I.- Chuyến xe cuối năm.
Trời đã nhá nhem tối . Bến xe cuối năm thật nhộn nhịp đông người. Ai cũng cố gắng về quê ăn Tết cùng gia đình sau một thời gian dài học tập hoặc làm việc. Người nào cũng túi xách nặng trĩu, chút quà gì đó cho bạn bè, người thân.
Chiếc xe hành khách giường nằm Thuận Thảo đã gần kín chỗ. Đây là những hành khách đã đặt vé từ trước, giờ nầy mà chưa có vé thì không dễ gì mà bước lên xe được.
– Bà con lên xe hết cho tui đếm số ! Xe chạy, xe chạy nghe !
Anh phụ bắt đầu đếm số hành khách trên xe.
– Còn thiếu một người !
Thời buổi này, cũng thường có nhiều người trễ tàu, trễ xe. Lý do thì nhiều, kẹt xe, tai nạn, bệnh đau bất ngờ…Nhà xe cứ đúng giờ là chạy, đến trễ thì kể như mất vé, mất tiền mà cũng chẳng trách ai được. Ngược lại, tài xế và phụ xe thì lại được một chỗ trống để rước khách, góp phần vào khoản lương phụ trội ít ỏi.
Dương tuy chỉ mới hoàn hồn sau chuyện vừa xảy ra nhưng cũng luôn miệng giục bác xe ôm “nhanh nhanh chú ơi, gận tới giờ xe chạy rồi !”. Người xe ôm không nói gì, cảnh nầy ông gặp hàng ngày mà. Chiếc xe Wave Trung quốc cũ kỹ chồm lên phía trước, luồn lách như con rắn len lỏi vào dòng xe dày đặc. Ông ta chạy bất kể đường xá, ngược chiều hay lên lề là chuyện nhỏ, ngóc ngách nào có “giao thông” ông đã thuộc nằm lòng trong đầu.
Khi chiếc xe Wave dừng lại thì cũng là lúc chiếc xe khách Thuận Thảo vừa chuyển bánh. Dương phóng vội tới sau khi nhét tờ trăm ngàn vào túi bác xe ôm.
– Còn tui, còn tui .
Chiếc xe dừng lại.
– Có vé chưa ?
– Có rồi ! Đây nè ! – Dương chìa chiếc vé ra trước mặt anh lơ xe.
– Lên đi, cũng còn may đó ! Số 13 phía sau bên phải.
Dương bước vào khoảng trống giữa xe lần xuống phía sau. Những hành khách đã nằm dài trên ghế, đưa ánh mắt nhìn lên mỗi khi Dương bước ngang. 11, 12, 13 đây rồi ! Ghế số 13 nằm bên trong, kế dọc theo cửa sổ. Người nằm ghế bên ngoài ngồi dậy- cô gái trẻ lên tiếng :
– Anh vào đây phải không ?
– Đúng rồi , tôi vào ghế 13.
Cô gái sửa soạn đứng dậy ra ngoài để Dương có thể bước vào trong. Bỗng cô đứng lại và hỏi Dương :
– Hay là …em vô trong được không ?
Dương hơi bất ngờ nhưng rồi anh hiểu là cô gái muốn đổi chỗ với anh.
– Cũng được…
Cô gái trẻ vào ghế bên trong. Dương cũng nằm xuống ghế. Cảm giác mệt mỏi và đau nhức lúc nầy mới đến làm Dương bất giác sờ xuống chân. Chiếc quần jean rách tươm và đầu gối rát buốt làm Dương khẽ chép miệng, việc ban chiều mới đây như một giấc mơ thoáng qua. ” Không biết thằng Phục ra sao rồi, xe sửa được chưa nữa ? ” . Phục là bạn cùng quê, đưa giúp Dương ra bến xe. Để cho thoải mái, hai người đi cũng khá sớm, ra đó còn có thể làm ly cà-phê được. Phục chở, Dương ngồi sau, mang một ba-lô trên vai và tay cầm một túi xách. Con đường Kha Vạn Cân còn đang làm dang dở với những rào chắn sát mé đường nhưng vẫn tấp nập xe cộ. Dương hơi mỏi tay, vừa nhích túi xách đựng laptop ra bên ngoài xe thì nhanh như chớp, một chiếc Nouvo cặp sát và tên ngồi sau phóng tay ra ngay chiếc dây giỏ xách. Dương tuy bất ngờ nhưng phản xạ cũng không kém phần quyết liệt, hai tay nắm chặt cứng túi xách. Hai bên giằng co và cuối cùng là cả hai xe ngã nhào xuống đường. Dương với phản ứng lanh lẹ của người đã từng luyện võ nên tuy bị té đã vùng dậy liền, Hai tên cướp cũng không kém, chúng bật dậy và muốn dựng chiếc xe để tẩu thoát. Dương phóng tới, tên cướp tặng liền một con dao chí mạng nhưng chàng đã dùng chiếc túi xách laptop đánh bạt ra và trả lễ hắn một cú vào đầu như trời giáng. Tội nghiệp thằng nhỏ, nằm một đống ! Tên kia thì vội bỏ của chạy lấy người. Rồi Dương phải bắt xe ôm ra bến xe cho kịp giờ, bỏ lại Phục với chiếc xe vỡ đèn, trầy trụa cùng bao phiền toái khác.
Xe khởi hành. Vừa ra khỏi bến là đã có hàng bao nhiêu người đón xe bên đường. Cuối năm mà, hàng triệu người rời miền nam, tấp nập về quê ăn Tết. Những khuôn mặt mệt mỏi, lo lắng vì chờ xe để rồi cũng những khuôn mặt đó chỉ trong vòng mươi ngày sau phải tái diễn cái cảnh đó ở vòng ngược lại. Lối đi giữa xe đã đầy ắp hành khách ngồi trên những chiếc ghế xép. Những khuôn mặt mệt mỏi nhưng hài lòng khi nhìn xuống những người khác còn đang vẫy xe dưới đường.
Suối Tiên, Ngã Ba Vũng Tàu, Tam Hiệp Biên Hòa…đâu cũng tấp nập người, xe.
Xe đã ra đến Dầu Giây, đến đây thì mật độ giao thông giảm và xe đã có thể chạy nhanh hơn, vùn vụt bỏ lại những căn quán nhỏ bên rừng cao su hoang vắng.
