Nhà thơ Xuân Diệu là đồng hương Bình Định; chú ở huyện Tuy Phước, ba tôi ở huyện An Nhơn, cách nhau chỉ vài cây số thôi. Khi ấy, nhà tôi là điểm hẹn của các văn nhân Miền trung trung bộ: chú Hoàng Châu Ký, Vương Linh, Trinh Đường, Mịch Quang, Tế Hanh, Nguyễn Đình, Nguyễn Thành Long, Phạm Hổ … từ nhiều nơi tìm đến để đàm đạo chuyện văn chương thi phú, nhân tình thế sự v.v… Ngay cả khi ấy và rồi, khi ra Miền Bắc, ở cùng thủ đô Hà Nội, tôi cũng chưa lần nào gặp mặt chú tại nhà như các chú kia.
Bác Quách Tấn cho biết: Xuân Diệu quê cha ở Hà Tĩnh, quê mẹ Bình Định. Nhưng Xuân Diệu không thiên về quê cha, mà chỉ thường nhắc đến quê mẹ và không xấu hổ nhận mình là người Bình Định từ thời kháng chiến chống Pháp. Nhất là khi Bình Định trở thành trung tâm điểm của Liên Khu Năm. Đối với Bàn Thành Tứ Hữu, Diệu chỉ nể Chế Lan Viên. Diệu chê Hàn là một tên điên chạy cùng đường vừa ngâm thơ vừa la “tôi là thiên tài, tôi là thiên tài”… Yến Lan bị chê rằng “thơ còn non nớt”, Quách Tấn bị đả kích: “Lạc hậu, cổ hủ”. Xuân Diệu nể Chế Lan Viên không phải về học vấn, tài năng mà nể về sự ứng phó lanh lẹ, sắc bén thôi.
Thời còn học lớp 10H ở Trường Chu Văn An-Hà Nội, tôi thường nghe các bạn lớp bàn tán rất nhiều xung quanh cái tên Xuân Diệu: Nào đó là ông hoàng thơ tình, là người không rõ giới tính; là đồng tính luyến ái v.v..
Cuối một buổi học, anh lớp trưởng bèn nói với các bạn: “Muốn biết rõ về nhà thơ Xuân Diệu chỉ có nhờ được Bích Thủy mà thôi. Ba cậu ấy là nhà thơ, cùng làm việc với Xuân Diệu, sẽ biết rõ nhất.” Thế là cả lớp nhao nhao: – Đúng đấy Thủy à; cậu về hỏi ba, xem có phải nhà thơ Xuân Diệu là ái nam, ái nữ?”
Chà, quá đã! Tôi nhận lời ngay và lấy làm hãnh diện vì từ trước đến nay ai cũng muốn biết chuyện kín này mà không ai có điều kiện như tôi: Vì ba tôi làm cùng cơ quan với người cần làm rõ giới tính. Nếu giải mã được việc này, chắc lỗ mũi tôi nở to hơn vì tôi sẽ trở thành người có thể giải quyết mọi vấn đề, có thể giúp các bạn bất kỳ vướng mắc nào; kể cả phía sau cuộc đời của các nhà thơ…”
Nhưng, cái đáng gờm còn ở chỗ ba tôi. Việc gì chứ đụng đến luyến ái khi tôi còn ở lứa tuổi học sinh, không dễ đâu. Bởi, ông cụ thuộc lớp người quyết bảo vệ và giữ gìn nếp sống thuần phong mỹ tục thời “cổ đại” đấy! Mà việc này thuộc “lĩnh vực và phạm trù” hết sức tế nhị–xoi mói vào chuyện riêng tư người khác.
Trước mặt các bạn tôi tỏ ra hữu dụng, vậy chứ khi về nhà, tôi như con chi chi, phải chờ có cơ hội mới thực thi.
Và đây, nhân lúc ông già ngồi ngắm hoa hồng trước lan can nhà, tôi đến bên, ngần ngại một chút; rồi, tự tin và quyết định, hỏi: “Ba ơi, các bạn lớp bảo con về hỏi ba về chú Xuân Diệu, có phải chú là…là ..là …” tôi chưa kịp nói ra cái từ đó thì ông già lập tức bê “cả vú lấp miệng em” nạt: “Con gái con lứa mới lớn hỏi chi chuyện đó, vô duyên lắm”, làm tôi giật mình, mất hứng, thối lui.
