Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân (Hay Yến Lan là cha tôi)


Vào những năm 1930-45 thế kỷ 20, tại dải đất Bàn Thành, thị trấn An Nhơn thuộc Bình Định có bốn người bạn làm thơ, họp lại thành nhóm “Tứ hữu Bàn Thành”. Nhà nghiên cứu văn học thời bấy giờ tên Trần Kiên Mỹ, quê ở đất võ Tây Sơn, chơi thân với họ, ông yêu mến và nhận thấy thơ của bốn ông bạn tuy ngẫu nhiên nhưng sao tương ứng với các linh vật, thơ Hàn Mặc Tử thì như rồng (Long), thơ Yến lan lành như Lân, Quách Tấn như Qui, còn Chế Lan Viên như Phụng; vì vậy ông lấy tên các linh vật ấy đặt cho từng người và gọi nhóm với tên “Tứ Linh”. Từ đó, cái tên Tứ hữu Bàn Thành hay Tứ Linh luôn song hành trong văn đàn là vậy đó.

Từ khi ra đời, mỗi người mỗi vẻ, bằng những tài thơ của mình, họ đã hòa nhịp âm vang cùng với thơ Xuân Diệu, Phạm Hổ của Bình Định, góp phần không nhỏ cho sự phát triển nền văn học quê hương và Dân tộc Việt Nam .

 

Ấy thế mà trong thực tế, nhắc đến Yến Lan, hầu như chẳng mấy ai biết đến, nhất là lớp trẻ. Nếu ai đó vô tình đọc thơ của ông, thấy hay hay họ cho rằng đó là của nữ thi sĩ !.

Giả sử đem thơ các vị ấy so sánh một cách công bằng thì cũng khó phân biệt được thơ ai hay; giàu lòng nhân ái, sống có tình và thủy chung hơn; nhưng nếu đem so sánh bằng phương pháp điện quan có lẽ dễ nhận ra tấm chân thiện, trách nhiệm và tầm nhìn của người nghệ sĩ nào hơn ngay thôi…

Người yêu thơ đinh ninh rằng tại thành cổ Đồ Bàn – Bình Định có một bến sông tên gọi là “Bến My Lăng”. Bến sông ấy, một đêm sáng trăng nọ, nàng Hằng Nga đã để ánh vàng mình rơi đầy trên mặt sách của ông lái đò đang đợi khách, khiến lòng ông buồn vời vợi đến độ mặc kệ cho gió lén vào râu ông để mơn.

Những tên bài “Bến My Lăng” “Bình Định năm 1935” “Lại về tỉnh nhỏ” “Nhớ làng” là những bài thơ gốp phần làm giàu thêm ngôn ngữ cho nền văn học Việt Nam của Yến Lan trong Sách Giáo Khoa; khi biên sọan lại đã bị bỏ ra! Còn lớp trẻ, phần lớn chỉ thích ngồi chát hàng giờ trên vi tính hoăc xem ti vi với những quãng cáo “Làm cách nào để thành người sành điệu”… hơn là ngồi đọc sách, báo thì làm sao mà biết Yến Lan là ai! Thậm chí một chị học cùng lớp; ở trường Học sinh Miền Nam với tôi mà còn nhầm lẫn trong vẻ hiểu biết “Thơ má em hay thiệt!”.

Lại nữa, vào cuối tháng 11 năm 2013, trên VTV3 trong chương trình Ai là triệu phú có câu hỏi về nhà thơ nổi tiếng trong Bàn Thành Tứ Hữu của Bình Định. Ngoài ba nhà thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn còn ai trong số các nhà thơ : Bích Khê, Xuân Diệu, Yến Lan của nhóm thơ nổi tiếng của Bình Định,… Thật mỉa mai thay, ngay cả sự trợ giúp của cả hội trường, không một ai có thể nghĩ tới Yến Lan ! Vậy đó các bạn ạ!…

Trong lời tựa tập “Thơ Yến Lan” do NXB Văn Học in cách đây gần 30 năm, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết “Có nhiều lý do. Nhưng thơ là cái đẹp lặng im, đi lầm lũi trong im lặng, nếu không ai nhắc đến, chỉ ra, gọi tên tán dương thì nó bị vùi lấp đi. Đầu là trong im lặng mà sau là sự lãng quên”.

