Trở lại cố hương!

 

Trích hồi ký “Về người cha thi sĩ”

Năm 1972,  Mỹ bắn phá Miền Bắc ác liệt hơn, điều kiện sống của người dân Miền Bắc nói chung đã điêu đứng lại càng thiếu trước, hụt sau. Một nhà thơ diện ưu tiên như Chế Lan Viên mà chưa mua nổi một chiếc xe đạp để đi làm, nói chi những người như ba tôi hay nhà thơ Quang Dũng con đông, vợ không có việc làm thì khổn đến nhường nào!…

Nhưng đem thử lửa mới biết vàng tốt xấu. Đối với ba tôi dẫu khổ và thiếu đến đâu ông vẫn là một cán bộ tốt, chấp hành đúng bổn phận của một công dân đối với vận mệnh của Tổ quốc. Nhà có ba con trai, ông đã khuyên hai đứa vào chiến trường Miền Nam chung tay cứu nước.

 

Mỗi lần nghe Đài báo “Đồng bào chú ý máy bay địch cách Hà Nội…cây số bà con hãy nhanh chóng xuống hầm trú ẩn.” là tôi lại thấy đôi lông mày ba tôi nhíu lại, nét mặt như chùng xuống. Có lần ông nhìn tôi rồi nói bằng giọng chua chát nhưng đầy tin tưởng:

Thế hệ của ba đã cố hết sức để cho thế hệ các con được sống trong hòa bình, no đủ, nhưng đến giờ này vẫn chưa làm được! Bọn Mỹ ngày càng leo thang, thâm độc, liên tục bắn phá không để ta yên, mà thế hệ ba đã già, sức cạn. Sự nghiệp dở dang này là trách nhiệm của các con. Ba tin rằng, thế hệ các con sẽ làm được; và một ngày không xa nữa, các con sẽ được sống trong hạnh phúc, yên lành…”

Không ngờ câu nói của ông được hóa giải. Đúng mùa xuân 1975, hai chiến dịch lớn chuẩn bị cho đợt Tổng tiến công vào Sài Gòn là Chiến dịch Tây Nguyên – Huế – Đà Nẵng, đã chiến thắng vẻ vang. Khi quân giải phóng tiến đến Bình Định.    

Hôm nay đã đến, Bình Định ơi!

Ta tiến lên áo điểm nhụy hoa xoài

Khép vòng vây như lưới cá Phường Mai

Từ Gò Quánh cánh đàn dơi đỗ gãy

Từ giữa đỉnh Cù Mông gà rộ gáy

Từ đầu voi An Tượng đá lên bâu

Gành Ráng rền theo tiếng sấm loa vang…

Tiếp theo là những chiến thắng của quân, dân dồn dập nối tiếp. Ngày 30 tháng 3 năm 1975, từ Đài Tiếng Nói Việt Nam vọng ra: “Quân dân ta đã giải phóng đến TP/Qui Nhơn.”  

Tôi cũng có mặt tại nhà để chứng kiến giây phút hạnh phúc bất ngờ đó. Tin giải phóng đến Qui Nhơn làm cho cả nhà tôi vui mừng khôn tả, tất cả lao ra ban công, nhìn xuống đường, để xác định tin vừa nghe đúng, sai thế nào. Má thì reo “-Ồ! Đúng rồi ba nó ơi! Còn ba thì “Quê ta được giải phóng thật rồi các con ơi!”.  

Từ trong các con hẽm, nam nữ, già, trẻ túa ra đường, miệng reo mừng “Giải phóng Miền Nam Nam rồi! Giải phóng rồi, bà con ơi!…

Niềm vui lan tỏa khắp các phố. Hạnh phúc bất ngờ khiến cổ tôi nghẹn, mắt ứ đầy nước. Tôi thấy nét mặt ba má tươi rói, miệng luôn nở nụ cười mãn nguyện!

