Chiều Thu 1985.
Tuyết rơi trắng xóa . Bãi cỏ xanh rì phía trước Foyer đã thành bãi tuyết trắng phau. Những căn nhà mái trắng nhấp nhô sau những bông hoa tuyết.
Trong căn phòng gần 40 m2 của tôi ở Foyer Amli , gần chục thanh niên đang quây quần quanh những ly vang đỏ. Không có Paris với dòng sông Seine thơ mộng, cũng không có em tóc vàng nào của Cung Trầm Tưởng :
” Mùa Thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề…”
Chỉ là những gã con trai tha hương độc thân như tôi đang thấm thía mùa thu buốt giá đầu tiên nơi đất khách.
– Tuyết rơi đẹp quá nhỉ . – Ai đó lên tiếng.
– Ngồi đây ngắm thì đẹp, ra ngoài là biết liền.
– Đi một mình thì lạnh thật. Cứ cho tớ một em tóc vàng xem, tới đâu tớ cũng đi hết…hê…hê…
Thằng Lâm “nhiều chuyện” lên tiếng. Thằng Lâm nầy chuyện nào cũng có nó xía vô nói lung tung nên có tên vậy.
– Ngồi đó mơ đi. Không thấy thằng Lộc hả mầy ? Quen em José được mấy bữa rồi nó biến mất, giờ tương tư ngồi khóc tỉ tê đó.
Lộc là người tới trước đợt chúng tôi khoảng nửa năm trước. Anh ta ở với một cô đầm được mấy tháng , rồi không biết sao đó mà cô kia bỏ đi mất không còn dấu vết. Giờ anh ta đang thất tình, chắc lại đang mơ một em tóc nâu nào đó.
Vậy đó. Biết sao giờ ! Tuy chỉ độ vài chục người Việt ở cái Thị trấn Fameck, gần biên giới Pháp-Bỉ nầy nhưng cũng không thiếu những mối tình Việt-Pháp lãng mạn và thường không lâu bền.
– Tớ biết tớ đang ở đâu mà. Phải biết chấp nhận chứ. Cứ được lúc nào ấm lúc ấy đã. Vừa vui vẻ, ấm cúng lại còn được em dợt tiếng Tây cho nữa phải không ?
– Cái thằng nhiều chuyện nầy mà nó nói cũng có lý lắm . Ha, dzô cái đi rồi nói tiếp mới hay mầy.
– Dzô .
Cả chục cái ly cụng rốp rốp.
Thật ra, Lâm “nhiều chuyện” đã nói lên cái mơ ước của cả cái đám đực rựa nầy. Đi Pháp làm gì ? Trời ơi. Mấy em đầm tóc vàng mắt xanh tình tứ xinh như mộng, để làm chi!
– Ê, mai mầy đi Longwy làm rồi phải không ? – Thằng Tính Hố Nai quay qua hỏi tôi.
– Ừ, mai đi.
– Mầy vậy mà hay thật . Lên đó coi có việc hú anh em lên làm với nghe mầy.
– Ok .
***
5 giờ sáng, trời tối đen, tôi đã chờ sẵn trước Foyer. Vài phút sau, Toc- một anh chàng người Khmer lại đón tôi. Toc đã làm ở hãng đó được nửa năm nay. Tôi quen anh ta vào một lần anh ta lại Foyer chơi bóng bàn, anh ta kết tôi từ đó. Cũng nhờ vậy mà khi hãng của anh ta cần người làm thì anh ta gọi tôi là người đầu tiên.
– Bonjour Toc. Cava ?
– Bonjour Dieu, cava. Toi, cava ?
– Oui. Trời lạnh quá .
Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp vì tôi không biết tiếng Khmer và Toc cũng không biết tiếng Việt.
– Đi bao lâu hả Toc ?
– Giờ nầy vắng xe, chạy chừng hơn nửa tiếng à, chiều về phải mất cả tiếng.
– Cậu đi về mỗi ngày vậy à ?
– Ừ. Nhà cửa vợ con ở Fameck mà. Phải về chứ.
– Phải rồi, tớ một mình nên ở lại đó cho xong.
– Bởi vậy nên mình đi sớm là vậy đó. Lát nữa mình tới Foyer , ở đó trống lắm, hỏi là có phòng liền à. Ở đó cũng gần chỗ làm , cậu đi bộ chừng hơn mười phút là tới rồi.
Anh chàng Toc nầy dễ thương thật, giúp cho tôi mọi thứ trong lúc đầu.
Thị Trấn Fameck nằm cách biên giới Pháp-Bỉ khoảng 30 km, còn Longwy-nơi tôi đến làm việc thì nằm ngay biên giới.
Tôi đến định cư ở Pháp vào tháng 9, đến nay được khoảng ba tháng. Lúc đầu tất cả tập trung ở Créteil- Paris , ở đó trong hai tuần. Sau đó được phân chia về các tỉnh trên nước Pháp, người miền nam, kẻ miền bắc…Tại các tỉnh nầy, mỗi nơi có một chung cư dành riêng cho người tị nạn mới đến, gọi là Foyer, không chỉ có người Việt mà còn có những người tị nạn đến từ nước khác như Miên, Lào, châu Phi, Đông Âu… (thật ra foyer chỉ có nghĩa như một chung cư dành cho một loại đối tượng nào đó thuê). Tại đây, có một Giám đốc điều hành công việc. Chúng tôi được cấp phòng ở rất rộng rãi, mỗi tuần được lãnh 250 franc và tự đi mua đồ về nấu nướng ở nhà bếp của foyer, tầng nào theo tầng đó. Hàng ngày chúng tôi được học tiếng Pháp bởi hai cô giáo chia làm hai lớp. Tối thì xem TV hay rủ nhau làm mấy chai bia. Với số tiền được trợ cấp thì chúng tôi vừa ăn vừa uống cũng chỉ hết 1/2 , vật giá lúc đó còn rất rẻ. Về y tế thì ai cũng có một thẻ Sécurité Sociale (An Sinh Xã Hội), khám bệnh, nhận thuốc, nằm bệnh viện… miễn phí.
Nếu chúng tôi muốn đi làm và tìm được việc làm thì cứ việc đi làm, số tiền trợ cấp của Foyer chúng tôi vẫn được nhận vì số tiền đó giành riêng cho người tị nạn trong một năm đầu tiên. Lương một công nhân bình thường (lao động phổ thông)lúc đó vào khoảng 4000 franc/tháng. Tôi muốn đi làm vì muốn có tiền để giúp gia đình ở Việt nam. Đất nước người sao mà giàu có sung sướng thế còn nghĩ tới nước mình, thật cầm chai bia lên mà chừng như mắc nghẹn khi nhớ tới mấy hột cơm ốm nhách rán gồng vác lát mì tổ bố.