Từ góc nhìn hạn hẹp của người con, thông qua những mẫu chuyện đời thường để bạn yêu thơ hiểu về Yến Lan – người mà theo sự đánh giá của các bạn vong niên, đồng niên của ông hay các nhà nghiên cứu – Đây là nhà thơ tài hoa rất sớm, đầy tâm huyết với quê hương và cái chữ nhưng lận đận về đời và cả về sự nghiệp thơ của mình nhất.

Từ trước đến nay theo tư liệu: Yến Lan tên thật là Lâm Thanh Lang, sinh ngày 2 tháng 3 năm 1916 trong một gia đình nghèo. Cả tuổi thơ ông phải nương tựa vào chùa Ông ở thị trấn An Nhơn-Bình Định.

Thực ra, tên ông là Lâm Xuân Lan ; sinh ngày 22 tháng 4 năm 1917.  Khi đi học, trục trặc giấy tờ, nên tên và ngày sinh của ông có sự nhầm lẫn; cha ông thấy không cần sữa, cứ để vậy cho xong

Những ngày chập chững bước vào làng thơ, bằng những vần lục bát để tuyên truyền cho người dân trong thị trấn hiểu và tham gia Cách mạng, ông lấy bút danh Thọ Lâm. Trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, bút danh là Xuân Khai. Còn bút danh Yến Lan là sự ghép tên của hai giai nhân:

Thầy giáo Lang và 12 học trò cùng quây quần bên nhau trong một gian nhà mái ngói âm, dương, đối diện với cây me cổ thụ. Trong lớp có 2 cô trông dễ thương, kháu khỉnh. Một cô tên Yến, một cô tên Lan, hai cô thân nhau như chị em ruột. Thầy Lang làm thơ hay và có tài kể chuyện, lại rất dí dỏm nên được các em học sinh yêu thích. Thầy thường đọc thơ trên báo và thơ mình cho lớp nghe. Nhìn thầy rất trí thức và đẹp trai nên cả hai cô đều thầm thương, trộm nhớ. Ngày nghĩ họ vẫn rũ nhau vào chùa, lấy cớ học thêm để được gặp thầy. Một hôm, thầy nghe lõm được lời của hai người: “Tao với mày chơi thân như thế này, sau này có lấy chồng chỉ lấy một người thật đẹp trai làm chồng chung để khỏi phải xa nhau”. Nghe được vậy thầy Lang tủm tỉm cười. Ít lâu sau đó, cô Yến theo gia đình chuyển vào Nha Trang. Chỉ còn cô Lan ngày ngày vẫn tới lớp thầy Lang để học.

Trong thị trấn bé nhỏ ấy, gia đình cô Lan thuộc loại khá giả. Nhiều nhà giàu ở huyện muốn hỏi cưới cô cho con trai nhà mình, nhưng cô đều từ chối. Bởi trong cô đã có hình bóng của chàng thi sĩ nghèo họ Lâm thôi. Cha cô Lan biết chuyện, tìm mọi cách can ngăn. Vì ông thấy chàng thi sĩ nghèo không môn đăng hộ đối với gia đình.

Không lấy được chàng thi sĩ, cô Lan nhất quyết đi tu. Cô vào tu tại chùa Sư Nữ ở Phan Thiết. Cả nhà không biết đâu mà tìm. May sao bà chị con ông cậu đi lễ Phật, bắt gặp, tin cho gia đình biết. Chàng thi sĩ họ Lâm nghe được, cùng anh trai cô, khăn gói đi tìm, vì thế mới có bài Phan Thiết:

Màn chót hay là

Bài THƠ PHAN THIẾT

Bài viết sau khi Lan bỏ nhà xin vào tu ở

chùa sư nữ Phan thiết. Lan lúc ấy đã 18 tuổi.

