Tình Nồng

Tôi lớn lên tại một thành phố nhỏ. Mùa xuân hoa đào nở trong nắng dịu-dàng. Mùa hạ hàng phượng đỏ gọi lũ ve sầu trở về.

Nhà tôi ở bên sườn dốc. Những biệt-thự bên cạnh không có ai trạc tuổi tôi ngoại trừ cô Jeannette Tuyết-Mai. Jeannette tóc ngắn và có hàm răng sún. Cô ta nuôi một con chó bẹc-dê dữ khủng-khiếp. Nó đã từng cắn người. Nhiều nạn-nhân phải mang vào nhà thương mà không được bồi-thường gì cả.

Gia-đình Jeannette thích phô-trương và ồn-ào. Tôi đã nghe nàng mắng người tài-xế chỉ vì ông này tới đón nàng trễ vài phút. Mẹ tôi bảo trên đời có những người giầu mà không sang, những người có tiền mà thiếu đức. Bà không muốn tôi như vậy. Mẹ tôi không có ý nói về những gia-đình xung-quanh nhưng điều này vẫn đúng với cha mẹ nàng.

Năm đó tôi mười tám tuổi. Trong số bạn bè của tôi, mẹ thích Thành hơn cả. Tôi chơi với Thành từ nhỏ. Anh là con ông thầy cũ của tôi. Thành có cô em gái học dưới tôi hai lớp tên là Minh. Minh đẹp và đoan-trang nên những lúc gần đây nhiều người làm thân với Thành. Thành hay tới chơi với tôi. Đôi khi Minh theo anh đến. Mẹ tôi có thể nói chuyện với Minh hàng giờ không chán. Có lần bà ao-ước:

– Giá trời cho bác một đứa con gái như con thì thích biết mấy.

Minh cười để lộ hai má lúm đồng tiền duyên-dáng. Nàng trả lời:

– Thưa bác, nếu con không phải là con của ba mẹ con thì con mơ được làm con gái bác.

Mẹ hài-lòng lắm. Bà yêu Minh đến nỗi một lần bà chị họ của tôi đến thăm. Minh khen cái áo len của chị đẹp. Khi chị vừa về, bà gọi anh tài-xế đánh xe đi trại Hầm đón người tới đo kích-thước đan cái áo giống vậy cho Minh.

Gần đây Thành năng lui tới với tôi hơn. Nó thường rủ Minh tới thăm mẹ để chúng tôi có dịp ra khỏi nhà. Nó mê cô Jeannette Tuyết-Mai. Tình yêu là điều không thể giải-thích được. Mỗi lần nghĩ đến khi lớn lên Jeannette đánh bạc giống mẹ nàng, lăng-nhăng như cha nàng, tôi lại xót-xa thương bạn. Những lúc Thành nói hươu, nói vượn với cô gái nhà giầu, tôi thường im-lặng và chỉ trả lời khi được hỏi tới.

Một lần Jeannette nói chạm tới Thành, tôi cự nàng một trận nên thân. Cô bé rưng rưng nước mắt. Tôi bỏ về. Thành ở lại an-ủi người tình của nó. Rồi nó năn-nỉ tôi sang xin lỗi nàng. Tôi chiều ý bạn mà trong lòng càng ghét Jeannette. Một hôm, cô ta tặng tôi đóa hoa hồng. Cô nói với tôi bằng tiếng Pháp. Tôi bảo nếu cô là đầm con thì nên tặng hoa cho mấy chú tây nhỏ trong trường, đừng tặng tôi làm gì. Còn như cô muốn tôi sang chơi thì phải tốt với Thành và nói tiếng Việt. Jeannette nghẹn-ngào xin lỗi.

Câu chuyện chỉ có vậy mà Thành lại kể cho bố tôi. Bố nghiêm mặt bảo đàn bà dù xấu hay đẹp, dữ hay hiền, béo hay gầy thì họ vẫn là đàn bà; ta phải kính-trọng họ, phải dịu-dàng với họ nếu không thì cũng chẳng nên cãi nhau với họ. Bố ơi, nếu con phải gần những người như Jeannette thì chỉ có cách con vừa câm, vừa điếc, vừa mù, vừa điên mới làm bố hài lòng được.

