Én Liệng Truông Mây

Chiều chiều én liệng Truông Mây

Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.

Quyển 2

Hồi thứ hai mươi mốt

Đất Tây Sơn một nhà sinh Tam Kiệt

Phú Lạc Vương giết cọp gặp minh sư

Thằng nhỏ bị lũ chó dữ rượt chạy một hồi vắt cả giò lên cổ mới thoát khỏi bị chúng cắn, ra tới ngoài cánh đồng trống khô khan khô khốc này nó mới yên chí lớn đi chậm lại, mũi không ngừng thở phì phò. Vừa lầm lũi bước đi những bước nặng chịch trên bờ ruộng dưới ánh nắng như thiêu như đốt, miệng không ngừng lầm bầm, hai tay làm những động tác phác họa theo dòng suy nghĩ trong chiếc đầu bé con của nó: “Xin ăn thì mấy lão nhà giàu không chịu thí cho còn chửi mắng. Cái lão Đốc Trưng cha thằng Đằng còn chơi ác hơn xua chó rượt mình. Ăn cắp đem về thì Mẹ biết nhất định dù chết đói cũng không chịu ăn, bảo là đồ ăn cắp là đồ phi nghĩa gì gì đó, không tốt. Có gì mà không tốt chứ? Mình thấy bọn nhà giàu chúng ăn thừa mứa đem cho chó heo ăn vẫn còn dư mà, mình có lấy trộm của chúng một chút cho qua cơn đói không được sao? Chả lẽ bao tử của những con chó của chúng còn hơn cái bao tử của thằng người như Lía mình à? Thật vô lý!!!

Làm gì có chuyện đó. Mẹ không cho tao cũng lấy trộm, không ăn hết thì cho đám bạn nhỏ của tao ăn, phải phá cái đám nhà giàu tụi bay cho nghèo mạt như bọn tao, Lía này mới hả dạ. Phi nghĩa với không phi nghĩa cái gì chứ, cái lão Đốc Trưng đó dù đổ đồ ăn cho chó chứ nhất định không cho mình là có chính nghĩa à? Cái bụng bự chứa đầy cứt của lão thì chỉ có thể chứa toàn là điều phi nghĩa chữ nghĩa ngãi gì trong đó. Mẹ thật là, mình không hiểu nổi nữa. Đang bệnh mà, ăn đỡ một chút của phi nghĩa đi cho đỡ đói, cho khỏe đã, có sống được mới nói chuyện phi nghĩa, chính nghĩa chứ. Đói chết rồi còn nói được chuyện phi nghĩa với cái bọn nhà giàu kia không? Thiệt là là.. nhưng giờ biết tìm đâu chút gì đó cho Mẹ ăn nhỉ? Dù sao thì Mẹ bao giờ cũng đúng cả. Cả cái chuyện đang sống ngon lành với những người.. người gì nhỉ.. à người Bahna ở Vĩnh Thạnh, tự dưng lại bỏ đi. Chuyện đó theo lời của Mẹ thì cũng đúng luôn. Chú Y Mon tốt bụng vậy mà, không nhờ chú ấy giúp cho từ lúc đó, Mẹ làm sao chữa cho hết vết bầm trên lưng? Còn lo cho hai Mẹ con mình đủ thứ, mà những người Bahna ở đó họ tốt bụng cả đó chứ, sao tự dưng bỏ đi, về làm gì cái nơi qủi qúai này để bây giờ Mẹ ngã ra bệnh chẳng có ai lo. Hỏi thì Mẹ cứ nói chừng con lớn lên con sẽ biết… biết cái gì nhỉ? Làm như Mẹ sợ cái tốt bụng của chú Y Mon hay sao ấy? À, chết, Mẹ cấm không bao giờ được nhắc tới chuyện đó mà. Lía xin lỗi Mẹ nhé. Gì nữa nhỉ?.. À, cái đám người trong xóm ở đây cũng tốt đấy chứ, nhưng họ nghèo qúa cũng chẳng giúp được gì, họ lo cho họ còn chưa đủ nữa là.. Còn cái bọn nhà giàu thì quẳng con mẹ nó sang một bên đi, đừng nói tới hai chữ giúp đỡ với bọn đó…”

Hai tay nó vẫn vung những cú đấm gió như muốn đấm vào mặt lão Đốc Trưng ác độc kia, miệng mấp máy đang định lẩm bẩm tiếp thì có tiếng kêu to:

– Lía, Lía…

Nó giật mình quay lại. Thằng Bưu đang vừa chạy vừa thở hổn hển đến nơi. Nó hỏi:

– Gì vậy?

Thằng Bưu lấy hai tay ôm ngực cố đè hơi thở xuống nói nhanh:

– Thằng Đằng nó đánh thằng Sứt tét môi rồi.

– Sao vậy? Ở đâu?

– Ngoài bờ sông. Tụi nó tắm rồi gây lộn.

Lía trợn mắt chưởi:

– Thằng khốn nạn Đằng ỷ giàu, ỷ lớn làm tàng. Tổ mẹ thằng con lão Đốc. Đi, tao không đánh nó một trận bể mặt thì tụi bay đừng kêu tao là Lía nữa.

Nó chạy nhanh ra bờ sông, thằng Bưu hồ hộc chạy theo. Đám nhỏ còn tắm dưới sông la lối om cả buổi trưa nóng bức. Thằng Sứt đang ngồi khóc một mình dưới gốc cây sung, thấy Lía tới nó đứng lên chạy lại. Nó từ lúc mới sinh đã bị sứt môi nên giọng nói ngọng nghệu khó nghe bị tụi nhỏ chọc hoài, Lía thấy vậy thương nó lắm. Nó hỏi thằng Sứt:

– Sao nó đánh mày?

– Tao nói cha nó chơi ác thả chó rượt mày, nó nói sao tao dám động tới cha nó nên đánh tao.

– Để tao. Ê Đằng mày ngon thì lên đây.

Thằng Đằng đang tắm dưới sông nghe gọi chạy lên. Bọn nhỏ cũng chạy lên theo. Thằng Đằng hỏi:

– Mày muốn gì? Bị chó rượt chưa sợ hả con?

Lía nghe thằng Đằng hỏi máu nóng sôi lên, sực nhớ lúc bị chó đuổi ban trưa cơn giận càng dữ dội, nó không trả lời mà lao vào đấm thẳng vô mặt thằng Đằng một cú thật mạnh. Từ bé trời đã ban cho nó một sức mạnh lạ kỳ. Hôm trước con trâu nhà thằng Nhạc bỗng dưng nổi điên cứ dóng đuôi chạy càng, thằng Sứt lãnh nhiệm vụ chăn trâu không biết làm sao chận lại đành khóc bù lu bù loa. Lía thấy vậy rượt theo con trâu chụp được cái đuôi ráng sức kéo lại, con trâu kéo nó lết sềnh sệch thêm được một đoạn nữa rồi cũng phải đứng yên. Từ đó bọn nhỏ trong vùng đứa nào cũng cho nó là người trời, là anh hùng đất Phú Lạc, không thằng nào dám gây chuyện với nó, có chuyện đánh lộn nào chúng cũng nhờ tới Lía hoặc can thiệp hoặc làm đứa đầu đàn khi phải đánh nhau với bọn trẻ xóm khác. Thằng Đằng bất ngờ nên lãnh đủ cú đấm như trời giáng của Lía, máu mũi chảy ra có vòi, tá hỏa tam tinh, mắt nổ đôm đốm. Chưa hết giận, Lía còn nhào vô tống tiếp vào bụng và ngực thằng Đằng hai cú đấm nữa làm nó ngã ngửa ra sau. Lía liền nhào tới ngồi lên trên bụng thằng Đằng, một tay đè lên ngực, tay kia dơ cú đấm lên hỏi lớn:

– Chó của mày tao cóc sợ, giờ mày có sợ tao không?

Thằng Đằng bị ba cú đấm tá hỏa, thấy Lía dơ cú đấm lên nó hết hồn đáp:

– Sợ, tao sợ mày.

Lía nói:

– Từ nay tao cấm mày đụng tới bất cứ đứa bạn nào của tao, mày nghe không?

– Nghe, tao hứa..

Thằng Nhạc tuy nhỏ nhất trong đám nhưng lúc nào cũng ra vẻ là đứa hiểu biết, nó lại nắm lấy cú đấm của thằng Lía can:

– Thôi tha cho nó đi Lía. Nó hứa rồi đó.

Lía đứng lên chỉ mặt thằng Đằng hăm:

– Mày nhớ đấy nhé. Đừng có ỷ lớn ăn hiếp bọn nó.

Thằng Nhạc níu tay thằng Đằng đứng lên:

– Mày đừng ghẹo vào thằng Lía nữa. Không biết nó là người trời sao?

Thằng Đằng đứng lên hất tay thằng Nhạc ra, lấy tay quẹt máu mũi đang còn chảy. Nó bị đánh đau, thấy máu đỏ dính đầy tay nên giận cá chém thớt, nó dứ dứ cú đấm vào mặt thằng Nhạc nói lớn:

– Để mặc tao. Việc gì tới mày. Lúc nào cũng can với gián, làm ra vẻ.. mày có nghĩ là tao sẽ đấm vào mặt mày không?

Thằng Nhạc lui lại nói:

– Tao chỉ can tụi bay thôi mà. Mày mới hứa với thằng Lía cái gì, sao còn đòi đấm tao?

Thằng Đằng cãi:

– Tao chỉ hứa là không đụng tới bạn của thằng Lía. Mày có phải là bạn nó không? Nó đâu có chơi với con nhà buôn trầu giàu có như mày.

Thằng Nhạc chưng hửng, rồi nó cãi:

– Nó không coi tao là bạn, nhưng tao coi nó là bạn.

Lía nói lớn:

– Tao không chơi với bọn con nhà giàu. Tụi bay dư của, coi chó hơn là bọn tao.

Nhạc gân cổ cãi:

– Mày đừng nói bậy. Cha Mẹ tao thường giúp đỡ người khác, mày cũng thấy mà.

Thằng Đằng vừa đưa tay quẹt máu trên mũi vừa trề môi:

– Cha Mẹ mày giúp đỡ người ta hã? Chỉ làm bộ làm tịch ra vẻ ta đây người tốt.

Nhạc nổi cáu:

– Làm bộ cũng được nhưng còn giúp đỡ người ta. Không như cha mày đã không giúp người còn ỷ chức quyền ăn hiếp nữa.

Thằng Đằng nổi giận:

– Mày nói đụng tới cha tao coi chừng cái mặt mày đó.