Tôi và Toc tới foyer còn sớm, chưa ai làm việc nên chúng tôi phải chờ. Toc nói với tôi lúc trước anh ta chưa có xe, cũng có ở đây vài tháng nên quen ông Giám đốc , ông nầy cũng ở ngay tại đây luôn. Như vậy nên chỉ cần ông ta thức dậy là vào nói chuyện với ổng được rồi, không phải chờ tới giờ làm việc. Khoảng bảy giờ, thì chúng tôi thấy ông mở cửa ra ngoài. Toc đến chào, ông ta có vẻ ngạc nhiên và rất vui khi gặp Toc, nhất là khi biết Toc dẫn đến cho ông một khách hàng.
Khi tôi đưa Carte de Séjour (Chứng Minh) cho ông để làm giấy thuê phòng thì ông ta trố mắt và cười to:
– Ồ, vietnamien . Người Việt à ? Tôi đã ở Việt nam trước đây, còn nhiều kỷ niệm với VN lắm. Tôi còn nhiều hình chụp kìa, anh biết Qui Nhơn không ?
Đến phiên tôi ngạc nhiên. Vậy là chắc ông nầy trước đây ở Qui nhơn ?
– Ông nhìn vào nơi sinh của tôi đi.
– Ồ. Anh sanh ở Qui nhơn à . Nhưng lúc tôi ở đó thì anh chưa ra đời. Tôi còn nhiều hình Qui Nhơn xưa lắm! Bây giờ anh sẽ nhận “cái nhà một trăm” .
Mấy chữ nầy ông ta nói bằng tiếng Việt khá rõ làm tôi thật ngạc nhiên. rồi ông ta dẫn tôi lên căn phòng số 100 ở trên lầu một. Căn phòng nầy khá nhỏ so với căn phòng ở Foyer Amli, Fameck, chỉ khoảng 10 m2. cũng không sao, một mình như vậy cũng được rồi. Những hôm sau đó tôi vẫn hay gặp ông “cái nhà một trăm” và được ông mời rượu vang.
Toc lại dẫn tôi vào hãng làm giới thiệu với xếp. Mọi việc ok và tôi bắt tay vào làm việc liền. Đây là một hãng chuyên làm thành phẩm và đóng gói các loại bánh và thịt xông khói các loại. Công việc được làm dây chuyền. Dây chuyền chạy tới đều đều và người làm bốc nửa miếng bánh để lên, người khác kế bên lại để lên miếng thịt bò , người kế bên nữa để thêm miếng phô-mai và người sau nữa sẽ úp lên nửa miếng bánh mì để hoàn tất chiếc bánh. Dây chuyền vẫn chạy và bánh sẽ được đóng bao bằng máy tự động. Những phân xưởng khác thì đóng thịt jăm-bông, bánh kem…
Công việc thì thấy chẳng có gì nặng nhọc cả, nhưng dây chuyền cứ chạy đều đều tới, nhìn riết cũng mờ mắt nên cứ hai tiếng là lại được nghỉ giải lao mười phút.
Toc làm ở một phân xưởng khác với tôi. Chiều hôm đó Toc lại đưa giùm tôi về foyer rồi mới về nhà ở Fameck. Tối hôm đó, nằm một mình nơi chốn lạ với buồn vui lẫn lộn. Vui vì có việc làm để có thể giúp gia đình nhưng ở đây thật là buồn. Đi làm thì quên chứ khi về phòng co ro một mình thật thấm thía “nỗi buồn gác trọ”. Ở Fameck còn có bạn bè đồng cảnh ngộ nên không đến nỗi. Còn ở đây đúng là “tứ cố vô thân” , trong hãng cũng chẳng có người Việt nào, chỉ có tôi và Toc là hai người Á đông còn nữa là Tây- Tây trắng, Tây đen, Tây Ma-rốc, Tây Algierie…mà phần đông là nữ, có lẽ đàn ông chê công việc nầy nên it thấy đàn ông trong hãng.
Sáng tôi dậy thật sớm, nấu cơm ăn với cá hộp rồi còn mang theo ăn trưa. Hôm nay , ca làm của tôi bắt đầu lúc 6 giờ sáng nên tôi phải đi sớm. Ngoài đường, ánh đèn chiếu qua những con đường vắng ngắt. Một lữ khách với chiếc túi trên vai, lê bước bên những hàng cây trơ trụi lá, chiếc bóng dài in trên con đường tuyết trắng…
Thỉnh thoảng một chiếc xe chạy qua, hầu như người nào cũng nhìn tôi, có lẽ họ tự hỏi trời như thế nầy sao lại có người đi bộ nhỉ ? Đến một bồn binh có nhiều ngã rẽ, tôi bị mất hướng, không biết đi đường nào. Hôm qua vì đi và về gì cũng đều do Toc chở nên dù tôi cũng đã cố nhớ đường nhưng tới đây thật nghĩ không ra nữa. Trời tối nên thật khó để nhận dạng ra cảnh vật. Tôi nhắm vào một ngã rồi đi đại. Đi một lát, tôi thấy có một cái trạm gác, những tài xế xe tải xuống trình giấy tờ . Tôi cứ tỉnh bơ đi qua, trong trạm có mấy cô gái mặc đồng phục nhìn tôi nhưng không nói gì cả(sau tôi mới biết đó là nhân viên hải quan). Rồi tôi đi vào một con phố nhỏ, quái, cái hãng làm của mình đâu nhỉ ? Tôi thật sự không biết nó ở đâu nữa, nãy giờ tôi đi cũng khá xa rồi, theo như hôm qua thì tôi nhớ qua khỏi cái bồn binh không xa lắm mà. Giờ này còn sớm quá nên không thấy ai để mà hỏi thăm. Tôi bỗng thấy một cô gái từ trong nhà đi ra và sửa lên chiếc xe đậu trước nhà. Tôi tiến lại và lên tiếng, cô gái cũng ngạc nhiên vì thấy tôi.
– Chào cô, cho tôi hỏi thăm.
– Chào anh. Anh muốn hỏi gì vậy ?
– Tôi ở xa mới đến vùng nầy để đi làm. Tôi chỉ mới bắt đầu ngày hôm qua đi với bạn tôi. Hôm nay tôi bị lạc, không tìm ra được hãng làm.
– Ồ, vậy à . Hãng anh làm tên gì vậy ?
– Hình như là Alip… gì đó . – Thật tôi cũng chưa nhớ được cái tên hãng.
– À. Tôi biết rồi . Vậy không phải ở đây đâu, ở hướng bên kia kìa.