Ôi! Bình Định quê hương! tưởng mãi mãi sẽ là hoài niệm trong ký ức; bỗng chốc như gần lại tấc gan! Những người mẹ, người chị cơ cực, lam lũ giữa cuộc đời bỗng hiện về trong ngày vui giải phóng. Dĩ vãng và tương lai xen cài trong tâm trạng nhà thơ. Ba tôi lấy giấy,  bút Trường Sơn và giấy viết bằng cảm xúc cả thể xác lẫn tâm hồn của người con xa quê hàng mấy chục năm trời … Bởi tất cả đều có nguồn cội để nhìn nhận và suy tư. Niềm vui chiến thắng là niềm tự hào của những con người đối với vận mệnh của quê hương đất nước. Tình yêu quê hương, nơi mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng tâm hồn thi sĩ liền mạch đến tận hôm nay.

Mặt bè bạn đông dần quanh gác xép

Trời rưng rưng, sông nước cũng rưng rưng

Ngoài nghìn dặm, hai mươi năm cách biệt

Lạ vẫn từng quen, hờn tủi vốn vui mừng

Cùng nhớ lại những nguồn vui nhỏ nhặt

Bông gòn bay, chùm me rụng thành xưa

Bình Định đấy – từng sợi tơ cái tóc

Vẫn chứa chan tin tưởng tự bao giờ

Giải phóng rồi, bấy nhiêu năm xa cách. Trong không khí thiêng liêng của đất trời, vui vì đất nước đã thống nhất, ân oán giữa hai miền được hóa giải. Trong niềm hạnh phúc khôn tả, ba tôi không ngăn được niềm thổn thức bấy lâu, vội viết thư gửi ông bạn già Quách Tấn  Không lâu sau, ông nhận được hồi âm của bạn cũng đang trong cảm xúc dạt dào.                                                                                                

Ngày 12 tháng 6 năm 1975

Lang thân mếm !

Thư Lang đến hôm nay, đến trong lúc tôi viết thư cho Việt hỏi thăm tin tức Lang. Thế là lòng của những người thân yêu nhất đã trùng phùng đủ cả.

Tôi hết sức mừng được bạn phương xa không quên, lòng tôi xưa sao nay vậy. Những tập thơ và kịch của Lang, tôi còn giữ nguyên, những bức thư của Hoan, Tạo đều không mất bức nào. ..

Tôi vẫn khỏe, năm 1969 bị đau mạch lươn nằm nhà thương đến nửa năm, bị mổ đi mổ lại đến 6 lần đau điến gan điến ruột. Năm 1973 bị đau mắt, bị mổ mù một con phía trái, phải nghỉ làm việc để dưỡng con mắt còn lại, tuy vậy lòng chưa chịu già và ít bệnh.

Cuộc sống, nếp sống của tôi và gia đình không khác xưa mấy, vẫn giản dị, thanh đạm, nhà cửa cũng y như cũ, không sửa đổi chi cả…Từ đây về sau chưa biết ra sao. Nguyễn Đình, Nguyễn Học Sỹ đã qua đời! Nguyễn Thành Long thường gặp Lang? Tôi xin gửi lời thăm. Ông Khương Hữu Dụng chắc còn trẻ tánh như lúc xưa. Lâu nay, cứ mỗi năm tôi về Bình Định ít nhất là một lần vào đầu xuân, thỉnh thoảng cũng có lên thăm Thành Bình Định, cảnh vật ở đó khác hẳn xưa, người quen biết cũ chả còn ai!  Nền nhà cũ của chú ở chỗ nào tôi tìm không ra, ông ngoại lũ nhỏ (con Lang) ở đâu tôi không biết, buồn thấu gan mỗi khi đi qua chùa Ông.

Trong này, ngoài ông Nguyễn Đồng ở Phú Phong tôi không có bạn, sống thui thủi một mình với văn chương. Từ lúc đau mắt đến giờ lại phải xa sách, bút lòng cô đơn vô cùng. Trông ngày, trông đêm Lang, Hoan, Tạo…về sớm được ngày nào quí ngày ấy. Có nhiều chuyện muốn ngỏ cùng, nhiều lắm song không thể viết hết ra giấy nổi.

Với tấm lòng mong đợi, xin chúc Lang vạn sự như ý, gửi lời thăm thiếm Lang và các cháu.

Tái bút. Tôi có nhờ rể chú Tạo – bác sỉ Ngưởng ở Qui Nhơn gửi ra cho chú tập Tố Như thơ trích dịch và Xứ Trầm Hương chắc đợi có người ra Hà Nội mới chuyển được.