Nghe rằng đó: Cõi khói, mây, lửa, gió

Bờ biển khô, quì mệt gối trăng nghiêm

Nơi, kẻ đến hắt hiu xuân ngọn cỏ

Người ra đi, ngờ hoặc bóng trăng đêm

Nơi trận cát bao la chim lạc hướng

Lầu ông Hoàng lở lói đá vôi lăn

Giang tay chỉ lên trời xanh vạn trượng

Những vai buồm hàng hải lã băn khoăn

Bãi thông cõi phong phanh tà áo cũ  

Cụm cừ sưa cuối uống vũng chiều bầm

Mỏi đến héo những hoa hồng chớm nụ

Tóc lại xàu bao đọt liễu đang tầm

Đường sạn úa, bụi lồng cơn gió đuổi

Mảng trời nghiêng bạc bợt cả màu xanh

Hồn bể lớn chơi vơi trên bọt muối

Mùi san hô bừng dậy nắng trưa hanh

Nhúng nến đỏ dựng cao hang tháp lệ

Vẫn rưng rưng nhểu đọng giọt tương tư

Kinh sách giở như buồm neo trước bệ

Chực đưa hồn trở lại bến non vu                    

Ôi Phan Thiết một trời ngâu vàng võ

Dòng sông sâu đâu dễ dứt Cầu Ô

Chiều nay đến lòng ta đầy bão gió

Muốn bùng lên xáo trộn cả trời mây

Tay trước ngực chấp nên hình

Chuông thỉnh Kinh liền nhịp dậy trông hồn

Đau thương ứa trên thân hình bát rạn

Bởi thấy lòng dồn vơi hết sầu thương

Nén nhang nguyện xông lên hương huyền ảo

Nhen ái tình ta là kẻ đầu tiên

Lá phượng trắng dựng trên nền Tam Bảo

Hướng lên trời Phan Thiết kết nhân duyên

Ôi Phan Thiết, sông Cầu, Lăng Cô, Đà Nẵng

Đến một lần chỉ để nhớ mãi không khuây

Đêm lạnh, tóc mai dầm hướng gió

Nặng tình xanh trăn trở giữa chăn đơn

Tôi thức uống bầu sao từng hớp nhỏ

Gạn vô lòng chất biếc mỗi tình thương ….

Phan Thiết Tháng 4/1944

Sau 4 năm, cha cô Lan thấy hai người vẫn quyết tình nên đành chấp nhận cho họ lấy nhau. Trong giai đoạn gian nan nhất, cô Yến thường viết thư động viên, vun đắp chân tình cho hai người và không hề nhắc lại lời hứa năm xưa. Lần đi tản cư, cả gia đình cô Yến bị lật thuyền, chết. Nhớ lại câu chuyện tâm tình xưa của hai người, và để kỷ niệm tình bạn của họ, ông đổi bút danh Xuân Khai ra Yến Lan.

Khi cái tên Yến Lan đã trở nên quen thuộc và gần gủi với khách thơ thời bấy giờ, Tòa Soạn Báo Phụ Nữ do ông Minh Vĩ làm chủ bút rất sôi động, phải liên tục giải thích những lá thư hâm mộ kèm theo sự tò mò: “Yến Lan là ai?, nam hay nữ?, đẹp hay xấu?…”

Tôi Là con cả của nhà thơ, tôi học ở trường Học Sinh Miền Nam tại Hải Phòng, tuy ít được gần gia đình nhưng không hiểu sao thường được ông tin cậy, tâm sự những bức xúc của đời, của thơ. Tôi đọc, tìm hiểu qua sách báo mới cảm nhận về người cha của mình: “Cha quả là tài hoa mà sao đời lại phụ bạc với cụ thế? phải chăng vì mang bút danh Yến Lan, nó quá yểu điệu và nữ tính có lẽ vì thế mà suốt những tháng năm sống trên cõi trần và khi đã trả hết nợ trần gian ông vẫn không gặp may như bạn cùng thời!…