Cô gái vừa nó vừa chỉ hướng ngược lại. Thấy tôi cũng còn ngơ ngơ, cô lại nói:
– Hay là để tôi chở dùm anh đến đó cũng được, cũng là hướng tôi đi làm.
– Ồ. Cám ơn nhiều.
Tạ ơn trời. Đời vẫn còn đáng sống!
Ngồi trên xe, chúng tôi trò chuyện. Trời ơi ! lúc đó tôi mới biết là tôi đang ở trên đất Belgique- nước Bỉ- mà tôi có biết đâu. Cái trạm gác chính là biên giới giữa hai nước Pháp-Bỉ , tôi đúng là Hai Lúa mà. Vào trong phố, tôi thấy những bảng hiệu cũng toàn tiếng Pháp nên tôi đâu có ngờ.
Cô gái Bỉ tên là Aurélie , là một cô gái thật xinh xắn, theo tôi nghĩ chắc cô chỉ khoảng hai mươi tuổi. Cô làm trong một xí nghiệp của Pháp xa hơn chỗ hãng tôi khoảng một cây số.
Aurélie chở tôi vào đến tận cổng rồi mới quay ra, thật là một cô gái dễ thương. Lúc tôi xuống xe thì Toc cũng vừa tới. Anh chàng trố mắt ngạc nhiên :
– Trời ơi. Mới đến hôm qua nay có người chở rồi. Bái phục , bái phục.
Tôi chỉ cười cười, chẳng thèm đính chánh gì cả để cho chú mầy phục lăn chơi.
Một tuần làm việc trôi qua thật nhanh, chiều thứ Sáu , tiếng chuông reo báo hiệu giờ tan sở . Mọi người ngừng tay, sửa soạn ra về với những câu chúc cuối tuần ” Bon weekend “. Ai cũng có gia đình, cuối tuần là dịp quây quần ăn uống hoặc mua sắm. Còn tôi, làm gì trong hai ngày nghỉ đây ?
Tôi lon ton quảy cái túi xách ra đường. Trời hôm nay không lạnh lắm, chỉ vào khoảng âm 3 ,4 độ. Một tuần nay tôi đã quen đường, chiều chiều đi bộ về phòng thấy cũng thích. Trời lạnh, một mình cô độc xứ người cũng buồn thật nhưng cũng có cái thú vị của nó và tôi biến nó thành niềm vui. Tôi vừa đi vừa hát nho nhỏ những bài nhạc Pháp ngày xưa mà gần đây tôi vẫn hay nghe.
” La Maritza c’est ma rivière
Comme la Seine est la tienne
Mais il n’y a que mon père
Maintenant qui s’en souvienne…”
Bỗng một tiếng “TIN ” làm tôi giật mình. Chiếc xe ngừng lại, Aurélie cười thật tươi :
– Salut . Lên không Jiu ?
– Salut Aurélie ! Quelle gentillesse !
Tôi leo lên liền. Ngu sao hổng đi, ngồi bên người đẹp tán dóc còn gì bằng trong lúc nầy.
– Aurélie có rảnh không, mình đi uống café nghe ?
– Ok. Em rảnh mà. Giờ về nhà thôi chứ có làm gì nữa đâu. – Vừa nói Aurélie vừa liếc tôi. Ôi, khổ ghê gớm !
Quán café Bohême chiều thứ sáu khá đông khách, Pháp là xứ văn hóa café, người Việt mình hay ngồi đồng ở café cũng từ đó ra thôi.
Tôi và Aurélie vào, mọi người đều nhìn chúng tôi, có lẽ vì chỉ có mình tôi là “Mít” ở đây. Nhiều khi nhờ “Lúa” mà lại trở thành ngôi sao, cái chi cũng có hai mặt mà .
Một số khách đứng ngay quầy uống café hay bia * , tôi nhìn quanh, chỉ còn một cái bàn ngay giữa quán. ” Pas de choix ” , không còn lựa chọn, tôi và Aurélie ngồi ngay đó.
Café Expresso ngon tuyệt vời, thơm nứt mũi, chúng tôi nhâm nhi từng ngụm. Aurélie móc ra gói thuốc Dunhill xanh mời tôi. Tôi cầm bỏ vào túi rồi móc trở ra, gói Dunhill xanh đã trở thành màu đỏ. Aurélie trố mắt nhìn tôi :
– Jiu làm aỏ thuật hả ?
– Đúng rồi . Mình là “magicien” đó.
– Nhưng em không hút Dunhill đỏ đâu, anh biến lại xanh cho em đi.
– Đây nè .
Tôi lại bỏ gói thuốc vào túi và móc ra, biến thành màu xanh lại cho Aurélie rồi nói :
– Aurélie nghe nhạc nhé, em thích bài gì vậy ?
Aurélie cầm list nhạc lên chọn, bài nầy nè . Tôi nhìn vào thấy là bản “Mains dans la mains “(Tay trong tay) của Christophe .
– Oh. Em cũng thích bài nầy à ?
– Oui. Em thấy nó dễ thương.
Tôi lại chiếc máy lớn đặt dưới đất,bỏ vào 50 xu rồi bấm nút.
Âm thanh nhẹ nhàng phát ra với giọng ca ấm áp quyến rũ của Christophe :
” Je t’aime et je t’aimerai toujours . Anh yêu em, yêu em mãi mãi
Mon presque premier amour Tình yêu đầu của anh
Ma tendresse , mon bonheur, ma douleur Anh sẽ trao em sự dịu dàng,
Je t’enferme aufond de mon coeur…” hạnh phúc cũng như đau buồn (của anh)
Và anh sẽ giữ em vào đáy trái tim anh.
Ồ. Ước gì mà những lời nầy được tôi dành cho Aurélie nhỉ ! Tôi ngồi nghe và hát theo Christophe, rồi Aurélie cũng tiếp với tôi. Những ông Tây sồn sồn đứng ngay quầy bar cũng hát theo , rồi dường như làn hơi ấm đã chuyền ra cả quán, mọi người đều hát vang :
– Nous serons tous deux comme des amoureux Chúng ta , như hai người tình
Nous serons si bien main dans la main Tay trong tay
Nous serons tous deux comme des amoureux Chúng ta, như đôi tình nhân
Nous serons si bien main dans la main Tay trong tay
Quand, où et comment le dire ? Khi nào, ở đâu, làm sao nói lên được
Ce grand amour qui me déchire tiếng lòng khắc khoải ?
Je t’aime et je t’aimerai toujours Anh yêu em, yêu em mãi mãi
De l’aube à la fin des jour Từ bình minh đến hơi thở cuối cùng.
