Sau gần 40 năm xa quê hương và 20 năm công tác ở đó, tôi về thăm nhà trong dịp Tết để tìm lại hương vị ngày xưa háo hức chờ mỗi lần Xuân đến. Thời còn bé, mong Tết đến để được xúng xính trong bộ quần áo mới, với bao đỏ lì xì, và vui cùng tiếng pháo ầm ì nổ vang. Tết đến được thêm một tuổi, lớn nhanh, để mau đi ra khỏi miền quê nghèo, để được thấy phố phường bên kia ngọn núi… nhưng có ai ngờ lớn lên mình đã đi qúa xa, vượt đaị dương, đi biệt. Số tuổi ở xứ người nay đã gần gấp đôi tuổi ở quê nhà, và thời gian qua qúa nhanh, một thoáng mái tóc xanh ngày nào nay đã có nhiều sợi bạc. Hôm giỗ sinh nhật 100 tuổi của Cha mới biết mùa Xuân năm xưa lúc Cha gạt nước mắt, dúi cho thằng con nắm tiền rồi dục con trai xuôi Nam, cũng bằng tuổi mình bây giờ. Cha mất trong thời bao cấp, nghèo đói, không thuốc men. Con trưởng thành nơi xứ người không người thân, không gia đình. Về lại chỉ thấy nấm mồ đầy cỏ dại và tấm hình người Cha gầy gò trên trang thờ. Nhìn căn nhà xưa đổ nát mà lòng mình hoang vắng lạ thường. Tất cả những hình ảnh, âm thanh ngày Tết đoàn tụ của tuổi thơ xưa như đã xóa mất trong trí nhớ tự lúc nào.
Xóm làng cũng không có vẻ gì đang rộn ràng đón Tết. Nhiều căn nhà cũ không có lấy một lớp sơn mới và lèo tèo vài cụm hoa Xuân e ấp nở bên hè. Phố chợ có đông hơn ngày thường, người mua chen nhau lựa những con gà công nghiệp làm sạch sẵn về cúng Ông Táo. Cái rét bất thường làm co ro rầu rĩ người bán hoa mai ngậm nụ không nở. Bao nhiêu công lao chăm bón suốt một năm trời coi như mất trắng. Kinh tế xuống dốc một phần vì người dân thu không đủ chi, và nhiều ngân hàng vỡ nợ vì nợ xấu cao và bất động sản đóng băng. Tiền vốn chôn vào những căn biệt thự cao cấp, xây xong đóng cửa chờ, gía bán được hạ thật thấp vẫn không có người mua. Người dân nghèo sống chui rúc, chen chúc trong những căn hẻm chật hẹp, dơ bẩn. Tiền kiếm được không đủ chi tiêu lấy đâu mua nhà .
Về thăm quê, những kỷ niệm cũ thì xa mờ, những gì đang xảy ra trên đất nước đã thấy không thể không suy tư. Nhân chuyến về thăm quê trong dịp tết, chúng tôi đại diện cho nhóm Trẻ Hoài Việt làm một số công việc từ thiện mà nhóm đã giao phó. Vừa đến Saigon ngày hôm trước, hôm sau đúng chiều 20 Tết đón xe đến Quận Tân Qúy ở Saigon để tìm Seour Thảo, dòng Mân Côi, người phụ trách Mái Ấm Hoa Hồng, nơi đang nuôi dưỡng hàng chục trẻ em mồ côi từ mọi miền đất nước. Lần về thăm nhà tháng 11, Chị Huệ, một thành viên của nhóm Hoài Việt có đến nơi này thăm các em và biếu một số tiền riêng cho Seour Thảo dành chi phí cho nuôi dưỡng các em. Về lại Mỹ, Chị cho chúng tôi xem những tấm hình các em sinh hoạt trong cảnh rất thiếu thốn. Có một tấm hình gây xúc động người xem là hình em bé mồ côi tên Nguyễn Ngọc Phương Vy, 6 tuổi, bị cong cột sống. Tên em đẹp nhưng đời em bất hạnh. Bị bỏ rơi lúc mới sinh ra lại còn bị dị tật bẩm sinh. Nếu không giải phẩu kịp thời, em sẽ không sống qua tuổi 10. Nhận số tiền 500 đô la từ Hoài Việt mà Seour Thảo không cầm được nước mắt. Soeur nói với giọng nghẹn ngào : “Cháu Phương Vy đã được anh em Hoài Việt cho sống lại”. Vy đứng khó khăn, cuối đầu chắp tay cảm ơn ân nhân với ánh mắt ngấn lệ. Tuổi còn qúa bé, như hàng trăm em bé bất hạnh khác bị bỏ rơi, nhưng được những nơi như Nhà Thờ, Nhà Chùa và các tư nhân khắp nơi cứu giúp.
* Những đứa trẻ mồ côi tại mái ấm Mân Côi
Chùa Diệu Giác, trên đường Trần Não, quận 2, cũng nuôi gần 300 em bé bị mẹ chúng bỏ lúc còn đỏ hỏn trước cổng Chùa. Sư Cô trù trì kể chuyện từ những năm 80, lúc Quận 2 còn là một nơi hoang vắng, Chùa Diệu Giác do các Ni Cô xây lên tạm bợ để tu. Vì là nơi hoang vắng nên những bà mẹ trẻ sinh con ngoài ý muốn đã vức bỏ những hài nhi trong đêm trước cổng chùa. Sáng sáng Ni Cô quét dọn lại đem vào những đứa trẻ sơ sinh, có đứa còn mang cả cuốn rốn chưa cắt, có khi tím tái vì kiến đốt. Cứ thế, qua năm tháng, Chùa đã nhận và nuôi dưỡng nên người hàng trăm em bé mồ côi, em lớn ra đời, em nhỏ được nhận vào thêm. Có em lớn lên, không rời Chùa mà tình nguyện ở lại làm việc để cứu những mảnh đời bất hạnh như mình. Mười năm trở lại sau lần làm từ thiện ở đây, thấy Chùa đang được xây lớn hơn và các em cũng có nơi ở khang trang để chơi đùa, học hành. Số tiền lớn để duy trì sinh hoạt cho Chùa đa số đến từ các tổ chức từ thiện khắp thế giới, trong số đó có thành viên của nhóm Hoài Việt. Vân Các đã giúp nơi này từ những năm 97, lúc chưa ai biết nơi nuôi dưỡng hàng trăm trẻ mồ côi, nay Cô không còn phải lo làm việc này một mình mà đã có nhóm Hoài Việt tiếp sức.
