Nguyễn Vỹ Và Tạp Chí Phổ Thông

Tác giả: Hoài Nguyễn

Nghề làm báo ở Việt Nam đã hình thành từ khi chữ quốc ngữ từng bước được hoàn thiện thay thế chữ Hán Nôm và người Pháp bắt đầu cai trị xứ này gần cả thế kỷ.
Những người làm báo thời đó phần đông xuất thân từ Tây học hoặc do thời thế mà phải “vứt bút lông đi dắt bút chì” tạo nên những phong trào như Thơ Mới, phong trào học chữ quốc ngữ… và du nhập nhiều dòng văn học nghệ thuật từ phương Tây vào Việt Nam tạo nên một bức tranh đa dạng nhiều sắc màu văn hóa và ngày càng phát triển…

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, nền Văn học Nghệ thuật Việt Nam cũng theo hai xu hướng và phát triển riêng ở những vùng kháng chiến chống Pháp và vùng do Pháp chiếm đóng nên dần tách theo hai xu thế khác nhau và cũng nhằm mục đích khác nhau!
Ở những thành thị nằm trong vùng Pháp kiểm soát, công việc làm báo chí cũng như trong lĩnh vực văn hoc nghệ thuật có tương đối thuận lợi hơn do điều kiện về cơ sở vật chất, máy móc in ấn và số độc giả đa phần là người thành thị nên xuất hiện khá nhiều tờ tạp chí văn hóa, văn học nghệ thuật với nhiều tên tuổi nổi lên trong làng báo thời đó.
Một trong những nhà văn nhà báo nổi lên từ thời tiền chiến là Nguyễn Vỹ (1910-1971) người Quảng Ngãi, từng học tại Trung học Pháp-Việt ở Qui Nhơn 1924-1927, rồi gián đoạn vì tham gia các cuộc vận động chống thực dân, sau đó ông ra Bắc theo học ban Tú Tài tại Hà Nội.
Năm 1934, ông xuất bản tập thơ đầu tiên, tên là Tập thơ đầu, gồm hơn 30 bài thơ Việt và thơ Pháp. Thi phẩm này in ra không được nhiều thiện cảm, bị cho là rườm rà, “nhiều chân” và là đối tượng chê bai chính của Lê Ta (Thế Lữ) trên các báo.
Năm 1937, Nguyễn Vỹ sáng lập tờ Việt-Pháp lấy tên là Le Cygne, tức Bạch Nga. Báo này ngoài Nguyễn Vỹ còn có nhà văn nổi tiếng bấy giờ là Trương Tửu cộng tác. Sau do Nguyễn Vỹ có viết nhiều bài viết chỉ trích đường lối cai trị của người Pháp nên tờ báo bị đóng cửa, bị rút giấy phép vĩnh viễn. Còn bản thân ông bị kết tội phá rối trị an và phá hoại nền an ninh quốc gia, bị tòa án thực dân tuyên phạt 6 tháng tù và 3.000 quan tiền.
Năm 1939, Nguyễn Vỹ mãn tù lúc Pháp thất trận, quân Nhật vào chiếm đóng Việt Nam. Nguyễn Vỹ lại tranh đấu chống Nhật, bằng cách soạn và cho xuất bản hai quyển sách chống chế độ quân phiệt Nhật là: Kẻ thù là Nhật Bản, Cái họa Nhật Bản.
Lần này, Nguyễn Vỹ lại bị nhà cầm quyền Nhật bắt giam tại ngục Trà Khê – Phú Yên (sau này trong tạp chí Phổ Thông bộ mới, Nguyễn Vỹ có kể lại những ngày sống trong tù ngục với tựa bài Người tù 69).
Năm 1945, thế chiến thứ hai chấm dứt, Nguyễn Vỹ ra tù, sáng lập tờ báo Tổ quốc tại Sài Gòn, trong ấy có những bài công kích chính quyền đương thời nên chỉ ít lâu sau, báo này lại bị đóng cửa.
Sau đấy, Nguyễn Vỹ lại cho ra tờ Dân chủ xuất bản ở Ðà Lạt, chống chính sách quân chủ lập hiến của Bảo Ðại. Tồn tại chẳng bao lâu, đến lượt tờ báo trên cũng bị đình bản.
