Có Một Ngôi Trường Như Thế

Tác giả: Phan Mạnh Thu

( 20 / 11 / 2011)

Có một  ngôi  trường đã không còn tồn tại gần sáu mươi năm. Nhưng đối với thế hệ học trò đi ra từ đó, nơi ấy chính là một vùng hoài niệm mà họ thường ao ước một lần được quay về. Dù trong cuộc đời các vị ấy, đã từng được ngồi học trong những ngôi trường to lớn, xinh đẹp gấp nhiều lần  so với ngôi trường cũ. Nhưng  ngôi  trường nhỏ đó, vẫn chính là nơi ghi dấu ấn sâu sắc nhất, trong cái khoảng đầu đời những năm trung học của họ.

Trong bài viết nhỏ của mình hôm nay, tôi muốn đề cập đến một ngôi trường có tên gọi Quế Sơn 2. Một ngôi trường mái tranh vách lá nằm trong vùng tự do kháng chiến, được thành lập từ năm 1950 cho đến 10/1954 thì giải thể. Lúc đầu có cả trường Quế Sơn 1, đặt tại vườn nhà ông Chánh Hoa tại Quế Phước, còn Quế Sơn 2 đặt ở vườn ông Đẩu tại Quế Châu, về sau Quế Sơn 1 dời về Duy Xuyên và đổi tên thành Duy Mỹ nên chỉ còn lại Quế Sơn 2. Đó là thời kỳ bắt đầu cải cách giáo dục theo hệ chín năm, từ lớp 1 đến lớp 4 thuộc về cấp một, từ lớp 5 đến lớp 7 thì thuộc về cấp hai, Quế Sơn 2 là một ngôi trường cấp hai, trong thế hệ học trò đầu tiên của trường Quế Sơn 2 ngày ấy có cả má tôi.

Học sinh của Quế Sơn 2 ngày đó ở nhiều địa phương khác nhau như: Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình… nhà xa nên phần đông phải ở trọ. Có người cả tháng mới về nhà một lần, đi vượt suối băng rừng từ hai đến ba ngày mới tới nơi. Má tôi cùng các bạn thì mỗi tuần một lần, từ Quế Châu ngược đèo Le hai mươi cây số về Quế Lộc để đem lương thực xuống, một ruột tượng gạo, thức ăn khô, mắm muối và dầu phộng chủ yếu  để đốt đèn. Trong hành trang,  bao giờ  cũng mang kèm theo mấy đôi dép mo cau, dùng để thay đổi trên con đường đèo dài hun hút ấy. Có một lần từ nhà xuống tới Quế Châu, đêm đó mệt quá má tôi cùng cô bạn ngủ rất say, sáng ra toàn bộ gạo và thức ăn đều mất sạch. Thế là suốt cả tuần hai cô phải nương nhờ chủ nhà, chỉ với khoai sắn khô, một lát sắn cõng có mấy hạt gạo, ăn với chuối cây xắt mỏng bóp muối  rồi vắt ráo chấm mắm. Đêm không ngủ được vì đói, hai cô nằm ước gì thầy đi họp về mua cái gì đó cho bọn mình. Vừa ước xong, thì nghe có tiếng mở cửa và thầy Phu bước vào cất tiếng hỏi – hai em ngủ chưa? Hai cô bấm nhau cười rồi bật dậy ngay – dạ chưa! Thầy chìa ra nửa cái bánh tráng sắn và nói – thầy ăn một nửa chừa hai em một nửa. Đêm đó nhờ thế hai cô ấm lòng, nên ngủ một giấc ngon tới sáng (Khi tôi đang viết những dòng này, thì má tôi nhận được tin thầy Nguyễn Phu vừa mới qua đời. Cầu cho linh hồn thầy bình yên nơi thế giới bên kia. Có một thế hệ học trò sẽ mãi mãi không bao giờ quên thầy, cho đến khi nào họ cũng trở về  với cát bụi mới thôi).