*Hai bệnh nhân tâm thần tại trại tình thương Trọng Đức
Khác với Chùa Diệu Giác và Nhà Tình Thương Mân Côi lo cho các em mồ côi, nhà Tình Thương Trọng Đức ở Đức Trọng Lâm Đồng là nơi nuôi dưỡng hơn 300 thanh niên, 200 thiếu nữ bị bệnh tâm thần mà gia đình không có khả năng nuôi dạy. Ở Việt Nam, bệnh tâm thần không được người dân quan tâm. Họ không nghĩ là có người lành lặn lại bị bệnh không làm chủ được lý trí và sinh hoạt tâm thần của mình. Đa số những trẻ em mắc bệnh này, gia đình thường cho là do bị ma qủy nhập nên tìm thầy cúng tế để xua đuổi tà ma. Nếu tìm thầy cúng mà vẫn không xua được tà ma, gia đình thường xích chân những người bệnh lại để không đi lang thang làm những việc tai hại đến người khác. Có một người bệnh tâm thần trong nhà là mang tiếng xấu với xã hội. Người nhà thường che dấu con bệnh hay đưa đi xa cho khuất mắt. Không được chữa trị lại thêm bị bạt đãi, người bệnh càng ngày càng bị nặng thêm, khi được được đưa đến trung tâm tình thương Trọng Đức này đa số các em không còn biết mình là ai, và không biết tại sao lại đưa đến đây nữa. Hỏi chuyện một em trai tại sao em ở đây, em bảo là đang đi nghỉ mát. Tiếp chúng tôi ngày 25 tháng Chạp là Ông Bà chủ Bùi Văn Thu, cặp vợ chồng người Bắc di cư, có đạo, sáng lập ra nơi này từ những năm trước 75. Thời chiến tranh, ông bà Thu chỉ nuôi giúp vài người bệnh, càng về sau, nhiều người biết nơi này tìm đến gởi người bệnh nhờ nuôi giúp rồi bỏ đó không quay trở lại nhận về. Ông Bà phải phá bỏ vườn cà phê rộng lớn của mình, xin tiền các nhà thờ và giáo dân trong vùng, xây cất tạm bợ những căn nhà có mái che nắng mưa cho các em trú ngụ. Sau hơn 40 năm hoạt động, cơ sở Tình Thương Trọng Đức nay khang trang hơn và số người bệnh tâm thần ở đây cũng ngày một nhiều hơn. Dù đã qúa đông nhưng ông bà vẫn không từ chối bất cứ một bệnh nhân nào được đưa đến đây. Nhiều bệnh nhân đến từ các tỉnh miền cực Bắc xa xôi. Tổn phí để giúp nơi này được tồn tại đều nhờ tư nhân trong nước và Việt Kiều giúp đỡ. Tại đây các em trai gái được sống tách riêng ra hai nơi biệt lập. Có người theo dõi từng giờ để kịp thời can thiệp khi có gây gỗ. Những khuôn mặt trẻ, nở nụ cười ngây thơ nhìn khách lạ với ánh mắt vô hồn. Mới nhìn, không ai biết các em có vấn đề gì, nhưng quan sát kỹ mới thấy trên ánh mắt thân thiện và nụ cười tươi ấy không che được nét buồn hiu. Nhìn đời xuyên qua song sắt hàng rào, cách biệt với thế giới bên ngoài, các em không biết còn có thế giới nào khác hơn thế giới các em đang sống. Thuốc tâm thần, nếu có thì dành cho những em bị bệnh nặng, còn lại các em khác hàng ngày được cho học tập thể những bài học của trẻ con và đến giờ ăn thì chỉ với cơm với canh rau củ bố thí, không bán được từ các vườn rau chung quanh Đức Trọng. Hôm chúng tôi đến thăm có một phái đoàn các cô giáo từ Dalat cũng đến đây làm từ thiện. Gần những ngày lễ lớn thường có những phái đoàn do các bạn trẻ các nơi xa đến đây giúp. Họ không cho tiền mặt, vì sợ tiền không dùng đúng vào việc nuôi dưỡng nên quyên được bao nhiêu họ chỉ mua cho những gói thức ăn, thức uống làm sẵn bỏ trong hộp nhựa. Có ngày hai ba phái đoàn cùng đến thăm, các em vừa được ăn no xong nhóm trước lại chờ xếp hàng nhận đồ ăn tiếp của nhóm sau. Ngày lễ qua đi, các em trở lại sống đạm bạc với cơm gạo hẩm và rau củ qủa không còn tươi. Chỉ tay lên giàn nước nóng mười máy chạy bằng năng lượng mặt trời, Ông Bà Thu cho biết số tiền Hoài Việt giúp họ sẽ dành để trả cho nơi đã mua trả góp bộ phận máy nước nóng mới có mua với gía 3 ngàn đô la vừa ráp trong mùa Đông khắc nghiệt này. Ông Bà nói ở đây điện bị cắt liên tục, nếu dùng máy nước nóng bằng điện thì rất tốn kém và khi cần thi không có nếu bị cúp điện. Bao nhiêu năm nơi phố núi lạnh lẽo các em chỉ tắm với nước lạnh trong mùa Đông nên số em bị bệnh cảm lạnh rất nhiều, nay con số bị bênh vì tắm nước lạnh đã có giảm.
*Giàn máy nước nóng chạy bằng năng lượng mặt trời mới ráp đặt
Thời gian ở Qui Nhơn chúng tôi muốn đến Quận Phù Cát để thăm gia đình Anh Hồ Văn Hợi và giúp Anh một số tiền nuôi đứa con trai bị bệnh, nhưng thì giờ không cho phép. Nhân đọc một bài báo ở hải ngoại viết về gia cảnh của Anh Hợi, Cô Trang một thành viên nồng cốt của Nhóm Hoài Việt đã đề nghị nên giúp cho gia đình này một ít tiền. Được sự tiếp tay của các Chị trong nhóm Hương Xưa tại Qui Nhơn, số tiền $500 đô được đến tận tay cho Anh Hợi vào những ngày trước Tết. Nhìn tấm hình của Hương Xưa gởi về, trong hình thấy Anh Hợi gầy tong teo, bên cạnh đứa con nằm bất động trên chiếc giường cũ, trong căn nhà lá trống trơn, ai thấy cũng không cầm được xúc động. Vợ qua đời, Anh Hợi bị bệnh nặng, một mình nuôi đứa con trai đã nằm một chỗ từ hơn 20 năm. Số tiền giúp đỡ từ Hoài Việt không nhiều nhưng cũng giúp cho cha con Anh Hợi Anh sống lây lất được vài tháng.
*Anh Hồ Văn Hợi và đứa con trai sống thực vật từ 20 năm
Vài tháng trong một đời người, hay vài người trong một đất nước mà hàng triệu người đang chờ cứu giúp. Việc làm của chúng tôi như muối bỏ biển, nhưng nghĩ lại dù gì cũng là những hạt muối mặn chứ không là nước lã. Anh Ánh, Chị Tuyết ở Qui Nhơn là những cặp vợ chồng kém may mắn, sống thiếu thốn vì tật nguyền. Hai Anh Chị bị tật ở chân, không di chuyển được dễ dàng. Được sự giới thiệu của nhóm Hương Xưa, chúng tôi và gia đình Anh Dzũng xin gởi đến Anh Chị món qùa nhỏ để vui Xuân. Ánh mắt long lanh vì xúc động, Chị Tuyết run run nắm lấy tay tôi khóc và nhờ tôi gởi tặng mấy Chị trong nhóm những chiếc hoa cài áo làm bằng lụa thật xinh tự tay Chị làm để thay lời cảm ơn tự đáy lòng. Anh Bùi Phương ở Quận Tân Phú Saigon, một cựu sĩ quan thương binh liệt hai chân cũng được nhóm Hương Xưa nhờ chúng tôi và Anh Chị Dzũng giúp. Không đến thăm Anh được để trao món qùa tận tay, nên chúng tôi đã nhờ mấy Chị bên Hương Xưa đưa giúp, khi nhận được qùa Anh liền gởi cho chúng tôi một thư cảm ơn kèm theo tấm hình. Tấm hình của người sĩ quan một thời ngang dọc, bị thương trên chiến trường, nay nằm yên một chỗ trên chiếc giường xếp ọp ẹp, nở một nụ cười thật tươi. Chân anh liệt, nhưng đầu óc anh còn tỉnh táo. Anh làm thơ, viết văn và nhìn đời qua con mắt nhân ái, vị tha. Anh cam chịu số phận nhưng không để số phận làm Anh mất niềm tin. Anh tin đâu đó vẫn còn có những người bạn chưa quên Anh và về thăm, giúp Anh mỗi khi có dịp.
*Anh Bùi Phương, người thương binh mất đôi chân nhưng không mất niềm tin
Những người bị dị tật bẩm sinh hay thương tật sống khổ đã đành, ngay cả những em đang tuổi ăn tuổi lớn, nhiều em đến trường với bụng đói và tương lai mờ mịt. Càng thiếu thốn khổ cực, có nhiều em càng cố vươn lên, để mong mai kia dùng kiến thức đổi đời. Oái ăm là nhiều em từ Miền Trung học rất giỏi, thi đậu đại học với điểm cao, nhưng không có tiền đi học nên phải bỏ cuộc. Từ bao năm, mỗi lần đến mùa thi vào Đại Học, chúng tôi có nhờ người nhà tìm hiểu xem ở Qui Nhơn có những hoàn cảnh như thế để giúp đỡ. Lần này Anh Chị Dzũng đề nghị là chúng tôi lập hẳn một chương trình học bỗng lấy tên là Thân Hữu Hoài Việt và nhờ mấy Cô Giáo của nhóm Hương Xưa tìm những em nhà nghèo học giỏi để giúp đỡ. Số tiền đóng góp của một số nhỏ thành viên lúc đầu không nhiều, nhưng từ nay đến Hè, hy vọng sẽ có thêm một số thân hữu chung tay góp sức để cho qũy đủ lớn hầu giúp cho nhiều em hơn. Nhớ lại những năm còn theo học ở Viện Đại Học Dalat, thời chiến tranh khốc liệt, nếu không có học bỗng của trường giúp, chắc tôi cũng đã bỏ cuộc và chẳng bao giờ được bước chân vào ngôi trường đẹp nhất Đông Nam Á này. Nhờ những năm học này đã giúp cho tôi bệ phóng để tiến xa hơn về sau. Ngày về lại thăm trường, cũng đúng là những ngày trường làm lễ kỷ niệm 55 năm từ ngày thành lập. Đưa vợ về thăm lại trường xưa, hai chúng tôi cùng đi trên những con đường quanh co uốn lượn quanh đồi với những giảng đường xây dựng cao thấp, ẩn mình trong đồi thông, theo phong cách phương Tây. Gió mùa Xuân cao nguyên thổi nhẹ, lành lạnh, hàng cây anh đào lay động, hoa đào tím hồng rụng bay phất phơ trong gió, làm rung lên những kỷ niệm ngày nào. Chúng tôi thong dong đi lên những con dốc, mà ngày xưa sinh viên nam nữ của Viện vẫn thường đi bên nhau, leo dốc cao mà họ thường gọi là những con dốc tình, để đếm từng bước chân đời đã đi qua nơi này không biết bao nhiêu lần trong 3 năm theo học. Hồ Nỉ Non vẫn còn đó dưới thung lũng nhưng nước không còn trong và nhiều như xưa. Nơi đó đã chứng kiến bao cuộc tình, những lời hò hẹn của những cặp tình nhân sinh viên giờ đã bay theo gió ngàn, về khắp miền đất lạ. Năm 2000 tôi có về đây thăm trường, lúc đó được ông Hiệu Trưởng Thời đón tiếp niềm nỡ, nay ông đã qua đời. Năm đó ông Hiệu Trường có cho tôi gặp một số sinh viên học khoa học để chia xẻ kinh nghiệm học tập và làm việc ở xứ người. Năm 99, tôi vinh dự nhận được một giải thưởng khoa học cao qúi nhất (Scientific Achievement) của công ty mỗi năm cấp một lần cho một khoa học gia có những công trình nghiên cứu gía trị nhất, kèm theo số tiền thưởng lớn. Công ty có hơn 60 ngàn nhân viên và trong số đó có gần 5 ngàn Tiến Sĩ, khoa học gia xuất sắc đến từ các trường đại học hàng đầu trên thế giới. Hôm buổi lễ trao giải thưởng, tôi đã không cầm được xúc động, nghẹn ngào, nói với cử toạ người Mỹ: “một thằng bé chăn bò, sinh ra từ một gia đình nghèo, đông con ở một miền quê của nước Việt Nam xa xôi, sống sót qua thời bom đạn, mà hôm nay có được cái vinh dự cao qúi này, thật có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới…”. Công ty gợi ý nếu tôi tặng hết số tiền đó cho một cơ sở giáo dục nào thì họ sẽ giúp cho nơi đó thêm gấp đôi. Nghĩ đến ngôi trường thân yêu đã giúp mình đổi đời từ những năm 72 nghèo khổ, tôi về thăm trường mang theo số tiền thưởng 20 ngàn đô la giúp phân khoa Hóa Học mua thêm cho các sinh viên thực tập một số dụng cụ dùng trong phòng nghiên cứu, và một số tiền dùng làm học bỗng cho sinh viên nghèo, để thay cho lời biết ơn về những giúp đỡ của trường năm xưa. Tôi ân cần nói với các em sinh viên: “biết đâu, mai kia cũng từ ngôi trường này sẽ có nhiều khoa học gia hàng đầu, làm nhiều công trình nghiên cứu gía trị, giúp ích cho nhân loại “.