Nói xong nó nhào tới thoi vào mặt thằng Nhạc. Nhạc gạt mạnh tay thằng Đằng rồi lùi lại thủ thế, nó học võ từ lúc năm sáu tuổi nên bộ tịch coi rất gọn gàng:

– Mày ỷ to con hã? Tao sợ mày à?

Thằng Sứt nói với Lía:

– Mày can tụi nó đi Lía. Thằng Đằng lớn hơn thằng Nhạc, không can nó đánh thằng Nhạc chết đó.

Lía nói:

– Tụi nó con nhà giàu cả, để tụi nó thanh toán nhau. Tao mặc kệ.

Thằng Sứt năn nỉ:

– Thôi mà Lía. Thằng Nhạc lúc nãy cũng can thằng Đằng giúp tao đó.

– Mày lo gì. Để coi, chưa chắc thằng Đằng đánh lại thằng Nhạc đâu. Nó có võ đấy, đừng giỡn mặt.

Lía nói đúng. Bị thằng Nhạc gạt tay, thằng Đằng quê mặt liền nhào tới đấm thêm cú nữa, nó cao hơn thằng Nhạc cả một cái đầu nên không coi Nhạc ra gì quyết đánh thằng nhỏ này cho hả bớt cơn giận. Thằng Nhạc lại đưa trái tay gạt cú đấm của thằng Đằng, tiện đà nó dùng tay phải đấm vào bụng thằng Đằng một cú. Thằng Đằng trúng cú đấm đó mặt đỏ phừng phừng, nó nhào vô hai tay đấm túi bụi vào mặt thằng Nhạc. Nhạc rất bình tĩnh, nó lùi ngựa ra sau, hai tay liên tục đỡ gạt. Tuy đỡ được những cú đấm đó khỏi trúng vào mặt nhưng vì thằng Đằng lớn hơn nó nhiều nên những cú đấm của nó làm cho hai cánh tay nhỏ xíu của Nhạc đau điếng đến chảy nước mắt ra. Nhưng nó gan lỳ cắn răng chịu đựng tiếp tục đỡ những cú đấm của thằng Đằng, rồi bất ngờ nó thụp người thấp xuống tràn ngựa vào sát người thằng Đằng, tay phải tung một cú đấm thật mạnh vào dái của địch thủ. Thằng Đằng bị trúng cú đấm đó la lớn một tiếng rồi hai tay ôm hạ bộ, mắt trợn trắng vì đau đớn đến không chịu nổi. Nó cuối gập người xuống rên hừ hừ không ngớt rồi ngã nằm ra đất, hai tay vẫn ôm hạ bộ, cong cả hai chân lên trời lăn người qua lại để làm giảm bớt cơn đau. Bọn nhỏ sợ thằng Đằng chết, đứa nào đứa nấy mặt tái xanh. Lía vỗ tay, nó nhớ hai câu ca dao Mẹ nó dạy lúc xưa nên đọc lớn:

– Hay qúa, hay qúa. “Nực cười châu chấu đá xe. Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng”. Mày giỏi lắm Nhạc. Cho thằng con nhà ác ôn to xác này một trận như vậy nó mới ngán.

Thằng Nhạc đang dùng bàn tay xoa cánh tay nhỏ đang đỏ hửng lên vì đỡ gạt những cú đấm ban nãy. Nó thấy thằng Đằng nằm rên cũng hơi sợ, nghe Lía khen nó nói:

– Tại nó đánh tao dữ qúa tao mới phải làm liều. Tao đâu có cố ý đánh nó đau như vậy.

Thằng Sứt lại bên cạnh nó nói:

– Thôi mày về nhà đi. Tao cũng lùa trâu về, coi chừng thằng Đằng hết đau rồi trả thù đó.

Nhạc gật đầu. Nó chạy lại lấy áo mặc vào rồi lửng thửng đi về. Thằng Sứt cũng bỏ đi gom mấy con trâu đang tìm cỏ gặm trên cánh đồng khô gần bờ sông lại rồi lùa về chuồng nhà thằng Nhạc. Thằng Đằng đứng lên, hai tay vẫn còn ôm hạ bộ, nó nói vói theo sau lưng thằng Nhạc:

– Mày nhớ đó thằng Phúc con. (Nó chưởi tên tộc của cha thằng Nhạc là Phúc). Tao sẽ nhớ mối thù này suốt đời.

Rồi nó trợn mắt trừng thằng Lía một cái nữa mới bỏ đi. Bọn trẻ cũng bỏ về chỉ còn lại thằng Bưu và Lía. Bưu hỏi:

– Mẹ mày đỡ chưa?

– Chưa. Không chịu ăn làm sao có sức mà đỡ.

– Hôm qua mày trộm được con gà nhà lão Hương chỉ mà. Sao không làm cho Mẹ mày ăn.

– Có chớ. Nhưng Mẹ tao khóc, nhất định không chịu ăn. Mẹ nói thà chết đói chứ không ăn đồ của tao ăn cắp.

– Vậy à? Bây giờ mày tính sao?

– Hồi trưa tao phải trơ mặt vào nhà thằng Đằng xin chút gì đó mang về cho Mẹ tao ăn đỡ. Cái lão Đốc Trưng đã không cho còn nói cơm dư để lão cho chó của lão ăn rồi xịt chó rượt tao chạy đến thục mạng. Con mẹ nó, cái lũ nhà giàu ác đức, có ngày tao sẽ cho bọn chúng biết tay. Chúng khinh người qúa sức, coi tao còn thua những con chó của chúng.

Thằng Bưu gãi gãi cái đầu bồm xồm của nó:

– Bây giờ làm sao nhỉ? Hay là lại đến nhà thằng Nhạc xin đỡ đi. Mẹ thằng Nhạc tốt bụng nhất vùng này, lúc nào tụi tao đói cứ tới xin là có ngay cái ăn. Mày đi với tao đi.

Lía ngần ngừ:

– Tao với thằng Nhạc không thân nhau. Tao lại tuyên bố không chơi với nó, bây giờ vác mặt tới nhà nó xin, tao ngượng qúa.

Bưu nói:

– Thì mày làm thân với nó đi. Không thấy lúc nãy nó nói nó coi mày là bạn hay sao?

– Nó con nhà giàu tao không muốn chơi. Bà mẹ nó, nếu không có chuyện, nhà tao cũng đâu có thua gì chúng nó.

Đang lúc bực dọc nó quên mất lời Mẹ nó dặn, buộc miệng nói bừa. Thằng Bưu hỏi liền:

– Lúc trước nhà mày cũng giàu lắm hã?

Lía bối rối:

– Ơ..không. Nhà tao đâu có giàu. Tao là con nhà nghèo từ mấy đời rồi.

– Bây giờ mày có tới nhà thằng Nhạc không?

Lía nói:

– Mày đi đi. Tao mắc cỡ lắm.

Bưu thấy tội cho thằng bạn bèn đề nghị:

– Thôi mày chờ ở ngoài này nhé. Để tao đi xin cho. Phải có cái gì cho Mẹ mày ăn đỡ mới khỏi bệnh được chứ. Nhà tao cũng chẳng có gì để cho mày cả.

Lía nhìn thằng bạn thân bằng ánh mắt biết ơn:

– Ừ. Mày giúp tao đi.

Thằng Bưu cười toe rồi vụt chạy đi. Không lâu sau nó trở lại ôm một gói lớn trên tay. Nó toét miệng cười:

– Mày thấy không, tao nói mà, mẹ thằng Nhạc tốt bụng lắm. Tao với thằng Sứt vào kể chuyện mẹ mày bệnh cho bà ấy nghe, bã liền gói cho một đống đồ ăn nè. Tha hồ mà để cho mẹ mày ăn luôn mấy ngày liền cũng còn được.

Nói xong nó trao gói đồ ăn cho Lía. Lía ôm gói đồ trên tay giọng nó thật buồn:

– Tao cảm ơn mày với thằng Sứt nghen. Cả mẹ thằng Nhạc nữa. Tao thật vô dụng chẳng biết làm gì để đem về cho mẹ mình một miếng ăn. Chán thật.

Bưu an ủi bạn:

– Mày đừng buồn. Mẹ tao nói mấy năm nay hạn hán mất mùa liên tục, nhiều nhà đói lắm chứ không phải chỉ ở thôn mình không đâu. Thôi mình về đi, sắp tối rồi.

Căn nhà lá của nó nằm sát chân hòn Trưng Sơn, bọn nhỏ chăn bò bạn nó lại gọi là hòn Sưng vì lưng núi nổi u nổi hòn như bị ai đánh sưng lên vậy. Từ lúc bỏ làng Thượng Bahnar đi, Mẹ nó tìm về đây vì Phú Lạc là quê cũ của bà, tuy nhiên mẹ nó buộc nó phải dấu kín chuyện này. Chuyến ra đi từ Vĩnh Thạnh về Phú Lạc không may hai mẹ con lại bị một bọn cướp chận đường giựt mất con Bạch mã thân yêu nhất, con ngựa mà nhờ nó hai mẹ con mới chạy thoát được cái đêm mưa gió chết người năm xưa. Cả số vàng còn lại cũng bị lột sạch, may mà mấy tên cướp tha mạng cho hai mẹ con nó, có lẽ vì chúng trông thấy đàn bà bệnh hoạn, con nít yếu đuối. Thằng ăn cướp coi bộ cũng còn lương tâm, cho lại mẹ nó một ít vàng. Nhờ vậy khi về đến hòn Sưng, hai mẹ con mới có chút tiền xoay xở mấy năm qua.

Ngôi nhà cũ ngày xưa của họ Ngoại đã bán cho người ta, có lần nó hỏi, mẹ nó chỉ lắc đầu, bà muốn dấu tung tích nên không bao giờ nhắc đến với nó, cả cái nơi mà lúc xưa xảy ra đánh nhau và Cha nó nữa, sợ nó lộ việc, kẻ thù sẽ tìm tới mà nhổ cỏ tận gốc. Ngay cái tên Võ Văn Doan của nó, bà cũng đổi thành Nguyễn Văn Doãn, dặn lỡ khi có ai hỏi vặn tên họ thì nói thế, còn bình thường bà cứ gọi nó là Lía riết rồi chết tên luôn. Bỡi vậy, trong trí nhớ của nó về Cha mình và ngôi nhà năm xưa chỉ là những hình ảnh thật mơ hồ của một trại ngựa, có một người anh tên là Trọng Hào vẫn thường chơi đùa với nó, rồi một đêm mưa gió thật to, nhiều người lạ ở đâu xông vào nhà nó đánh nhau tơi bời với Cha nó và mấy người trong nhà. Mẹ nó ẵm nó trốn ra chuồng ngựa rồi con Bạch mã cứ phóng đi trong đêm mưa cho tới lúc hai mẹ con nó được chú Y Mon cứu đem về nhà. Chú ấy sống một mình, lại rất tốt, lo cho hai mẹ con nó đủ thứ lại chữa cho Mẹ khỏi bệnh vì vết bầm ở sau lưng có dấu một cú đấm, nghe nói là bị người ta đánh trúng. Mấy năm sau đó Mẹ nó bỗng dưng dẫn nó bỏ đi không nói cho chú Y Mon biết. Nó hỏi mãi lý do, Mẹ nó chỉ ậm ừ không trả lời, bảo sau này lớn lên nó sẽ hiểu.