Là nhà thơ, ngay còn trẻ, ông sáng tác nhiều, nhưng không nhà thơ nào bị mất những đứa con tinh thần nhiều như ông. Ông mất do chiến tranh lọan lạc, mất trong bạn bè (điều này ông chỉ nói cho tôi biết và dặn không được nói với ai vì sợ mất tình anh em )

Vào thập niên năm 60-70 của thế kỷ trước, khi hai chị em chúng tôi – lớn lên trong sự tồn tại bút danh Yến Lan, đã chứng kiến những ngạc nhiên, sự tò mò của khách thơ đến là tức cười và cũng rất dễ thương. Người thì bảo: “Yến Lan là nam” và người thì đinh ninh “Yến Lan đích thị là nữ 100%.”

Một ngày nọ, có chàng trai để chứng minh mình đúng, đã đến tận nhà tôi kiểm tra. Anh chạy từ dưới lên tận gác 2, nhà 37 Hàng Quạt – Hà Nội. Thấy hai chị em gái đang ngồi ngay cửa ăn mía; anh nhìn tôi thăm dò: “Em ơi, phải đây là nhà của nữ sĩ Yến Lan?” con em đang hít hít khúc mía nghe chữ “nữ sĩ” nó rũ ra cười sặc sụa. Một tay bụm miệng, tay kia chỉ về phía người đang hì hục chửa cái chân ghế hỏng “Đấy! đấy là nữ sĩ Yến Lan của anh đấy.” Rồi, tôi nghe rất rõ câu anh thốt lên với ba tôi: “Thôi chết rồi anh Yến Lan ơi! Em đã thua cuộc lớn lắm phải đãi mấy thằng bạn một chầu phở.” Anh nhìn ba tôi cười lém lĩnh rồi chạy xuống cầu thang-nơi các bạn anh, những người chiến thắng đang chờ kẻ thua trận để xử lý.

Hồi ấy, phần lớn những người yêu thơ Yến Lan còn rất trẻ, chỉ hơn chị em tôi 2 -> 3 tuổi nhưng cứ gọi ba tôi bằng anh xưng em ngọt xớt. Họ nghĩ rằng với bút danh Yến Lan, nhà thơ không có con hoặc con còn bé tí tẹo, vì thế nhiều người ngỡ ngàng khi bất chợt gặp chúng tôi tại nhà, họ tỏ thái độ ngạc nhiên đến mức có lúc làm ba tôi tự ái: “Trời ! anh Yến Lan mà đã có hai cô gái như thế này ư!”.Và khi đã biết Yến Lan có 2 cô con gái lớn thì người yêu thơ Yến Lan càng tò mò muốn biết mặt mũi chúng ra sao. Chẳng thế mà anh chàng có tên nghe cũng rất thi sĩ -Trường Thi, không ngại quãng đường đã đi qua, đạp ngược lại để theo chân anh bạn tên cũng rất thi sĩ là Mai Ngữ ( từ Suối Hai về đến Phùng) lên lại Nông Trường Ba Vì-Hà Tây dài 52km – nơi tôi làm việc, chỉ để tận mắt xem con gái nhà thơ Yến Lan mặt mũi ra sao, tròn hay dài v.v…?

Lại nữa, có người còn muốn làm bạn với chúng tôi cũng chỉ vì–Đó là con gái nhà thơ Yến Lan. Hiện, tôi còn giữ lá thư của chàng thanh niên chưa hề quen biết. Thư đề ngày 28/3/1966 trong đó có đọan:

“Xưa nay tôi ít quen biết – bè bạn của tôi là tất cả mọi người. Tôi cũng chưa từng có ý kết bạn với ai như với Bích Thủy, lẽ đó làm tôi ngạc nhiên….Qua một số lời mô tả về bạn…tôi không hình dung được chút nào. Tôi chỉ biết rằng dòng máu của nhà thơ Yến Lan đang chảy trong người bạn – một nhà thơ mà tôi ưa trong các nhà thơ…

Và anh nói toẹt không chút do dự: Tôi muốn chúng ta là bạn.”