Năm 1952, một nhật báo khác cũng do Nguyễn Vỹ chủ trương là tờ Dân ta, sống được một thời gian, cuối cùng cũng bị đóng cửa như các tờ báo trước.
Một tờ Nguyệt san Tạp chí khác cũng của Nguyễn Vỹ xuất bản lần đầu tiên vào năm 1952 là tờ Phổ Thông, chuyên về Văn hóa và Kiến thức phổ thông có trụ sở tòa soạn đặt tại Đà Lạt chỉ phát hành 8 số thì tự đình bản!
Sau ngày đất nước chia đôi theo Hiệp định Geneve vào năm 1954, các phong trào làm báo cũng như văn học nghệ thuật ở Bắc vĩ tuyến 17 bị cấm đoán nghiêm ngặt và tất cả lĩnh vực này đều theo chỉ đạo và quản lý của nhà cầm quyền Miền Bắc lúc đó, làm dấy lên phong trào phản kháng của giới văn nghệ sĩ mà nổi tiếng là phong trào Nhân văn – Giai phẩm khiến giới làm văn học nghệ thuật hầu như bị khựng lại. Ai muốn nhận tem phiếu để tồn tại thì phải “sáng tác” theo quan điểm chính trị và định hướng của nhà cầm quyền.
Trong khi đó ở phía Nam vĩ tuyến 17 vẫn tiếp tục duy trì tự do báo chí, văn học nghệ thuật và đương nhiên cũng chịu sự chịu sự kiểm duyệt của chính quyền trước khi xuất bản ra công chúng. Tuy nhiên giới văn nghệ sĩ Miền Nam vẫn “dễ thở” và tự do trong sáng tác hơn nhiều.
Lúc này Nguyễn Vỹ chuyển từ Đà Lạt về Sài Gòn, Tòa soạn tại số 227 đường Phạm Ngũ Lão để tiếp tục tái bản tờ Phổ Thông từ tháng 11/1958 với dạng Bán Nguyệt san (tháng ra hai số) cũng với nội dung chuyên về Văn hóa và Kiến thức phổ thông, chú trọng về nghệ thuật và văn học phát hành đều đặn đến năm 1974 ngay cả khi Nguyễn Vỹ đã qua đời năm 1971 vì tai nạn xe cộ trên đường từ Mỹ Tho về Sài Gòn. Ngoài ra, ông còn cho ra tuần báo Bông Lúa, tuần báo thiếu nhi Thằng Bờm.
Có thể nói tờ Phổ Thông do Nguyễn Vỹ làm chủ bút và giám đốc có sức sống bền bỉ tới hơn 20 năm, ra đều đặn đến hơn 200 số báo đến tay khá nhiều độc giả gồm nhiều thành phần trong xã hội miền Nam lúc đó. Tờ Phổ Thông lúc bán chạy nhất lên đến cả hai mươi lăm ngàn số.
Năm 1956, Nguyễn Vỹ được mời làm cố vấn cho chính quyền VNCH thời bấy giờ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nhưng chỉ ít lâu sau ông rút lui. Trong khoảng thời gian này ông được phép tái bản nhật báo Dân ta (bộ mới) nhưng đến năm 1965 cũng lại bị đóng cửa và từ 1967 Nguyễn Vỹ chỉ còn chủ trương tạp chí Phổ Thông mà thôi.
Báo Phổ Thông những năm 1959, 1960 cũng là tờ báo đặc biệt mời được sự cộng tác của những tên tuổi lớp trước, mà đa số các báo khác không mời được như Thiếu Sơn, Tế Xuyên, Vi Huyền Đắc… Có thể khẳng định tạp chí Phổ Thông này do Nguyễn Vỹ chủ biên chí được kể là một trong những tờ báo nghiêm túc và có nhiều uy tín đối với làng báo miền Nam.
Tham gia viết bài trong tờ báo “con cưng” của mình, Nguyễn Vỹ có những bút danh khác nhau để không làm nhàm chán độc giả như những tên gọi mà những ai thời đó còn nhớ như Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền.
Như chủ trương của tờ Phổ Thông nên nội dung của tờ báo bao gồm rất nhiều kiến thức mang tính Phổ Thông thuộc nhiều lĩnh vực cổ kim Đông Tây.