Về Phú Lạc được vài năm, bệnh cũ của mẹ nó lại tái phát, ngày một yếu đi. Hai năm nay trời nắng dữ dội, ruộng lúa ở đây bị khô, nó thấy người ta đắp sông Côn chận nước chảy vào mà cũng không cứu được lúa. Nhiều người bị đói, cả nó và mẹ nó cũng bị đói. Tuy bệnh hoạn, mẹ nó vẫn bảo nó không được làm bậy, không được đi ăn cắp của người ta, lại còn bắt nó học chữ. Nó ghét chữ như ghét mấy con chó nhà thằng Đằng, tuy vậy năm sáu năm nay mẹ nó cũng nhét vào đầu nó không ít chữ nghĩa, đủ để nó đọc được cuốn sách trước kia Mẹ nó nhờ chú Y Mon tìm về.

Trời hãy còn sáng. Nó rón rén bước vào căn nhà lụp xụp của nó, gọi nhỏ:

– Mẹ, Mẹ còn thức không. Con mang thức ăn về cho Mẹ nè.

Tiếng Nguyễn thị yếu ớt từ chiếc giường tre đặt sát vách vọng ra:

– Ở đâu con có thức ăn mà mang về. Lại đi ăn cắp nữa phải không?

Nó đáp nhanh:

– Dạ không có. Thằng Bưu và thằng Sứt xin ở nhà thằng Nhạc đó. Con không nói dối Mẹ đâu. Mẹ dậy ăn chút đi cho khỏe.

Bà hỏi vặn:

– Con nói thật không? Đồ ăn cắp thì Mẹ thà chết cũng không ăn đâu.

– Con nói thật mà, Mẹ tin con đi.

Rồi nó đem chuyện nó đi xin nhà ông Đốc Trưng bị cho rượt thế nào, thằng Bưu thấy tội đến nhà thằng Nhạc xin hộ cho, kể lại cho Mẹ nghe, chỉ có chuyện nó đánh thằng Đằng xịt máu mũi là nó dấu nhẹm. Kể xong nó nói:

– Cái lão Đốc Trưng thật ác độc. Không cho thì thôi còn xua chó rượt con. Lão này không bị sét đánh chết thật là ông trời không có mắt.

Nguyễn thị thều thào:

– Con không nên có ý nghĩ ác như vậy. Đừng trách người ta, hãy tự trách mình không làm nên việc gì để tự nuôi thân.

Nó mở gói đồ ăn ra, trong đó có nhiều cơm, chục con cá khô, khoai lang luộc và mấy trái chuối. Nó chạy lại lấy cái tô và cái nỉa sành, xới ít cơm vào tô, bỏ con khô vào rồi hai tay bưng lên đưa cho Mẹ:

– Mẹ ăn đi. Mẹ thằng Nhạc thật tốt bụng, cho nhiều đồ ăn qúa.

Nguyễn thị đỡ lấy tô cơm:

– Con cũng ăn đi. Đói lắm rồi phải không?

Lía cười nói:

– Con gà nướng bắt trộm hôm qua Mẹ không chịu ăn, con sợ bỏ uổng nên ăn hết, tới giờ còn no.

Nguyễn thị rơi nước mắt thở dài:

– Trong bụng con chứa toàn là những đồ phi nghĩa, rồi những thứ phi nghĩa đó tan vào trong máu, mai sau con làm sao mà thành người tốt được. Con phải biết, Cha con ngày xưa một đời ngay thẳng, chưa hề gian dối với ai một tơ hào nào. Suốt đời Cha con chỉ biết cho người chứ chưa hề lấy của ai một thứ gì.

Lía nghe Mẹ trách, nó hổ thẹn cúi đầu nói nhỏ:

– Con xin lỗi Mẹ. Con hứa với Mẹ sẽ trở thành người tốt như Cha. Mà Cha con là ai, Cha làm gì? Ngày xưa nhà mình ở đâu hã Mẹ? Mẹ ăn đi đã rồi hãy nói.

Nguyễn thị và miếng cơm nhai trệu trạo rồi nuốt xuống như cố nuốt đi cái dĩ vãng đau thương của mình. Bà nói nhỏ:

– Vẫn chưa đến lúc. Khi nào con trở thành người tốt Mẹ sẽ nói cho con biết. Giờ con chỉ cần biết Cha con là một anh hùng, suốt đời ngay thẳng trong sạch, và đã chết vì sự trong sạch, ngay thẳng đó.

Lía nghe Mẹ nói về Cha mình hào khí trong người bỗng bốc lên, nó nói:

– Con hứa với Mẹ từ nay trở đi con sẽ làm người tốt, không ăn cắp, không đánh lộn và sẽ lo kiếm việc làm để nuôi Mẹ, nuôi thân mình không cần nhờ vã ai nữa.

Nguyễn thị đưa bàn tay gầy gò nhẹ nhàng vuốt tóc nó, giọng âu yếm:

– Giỏi lắm. Mẹ biết con sẽ làm được và sẽ làm tốt hơn Cha con nữa.

Nó nghe nói thế liền dở qủe:

– Nhưng Mẹ phải cho con biết Cha con đã làm tốt thế nào để con có thể theo đó mà làm tốt hơn Cha chứ.

Nguyễn thị mỉm cười:

– Mày lại dở cái tật lém lía ra rồi. Được, hôm nay Mẹ sẽ kể cho con nghe tất cả.

Lía mừng rỡ nói:

– Khoan, khoan, để con lấy nước cho Mẹ uống đã. Mẹ ăn no chưa?

– Rồi. Con đi lấy nước rồi ngồi xuống đây.

Nó sắp được nghe sự tích anh hùng của Cha nên trong lòng mừng lắm. Vậy là những thắc mắc từ lâu quấy rầy đầu óc nó sắp được giải đáp rồi. Nó chạy đi lấy cái bát rót nước trong chiếc ấm đất nó đã nấu sôi, rót đầy bát nước rồi đem lại hai tay đưa cho Mẹ. Nó bóc thêm trái chuối nói:

– Mẹ ăn thêm trái chuối nữa đi rồi hãy kể.

Nguyễn thị bẻ một nửa, cón nửa kia đẩy lại cho nó:

– Con ăn đi. Hồi đó Cha con là một Cai đội lính thủy, chỉ huy cả trăm lính với năm chiến thuyền. Cha đã cùng Cai đội Long ở cửa biển Đại Chiêm ngoài Hội An tiêu diệt gọn một bọn cướp biển hung dữ người Hoa có sào huyệt ở ngoài đảo Hoàng Sa…

– Cha giỏi võ lắm hã Mẹ?

– Tất nhiên rồi. Đừng có chen vào để Mẹ kể hết cho nghe, dài lắm.

Rồi bà đem mọi chuyện kể lại cho Lía nghe. Đến đoạn cả nhà đêm đó bị một bọn người bịt mặt tấn công bà vẫn còn hoảng sợ, giọng nói run run. Lía hỏi:

– Bọn chúng là ai vậy Mẹ? Tại sao chúng lại xông vào nhà mình chém giết.

– Mẹ không biết. Chỉ biết trước đó Cha con có kể cho Mẹ nghe có lần Cha đã chém cụt một cánh tay của một tên cướp trong một bọn người Hoa khi chúng toan giết cả nhà họ Trần ở Mộ Hoa – Quảng Ngãi để cướp đoạt thanh bảo đao của nước mình. Sau đó Cha lại than phiền về vụ tranh giành quyền quản lý mỏ vàng ở Kim Sơn mà Cha đã được Võ vương chỉ định coi ngó.

– Rồi đêm đó Cha có giết được bọn lạ mặt đó không Mẹ?

– Me không biết, chúng đông lắm lại giỏi võ nữa. Cha vì sợ con bị chúng giết nên cùng mấy sư huynh con liều mạng che chở cho mẹ ẵm con lên lưng con Bạch mã chạy thoát đi. Tuy vậy Mẹ vẫn bị đánh trúng một chưởng sau lưng, may mà nhẹ nếu không đã chết trên lưng ngựa nơi núi rừng hoang dã rồi. Con còn nhớ dấu bầm hình cú đấm tay sau lưng mẹ không? Nó là một bằng chứng để con truy tìm hung thủ đấy.

– Dạ nhớ, con sẽ tìm cho được tên có cú đấm đó. Sau đó chú Y Mon cứu Mẹ và con phải không?

– Ừ.

– Còn Cha và mấy sư huynh thì sao?

– Sau này Mẹ tìm cách dò hỏi thì biết là cả nhà mình đã bị chúng giết sạch không còn một ai sống sót ngay trong đêm đó.

Bà kể đến đây giọng bỗng nghẹn lại. Hai bàn tay của Lía đã nắm lại thành cú đấm lúc nào nó không biết. Bỗng nó đấm mạnh tay xuống đất hét lớn:

– Bọn giết người đó con thề sẽ tìm ra và giết hết không chừa một đứa.

Nguyễn thị nghe nó nói giật mình sợ hãi. Bà biết hung tính trong người đứa con của mình đã nổi lên, bà vội nói:

– Con phãi bình tĩnh và nhẫn nại. Kẻ thù giết cả nhà mình nhất định sẽ tìm và giết hai mẹ con mình cho bằng được, chúng sẽ nhổ cỏ tận gốc để trừ hậu hoạn. Đó là lý do tại sao bao nhiêu năm nay Mẹ vẫn dấu không nói cho con biết sự tình, ngay cả tên họ của con cũng buộc phải dấu đi. Con hiểu điều này không?

Lía đưa tay quẹt nước mắt đáp:

– Con hiểu. Con sẽ cẩn thận giữ mình để lớn lên trả thù cho Cha và mấy anh. Nhưng bọn chúng là ai vậy Mẹ?