Thế là từ đó chẳng bao giờ dám hỏi lại chuyện chú Xuân Diệu nữa.
Cho đến tận bây giờ, tôi cũng chưa biết rõ ngô khoai về chú, vẫn trong vòng bí mật. Trên đời này chỉ có hai người có thể biết, đó là nữ đạo diễn- NSND Bạch Diệp-người bạn đời đầu tiên của chú, và nhà thơ Cù Huy Cận, mà cả hai người cũng đã theo chú đi vào cõi hư vô rồi!
Hình ảnh chú Xuân Diệu có trong tôi là qua những câu chuyện vui và những câu thơ tình của chú, do bạn đồng niên hay vong niên đọc lên với nhau trong nhà tôi. Ngày chú còn sống, chú hay được mời đi nói về đề tài văn học, thơ phú cho thanh niên. Khi đó, chú chỉ đem thơ tình của mình đọc cho độc giả nghe, một trong những bài thơ tình của chú :
Đố ai định nghĩa được chữ yêu
Có khó gì đâu một buổi chiều
Gặp người con gái ngây thơ ấy
Rồi thương, rồi nhớ thế là yêu…
Và chú tưởng rằng lúc nào, ở đâu ai cũng thích nghe, nên khi tiếp nữ thi sĩ của nước bạn-Tiệp Khắc, chú khiến bà nổi cáu: “Tôi đến Việt Nam không phải để nghe thơ tình của anh, bởi nói về thơ tình, thì ở nước tôi nhiều vô kể và có lẽ hay hơn. Đến đây, tôi muốn được nghe những câu ca dao, dân ca, dân gian truyền miệng ca ngợi người phụ nữ. Vì ở Việt Nam-Người phụ nữ là biểu tượng về người mẹ sinh sôi và sáng tạo; sinh con đẻ cái để người cha đánh giặc giữ nước v.v.. rồi bà đọc câu ca dao mà bà cho là rất hay: “Em như cục cức trôi sông/Anh như con chó chạy rông trên bờ”.
Bà nói- Những câu ca dao này tuy đọc nghe tục tỉu nhưng lại rất thanh cao, giá trị của người phụ nữ được nâng lên tột đỉnh, dẫu em chỉ là cục cức thôi mà khiến anh thèm thuồng mong có được….!
Cơ hội tôi gặp nhà thơ Xuân Diệu – Đó là lần đầu và cũng là lần cuối, ngay tại nhà 37 Hàng Quạt – Hà Nội, trong tiệc mặn ngày cưới của tôi. Đám cưới tôi, thời đó, cũng đình đám và tốn kém vào bậc nhất, nhì ở Hà Nội. Gồm một buổi tiệc ngọt tại 51 Trần Hưng Đạo, hai bữa tiệc mặn tại nhà gái ở 37 Hàng Quạt và nhà trai ở 26 Hàng Bài. Nếu tính thành tiền, tốn hơn 2.000đ. Thời bao cấp, năm 1974, đám cưới nào chi đến 2.000đ, Nhà Báo mà biết sẽ phê phán kịch liệt. Nhưng, tất cả thực phẩm phục vụ cho đám cưới của tôi đều tự túc: Tôi nuôi heo, gà, và trồng các loại củ, quả, rau dưa ở nơi làm việc, tại Nông trường Ba Vì; sau đó, hai vợ chồng tôi chở dần về Hà Nội dài 52 cây số bằng xe đạp.