Chúng tôi vừa hát vừa nhìn vào mắt nhau như thể muốn trao lời bài hát cho nhau. Những giọt café hôm nay lâng lâng chi lạ…
Aurélie vừa hát vừa nắm tay tôi rồi những người khác cũng vậy, vai kề vai, tay nắm tay cùng hát vang lừng. Hôm nay quả là một ngày hội bất ngờ của quán Bohême. Tôi thật vui với không khí ấm cúng nầy. Hầu như tôi đã quên hết-mấy cái hẹn với thằng Lâm “nhiều chuyện”, ông “cái nhà một trăm”- giờ đây không còn hiện hữu. Tôi chỉ thấy đôi mắt xanh của Aurélie đang nhìn tôi say đắm và hai bàn tay của nàng mềm mại làm sao…
Từ ngày ấy, Aurélie và tôi trở nên thân nhau. Những ngày làm , nếu trùng giờ về thì thế nào Aurélie cũng lại đưa tôi về. Mà thường chúng tôi cũng chẳng về ngay, vòng vòng café, ăn uống gì đó. Cũng nhờ Aurélie mà tôi mới biết ăn những món Tây như “Tête de veau” (Đầu bê hầm), hay món “Thỏ hầm rượu chát” rất ngon, tôi nhận thấy là hầu như những món ăn Tây khi nấu đều có rượu, không rượu vang thì cũng cognac.
Mỗi lần gặp Aurélie là tôi hỏi đủ mọi thứ về “Tây”. Aurélie tuy là người Bỉ nhưng không khác gì Tây cả, có lẽ xưa kia người Bỉ cũng gốc Tây mà ra. Nước Bỉ nhỏ xíu như một vùng (région) của Pháp. Một nửa phía nam thì nói tiếng Pháp và nửa phía Bắc thì nói tiếng Flamant- một thứ tiếng tương tự tiếng Hoà Lan(phía bắc của Bỉ là Hòa Lan).
– Tại sao người Tây ly hôn nhiều vậy nhỉ ? Bộ người Tây không thích chung thủy sao ?
– Sao lại không chung thủy ? Nhưng, quan niệm của người Tây như thế này : Hôm nay tôi yêu anh nhưng một ngày nào đó không biết tôi còn yêu anh nữa không ?
– Tại sao vậy ?
– Cuộc đời mà, chuyện gì cũng có thể xảy ra, chuyện gì cũng có thể thay đổi hết.
Aurélie, một cô gái Tây nhưng lại nói lên ý nghĩa của “vô thường”, từ đây tôi thật sự hiểu từ “vô thường” này không phải chỉ có trong Phật giáo phương Đông. Người Tây họ thực tế nên nhân sinh quan của họ cũng vậy, chẳng có gì lạ. Tuy vậy, tôi lườm Aurélie rồi vớt thêm một câu :
– Em cũng vậy phải không ? Nếu em yêu anh, em cũng nghĩ là một ngày nào sẽ không yêu nữa chứ gì ?
Aurélie cười trong ánh mắt tươi vui, pha lẫn chút nồng nàn, nghịch ngợm.
– Anh cũng phải sao đó em mới hết yêu anh chứ ! Nhưng anh ví dụ khôn quá à. Anh có yêu em đâu mà ví dụ làm gì…
Trời ơi, sao tôi hồi hộp thế này. Hít vào một hơi, tôi lấy hết can trường dũng lược tu mi nam tử ra nhìn vào mắt nàng :
– Je t’aime, Aurélie.
Một phút im lặng trôi qua. Ôi, cái phút nầy sao dài như thế kỷ vậy !
– Je t’aime aussi.
Tim tôi như nổ tung vì vui sướng . Chúng tôi siết chặt tay nhau, mắt trong mắt, môi kề môi.
Những câu hát của Christophe lại vang lên trong đầu tôi.
Mains dans la mains, chúng tôi tung tăng bước đi khi những bông tuyết bắt đầu phủ xuống ánh đèn đêm.
Tình yêu của tôi và Aurélie đến như vậy đó. Không màu mè , cũng chẳng có gì lãng mạn, tình yêu chỉ đến tự nhiên như là một việc phải đến. Anh chàng Toc lúc nầy bái phục tôi thật rồi. Hôm nay cùng ăn trưa ở cantine, Toc lại hỏi câu một câu mà anh ta đã hỏi hàng trăm lần :
– Nầy, cậu có bùa hả ? Khai thiệt đi.
– Thôi đi cha, bùa gì ?
– Cô đó đẹp như tiên thế mà cậu mới tới chẳng bao lâu thì cổ đã chết mê mệt cậu rồi. Không bùa thì làm gì có chuyện đó được.
Lúc đầu, tôi nghĩ là Toc chỉ nói chơi thôi. Nhưng nghe Toc nói nhiều lần tôi đâm nghi là Toc tin thật như vậy. Tôi nhớ là lúc còn ở VN , nhiều người đã đi Miên chuộc “bùa yêu”, có lẽ Toc tin là tôi cũng có bùa như vậy thật. Tôi cũng chẳng nói nữa, thôi kệ, anh ta muốn nghĩ sao thì nghĩ, chẳng có chi là quan trọng. Chuyện quan trọng là Aurélie hẹn tôi đi chơi cuối tuần ở Bruxelles , thủ đô của nước Bỉ. Aurélie muốn cho tôi biết Bruxelles, tuy nhỏ nhưng lại là thủ đô của châu Âu. Tôi và Aurélie vẫn thường đi đây đó vào cuối tuần, hoặc là về nhà nàng. Aurélie chỉ còn mẹ, cha của cô đã mất trong một tai nạn xe mấy năm trước, cô là con duy nhất trong gia đình.
Công việc trong hãng cũng bình thường. Tôi đã được đổi qua coi máy tự động với một tuần huấn luyện. Công việc mới của tôi có một cô phụ việc sắp xếp bao bì rất dễ thương. Cô nầy cũng trắng trẻo, xinh xắn nhưng nét mặt khác với người Pháp. Hôm đó vừa làm chúng tôi vừa nói chuyện :
– Nadine, em người gì vậy ?
Nadine trợn mắt ngạc nhiên :
– Em người Pháp chứ người gì. Sao anh hỏi kỳ vậy ?
– Vì anh nhìn em có nét khác .
– À. Em gốc Maroc. Cha mẹ em từ Maroc tới Pháp và em sinh ra trên đất Pháp.
– Ồ. Vậy à .
Lúc trước còn ở VN , tôi cứ nghĩ người Maroc đen thui chứ, châu Phi mà. Qua đây rồi mới biết người Bắc Phi là người Á-Rập, đàn ông thì hơi ngăm ngăm chút nhưng phụ nữ thì trắng bóc.
– Còn anh, anh người Tàu phải không ?
Đến phiên tôi cười. Thật cũng chẳng trách Nadine, hầu như người Pháp gặp người Việt đều nghĩ là người Tàu, trừ những người già.