Vào thời đó kỹ thuật in ấn chủ yếu là in typo nên hình thức cũng tranh vẽ minh họa hầu hết là trắng đen nhưng tờ báo cũng có nhiều cố gắng trình bày hình thức khá tốt nên cũng thu hút được nhiều độc giả mua hoặc đặt báo tháng…
Đầu những năm 1960, thời ấy ba tôi lái xe cho Tiểu Khu Quảng Ngãi rất mê đọc sách báo và các tạp chí văn học nghệ thuật nên vẫn thường hay đặt báo tháng một số nhật báo và tạp chí. Về nhật báo thì thường là Ngôn Luận, Tia Sáng… và tạp chí thì có ba thứ mà tôi được đọc ké từ thời còn nhỏ là Phổ Thông, Thời Nay và Văn…
Có thể nói một điều là với những sự đóng góp của nhiều cây bút và sự tìm tòi vào thời ấy từ những nguồn sách báo khác nhất là từ phương Tây, tờ Phổ Thông đã cung cấp một số kiến thức khá đa dạng phong phú thuộc rất nhiều lĩnh vực nhằm mở mang kiến thức phổ thông cho người đọc.
Chắc những lớp người chúng ta nay ở vào độ tuổi sáu bảy mươi những bài viết một thời đã được đăng nhiều kỳ trên tờ Phổ Thông này như “Mình Ơi!” do chính Nguyễn Vỹ viết dưới bút danh Diệu Huyền.
Trong “Mình Ơi!”, dưới mẩu chuyện của hai vợ chồng, sự thắc mắc về những vấn đề văn hóa tổng quát của người vợ khi muốn hỏi người chồng giải thích thì bà vợ thường hay gọi chồng: Mình ơi! Tại sao thế này, tại sao thế nọ…
Chắc có người còn nhớ những mẩu chuyện ngắn đăng thành nhiều kỳ trong “Lội Ngược” cũng do Nguyễn Vỹ viết dưới một bút danh khác trong đó chủ yếu châm biếm những những tệ nạn, hủ tục, những lối xa hoa phù phiếm mà trong đó có một thằng Ngọng chuyên thắc mắc “Thế nà thế nào?”
Trong Phổ Thông cũng đăng thường xuyên nhiều truyện “Tuấn, Chàng Trai Nước Việt” với văn phong hấp dẫn và lôi cuốn người đọc nên khó ai bỏ sót kỳ nào của tờ Phổ Thông!
“Tuấn, Chàng Trai Nước Việt” của Nguyễn Vỹ không chỉ thuần túy là văn chương văn nghệ mà qua tác phẩm này của ông, đã phản ánh được một giai đoạn của lịch sử nước nhà thời cận đại và chính ông là một trong những chứng nhân của thời đại mà ông đã từng sống…
Cũng vì cái nghiệp làm báo lúc đó khiến Nguyễn Vỹ phải thốt lên “Làm nhà văn An nam khổ như chó!” (Gửi Trương Tửu) khi phải vào tù ra khám hết thời Pháp đến Nhật và những tờ báo ông phụ trách cũng lắm phen “lên bờ xuống ruộng” vì bị đình bản, rồi sau đó tái bản…
Cuộc sống lao tù cũng được Nguyễn Vỹ kể rất hấp dẫn trong Phổ Thông với tựa đề “Người Tù 69”.
Cuộc sống, tình cảm của giới tài xế Taxi cũng viết khá phong phú, hấp dẫn qua “Cuộc đời sau tấm kính chiếu hậu”…
Những kiến thức tổng quát cổ kim Đông Tây như “Những người đàn bà lừng danh trong lịch sử”, “Những bí mật trong Thế chiến thứ hai”, “Chuyện thần thoại Hy lạp – La Mã”, “Văn thi sĩ Tiền chiến”… Rất nhiều mục mà lâu quá rồi, tôi không thể nào nhớ hết!