Ông trời chiều lòng không cho tôi có nhiều dịp gặp Jeannette nữa. Cô đầm Jeannette thú-nhận với Thành cô yêu tôi, cô không thể sống thiếu tôi được. Jeannette giết người! Cô giết tôi! Năm ấy cô mới 16 tuổi. Thành thất-tình bỏ về Saigòn học thi tú-tài. Sau này Jeannette có  một đời chồng Việt. Rồi cô sang Pháp lấy thêm một ông Tây già.

Gặp lại nàng ở London trong lần tôi sang Âu-Châu, cô nói tiếng Việt rất rành-rẽ. Jeannette Tuyết-Mai đi giầy nên cao hơn tôi cả hai đốt ngón tay. Tuyết-Mai không son phấn. Cô đẹp thanh-thoát. Chỗ răng gẫy đã mọc chiếc khác thật duyên-dáng. Chúng tôi trao-đổi những lời thăm hỏi. Tôi xin lỗi nàng về những thiên-kiến khi còn nhỏ. Tuyết-Mai xúc-động cầm tay tôi. Nàng khóc.

Giờ phút này tôi không sợ viên đạn của ông tây, tôi cũng không bị mê-hoặc bởi cái sắc đẹp khả-ái của nàng. Tôi để yên tay cho nàng nắm, lòng tràn-ngập niềm thương-cảm.

– Jeannette…

Nàng khẽ nói:

– Gọi em là Tuyết-Mai.

Tôi ngậm-ngùi:

– Tuyết-Mai, anh ân-hận đã không tốt với em.

Nàng lắc đầu:

– Anh lại nói nữa! Em không bao giờ trách anh. Không bao giờ!

Tôi nghĩ đến nàng suốt quãng đường bay về Mỹ. Tuyết-Mai không như tôi tưởng. Nàng dịu-dàng và đầm-ấm. Tự nhiên tôi cảm thấy thật gần-gũi với người bạn láng giềng cũ.

Tôi nhớ lại những ngày Thành bỏ về Sàigòn. Jeannette ngóng tôi ra khỏi nhà để nói chuyện. Tôi không ra. Lúc đó tôi đang buồn-bực cho cuộc tình của chính mình. Số là tôi có một người bạn cùng lớp tên Nghiêm. Nó hát hay lại là cầu thủ đá bóng gạo cội của trường. Tôi thì chỉ nổi tiếng về bóng bàn nhưng mỗi lần vào chung-kết tôi thường thua nó. Nghiêm còn học giỏi, đẹp trai. Một hôm nó ngỏ ý nhờ tôi một việc. Tôi nhận lời ngay dù chưa biết bạn cần gì. Sự mau-mắn đó đã mang lại cho tôi nỗi đau-khổ tưởng như không bao giờ phai-nhạt được. Nghiêm muốn tôi đưa thư cho Minh. Tôi đã hứa nên phải giữ lời. Đêm đó, tôi thức cho tới sáng. Ngày thứ bẩy, tôi tới nhà người thầy cũ. Ông hỏi tại sao lâu nay không tới chơi. Thấy vẻ mặt buồn-bã của tôi, ông hỏi:

– Có chuyện gì vậy?

Tôi không thể thú-nhận được việc tôi yêu con gái của ông. Tôi ngồi uống trà với ông suốt buổi sáng.

Bỗng thầy gật-gù:

– Cụ Đồng, cụ Đại gặp con có vài lần ở đây mà cứ nhắc tới con luôn. Các cụ nghe con luận về nghệ-thuật gọt thủy-tiên, chơi phong-lan rồi nghiền-ngẫm những lời con nói. Cụ Đồng dặn khi nào con tới thì báo cho biết. Cụ có một số điều muốn tham-khảo với con.