– Không biết. Bấy lâu nay Mẹ cố gắng dấu kín thân phận hai mẹ con mình nên không dám đi đâu, cũng không dám hỏi han ai điều gì. Mai này con phải tìm cho ra hung thủ.

Lía nắm chặt hai nắm tay hứa:

– Con thề sẽ tìm ra bọn chúng. Con sẽ giết sạch những tên cướp đó mới hả dạ.

Nguyễn thị thở dài nói:

– Thù Cha tất nhiên phải trả. Nhưng Mẹ mong con nhớ kỹ điều này. Ai làm nấy chịu, tuyệt đối con không được giết người vô tội. Con hứa với Mẹ đi.

Lía cúi đầu nói:

– Dạ con hứa với Mẹ.

Nguyễn thị lại nói:

– Hồi đó Cha có hai người bạn thân mà Cha rất ngưỡng mộ họ. Một là Cai đội Long ở cửa Đại Chiêm, một người nữa là Đoàn Phong, giữ chức Tả hộ vệ của Hình bộ phủ Chúa đương triều. Mai sau con nên tìm hai người này mà dò hỏi tung tích kẻ thù. Mẹ tin rằng khi nghe tin nhà mình bị thảm sát, họ thế nào cũng sẽ điều tra hung phạm. À, còn một người nữa có biệt hiệu Vô Ảnh Thần Thâu gì đó. Người đó và mấy người bạn nữa cũng được Cha nhắc đến luôn.

Lía reo lên:

– A, con nhớ rồi. Có phải chú Phong hứa cho con cây kiếm không? Con sẽ tìm ra chú ấy. À, còn Sư tổ đâu hã Mẹ?

– Mẹ cũng không biết. Trước ngày xảy ra chuyện Sư tổ đi Phú Xuân dự đại lễ Vu Lan mãi không thấy về. Mẹ ước gì con gặp được Sư tổ để được người dạy dỗ thì hay biết mấy. Sư tổ vốn là đệ tử út của tổ Nguyên Thiều, sau này con nên đến Thập Tháp Di Đà Tự để dò hỏi xem.

Lía cương quyết:

– Mẹ đừng lo, con sẽ học võ thật giỏi. Con sẽ đi tìm Sư tổ.

Nguyễn thị thở dài:

– Chúng ta lúc này đang cơn nghèo đói lấy tiền đâu cho con học võ mà con nói sẽ học cho giỏi?

Lía cười:

– Không có tiền thì học lén. Con nhìn trộm ông thầy võ dạy thằng Nhạc cũng tập được mấy đường rồi đó Mẹ.

Nguyễn thị mỉm cười héo hắt:

– Mẹ thấy con hì hục đào lỗ rồi nhảy lên, nhảy xuống là tập theo kiểu học lén đó hã?

– Ồ không! Đó là con bắt chuớc con cá lóc, hôm trước con bắt nó, nó búng mình lên cao qua khỏi bờ ruộng chạy mất, con thích qúa nên tập nhảy như nó. Mẹ có tin bây giờ con có thể nhảy qua khỏi hàng rào thật cao rồi không?

Nguyễn thị biết con mình là đứa ham mê võ nghệ hơn học chữ, bà chỉ sợ sau này nó sẽ trở thành kẻ hung dữ giết người vô tội nên rất lo lắng. Bà nói:

– Võ giỏi mà chỉ dùng nó để hại người thì thà đừng biết võ con ạ. Phải biết dùng nó để giúp người, giúp đời đó mới là điều Mẹ mong muốn, con có làm được như vậy không?

Lía nghe giọng nói hết sức tha thiết vừa từ ái vừa buồn rầu của Mẹ, nó rưng rưng nước mắt:

– Con biết Mẹ lúc nào cũng lo con trở thành đứa ngỗ nghịch, hung tàn. Con hứa với Mẹ sẽ làm được những gì Mẹ đã dạy. Mẹ đừng buồn nữa. Con sẽ noi gương của Cha làm người tốt.

Nguyễn thị rơi nước mắt đưa bàn tay gầy gò xoa đầu đứa con yêu của mình mà xót thương cho số phận hẩm hiu của nó. Bà âu yếm nói:

– Mẹ tin là con sẽ làm được.

Hôm sau Lía thực hiện lời hứa của mình với Mẹ. Nó tìm đến những nhà giàu có trong vùng để xin làm việc, việc gì cũng được miễn có cái ăn cho nó và dôi ra chút đỉnh đủ để nó mang về nuôi Mẹ, nhưng nó đi khắp nơi mà không nhà nào chịu nhận. Họ viện đủ lý do để từ chối, nào là lúc này đang thời buổi khó khăn, hạn hán mất mùa ..vân..vân và vân..vân.. Nó biết những lý do đó là chính đáng, nhưng nó còn nghĩ thêm có lẽ thời gian qua nó đã gây nên bao điều tiếng, đánh lộn, ăn cắp đủ thứ nên không ai dám chứa nó. Thế là nó đành thất thểu trở về, vừa đi vừa buồn, vừa tủi, vừa giận. Nó rất muốn làm người tốt như đã hứa với Mẹ để bà vui lòng nhưng không ai cho nó thực hiện lời hứa đó. Nó chán nản trở về kể lại mọi việc, Nguyễn thị an ủi:

– Con đừng vội nản chí. Ngoài kia còn bao nhiêu việc khó nhọc hơn đang chờ đợi con. Làm người phải trì chí, có công mài sắt, có ngày nên kim. Cha con ngày xưa chỉ dựa vào một lời dạy của Nội con mà đã vượt được mọi khó khăn để đứng vững thành người hữu dụng.

Lía hỏi ngay:

– Nội dạy Cha câu gì vậy Mẹ?

Nguyễn thị nói:

– Đó là câu “Dù gặp hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng đừng để ngã qụi, rồi con sẽ đứng thẳng lên được”.

Lía lẩm nhẩm câu nói Mẹ vừa đọc hai ba lần xong nói, giọng rất cương quyết:

– Con sẽ đứng vững như Nội và Cha. Con hứa.

– Mẹ biết con sẽ đứng vững được.

– Cảm ơn Mẹ đã tin con.

Hôm sau nó lại đi xin việc. Nó đi đến các thôn xa hơn bên vùng hữu ngạn sông Côn nhưng cũng không ai nhận nên đành thất thểu trở về. Bụng đói cồn cào, nhìn thấy cây đu đủ trong vườn một nhà kia nó thèm nhỏ dãi nhưng nhớ lời hứa với Mẹ nó nhất định quay mặt bước đi. Cũng may ở nhà Mẹ nó còn để lại hai trái chuối, ít cơm và mấy con khô của mẹ thằng Nhạc cho bữa trước. Nó đói lắm cũng chỉ dám ăn một ít lót lòng rồi uống nước vào cho no. Nó vỗ bụng, lầm bầm trong miệng “uống nhiều nước vào, cứt nổi lên sẽ có cảm giác no chớ gì”.

Nguyễn thị lại an ủi con. Tuy bà khuyên con mình đừng nản chí nhưng trong thâm tâm bà đã vô cùng tuyệt vọng. Bà biết bà không còn đủ sức để vượt qua căn bệnh này, con bà thì bất tài vô tướng, lại nổi tiếng phá phách nên bà con trong vùng không ai dám chứa. Nhìn đứa con duy nhất lủi thủi ra vườn tập nhảy mà lòng đau như cắt, lệ nhỏ ròng ròng. Lía biết Mẹ không nói gì nhưng trong lòng rất buồn, nó chán nản muốn tập luyện cú nhảy cá lóc của nó nhưng không nhảy nổi lên khỏi hố. Nó ngồi bên mép hố ngơ ngẩn xuất thần. Bỗng có tiếng thằng Bưu gọi:

– Lía. Mày làm gì đó? Đi coi hát bộ đi. Tối nay ở bến Trường Trầu có gánh hát Tứ Linh về hát đó.

Lía giật mình quay lại thì thấy thằng Bưu và thằng Sứt đang đi tới. Nó thích nhất coi hát bộ, nghe thằng Bưu nói thì mọi buồn phiền biến mất, hỏi ngay:

– Thật hã? Để tao vào xin Mẹ tao đã.

Nó chạy vào hỏi Mẹ:

– Con đi xuống bến Trường Trầu coi hát bộ nhe Mẹ. Tan hát con về liền. Mẹ ở nhà ngủ nghen.

Nguyễn thị nói:

– Ừ con đi đi. Nhớ về sớm nghen con. Không được đánh lộn. Gánh nào hát vậy?

– Dạ. Thằng Bưu nói gánh của Tứ Linh.

Ba thằng liền chạy một mạch xuống bến Trường Trầu. Bến này nằm bên bờ phải sông Côn ở thôn Kiên Mỹ cách Phú Lạc chừng bốn năm dặm gì đó. Khi ba đứa đến nơi mặt trời đã lặn, mặt trăng tròn vừa lú qua khỏi đầu ngọn cây tỏa ánh sáng vằng vặc khắp nơi. Gánh hát đã trang hoàng sân khấu xong xuôi, tiếng kèn trống dạo thử vang xa cả dặm. Ở những nơi xa xôi thế này, mỗi lần gánh hát bội về là y như một ngày hội lớn (chữ gọi đúng là hát bội chứ không phải hát bộ như mấy đứa nhỏ thường nói). Bà con cả mấy thôn bên kia sông như Phú Phong, Trinh Tường cũng rủ nhau sang coi hát đông như kiến. Nhiều người ở tận dưới An Thái cũng chịu khó lên coi. Sân khấu được dựng lên trên một khu đấy trống, chung quanh đoàn hát cho làm hàng rào che rồi chừa một cửa nhỏ để bán vé. Người lớn đi coi hát còn mua vé chứ đám con nít mười đứa hết chín đều chui rào coi cọp, chỉ có đứa nào con nhà giàu mới đi theo cha mẹ vào cửa đàng hoàng. Tất nhiên bọn chúng chờ đến khi tuồng bắt đầu diễn mới chui vào, lúc đó những người canh gát đã lơ là việc kiểm soát vì họ đã bán vé xong rồi, vã lúc tuồng dang diễn họ không muốn xua đuổi lũ nhỏ gây ồn áo. Vì vậy bọn con nít lúc còn sớm thường tụ lại từng đám chơi đùa với nhau, có khi gây lộn đánh nhau túi bụi là chuyện thường, mà chuyện ẩu đả nhau hầu hết là do sự khích bác giữa xóm này xóm kia, thôn này thôn nọ.