Có khá nhiều văn, thi sĩ thời đó cộng tác với tờ Phổ Thông nên nội dung của tờ này khá phong phú! Báo quy tụ hầu hết các nhân vật tên tuổi, các nhà văn hóa từ Bắc di cư vào và các nhà văn miền Nam như Thiếu Sơn, Tế Xuyên, Vi Huyền Đắc, Triệu Công Minh …
Trong tờ Phổ Thông có mục thơ theo trường phái Bạch Nga do Nguyễn Vỹ đề xướng có nhiều thi sĩ tham gia hội tụ như Nguyễn Thu Minh, Thu Nhi, Tôn Nữ Hỷ Khương, Minh Đức Hoài Trinh (ở bên Pháp), Ngọc Hân, Phương Đài, Thùy Dương Tử, Tuệ Mai, bác sĩ Nguyễn Tuấn Phát…
Nguyễn Vỹ xây dựng lại Trường thơ Bạch Nga trong tờ Phổ Thông từ mùa thu năm 1962 và được nhiều bạn đọc hưởng ứng.
Từ thời tiền chiến, Nguyễn Vỹ có sự cộng tác của Trương Tửu chủ trương cách tân thơ Việt thể hiện ở việc mở rộng câu thơ đến 12 chữ như thơ Pháp đăng trong tờ Việt Pháp lấy tên là Le Cygne, tức Bạch Nga nên người thời ấy gọi thơ của nhóm Nguyễn Vỹ là trường phái Bạch Nga
Vì thế Nguyễn Vỹ đã bị Thế Lữ chê là thơ “lòe bịp”, Vũ Ngọc Phan thì cho là “tầm thường” chỉ cầu kỳ có bề mặt. Hai nhà phê bình Hoài Thanh, Hoài Chân thì cho rằng: “Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng trống, xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì…”
Sự không thành công của trường phái Bạch Nga này có thể là bấy giờ trong cái vỏ ngoài có vẻ bắt chước của nó là sự còn quá mới, vượt ngưỡng tiếp nhận của người đọc, hay thực sự câu thơ Việt hay cái hơi của người Việt chỉ thích hợp với độ dài vừa phải của thể thơ 5, 7 chữ!
Tuy chê bai, nhưng ngay sau đó Hoài Thanh, Hoài Chân cũng phải nhìn nhận: “Một bài như bài “Sương Rơi” được rất nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để diễn tả một cái gì đương rơi. Cái gì đó có thể là những giọt lệ… Nhưng “Sương Rơi” còn có vẻ một bài văn. “Gửi Trương Tửu” mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Lời thơ thống thiết, uất ức, đủ giãi nỗi bi phẫn cho cả một hạng người.”
Tao đàn Bạch Nga ở được một thời gian khi báo Phổ Thông lên, rồi đến thời kỳ sa sút, Phổ Thông bán ế dần cho đến khi chỉ còn một ngàn số.
Đó là vì thời kỳ này có nhiều báo ra đời như Văn Hóa Ngày Nay, Tân Phong của Nhất Linh, báo Văn do Trần Phong Giao làm Thư Ký, Văn Học, nhất là các báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy… lấy hết độc giả của Nguyễn Vỹ!
Thời gian này có nhiều báo mới ra, nguyệt san Thời Nay toàn dịch tài liệu trên báo ngoại quốc nên Thời Nay đã lấy rất nhiều độc giả của Phổ Thông vì tin tức và bài vở ăn khách. Ngoài ra còn Văn của Trần Phong Giao lấy bài của các tác giả cộng tác định kỳ về in. Đáng kể là Văn hóa Ngày nay của Nhất Linh, đối với tờ này là Sáng Tạo của nhóm Trần Thanh Hiệp, Mai Thảo, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Hoàng Bảo Việt, Vương Tân, Trần Dạ Từ… Họ viết nhiều đến chủ nghĩa hiện sinh. Đó là thời của Hiện sinh, ai cũng thích đọc và nghiên cứu về thi ca siêu thực và các tác giả mới của văn hóa hiện đại.
Nguyễn Vỹ và tao đàn Bạch Nga như đóa hoa héo dần, sau này Phổ Thông in một ngàn số mà cũng rất khó bán. Nguyễn Vỹ còn cho ra đời nhật báo Dân Ta do Hải Âu làm Tổng Thư Ký và ông Triệu Công Minh, chồng bà Ái Lan, mới ở Pháp về, hợp tác. Độc giả quên dần Phổ Thông để đọc các báo mới từ văn nghệ đến văn học nghệ thuật đều mới mẻ.