Tôi thất-tình nên nguội lạnh cái thú chơi hoa. Phong-lan của bố gần tuần nay tôi không động tới. Nếu anh tài-xế không tưới thay thì có cụm héo rồi. Tôi không còn thích đọc sách, đánh bóng bàn. Tôi sắp mất Minh. Bây giờ, tôi mới biết tôi yêu Minh. Yêu tha-thiết. Yêu điên-cuồng. Tôi chỉ còn chút hy-vọng mong-manh là Minh từ-chối Nghiêm. Chuyện đó gần như không thể xẩy ra được vì so-sánh với Nghiêm, tôi chỉ là một bóng mờ.

Thầy lại hỏi;

– Con nghĩ gì mà không trả lời thầy? Thầy cho Minh mời cụ Đồng tới nhé.

Tôi dấu tiếng thở dài:

– Thưa thầy, để con xin thân-phụ con nói chuyện với cụ ấy. Kiến-thức và kinh-nghiệm con nông-cạn. Điều gì con biết hoặc học lỏm của người khác thì đã nói hết rồi.

Thầy phàn-nàn:

– Con lúc nào cũng thận-trọng. Không phải chỉ có cụ ấy thích nghe con nói mà chính thầy cũng muốn nghe. Mấy cụ đều nói rằng người khác luận về hoa thì chỉ có phần kỹ-thuật tưới, bón, tỉa hời-hợt bên ngoài, còn con luận về hoa thì ngoài phần kỹ-thuật mà người ta muốn biết còn phát-huy được cái đạo yêu hoa của người tài-tử. Con đừng khiêm-tốn quá mà phụ cái chí tình của những người hâm-mộ con.

Tôi từ-chối khéo:

– Nếu thầy dậy thì con xin vâng nhưng để hôm khác vậy. Hôm nay con phải về sớm vì có chút việc bận. Thầy cho con nói chuyện với Minh một chút được không ạ?

Giọng thầy tôi trầm xuống thân-mật. Đôi mắt thầy chan-chứa tình-cảm. Tôi muốn giữ mãi lòng thương yêu của thầy làm lửa ấm cho mai sau.

– Coi đây như nhà của con. Con không phải xin phép thầy mới được nói chuyện với Minh. Em nó có lẽ đang học ngoài hiên sau. Dạo này thằng Thành đi rồi, con lại không tới. Các con có điều gì bất-đồng mà đứa nào cũng có vẻ buồn cả. Nếu ba đứa con không tự giải-quyết với nhau được thì cho thầy biết.

– Thưa thầy không có điều gì cả

Tôi bước tới gần Minh. Nàng đang chống tay trên cằm, mắt nhìn về phía xa. Lòng nôn-nao, tôi gọi nhỏ:

– Minh!

Minh quay lại;

– Anh đó ư?

Chúng tôi nói chuyện một lúc. Tôi chưa đưa thư của Nghiêm cho nàng mà sao cả hai chúng tôi đều không tự-nhiên. Tôi hỏi thăm về Thành, nàng thở dài:

– Anh Thành …

– Chuyện gì vậy Minh?

Minh kể:

– Anh Thành tâm-sự với anh Nghiêm dưới gốc cây kia. Em ở đây thoáng nghe được một phần. Tội-nghiệp cho anh của của em quá. Em cũng không ngờ anh đào-hoa đến thế.

Tôi trả lời:

– Anh khổ-sở không kém Thành. Minh biết thế không?

Minh cười buồn:

– Làm sao em biết được. Anh có bao giờ thèm nói gì với Minh đâu. Anh Nghiêm thì khác..

Tôi cố điềm-tĩnh khi nghe Minh nhắc tới Nghiêm. Tôi đã ghen. Tuy nhiên, tôi còn giữ được cái phong-thái của mình.

– Anh biết Nghiêm sẽ làm bất cứ điều gì em muốn vì Nghiêm là… bạn tốt của anh Thành. Anh xin lỗi Minh vì đã không làm hơn được. Nghiêm có nhiều ưu-điểm mà những người như anh dù cố-gắng cũng không bao giờ theo kịp.