– Không. Anh là người Việt nam.
– Ồ. Việt nam, em biết rồi. Em có xem phim về chiến tranh Việt nam. Nhưng anh nói tiếng gì, tiếng Tàu phải không ?
– Người Việt có tiếng Việt chứ em.
– Còn chữ viết, chắc phải là chữ Tàu hay tương tự vậy .
– Cũng không nữa. Chữ Việt có mẫu tự Alphabet như chữ Pháp vậy.
Nadine tròn xoe mắt ngạc nhiên, vì đối với cô, những nước ngoài Âu, Mỹ thì đều có chữ viết dạng ngoằn ngèo.
– Thật chứ ?
– Thật mà !
– Em xem tên anh bằng tiếng Việt đây nè. – Tôi nói tiếp vì thấy Nadine như còn vẻ nghi ngờ.
Tôi móc cái “Carte de séjour” ra đưa cho Nadine xem.
– Trời ơi ! Tên anh là “ông trời” .(tiếng Pháp, Dieu nghĩa là Trời, thượng đế)
Tôi cười ngặt nghẽo. Cái tên tôi tiếng Việt thì chẳng ra sao, nhưng qua tiếng Tây lại có giá kinh khủng. Hôm trước, Aurélie cũng đã tròn xoe mắt khi thấy tên tôi. (sau nầy về Paris ở tôi mới thấy con đường “tên tôi” nữa, “Rue Dieu”).
Tôi và Nadine làm việc chung, trò chuyện hàng ngày nên chúng tôi rất thân mật. Trưa hôm nay, chúng tôi lại ngồi cùng bàn ăn trưa ở cantine. Nadine lấy trong xách ra một hộp thức ăn, đem hâm nóng và trút ra đĩa.
– Hôm nay em mời anh ăn món nầy nha.
Tôi nhìn dĩa đồ ăn với nhiều màu sắc, xanh đỏ, vàng…bốc hơi nghi ngút thật hấp dẫn.
– Ối chào, em làm anh đói quá. Món gì mà hấp dẫn vậy em ?
– Anh thử đi nha, em nấu đấy.
Rồi Nadine múc cho tôi một phần. Cô lấy tiêu rắc lên, cả mù-tạt để chấm thịt vì biết tôi thích.
– Thịt cừu đó, em cắt cho nè.
Giời ơi, sao cô Nadine nầy dễ thương thế không biết. Hay là tại vì cái thân mồ côi nên tôi hay được người ta tội nghiệp ?
Tôi ăn thử. Thịt cừu hầm mềm , ngọt lịm và còn vừa đủ mùi vị đặc trưng của thịt cừu nhưng không quá đậm sẽ khó nuốt.
– Ngon quá, tuyệt vời luôn! Em giỏi thật. Gọi là món gì vậy em ?
Nadine cười sung sướng, đôi má đỏ hồng.
– Là món “Couscous” đó anh. Là một món của người Maroc, em học từ mẹ em đó.
Tôi thấy gồm có thịt cừu nấu với cà-rốt, đậu petit bois và một thứ hột nhỏ ăn như cơm tấm.
– Còn thứ nầy là gì vậy Nadine ?
– Thứ nầy gọi là Semoule, được làm bằng bột mì đó anh.
– Ồ, ngon ghê.
Đó chính là thứ hột ăn giống như cơm tấm nhưng thơm hơn.
Nhờ Nadine mà tôi được biết thêm một món ăn, cũng là một nét văn hóa của người Maroc. Thế giới nầy thật đa dạng !
Nadine bỗng hỏi tôi :
– Noel anh về cùng gia đình chứ ?
– Không. Anh có gia đình đâu mà về. Gia đình anh còn ở Việt nam.
-Ồ. Vậy à. Còn em thì em sẽ cùng với cha mẹ về quê ở Maroc.
Còn hai tuần lễ nữa là Noel. Trời thật lạnh, có khi âm đến hơn 10 độ. Khi tôi tan sở vào 5 giờ chiều thì trời đã tối thui. Nhiều ngôi nhà và đường phố đã giăng đèn rực rỡ đón Giáng Sinh và chắc cũng để xua tan phần nào giá lạnh đêm đông. Vùng nầy là một vùng quê tỉnh lẻ nên con người ở đây rất chất phác và thân thiện. Nhờ vậy, tôi cũng cảm thấy được an ủi trong nỗi buồn xa nhà, xa quê.
Hôm nay, vào đến sở làm thì tôi thấy hơi mệt. Cổ họng ngứa và tôi không thể kềm được tiếng ho.
– Dieu. Anh bệnh phải không ? – Nadine hỏi tôi.
– Không sao đâu Nadine à .
– Em thấy anh có vẻ mệt đó. Trời lạnh quá mà anh đi bộ nữa nên dễ bệnh lắm.
– Anh có uống thuốc cảm rồi. Không sao đâu, cảm ơn em.
Tôi cố gắng làm việc nhưng tôi thật là mệt. Nadine thấy vậy thì cố gắng phụ tôi rất nhiều. Cô hầu như làm tất cả những gì mà cô làm được để giảm bớt công việc cho tôi.
Chiều hôm đó, lúc tan sở làm tôi đi bộ ra đường như thường lệ. Nadine chạy xe tới và đề nghị chở dùm tôi về phòng trọ. Bình thường thì tôi không muốn nhưng hôm đó thật là tôi không thể từ chối đề nghị của Nadine, tôi quá mệt. Phần nữa vì Aurélie về sau tôi một tiếng nên tôi không thể chờ nàng.
Tôi hơi do dự nhưng trước lời khẩn khoản của Nadine, tôi bước lên xe cô gái dễ thương này. Ngồi lên xe rồi tôi mới cảm thấy sức lực của mình đi đâu hết, có lẽ là tôi đã rán trút hết vào ngày làm việc hôm nay rồi. Tôi gần như thiếp đi trên xe Nadine. Khi xe về đến foyer tôi ở rồi mà tôi vẫn không biết.
Nadine phải lay tôi dậy :
– Anh, anh sao vậy ?
Tôi mở mắt và thở ra mệt nhọc rồi gắng gượng bước xuống đất, người lảo đảo. Nadine đã chạy vòng qua đỡ tôi vào nhà. Cô dìu tôi từng bước lên thang lầu vào phòng. Tôi hầu như ngã bịch xuống chiếc giường nằm im ru. Nadine hốt hoảng :
– Anh, Dieu, anh có sao không vậy ?
– Anh mệt thôi. Không sao đâu .
Tôi cố gắng trả lời cho Nadine yên tâm.
– Em làm gì được cho anh bây giờ ? Hay là em đưa anh đi bác sĩ nghe.