Lúc bọn nhỏ thôn Phú Lạc của Lía đang tụ lại với nhau thì thằng Đằng ở đâu dẫn theo mấy đứa nhỏ khác ở thôn An Thái bên kia sông Côn tới. Đằng hỏi:

– Thằng Nhạc đâu, ra đây. Mày dám đánh với tao trận nữa không?

Thằng Nhạc đang đứng trong đám bước ra nói:

– Hôm trước Cha tao biết tao đánh lộn với mày đã la tao một trận. Tao không đánh với mày nữa.

Thằng Đằng hỏi:

– Sao? Cha mày cũng biết sợ Cha tao rồi phải không?

Thằng Nhạc đáp:

– Cha tao không sợ. Cha tao chỉ nói đừng đụng vào nhà mày vậy thôi.

Thằng Đằng vênh mặt lên:

– Biết vậy là tốt đó con. Còn mày? Mày có võ ngon lắm mà, tao thách đấu lại với mày đó.

Thằng Nhạc nói:

– Tao học võ để cho khỏe chứ không phải để đánh lộn. Tao không đánh.

Thằng Đằng xáp tới:

– Mày không đánh tao cũng đánh mày. Mày tưởng chuyện ở bờ sông như vậy là xong hã?

Nó nói xong xô thằng Nhạc một cái xiểng niểng. Thằng Sứt nói:

– Thằng Nhạc không muốn đánh thì thôi sao mày lại ép nó phải đánh. Mày lớn hơn nó nhiều mà Đằng.

Thằng Đằng xô thằng Sứt qua một bên gắt:

– Mắc mớ gì tới mầy. Muốn ăn đấm nữa hã con. Tao phải trả thù hai cú đấm hôm trước, mày nói nữa tao đấm mày luôn đó.

Thằng Sứt xoay sang Lía năn nỉ:

– Lía, mày nói thằng Đằng một tiếng đi. Thằng Nhạc đâu có muốn gây chuyện với nó.

Lía nghĩ đến việc mẹ thằng Nhạc giúp đỡ mẹ mình trong cơn đói khát nên mình phải có bổn phận giúp nó. Liền bước ra nói:

– Đằng. Thằng Nhạc nhỏ hơn mày, nó sợ không dám đánh với mày thì thôi, mày ép nó làm gì.

Thằng Đằng thấy Lía nói vào, nó quay lại nhìn ba thằng bạn An Thái của nó xong quay lại nói:

– Tao không đụng tới mày, đừng xí vào chuyện của tao.

Lía nói:

– Mẹ thằng Nhạc giúp Mẹ tao khỏi chết đói, tao phải giúp nó. Mày muốn đánh nó thì cứ đánh tao đây nè.

Thằng lớn nhất trong ba đứa bạn An Thái của thằng Đằng bước tới nói:

– Mày ngon qúa há. Tao sẽ đánh với mày.

Lía nói:

– Tao đã hứa với Mẹ tao là không đánh lộn nữa. Tao không đánh với mày. Thằng Đằng muốn đánh thằng Nhạc trả thù hai cú đấm thì cứ đánh tao là được. Tao không đánh lại, cũng không né tránh.

Nói xong nó đứng buông tay trước mặt thằng Đằng tỏ vẻ không kháng cự. Thằng Đằng thấy vậy hơi ngán tự động lùi lại một bước. Thằng bạn An Thái lúc nãy nói:

– Mày tính làm anh hùng hã con. Được để tao đánh thay thằng Đằng.

Lía nói:

– Đứa nào cũng được, nhưng đánh tao xong là coi như chuyện thằng Nhạc đã giải quyết, từ nay không được đánh nó nữa. Đằng, mày chịu không?

Thằng Nhạc níu tay Lía:

– Mày không đánh lại cũng được nhưng phải né chứ. Thằng kia to như vậy nó đánh mày chết đó.

Lía nói:

– Không sao, tao chịu đựng được. Cho xong chuyện này đi cho rồi.

Thằng Đằng nhìn thằng bạn An Thái của nó hỏi ý. Thằng An Thái gật đầu, thằng Đằng nói với Lía:

– Được.

Thằng An Thái bước tới không nói một tiếng nào, đấm một cú thật mạnh vào mặt Lía. Thằng này chắc có võ, cú đấm của nó rất đúng kỷ thuật. Lía không đỡ mà cũng không né tránh như đã hứa, nó lãnh trọn cú đấm đó vào giữa mặt máu mũi chảy ra có vòi. Nó nghiến răng chịu đựng nói:

– Một cú nữa.

Thằng An Thái thấy sự gan lì của Lía nó cũng hơi ngán nhưng lại nổi tức khí trong bụng, nó gồng tay đấm vào màng tang của Lía một cú nữa. Cú này nó ráng hết sức mình. Lía trúng cú đấm đó tai kêu o o không ngớt. Nó cắn răng chịu đựng, đứng yên không nhúc nhích, nói lớn:

– Đấm đủ rồi. Tụi bay đi đi.

Thằng Đằng nghe giọng nói biết thằng Lía đang giận lắm, tuy nó có ba thằng bạn An Thái nhưng thấy tướng thằng Lía đứng lẫm liệt, nước da ngâm đen của nó dưới ánh trăng trông như pho tượng hộ pháp trong chùa thì phát khiếp trong lòng, hơn nữa đã hứa với nhau rồi nên nó nhìn thằng Nhạc nói:

– Tha cho mày lần này đó con.

Rồi ra dấu cho ba đứa bạn bỏ đi. Thằng Nhạc hỏi Lía, giọng cảm động:

– Mày có sao không Lía. Tao biết hai cú đấm đó mạnh lắm. Thằng đó là Sáu Lù, học trò ở lò võ An Thái của thầy Tư Lương đó. Máu mũi của mày chảy ra nhiều qúa kìa.

Lía lấy bàn tay chụp vào màng tang để bịt những tiếng o o còn vang trong đó nói:

– Tao không sao. Thằng khốn đó đấm mạnh thiệt. Phải nó gặp tao trước khi tao hứa với Mẹ tao thì hay biết mấy.

Sứt tìm đâu được miếng vải đưa nó:

– Mày chùi máu đi. Thôi tụi mình vào coi hát đi, tuồng diễn nãy giờ rồi đó.

Thằng Nhạc nói:

– Cảm ơn mầy nghen Lía. Đêm nay thằng Đằng dẫn bọn An Thái tới là tính ăn thua đủ với bọn mình. Không có mày đỡ, chắc tao bị đòn no rồi. Thằng khốn đó cũng dân Phú Lạc lại đi chơi với bọn An Thái để đánh anh em thôn nhà. Hèn thật.

Lía nói:

– Khỏi cảm ơn. Mẹ mày giúp tao, tao phải giúp mày. Thôi tìm chỗ vào coi hát đi.

Đêm đó tuồng diễn vở Hạng Võ Biệt Ngu Cơ. Coi tới màn Hạng Võ cắt đầu giao cho ông Đình trưởng ở bến Ô Giang mắt thằng Lía bỗng đỏ hoe, nước mắt lưng tròng. Hình ảnh Sở Bá Vương xỏa mái tóc dài lẫm liệt đưa tay nắm tóc tự cắt đầu mình làm nó xúc động mạnh. Thằng Nhạc thấy Lía rưng rưng nước mắt thì lấy làm lạ, một thằng gan lì như Lía mà lại khóc khi coi hát thật là chuyện nó không ngờ. Lúc tan hát đi bộ về Nhạc bỗng nói:

– Lía. Tao thấy lúc mày đứng chịu hai cú đấm của thằng Sáu Lù ở bến Trường Trầu cũng hiên ngang, lẫm liệt như Sở Bá Vương đứng cắt đầu ở bến Ô Giang vậy đó. Ông ta là Sở Bá Vương của nước Sở, mày là Phú Lạc Vương của thôn Phú Lạc mình.

Thằng Nhạc được cha cho học chữ và học võ nên ăn nói đúng cách. Bọn nhỏ nghe thằng Nhạc nói liền nhao nhao tán đồng:

– Đúng đó. Thằng Lía cũng gan lì y như Sở Bá Vương. Nó là Phú Lạc Vương Lía.

Chuyện thằng Lía vì hứa với mẹ phải đứng yên chịu đòn thay cho thằng Nhạc để trả ơn không biết đứa nào nói, chắc thằng Sứt, mà đến tai mẹ thằng Nhạc. Tối đó cha thằng Nhạc ở dưới Trường Trầu về bà kể lại, ông nói với vợ và con:

– Thằng Lía là đứa trẻ tốt đó. Làm con trai phải như vậy mới được. Hứa phải giữ lời, có ơn phải trả. Mai con kêu nó lại cho cha nói chuyện. Nó muốn làm việc kiếm tiền nuôi mẹ thì theo cha xuống Trường Trầu mà làm. Cha sẽ trả công cho nó đủ để hai mẹ con sống.

Nhạc mừng rỡ nói:

– Cha giúp nó là hay qúa rồi. Tội nghiệp nó đi xin việc hết hai ba ngày nay mà không ai chịu nhận hết. Nó và Mẹ nó đói lắm, bà ấy đang bệnh nữa.

Ông Phúc nói:

– Mai con gọi nó đến sớm gặp cha.

Nhạc nói:

– Nó không chơi với con. Nó nói con nhà giàu nên không chịu làm bạn.

Ông Phúc cười:

– Nó bị mặc cảm thôi. Chúng ta cứ đối xử tốt với nó là được.

– Thôi để mai con với thằng Sứt đi gọi nó. Nó thương thằng Sứt lắm.

Thế là từ đó Lía làm việc ở bến Trường Trầu giúp ông Phúc. Nó khỏe như voi nên làm rất được việc. Những thúng trầu nguồn bốc lên, dỡ xuống thuyền trên bến nó bưng nhẹ nhàng như bưng chén cơm vậy. Nó làm việc rất siêng năng, hết việc của ông Phúc nó lại sẵn sàng phụ giúp những người khác một cách nhiệt tình và vui vẻ nên mọi người ở bến ai cũng thương. Từ một đứa trẻ ngỗ nghịch phá phách, nay trở thành một đứa trẻ tốt khiến nó rất vui và cao hứng, tối nào cũng về khoe với Mẹ. Nó bỗng nghiệm ra rằng làm đứa trẻ phá phách có niềm vui của lúc phá phách, nhưng làm đứa trẻ tốt, giúp mình giúp người niềm vui còn lớn hơn. Nhưng người vui nhất phải kể là mẹ nó. Nguyễn thị từ khi thấy con thay tính đổi nết bà mừng còn hơn lúc xưa chồng bà bắt được vàng. Đêm đêm bà không ngớt van vái Phật Trời cho đứa con của mình trở thành người tốt và tốt hơn nữa. Lía làm có tiền, nó mời ông thầy thuốc nam có tiệm ở gần bến về bắt mạch hốt thuốc cho Mẹ. Nguyễn thị vừa vui trong lòng vừa được uống thuốc nên sức khỏe dần dần khá hơn. Ông thầy thuốc lại tốt bụng nên đôi khi ông khám bệnh cho thuốc mà Lía khỏi trả tiền.