Nay, mặc dù tôi đã về hưu nhưng khi biết tôi là “ái nữ của Yến Lan” thì khách thơ hầu hết đã có tuổi, bằng sự ngưỡng mộ thật lòng, đọc cho tôi nghe những câu thơ hoặc cả bài thơ của ba tôi mà họ thích hay nói những lời nghe thật thân mật :

– Vậy cô là con gái của “ông lái đò đã để gió lén mơn râu đấy ư !” rồi họ đọc thuộc lòng hoặc cả bài hoặc một đoạn thơ của ông với tôi

“Khế chua chị nấu lá mòng tơi

Em ướt được ăn đến trọn đời

Tang mẹ mãn rồi bà mối dục

Chị đi bát đũa cũng mồ côi”

Đọc xong trong niềm xúc động, họ trầm mặc “Yến Lan chọn từ thật đắt, chẳng có ai mồ côi hơn ông khi mà cả bát đũa ông cũng mồ côi. Như vậy, nhà thơ mồ côi đến những ba lần : Mẹ, chị và bát đủa ” Có lúc, khách thơ cất giọng ngâm trong niềm cảm xúc tận cùng bài Xuân muộn

Vụng sắm cành đào không kịp tết

Ra giêng mới hé một vài bông

Xuân người lã tã bay đâu hết

Ngoãnh lại xuân ta mới chớm hồng

Ai đã từng sống và biết Yến Lan chắc không quên mảnh đời cơ khổ mà thanh bạch của nhà thơ. Ông không chọn cho mình cách sống trong bon chen, nhưng cũng không nản lòng trước nghịch cảnh bạc bẻo của đời, trái lại ông sống chung thủy với bạn, nhân nghĩa với đời. Ông lẳng lặng làm việc, lẳng lặng vượt khó khăn, không than thở, tự mình hàn vết thương đau :

Ứa nhựa hàn vết đau

Tĩnh yên cành gió quật

Quả đu đủ góc ao

Lặng dâng đời quả ngọt

Lúc còn trẻ, ông quen tự lập. Khi trưởng thành, cuộc đời ông đã khắc khỏai, trăn trở với bao thăng trầm của xã hội trong chiến tranh, chia cắt. Bản thân ông phải vận động sao cho phù hợp với lẽ sống mới. Hơn ai hết với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ đã quen tự lập, ông mạnh mẽ đón lấy ngọn gió thời đại. Cảm hứng mới đem lại diện mạo mới cho thơ Yến Lan, làm cho thơ ngày càng bay bỗng, khiến nhạc sĩ, nhà thơ tài hoa Văn Cao đã không ngần ngại viết nhận xét:

“Từ một người bình dị Yến Lan đang trở thành một người muốn thúc đẩy một sức gì đang làm trì trệ cuộc sống của chúng ta. Tôi thấy ở anh một sự chuyển biến, một sự mở ra có sức lực..”

Với tôi, là con, tôi càng nhận ra được từ những vần thơ lưu của cha mình, dù hoàn cảnh nào cũng đều hướng về cuộc sống bình thường, giản dị và thiện chí. Con người với con người là một thực thể xã hội, với muôn vàng quan hệ chồng chéo:

Nhà không vườn, không gác, không sân

Tôi nợ đời rau trái tôi ăn

Nợ hàng xóm trưa hè bóng mát

Nợ em cài bên cửa một vầng trăng.