Đêm nay, ông Táo vể trời ! Không biết ông có bẩm báo gì với Ngọc Hoàng về tình trạng an ninh, giao thông ở đây không ? Nghĩ tới đó, Dương bỗng dưng mỉm cười-mình bây giờ cũng là một ông Táo về quê, ông Táo đúng nghĩa luôn: đen thui, cả người ngợm lẫn số phận. Ba tháng trước bị một thằng bạn từ thời đi học và cũng mới gặp lại, giựt mất người tình-một cô gái có duyên nhưng là thứ duyên đỏng đảnh làm cho người ta dễ thương nhưng rồi cũng mau dễ ghét . Rồi tới giờ chót lại còn bị giựt giỏ xách, cũng may là không mất và cũng không trễ xe. Mình còn là người may mắn ! Phải. Vậy là mình đâu có đen, còn may chán mà !
Trăng đã lên. Ánh trăng vàng nhạt bao trùm bầu trời trong vắt, những bóng đen bên đường vẫn vùn vụt lùi xa. Cô gái lại trở mình, vô tình hai khuôn mặt – Dương và cô gái trẻ- nhìn nhau qua ánh trăng úa vàng.
– Không ngủ à ? – Dương hỏi.
– Không ngủ được.
– …Về đâu ?
– Qui Nhơn. Còn anh ?
– Anh về Vân Canh.
– Ồ ! Vậy à ? Gia đình anh ở đó ?
– Phải.
– Bây giờ ở đó cũng vui rồi hén. Lúc trước, đi ngang qua thấy buồn lắm.
Dương nghe xót xa trỗi dậy. Phải, nơi thâm sơn cùng cốc mà ! Cha mẹ anh đã lên nơi rừng thiêng nước độc đó để lất lây ngày tháng và cũng chính nơi đó anh được sinh ra, lớn lên trong cơ cực với vòng tay yêu thương của cha mẹ . Nơi mà những hạt cơm được đánh đổi bằng những cơn sốt rét mắt môi tím tái và những tháng năm hoang lạnh núi rừng.
– Ư, buồn lắm !
Những ngày gian khổ lại thoảng qua.Ngày ấy Ba Dương vướng vào vòng lao lý. Mẹ của Dương đã cùng người em trai dắt đứa con thơ lên vùng kinh tế mới kiếm sống và cũng để được gần gũi chồng hơn. Năm năm sau, khi ông Kha trở về thì đứa con trai không còn nữa, nó đã bị một cơn sốt rét ác tính rước đi khi tuổi đời đếm chưa hết mười đầu ngón tay.
Dương được sinh ra một năm sau rồi tiếp một bé gái nữa chào đời. Từ khi trở về , ông Kha hầu như là một người khác. Ông làm việc cật lực nhưng im lìm, lầm lì, chỉ nói khi nào không thể im lặng,và những âm thanh của ông cũng không thành câu rõ ràng nữa. Bà Tư, vợ ông, tuy buồn nhưng thương và hiểu chồng nên vẫn ngọt ngào lo toan mọi việc cho ông. Ánh mắt ông Kha chỉ trầm xuống khi có hai đứa bé. Ông nựng nịu hai đứa con, vuốt ve chúng như hai bảo vật thiêng liêng nhất. Những lúc đó, bà Tư thấy lòng lâng lâng xúc cảm…
Hai anh em Dương lớn lên trong cảnh rẫy rừng hiu quạnh. Món ăn thường xuyên của chúng là khoai , bắp và đồ chơi là những chú dế hay cào cào, châu chấu. Những buổi sáng đến trường với củ khoai nóng trên tay, hai anh em Dương vẫn hồn nhiên đùa giỡn, mặc cho mấy chú chim xanh trên cành nhìn xuống kiêu ngạo. Lên cấp hai, anh em Dương được ba mẹ gởi về trọ học ở nhà cậu-lúc này đã trở về sống lại ở Qui Nhơn. Hai anh em được cái rất là siêng học, lại được cậu kèm giúp nên học rất giỏi.
Khi Dương lên cấp 3 thì gia đình ông Kha đã khá hơn. Ông đã tạo dựng được mẫu chuối sau những tháng năm dài gian khổ. Rồi bà Tư rươm rướm nước mắt khi nghe tin con trai thi đậu vào Đại Học Kinh Tế Thành Phố. Ông Kha nhìn con gật gù. Niềm hy vọng của ông đang tiếp tục lóe sáng. Ngày xưa, ông đã mê chơi đến nỗi thi rớt Tú Tài và rồi phải mang lon Trung sĩ, tuy chỉ là quá khứ nhưng dù sao đó cũng là một mặc cảm mà ông muốn giũ bỏ. Ông biết, con ông sẽ thay ông làm được, bóng mây mù sẽ không còn phủ lên cuộc đời của gia đình ông nữa. Ông đứng dậy, vác cuốc ra vườn chuối với nụ cười héo hắt trên môi.
– Em đi học hay đi làm ?
– Học. Kinh Tế .
– Ô. Vậy à ?
– Còn anh ?
– Đi làm rồi . Em học về gì vậy ?
– Tài chính- Ngân hàng.
– Ồ !
Dường như có chút ngạc nhiên trong đôi mắt chàng trai.
– Còn anh, anh làm về gì ?
– Anh đang làm ở…Ngân Hàng.
– Ui, vậy à ? Vậy hồi trước…anh có học ở Tài chính- Ngân hàng không ?
– Có…
Một chút im lặng trôi qua.
– Em có học thầy Ngung không ?
– Ồ ! Anh cũng học thầy Ngung rồi phải không ? Ông ấy thật có sức thuyết phục.
Đời có lắm sự tình cờ, và có những tình cờ rất dễ thương, như cuộc gặp gỡ giữa hai người bạn trẻ hôm nay. Sau những ngại ngùng ban đầu, đôi bạn đã cởi mở lại còn có vẻ như đã thâm tình, quen nhau từ kiếp nào vậy. Mai- cô gái sau cảm giác khinh khỉnh lúc chàng trai mới lên xe , “người gì mà đen thế nhỉ!, nhìn tướng rõ bụi, chắc chẳng học hành gì bao nhiêu đâu !…” thì bây giờ đã dành trọn cảm tình cho Dương. “Học ra mà lại có việc làm đúng ngay thế thì chắc không vừa đâu ! Ngay cả mình chưa chắc đã được vậy !”