Hồi đó người dân Quế Châu rất thương và cảm thông cho những học trò xa nhà thiếu thốn. Có cậu học trò khuya dậy học bài đói quá, nên dùng ống đu đủ hút trộm ghè nước đường của chủ nhà,  hoặc có khi ăn gần hết cả thúng đậu phụng giống của người ta, thế mà cũng được tha thứ cho qua. Đang là thời kỳ kháng chiến chống Pháp nóng bỏng, nên cuộc sống rất cam khổ, thức ăn chủ yếu là khoai sắn rau cháo, còn giấy học thì vàng khè thua cả giấy vàng mả, ngòi bút lá tre viết vài dòng là phải dừng lại, để gở cục giấy dính trên đầu mũi bút, có khi còn phải dùng lá chuối ép khô thay giấy nữa. Nhưng “chữ nghĩa thuở ấy rất có giá, vừa cao vừa trọng vừa nghĩa vừa tình”. Còn tình cảm thầy trò, tình bạn bè đồng học thật tràn đầy, dù học trò phần lớn gọi thầy bằng anh, tình yêu học trò thì rất trong sáng, đa phần là chuyện dấu kín trong lòng ngàn đời không nói.  Những khó khăn vất vả mọi người đều chung tay chia sẻ với nhau, nếu dùng từ hạt muối cắn đôi e rằng trừu tượng quá, tôi sẽ nói theo cách của má tôi  “cây kẹo ú cũng cắn làm ba”. Cho đến bây giờ gần 60 năm đã trôi qua, má tôi vẫn chỉ có hai cô bạn học từ thời đó là bạn thân. Vẫn mi tau mỗi lần gặp lại, trong những câu chuyện hàn huyên của các cô,  bao giờ cũng có tên trường Quế Sơn 2 được nhắc đi nhắc lại  nhiều lần.

Trong suốt thời gian 4 năm trường tồn tại, lúc đầu còn học ban ngày, vào khoảng năm 1952 thì chuyển sang học ban đêm vì Pháp thường đem máy bay lên thả bom đánh phá. Ban ngày học sinh tham gia sản xuất theo lịch của hiệu đoàn, giúp đỡ những chủ nhà trọ tát nước ruộng, chặt mía, kéo che nấu đường, hoặc giúp đỡ những gia đình neo đơn già yếu, có khi thầy trò cùng vỡ đất tăng gia để gây quỹ cho trường và cải thiện bữa ăn. Ban đêm các ánh đèn dầu phụng, dầu mù u sáng khắp nẻo đường, học trò vừa học vừa canh máy bay, hể nghe kẻng báo động là lập tức xuống hầm trú ẩn, trong cặp sách bao giờ cũng có mang theo dụng cụ cứu thương. Pháp đánh phá ngày càng ác liệt, không ít lần trường phải dời địa điểm dạy…

Cứ như thế cho đến ngày hiệp định Genève ký kết, miền đất Quế Sơn do liên hiệp Pháp quản lý, mỗi ngày có thêm nhiều biến cố xảy ra, dân lành bị tàn sát…Vụ chợ Được ở Thăng Bình, Cây Cốc ở Tiên Phước, Vĩnh Trinh ở Duy xuyên.v.v.. Nên để cho hợp pháp, trường đổi tên thành trường tư thục Huỳnh Thúc Kháng và chuyển sang học ban ngày. Đề phòng chính quyền đến kiểm tra, thầy lên lớp giảng những bài xã hội không cầm theo tài liệu, học trò nghe giảng và tự ghi nhớ không cần chép. Lúc đó một số trường cấp hai trong tỉnh đặt ở Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên đã bị buộc giải tán, nên số học sinh dồn về Quế Sơn 2  lên rất đông. Nhưng Quế Sơn 2 là một ngôi trường cách mạng, có nấn ná mấy rồi  tháng 10 năm 1954 cũng phải giải thể để bảo toàn tính mạng cho thầy trò. Bài giảng văn dành cho buổi học cuối cùng của tất cả các lớp năm ấy, là bài BUỔI HỌC CUỐI CÙNG của Alphonse Daudet, hai buổi học ở hai đất nước khác nhau nhưng lại trong cùng một hoàn cảnh như nhau… Trường giải thể nhưng có cấp giấy chứng chỉ cho học trò. Đêm trước ngày giải thể, thầy dặn dò nhiệm vụ mới cho học trò (trong phòng tối không thắp đèn vì sợ  mật thám) thầy nghẹn ngào, trò khóc thút thít, hẹn sẽ gặp lại một ngày không xa, có ai ngờ cuộc hẹn kéo dài đến gần 40 năm…