– Chắn không cần đâu em. Để lát nữa anh uống thuốc là bớt mà.
– Nhưng anh phải ăn gì rồi mới uống thuốc được chứ . À, để em làm cho anh súp khoai tây đi nha. Em xuống xe lấy rồi lên liền, anh chờ em chút.
Chỉ một loáng sau , Nadine đã bưng vào một tô súp bột khoai tây nóng hổi. Tôi thật là mệt, chẳng muốn ăn gì hết. Nhưng Nadine đã bảo :
– Anh rán ăn đi để uống thuốc.
Tôi cũng phải cố gắng ngồi dậy ăn để Nadine vui lòng. Tôi nghĩ, nếu mà cứ thấy tôi như vậy thì chắc là Nadine không nỡ bỏ tôi một mình, nhưng cô còn phải về nhà chứ.
Tôi ăn hết tô súp nhỏ rồi uống vào hai viên Paracetamol, tôi chỉ có vậy.
– Anh đỡ rồi. Anh thật cám ơn em nhiều. Em dễ thương quá đi !
Đôi má Nadine lại ửng hồng trong ánh đèn vàng…
Sáng hôm sau, tôi không dậy nổi để đi làm. Tôi chỉ còn đành bấm interphone ( hệ thống để nói chuyện trong foyer) xuống ông “cái nhà một trăm” để nhờ ông gọi điện thoại vào trong sở báo bệnh dùm cho tôi.
Ngày hôm đó tôi nằm vùi. Toàn thân nóng sốt, tôi đã bị cảm lạnh khá nặng rồi.
Buổi chiều, tôi nằm trên giường thì có tiếng gõ cửa phòng rồi Nadine đẩy cửa bước vào.
– Trời ơi, anh sao vậy ? Người anh nóng quá !
Tôi mở mắt nhìn Nadine một cách mệt nhọc.
– Ngày nay anh có ăn uống gì không ?
– Không . – Tôi thều thào, ổ họng khô khốc.
– Nước, cho anh nước.
Nadine lấy nước cho tôi uống rồi cô hỏi :
– Em hâm sữa cho anh nghe.
Cô mở tủ lạnh, lấy ra hộp sữa tươi, rót vào một cái tô rồi bưng ra ngoài. Vài phút sau, Nadine quay lại với tô sữa nóng. Thật là tôi ngồi dậy không muốn nổi. Nadine phải đỡ tôi dậy và tôi ngồi dựa vào cô, tay tôi dở cũng hết muốn lên.
– Tội nghiệp anh ghê ! Để em cầm ly sữa cho anh uống.
Lúc đó tôi thật như một đứa trẻ, mặc cho Nadine làm sao thì làm, tôi còn sức lực gì nữa đâu.
Bỗng dưng vào lúc đó, tôi nghe một tiếng “Á” rồi tiếng chân người chạy đi.
Tôi và Nadine cùng giật mình, quay lại nhìn. Qua làn cửa hé tôi thấy một bóng người vụt xuống cầu thang, tuy không thấy rõ nhưng trực giác cho tôi biết rằng đó chính là Aurélie. Aurélie đến tìm tôi và nàng vô tình đã thấy tôi ngồi dựa vào Nadine, Nadine thì lại đang vòng tay bưng ly sữa cho tôi. Thật là oan Thị Kính mà, làm sao đây hả trời !
Thấy tôi vẫn không có vẻ gì khá hơn, Nadine không biết làm sao hơn là xuống kêu ông “cái nhà một trăm” . Ông Tây già lên thấy tôi nằm một đống, người thì nóng hầm hập, ông la bai bải :
– Trời ơi , bệnh mà không chịu đi bác sĩ. Đi liền đi. Mà bệnh nặng quá rồi, để tôi gọi ambulance mới được.
Ông ta nói là làm liền, không on đơ gì ráo trọi. Chưa tới 5 phút sau, hai cô y tá xinh như mộng xuất hiện . Hai cô đo thân nhiệt và huyết áp cho tôi rồi nói :
– Sốt quá rồi. 39,5 độ. Phải đi bệnh viện thôi.
Tôi thật không muốn vào bệnh viện chút nào nhưng đã đến nước nầy không đi cũng không được, thôi ai muốn làm gì thì làm.
Thế là hai cô y tá mang băng ca lên và khiêng tôi nhét vào xe cứu thương, trực chỉ bệnh viện.
Đã mang tiếng ở xứ Tây, cũng nên nằm bệnh viện một lần cho biết mùi với người ta. Đêm đầu tôi nằm phòng cấp cứu. Vào tới nơi là bác sĩ, y tá xúm vô làm rụp rụp khỏi cần hỏi ai. Sáng hôm sau, tôi bớt sốt nhưng vẫn còn mệt lắm, tôi được chuyển ra phòng. Phòng tôi nằm có hai giường, giường kia là một ông già. Tôi vào, mệt quá nên ăn uống không nổi, chỉ nhờ vào bình nước biển. Tới bữa ăn, tôi được dọn một khay thức ăn. gồm cả món chính và món tráng miệng cùng phô-mai, ya-ua. Tôi thì ăn không nổi còn ông già thì luôn miệng :
– Man”dê” (Manger), après cava mieux . (Ăn dzô, ăn dzô, rồi sẽ khá hơn ).
Giọng ông phát âm chữ “manger” nghe vui vui, chắc ông không phải người Pháp. Buổi chiều , gia đình ông già vào, có một bà già-chắc là vợ ông, một người con trai-chắc là con ông, hai người phụ nữ-chắc một người là dâu và một người là con gái ông, cùng hai cô gái trẻ-chắc là cháu nội, cô lớn khoảng 16 và cô nhỏ khoảng 12 tuổi. Cả gia đình quây quần bên ông già trò chuyện, tôi nghe cô gái nhỏ nói với bà nội :
– Bà, lần nầy ông bớt rồi mình đi Thionville ăn “Chinois ” nghe. ( nhà hàng Tàu)
– Được thôi con.
Trước khi cả nhà ra về, người phụ nữ có vẻ mặt hiền hậu quay qua hỏi tôi.
– Anh không có ai đến thăm sao ?
– Không. Gia đình tôi không ở đây ?
– Vậy à. Gia đình anh ở đâu ?
– Việt nam.
Cả gia đình “Ồ” lên một tiếng.
– Anh ở đây một mình ?
– Phải.
Bà già lại bên tôi, nhìn tôi rồi nói:
– Thôi , con nghỉ đi. Ngày mai chúng tôi sẽ vào thăm cả hai người, con ở đây cũng như trong gia đình chúng tôi vậy.