Trong cuộc sống, ông sống theo qui luật của nước “nước chảy vào chỗ trũng”, trước sau như một, thủy chung, sẻ chia cho bạn. Với bạn bè là tình cảm yêu thương, chan hòa nâng đỡ. Ví dụ : Thời trai trẻ, ông cùng bác Quách Tấn, chú Nguyễn Đình lo hòa giải cho tình cảm của gia đình và tình yêu của hai vợ chồng chú Chế Lan Viên và cô Giáo-người vợ đầu của chú. Chăm sóc an ủi chú Bích Khê, Hàn Mặc Tử trong cơn bạo bệnh ; những ký gạo giúp bác Quang Dũng trong thời kỳ tem phiếu, khó khăn vất vã. Và chắc chắn hình ảnh ông một mình đi sau linh cữu cụ Phan Khôi đến nơi an nghĩ cuối cùng trong một ngày cuối đông ở Hà Nội vào thời đấu tranh khốc liệt nhất của giới văn nghệ sĩ đối với “Nhân Văn Giai Phẩm” với “nghĩa tử là nghĩa tận.”

Với gia đình, ông sắt son và thủy chung:

Em có cháu gọi bà

Gọi em anh vẫn gọi

Năm mươi tuổi ai già

Chúng mình sao trẻ vậy…”

Trong những năm cuối đời, ba thường nói với hai chị em gái đầu lòng: Ba rất mừng vì hai con đã biết thương và hy sinh cho các em. Là phận gái trong gia đình này các con đã phải chịu thiệt thòi nhiều. Nhưng các con có quyền tự hào về ba vì suốt đời ba đã phấn đấu là người làm thơ khiêm tốn và biết tự trọng. Thực ra, ba tôi không cảm nhận được niềm tự hào của chúng tôi về ông đấy thôi. Bởi vì hai đức tính này nghe thì rất bình thường, nhưng đã mấy ai làm được, nhất là vào những thời điểm mà chân giá trị đích thực của con người chưa được đặt đúng vị trí.{jcomments on}

0 thoughts on “Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân (Hay Yến Lan là cha tôi)

  1. Nguyên Lương

    Gởi Anh Lâm Bích Thủy
    (Xin được phép gọi bằng Anh cho gần gũi)
    Bài viết của Anh cho mình được dịp đọc lại một tư liệu văn học sử rất thích thú của vùng đất có những nhân tài trong nhóm Tứ Hữu Bàn Thành: Long Lân Qui Phụng. Chính cá nhân mình khi đọc thơ của Cha Anh, Yến Lan, vẫn cứ nghĩ đó là một nhà thơ nữ ở đâu ngoài Bắc chứ không phải là ở Bến My Lăng. Đúng là một thiếu sót, cũng chỉ vì thời đó sách vở không nhiều nên có sự nhầm lẫn rất lớn. Anh sinh ra trong gia đình có tố chất văn chương nên bài viết của Anh đọc thấy thấm thía và đầy xúc cảm.
    Khi xưa, Cha mình tên là Nguyễn Trong Bính, nhưng vì ông qúa yêu thơ của Nguyễn Bính nên bỏ chữ Trọng. Khi còn nhỏ mình nghe ông ngâm nga mấy bài thơ của Nguyễn Bính, cứ tưởng Cha mình là tác gỉa. Cũng vì muốn con thích thơ văn nên khi mình hỏi tác gỉa những bài thơ này có phải là Cha không ông chỉ mỉm cười, và thế là mình tin sái cổ. Lúc nào cũng nghĩ Cha mình là một đại thi hào, nên đi tìm trên sách vở, học thuộc rất nhiều thơ của tác gỉa: “Gục đầu tôi khóc qủa tôi yêu nàng”
    Lớn lên, hiều ra, mới biết mình được người Bố yêu lừa cho một mẻ. Nhưng tình yêu văn chương thi phú thì còn đọng lại đến giờ.
    Nay đọc bài viết của Anh về giai thoại của Cha mình, cảm phục và hãnh diện lắm được làm con dân của xứ Trời Văn Đất Võ.
    Cảm ơn Anh đã cho mình hiểu thêm về nhà thơ lớn đất Nẫu.
    NL