Xe dừng ở Phan Thiết cho hành khách và tài xế ăn uống, giải lao. Tuy nửa đêm nhưng hàng quán tấp nập với cả chục chiếc xe, chiếc ghé chiếc đi.
Dương và Mai cũng xuống xe vào quán ăn khuya. Lúc này , hai người mới có dịp nhìn rõ nhau hơn. Mai khá dễ thương, cặp mắt đen láy, cặp má bầu bĩnh với một đồng tiền bên trái làm khuôn mặt thêm khả ái mỗi khi cười. Còn Dương, “trông thật rắn rỏi, không ra dáng nhân viên ngân hàng chút nào cả!”, Mai nhìn Dương và thấy cũng là lạ tuy là cô không nghi ngờ gì vì đã nói chuyện qua với Dương trên xe.
– Vậy là em vô Sài Gòn học được hơn năm rồi , phải không ?
– Đúng rồi anh! – Mai vừa lấy giấy lau đũa vừa trả lời.
– Còn anh, đi làm từ năm nào vậy ? – Mai hỏi lại.
– Anh làm được hai năm rồi. – Dương cầm chai tương ớt và với cái gật đầu của Mai, chàng cho tương vào tô phở hai người.
– Chắc anh giỏi lắm nên mới ra trường đã có chỗ làm tốt vậy !
– Anh chỉ may mắn thôi em ơi !
Dương chỉ nói vậy, anh không muốn nói rõ vì sao lại được nhận vào làm ở ngân hàng dù là chàng chẳng có tiền bạc hay thân thế gì cả. Đời cũng lắm khi nhờ vào may rủi ! Đúng như Dương nói, chàng đã có may mắn khi dạy kèm một học sinh cấp 2 là con của một xếp ngân hàng. Khi ra trường với hạng giỏi, Dương đã được ông xếp nhận vào thử việc trong 3 tháng. Với bản tính chăm chỉ, chịu khó học hỏi nên sau đó Dương đã tiến rất nhanh và được ký hợp đồng dài hạn, bây giờ chàng đã là một nhân viên tư vấn khách hàng có uy tín.
– Chắc anh khiêm tốn thôi, em ước gì cũng được như anh vậy !
– Cứ cố gắng là sẽ được thôi mà.
Cuộc hành trình dài đã trở nên êm ả, dễ chịu khi có bạn đồng hành tâm đầu ý hợp. Mai nhận thấy tuy Dương cũng chỉ mới ra đời không lâu nhưng mình còn phải học ở anh nhiều lắm, những trải nghiệm mà không có trường lớp nào dạy được. Còn Dương, nhận thấy ngoài vẻ hơi kiêu kỳ lúc đầu ra thì Mai cũng là người chân thật, nhưng cô bé có cái tôi rất mạnh,”cô này muốn làm việc gì là làm cho bằng được đây, không ai cản nổi đâu !”.
Sáng hôm sau, Dương chia tay Mai để xuống Vân Canh về nhà, sau khi hai người đã hẹn gặp nhau trong ngày đầu năm. Dương còn nhìn theo bóng Mai đang vẫy tay tạm biệt chàng trên chiếc xe dần mất hút cuối con đường.
Gia đình Dương năm nay ăn Tết tương đối vui vẻ ấm cúng. Bé Trúc, cô em gái của Dương đang học năm thứ hai Đại Học Sư Phạm Qui Nhơn, gần nhà nên đã về từ sớm để cùng mẹ dọn dẹp nhà cửa và làm bánh trái. Mẹ Dương, năm nào cũng giữ truyền thống nấu bánh tét và anh em Dương rất thích thú. Còn gì bằng đêm 30 ngồi bên bếp lửa hồng sưởi ấm, nhắc lại chuyện trong năm quanh làn khói trắng lửng lơ bay. Không khí gia đình, chòm xóm vẫn còn khá đậm nét trong cái vùng quê Canh Vinh nầy mà nơi phố thị không có được. Âu, cũng là chút gì bù đắp cho những thiếu thốn mà con người ở đây đã phải chịu đựng qua bao năm tháng. Ông Kha vẫn lụi cụi với những hàng chuối “Đà Lạt”, giống mà ông mới trồng thử nghiệm và đang cho kết quả tốt.
Ngày mồng 2, Dương và Mai hẹn gặp nhau ở một quán cà-phê vào buổi sáng. Cả hai người đều nhìn sững nhau ngạc nhiên. Dương thấy Mai như một cô gái khác, khuôn mặt nổi bật với đôi má hồng quyến rũ cộng thêm nét tươi trẻ trong chiếc đầm trắng lốm đốm những bông hồng nhỏ. “Ô, anh ấy với quần áo tươm tất trông cũng được lắm chứ, như bữa trước thì có vẻ “bụi” thật! Nhưng không hiểu sao làm ngân hàng mà lại đen thế ! Thật ra như vậy trông lại cứng cáp hơn!”
– Hôm nay em xinh quá đi ! Anh sém nữa thì nhìn không ra đó !
– Anh nữa, thật không đó, đầu năm nói cho em vui hả ? – Mai sướng rơn trong đầu nhưng vẫn làm bộ.
– Vậy anh sẽ nói suốt năm luôn nhé !
– Anh làm như…
Cặp má Mai lại ửng hồng trong nắng sáng đầu năm.
ÌI. Tình yêu & ước vọng
Rồi hai người yêu nhau sau những lần hẹn hò chiều thứ Bảy, những buổi tối ngồi ngắm trăng, nghe nhạc cùng nhau bên giòng sông Sài Gòn gió lộng, tình yêu đến với hai người lúc nào không hay biết .