Nguyễn Văn Bỗng đi công tác Nha Trang có ghé thăm tôi. Huỳnh Lý đi công tác Đà Nẵng, gặp Vũ Hân có nhắc đến tôi. Như thế phần đông văn nghệ sĩ Hà Nội đều thương tôi như cũ. Thật mừng, mong gặp lại tất cả.

Trước tình cảm thiêng liêng của những người con xa quê muốn được về thăm, tháng 7 năm 1975, Hội Nhà Văn đã cử hai Đoàn về Miền Trung và Nam Bộ.

– Đoàn về miền Trung do nhà thơ Đào Xuân Quí phụ trách: có ba tôi, các chú Trinh Đường, Phạm Hổ, Nguyễn Thành Long, anh Xuân Tùng và một số anh chị em Phòng Hành chính, không phải người Nam nhưng muốn chứng kiến ngày vui đoàn tụ sau thống nhất ra sao.

Đoàn tới Đà Nẵng thì gặp các Văn nghệ sĩ đi B trụ lại: nhà văn Vương Linh, Nguyên Ngọc, nhạc sĩ  Phan Huỳnh Điểu… Ai nấy khỏe, vui, hạnh phúc tràn trề thấy rõ trên khóe mắt họ.

Tại Đà Nẵng, cha con chú Nguyễn Thành Long, con gái Nguyễn thị Quê Hương, em trai- GS nhạc sĩ Bích Ngọc gặp nhau. Hai chú cháu về bằng đường biển, từ Hải Phòng vào. Ba tôi nhập vào gia đình chú Long, cùng lên Ngũ Hành Sơn viếng mộ Bích Khê sau đó tiếp tục đi Nha Trang, Đà Lạt rồi mới về Bình Định,…

Ngày ấy, bà con Miền Nam gặp cán bộ, bộ đội cụ Hồ ở Bắc vào, ai cũng đon đả, thân thiện như gặp chính người thân của mình đi xa lâu mới về.

Hai mươi năm, Bắc-Nam bị chia cắt, với lịch sử nhanh như chớp mắt, nhưng với đời người là hàng vạn đêm dài dằng dặc! Ngày thống nhất, niềm vui sum họp là niềm vui liền da liền thịt. Các chủ xe đò cho họ quá giang, bà con trên những chặng đường nghĩ cho ăn, uống tử tế, đúng như ngạn ngữ VN “người trong một nước phải thương nhau cùng!

Thời gian này ba tôi viết “Bình Định 1975”. Đó là cảm xúc dạt dào của người con xa quê được trở lại nơi chôn nhau cắt rốn; là nỗi khát khao mong đợi bấy lâu khi thành hiện thực:

Tôi trở lại với mái đầu đốm bạc

Bé u-ơ nhà lạ đón nhìn “ông”

Láng giềng cũ quá nửa phần xiêu dạt

Cả bầu trời cũng vợi hết mênh mông

Giọt nước mắt trong ngày hạnh phúc đã thấm khắp đất trời. Dấu ấn nơi nhà thơ sau ngày trở lại, lạ quen, vui mừng hờn tuổi đang hòa quyện trong dòng cảm xúc bất ngờ trào dâng:

Khó trụ vườn xưa để đợi mình

Chồi lim gốc mít lẫn gio tranh

Chỉ riêng phảng phất hương thời trẻ

Theo bước dè trên đám miểng sành.

(Về quê mẹ sau giải phóng – 7/1975)

Kể lại ngày gặp lại, ba tôi nói: “bà con chòm xóm reo vui: “Úi chui cha! Thi sĩ của “Bến My Lăng” đây rồi! Bao năm qua, chúng em luôn nhớ anh! Anh chẳng khác gì mấy, hơi già đi chút thôi. Cậu Ba Thành vừa vỗ vai ba vừa trêu:

“Sao nghe nói bảy thằng Cộng sản Miền Bắc đu trên một cộng đu đủ không gãy mà trông dượng đâu nỗi nào, coi còn khỏe hơn tôi nữa đấy…”. Các chị họ thì tò mò “dượng ở ngoài đó chắc làm lớn, giàu sang, dượng về chắc đem nhiều của cải theo?”. Không biết câu nói này có ý mỉa mai hay trêu chọc, vì bà con nhìn thấy trên vai nhà thơ chỉ có chiếc ba lô cũ kỹ, xẹp lép.  Câu nói vui làm cả khách lẫn chủ được dịp cười hả hê.  