    Reply
  2. Nguyên Lương

    Xin lỗi Cô Lâm Bích Thủy, vì cứ tưởng cô là con trai của Yến Lan.
    Thấy thân phụ có tên con gái nên con trai cũng có tên con gái, ai dè. Xin lỗi Nhà Văn Nữ Lâm Bích Thủy.
    Mới sáng, uống cà phê chưa tỉnh táo nên trông gà hóa cuốc, bậy thiệt.
    NL

    Reply
  3. Sơn Ca

    …Nhưng đêm kia có một chàng kỵ mã
    Nhúng trăng đầy màu áo ngọc lưu ly
    Chàng gọi đò gọi đò như hối hả
    Gọi đò thôi run rẫy cả ngành trăng
    [Bến My Lăng- Yến Lan]
    Chị Lâm Bích Thủy ơi! bao nhiêu người thổn thức vì bài thơ trên trong đó có Sơn Ca, ước gì được gặp chị một lần để năm tay con gái của thi sĩ đất An Nhơn.

    Reply
  4. Quế Anh

    Chị Lâm Bích Thủy .
    Với tấm lòng trân quý người cha của mình , chị BT đã cho người đọc thấu cảm hơn về nhà thơ Yến Lan . Cảm ơn chị rất nhiều ! Những ký ức về người cha chị viết hôm nay làm QA hết sức xúc động ( mặc dù đã được nghe Mẹ chị nói về nhà thơ Yến Lan tại TTVH An nhơn sau khi nhà thơ qua đời )
    Chị BT nên phổ biến bài viết này rộng hơn cho tuổi trẻ Bình Định và cả nước biết và hiểu nhiều hơn về Cụ Yến Lan vốn rất nổi tiếng mà chịu nhiều mất mát , thiệt thòi !
    Chúc chị và gia đình năm mới thật nhiều sức khỏe .

    Reply
  5. TT.Hiếu Thảo

    HT xin ké theo lới anh trai QA, mà chắc chị đó đã làm rồi QA ơi”Chị BT nên phổ biến bài viết này rộng hơn cho tuổi trẻ Bình Định và cả nước biết và hiểu nhiều hơn về Cụ Yến Lan vốn rất nổi tiếng mà chịu nhiều mất mát , thiệt thòi”
    HT rất cảm động… bài viết LBT

    Reply
  6. Lâm Bich Thủy

    Thân ái chào Nguyên Lương, Sơn Ca, Quế Anh, Hiếu Thảo.
    Cảm ơn các bạn đã phản hồi những lời thật chân thành. Thực tình mà nói mình ko phải nhà văn nhà thơ gì cả, vì thương cha số phận hẩm hiu cay đắng mà viết một số bài, do tình thương cha nên nhiều bài viết của mình được bạn đọc rất khen. Bài viết này đã đăng trên báo VNCA,VNTP. Sau khi đọc, có bạn đã gọi điện từ Hà Nội vào chúc mừng.. Tuy vậy số người biết về cụ cũng hạn chế vì bị các cây cao bóng cả của Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử che khuất…
    Chúc các bạn măm mới hạnh phúc, may mắn, và nhiều sức khỏe.

    Reply
  7. Sông Song

    SS chào chị Lâm Bích Thủy
    SS đã được đọc một số bài thơ của nhà thơ Yến Lan (SS và các bạn thường gọi bác Lan) và được nghe qua giọng đọc- rất thơ của Bạch Đàn (em gái chị LBT).
    Hôm ra mắt tập thơ của anh HTQ (Chiều trăm năm). Lần đầu tiên gặp chị- nghe chị đọc thơ của bác Lan- SS cảm nhận chất thơ đang luân lưu trong máu của chị (đúng là con nhà tông…). Hôm đò cũng là thời khắc của cái duyên gặp gở giữa chị với BBT Hương Xưa (Lâm Cẩm Ái-Quốc Tuyên- Nguyễn Tiết). Nhờ đó nên hôm nay SS và G/Đ HX mới được đọc một số tư liệu chị viết về bác Yến Lan.
    Cảm ơn chị và BBT HX đã cho SS mở tầm nhìn- hiểu thêm về cuộc đời của một trong TỨ HỮU BÀN THÀNH.
    Chúc chị đón Xuân nồng ấm- hạnh phúc trong niềm tự hào về Ba mình: NHÀ THƠ YẾN LAN!