“ Tình như thoáng mây, tình đến cùng ta âm thầm không ngờ. Tình như cánh chim, tình đến cùng ta đâu ngờ là tình…”
Cô Mai kiêu kỳ trong lớp giờ đây đã bị chinh phục bởi một anh chàng “bụi”. Các bạn cô bảo thế, khi thấy cô bên cạnh Dương, với làn da ngâm và chiếc quần jean bạc thếch bất cần đời. Mai tuy là người con gái trong gia đình nề nếp, nhưng khi yêu thì cũng như bao người khác. Lúc đầu còn giữ kẽ, nhưng rồi những ý tứ ban đầu cũng lần rụng rơi theo tháng ngày, khi tình yêu như cơn thủy triều lên, dâng cao mãi không ngừng. Lúc này, Mai không còn thắc mắc về nước da ngâm của Dương nữa mà chính cô, cô cũng đã theo Dương đi bơi lội hay đi dã ngoại về miền đồng quê nắng gió để rồi nước da cô cũng có phần mặn mà hơn trước. Không những vậy, Mai còn theo Dương làm nhiều công tác xã hội mà trước kia cô không hề nghĩ tới như tình nguyện viên cho quán cơm 2000 hay đi thăm, chơi với những trẻ em mồ côi khuyết tật. Mãnh lực của tình yêu đã thay đổi hầu như phần lớn con người Mai, từ quan niệm cho đến lối sống. Mai quả thật đã chịu ảnh hưởng của Dương rất nhiều, và cũng chính từ đó, cô thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Ngày tháng dần trôi, lặng lẽ, êm đềm…
Năm nay, Mai đã bước qua năm thứ tư, chẳng bao lâu nữa cô sẽ ra trường và Mai rất mong ngày đó. Không phải vì Mai mong ra trường để được làm việc kiếm sống như bao người vẫn mong đợi, mà là Mai chờ ngày đó để được thỏa nguyện ước mơ : đi đến hôn nhân và chung sống cùng người yêu. Những lần cùng về quê sau nầy, Mai đã có dịp lên thăm gia đình Dương. Cô đã không còn e ngại khi lội chân đất ra vườn chuối để cùng tham gia công việc, dù đôi khi chỉ làm “thợ vịn”. Gia đình Dương, mẹ và em gái của Dương cũng đều quý mến Mai, ngoại trừ ông Kha thì không ai hiểu được ông thế nào.
Ngược lại, trong hai năm qua, Dương vẫn chưa gặp mặt cha mẹ của Mai lần nào. Dương có đến nhà Mai một lần vào dịp Tết nhưng ba mẹ Mai không có nhà. Dương chỉ thấy đó là một căn biệt thự rộng lớn, sang trọng nhưng lại có vẻ trống vắng. Mai là con một trong gia đình, Ba Mẹ cô là dân cách mạng và hiện giờ là những cán bộ cao cấp. Dương linh cảm thấy có điều gì đó dường như Mai đã giấu chàng.
Kỳ nghỉ Tết này, đôi bạn trẻ lại cùng nhau về quê. Nằm bên nhau trên chiếc xe đò, hai người lại rù rì nói chuyện.
– Anh, lần nầy anh đến gặp ba mẹ em nghe.
– Ư…
– Anh sao vậy ?
– Anh thấy ngại sao đó…
– Không có gì đâu mà, em sẽ nói với ba mẹ em trước. – Mai động viên.
– Em muốn thì anh phải tới thôi. Thật lòng thì anh vẫn cảm thấy lo lo em à !
– Em thấy anh có sợ ai đâu nà !
– Vậy mà giờ anh lại sợ mới khổ chứ ! Nhưng dĩ nhiên là anh sẽ tới.
Tuy Mai không nói ra, nhưng Dương cảm thấy có một bức tường vô hình ngăn cách giữa hai gia đình và chàng hiểu rằng Mai cũng biết điều đó. Khoảng cách giữa hai gia đình quả là rất xa mà bất cứ ai cũng có thể hiểu được. Từ lý lịch, gốc gác gia đình cho tới hoàn cảnh hiện tại đều có sự khác biệt, chỉ một điểm chung duy nhất : mỗi gia đình có một người trẻ, thông cảm nhau và không hề có sự phân biệt về những dị biệt giữa hai bên.
Dù là người thường xuyên tiếp xúc với khách hàng nhưng hôm nay Dương không thật sự tự tin khi ngồi trước mặt Ba Mẹ của Mai. Có phải tâm lý lần đầu gặp cha mẹ “đối tượng” tạo cho cái cảm giác kỳ kỳ mà ai cũng phải trải qua đó không ? Hay là sự choáng ngợp vì sự sang trọng, lộng lẫy của căn nhà đã làm Dương mất tự nhiên, hay là cả hai !
– Cậu làm việc được mấy năm rồi ? – Ba của Mai hỏi Dương.
– Cháu làm được bốn năm rồi ạ !
– Cậu cũng giỏi nhỉ ! Ra trường là có việc làm tốt ngay.
– Dạ ! Cháu cũng may mắn thôi .
Mẹ của Mai quan sát Dương tự nãy giờ “ Nhân viên ngân hàng gì mà đen đủi thế, chẳng thanh lịch chút nào cả ! Sao mà xứng với con Mai được ! “. Bà lên tiếng :
– Gia đình cậu ở đâu vậy ?
– Dạ, gia đình cháu ở…Vân Canh.
– Vân Canh à ?
Hầu như cả hai vợ chồng chủ căn biệt thự sang trọng đều cất tiếng cùng lúc. Có lẽ họ đã không thể ngờ rằng con gái của mình lại quen với một người có gốc gác từ một chốn cùng đinh như vậy. Khi con người ở một nơi chốn cao hơn thì họ ngang nhiên quên rằng trước kia họ cũng đã ở nơi thấp hơn.
Dương bỗng thấy lòng mình chùng xuống, trống không. Cái hố sâu thẳm hiện lên trước mắt thay cho chiếc bàn màu xanh nhạt giữa ba người .
– Cha cậu trước làm gì ?
– Ba cháu trước là lính của chế độ cũ. – Dương trả lời một cách tự tin. Niềm mặc cảm đã không còn, giờ đây lại là lúc Dương tìm thấy lại chính mình.
– À ra thế !
Buổi gặp gỡ hôm đó tuy không có những lời lẽ gì đụng chạm nhau, nhưng đã để lại trong mỗi người ấn tượng sâu sắc về phía người đối diện. Ba Mẹ của Mai, nhất là người mẹ, đã thật sự coi thường gia đình Dương. Bà không thể cho con vào làm dâu một gia đình như thế. Bạn bè của gia đình bà, toàn là danh gia quyền quý và không thiếu gì người đang muốn làm suôi cùng vợ chồng bà, tại sao lại gả con vào chỗ như vậy, có mà điên à !