Sau khi hỏi đủ chuyện trên trời, dưới bể bà con như đã thỏa mãn trí tò mò về người “phía bên Cộng sản Bắc Việt ” mà bấy lâu họ nghe đồn lại khác như đã thấy.

Nhớ

Hăm mốt năm đi, một tháng về

Về sao lâu vậy, quá hơn đi

Đất quê vốn buộc tình ta đấy

Đỉnh tháp Chàm kia đứng nhớ gì?

Hai mươi năm bị chia cắt – là sự kiện nhưng vào thơ là cảm xúc ngậm ngùi là nỗi trăn trở mà người con xa quê không dám nghĩ có ngày trở lại

Vẫn còn đấy-hiên ngang trời ngây ngất

Mà đã thành kỷ niệm những mây, trăng

Cả con nước đang vào thu dào dạt

Cát bồi cong quá nửa Bến My Lăng

Thị trấn bé cũng ngẫn ngơ lạc ngõ

Áo rằng ri tả tước góc rào gai

Vỏ chai, họp găm đau lòng hố cỏ

Tiếng xới tìm chút chít trẻ con lai

(Bình Định 1975)

Chính lúc này ba tôi đã lựa cho mình nơi ở cuối cùng.

Không phải đợi lâu. Đến tháng 2 năm 1976, trong tay có giấy Quyết định về hưu, ông lấy ba lô trên đầu tủ; hành trang về lại nhà của ông, vẽn vẹn hai bộ áo quần cũ, họp thuốc đánh răng Ngọc Lan dùng dỡ dang, chiếc bàn chải đã toe, và bức tranh “Đường làng” của bác Quang Dũng .

Nhà văn người Mỹ John Steinbeck- nói rằng:

“Một khi ta đã rời quê về kế sinh nhai thì ta khó trở lại cố hương. Về quê hương chỉ là ký ức nhẹ nhàng như mùi thơm của hộp băng phiến. Thực tế không giống những gì ta mong đợi.”

Còn nhà thơ Tế Hanh :

“Ông Yến Lan lạ lắm, cả đời không muốn đi đâu xa, không mơ nhà cao cửa rộng, không thích sống ở đô thành ồn ã. Có ai làm thơ rồi ở lại đó đâu! Chỉ có ông ấy là người sống chết với quê hương.”

Quê tôi nghèo lắm, nhưng với đạo lý “con không chê mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”, bởi từ lâu, quê là tình, là nợ đã ngự trị trong trái tim ba tôi hơn ¼ thế kỷ qua, là nơi cho ông cảm giác bình yên để sống tiếp giai đoạn cuối đời.

Thật vậy, có xa lạ gì với ta. Mãnh đất Bình Định quê nhà thơ đã sản sinh ra nhiều nhà thơ nổi tiếng trong cả nước: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Phạm Hổ, Nguyễn Viết Lãm,.. nhưng tất cả đều chọn hoặc ở lại thủ đô Hà Nội hay vào Thành phố HCM hoa lệ để sống. Chỉ có nhà thơ Yến Lan là chọn quê để trụ lại.{jcomments on}

0 thoughts on “Trở lại cố hương!

  1. Bích Thủy

    Chào bạn Người trần mắt thịt. Đây là đoạn HK kể lại những ngày mới giải phóng mà nhà thơ Yến Lan-ba tôi đã trải qua. Việc ông chọn quê làm nơi sống cuối đời chị em tôi cũng không ủng hộ. Và thật may là em tôi-nhà thơ LHN đã ko nghe lời khuyên của cha cùng về quê để lập nghiệp. Ai ở lại đó đều ko có cuộc sống như mình mong muốn. Nhiều người BĐ trở thành đại gia khi ở xa quê.
    Cảm ơn bạn.

    Reply
  2. Mộng Vân

    Một bài viết hết sức chân tình về Người Cha Thi Sĩ đọng mãi trong lòng người đọc nét thơ hòa quyện cùng máu thịt quê hương của nhà thơ Yến Lan.
    Cám ơn chị Lâm Bích Thủy đã chia sẻ bài viết cùng bạn bè Hương Xưa!