Đầu thập niên 90, các cựu học sinh Quế Sơn 2 bắt đầu tập hợp lại, sau một phiên họp trù bị, ban tổ chức đã quyết định lấy ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 8, làm ngày họp mặt hằng năm ở Miền Nam. Còn ở Quảng Nam thì họp vào ngày chủ nhật tuần thứ ba của tháng tư. Tiếng lành đồn xa, người tụ về mỗi ngày càng nhiều, cho đến hôm nay đã qua 21 lần họp mặt.  Có những người ở cách xa nửa vòng trái đất cũng quay về, có người đi không vững phải có con theo dìu, có người ở vào giai đoạn sau của bệnh ung thư, cũng muốn gặp mặt thầy bạn lần cuối cùng. Mỗi năm về họp mặt có thêm vài gương mặt mới, thì cũng có vài gương mặt thầy trò cũ vĩnh viễn ra đi. Đã có ba cuốn kỷ yếu ra đời trong 21 năm, hiện nay các tiền bối đang khởi động cho cuốn kỷ yếu thứ tư và cũng là cuốn cuối cùng cho ngôi trường Quế Sơn 2. Nhưng đối với các cựu thầy trò Quế Sơn 2, chừng nào họ còn  thì ngôi trường xưa mãi mãi không bị lãng quên.

Các tiền bối Quế Sơn 2 đã có những việc làm hết sức ý nghĩa, trong đó có một câu chuyện nghe  khó tin, nhưng hoàn toàn là sự thật: Đó là việc tìm ra phần mộ của thầy Võ Môn, thầy hiệu trưởng đầu tiên của trường Quế Sơn 2, một liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giáo dục cách mạng (Trong khi gia đình cũng không biết tìm thầy ở đâu). Sau một thời gian dài vất vả tìm kiếm, cuối cùng các tiền bối cũng tìm ra được phần mộ thầy ở Biên Hòa, trong một nghĩa trang đang giải tỏa vào giai đoạn chót. Vậy là sau mấy mươi năm lưu lạc, cuối cùng di hài thầy đã được mang về cải táng tại Tam Kỳ vào ngày 11/4 1995. Các tiền bối còn trao học bổng hàng năm cho các em học sinh cấp hai Quế Châu. Vừa rồi ngày 12/4/2009  các vị ấy đã về đặt bia tưởng niệm ngôi trường Quế Sơn 2, ngay tại trường cấp hai Quế châu, buổi lễ diễn ra thật long trọng và trang nghiêm.

Tình cảm của cựu thầy trò trường Quế Sơn 2 như một viên ngọc ngời sáng long lanh, ngay trong thời buổi mà không ít học trò coi việc tôn sư trọng đạo là điều phù phiếm.  Đạo đức học đường đang mỗi ngày đi xuống, đã đến mức báo động, con người ngày càng sống vô cảm với nhau, thì tình thầy trò của Quế Sơn 2 đã đánh thức nhiều lương tri đang ngủ quên. Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng phải nghiêng mình kính phục, khi anh tình cờ đọc được cuốn kỷ yếu của trường Quế Sơn 2, anh đã có một bài viết rất hay về thế hệ thầy trò này, bài viết được đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 20/11/1995, với tựa đề MỘT NGÔI TRƯỜNG – MỘT LỚP NGƯỜI. Bài viết có đoạn như sau “…Nhưng đời sống chưa đến nỗi buồn thảm khi một ngày, trước ngày kỷ niệm – nhà giáo 20/11/1995, tôi nhặt được một đóa sim tím ngắt trên những ngọn đồi trung du. Đóa sim bình dị mà trang trọng, của những lớp đàn anh hái tặng thầy cũ trường xưa,  cuốn kỷ yếu về ngôi trường Quế Sơn mà tôi chưa từng đến…”

Hôm nay nhân ngày nhà giáo Việt Nam, tôi viết những dòng này thay cho lời ngưỡng mộ đối với thế hệ những người đi trước, trong đó có má tôi từng là học trò của Quế Sơn 2 và cũng có một thời bà đứng trên bục giảng. Tôi xin kết thúc bài viết của mình bằng bài thơ của một tiền bối Quế Sơn 2, bài thơ mô tả không khí khẩn trương của một lớp học thời chiến, nhưng cũng không kém phần lạc quan và lãng mạn…

NHỚ

( Phạm Phú Ngân)

Quả sim rừng tim tím

Chà là đen lịm môi

Gió qua đồng Quế Hiệp

Rừng rang trăng nghiêng đồi.