Tôi nghe lời bà cụ mà nước mắt ứa ra…
Hôm sau, chiều tối gia đình bà cụ lại vào, mang cho tôi sách báo các loại. Tôi được biết gia đình bà là người Pháp gốc Ý. Đúng như tôi đoán, những người kia là con trai, dâu, con gái và hai cô cháu nội. Tất cả đều rất gần gũi và tốt bụng, ai cũng hỏi han, nói chuyện với tôi, có lẽ cảm thương cho cái cảnh ly hương cô độc của tôi.
Bệnh viện ở đây, có một điều khác biệt rất lớn với bệnh viện ở Việt nam là không có ai ở lại nuôi bệnh cả. Gia đình chỉ đến thăm rồi về, mọi việc đã có y tá, điều dưỡng lo hết. Nhờ vậy mà bệnh viện không có cảnh lộn xộn, ồn ào, mất vệ sinh… vì có quá đông người nuôi bệnh.
Thái độ làm việc của bác sĩ, y tá cũng rất chuyên nghiệp, ngoài vấn đề chuyên môn ra thì họ đối xử với bệnh nhân cũng rất lịch sự, nhẹ nhàng.
Đêm hôm đó, tôi nằm nghĩ ngợi miên man. Nhớ tới gia đình ở Việt Nam, Giáng Sinh năm rồi tôi vẫn còn với gia đình, nay đã xa dịu vợi, biết khi nào gặp lại ?
Rồi tôi lại nhớ đến Aurélie. Tôi biết là nàng đã không biết tôi bị bệnh, và chỉ đến tìm tôi vào ngày cuối tuần lại là ngày bắt đầu nghỉ lễ cuối năm (sau Tết Tây mới đi làm lại). Không ngờ nàng lại thấy cảnh tôi và Nadine “thân mật” nên nàng ghen, giận và bỏ đi. Nadine thì hôm nay chắc đã đi cùng cha mẹ về bên xứ Maroc rồi, chúc cho cô có một Giáng Sinh ấm áp cùng gia đình, người bạn dễ thương của tôi !
Tôi nằm mơ màng, nhớ Aurélie ghê gớm . Chỉ có mấy ngày không gặp nhau mà sao tôi thấy dài đăng đẳng. Giờ đây, tôi chỉ ước mơ được có nàng bên cạnh là niềm hạnh phúc của tôi trong mùa Giáng Sinh rồi. Tôi đang mơ màng thì bỗng dưng nghe một tiếng “bịch” khá lớn. Tôi giật mình nhìn qua và hoảng hồn thấy ông già đang nằm dưới đất, có lẽ ông đã bị té. Đêm nay ông mệt hay sao ấy. Từ lúc nãy tôi đã thấy ông hết xuống ghế ngồi rồi lại lên giường, ông có vẻ vật vã lắm. Tôi vội vàng bấm nút ngay đầu giường gọi y tá. Cô y tá đến và gọi thêm người đưa ông đi liền, có lẽ lên phòng cấp cứu.
Ngày hôm sau, khi thức dậy trong phòng chỉ còn mình tôi. Tôi nhớ lại, không biết ông cụ giờ ra sao rồi ?
Chiều tối hôm đó, sau giờ ăn tối, cả gia đình bà cụ lại đến phòng thăm tôi dù là ông cụ không còn ở đó. Gia đình nói cảm ơn tôi vì đã kịp thời gọi y tá, nhờ cấp cứu kịp thời nên tình trạng ông cụ đã khá hơn sau cơn choáng tim đêm trước. Bà cụ ôm tôi và gọi tôi là ” Mon fils ” (Con trai của tôi) làm cho tôi cảm thấy thật xúc động.
Hôm nay đã là ngày 24. Đêm nay, mọi người nơi nơi sẽ mừng ngày chúa Giáng Sinh trong an lành. Ai cũng sẽ nhận được món quà Giáng Sinh từ bạn bè, người thân…với những lời chúc tốt đẹp nhất.
Tôi mơ màng thấy ông già Noel với bộ đồ đỏ nổi bật trên nền tuyết trắng, đang ngồi trên xe do hai con tuần lộc kéo. Ông dừng lại ở mỗi nhà và thoăn thoắt leo lên nóc, tới chỗ ống khói rồi biến mất. Một phút sau, ông lại trở ra, lên xe và đi đến nhà có trẻ con gần đó. Ồ, tôi cũng mong được ông già Noel ghé thăm một lần trong đời. Từ nhỏ đến giờ, tôi nào đã được ông đến thăm bao giờ. Tôi thấy chiếc xe của ông chạy đến ngay trước phòng tôi. Ông già Saint Claus với chiếc nón đỏ và bộ râu bạc bước xuống trong nụ cười hiền hòa và lại có vẻ như giễu cợt tôi nữa. Ông trao cho tôi một gói quà thật to rồi cũng với nụ cười tinh quái giành cho tôi ông phóng lên chiếc xe tuần lộc, biến mất vào làn tuyết trắng.
Tôi ôm gói quà rồi vội vàng mở ra. Trời ơi ! Aurélie đang nhìn tôi mỉm cười.
– Jiu !
Tôi mở mắt . Cảnh vật mơ mơ thật thật.
Aurélie đang ngồi bên cạnh tôi. Tôi chụp lên tay nàng. Đúng là Aurélie bằng xương bằng thịt của tôi thật mà, ông già Noel đã mang nàng lại cho tôi ?
Tôi đưa hai tay lên ra dấu và Aurélie đỡ tôi ngồi dậy. Chúng tôi ôm nhau thật chặt như chưa bao giờ được gần nhau vậy.
– Sao em biết anh ở đây ?
– Em…giận anh, nhưng rất nhớ anh nên em đến tìm Foyer tìm anh. Không thấy anh nhưng lại được ông Giám đốc cho biết là anh bị bệnh nặng. Cô bạn làm chung đã lại thăm và đưa anh đi bệnh viện. Em xin lỗi anh…Em cứ ngỡ…
– Em hiểu là được rồi. Anh rất vui đó. Nhưng em có quà cho anh không nè ?
– Anh ơi, em không có quà cho anh vì…vì…
– Vì giận anh chứ gì ! Không sao, anh có người khác tặng quà rồi.
– Ai , ai tặng quà anh vậy ?
Aurélie nhìn tôi, vẻ mặt thắc mắc pha lẫn nghi ngờ.
– Em biết ai không ? Ông già Noel đấy. Ông vừa tặng anh một món quà thật vô giá đó.
– Quà gì vậy anh ?
– Là em đó, em yêu .
Aurélie mắt long lanh vui sướng, nồng nàn áp mặt vào tôi.