Hồi đó, việc cưới xin không cầu kỳ như bây giờ; không làm cho khách mời phải lo lắng tiền, quà mừng; nhà có gì mừng nấy. Ngày cưới được đông đảo bè bạn của hai bên đến dự là vinh hạnh lắm rồi. Ngày vui của tôi, các cô, chú bạn ba là những văn nghệ sĩ nghèo xác xơ, có gì đâu để mừng! Quà cưới chỉ mang ý nghĩa kỷ niệm là chính. Bác Khương Hữu Dụng, tặng cho tôi quyển truyện vừa (không nhớ tên) của nhà văn Chu Lai. Chú Tế Hanh, tại tiệc mặn mới có quà – đó là chiếc túi nhỏ bằng ½ bàn tay, màu mận chín, hàng thổ cẩm của Bungari, quà của ba chú: Long-Đình-Hổ, là chiếc thuyền làm bằng sừng trâu – hiện tôi còn giữ; quà của vợ chồng bác Minh Vĩ là bức ảnh hình lập thể có hai con két mỏ đỏ, của Trung Quốc … Thế mà chúng tôi rất trân trọng và thích lắm.
Hôm tiệc mặn tại nhà, tôi thấy một người đàn ông bước vào, bắt tay ba má tôi rồi đến ngồi ở góc phải của gian nhà. Má tôi đem cho ông bát miến gà nóng hổi; ông bắt đầu thưởng thức nó một cách ngon lành; không để ý đến xung quanh. Đằng sau tôi, tiếng xì xào nghe rõ danh tánh “người ngồi kia là nhà thơ Xuân Diệu đấy!”. Thực ra tôi cũng có ý đoán vậy; nhưng tôi không thể nào tin vào mắt mình. Đây mà là ông hoàng thơ tình của nước ta ư?! Từ trước đến giờ tôi cứ nghĩ chú khác cơ; đẹp trai, người gọn, nhanh nhẹn và nhìn phải hơn hẳn ba tôi chứ. Vậy mà sao chú bệu rệu, tóc thì xoăn, mặc chiếc quần màu cháo lòng, thủng một lỗ tròn ở bên hông trái, trông không được sạch sẻ. Nếu phân loại theo bài học của tôi, chú thuộc loại thô sỏi… và tôi thấy chú thật tội nghiệp!!!
Nhìn cách chú ăn càng thấy thương hơn; đã hết cái mà chú vẫn cúi sát vào bát để húp húp. Tôi không đợi được nữa, đến gần chú, tế nhị hỏi “chú Diệu, cháu múc thêm chú bát nữa nhé?”. Chú xua tay, vẻ thật thà: “Ồ, không đâu cháu, chú no rồi, còn chút nước chú húp kẻo bỏ đi thì phí!”. Lúc đó chú mới hỏi: Cháu là Bích Thủy? Tôi- dạ. Chú thò tay vào túi quần, lấy quà mừng cưới cho tôi. Đó là chân dung hình bán thân, nhìn nghiêng của nhà thơ Nga-Puskin, bằng mica tím đen, nhỏ bằng 2 ngón tay.
Trong một bức thư bác Tấn gửi cho ba tôi, có đoạn nói “… Xuân Diệu đấm Hàn, thoi Yến, đá Quách bắt tay từ giã Chế ra Hà Nội cùng Huy Cận lập nhóm Huy Xuân. Kế đó, Bích Khê ở Quãng Ngãi lẻ loi vào Bình Định. Năm thành viên trở thành “Ngũ Hành”. Sau này, Xuân Diệu mới bắt tay với năm thành viên của nhóm Bình Định hợp thành “Lục Căn” .
Lục Căn là lấy những bộ phận của cơ thể con người: “Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý“ làm bút danh cho từng người. Tôi không biết ai mang một trong những bộ phận ấy. Không có tài liệu nào nói rõ về vấn đề này cả .
Phần lớn các thành viên sống và sáng tác ở Bình Định, còn bác Tấn ở tận Nha Trang. Hàng tháng, ít nhất một lần, vào những đêm trăng, thấp thoáng bóng họ chụm đầu bên nhau trò chuyện thâu đêm trên lầu cửa Đông, Thành Bình Định. Chế Lan Viên gọi đây là “Lầu tư tưởng”, hay “lầu Thơ”. Thi thoảng họ mới vào Nha trang với bác Tấn để giao lưu thơ phú.
Nhà bác Tấn, trước sân có cây mận. Tối đến, họ quây quần dưới gốc mận, đọc thơ đường, thơ Pháp… Có lần bác Tấn nghe chú Chế Lan Viên và chú Xuân Diệu tranh luận: “Đến lúc này mà “người ấy” còn thốt ra những câu “cảm thương chiếc lá bay theo gió/ riêng nhớ tình xưa ghé đến thăm”
Chú Chế không bằng lòng nói:
– “Diệu công kích anh Tấn sao không nói tên mà gọi “người ấy”?