Minh nghẹn-ngào:

– Tại sao …tại sao anh lại mang anh Nghiêm so-sánh với anh? Anh phải biết rằng anh là người rất đặc biệt với … ba, với anh Thành và cả với em nữa.

Tôi gượng cười. Sự sôi-nổi không còn nữa. Đây là những phút cuối tôi nói chuyện với Minh trước khi nàng là của Nghiêm. Rồi mai tôi cũng đi như Thành. Những bài thi cuối năm đã xong. Bố mẹ tôi đã sửa-soạn về Sàigòn cho gần con cái. Tôi không thể hèn đến nỗi hứa với Nghiêm một đằng rồi làm một đằng khác. Tôi rút lá thư trong túi ra.

– Minh có thư cho em.

Minh ngước lên. Mắt nàng thật đẹp.

– Tại sao phải viết thư, anh không nói với em được sao?

– Không, anh không thể nói được. Em chỉ nên coi thư khi anh đã về. Nếu không đồng-ý thì đừng mách thầy, được không?

Minh dịu-dàng:

– Anh yên-tâm. Em không nói gì với ba đâu.

Tôi nhìn Minh thêm một lần. Nàng cũng nhìn tôi. Nắng chiều vàng đầy sân. Có tiếng chim gáy trong chùm cây. Mùa hè sắp đến. Minh ơi, anh sẽ mãi mãi xa em.

Tôi trở lại trường những ngày còn lại. Nghiêm sốt ruột vì Minh chưa trả lời nên thỉnh-thoảng nó lại hỏi tôi. Hai ngày sau nó chất-vấn:

– Này, tại sao Minh nó không trả lời thư tao. Hay mày không đưa thư cho nó?

Tôi lắc đầu:

– Cậu nên cẩn-thận lời nói.

Nghiêm nói với giọng tự-tin:

– Mày thích nó nên không chuyển thư cho tao phải không? Chưa một đứa con gái nào trong trường này không trả lời thư tao cả.

Trời ơi, có thể nó chỉ muốn chinh-phục Minh chứ không chắc đã yêu-thương nàng. Lúc nào nó cũng chỉ nghĩ tới mình. Tôi đã lầm-lẫn. Bây giờ tôi phải làm gì đây?

Tôi bảo nó:

– Mày đừng liên-lạc với Minh được không?

Nghiêm nổi giận;

– Cháy nhà ra mặt chuột. Mày là thằng hèn giả vờ tốt với bạn. Trả lại thư tao đây.

Tôi lạnh-lùng:
– Tao đã đưa thư. Từ nay chúng ta không còn là bạn bè. Nếu mày yêu Minh thực-tình thì cứ tiến tới. Nếu mày không tốt với Minh tao sẽ không tha cho mày.

Cạnh trường có hai tay anh chị khét tiếng khắp tỉnh. Một anh đánh người chết ngất bên bờ hồ. Anh kia từng đâm địch thủ nhiều dao. Họ có một người em. Tôi thường chỉ bài vở cho cậu này nên họ quý tôi lắm. Nghiêm rõ điều đó nên có lẽ nó không dám làm gì tai-hại cho Minh. Thật ra, tôi không ưa những chuyện đấm đá. Tôi chỉ dọa Nghiêm.

Tôi bắt gặp Nghiêm nói chuyện với Minh ngoài cửa lớp của nàng. Chưa hết, ngày hôm sau vào buổi sáng sớm, tôi tình-cờ thấy Minh mở cuốn vở đưa lá thư cho Nghiêm tại góc trường. Thế là xong, việc Minh từ-chối Nghiêm chỉ là ảo-tưởng.