Chuyến về Việt Nam thăm nhà trong dịp Tết đã để lại cho chúng tôi thật nhiều kỷ niệm vui buồn. Về lại Mỹ gặp những người bạn đã cùng nhau làm việc hơn một năm qua và chia xẻ với các bạn những kỷ niệm chuyến đi. Những hình ảnh đáng thương đã ghi lại từ quê nhà làm cho người xem không khỏi bùi ngùi. Còn có những người trên thế gian này phải sống khổ cực như thế sao? Chúng tôi chỉ có biết làm một việc duy nhất là cầm số tiền qúi mạnh thường quân đóng góp cho qũy từ thiện, đi về tận nơi, trao tận tay, cho những người trực tiếp giúp đỡ những người kém may mắn ở quê nhà. Những câu nói ta thường nghe như: “Lá lành đùm lá rách, Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy là khác giống nhưng chung một giàn, hay là Dù xây chín vạn lầu đài, không bằng làm phước cứu cho một người… “đã được anh em trong nhóm làm theo. Chúng tôi làm những việc này, cùng với các em trẻ sinh ra và lớn lên nơi xứ người, để cho các em biết rằng nơi quê nhà còn bao nhiêu đứa trẻ bằng tuổi các em nhưng có cuộc sống trái ngược. Dạy cho các em biết thương yêu đồng bào mình, biết chia xẻ, biết cái giá trị của cuộc sống trên đất tự do, và biết qúi những vật chất mà các em được gia đình cung cấp. Lần làm chả giò bán lấy tiền giúp cho nạn nhân bão Haiyan ở Phi luật Tân tháng 11 năm rồi, các em đã đến giúp trong 3 ngày và cả nhóm kiếm được số tiền 6 ngàn đô la gởi qua giúp cho những người bị nạn. Không có bài học đạo đức nào qúi hơn những lần tham gia các công tác từ thiện này. Tương lai, các em lớn lên sẽ tiếp tục công việc chúng tôi đã làm vì nhu cầu giúp đỡ những người hoạn nạn trên đất nước này, ở quê nhà hay bất cứ một nơi nào đó trên thế giới, luôn cần mọi người chung góp. Ngày 5 tháng 4, cô ca sĩ khả ái Ý Lan, với tấm lòng nhân hậu sẽ về đây cùng với nhạc sĩ Ngô Tín và qúi Anh Chị nghệ sĩ thân quen của nhóm Hoài Việt tổ chức một buổi nhạc Thính Phòng có tên Mùa Xuân Cho Em để gây qũy tiếp tục những công tác từ thiện sắp tới tại quê nhà.
Cảm ơn qúi cô giáo trong nhóm Hương Xưa, những tấm lòng vàng, lời khuyên, cái bắt tay vững tin từ công việc chúng tôi đang làm. Các bạn là những ân nhân thầm lặng, những người trong bóng tối, đứng đàng sau, luôn khuyến khích chúng tôi đi tới. Nhìn về đất nước xa xôi bên kia, có biết bao nhiêu mùa Xuân đã qua nhưng cũng có bao nhiêu em nhỏ không biết mùa Xuân là gì. Năm nay, ít ra tại Mái Ấm Mân Côi, Chùa Diệu Giác, Nhà Tình Thương Trọng Đức các em đã thấy được một muà Xuân ấm áp. Mùa Xuân cho riêng các em đã đến, dù muộn, trong năm nay. Cầu Trời Phật phù hộ cho sức khỏe Anh Hợi, Anh Phương, Anh Chị Ánh Tuyết. Chúng ta vẫn còn có nhau.
Nguyên Lương
Tháng 3, 2014{jcomments on}
Một tâm hồn trong sáng và nhiệt tình của anh Nguyên Lương đã tỏa trong những cái còm đầy nhiệt huyết, đến khi gặp anh lại là người lịch lãm trẻ trung bên cô vợ Vân Các đáng yêu dễ mến, đọc những công việc anh làm cho quê nhà càng cảm phục anh hơn.
Cảm ơn Thỏ Con mở hàng. Bài viết dài và hơi khô chỉ dành cho những ai quan tâm về chuyện này. Mình nhờ HX đăng vì muôn nhắc đến qúi Chị đã giúp HV làm được điều cần làm. Chúng ta bắt tay nhau, xoa dịu những nỗi đau co thật trên đời này. Mỗi người một chút, một bàn tay đến từ trái tim biết thương yêu người đồng bào bất hạnh.
Nl
Một tấm lòng bao dung nhân ái, một nhà từ thiện nhiệt tình, một tấm lòng vàng trãi rộng , đã đem lại mùa xuân cho rất nhiều em nhỏ và những mãnh đời bất hạnh chẳng có mùa xuân. Ước mong trên cỏi đời này có nhiều nhà hảo tâm như Nguyên Lương và Vân Các, thì cuộc sống của những người thiếu may mắn sẽ hạnh phúc biết bao Đọc bài viết của NL càng bội phục những việc làm của cậu ấy cho quê nhà, rất ngưởng mộ
Rất vui được bà Chị cả của nhóm HX góp ý. Bọn em cùng một số bạn bè làm chút việc để gọi là giúp đỡ cho những mảnh đời không được may mắn. Những người bạn mà các bạn vẫn thường góp mặt trên HX như Ngô Tín, Xuân Thi, NHL Du, BX Khỏe đã đóng góp rất nhiều cho lần tổ chức gây quỹ Mùa Thu thành công. Chuyến Mùa Xuân sắp tới Ngô Tín lại bỏ tiền túi mua vé máy bay từ Cali qua với vợ để tiếp cho ban tổ chức một tay nữa. Những tấm lòng ấy, ít ai biết, nhưng ban tổ chức biết và đội ơn họ rất nhiều.
NL
Trời ! 20 chục ngàn đô, anh Nguyên Lương rót quỹ cho trường Đại Học Đà Lạt xôm quá, nhưng không biết Trường có làm đúng ước nguyện của anh không hay mất đầu , mất đuôi.
Gởi Bích Vân,
Bạn không biết đấy thôi chứ hàng năm hội Cựu Sinh Viên VĐH Dalat Thụ Nhân ở hải ngoại vẫn gởi về trường rất nhiều tiền để giúp học bỗng cho cac sinh viên nghèo hiếu học. Trường có nguyên một trương mục mở ra ở nhà băng Lâm Đồng mà các cựu sinh viên có thể gởi thẳng tiền vào đó giúp. Nhà trường chỉ lấy tiền lời sinh ra từ trương mục này, tiền vốn thì vẫn còn đó. Dụng cụ thí nghiệm rất đắt. Chỉ cần mua vài cái Evaporator, Extractor, Máy phân tích HPLC… là mất toi vài chục ngàn đô la rồi. Hơn nữa tiền này một phần là của công ty, chứ không phải của riêng mình. Chỉ mượn đầu heo nấu cháo thôi mà.