Chú Diệu cười thích thú trả lời:
– tội gì mình lại đi làm quảng cáo cho anh ấy! Diệu gọi “người ấy thì ai biết rằng Diệu nói anh Tấn thì biết, còn ai không biết thì thôi. Chớ kêu đích danh ảnh ra, thì tên ảnh được “người không biết” biết thêm, như thế là làm lợi cho ảnh !…
Chú Chế lại mỉa mai:
– Diệu có tính so đo và tính toán quá. So đo tính toán trong tình yêu “cho nhiều nhưng nhận được chẳng bao nhiêu”, lại so đo tính toán cả trong việc chỉ trích.
Thế nhưng, khi những nét đẹp trong văn hóa ứng xử ngày đang mai một, bác Tấn lại khen chú Xuân Diệu:
“Xuân Diệu là người khôn ngoan nhất. Trước kia tôi cứ cho rằng Xuân Diệu sống ích kỷ, nhất thiết không cho ai xem bản thảo, nhất thiết không nói cho ai biết những gì mình chưa in lên giấy hẳn hoi. Ngày nay tôi mới biết là Diệu khôn. Bọn đạo văn càng ngày càng nhiều, chú (Yến Lan) cũng như tôi ưa giúp người quá nên chưa biết.”.
Sau lần gặp trong tiệc cưới thì tôi không gặp lại chú Xuân Diệu lần nào nữa. Chỉ nghe có chút nhận xét của chú liên quan đến ba tôi qua Nhà nghiên cứu Văn học Đinh Tấn Dung-Khổng Đức, kể lại:
“Sau giải phóng chú gặp Chế Lan Viên, hỏi thăm ba cháu, (lúc đó Yến Lan còn ở Hà Nội). Chế Lan Viên lắc lắc đầu vẻ thông cảm, nói: “về cái nghiệp làm thơ của Yến Lan thì ít được gặp may, Diệu không ưa Văn Cao, mà Văn Cao lại ca ngợi Yến Lan (viết lời tựa trong tập thơ Những ngọn đèn) quá nên Yến Lan cũng bị ghét lây”
Tất cả những gì tôi biết về chú Xuân Diệu khiến tôi không phục chú. Khi còn sống, thơ chú viết, người đọc thấy than rằng “mình cho rất nhiều nhưng nhận được chẳng bao nhiêu”. Tôi chưa đọc bài báo nào của ai đó nói về việc chú làm từ thiện mà chỉ thấy rằng trong giai đoạn gọi là “Nhân văn giai phẩm” thì chú là một trong những người góp phần làm thiu chột tài năng của nhiều nhà thơ tài hoa và đức độ như nhạc sĩ Văn Cao, Cụ Phan Khôi, Lê Đạt, Trần Dần v.v.., Tôi xin giới thiệu một vài nội dung được viết lên từ Nhà Nguyên cứu văn học Lại Nguyên Ân:
− Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong thơ là bài báo được công bố khi các hiện tượng Nhân văn, Giai phẩm đã được tuyên bố công nhiên trên công luận như là hoạt động chống Đảng chống chế độ, khi những người tham gia các ấn phẩm đó đã bị tuyên bố là kẻ thù ở bên kia chiến tuyến. Bài này của Xuân Diệu và các bài khác của ông như Những suy nghĩ chung quanh vấn đề chỉnh huấn, Những biến hóa của chủ nghĩa cá nhân tư sản qua thơ Lê Đạt, Những tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao, − đều thuộc phần đóng góp của Xuân Diệu vào đợt tổng công kích Nhân văn – Giai phẩm, diễn ra trên nhiều tờ báo ở miền Bắc trong quý II/1958.
– Bằng vào loạt bài viết này của Xuân Diệu, có thể dự đoán rằng, trong cuộc tổng công kích này, Xuân Diệu được phân công, − hay là ông tự chọn lấy cũng vậy, − mấy mục tiêu chính: khu vực thơ như một chiến trận tư tưởng, với các cứ điểm Lê Đạt, Văn Cao, bên cạnh đó là Nguyễn Tuân với tùy bút Phở và với quan niệm bị coi là sai lầm nghiêm trọng: coi viết văn giống như bác sĩ, chỉ cần gọi ra đúng bệnh, không cần kê đơn bốc thuốc.