Làm việc ở nơi phố chợ, va chạm với nhiều người nó mới thấy rằng trong đời kẻ xấu tuy nhiều nhưng người tốt cũng không ít, sự căm ghét người đời lúc xưa cũng phai nhạt phần nào trong lòng nó. Dẫu sao, theo sự phân lượng của nó thì đám nhà giàu có, mười người đã có bảy tám là kẻ xấu xa, trong khi đó đám người nghèo thì con số kia ngược lại. Còn đám quan lại chức quyền thì còn tởm hơn nữa. Mỗi lần nó thấy tên Biện lại Đặng Thu, con người mặt ốm choắt như con chồn, xuống bến thu thuế là bụng nó cứ sôi lên vì giận trước thái độ hung hăng và hách dịch của hắn ta. Nó nghe các chủ hiệu ở khu chợ than phiền rằng mấy năm gần đây ngoài chuyện hạn hán mất mùa còn thêm vụ triều đình tăng thuế liên tục khiến cho bà con khắp nơi đói khổ kêu trời không thấu. Đã vậy mấy ông quan thu thuế lại được nước làm càng bóp chẹt mấy hiệu thương buôn nên bà con ở bến không ai là không la trời kêu đất. Ở bến Trường Trầu mấy tháng gần đây đã xuất hiện nhiều người đói rách ăn xin. Nghĩ đến thân mình lúc xưa cũng từng có những tháng ngày đói cơm như thế Lía thấy thương đám ăn mày lắm, có điều kiện là nó giúp họ ngay.

Từ khi Lía về làm ở Trường Trầu nó ít gặp thằng Nhạc, nghe nói nó xuống dưới thôn Bằng Châu ở lại nhà họ Đinh nào đó học võ, đến hôm nay mới gặp lại vì là ngày thôi nôi của thằng Huệ em nó. Nhà ông Phúc kỳ này mở tiệc mừng thôi nôi rất lớn, số khách mời nhiều hơn năm ngoái khi làm thôi nôi cho thằng Lữ. Lía nghe thằng Sứt nói (nó chăn trâu, giúp việc trong nhà thằng Nhạc từ nhỏ nên cái gì nó cũng biết, lại mắt cái tật ngọng hay nói nữa) sở dĩ ông Phúc qúi thằng Huệ như thế là vì lúc vợ ông ta sinh thằng Huệ, vườn huệ sau và trước nhà bỗng rộ hoa, mùi hương thơm ngát cả một vùng (mẹ thằng Nhạc, bà Mai thị Hạnh rất thích hoa huệ nên trồng quanh nhà rất nhiều). Do đó ông Phúc lấy tên Huệ đặt cho con mình. Thằng Sứt còn nói thêm, có lần nó nghe cha mẹ thằng Nhạc nói tên Huệ còn giúp họ nhớ tới mấy đứa con gái em thằng Nhạc sinh ra bị mất dấu của họ. Còn một điều nữa khiến vợ chồng ông Phúc vui mừng là vì cả thằng Nhạc và thằng Huệ đều sinh nhằm năm Qúi. Nhạc thì Qúy Hợi, thằng Huệ được Qúy Dậu, cả thằng Lữ cũng được chữ Nhâm, tức Nhâm Thân. Họ tin là mấy đứa con họ sau này tất qúy hiển nên vui.

Nhạc nhớ ơn Lía cứu mình năm ngoái, lại thấy Lía đang giúp việc cho Cha nên mấy ngày về ở nhà nó hỏi nếu muốn nó chỉ lại mấy bài quyền nó học được của nhà họ Đinh, nó khoe đây toàn là những bài quyền độc thủ. Lía rất muốn học võ nên nhận lời ngay. Thế là mấy đêm liền sau đó ông thầy võ tí hon Nguyễn Nhạc và tên đồ đệ Lía mãi mê kẻ dạy người học. Thằng Lía học chữ thì dốt nhưng học võ lại rất nhanh, chỉ mấy đêm mà bao nhiêu lời thiệu của các bài thảo Ngũ Môn, Ô Du, Trương Phụng Hoàng, Thiền Sư, Xung Thiên..v.v.. cùng những thế võ thằng Nhạc học được nó đã thuộc nằm lòng, đã thế lúc múa quyền, đòn của nó gió rít vù vù nghe rất tợn. Thằng Nhạc thấy Lía đi quyền cũng lắc đầu le lưỡi nói:

– Mầy có khiếu học võ đó Lía. Nếu mầy được bác Nhưng dạy cho thì sẽ trở thành cao thủ vô địch thiên hạ. Gọi mầy là Phú Lạc Vương thật đúng.

Lía cười:

– Tao phải lo làm việc nuôi mẹ, đâu có tiền, cũng đâu có thời giờ xuống đó học võ. Tao học lại của mày rồi ráng tập cũng được. Bây giờ mầy là Thầy tao rồi đó. Tao mà là Phú Lạc Vương thì mầy là Tây Sơn Vương.

Nhạc tóet miệng cười:

– Thầy con khỉ khô. Mầy mà đấm một cú, tao chỉ có nước đi đời nhà ma, ở đó mà làm thầy với Tây Sơn Vương. Nè Lía. Nếu mày trở thành cao thủ võ lâm, đánh khắp thiên hạ vô địch thủ thì mày sẽ làm gì?

Lía ngạc nhiên nhìn thằng Nhạc:

– Sao tự dưng mày hỏi chuyện không thể nào có đối với tao vậy?

Nhạc cười:

– Thì mình ví dụ vậy mà. Cứ coi như là ước mơ của mày vậy đó. Mày trả lời đi.

Lía bỗng lây cái giấc mơ làm người hùng của Nhạc, nó nói:

– Nếu tao có thể đánh khắp thiên hạ vô địch thủ thì tao sẽ tiêu diệt lũ tham quan, đánh đổ đám cường hào, cướp hết con mẹ nó của những nhà trọc phú để giúp cho đám người nghèo khó trong thiên hạ. Còn mày, mày mơ cái gì?

Nhạc mỉm cười đáp:

– Lúc nãy mày gọi tao là Tây Sơn Vương, tự nhiên tao thích ba tiếng đó qúa. Tao mơ được làm Tây Sơn Vương. Cha chả, Đại tướng Phú Lạc vương Lía đâu, mau đem binh đánh dẹp lũ giặc cướp An Thái cho ta, bắt thằng Đằng phản bội và thằng Sáu Lù về đây cho ta trị tội.

Lía thích nhất hát bội, nó thấy thằng Nhạc diễn tuồng nó liền phụ họa:

– Dạ muôn tâu Tây Sơn vương, hạ thần Lía y lịnh. Thùng.. thùng..thùng….

Hai thằng phá ra cười. Hai đứa bây giờ có vẻ thân với nhau hơn, nhưng sau đó Nhạc trở xuống Bằng Châu học võ, Lía tiếp tục công việc phụ giúp ở bến Trường Trầu. Hai hình ảnh, hai cuộc đời trái ngược nhau khiến Lía thấy mình không thể nào gần gũi với thằng Nhạc được. Mặc cảm sang hèn, chủ tớ khiến nó tự đặt mình ở một thế giới khác với thế giới của thằng Nhạc. Thế giới của nó là thế giới của những người lao công, những kẻ ăn mày lang bạt. Nó thấy thân thiện với thằng Sứt, thằng Bưu và những đứa trẻ ăn mày ở bến trầu hơn. Nó càng gần gũi với mấy đứa trẻ nghèo đói, sự căm ghét mấy đứa con nhà giàu, những người lớn giàu có và đám quan quyền hống hách càng sâu hơn trong lòng nó. Cứ mỗi lần nó thấy bọn quan lại đi thâu thuế bức hiếp những người bán buôn cả nhỏ, lẫn lớn là ruột nó lại sôi lên, nhưng nhớ lời mẹ dặn nó ráng nuốt giận xuống.

Hôm đó gần cuối năm Ất Hợi (1755), Lía đã được mười lăm tuổi. Từ nhỏ nước da của nó đã ngâm đen, hai năm nay làm việc dưới bến nắng mưa dầu dải nên lại càng đen hơn nữa, ra dáng của một thiếu niên dũng mãnh. Từ cái hôm coi hát bộ, nó hâm mộ nhân vật Hạng Võ qúa nên đã để tóc dài không cắt, bây giờ trông nó mới thật giống mấy tượng hộ pháp trong mấy ngôi chùa. Mùa cuối năm là mùa thu thuế gộp, mọi người buôn bán nếu có nợ thuế trong năm đều phải tìm cách nộp đủ cho chính quyền sở tại để nộp về cho Phú Xuân, kết thúc hồ sơ mỗi năm. Những dịp cuối năm, nhất là những năm mất mùa, đời sống khó khăn, thường thì các hộ buôn bị thiếu thuế, bắt họ phải nộp đủ là chuyện rất khó, nếu không có biện pháp mạnh thì không thể nào thu cho đủ được. Nhất là những hộ nông dân làm ruộng, mất mùa, sổ nợ thuế của họ dày cộm đến phát ghê. Năm nay, rút kinh nghiệm mấy năm trước, chính quyền huyện Tuy Viễn gởi một toán lính đi kèm theo mỗi viên Biện lại để thu thuế cho có hiệu qủa hơn.

