đi tiếp nhưng con Sáu đã nở một nụ cười thật tươi. Hồn xiêu phách lạc…vì con gái thường háy nguýt hoặc làm lơ nhưng đây lại chào đón bằng nụ cười cùng ánh nhìn thân thiện thì có chút hy vọng rồi. Mừng nhưng thằng Phước vẫn không dám nhìn thẳng cái người mà dạo gần đây thường len vào những giấc mơ của mình. Thằng Sửu thì khác, nó mặt thẳng mặt tuy giọng cũng không được sang sảng như mọi ngày:
-Đi …đi coi…
-Ừ, tiệm bị cúp điện nên mấy chị em rủ nhau đi coi xi nê. Bây giờ còn sớm định đi ăn kem chờ gần chiếu mới vô.
– Chiều nay thứ năm có chiếu đồng hạng sao không…
– Người lớn ai mà coi xi nê đồng hạng. À, Nghe nói phim hay lắm, phải không?
Hình như hỏi cho có chuyện vì con Sáu đã vội quay qua mấy cô bạn, nụ cười thật tươi:
– Hai đứa này cùng xóm, tụi nó học ngang lớp với con Bảy em mình.
Rồi lại nhìn hai chàng trai trẻ với ánh mắt ấm áp:
– Ờ…nè… thằng Phước xách cái giỏ đồ nghề về giùm chị nghen. Đưa cho cô Chín, cứ nói chị Sáu biểu con đem về trước…
Xuất tối số ghế được ghi rõ trên vé, khi vô trong rạp có nhân viên cầm đèn pin rọi đường chỉ chỗ hẳn hoi còn phim thì vẫn là Bạc Trắng Lửa Hồng. Phim buồn lắm!
Huỳnh Thị Thùy Hạnh
Tháng 4/2014{jcomments on}