Tôi rời trường. Qua nhà cô Jeannette Tuyết-Mai thấy có một bông hồng nhung nở chĩa ra ngoài, tôi ngắt đóa hoa. Cũng như hàng triệu những đứa con trai mới lớn, tôi biết làm thơ tình. Cầm bông hồng trên trên tay, tôi nhắm mắt đưa lên miệng:

Ta hôn một nụ hồng,

Môi đau tình đã lỡ …

Câu thơ của cậu học trò thất-tình như một lời tiên-tri. Tôi chưa dứt ý-nghĩ thì một con ong trong đóa hoa bay ra chích ngay vào môi đau nhói. Tôi buông cành hoa bước về nhà. Jeannette! Jeannette! Cả cái bông hoa vườn nhà cô cũng biết hại tôi!

Bà bếp lấy mật ong cho tôi bôi vào môi. Bà bảo chỉ ba hay bốn ngày sau là khỏi hẳn. Tôi ngồi dưới gốc cây nhìn lên trời. Những giải mây trắng lênh-đênh trong ngày đầu tháng hạ. Lũ ve sầu rền-rĩ trong chiều tắt gió. Tôi ngủ thiếp giữa cơn muộn phiền…

Tôi gặp lại Minh dưới cây thông già. Nàng ngồi một mình. Mắt Minh nhòa lệ. Nàng trách tôi không tới thăm nàng. Tôi cầm tay nàng xin lỗi. Chúng tôi ngồi bên nhau nói chuyện. Đột nhiên, Minh ôm tôi. Chuyện lạ-lùng không thể tưởng đã xẩy ra, nàng hôn tôi … Nhưng hình như có cái gì không bình-thường. Nàng liếm môi tôi… Mồm nàng hôi không thể tưởng …Tôi mở mắt. Trời ơi, không phải Minh mà là con chó bẹc-dê của cô đầm Jeannette. Con vật đã nhả miếng xương để liếm mật ong trên môi gã thất-tình.

Cô đầm Jeannette nuôi chó hại người! Nếu con Kiki biến thành chó dại thì tôi sẽ mắc bệnh … Chắc tôi phải trích thuốc ngừa …Người ta bảo bác-sĩ chích thuốc vào bụng đau lắm … Chưa hết, nếu đến nhà thương mà không có vết chó cắn thì tôi phải khai làm sao với người ta? Chuyện chó liếm môi trong cái tỉnh nhỏ này sẽ làm mọi người cười đến chết … Còn không chích thuốc ngừa thì tôi sẽ mắc bệnh chó dại, sẽ tìm chỗ tối để ẩn-náu. Tưởng-tượng đến cái cảnh nằm trong gậm giường mồm gừ-gừ khiến tôi bực-tức. Jeannette, cô đã làm tôi khổ-sở! cô đã mang tai-họa đến đời tôi! Kiếp này, kiếp sau, kiếp sau nừa tôi không bao giờ muốn nhìn thấy cô.

Lòng thương nhớ Minh không hề nguôi-ngoai cho đến khi tôi lập gia-đình. Vợ tôi là người dịu-dàng, đảm-đang, chiều-chuộng chồng.

Tôi gặp lại Minh. Nàng theo chồng về tiểu-bang Pennsylvania tại Mỹ. Anh chồng gặp Minh trong lần tham-dự cuộc hội-thảo kỹ-thuật. Nàng là một trong các thuyết-trình viên. Vì cuộc hội-thảo có tới hàng ngàn người tham-dự nên mỗi đề-tài được trình-bầy nhiều lần. Ai thích đề-tài nào thì dự đề-tài đó. Ngày nào anh chàng cũng tham-dự khóa của Minh. Buổi trưa, buổi chiều hai người đưa nhau đi ăn. Cuối cuộc hội-thảo anh chàng ngỏ lời cầu hôn. Minh bằng lòng vì không thể sống tới già một mình với những kỷ-niệm quá-khứ.

Công-ty mà tôi làm việc cách sở của Minh gần mười phút xe. Mỗi tuần chúng tôi rủ nhau đi ăn trưa. Chúng tôi thường ngậm-ngùi nhớ lại những ngày xa-xưa. Minh không hề yêu Nghiêm. Minh yêu tôi. Cái thư đưa cho Nghiêm ở góc trường chỉ là cái thư trả lại. Lúc đó, nàng nghĩ giữa Tuyết-Mai và tôi có sự gắn-bó nên chỉ âm-thầm buồn-bã. Sự ngộ-nhận đã làm cả hai chúng tôi đau-khổ một thời-gian dài.