Âu cũng là một quy luật thịnh suy trong nghiệp văn chương vậy!
Làm cả thơ bằng tiếng Pháp, viết cả tiểu luận bằng Pháp văn, nhưng trước sau Nguyễn Vỹ vẫn tha thiết với sự nghiệp văn chương tiếng Việt. Ông đã hơn một lần gửi thông điệp khuyến cáo các nhà văn viết tiếng Pháp như Phạm Duy Khiêm, Phạm Văn Ký, Nguyễn Tiến Lãng… quay về viết Việt văn để có đóng góp cho văn hóa văn chương dân tộc. Bởi, theo ông, những nhà văn nói trên dù giỏi đến đâu vẫn chỉ là những kẻ “ngụ cư” văn hóa, chờ đến khi được ghi nhận là “chính cư” thì đã không còn là người Việt Nam rồi!
Nguyễn Vỹ là một nhà thơ có thực tài. Ông có cái nhìn thường xuyên vào thực trạng xã hội, theo dõi những màu sắc biến đổi của nhịp sống dân tộc đã chịu nhiều thảm họa; hòa lẫn vào đấy là tình thương yêu đồng loại. Tiếng thơ của Nguyễn Vỹ là tiếng nói chân thành phát xuất tự con người còn nghĩ đến quê hương.
Nguyễn Vỹ quả thực là con người điển hình của thế hệ trí thức mới này. Ông là người yêu nước chống Pháp ngay từ học sinh trung học và chống Nhật sau này. Ông khát khao xây dựng một nền văn chương mới. Tham gia viết hầu hết các thể loại, nhưng ông thành công hơn cả với tư cách một nhà thơ. Hai kiệt tác “Sương Rơi” và “Gửi Trương Tửu” là hai điệu tâm hồn ông, điệu tâm hồn thế hệ ông. Một, “Sương Rơi” với thể thơ hai chữ tả giọt sương rơi đều đều, chậm chậm gợi một cảm giác mất mát của tình yêu và hai, “Gửi Trương Tửu” với thể thất ngôn trường thiên đượm vẻ hài hước cay chua thể hiện tâm trạng phẫn uất của một nhà văn An Nam trong xứ sở thuộc địa.
Tóm lại sự nghiệp văn chương, sự nghiệp báo chí củaNguyễn Vỹ so với những người cùng thời, không phải là lớn lắm. Nhưng cuộc đời hoạt động văn chương và báo chí sôi nổi, nhất là những quan sát, trải nghiệm những sự thay đổi của xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX được ghi lại trong “Tuấn, chàng trai nước Việt” và “Văn thi sĩ tiền chiến”, đã để lại những chứng tích giá trị. Như thế, với tư cách một chứng nhân và một người tham dự, cuộc đời Nguyễn Vỹ – người con của Quảng Ngãi và con người của thế hệ mình – là một giá trị văn hóa.
Miền Nam Việt Nam hay VNCH tuy chỉ tồn tại hơn 20 năm trời (1954-1975) nhưng có thể nói một cách công bằng là lĩnh vực về văn chương – báo chí phát triển hơn hẳn Miền Bắc cùng thời kỳ đó. Số lượng sách báo thời ấy phát hành tự do và khá nhiều mà không có sự can thiệp quá sâu rộng của chính quyền chủ yếu là theo nhu cầu của các tầng lớp độc giả từ bình dân đến thượng lưu trí thức, tất cả đều có đủ.
Sự đóng góp này phải nói có công đóng góp không nhỏ của Nguyễn Vỹ – một nhà thơ, nhà văn và là nhà báo lão thành trong làng báo miền Nam. Ông được người đời công nhận là một nhà báo dám nói lên sự thật. Nguyễn Vỹ chính là một trong những nhân chứng của một thời đại mà ông đã từng sống và cố gắng bằng cả tâm huyết để xây dựng một nền văn chương báo chí tiếng Việt mà hiện nay những lớp người như chúng tôi khi nhớ lại dường như cứ mãi luyến tiếc một điều gì đó, một thời tự do của tuổi trẻ đã mất rồi…
Hoài Nguyễn – 07/12/2019

( Nguồn https://www.facebook.com/profile.php?id=100050507365439&locale=vi_VN)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.