Còn Dương, Dương không ngu muội gì mà không nhận ra vẻ khinh bạc của Ba Mẹ Mai đối với gia đình chàng. Lòng tự trọng, nỗi tự ái tràn dâng trong lòng. Giờ phút nầy chàng chẳng thiết gì nữa. Sao cũng được ! Nhưng không ai được quyền khinh rẻ gia đình chàng. Cha mẹ chàng chẳng làm gì nên tội cả, nếu có, là những ai khác kìa !
Chỉ tội nghiệp cho Mai. Mai cũng hiểu hết tình hình cùng nguyên do, cớ sự và cũng chính vì e ngại điều nầy mà nàng chần chừ mãi đến nay mới để Dương gặp mặt cha mẹ. Mai buồn và dĩ nhiên, đau khổ. Nàng biết làm sao bây giờ ! Hai người là cha mẹ nàng. Nàng làm sao có thể thay đổi được định kiến của một con người !
Dương chia tay Mai với một vẻ xa lạ chưa từng có, dù là Mai đã cố gắng tươi vui để xoa dịu phần nào nỗi đắng cay trong lòng chàng trai trẻ. Dương biết rõ là chẳng phải lỗi gì ở Mai. Mai đã xóa hết bao khác biệt để đến với chàng, nhưng lòng tự ái của chàng đã trổi dậy và như người ta nói “Ghét ai, ghét cả tông chi họ hàng “. Hiện giờ Dương đang trong tâm trạng đó. Chàng đã phải dằn lòng lắm để không thốt ra một câu cay độc với Mai.
Đêm đó, bình tâm lại Dương mới thấy tội nghiệp cho Mai, Mai phải ở vào thế trên đe dưới búa. Giờ nầy chắc Mai cũng đang buồn lắm. Điện thoại của Dương báo tin nhắn.
– Em nhớ anh !
“Em nhớ anh ! “, Anh cũng nhớ em !” Nhưng để làm gì khi mà chúng ta như hai người bên kia sông và dù mình đã cố gắng nối bờ bằng chiếc cầu treo tình yêu, nhưng chiếc cầu này sẽ khó lòng chịu đựng nổi cơn lũ của chính dòng sông đó.
Thật ra Dương cũng cảm thấy nhớ Mai. Tình yêu của hai người thật đẹp không hề sóng gió trong suốt hai năm nay. Cả hai đều rất hiểu nhau, chiều chuộng nhau. Người nầy hờn thì người kia nhịn để rồi sau đó lại thấy yêu nhau hơn. Những buổi trưa cuối tuần cùng nhau phân phối đồ ăn trong quán cơm, tuy mồ hôi chảy thành dòng trên má nhưng thỉnh thoảng lại liếc nhau cười, nụ cười của tình yêu như cơn gió mát dịu lòng hay những buổi chiều nắng tắt chơi đùa cùng các em bé trong khuôn viên viện mồ côi.
Bây giờ ta phải làm gì đây ? Tiếp tục cuộc tình với nhiều bất cập hay lìa xa khi tình yêu đang độ chín mùi. Bài toán tình yêu không lời giải, không đáp số !
Những ngày sau đó, Dương không gặp Mai. Mai biết là Dương không muốn gặp nàng vì cú sốc trong lòng Dương quá lớn. Mai đã nhắn tin cho Dương để Dương hiểu rằng tình yêu của cô không hề thay đổi và mong Dương hiểu cho nàng.
Dương hiểu nhưng thât sự là chàng không tìm được lối thoát nên chàng chỉ trả lời cho Mai biết là chàng chỉ muốn ở cùng gia đình trong những ngày nầy.
Về phần Mai, cô đã được ba mẹ cô “làm việc” rất kỹ lưỡng. Trước giờ, Mai rất hiếm khi cãi lại Ba, Mẹ ngay cả như lúc cô muốn vào Sài Gòn học và Ba Mẹ cô không muốn vậy. Mai không cãi nhưng cô đã khôn khéo rót vào tai cha mẹ ý muốn của mình mỗi ngày để rồi cuối cùng cô cũng được toại nguyện. Nhưng giờ đây, Mai cũng ý thức được rằng chuyện của cô và Dương sẽ khó khăn hơn nhiều. Cô là con duy nhất trong gia đình nên cha mẹ cô không thể dễ dàng trong việc làm suôi.
Ngày xuôi Nam, hai người lại cùng đi chung xe vì đã đặt mua vé từ trước. Nằm bên nhau trên chiếc xe khách, Dương lên tiếng :
– Mắt em sao vậy ?
– Anh nghĩ thử xem ?
Dường như Mai chỉ chờ cơ hội này để nước mắt trào ra, dù sao nàng cũng chỉ là một người con gái. Dương khẽ đưa chiếc khăn giấy lau khuôn mặt đẫm lệ của người yêu.
– Mấy hôm nay thật em muốn chết cho rồi ! Anh đâu có biết !
– Tội nghiệp em !
Thật ra Dương cũng đâu hơn gì Mai . Cả đêm chàng không ngủ được, chàng đã yêu Mai thật nhiều nhưng cũng yêu quý gia đình mình thật nhiều. Ba mẹ chàng cũng biết chàng đã gặp cha mẹ của Mai và rồi chàng cũng không biết nói sao với ba mẹ. Dương đành im lặng khi mẹ chàng hỏi đến.
Những tháng ngày sau đó, tình cảm hai người hầu như không có gì thay đổi. Cả hai đã quên đi muộn phiền xa xôi để chỉ biết hiện tại. Những ngày cuối tuần bên nhau, khi thì cùng dạo biển Vũng Tàu, khi thì ngồi ghe thăm chợ nổi Cái Răng…Hai người như muốn quên hết để tận hưởng những gì có được trước mắt.
Rồi ngày tốt nghiệp của Mai cũng đến ! Dù muốn dù không gì Mai cũng phải trở về nhà. Mai đã cố thuyết phục Dương nói cha mẹ đến gặp cha mẹ của Mai để xin cưới Mai về làm con dâu.
Đêm cuối, đôi bạn bên nhau trong căn phòng nhỏ của Dương.
Một ánh chớp lóe lên rồi tiếng sét thật lớn làm Mai khiếp hồn chụp lấy Dương ôm chặt. Đèn đuốc tắt ngấm, cơn mưa đầu mùa ập đến như ru đôi tình nhân trẻ vào cõi mộng thiên đường…
– Anh, yêu em không ?