NL
Những tấm lòng nhân ái,những việc làm từ thiện mang lại hạnh phúc cho những người bất hạnh, mang lại mùa xuân cho các em nhỏ tàn tật mồ côi là việc làm phúc đức , là những bông hoa luôn tỏa ngát hương trầm .NT rất ngưỡng mộ các anh.
Cảm ơn Cô Giáo. Mùa thi vào ĐH sắp tới rất mong Cô Giáo cùng các bạn trong HX giúp tìm cho vài em học sinh thật giòi nhưng nhà nghèo để gởi cho mấy em món qùa nhỏ khuyến khích các em lên đường. Làm tốt việc này gia đình Anh Dzũng và mình cùng các bạn sẽ rất vui đấy.
NL
Không biết học sinh nghèo học giỏi ở Tây Sơn có được chiếu cố không vậy anh Nguyên Lương.
Thỏ con,
Để xem mấy Cô Giáo trong HX quyết định thế nào nhé.Anh Dzũng và mình trao trọn quyết định này cho qúi cô ấy.
NL
Nguyên Lương và Thỏ Con thân mến
Hiện nay, HX mới giữ ba suất học bỗng Thân Hữu Hoài Việt [ mỗi suất là 200 đô do anh Nguyên Lương đem về hôm trước Tết] nhưng theo email của hai anh Nguyên Lương và Lê Công Dzũng thì số suất học bỗng có thế tăng lên, như vậy tạm thời Thỏ Con cứ chọn dùm cho HX một em học sinh thật nghèo đang học lớp 12 [ vì theo tiêu chí học bỗng là quà cho học sinh đậu Đại Học]Tháng năm Kim Chi và Kim Loan về, nhóm HX sẽ đi khảo sát mức độ nghèo của các em và sắp thứ tự, sau đó đến tháng chín có kết quả Đại Học thì sẽ đại diện cho nhón Thân Hữu Hải Ngoại trao cho các em, nếu ở QN thì HX mời các em ăn bún nhận quà , nếu ở xa thì sẽ nhờ người giới thiệu trao và chụp ảnh để chứng minh ngoài ra bản thân các em phải viết email cho hai anh Lê Công Dzũng và Nguyên Lương.
Chúc cả nhà vui khỏe.HX
Xin các cô giáo cứ chuẩn bị cho 8 xuất học bổng chính thức và 2 xuất dự khuyết. Mình sẽ gởi tiền học bổng về sau chương trình ca nhạc MÙA XUÂN CHO EM 5-4-2014. Như anh Nguyên Lương đã nói là anh em bên này hoàn toàn tin tưởng ở cô Tuyết Đào và các cô giáo. Tuỳ tất cả mấy cô quyết định hết mọi chuyện: nhận đơn, cứu xét và trao tặng. Xin chân thành cám ơn Thỏ Con và các cô giáo cũa Hương Xưa đã góp một bàn tay cho việc làm đầy ý nghĩa này. Thân ái. LCD
TC xin cảm ơn Hương Xưa anh Lê Công Dũng anh Nguyên Lương và anh em Hoài Việt tất cả những việc làm của quý anh chị rất được trân trọng! Xin cảm ơn và chúc đêm nhạc Mùa Xuân Cho Em của Ngô Tín và Ỷ Lan thành công.
Ngưỡng mộ , rất ngưỡng mộ tấm lòng của nhóm Hoài Việt.Chúc đêm ca nhạc mùa xuân cho em thành công.
Gời Xanh,
Đang cố gắng làm cho tốt để không phụ lòng qúi mạnh thường quân đã dốc hầu bao ra chi. Hơn nữa đây cũng là một hoạt động văn hóa, để cùng nhau ngồi nghe những bản nhạc một thời rung động bao trái tim non.
NL
Nhà Bác Học (Khoa H ọc) Nguy ên Lương viết văn cũng không hổ thẹn lắm …
Chúc mừng nghen 😮
Gởi Hoàng Hôn,
Khi xưa học ban B ở CĐ, mình thường trốn lớp toán của Thầy Bé, chạy qua lớp Văn của Thầy Nguyễn Mộng Giác ngồi nghe thầy giảng về Đoạn Tuyệt, Gánh Hàng Hoa…. mà mê luôn. Mê Thầy giảng bài hay, mê văn chương Tự Lực Văn Đoàn, mê luôn mấy cô bạn ban C vì bên ban B khô khan, không có con gái học chung. Từ đó thơ văn luôn luôn là niềm đam mê và sở thích của mình.
NL
Cám ơn anh Nguyên Lương vè bài viết cảm-đông.
Hy-vọng bài viết này là tiếng kêu gọi từ-ái được lắng-nghe bởi mọi ngừoi
Thân mến
Thì bài viết đã được lắng nghe rồi đấy. Hôm trước bài Vội Vã Ra Đi đăng trên các báo ở Hải Ngoại đã có người lên đó chửi mình là làm việc không công. Họ nói là mình: “lấy tiền Việt Kiều, nuôi con Việt Cộng” Anh nghe có tức cười không? Mình thấy tội nghiệp cho lòng dạ hẹp hòi, ích kỷ của những người này. Nếu làm được thì tốt, tiếp tay với ai đó thì tốt hơn, nếu không thì im lặng để ai đó làm được gì thì làm. Đàng này…
Nhưng càng có những người như thế mình mới thấy qúi tình bạn của các bạn dành cho mình và nhóm Hoài Việt. Chỉ có khi nào mình chán thì ngưng, chứ những lời nói xiên xỏ đó chỉ làm mình thêm vững bước. Cảm ơn anh đã động viên và tận tình giúp đỡ nhóm HV lâu nay.
NL
TC cũng có đọc một số bài báo phân biệt như vậy thấy buồn quá, là nơi chôn nhau cắt rún mà, lại là con người với con người. Hãy nghĩ, những ai đến với Chúa hay những ai đến với Phật cũng đều để được yêu thương.TC rất cảm phục suy nghĩ của anh Nguyên Lương.
Chung ta hay lam nhung gi ma trong kha nang chung ta co the . Anh sang yeu thuong tu mot ngon nen se lan toa den khap moi noi , soi sang den nhung con nguoi bat hanh .
Lam tu thien chung ta hay gat bo moi chinh kien , bien gioi , mau da , chung toc . Hay den voi nhau voi long yeu thuong do luong .
Ngo Tin .l
( Sorry ! Hom nay computer khong dung duoc bo tie6ng viet )
Ông Trương Chi,
Thì lần trước và lần này cũng có bàn tay của vợ chồng ông trong ấy rồi. Không nói rõ ra chứ không có những người bạn thân và có chung tấm lòng như Ngô Tín thì bọn mình rất dễ nản và bỏ cuộc chỉ vì nhiều người không hiều sao lại ganh ghét những việc làm ý nghĩa này. Họ may mắn, sống đầy đủ vật chất có khi dư thừa, nhưng xin chừng 100 đô để chia xẻ cho những người kém may mắn, sao mà khó qúa. Tổ chức những chương trình ca nhạctừ thiện để mời mọi người “trước mua vui sau làm việc nghĩa ” đấy mà đôi lúc phải chịu lỗ, bỏ tiên túi ra bù. May mà có những Nhạc Sĩ như Ngô Tín đã không nhận thù lao mà còn bỏ tiền túi ra cho và mua vé máy bay qua tiếp tay với ban tổ chức. Thật không thể nói hết những lời cảm ơn chân thành nhất đến nhữngngười bạn của mình.
NL
Rất trân trọng bài viết anh NL và cũng rất xúc động với những thành trong nhóm HV làm từ thiện Trái tim anh và các bạn dành cho VN thật lớn…Thảo xin chia sẻ
Cảm ơn Hiếu Thảo. Đôi lúc mình hay nghêu ngao bài hát của các sinh viên ngày xưa là “Ta còn sống đây” và “Ta còn có nhau” để tự nhắc nhở mình rằng nơi quê nhà yêu dấu có bao mảnh đời bất hạnh đang chờ mình chia xẻ. Lời nói của H Thào là một khích lệ lớn cho các thành viên trong nhóm đấy.
NL
Anh Nguyên Lương mến,
Hôm trước trong bài viết “Những Ngọn Nến Của Lòng Nhân Ái…” tôi có nói lên những việc làm thiện nguyện của nhóm Hoài Việt và anh cùng các bạn như những ngọn lửa của lòng nhân ái đang toả sáng…Măjc dầu chưa hân hạnh được biết anh hay gặp anh, nhưng qua những việc làm cao cả của anh và các bạn trong nhóm Hoài Việt thì có lẽ bọn mình đã gặp nhau, và có thể đã cùng nhau đi trên một con đường rồi đó anh Nguyên Lương ạ! Cám ơn bài viết hay và mang nhiều ý nghĩa về sự hy sinh cho những mục đích cao cả của cuộc sống! Mặc ai nói gì thì nói, nếu chúng ta nhận thức được việc làm của chúng ta là đúng đắn và cần thiết để xoá bớt đi những nỗi khổ đau của những người thiếu may mắn, của những kẻ khốn cùng thì chúng ta cứ tiến bước!