Viên đội trưởng đi theo tên Biện lại Đặng Thu để thu thuế vùng Trường Trầu – Kiên Mỹ kỳ này nghe đâu là cháu của quan huyện Tuy Viễn, lại còn có tin đồn hắn chính là đứa con riêng của ngài quan huyện, là tên hung dữ vô cùng. Mấy hộ buôn thiếu thuế không có tiền nộp, hắn cho bọn lính thẳng tay đánh đập còn tịch thu tài sản để khấu trừ. Hôm qua Lía chứng kiến cảnh bọn chúng vào cửa hàng của ông Phúc làm oai làm phúc trong lòng đã giận nư, nhưng ông Phúc mềm mỏng khéo léo nên mọi chuyện rồi cũng êm. Bữa nay nó lại thấy tên đội trưởng liên tục đánh mấy người chủ buôn khất nợ thì lồng ngực của nó cơ hồ bể tung vì cố sức nén cơn giận vào. Cho đến khi tên đội cho lính đánh ông chủ tiệm thuốc nam cùng đứa con gái lớn của ông ta thì Lía hết nhịn nổi. Mấy năm nay ông thầy thuốc nam này đã cứu mẹ nó, tuy nó không nói ra nhưng vẫn coi ông ta là người ơn lớn của nhà mình. Ông ta lại là người nổi tiếng nhân đức cứu giúp rất nhiều bà con ở đây, nay nó chứng kiến cảnh ông và con gái bị tên đội trưởng và đám lính hành hung thì khí uất bấy lâu bùng nổ. Nó hét lớn một tiếng như cọp gầm khiến mọi người đinh tai nhức óc:

– Dừng tay.

Rồi như con hổ dữ lao vào thẳng tay đấm tên đội trưởng mấy cú bằng tất cả sự căm hờn của mình. Mấy cú đánh của nó là những đòn độc của họ Đinh mà thằng Nhạc đã dạy năm ngoái, cả năm nay đêm đêm nó không ngừng luyện tập cho nên với sức mạnh như nó thì tên đội trưởng cậu ấm kia làm sao chịu nổi. Tên đội trưởng bị tiếng hét của Lía đã bể cả mật, bị trúng thêm mấy cú đấm nữa thân hình của hắn bay ra thật xa ngã nhào xuống đất giãy đành đạch mấy cái trợn trắng hai tròng mắt, máu mồm máu mũi trào ra cả đống. Hắn chết ngay tại chỗ không kịp nói một tiếng nào. Bọn lính đi theo thất kinh vội rút đao kiếm ra bao vây tấn công Lía. Lía biết mình đã gây nên họa lớn nên xông vào một tên lính tung một quyền, tên lính bật ngửa ra, trống chỗ, Lía phóng người chạy thẳng một mạch theo bờ sông mất hút. Bốn tên lính còn lại đuổi theo, nhưng chúng nghĩ tới cú đấm ghê hồn của Lía nên chạy được một lúc giả vờ không đuổi kịp rồi cả bọn quay trở lại hiện trường.

Lía chạy một mạch về nhà. Nguyễn thị thấy nó thục mạng chạy về thì trong bụng đã biết có chuyện không hay. Lía vừa đến nơi bà đã hỏi nhanh:

– Có chuyện gì sao con?

Lía qùi xuống trước mặt Mẹ nói nhanh:

– Mẹ tha lỗi cho con. Con không dằn được cơn giận nên đánh chết thằng đội trưởng dẫn lính đi thu thuế rồi. Mẹ con mình phải trốn đi gấp trước khi bọn chúng kéo tới đây.

Nguyễn thị bấy lâu nay vẫn nơm nớp lo sợ cho hung tính tiềm ẩn trong người của thằng con mình, tuy thời gian qua nó đã biến thành đứa trẻ tốt nhưng lúc nào bà cũng dự kiến chuyện không may sẽ xảy ra. Giờ nghe Lía nói bà giật mình hoảng hốt nhưng rồi đã giữ được bình tĩnh ngay. Bà nói:

– Chuyện đã đến nước này thì con chạy trốn ngay đi, càng xa càng tốt. Mẹ già rồi chúng không làm gì đâu. Con cứ để mặc mẹ.

Lía hết hồn tưởng Mẹ giận nên nó khóc:

– Mẹ tha lỗi cho con. Con làm sao bỏ Mẹ lại được. Con sẽ cõng Mẹ chạy trốn.

Nguyễn thị vuốt đầu nó, giọng tha thiết:

– Con khờ qúa. Mẹ bịnh, chưa biết sống chết giờ nào, bọn chúng bắt về chỉ tốn cơm nuôi mà thôi, đỡ phải lo. Mà chúng không bắt mẹ rồi mẹ cũng chết nay mai mà thôi. Nhưng con phải sống. Con còn mối thù của Cha chưa trả. Con nhớ kỹ, con còn thù Cha chưa trả, con biết không? Nay con cõng mẹ theo rồi mẹ cũng chết trên lưng con ở dọc đường, mà con sẽ bị chúng bắt được. Như vậy là cả nhà mình tuyệt tử tuyệt tôn. Con biết không?

Lía vẫn khóc:

– Nhưng con đành lòng nào bỏ Mẹ ở lại. Rồi đây ai lo cho Mẹ?

Nguyễn thị cương quyết:

– Mẹ chết nay sống mai. Con chạy ngay đi, con cãi lời mẹ, mẹ cắn lưỡi chết ngay bây giờ để con được an lòng. Con cần phải sống. Con nghe chưa?

Lía nức nở:

– Mẹ…

– Không mẹ gì nữa cả, con chạy đi ngay hay không, con không đi mẹ cắn lưỡi ngay bây giờ. Đi!!!

Rồi bà dặn thêm:

– Và dù cho có việc gì xảy ra đi nữa con tuyệt đối không được bén mảng trở về đây. Phải giữ mạng sống của mình, nhớ chưa. Đi mau đi.

Lía nghe Mẹ cương quyết như vậy không biết làm sao đành lạy Mẹ bốn lạy, nó nức nở:

– Con bất hiếu. Mẹ tha lỗi cho con. Mẹ ráng sống nghe Mẹ.

Nguyễn thị cố nuốt nước mắt để nó an lòng, bà mỉm cười vuốt mái tóc dài nói:

– Ừ, thôi con chạy trốn đi. Bọn chúng kéo đến rồi kìa. Nhớ là đừng bao giờ trở lại đây. Con phải sống tốt nghe con.

Bà chạy đi lấy cho con mình mấy bộ áo quần cũ, rách nát bà đã vá lại, trong bụng muốn gói chút đồ ăn gì đó cho con nhưng nhà chẳng có thứ gì. Lía nức nở lần cuối:

– Con hứa. Con hứa với Mẹ.

Từ xa đã thấy một đám quan binh mấy mươi tên cỡi ngựa băng đồng chạy tới. Lía lạy Mẹ lần nữa rồi quẹt nước mắt, ôm gói đồ băng mình chạy thẳng vào trong núi. Nó vừa hút bóng thì bọn quan binh cũng vừa ập tới nơi, chúng nhảy xuống ngựa xông vào, ông Phúc cũng có mặt sau cùng trong đoàn người đó. Tên Đội trưởng thấy Nguyễn thị liền lớn tiếng hỏi:

– Thằng Lía con bà đánh chết quan binh, nó đâu rồi?

Nguyễn thị bình tĩnh đáp:

– Nó sợ tội nên chạy trốn rồi. Giờ nó ở đâu tôi không biết.

Tên Đội trưởng vung tay tát Nguyễn thị một tát, nạt nộ:

– Bà không biết thì bà phải vào tù mà ngồi đến mọt gông, chừng nào con bà tới thế mạng mới được ra.

Nguyễn thị bị cái tát cả tấm thân yếu đuối gầy còm của bà té nhào xuống đất. Nguyễn Phi Phúc bước tới nhỏ nhẹ với tên Đội trưởng:

– Bà ta bệnh hoạn liên miên, mấy ngài bắt bà ta về cũng chỉ tốn cơm tốn thuốc chớ ích gì. Thằng Lía trốn rồi, bắt bà già sắp chết này thế mạng có được gì đâu. Đội trưởng nghĩ lại cho.

Tên Đội trưởng trừng mắt nhìn ông Phúc:

– Ông là người dung dưỡng thằng Lía, nó giết người ông cũng chịu tội đó. Lo cho cái thân của ông đi, đừng xía vào chuyện của ta.

Nguyễn thị ngồi phệt dưới đất đưa tay quẹt máu mồm đang chảy ra, giọng thều thào:

– Cảm ơn ông Phúc đã có lòng với mẹ con tôi. Ơn đức này xuống suối vàng tôi còn ghi tạc. Ngài Đội trưởng đây nói tôi có thể thế mạng cho con tôi phải không? Thì đây cái mạng già này đây ông đem về tế cho người chết kia đi. Tôi thay mạng cho thằng Lía.

Nói xong bà cố hết chút sức tàn đưa tay đánh mạnh lên cằm của mình. Máu từ trong miệng bà lại chảy ra. Lưỡi của bà đã đứt, bà ngã nhào ra đất tắt thở, hai mắt mở trừng. Tên Đội trưởng và đám quan binh trông thấy hoảng hồn. Ông Phúc rươm rướm nước mắt bước đến vuốt mắt cho bà ta rồi ngước lên nói với tên Đội trưởng:

– Ngài đã nói bà ấy thế mạng cho con, giờ bà ta đã chết. Ngài nghĩ sao?

Tên Đội trưởng không biết xử lý thế nào đành nói:

– Để ta về trình lên quan trên quyết định. Dù sao thằng Lía vẫn phải vào tù.

Hắn quay sang đám lính ra lệnh:

– Các ngươi chia nhau lùng sục trong núi bắt cho được thằng Lía. Bà già này, ông Phúc, ông lo chôn cất gì đó thì lo đi.

Bọn lính nghe lệnh liền kéo nhau vào núi lục tìm, nhưng hòn Trưng Sơn cao vút, cấy cối um tùm biết đâu mà kiếm. Bọn lính bỏ đi rồi, đám thằng Sứt, thằng Bưu cùng lũ trẻ trong thôn Phú Lạc nghe tin tụ tập đủ mặt ở nhà thằng Lía. Chúng thấy mẹ thằng Lía nằm chết, xúm nhau khóc hu hu. Ông Phúc và mấy người trong xóm cùng nhau lo việc tẩm liệm cho Nguyễn thị. Tối đó bên ngoài thì đám quan binh canh gác rình bắt thằng Lía, bên trong bọn trẻ chăn trâu nằm sát vào nhau gần cái xác nói chuyện đã rồi ngủ say lúc nào không biết.

Hôm sau nữa, ông Phúc, cha con ông thầy thuốc nam và bà con hàng xóm tìm mua một cái hòm, làm lễ tẩm liệm sơ sài rồi đào huyệt ngay sau nhà, dưới chân hòn Sưng chôn Nguyễn thị. Ông Phúc và cả những người hàng xóm chôn cất người chết mà trong lòng thắc mắc không biết quê hương, gốc gác của bà ta ở đâu, bà là ai nữa, vì từ lúc hai mẹ con họ về ở đây, mỗi lần hỏi thăm, bà ta chỉ ậm ừ lảng tránh. Từ đó, những đám quan binh rình bắt thằng Lía vô tình trở thành đội lính canh mộ cho bà ta.