– Yêu em .
– Đến bao giờ ?
– Mãi mãi …
Tiếng nhạc nhè nhẹ êm ái đâu đây.
“Đêm nay thời gian đứng yên lắng đọng. Cho đôi tình nhân đuối trong giấc mộng. Mưa đêm làm thêm khó câu giã từ…” (Đường xa ướt mưa- Đức Huy)
Đêm nay, Mai đánh canh bạc cuối cùng cho tình yêu và cho đời mình.
***
Mai tỉ tê cùng Mẹ để cố gắng thuyết phục mẹ nhưng Mẹ của Mai vẫn không chuyển lòng. “Chuyện gì chứ chuyện nầy không thể dễ dãi được. Giỏi, xinh như nó thì có khó gì kiếm một thằng chồng danh giá, tương lai sáng lạng. Sá gì một thằng nhân viên quèn, gia đình lại như thế, ngóc đầu sao nổi ! “. Đó là quan niệm, là “chân lý” bất di dịch của bà. Cuối cùng, mẹ của Mai chỉ chấp thuận một yêu cầu của con gái : đồng ý gặp mặt cha mẹ của Dương.
Bà Tư đến nhà Mai cùng với người em trai, cậu của Dương. Cuộc gặp gỡ giữa đôi bên như mẹ của Mai đã định trước, không mang lại kết quả gì. Cha Mẹ của Mai cũng khá lịch sự đối với khách nhưng rồi cũng không tránh khỏi vẻ trịch thượng trong cách nói chuyện. Cũng chẳng có gì lạ khi người ta đang ở trên thế thượng đẳng, con chim chỉ hót vang khi đang đậu trên cành cao !
Chị em bà Tư ra về trong nỗi ấm ức của người bị coi thường.
– Chị à ! Em thấy vợ chồng nầy khinh người lắm đó !
– Người ta ở vị thế khác mình nhiều mà .
– Nhưng nghe giọng đìệu của họ thật em chịu không được !
– Giờ chỉ tội cho thằng Dương, mà cả con Mai nữa. Con bé dễ thương ghê, lễ phép, biết điều lắm !
– Em cũng thấy vậy, nhưng mình cũng đành chịu thua thôi. Họ đã gần như nói rõ ra là không thể được rồi, mình biết làm gì hơn !
Mai là người tận mắt chứng kiến buổi gặp mặt để rồi cô càng thất vọng nhiều hơn. Những ngày sau đó, Mai nằm vùi chẳng thiết ăn uống gì. Lúc đầu, mẹ của Mai nghĩ “ Thôi, cứ thà cho nó buồn ít bữa. Nó còn trẻ chán, vài hôm lại quên ngay đấy chứ gì ! “. Nhưng rồi những tuần lễ sau, khi nhìn sắc diện Mai, bà mới thật sự lo ngại. Mai xanh xao, yếu ớt, đi không muốn vững nữa. Rồi tiếp đó cô bị ói liên tục, nhiều khi đang bữa ăn. Dần dần mẹ cô sanh nghi, tra hỏi nhưng Mai không nói nửa lời. Mẹ của cô đành nhờ một bác sĩ quen đến nhà khám cho Mai. Kết quả làm cha mẹ cô choáng váng : Mai có thai đã hơn một tháng !
– Không thể nào !
Mẹ của Mai gầm lên . Không thể nào gả vào nhà đó, một đảng viên lâu năm không thể nào làm suôi với một gia đình như vậy ! Mà cũng không thể nào để việc nầy lọt ra ngoài được. Phải “giải quyết” đi thôi !
Mẹ của Mai đã quyết định và bà bắt đầu dùng chiến thuật “du kích” với con gái. Bà dịu ngọt, nhẹ nhàng với con, rồi khi thấy con mủi lòng, bà lại chêm vô một câu.
– Thôi , dù sao con cũng còn tương lai, phía trước con còn dài lắm.
Những lúc đó, Mai chợt im bặt. Cô hiểu rằng mẹ cô đang muốn gì . Nhưng Mai cũng có quyết định của cô và cô nhất quyết đi con đuờng mà mình đã chọn. Đây là giọt máu của cô với người mà cô yêu thương, môt linh hồn vô tội và có quyền sống như bất cứ một ai khác trên cõi đời nầy. Mai cũng hy vọng rằng, con của cô, một người Việt Nam-như Mẹ và Cha của nó- nhưng lớn lên sẽ không gặp phải cảnh trái ngang chỉ vì sự nhiễm độc của người lớn và phát tán sang thế hệ sau, một thế hệ hoàn toàn không dính dáng gì về những chuyện xa xưa.
III.- Mùa xuân sẽ đến.
Cha mẹ của Mai đã quyết định ! Họ không thể chần chừ được nữa, Mai có thai đã hơn tháng rưỡi rồi. Phải tính gấp trước khi quá muộn !
Đêm hôm đó, mẹ của Mai đã nói chuyện rất nhiều với con. Bà phân tích đủ lời hơn lẽ thiệt và rất mừng vì thấy con có vẻ đã xiêu lòng, không còn phản đối như trước nữa. Ngày mai, bà sẽ đưa Mai đi bệnh viện để “giải quyết” và bà yên tâm đi ngủ khi thấy Mai im lặng.
Phòng Kế Hoạch Hoá Gia Đình của bệnh viện khá đông người, toàn là những cô gái trẻ. Những khuôn mặt trẻ thẫn thờ ngồi ủ rủ chờ đợi. Hầu hết các cô đều có người theo giúp, thường cũng là những bạn gái. Ngược lại, những trang nam tử hảo hán, “tác giả” của những oan khiên mà giờ phận liễu yếu đào tơ phải gánh chịu thì đều biệt dạng, chẳng thấy ma nào dám ló mặt.
Bà Xuân, từ sáng sớm đã đưa con gái đi. Vì không muốn ai biết nên bà chỉ kêu người lái xe đưa ra chợ, từ đây bà lại kêu taxi đến bệnh viện. Mai vẫn lặng lẽ theo mẹ, không có tiếng nào phản đối. Vào bệnh viện, sau khi có số thứ tự, hai mẹ con ngồi chờ.
– Con uống nước gì không ?
– Không . – Mai trả lời bình thản.
Hai mẹ con đã ăn sáng trước khi đi.