Thân ái mến chào và trân trọng.
LêTrọngMinhKha
Kha thân mến,
Nghe nói Kha ở Boston, thế nào có dịp lên đó thăm đứa con trai đang làm hậu Tiến Sĩ ở Harvard sẽ đến thăm bạn. Hay là khi nào Kha đi Philadelphia thì ghé bọn mình chơi. Anh Dzũng và mình ở gần nhau, tha hồ mà nói chuyện. Chúng ta dù chưa gặp mặt nhau bao giờ mà như đã quen nhau từ lâu. Hôm về thăm HX, lạ lùng đây là lần đầu gặp mặt nhau mà như quen tự thuở nào. Cái tình, cái lòng chúng ta có và cùng chung, nên rất dễ gần. Chả bù ở đây lúc trước có nhóm bạn, bọn nó có thể mua đãi mình chai rượu XO hơn 170 đô la nhưng xin chúng 100 cho từ thiện thì bọn nó nọi nặng nói nhẹ. Chán quá nghỉ chơi luôn. Bây giờ mình và Anh Dzũng chơi với đám anh em mới, họ có học, trẻ trung và toàn là dân professional nên rất dễ thông cảm. Gặp nhau không bao giờ nói đến chuyện gì nhức đầu mà chỉ biết ca hát, ngâm thơ cho nhau nghe. Lâu lâu cùng nhau làm việc thiện là vui rồi. Bỡi thế gần đây thấy cuộc sống thoải mái hơn xưa nhiều, có lẽ một phần nhờ những người bạn tâm đầu ý hợp bên cạnh và những người bạn ở xa như Kha và anh em trong HX đấy.
Chúc vui nghen.
NL
Tôi đọc bài viết anh ko bỏ sót câu nào
Một tấm lòng yêu quê hương yêu nhân loại thật đáng trân trọng…
Những gì anh viết ra thật tỉ mỉ từng chi tiết và chỉ những việc làm phát xuất từ trái tim mới ăn sâu vào tâm hồn đến vậy
Anh về quê nhà thời gian dành cho vui chơi thật ít ỏi ……giờ thì càng hiểu ra khi đọc bài viết này
Thật cảm kích anh và nhóm Hoài Việt luôn nghĩ về những mảnh đời
kém may mắn
Cầu chúc cho đêm nhạc thành công vì một nghĩa cử đẹp
KM
Khảo Mai,
Nhớ đến cô em hôm ở nhà Ngô Tín và càng thấy dễ gần hơn hôm đến nhà chơi. Cô nhiệt tình với bè bạn, cô vui vẻ với mọi người. Lại trẻ trung, vui tính và đam mê văn nghệ nữa nên dễ quen biết và đông bạn bè. Đặc biệt Ông Xã của KM, nhìn anh với nụ cười thiện cảm và ánh mắt hiền từ, thấy thích liền. Tiếc là hôm đó không có thì giờ nhiều nên ngồi ở đó không lâu. Hứa lần sau có về sẽ chơì ở đó cả ngày nghen.
Cảm ơn KM đã đọc và hiểu. Những loại bài như thế này dễ viết lắm. Chỉ khổ là khi đang viết, xúc động qúa, phải dừng lại, lau nước mắt rồi viết tiếp nên viết rất lâu mới xong bài. Sau chuyến về tề VN mình viết liên tục 3 bài: Mùa Xuân Nào Cho Em, Vội Vã Ra Đi và bài này. Mỗi bài đăng mỗi nơi vì chủ đề và nội dung nói dến những khía cạnh cuộc đời khác nhau. Rất vui là lần trước có đăng một bài trên báo ở Cali, buổi tối Vân Các lên Facebook thấy có tấm hình quen thuộc. Mở ra thì thấy ai đó đã đọc bài viết của mình, gởi bài này cho Vân Các và nói Vân Các nên đọc đi, hay lắm. Hai đứa nhìn nhau cười qúa trời. Đúng là câu nói của người xưa: “một lời nói buông ra, ngựa chiên không chạy theo kịp” rất đúng với thời nay. Cho gởi lời thăm Anh nhà nghen.
NL
Anh NL và một số bạn bè của anh cũng như nhóm Hoài Việt…đã hướng đến những mảnh đời bất hạnh để chia sẻ yêu thương, để sưởi ấm trái tim của những phận đời nghèo khó, cô đơn, tật nguyền và kém may mắn ở quê hương Việt nam..Tất cả việc làm thầm lặng này rất đáng ngưỡng mộ và trân trọng, tấm lòng nhân ái của các anh được lan tỏa khắp nơi để mọi người càng thấy yêu quí cuộc sống này hơn nữa. Lại thêm chất lãng mạn, nghệ sĩ của nhà khoa học NL đã làm cho bài viết càng thêm phong phú, xúc động, mọi người cảm thấy xích gần lại nhau hơn. Cám ơn anh NL và các bạn bè của anh cùng nhóm HV.
Gởi Kim Đức,
Đọc những giòng chữ của các bạn mình thấy ấm lòng lắm. Bao nhiêu năm muốn làm công việc này nhưng chưa làm được vì công việc bề bộn. Thời gian đó chỉ tiếp tay với những tổ chức khác. Từ ngày nghỉ hưu tới nay, có thì giờ rảnh, cùng với Anh Em Hoài Việt làm công việc mà mình đã mơ ước được làm từ lâu. Đúng là cái duyên trời cho, tự nhiên đến lúc nào đó nhũng người bạn của mình, không hẹn mà gặp ai cũng muốn làm công việc này. Té ra lâu nay họ đều như mình, nhưng không có dịp. Ở xa quê, mỗi khi nhớ về đó, bọn này thường ngồi nhớ về kỷ niệm, những năm tháng nghèo khổ nhưng rất vui. Người ta nói:”Có thể đem bạn ra khỏi quê hương nhưng không bao giờ tách quê hương ra khỏi bạn” Câu nói đó càng ngày càng thấm thía.
NL
Cùng với anh Nguyên Lương, nhóm Hoài Việt và cá nhân mình xin cám ơn các anh Lê Trọng Minh Kha, cô Khảo Mai và Kim Đức đã biểu lộ những đồng tình, thương yêu và ủng hộ nhóm Hoài Việt! Thật ra đây chỉ là những bước đi đầu tiên của cả nhóm bằng tất cả những bức xúc vả rung động của những tấm lòng nhiệt tình và những trái tim nóng hổi để làm nhưng công việc rất bình thường của những con người còn biết đau trước những nỗi đau của những mảnh đời khốn khổ và bất hạnh! Tình thương không biên giới nhưng chỗ đứng thì vẫn còn, thế nên công việc của bọn này cũng không phải hoàn toàn thuận buồm xuôi gió đâu!
Mong rằng với những tấm lòng nhân ái, với những trân trọng và yêu thương của nhóm Hương Xưa và thân hữu chúng tôi sẽ không ngừng bước đi trên con đường yêu thương, phục vụ và giúp đỡ tha nhân, những con người bất hạnh và thiếu may mắn hơn chúng ta.
Xin thân ái mến chào. LCD
Anh Dzũng,
Chúng ta không hẹn mà gặp, nơi này. 20 năm sống ở vùng này, trước khi gặp Anh, mình đã nói sao thời gian đó mình thấy cô đơn qúa. Muốn có người làm chung một việc và chia xẻ tâm sự, nhưng khó qúa. Bạn thì nhiều nhưng để “ăn tục nói phét” thì có nhưng để làm gì khác hơn thì không. May mà gặp anh, mình vẫn thường nói đùa : “May mà có Anh đời còn dễ thương”. Cùng học một trường, cùng có nhiều kỷ niệm ở Qui Nhơn và cùng chung một số bạn, nên bọn mình rất dễ gần nhau. Con cái chúng ta chơi thân và học hỏi lẫn nhau.
Đúng là bọn mình rất may mắn có nhau trên mảnh đất “tạm dung” này. Anh nhớ hôm trước có tên nào đó đọc bài báo mình viết trên NV-ĐB thấy nhắc đến chữ tạm dung, hắn trách sao lại gọi là tạm dung khi ở đây đã cho mình bao nhiêu cơ hội. Đúng là ở đây cho mình bao nhiêu cơ hội tiến thân, nhưng quê hương, đất nước chỉ một “như là chỉ một Mẹ thôi” Ai muốn nhận nơi này làm quê hương thì cứ nhận, còn ta mai kia có dịp ta về. Về để trở lại nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Ta tìm về nguồn như lá rụng về cội. Đúng là những người như bọn mình, không dễ gì lấy quê hương ra khỏi mình Anh nhỉ. Rất vui được Anh Chị tiếp tay trong mọi công việc.