    Reply
  8. Lâm Bich Thủy

    Cảm ơn Sông Song, cảm ơn Bích Vân về tấm thịnh tình đối với ba chị. Để rồi dần dần chị sẽ dẫn các em vào thăm tâm hồn thi sĩ rất mực yêu thương con người và quê hương xứ Nẫu mình.
    Chị LBT

    Reply
  9. Tuệ Minh

    Nhà thơ dã từ giả cõi đời nhưng tinh hoa họ Lâm vẫn còn bằng chứng là bài viết về Ba của mình rất súc tích.

    Reply
  10. Thu Thủy

    Người yêu thơ đinh ninh rằng tại thành cổ Đồ Bàn – Bình Định có một bến sông tên gọi là “Bến My Lăng”. Bến sông ấy, một đêm sáng trăng nọ, nàng Hằng Nga đã để ánh vàng mình rơi đầy trên mặt sách của ông lái đò đang đợi khách, khiến lòng ông buồn vời vợi đến độ mặc kệ cho gió lén vào râu ông để mơn.

    Chị Lâm Bích Thủy thân mến Bài viết về nhà thơ Yến Lan rất súc tích, và cảm động là một bài viết có giá trị rất cao trong văn học. Rất vinh hạnh được làm quen với chị, con gái nhà thơ Yến Lan mà lâu nay TT vẫn ngưỡng mộ. Ngày còn đi học khi thầy giáo bảo phải sưu tầm những câu thơ trong phong trào “Thơ mới” TT đã đọc cho thầy giáo Việt Văn nghe khổ đầu của bài thơ Bến My Lăng và đã được 19 điểm. Lúc đó TT còn gợi ý cho bạn đọc hai câu thơ
    Bến My Lăng còn lạnh bến My Lăng
    Ông lái buồn đợi khách biết bao trăng.
    Sau này khi về quê của dì TT ở Hòa Phong, buổi chiều ra ngồi trên bờ của một nhánh sông Côn TT nhìn về phía bờ bên kia,cứ băn khoăn suy nghĩ không biết chỗ nào là bến My Lăng nhỉ?
    Xin chúc chị và gia đình một năm mới an khang, hạnh phúc.

    Reply
  11. Lâm Bich Thủy

    cảm ơn Thu Thủy. Ba chị-nhà thơ Yến Lan có lẽ vì quá yêu quê nên ông đã viết đến bốn bài thơ có tựa đề là Bình Định (1935, 1945, 1947, 1975-76) Ngoài ra trong sáng tác của ông quê hương chính là niềm cảm xúc lớn nhất để ông làm thơ. Nhờ những vẫn thơ của ông đã làm sáng giá cho quê hương Bình Định. Song le, đối với ông quê hương đã không công bằng với những đóng góp mà ông đã hiếng dâng!?…
    Thân ái chúc Thuy Thủy và gia đình năm mới rất nhiều may mắn.

    Reply
  12. Quốc Tuyên

    Xin chào chị Lâm Bích Thủy đã đến HX, xin cám ơn bài viết rất súc tích của chị về thân phụ – nhà thơ Yến Lan một trong những nhà thơ nổi tiếng của đất Bình Định mà thơ của ông QT rất yêu thích từ thuở còn đi học. Rất mong chị thường xuyên ghé trang nhà giao lưu bạn bè cho vui.

    Reply
  13. lâm Bích Thủy

    Chào em Quốc Tiên
    Năm mới đến gàn rồi đó. Chúc em và gia đình HX mãi trẻ trung, khỏe và rất hạnh phúc.
    Chị đã gửi tiếp bài về nhóm thơ Tứ Hữu mà không thấy các em post. Chắc nội dung ko phù hợp chăng.
    Chị LBT

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.