Những khuôn mặt chờ đợi trong lo âu, họ hầu như rất ít nói chuyện, nếu có thì chỉ là những câu chuyện nho nhỏ giữa những người đi chung với nhau. Nhưng ngồi gần mẹ con bà Xuân là một cô gái chỉ khoảng đôi tám, nói chuyện với ai đó qua điện thoại rất là vui vẻ. Khi cô gái bỏ điện thoại vô túi xong, bà Xuân hỏi :
– Nầy cháu, cháu có phải…làm vụ đó không vậy ?
– Dạ, bỏ đó hả cô ? Thì đúng rồi, không thì vô đây làm gì !
– Nhưng sao thấy cháu tỉnh queo vậy ?
– Có gì đâu ! Chuyện nhỏ mà ! – Cô gái tỉnh bơ .
– Trời ! Bộ cháu làm rồi hay sao mà không lo gì hết vậy ? Cô…sao cô lo quá à !
– Trời ơi ! Bộ cô cũng… hả chời ! – Cô gái nói lớn làm bà Xuân không kịp phản ứng gì hết. Rồi cô ta lại tiếp liền :
– Cô cũng còn ham dzui dzữ hén ! – Cô gái cười hi hi làm mọi người đều quay nhìn.
Bà Xuân thật là dở khóc dở cười… Mặt mày méo xẹo, bà cải chính :
– Đâu có, cô lo cho đứa cháu kìa, chứ phải cô đâu mà ! Trời ơi ! Khổ ghê à !
– Vậy mà cháu tưởng…cô chứ ! – Cô gái trẻ lại cười hắc hắc.
– Cháu không đi với ai sao ?
– Không, xong rồi thì gọi bạn lại chở về, giờ nó còn đi làm.
– Cháu từng làm rồi phải không ?
– Lần nầy lần thứ ba . – Cô gái trả lời không hề ngượng ngùng.
– Trời ơi ! Cháu còn trẻ quá mà…
– Ăn thua gì cô, dân chơi sợ gì mưa rơi cô !
Bà Xuân lắc đầu thầm, tuổi trẻ bây giờ sao thế nhỉ ! Thế hệ tương lai của đất nước là vậy sao ? Con trai, ăn chơi, hút xách, cờ bạc, cá độ…rồi đi ăn cướp, cả sinh viên cũng vậy. Còn con gái, tự do luyến ái, mới tí tuổi đầu đã ba lần phá thai…tương lai…tương lai…Giờ bà Xuân mới cảm nhận được sự mờ mịt của cái gọi là tương lai của tuổi trẻ Việt. Bà lắc mạnh đầu để trở về thực tại, Mai, con của bà cũng không thoát được chuyện đó !
Bà Xuân nhìn xem Mai thế nào. Nhưng bà không thấy con gái đâu cả ! Quái, lúc nãy nó ngồi chỗ đó mà ! Bà đứng dậy đảo mắt tìm kiếm nhưng vẫn không thấy Mai. Rồi chợt môt ý nghĩ vụt qua, bà giật nẩy người. “Có lẽ nào !”
Bà hỏi những người ngồi kế thì họ bảo thấy cô đi vào trong. Hay là nó đi vệ sinh ? Bà đi vào nhà vệ sinh tìm, gọi cửa từng phòng nhưng vẫn không thấy Mai đâu. Lúc nầy bà đâm hoảng thật sự. Trong đầu bà nẩy lên bao ý nghĩ ,” Có khi nào nó dại dột không vậy trời ! Cầu mong cho con không việc gì !” .
Bà Xuân chạy ra cổng bệnh viện nhìn dáo dát. Những chú xe thồ xúm lại.
– Chị, đi đâu chị ?
– Không ! Nãy giờ mấy anh có thấy cô nào mặc áo xanh ra đây không ?
– Áo xanh , tóc ngang vai phải không ?
– Đúng rồi đó chú !
– À ! Hồi nãy thằng Tám chở phải không bay ? – Người đàn ông quay lại hỏi mấy người kia.
– Đúng rồi ! Nghe đâu ra nhà ga đó .
Bà Xuân vội gọi điện cho chồng. Ông Đắc, ba của Mai nghe xong rồi nói “Bà đi gấp ra nhà ga đi, tôi thu xếp công việc chút rồi cũng tới liền, có gì nhớ cho tui biết”. Chuyện đã tới nước nầy nên bà Xuân phải cho chồng biết, chứ thật ra bà biết tánh chồng. Chồng bà ít nói nhưng rất nóng tánh, bà sợ là ông sẽ làm tổn thương con nhiều hơn nữa.
***
***
Dương tắt ngọn đèn néon, căn phòng chìm vào bóng tối. Tiếng vọng lốc cốc của xe hủ tiếu gõ ngoài đầu xóm chỉ làm phố khuya chìm sâu hơn vào tĩnh mịch. Dương cảm thấy thật nhớ Mai, “không em nghe trống vắng lạ lùng !”. Mới đó mà xa nhau đã hơn tháng rồi, tuy hầu như đêm nào hai người vẫn nói chuyện hoặc chat với nhau qua điện thoại nhưng “nhớ” vẫn là nhớ .
Điện thoại rung, Dương thấy lòng ấm lên “ anh đang chờ em đây, em yêu !” . Chàng mở điện thoại xem tin nhắn…
Đầu óc chàng như tê dại, Dương lại mở điện thoại xem “ Anh ! Em báo cho anh một tin mà em không biết gọi là tin vui hay buồn (đối với anh) : Em đã có thai, từ ngày mình xa nhau đó ! “
Dương nhắn trở lại.
– “Mẹ em biết chưa ?”
– Chưa ! Anh cảm thấy sao ?
– Bây giờ, anh chỉ thấy lo cho em .
– Em nghĩ, không lâu nữa ba mẹ em sẽ biết. Anh còn yêu và còn bên em không ?
– Anh sẽ mãi bên em.
– OK, em sung sướng lắm, nếu nhận câu trả lời khác chắc em sẽ chết liền.
Vài hôm sau,
– Ba mẹ em biết rồi. Mẹ muốn em không giữ lại, ý anh thế nào ?
– Đó là giọt máu của mình, phải nhất định giữ lại.
– Ok, anh đúng là chồng yêu của em. Anh phải chuẩn bị, khi nào em yêu cầu thì anh đến với em nghe.