NL
Những mảnh đời bất hạnh ở VN rất cần đến những tấm lòng nhân ái của mọi người dù ở bất cứ nơi đâu. Bài viết của anh NL thật chân tình và cảm động. Chúc cho đêm nhạc của các anh được thành công để có thể sưởi ấm thêm cho những người nghèo khó tại quê nhà.
Gởi Mộng Vân,
Tên của bạn đẹp lắm. Mình có đứa em trai, Bố cho nó cái tên rất con gái tên là Nguyễn Mộng Lân. Những năm nó còn ở VN, nhận gói qùa từ ông Anh gởi về cho, ra bưu điện lấy họ không cho vì nói Mộng Lan là tên con gái, sao lại là con trai. Nay lại thấy có người lót chữ Mộng thấy ngộ, nhớ lại chuyện xưa.
Ừ, đúng như lời bạn chúc, ban tổ chức cũng mong là sẽ thành công để xin được nhiều tiền.
Làm việc “Ăn Xin Cho Trẻ Ăn Mày” rất hãnh diện, rất vui vì không biết mắc cỡ. Xin để cho các em mà. Mấy tấm hình mình chụp được, đem về đây ai xem cũng xúc động. Xem hình mà cảm như vậy huống hồ thấy tận mắt. Đất nước mình, sau bao nhiêu năm chiến tranh, hậu qủa đó còn rất rõ trên những con người kém may mắn. Mình tự nhận là được phước trời cho, qúa may mắn trong mọi công việc, nên xẻ chia một chút cho những người khác, tối ngủ thấy lòng nhẹ nhõm hơn.
NL
Xin càm ơn những việc làm thiết thực và cao quí, những tấm lòng rộng mở và nhân văn…Xin chúc anh Nguyên Lương và nhóm Hoài Việt luôn vui khỏe để những bé mồ côi, những người bệnh tật khốn khó, những gia đình hoạn nạn…còn chút ấm áp tình người.
Gởi Khánh Tiến,
Đọc những lời nhắn, chia xẻ của các bạn trên HX, bọn mình cũng thấy ấm lòng và thêm nghị lực tiến lên. Ở đây cái rào cản duy nhất là có một số người lại đi chống đối những việc mình làm. Họ bảo đây đâu phải là trách nhiệm của mình mà mình lo. Họ còn nói là đừng giúp, cho chúng nó chết đi. Bạn thấy không, những lời nói vô tâm ấy không biết làm sao mà họ nghĩ ra được và nói lên.
Đúng là không phải trách nhiệm của ai hết, nhưng nói cho chúng nó chết đi là qúa tàn nhẫn. Ra đường thấy con chim bị thương còn đem về nhà lo thuốc cho nó đến khi lành lặn rồi đưa vô rừng thả, huống chi là con người với nhau. Ở Mỹ gần 40 năm mình học được cái tính rộng lượng của họ. Hàng năm tiền giúp từ thiện đã tính trong ngân khoản chi tiêu, có khi đến 20% tiền kiếm được. Ai cũng nghe nhiều đến những tỉ phú, bỏ phần lớn tài sản của mình đi cứu giúp giúp thế giới, ngay cả thế giới họ không sống, không biết đến. Đàng này, ở đó là quê hương, là đất nước của mình. Tiếng nói, chữ đang viết đây là tiếng Việt. Vậy mà có người mới ra khỏi nước không lâu họ từ bỏ hết. Thật đáng sợ cho những người này. May mà còn có những người như chúng ta nên phần nào, những mảnh đời bất hạnh tìm được chút vui trong những ngày khốn khó. Tiếp tay nhau để gởi ra những thông điệp này.
NL
Cám ơn tấm lòng thơm thảo của anh Nguyên Lương – Vân Các cùng các anh chị trong nhóm Hoài Việt đã luôn nghĩ về những mảnh đời bất hạnh nơi quê nhà. Mong đêm nhạc sẽ thành công rực rỡ và MÙA XUÂN CHO EM lại được mang về quê hương.
Cô Giáo ơi!
Chính những bàn tay góp vào của qúi Cô trong HX đã làm cho bọn mình thêm tinh thần. Những năm trước không biết ai ở quê nhà để giúp bọn này ở đó, nay thì có HX, không còn gì bằng. Cảm ơn đại gia đình của Quốc Tuyên, Thu Thủy…Trên HX chúng ta cũng đã chia xẻ rất nhiều với nhau những kỷ niệm vui, buồn. Là những người dễ cảm xúc, không ngạc nhiên khi thấy các bạn nhiệt tình tiếp tay. Có người thấy chuyện không may mà không đau lòng thì không biết khi nào mới làm cho họ xúc động được đây. Hy vọng những bài viết như thế này sẽ làm họ thay đổi suy nghĩ, nếu họ chiụ đọc. Sẽ cần rất nhiều công sức của quí cô HX trong tương lai đấy.
NL
Bài viết “cháy lòng” bằng cái tâm rộng mở, đầy yêu thương của những người con xa xứ(Hoài Việt), nửa đời bạt trùng dương, về thăm lại quê hương…
Thấu cảm trước những phận đời gặp phải đau thương, bất hạnh- Bằng những việc làm thiết thực “sẻ chia” chân thành, lắng đọng vào lòng người đọc toả ngát yêu thương!
Rất xúc động trước bài viết của anh chị Nguyễn Lương-Vân Các,em chúc ac bên ấy luôn vui- khoẻ, hạnh phúc và hoàn thành tâm nguyện “từ-bi-hỷ-xả” của mình!
Thơ ơi,
Khi qua Mỹ năm 75, mình được gia đình một vị giáo sư dạy Anh Văn đem về làm con nuôi. Thời chiến tranh VN gia đình ông rất tích cực trong nhóm phản chiến. Sau chiến tranh, vì nhà ông ở gần một trại tị nạn người Việt nên ông vào đây xin đem hai anh em mình ra nuôi dạy. Nhớ mỗi sáng Chủ Nhật ông đưa mình đi nhà Thờ Tin Lành, ông bảo mình nên cầu nguyện cho gia đình, người thân và quê hương mình. Là người con đã từng tham gia trong gia đình Phật Tử ở VN, ngồi trong nhà Thờ, nghe lời kinh giảng, mình nhớ tiếng chuông Chùa nơi quê nhà mà khóc thầm. Sau khi học xong ra trường đi đó đây, mình vẫn nhớ như in lời của người Bố nuôi:”Con đừng nghĩ đến việc trả ơn gia đình đã lo cho con trong bao nhiêu năm. Con cố gắng phấn đấu ở đời cho thành đạt rồi có cơ hội giúp người, giúp đời, như thế là con đã trả ơn cho gia đình này rồi”
Năm 90 được công ty cho vế làm việc ở Á Châu, lúc đó VN còn bị Mỹ cấm vận. Mình xin làm trong tổ chức nhân đạo của Liên Hiệp Quốc để về VN chuyển giao công nghệ hoá học cho người Việt mà không vi phạm luật cấm vận. Bây giờ những công ty lớn như nước chùi rửa Mỹ Hảo, hãng Sơn Kova, công ty nông nghiệp Kano và một số công ty khác do mình giúp khởi đầu đều thành công đến ngày nay. Nhớ lại lời nói của người Bố nuôi khi xưa, mình đã nói với bà TS Nguyễn Thi Hoè của Sơn Kova: “Chị đừng trả ơn em, em sẽ không nhận của Chị một đồn nào. Chị nên hứa là dùng tiền lãi của công ty mà cho học bỗng cho các sinh viên nghèo hang năm là em mừng rồi” . Từ đó hàng năm Sơn KOVA bỏ ra số tiền lớn giúp nhiều học bỗng cho sinh viên nghèo, xuất sắc, từ Nam ra Bắc. Làm việc này là cách mình đã trả lại ơn cho gia đình người Mỹ đã nuôi mình nên người trên đất nước này. Kể chuyện xưa cho Thơ nghe và hiểu lòng mình hơn.
NL
Anh Nguyên Lương viết bằng cả tâm tình nên hay quá.Chúc cho đêm nhạc của các anh được thành công mỹ mãn.
Cảm ơn Dạ Lan đã có lời chúc tốt đẹp. Đã có người bạn chi ra số tiền lớn để trả thù lao cho Ý Lan nên chắc chắn BTC sẽ có lãi sau khi trừ những chi phí khác. Rất hy vọng sẽ kiếm đưọc khá nhiều.
NL
Chỉ một lần về thăm quê sau 16 năm mà anh đã tận tường và cảm nhận được hết sự nhọc nhằn nơi bản xứ. HX may mắn có anh nhà khoa học, nhà thơ đầy tính nhân văn.
Cám ơn anh và nhóm Hoài Việt có những nghĩa cử cao đẹp, mong những dự định sắp tới đạt được như mong muốn, xoa dịu được phần nào nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh.