Mấy ngày nay Minh bận. Nàng và chồng dự-trù đi nghỉ hè tại Florida hai tuần. Buổi trưa, ngồi dưới gốc cây sồi tôi nôn-nao nghĩ tới nàng. Minh không chỉ là người tôi yêu mà nàng còn là đời sống của tôi. Một ngày nào, tôi phải nói với nàng điều này.

Minh thu-xếp công-việc xong đúng như dự-định thì chồng nàng lại bị kẹt thình-lình. Anh chồng khờ bảo vợ đi trước với con, còn mình sẽ đi sau vài hôm. Đêm đó, nàng gọi dây nói cho tôi. Chúng tôi nói chuyện với nhau hơn hai tiếng đồng hồ. Trưa hôm sau, Minh lại gọi tôi tại sở. Nhớ tôi, nàng than ngày Florida quá dài. Tôi không chịu được nên lấy vé cấp-tốc đi Orlando. Khi tôi tới khách-sạn, đứa con đã ngủ. Cửa vừa mở, Minh ôm lấy tôi.

Tôi bảo nàng:

– Từ lúc em đi, anh luôn nghĩ tới em.

Minh nồng-nàn:

– Em yêu anh… Em không thể nào thiếu anh được. Anh biết thế không?

Tôi vuốt tóc nàng;

– Anh cũng yêu em. Em là đời sống của anh.

Tôi hôn Minh. Môi nàng mềm và thơm. Đêm đó tôi ở lại khách-sạn với nàng. Tới đây, một số người có thể kết-án chúng tôi vô-luân. Họ không hiểu được cái tình nồng của những kẻ thực-sự yêu nhau. Minh yêu tôi. Tôi yêu Minh. Chúng tôi nhất định phải sống mãi bên nhau. Ngày xưa, mẹ tôi chả ao-ước Minh là con bà hay sao? Ngay cả ba của nàng, người thấy cũ khả-kính của tôi, cũng không ngăn-trở chúng tôi. Thế thì tại sao chúng tôi phải sợ búa rìu dư-luận?

Có điều tôi chưa nói thêm về người chồng của nàng, cái anh chàng đần-độn dám để vợ đưa con nhỏ đi xa một mình, anh chàng đó chính là…tôi.{jcomments on}

 

0 thoughts on “Tình Nồng

  1. Nguyên Lương

    Anh Thiên Tường,
    Anh có lối viết truyện vừa nghiêm túc, vừa buồn cười, vừa tự nhiên và cũng rất là vừa… vặn. Một câu chuyện đẹp, đẹp như một bài thơ, có đầu có kết, có vui, có buồn, và có cả ghen, hờn, giận lẫy nữa. Đang đọc một cách chăm chú, say sưa vì tình tiết rất ư là lãng mạng, nhưng đến đoạn:
    “…Tôi gặp lại Minh dưới cây thông già. Nàng ngồi một mình. Mắt Minh nhòa lệ. Nàng trách tôi không tới thăm nàng. Tôi cầm tay nàng xin lỗi. Chúng tôi ngồi bên nhau nói chuyện. Đột nhiên, Minh ôm tôi. Chuyện lạ-lùng không thể tưởng đã xẩy ra, nàng hôn tôi … Nhưng hình như có cái gì không bình-thường. Nàng liếm môi tôi… Mồm nàng hôi không thể tưởng …Tôi mở mắt. Trời ơi, không phải Minh mà là con chó bẹc-dê của cô đầm Jeannette. Con vật đã nhả miếng xương để liếm mật ong trên môi gã thất-tình…”
    Tôi cười bò lăn, cười đến muốn lộn ruột. Anh kể chuyện rất thâm thúy và có lối pha trò thật độc đáo. Anh không yêu người ta, anh ghét đến cả con chó hay cắn người của người ta nữa:”…Jeannette, cô đã làm tôi khổ-sở! cô đã mang tai-họa đến đời tôi! Kiếp này, kiếp sau, kiếp sau nừa tôi không bao giờ muốn nhìn thấy cô…” Câu chuyện đang nghiêm túc, thả vào đó con chó hôn môi…sao mà hay thế.
    Rồi đến đoạn này: “…Có điều tôi chưa nói thêm về người chồng của nàng, cái anh chàng đần-độn dám để vợ đưa con nhỏ đi xa một mình, anh chàng đó chính là…tôi…” Ôi cái chữ “Tôi” ấy nhỏ bé làm sao mà lại là cái tôi vĩ đại nhất từ trước đến giờ chưa ai bao giờ kể cho mình nghe như thế. Thật tuyệt!
    NL