Từ chợ Đụn đi lên

Lúa đồng xanh bát ngát

Hàng tre già xào xạc

Đàn cò về ngủ đêm.

Đến chợ Đàng rồi đó

Ngả ba Nón chợ Chùa

Trường nằm bên nương sắn

Chiều lộng gió đong đưa.

Anh vẫy tay gọi bạn

Thầy đã đến kia rồi

Kiểng vang vào lớp học

Bàn ghế đứng thay ngồi.

Trang nghiêm thầy dạy giảng

Chăm chú tai trò nghe

Cảnh giác máy bay đến

Đèn mù u lắt leo!…

Năm tư – lệnh đình chiến

Trường vẫn học như xưa

Quế Châu trường dựng lại

Mái tranh vàng phên thưa.

Học vài hôm giải tán

Chia tay tự bấy giờ

Thầy trò không kịp gặp

Bạn bè vội vàng đưa…!

Bao nhiêu năm xa cách

Nhớ đồi sim cánh rừng

Nhớ thầy và nhớ bạn

Nhớ nhung, nhớ vô cùng…{jcomments on}

0 thoughts on “Có Một Ngôi Trường Như Thế

  1. camtucau

    Bao nhiêu năm xa cách

    Nhớ đồi sim cánh rừng

    Nhớ thầy và nhớ bạn

    Nhớ nhung, nhớ vô cùng…
    Những kí ức về bạn cũ trường xưa bao giờ cũng theo ta suốt cuộc đời

    Reply
  2. Dạ Lan

    Bài viết vinh danh công đức các thế hệ Thầy và trò của Quế Sơn 2.Nhân ngày nhà giáo xin kính chúc thân mẫu chị PMT khỏe mạnh, hạnh phúc.

    Reply
  3. Tran kim loan

    Bài viết vinh danh công đức các thầy cô của trường QUẾ SƠN 2 nhân ngày 20/11 rất sâu sắc!& rất hay! chúc PMT luôn được nhiều sức khỏe!

    Reply
  4. Thu Thủy

    Hôm nay nhân ngày nhà giáo Việt Nam, tôi viết những dòng này thay cho lời ngưỡng mộ đối với thế hệ những người đi trước, trong đó có má tôi từng là học trò của Quế Sơn 2 và cũng có một thời bà đứng trên bục giảng.

    Bài viết rất sâu sắc và có giá trị.
    Nhân ngày nhà giáo Việt Nam xin chúc thân mẫu của Phạm Mạnh Thu mạnh khỏe, hạnh phúc.

    Reply
  5. nguyễn đăng trình

    hi Phan Mạnh Thu,
    bài viết của PMT khiến nguahoang càng tin rằng người Quế Sơn nói riêng và người Quảng Nam nói chung rất hiếu học…
    thời đó mà mẹ của Thu lặn lội những 20 km trong điều kiện bom rơi đạn nổ thiếu thốn mọi bề để “kiếm cái chữ” quả là một tấm gương ham học hỏi rất đáng trân quí…
    nhân ngày 20/11, nguahoang chúc sức khỏe, an vui và hạnh phúc cho các thế hệ quí thầy cô, trong đó có cô giáo Phan Mạnh Thu… 🙂

    Reply
  6. PhanMạnhThu

    MT cám ơn chị Cẩm Tú Cầu, chị Dạ Lan, chị Trần Kim Loan, Thu Thủy, anh Đăng Trình, Xanh, chị Mộng Cầm, anh Dzạ Lữ, chị Quốc Tuyên và Bích Vân đã đọc và chia sẻ.

    Reply
  7. Hồng Phượng

    Bạn ơi, sao ngôi trường của má bạn học giống y như ngôi trường mang tên “Trường cấp 2 Bình Khê” ở tỉnh Bình Định, của ba tôi,của các chú, bác , cô… trước ngày họ tập kết ra miền Bắc !

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.