Thân mến
Lâm Ni,
Tiếc là hôm Ngô Tín về Qui Nhơn thì mình đã ở Saigon và chuẩn bị về Mỹ nên không gặp bạn được. Nghe NT nói Lâm NI rất dễ gần. Thế nào lần sau về lại sẽ dành thì giờ cho bạn nhiều hơn. Hình như mình có cái máu “làm từ thiện” trong người. Nhờ những năm còn nhỏ, lúc mất mùa, nhiều người nông dân trong làng không đủ gạo ăn. Họ đến nhà vay mượn lúa. Bố cho họ vào trong bồ lúa lấy bao nhiêu thì lấy. Vì sợ người ta mang ơn, không biết bao giờ trả được nên Bố mới nghĩ ra cách là nhờ họ lại nhà làm vài công việc vặt như để họ dùng sức lao động mà dổi lấy lúa. Công việc thì không nhiều, nhưng Bố cứ gọi họ lại làm. Sau này mình hỏi thì Bố nói: “Cái khó nhất ở đời là làm việc thiện mà để cho người nhận mang ơn, là mình có tội. Làm sao để họ không khổ tâm khi nhận sự giúp đỡ của mình” . Câu nói ấy ám ảnh mình đến giờ.
NL
Chào anh Nguyên lương
Đọc xong recomment của anh, em có ý nhỏ: mình cho người đói bụng ăn cơm, ai nói gì kệ họ. Mình chỉ cần biết người mình cho cơm đã no chưa. Ý lớn của nhóm Hoài Việt, em nghĩ mọi người trong nước đều trân trọng.
Vẫn nhớ các anh em: Lê Công Dũng, Nguyễn Hoàng- Lãng Du,Ngô Tín,Bạch Xuân Khỏe…
Chúc anh, gia đình an vui
Thân mến.
Gởi Chàng Cương,
Cứ nhớ hoài giọng nói Quảng Nôm và bộ râu mép của em. Ở PT Cương phát tiết ra một cái gì đó rất thơ, buị bặm, ngang tàng và đầy chất Quảng. Thơ và người không khác nhau ở cái chân thật. Nhờ HX mà chúng ta quen nhau. Tập thơ “Muôn Dặm Tình Quê” Cương tặng cho cứ đọc hoài. Ngay cả đang sống trên quê hương mà nhiều nhà thơ chúng ta, đa số là người Trung, ở xa quê mà nhớ quê da diết như vậy thì làm sao hiểu hết tấm lòng thương mến quê nhà như những người bọn mình. Làm những công việc đó để giúp mình càng gần gũi với quê hương hơn. Đi xa, quê hương bây giờ là cả nước Việt Nam, chứ không còn chỉ là Qui Nhơn, Bình Định nữa. Vào mùa mưa lũ, theo dõi tin tức bên này mà cứ phập phồng lo sợ. Về lại thấy một số bè bạn ăn nên làm ra mình mừng. Nghe Lê Sa Long nói, tại Saigon, có gần 300 ngàn người Bình Định ở đó, thật con số lớn không ngờ. Lại thêm một anh Quảng Nôm rất thâm tình với dân BB vào đây nữa thì càng vui. Sáng tác đều nhé. Bài thơ trên HX lần này anh phải suy nghĩ thêm cho chín rồi sẽ bàn sau nhé.
Chúc vui
NL
Những tấm lòng vàng và việc làm của anh NL thật đáng trân trọng!Gặp anh và Vân Các Meocon thấy sao mà gần gũi và thân thương quá!
“Một miếng khi đói ” luôn được trân trọng đó anh NL ạ!Chúc anh thật nhiều niềm vui anh nhé!
Gởi Mèo Con,
Cũng nhờ những ánh mắt và nụ cười ấy từ các bạn mà không còn khoảng cách. Lâu nay xem hình trên HX, khi gặp tận mặt Vân Các nói mấy Chị trẻ và đẹp hơn trong hình nhiều. Mình cũng đồng ý như vậy. Hơn nữa lần sau mà mình có về Qui Nhơn một mình, Vân Các cũng sẽ không có gì phải lo vì mấy Chị ai cũng dễ thương dễ mến hết.
Cảm ơn lời chúc của Mèo Con. Anh em Hoài Viềt vào đây đọc chắc là thích lắm.
NL
Rất cảm ơn anh Nguyên Lương về bài viết rất cảm đông nghĩa cử hào hiệp của nhóm Hoài Việt , tấm lòng nhân ái ,của các anh chị đi thiện nguyên nhất là NguyenLuong – Vancat trong dịp tết vừa qua .Chúc anh chị vui khỏe – hạnh phúc .
Gởi Anh Kiến Trúc Sư Đ V Quế,
Cảm ơn Anh đã đọc bài viết và đã hiểu tấm lòng bọn này. Làm những việc này để thấy gần lại với quê hương hơn. Ngày qua ngày, nhìn ra ngoài quạnh vắng với tuyết phủ đầy, thèm tìm về miền nhiệt đới ấm áp ở quê nhà. Hồi còn trẻ, mơ được mai kia đi du học nước ngoài rồi đem kiến thức về giúp một bàn tay xây dựng lại quê hương. Không ngờ, một chiều ra đi, rồi đi biệt. May hắn hơn những người bạn cùng hoàn cảnh, mình đã phấn đấu hết khả năng để năm 90 được công ty cho qua lãnh trách nhiệm lo cho vùng Á Châu Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Làm việc ở đó 4 năm, khi mọi công việc đang thuận buồm xuôi gió và VN vừa được Mỹ bỏ cấm vận, thời cơ về làm việc thẳng trong VN đã đến, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên đành bỏ hết những ước mơ, về lại Mỹ. Sau đó thì công tác ở Nam Mỹ. Những năm VN mới mở cữa, về lại quê nhà lúc đó thích lắm. Bạn bè lúc đó còn nghèo, nhưng vật gía còn rẻ nên rủ đi ăn nhậu cả chục đứa với nhau mà không tới 20 đô. Hơn hai mươi năm sau về lại, nhiều đứa bạn xưa nay đã giàu có hơn người. Bây giờ chúng nó đãi mình trong nhà hàng 5 sao, với những món ăn sang trọng, nhưng mình không thấy vui như năm xưa. Và hình như cái gì của kỷ niệm và qúa khứ cũng đều đẹp hết phải không Anh.
Hình như Anh Quế là cựu hs Cường Đễ? Không biết anh có quen ai mà mình biết không nhỉ? Mình xong TT 2 năm 72, còn Anh?
Vui nhé, lần sau về thăm nhà thế nào cũng sẽ gặp.
NL
Thời còn bé, mong Tết đến để được xúng xính trong bộ quần áo mới, với bao đỏ lì xì, và vui cùng tiếng pháo ầm ì nổ vang. Tết đến được thêm một tuổi, lớn nhanh, để mau đi ra khỏi miền quê nghèo, để được thấy phố phường bên kia ngọn núi… nhưng có ai ngờ lớn lên mình đã đi qúa xa, vượt đaị dương, đi biệt. Số tuổi ở xứ người nay đã gần gấp đôi tuổi ở quê nhà, và thời gian qua qúa nhanh, một thoáng mái tóc xanh ngày nào nay đã có nhiều sợi bạc. Hôm giỗ sinh nhật 100 tuổi của Cha mới biết mùa Xuân năm xưa lúc Cha gạt nước mắt, dúi cho thằng con nắm tiền rồi dục con trai xuôi Nam, cũng bằng tuổi mình bây giờ. Cha mất trong thời bao cấp, nghèo đói, không thuốc men. Con trưởng thành nơi xứ người không người thân, không gia đình. Về lại chỉ thấy nấm mồ đầy cỏ dại và tấm hình người Cha gầy gò trên trang thờ. Nhìn căn nhà xưa đổ nát mà lòng mình hoang vắng lạ thường. Tất cả những hình ảnh, âm thanh ngày Tết đoàn tụ của tuổi thơ xưa như đã xóa mất trong trí nhớ tự lúc nào.
Bài viết của anh Nguyên Lương đã dẫn dắt người đọc từ những cảm xúc này đến cảm xúc khác. Hôm trước được nghe anh kể lại chuyện ngày giỗ sinh nhật 100 tuổi của cha thật cảm động, lúc hai vợ chồng ngồi trước căn nhà cũ mà nhớ về những người thân, nghe sao như có một cái gì đó nghèn nghẹn nơi tim. Bây giờ đọc lại bài viết mà chữ nghĩa cứ nhoè đi. Một chuyến về quê của anh Nguyên Lương và Vân Các mà biết bao nhiêu là công việc, chỉ trong vòng mấy ngày mà đi thăm mười cơ sở từ thiện, đi lại như con thoi thật công việc ấy không nhỏ. Hôm 25 tết, tìm đến nhà ông Hồ Xuân Hợi mới thấy, vui, tuy cũng hơi xa, và đi một quãng lại dừng lại hỏi ( anh Nguyên Lương cho số điện thoại bị thiếu một số).