    Reply
    1. Thiên Tường

      Anh Nguyên Lương thân mến,

      Cám ơn anh đã đọc và là người đầu tiên viết lời nhận định.
      Tôi đợi anh viết truyện Gác Mây. Truyện này có lẽ sẽ vui hơn,
      hạnh phúc hơn

      Reply
  2. Ngô Tín

    Đọc truyện nhgắn của anh tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác . Cuối cùng anh cũng lấy được người anh yêu . Người vợ này không ai khác hơn là cô Minh và anh là người chồng đần độn như lời anh nói .
    Qua chuỵện này chúng ta có thêm một kinh nghiệm . Người đàn bà yêu người đàn ông qua nhân cách chứ không phải những gì hào nhóang bên ngòai như những người đàn ông đã từng phô trương .
    Một truyện tình rất có hậu .
    Ngô Tín

    Reply
    1. Thiên Tường

      Duyên tình một phần là cái số đó anh.

      Lấy được nhau chỉ giải quyết được một vấn đề; tôn trọng nhau, yêu thương nhau và trung thành với nhau là một vấn đề khác phải gìn giữ thì mới có hạnh phúc that

      Reply
  3. Dạ Lan

    Câu chuyện thật hấp dẫn nhất là cái kết cuộc đầy thù vị té ra anh chồng cù lần nầy chính là TÔI hi hi

    Reply
    1. Thiên Tường

      Cái “tôi” vốn là cù lần rồi . Thôi, cù lần mà được vợ thương thì cũng đã coi là tốt lắm rồi. Phải không chị

      Reply
  4. camtucau

    Một câu chuyện tình thật hấp dẫn lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối, hay lắm NXTT ơi! Chúc vui nhé

    Reply
  5. Lẫn Thẫn

    Sao tác giả lại phong cho cái tôi đần độn .Lẫn Thẫn tui mong được một chút đần độn đó vừa bợ một cô vừa được một cô si và làm anh chàng bạn thân của mình thất tình đây gọi là Siêu Đần Độn.

    Reply
    1. Thiên Tường

      Orlando, Florida là một địa điểm du lịch quốc tế. Tuy nhiên, cũng có trường hợp khách thuê xe lái từ phi trường ra bị kẻ cướp theo dõi, hình như có người bị giết nữa.
      Anh chàng “tôi” yêu vợ, thương con mà lại không nghĩ tới chuyện này thì quả là đần độn thật.

      Reply
  6. Quốc Tuyên

    Câu chuyện thật lôi cuốn, đọc mà thầm trách anh chàng TÔI sao hiền lành, nhút nhát dễ sợ… tưởng là để vuột mất tình yêu đầu đời có ai ngờ đến kết thúc chuyện mới vỡ lẽ. Anh NXTT viết chuyện hay qúa!

    Reply
    1. Thiên Tường

      Cám ơn chị Quốc Tuyên.
      Ngày nhỏ, có người đậy rằng nếu không muốn bị đau đớn vì người khác coi thường, lợi dụng mẹ mình trong quá khứ thì phải kính trọng những người con gái mình gặp bây giờ và tránh cho những đứa trẻ trong tương lai đau đớn như vậy.
      Lời khuyên đó không phải từ cha me hay từ thầy cô mà từ một người bạn cao niên cùng lớp
      Nhiều người có lẽ trở nên “nhút nhát” là vì thế chị ạ.