“..Có thể thấy vào thời điểm này nhà thơ đang góp phần đặt ra những quan niệm quy phạm nhằm thu hẹp quyền nhận xét và suy nghĩ về đời sống thực tế đương thời của giới văn nghệ sĩ và trí thức nói chung. Có lẽ, qua trường hợp Xuân Diệu, người ta lại thấy rõ, mỗi hạn chế, mỗi trói buộc mà ba chục năm sau mới được thừa nhận, đã định hình theo cung cách như thế nào, và lịch sử của sự đánh mất tự do cũng đồng thời là lịch sử của sự tự nguyện từ bỏ từng phần tự do ra sao.”
Phải sòng phẳng nhận rằng, Xuân Diệu đã tham dự cuộc tấn công này một cách hết sức hăng hái. Ông không phải người phát hiện nhưng là người phác họa lại rõ nét “một luồng thơ chống Đảng, chống chế độ”, là người đã đem tất cả uy tín của một nhà “thơ mới” hàng đầu hồi những năm 1940 để kết tội những cây bút vào giữa những năm 1950, theo ông nhận xét, đã “cố nặn ra một chất thơ ác, đập vào giác quan bằng mọi cách, cố giật gân người đọc như Trần Dần, huênh hoang như Lê Đạt, trá hình nhiều cách lập lờ giả trá như Hoàng Cầm”.
Xuân Diệu dành cho hai tác giả Lê Đạt và Văn Cao mỗi người một bài viết riêng. Nếu bài về Lê Đạt thiên về chửi bới sỉ nhục, thì bài viết về Văn Cao lại thiên về giọng điệu mỉa mai cay độc. Dưới ngòi bút Xuân Diệu, Lê Đạt chỉ là một nhà thơ cao bồi:
Nhưng trong mắt Xuân Diệu, Văn Cao lại như một “đại ca” nằm vùng, “giả dối như một con mèo, kín nhẹn như một bàn tay âm mưu trong truyện trinh thám”, “lập lờ, ấp úng, bí hiểm, hai mặt”, “hiểm độc”, “một cái giọng cao đạo, ra vẻ bác học, thông thái”, “giọng tiên tri”, v.v… Tất nhiên, điều chính yếu mà Xuân Diệu phải vạch ra bằng được ở Văn Cao là “cái duy tâm chủ quan, cái cá nhân chủ nghĩa bế tắc, cái tìm tòi lập dị, cái khinh thường quần chúng, một mớ cặn bã tư tưởng cũ rích”! Xuân Diệu cảnh tỉnh Văn Cao mà như có ý đồng thời tự căn dặn mình:
Dẫu rằng sau này tự kiểm điểm chú cũng nhận ra cái sai của mình:
“Giai đoạn vừa rồi là một sai lầm chung. Trong đó có cái sai lệch của mình, có phần nào do tự phụ, tự mãn, cho ý kiến của mình đúng hơn người khác… Những chuyện vừa qua là một bài học cho mình. Riêng mình thấy lớn thêm lên, thêm chút nào sáng suốt hơn, thêm bình tĩnh và càng rõ ràng cuộc sống còn của một nhà văn là ở tác phẩm, còn chuyện khác là phụ, nếu nói quá đi là rơm rác!” (trích thư Xuân Diệu gởi cho nhà thơ Đào Xuân Qúi – ngày 4 /12/1956)
Theo tôi, thì ông Xuân Diệu là người cho ít nhưng lại nhận được nhiều nhất so với tất cả các nhà văn, nhà thơ ở trong nước ta:
Được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996).
Tên của ông được đặt cho một đường phố ở Hà Nội, và cũng được đặt cho một trường trung học phổ thông ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tại Qui Nhơn-Bình Định, chú được ưu tiên dành cho mang tên cung đường đẹp nhất – “Đường Xuân Diệu như vành môi người con gái xuân thì ôm sát mép biển”
{jcomments on}