Xin cảm ơn tấm lòng của các anh chị, cảm ơn những người con đất Việt tuy xa quê hương, mà hai tiếng Việt Nam luôn khắc sâu trong tim.
Ngày 5 tháng 4, cô ca sĩ khả ái Ý Lan, với tấm lòng nhân hậu sẽ về đây cùng với nhạc sĩ Ngô Tín và qúi Anh Chị nghệ sĩ thân quen của nhóm Hoài Việt tổ chức một buổi nhạc Thính Phòng có tên Mùa Xuân Cho Em để gây qũy tiếp tục những công tác từ thiện sắp tới tại quê nhà.
Chúc đêm nhạc MÙA XUÂN CHO EM gặt hái nhiều thành công. Và chúc mọi người tham dự có một đêm thật vui.
Cảm ơn Cô Út đã tiếp tay cho HV được nối dài đến những người khốn khó trên quê nhà của mình. Số ĐT lấy được từ trên báo, chắc họ cũng bỏ sót một số, khi chép lại thì chỉ biết chừng số đó thôi Thế mà qúi cô cũng đã tìm ra và đến tận nơi, thật qúi hóa quá chừng.
Từ nay, biết được các bạn trên HX sẵn lòng và tiếp tay, mai kia có dịp về lại sẽ đi cùng nhau đến những nơi này. Chúng ta cùng thấy, cùng nghe và cùng chia xẻ với nhau những tấm lòng. Đến những nơi này, về nhà ăn một gói xôi rẻ tiền thấy ngon hơn tô phở lớn đấy.
Mọng sẽ còn có nhiều dịp làm việc chung với nhau Cô Út nhé.
NL
Cám ơn những tấm lòng vàng , những tấm lòng thơm thảo của nhóm từ thiện Hoài Việt- anh Nguyên Lương – Vân Các – Ngô Tín đã khổ nhọc công sức để đến tận nơi có hoàn cảnh khó khăn cần chia sẻ .
Chúc đêm nhạc MÙA XUÂN CHO EM thành công tốt đẹp
Chúc mọi người sức khỏe và niềm vui .
Cảm ơn lời động viên chân thành của Lâm Cẩm Ái. Mình may mắn kết thân với những người bạn rất giống mình. Ta nhìn người thấy ta là đấy. Hơn nữa, chơi với bạn, nhất là bạn tốt thường rất dễ ảnh hưởng nhau. Mình làm cái gì bạn cũng ủng hộ và dĩ nhiên là bạn làm gì cũng có mình vỗ tay. Nhờ thế thấy đỡ cô đơn nơi xứ người.
Bọn này hy vọng rất nhiều cho lần ra quân lần này.
Vui nhé.
NL
Anh Nguyên Lương thân thương!
Mấy hôm nay nhiều lần vào để viết cho anh mấy chữ mà mở máy nó không chịu đi, chỉ đọc được bài còn không viết được(Chỉ có bài của anh mới lạ,( chắc là do hình ảnh nhiều nên máy nó tải lâu)
Hôm nay kiên nhẫn ngồi chờ thì ra là đúng thế.
Là con người nói chung, ai cũng xúc cảm trước những việc mắt thấy tai nghe tác động đến tâm tư tình cảm của mình.Những người mang tâm địa hằn thù nhỏ nhoi, không biết xúc cảm thì đó không còn đúng nghĩa là con người nữa.Ta cũng vậy mà tây cũng vậy.Ở đâu cũng có người tốt người xấu, nhưng mình tin là người tốt bao giờ cũng nhiều hơn người xấu.
Con vật còn biết thương nhau huống chi là con người.Ở đây có lần mình thấy một con chim sáo bị xe cán bị thương, bao nhiêu con khác sà xxuo6ng1 cố kéo bạn mình vô lề đường, mình đứng nhìn mà cổ họng như nghẹn lại.Con vật cũng biết thương nhau như vậy sao?
Từ đó mình rất buồn nhất là lúc nhóm bạn CĐ 68-75 của mình có những xích mích nội bộ.
Ở dđời con người sống cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, vậy mà có người thì quá giàu, tiền bạc của cải chẳng biết làm gì cho hết, còn có người thì bữa đói bữa no.
Xét bản thân mình mình thấy giàu nghèo nhiều khi cũng do số phận(hơi tiêu cực)Giàu đó , nghèo đó nhưng với mình thì lúc nào cũng vậy.
Hồi mới qua Nga, cứ thấy người nào giống người Việt nam là mình lẽo đẽo đi theo mong gặp được, dù là chỉ để nhìn khuôn mặt thân quen của người mình.
Nhìn mình lúc đầu ai cũng nghĩ mình khó, trầm tư, ít nói ít cười.Nhưng cái vẻ bề ngoài ấy chứa đựng cái nội tâm lúc nào cũng dằn vặt suy tư nghĩ về người khác.
Con người trước hết phải có tình cảm gia đình, xóm làng rồi mới đến Quê hương đất nước.Người Việt trước hết phải biết thương yêu đùm bọc người Việt.Sau đó mới nói gì tới chuyện xa hơn.
Không ai có qquye6n2 cấm cản mình làm những việc nghĩa để giúp những người Việt thân thương thiếu may mắn trong cuộc sống.Dối với mình 100$ không là cái gì nhưng đối với họ là cái phao có nhiều khi nhờ đó mà họ vươn lên được trong cuộc sống, nhất là các em học sinh nghèo.
Làm được việc nghĩa thực chất cũng là niềm vui,là hạnh phúc vì mình thấy lòng thanh thản đã làm được việc gì đó thiết thực cho đời.
Trái đất naay2 là của chung,sinh ra ai cũng bình đẳng như nhau sao lại có người giàu kẻ nghèo.
Mình maay mắn hơn phải biết nghĩ đến những mảnh đời bất hạnh.
Các anh đã và đang làm điều đó.Không ủng hộ thì thôi có kẻ còn nói này nói nọ thật là vô liêm sỉ.Những hạng người đó là những phần tử cơ hội, không có lòng nhân, không có trái tim, những loại người đó không nên giao tiếp kết bạn làm gì.
Đã không có lòng nhân mà còn đi nói chuyện trên trời thì đó chỉ là những người cơ hội. Có dddip5 họ sẽ đè đầu cưỡi cổ người khác để phục vụ bản thân mình.
Chú Tín,
Bọn mình sinh ra ở miền quê, có lẽ nhờ thế mà bao nhiêu năm vẫn chưa gột hết mùi bùn. Mình cũng lây cái tính cần cù, lam lũ và chân chất của họ. Người miền quê luôn giúp đỡ và bảo bọc nhau. Con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ là đây. Ở đâu cũng có người này người kia, nhưng đặc biệt khi ra khỏi nước có nhiều người quên cái văn hóa đẹp của nguồn cội mình. Có người ra đường không nhận mình là người Việt. Đổi thành họ người Tàu hay Hàn Quốc, có khi đồi hẳn ra thành người Mỹ, cho nó oai. Còn khi nào nghe ai nhắc đến quê nhà thì dè biểu, chê bai và nói những lời rất khó nghe. May mắn anh có những năm về lại nơi đó khi đất nước vừa mở cữa. Thời đó quê hương mình thật nghèo, thật tội nghiệp. Sau hơn 20 năm, mọi thứ nay có thay đổi khá hơn, nhưng một bộ phận không nhỏ vẫn còn “đắm chìm trong bể khổ”. Mình làm những việc này để cho lương tâm không bị cắn rức. Và lúc nào cũng nghĩ khi xưa có người giúp mình, nay mình giúp lại những người khác, chỉ sợ không làm tốt công việc mình muốn làm thôi.
Rất mong khi nào gặp nhau anh em mình sẽ nói chuyện nhiều. Cứ nghĩ đến nụ cười thoải mái của Chú là anh vui rồi.
NL
Dù xa quê hương vẫn luôn dõi về chia xẻ khó khăn của đồng bào thật đáng trân quý
Mộng Cầm,
Chính vì xa quê nên mới nghĩ đến quê nhà nhiều hơn. Mỗi lần nghĩ đến là hình ảnh của gia đình, bè bạn lại hiện ra. Ở xứ người thấy thiên hạ sống với cuộc sống đầy đủ, dư thừa mình lại càng nghĩ đến những người cùng khổ, bất hạnh ở nơi đó. Học được người Mỹ cái tính rộng lương của họ. Họ chia xẻ cho bất cứ ai cần cái họ có. Đấy là cái tính cao cả nhất của người dân Mỹ, khác với những dân tộc khác trên thế giới. Cảm ơn Mộng Cầm đã chia xẻ.
NL
Nơi nào có đau thương họan nạn , nơi đó có người Mỹ . Họ giúp vì lòng nhân đạo vốn có nơi bản tính của họ , không phân biệt là bạn hay kẻ thù .