      Reply
  7. nguyenhoanglamni

    Anh Thiên Tường thân mến, tôi vẫn mong rằng đời là văn, văn chính là đời anh vậy. Anh xứng đáng được hưởng phần thưởng ngọt ngào của cuộc đời này dành cho anh.
    Cám ơn anh cho đọc một truyện ngắn rất hay, một mối tình diễm tuyệt. Chúc anh hạnh phúc

    Thân mến.
    NHLN

    Reply
    1. Thiên Tường

      Thưa anh, trong các truyện thường phảng-phất bóng dáng, quan niện của mình nhưng cốt truyện không hẳn luôn luôn là sự thật.
      Hạnh-phúc có thể phát xuất tư nội tâm, không hẳn do ngoại cảnh.
      Qua lời chúc của anh, tôi cố-gắng điều-chỉnh phần nội tâm cho tốt hơn. Cám ơn anh

      Reply
  8. Thu Thủy

    “Bố nghiêm mặt bảo đàn bà dù xấu hay đẹp, dữ hay hiền, béo hay gầy thì họ vẫn là đàn bà; ta phải kính-trọng họ, phải dịu-dàng với họ nếu không thì cũng chẳng nên cãi nhau với họ.”

    Câu chuyện thật hấp dẫn từ khi mở đầu đến khi kết thúc. trong câu chuyên có những điều bất ngờ làm người đọc thú vị, có những tình tiết khôi hài làm cho câu chuyện vui và sống động

    “Ta hôn một nụ hồng,
    Môi đau tình đã lỡ …
    Câu thơ của cậu học trò thất-tình như một lời tiên-tri. Tôi chưa dứt ý-nghĩ thì một con ong trong đóa hoa bay ra chích ngay vào môi đau nhói. Tôi buông cành hoa bước về nhà. Jeannette! Jeannette! Cả cái bông hoa vườn nhà cô cũng biết hại tôi!”
    Đúng là môi đau thật đó

    Và nhất là kết thúc thật bất ngờ, một kết thúc có hậu, làm lòng người đọc hân hoan.

    “Có điều tôi chưa nói thêm về người chồng của nàng, cái anh chàng đần-độn dám để vợ đưa con nhỏ đi xa một mình, anh chàng đó chính là…tôi.”

    Người ta thường nói ” mèo mù vớ cá rán”, nhưng chú mèo đây không mù mà kiên nhẫn, chung thủy và rất thông minh.
    Có lẽ người con đã được trưởng thành từ một gia đình nề nếp.

    Reply
    1. Thiên Tường

      Cô giáo thân mên,

      Nhân-vật chính xoay quanh những người trong 2 gia đình quen biết nhau. Cả “tôi” và Minh đều không biết ai khác từ nhỏ. Trời cho họ lấy nhau vì không muốn có 2 gia dình môt-người.

      Truyên này có nhiều đoạn khôi hài vì lúc đó tờ báo tôi hợp tác có nhiều bài buồn bã quá, anh chị em muốn có môt truyện làm loãng cái không khí đau thương đi. Không ai chịu viết nên tôi phải làm.

      Reply
    1. Thiên Tường

      Có lẽ do người bố được giáo-dục tốt hoặc có được bà vợ tuyệt vời. Nếu gặp người vợ lăng-loàn thì không dám chắc ông dậy con như thế đâu.

      Reply
  9. Tuệ Minh

    Hai nhân vật nữ đều lưu dấu ấn với chàng trai , một người có đôi môi mềm và thơm , một người nhờ sứ giả tặng nụ hôn hôi không thể tưởng và tất cả đều là là kỷ niệm.

    Reply
  10. Thiên Tường

    Cũng may “tôi” chỉ có kỷ-niệm vơi hai người và chỉ yêu một người. Nếu “tôi” có kỷ-niện với nhiều người thì có lẽ không hạnh-phúc và cũng không có truyện này

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.