Đêm đã khuya, tiếng tàu xình xịch vang lên đều đặn. Dương trở mình trên chiếc giường tầng 3 của toa tàu Thống Nhất. Chàng không ngủ được “Ngày mai, mẹ bắt em đi bệnh viện . Em sẽ đi với mẹ nhưng sẽ tìm cách trốn ra ga. Sáng mai, anh phải đón em tại ga QN để đưa em đi”.
Tàu rồi cũng tới ga, giữa đêm trường vắng lặng. Dương bước xuống đất, sân ga về đêm thật buồn làm chàng chợt liên tưởng chuyện của mình.
Con tàu và sân ga
đôi tình nhân ngậm đắng
gặp nhau rồi ly biệt
người ra đi đêm trắng
người ở lại hiu sầu
mãi làm sân ga nhỏ,
đợi người từng đêm thâu…
Dương bước ra đường, tìm một phòng trọ chờ trời sáng. Đã lâu lắm chàng mới có dịp ngắm Quy Nhơn đêm,” Khi bước chân ta về. Đêm khuya nhìn thành phố, đường phố hoang vu, như cuộc tình, như đời mình…” (Tình xa- TCS)
“Em đang đi đến bệnh viện, anh mua vé sẵn cho em và anh chuyến 10h sáng nghe.” Cầm hai chiếc vé trong tay, Dương chờ đợi trong thấp thỏm âu lo. Chỉ còn 15 phút nữa là tàu chạy, Dương đứng trước sân ga bồn chồn trông ngóng. Chờ đợi luôn là bi kịch của con người !
Một chiếc Honda từ xa chạy lại, Dương sững sờ kêu lên.
– Mai !
– Anh !
Mai bước xuống xe và như ngã vào tay Dương. Sự căng thẳng dường như đã vượt qua sức chịu đựng của người thiếu nữ trẻ, nhất là với sự xuất hiện của người yêu.
Hai người ôm nhau như cách xa nhau cả thế kỷ.
– Em xanh quá !
– Em mệt lắm !
Phút giây xúc động gặp lại nhau đã qua, cả hai bỗng bừng tỉnh.
– Em, mình phải vào nhanh, tàu gần chạy rồi.
Dương dìu người yêu vào trong. Cô nhân viên ngay cửa soát vé thúc giục :
– Vào nhanh đi, tàu sắp chạy rồi !
Đôi tình nhân trẻ dìu nhau về toa số 10, gần cuối đoàn tàu. Bỗng có tiếng kêu lớn :
– Mai ! Dừng lại !
Mai và Dương giật nẩy người. Chết rồi ! Mẹ của Mai đã tới, làm sao giờ !?
Hai người khựng lại, nhưng rồi Mai giục :
– Đi, đi đi anh !
Dương vội dìu Mai bước tới, chỉ còn vài bước chân nữa là hai người sẽ lên tàu. Đây rồi, Dương bước lên trước rồi đỡ cho Mai bước lên, nhưng…
– Mai, con không được đi !
Bàn tay bà Xuân đã giữ Mai lại, bà vừa nói vừa trừng mắt nhìn Dương nẩy lửa.
– Mẹ ! Mẹ cho con đi !
Mai năn nỉ mẹ. Bà Xuân vẫn không buông Mai ra. Tàu đã hú còi, người nhân viên giục :
– Lên tàu ! Lên tàu !
Bà Xuân nhìn con gái mà mủi lòng. Mai tóc tai rã rượi, mặt mày xanh mét, ánh mắt thảng thốt kinh hoàng của một người cùng đường…
“Đây là con bé Hột Sen bé tí của mình ngày nào đây sao ? Con bé mà ngày nao mình phải vay tiền, đút từng muỗng sữa đây sao ? Con bé mà đêm đêm vẫn ôm ghì mẹ và đuổi ba ra chỗ khác để chỉ “mẹ là của con” đây sao ? “
Nước mắt bà từ lúc nào ràn rụa trên khuôn mặt, nước mắt của một người Mẹ nhìn con thơ trăn trở trong cơn đau…
Bỗng có tiếng từ xa :
– Giữ nó lại !
Ông Đắc, chồng bà đang chạy tới với vẻ giận dữ. Chồng bà mà đến lúc này thì thật là rắc rối. Bà Xuân ngước lên nhìn chồng rồi lại nhìn con. Con bé Hột Sen đã cao hơn bà, khuôn mặt cũng thanh tú hơn. Bộ ngực con bé no tròn , mơn mởn dưới làn áo mỏng…Đột nhiên, bà thấu hiểu !
Con Bé đã thành người, một con người có quyển lựa chọn con đường mình đi. Bóng con bé Hột Sen lớn dần trước mắt, vòng tay bà lơi dần, bà nói trong nước mắt :
– Hai con đi đi, cố gắng đùm bọc nhau.
Dương kéo Mai lên tàu. Mẹ ơi ! Rồi con sẽ trở về với mẹ, mẹ yêu ơi !
Tàu từ từ lăn bánh. Bà Xuân nhìn theo bóng đôi trẻ đang chắp tay cuối đầu từ biệt …
Ông Đắc ào tới :
– Nó đâu rồi ?
– Con đi rồi ông à ! – Bà Xuân trả lời chậm rãi, nhẹ nhàng. Gánh nặng tưởng như vô song mà bà chịu đựng trong những ngày qua đã không còn nữa.
– Sao bà không giữ chúng lại cho tôi ?
Bà Xuân không nói, bà nhìn con tàu rời sân ga, đôi mắt bà thật buồn mà cũng thật vui. Hột Sen của mẹ, con đã cứng cáp rồi, mẹ tin là con sẽ thành người trong cuộc đời sóng gió nầy.
– Ông à ! Ngày đó, chúng ta cũng gặp nhau trên một con tàu đó !
Câu nói của bà Xuân làm ông Đắc quay trở lại thời xa xưa. Phải ! Tình yêu của hai vợ chồng ông cũng bắt đầu từ một con tàu…Để rồi cũng chính bà Xuân đã lên một con tàu để đến với ông…
Tiếng còi tàu vang lên như nhắc nhở lại chuyện tình một thuở sao quên của họ.
Bóng con tàu mờ dần…
Chỉ còn cặp vợ chồng nắm tay nhau trên sân ga vắng…
{jcomments on}