Ngoài trời tuyết lại rơi…{jcomments on}
Tôi mơ màng thấy ông già Noel với bộ đồ đỏ nổi bật trên nền tuyết trắng, đang ngồi trên xe do hai con tuần lộc kéo. Ông dừng lại ở mỗi nhà và thoăn thoắt leo lên nóc, tới chỗ ống khói rồi biến mất. Một phút sau, ông lại trở ra, lên xe và đi đến nhà có trẻ con gần đó. Ồ, tôi cũng mong được ông già Noel ghé thăm một lần trong đời. Từ nhỏ đến giờ, tôi nào đã được ông đến thăm bao giờ. Tôi thấy chiếc xe của ông chạy đến ngay trước phòng tôi. Ông già Saint Claus với chiếc nón đỏ và bộ râu bạc bước xuống trong nụ cười hiền hòa và lại có vẻ như giễu cợt tôi nữa. Ông trao cho tôi một gói quà thật to rồi cũng với nụ cười tinh quái giành cho tôi ông phóng lên chiếc xe tuần lộc, biến mất vào làn tuyết trắng.
Cám ơn ông già Noel đã biến giấc mơ thành sự thật.
Chuyện của Diêu lúc nào cũng ly kỳ hấp dẫn. Người đọc nín thở luôn đó. may sao chuyện lại có hậu.
Cảm ơn Diêu nhe.
Cảm ơn Thu Thủy. Khá bận rộn nhưng nhìn lại còn mấy ngày nữa là Noel nên D. viết cấp tốc để kịp Noel, có nhiều chỗ đúng ra còn phải sửa lại.
Chúc Thu Thủy và gia đình Giáng Sinh an lành.
Chào Nguyễn Đức Diêu . Truyện MÓN QUÀ ĐÊM NOEL khá dài nhưng tôi vẫn đọc đến ” ….biến mất vào làn tuyết trắng ” . Mới thấy Ông đúng là có số đào hoa như chàng Toc đã khâm phục và nghĩ là có bùa . Còn mình khâm phục bạn vì Tài Hoa và tự tin của bạn nên thành công trong tình trường và sự nghiệp là tất yếu .Chúc bạn tiếp tục gặt haí và dzui dzẻ nhận quà Giáng Sinh .
Chào Đinh Văn Quế.
Chỉ đào hoa trong truyện thôi ĐVQ ơi!
Cảm ơn đã đọc và khích lệ nhé.
Chúc ĐVQ và gia đình Giáng Sinh an lành.
Đúng là món quà vô giá trong đêm Noel. Thật ấm áp, hạnh phúc.
Cám ơn Kiều Thanh, chúc KT cùng gia đình Giáng Sinh an bình, hạnh phúc.
Chuyện kể hay lắm Nguyễn Đức Diêu và bạn đúng là có số đào hoa đó nghen, 😆 .
Chào HMV, chỉ đào hoa …ảo trong truyện thôi HMV ơi.
Chúc Huỳnh Mộng Vân một Giáng Sinh an lành nghe.
Truyện có mấy câu thơ dịch hay quá Thảo thích hgê nơi… Phần truyện chưa đọc đựợc vì bận quá…. mai mốt coi lại…
Chúc vui
Cảm ơn TT Hiếu Thảo. Merry Xmas !
BV thấy hình như NĐD đau hay bị sự cố là luôn có bóng hồng thấp thoáng bên cạnh giúp đỡ, đúng không ?
Chuyện gì cũng phải có âm- dương mà BV, có vậy mới sống được tới giờ BV ơi.
Chúc Noel vui vẻ .
Viết như thật, hay lắm!
Chúc Tín Giáng Sinh an lành nghe.
Một câu chuyện tình nồng nàn!Hay lắm, Nguyễn Đức Diêu!
Cảm ơn anh TKQ, chúc anh Noel vui nhiều.
Một câu chuyện tình thật đẹp
Cám ơn MC. Chúc MC Giáng Sinh an lành.
Trời ơi, viết truyện gì kỳ vậy ta ? làm người ta phải đọc cho bằng hết mới thôi . Cái người tên DIEU ( ông Trời ) ấy thật sung sướng có chuyện tình lãng mạn đẹp như chuyện phim .
Chúc mừng tác giả có ” Món Quà Đêm Giáng Sinh ” tuyệt vời .
MÓN QUÀ ĐÊM GIÁNG SINH quá tuyệt đó nha “ông trời” Hì..hì…Chúc GS an lành và ấm áp !
Cảm ơn Meocon, chúc MC cũng vậy nha.
Cảm ơn Lâm Cẩm Ái. Chúc Giáng Sinh an lành.
Ước gì Giáng Sinh ai cũng có món quà tuyệt vời như mong ước nhưng mà đâu phải ai cũng may mắn như NDD hè, chúc Diêu và gia đình một Giáng Sinh an lành – hạnh phúc.
Cảm ơn chị QT, Noel vui nhiều chị nhé !
Người lắm tài nên đào hoa là đúng rồi.Truyện viết dễ thương và ấm áp quá làm NT cũng ước được ông già Noel tặng một món quà ! 😛
Chúc Diêu và gia đình một mùa Giáng Sinh an lành và hạnh phúc.
Câm ơn nguyentiet , chúc cô giáo “cầu được ước thấy” nha.
Câu chuyện tình rất nồng nàn và kết thúc hậu hỉ, Nguyễn Đức Diêu viết lôi cuốn & hấp dẫn quá, chúc Diêu một mùa Giáng Sinh an lành và năm mới 2014 hạnh phúc nhé.
Cảm ơn chị HOÀNG KIM CHI , em cũng xin chúc chị năm mới an lành !
Chúc mừng Jiu…
Ông Già Noel đã đem Aurélie – món quà Giáng Sinh – đến cho Jiu. Chúc mừng… chúc mừng… !
Hồi nhỏ tui cũng từng mơ được Ông Già Noel chun xuống ống khói tặng quà cho mình. Món qua mà tui thích nhất là đôi giày Bata để đánh (tui mê đá banh lắm mà).
Và qua bao mùa Noel tôi vẫn mơ vẫn ước nhưng chẳng thấy giày đâu, sốt ruột quá tôi mới viết lá thư ngắn với mấy chữ “Ông Già Noel ơi… Con ước có đôi giày Bata để đá banh” rồi đặt thư lên ống khói bằng tole trên nóc nhà bếp gởi cho ổng. Rồi tôi sốt ruột chờ chờ đợi đợi…
Thế rồi, vào Nửa Đêm Giáng Sinh năm nọ ước mơ của tôi đã thành sự thật – tôi có đôi giày Bata đá banh.
Mãi thật lâu về sau tôi mới biết Ông Già Noel đó… chính là Ba tôi.
Xin viết lại cho đúng:
“Món qua mà tui thích nhất là đôi giày Bata để đá banh (tui mê đá banh lắm mà).”