    Reply
  3. Quốc Tuyên

    “Ông Yến Lan lạ lắm, cả đời không muốn đi đâu xa, không mơ nhà cao cửa rộng, không thích sống ở đô thành ồn ã. Có ai làm thơ rồi ở lại đó đâu! Chỉ có ông ấy là người sống chết với quê hương.”
    Rất cảm phục nhà thơ Yến Lan!

    Reply
  4. Tran Kim Loan

    Bài viết rất chân tình của chị Bích Thủy đã giúp cho mình hiểu rõ thêm và nhà thơ Yến Lan,rất đáng phục,cám ơn chị LBT ,chúc chị nhiều sức khỏe!

    Reply
  5. Bích Thủy

    Thân ái chào các em: Mộng Vân, Uyển Diễm, Quốc Tuyên, Kim Loan, Kim Chi. Chị rất hân hạnh khi bài viết về cha của chị được các em nhận ra nhân cách của Người. Đó là sự thành công mà chị muốn đạt tới. Chị chúc các em những lời tốt đẹp nhất, may mắn nhất trong cuộc sống hiện tại.
    Chị LBT

    Reply
  6. camtucau

    Cám ơn LBT đã cho đọc hồi ký về người cha thi sĩ, một người yêu quê hương và nhân cách rất đáng nể phục Chúc vui nhiều nhé

    Reply
  7. Kim Liên

    Chị Thủy ơi, đọc hồi ký của chị viết về người cha thi sĩ, em càng cảm nhận được cha chị đúng là một nhà thơ có nhân cách. Một người không mê nhà cao của rộng, đô thành ồn ả để giữ lại một tình yêu quê tha thiết. Em rất cảm phục bác Yến Lan-ba chị.

    Reply
  8. Bích Thủy

    Cảm ơn bạn Camtucau và Kim Liên đã chia sẻ với Bích Thủy những cảm xúc chân thành tự đáy lòng.

    Reply
  9. Thu Thủy

    Thật vậy, có xa lạ gì với ta. Mảnh đất Bình Định quê nhà thơ đã sản sinh ra nhiều nhà thơ nổi tiếng trong cả nước: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Phạm Hổ, Nguyễn Viết Lãm,.. nhưng tất cả đều chọn hoặc ở lại thủ đô Hà Nội hay vào Thành phố HCM hoa lệ để sống. Chỉ có nhà thơ Yến Lan là chọn quê để trụ lại.

    Thật đáng quý biết bao tấm lòng chung thuỷ của nhà thơ Yến Lan.

    Reply
  10. Lê V. Ánh

    Yến Lan ở miền Bắc năm 1972 hay về quê sau 1975 cũng chỉ có thế.
    TT Võ Văn Kiệt nói: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn.”
    Chị Bích Thủy viết “Ai ở lại đó (BĐ) đều ko có cuộc sống như mình mong muốn”. Vậy là chị rất cảm thông với người quê BĐ mình. Xin cảm ơn chị thật nhiều và chúc chị mạnh khỏe.

    Reply
  11. Bích Thủy

    Thân mến chào các bạn đọc Đặng Danh, Thu Thủy, Lê V. Ánh.
    Vì là người trong cuộc nên ít nhiều mình hiểu về những khó khăn, nhũng nhịu từ cuộc sống thực tế của người còn đang sống ở BĐ. Một người như ba mình, theo nhận xét chung của khách yêu thơ rằng “Đó là một nhà thơ mẫu mực trong cuộc sống và trong lao động, song đời ko công bằng với ông…” Nhưng không vì thế mà ông chán nản; ông luôn sàng lọc ra những điều tốt đẹp nhất dù ít ỏi từ mảnh đất quê cha để gieo vào lòng con tình yêu quê xuất phát từ con tim chứ ko phải bằng triết lý ảo: ”
    “Nhưng quê hương…? Con biết chữa? Quê hương Có những mối giây quấn quýt, buộc ràng; Gút chặt trong ta những thầm kín nhất.
    Cho đến cả những vật xưa đã mất Cứ còn tuyền trong hơi ấm tim gan!”
    Một lần nữa xin chân thành cảm ơn lời sẻ chia của các bạn.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.