Chỉ tội cho ông Phúc và thằng Nhạc gặp cảnh ách giữa đàng mang vào cổ. Tên quan huyện thương đứa con rơi bị đánh chết, lại thấy ông Phúc buôn trầu có tiền nên lấy cớ Lía là người làm của ông ta nên bắt ông Phúc về huyện đòi bỏ tù. Lão Đốc trưng cha thằng Đằng vốn ghét ông Phúc nên đốc thêm vào, vậy là chúng nhốt ông Phúc lại, đánh thị uy một trận phủ đầu để vòi của. May nhờ gia đình ông Đinh Văn Nhưng ở Bằng Châu đứng ra lo liệu mọi chuyện mới êm xuôi.

Họ Đinh vốn xưa kia là người ơn từng cưu mang ông Hồ Phi Long, ông Nội của ông Phúc, từ lúc ông Long theo chúa Nguyễn từ Nghệ An vào Tây Sơn lập nghiệp. Sau cha ông Phúc là Hồ Phi Tiễn cưới bà Nguyễn thị Đồng ở Phú Lạc đã đổi ra họ Nguyễn để ông Phúc được hưởng gia tài giàu có của bên vợ vì họ Nguyễn không có con trai. Họ Đinh bao đời buôn ngựa rất giàu có và thế lực nên chạy chọt một hơi, lo lót một số tiền cho bọn quan liêu, ông Phúc được thả ra. Lúc ông Phúc bị bỏ tù, thằng Nhạc phải về bến Trường Trầu thay cha coi ngó việc bán buôn. Khi ông Phúc ra tù, Nhạc cũng thôi học võ, ở nhà phụ cha theo nghiệp buôn trầu. Sau lần đó, ông Phúc thấy trong người suy nhược dần nên dời nhà từ Phú Lạc xuống Kiên Mỹ, cách bến trầu không xa để tiện việc bán buôn. Mấy năm sau ông lâm bệnh từ trần, chàng thiếu niên Nguyễn Nhạc, ở cái tuổi mười lăm, đã phải thay cha coi sóc việc kinh doanh để nuôi mẹ và hai đứa em nhỏ mới năm, sáu tuổi.

Cáo thị tầm nã vẽ hình thằng Lía được dán khắp nơi, có treo giải thưởng nữa. Trong khi đó Lía vẫn còn lẩn quẩn trong vùng núi sau nhà, hôm người ta chôn mẹ, nó liều mạng tìm ra sát chân núi lén nhìn mà khóc nức nở xuýt bị bọn lính bắt được. Từ đó nó không dám mạo hiểm nữa mà lẩn sâu vào trong núi cao, đói thì ăn trái cây, hoặc bắt đại con thú rừng xấu số nào đó, khát thì uống nước suối, buồn ngủ thì leo lên cây mà nằm. Những ngày trốn tránh nó suy nghĩ đủ điều, về Cha nó, Mẹ nó, rồi nghĩ đến việc làm sao để trả được thù cho Cha, làm sao thoát khỏi sự lùng bắt của quan binh. Nghĩ mãi nó cũng chẳng tìm ra được câu giải đáp nào cho thỏa đáng. Cuối cùng nó qui cho mình cái tội là dễ nổi nóng, mà nổi nóng thì mất cả khôn, mất khôn thì hung tính lại nổi lên làm liều, làm bậy. Nhưng nó tuyệt đối không thấy hối hận về chuyện đánh chết thằng ôn dịch đội trưởng tàn bạo kia. Điều cuối cùng nó nhìn thấy và rút ra là tính hung của mình mà mẹ nó vẫn thường khuyên bảo. Nó biết tất cả tai họa của cuộc đời nó đều từ đó sinh ra, từ đó mà mẹ nó, người nó thương yêu nhất đời đã chết tức tưởi.

Thấy tính hung tức là kiến tánh của mình, nó vô tình thực hành câu nói mà mẹ nó thỉnh thoảng nhắc lại từ lời dạy của sư tổ nó, Vô Danh thiền sư, ngày xưa đã dạy mà nó không biết. “Buông dao đồ tể, kiến tánh Như Lai”. Ở một chừng mực nào đó, qua cơn hoạn nạn này nó đã nhìn thấy một phần bản tánh của mình. Cái Như Lai tánh có sẵn trong mỗi con người. Cái Như Lai tánh nằm ẩn sâu bên dưới cái nghiệp tánh, tức tánh hung của nó. May mắn là với riêng nó, trong tiềm thức đã chứa sẵn những câu kinh sám hối mà hằng đêm, từ lúc nó mới sinh ra mẹ nó đã lâm râm tụng niệm, cả đến khi nó lớn, những năm sống chung với chú Y Mon ở Vĩnh Thạnh, mẹ nó vì muốn giữ sự thanh bạch giữa hai người nên bắt nó ngủ chung giường với mình. Nó nghe mẹ niệm kinh sám hối, loại kinh giải nghiệp, ròng rã suốt mười mấy năm trời. Nó không biết, nhưng tiềm thức của nó đã thu giữ. Qua cơn chấn động này, một số chủng tử tốt từ đáy tiềm thức của nó đã trồi lên.

Nó lang thang trong núi không biết đã bao lâu, một hôm kia đang nằm buồn bã bỗng nghe tiếng cọp gầm vang rền cả núi rừng u tịch. Nó giật mình nhỏm dậy băng mình về hướng đó. Khi đến gần nó lại nghe có tiếng cọp đang gầm gừ tỏ vẻ tức giận. Lía rón rén đến gần. Những gì nhìn thấy trước mắt khiến nó giật mình mất vía. Một con cọp đen thui to lớn đang thủ thế, miệng không ngớt gầm gừ, trước mặt nó là một ông lão đầu tóc bạc phơ, quần áo trắng tinh đứng uy nghi như một tiên ông. Điều kỳ lạ là ông lão đứng yên bất động, mắt nhìn thẳng vào mắt con cọp, nhưng khí thế của ông ta đã làm cho con cọp khiếp sợ, nó thủ thế gầm gừ có vẻ tức tối lắm mà không dám xông vào. Lía nhìn thấy cảnh tượng này mồ hôi bỗng toát ra. Nó nghĩ trong đầu ông lão này chắc thế nào cũng bị con cọp đen hung dữ kia xé xác. Nó tính toán xem có cách nào cứu ông lão không nhưng trong tay nó không có một tấc sắt, con cọp lại to lớn như thế thì làm thế nào diệt nó nổi. Bỗng con cọp chậm rãi bước từng bước chung quanh người ông lão, miệng há ra đỏ lỏm, nhe mấy cái răng nanh nhọn hoắc trông thật dễ sợ. Lía nghĩ chắc con cọp đang lựa thế tấn công đây, nếu mình không làm cái gì đó thì ông lão kia sẽ chết chắc. Khi con cọp đi ngang qua chỗ nó núp, linh cơ xuất động, máu nghĩa hiệp cộng vào tính gan lì đã thúc nó phóng mình thật nhanh lên lưng con cọp, hai tay ôm cổ con vật to lớn và hung dữ kia siết mạnh. Con cọp đen bất ngờ bị Lía cỡi lên lưng rồi siết cổ nó gầm lên một tiếng nhưng cổ họng đã bị Lía siết chặt nên tiếng gầm trở nên ồ ồ, nghẹt nghẹt. Bốn chân của nó nhảy lên lồng lộn, đầu cổ không ngớt vùng vẫy cố sức hất địch thủ trên lưng xuống đất. Lía bây giờ ở trong thế cỡi trên lưng cọp nên nó cố hết sức bình sinh siết mạnh cổ con vật thêm nữa. Con cọp bị nghẹt thở càng hung tợn hơn, nó không ngớt lồng lộn, gầm gừ cố vùng vẫy để kháng cự. Cả thân hình của Lía giờ cứ như con đỉa bám vào lưng con vật, nó ráng sức đến độ mặt mày đỏ bầm rồi tím ngắt. Con cọp tinh khôn vô cùng, nó thấy vùng vẫy mãi vẫn không hất văng được địch thủ trên lưng nên trở thế nằm lăn trên đất, cả thân hình to tướng của nó đè lên người Lía, nhưng nó vẫn gan lì ôm cứng cổ con vật không buông, trong đầu nó lời dặn của ông Nội và Cha không ngớt vang lên “..không được ngã qụy, không được ngã qụy, rồi con sẽ đứng thẳng lên được”. Con cọp lăn một vòng vẫn thấy vô hiệu nên lại đứng lên lồng lộn, vùng vẫy tiếp.

Ông lão áo trắng nhìn cảnh tượng đó không khỏi giật mình, nhưng ông ta thấy thằng bé kia ôm cứng được cổ con vật không bị hất xuống đất nên vội thụt lùi ra đứng căng mắt quan sát. Hai tay của ông giờ đã nắm chặt, nét mặt tỏ ra căng thẳng chứ không thản nhiên như lúc đứng đối diện với con cọp. Ông lão đang chuẩn bị tinh thần để kịp thời ra tay cứu thằng nhỏ kia trong trường hợp nó bị con cọp hất văng xuống. Nhưng Lía đã không bị hất văng, trái lại con cọp bị nó siết cổ lâu qúa đã gần đứt hơi, sức lồng lộn của nó đã yếu dần, hai mắt đỏ ngầu, mép dãi nhiểu ra từng sợi dài. Chừng uống cạn ba tuần trà, con cọp cuối cùng đã ngã qụy. Lía thấy con vật nằm cứng đơ, nó nghĩ là đã thoát khỏi cơn hung hiểm nên buông tay. Nhưng nó vừa buông tay, chấm dứt sự cố gắng thì liền ngất đi trên lưng con vật. Tự nãy giờ nó chi trì được sức lực là nhờ ý chí cầu sinh trong đầu thúc đẩy sinh lực cơ thể, khi nó nghĩ đã thoát chết tức thì ý chí cầu sinh không còn nữa, sức lực liền tiêu tán và nó ngất đi. Sự căng thẳng trên nét mặt của ông lão giờ cũng tan đi dần dần, ông thở phào nhẹ nhõm bước lại sờ vào mũi thằng nhỏ. Nó còn thở, ông lão nở nụ cười, đầu không ngớt gục gặc tỏ vẻ vô cùng tán thưởng. Ông ẵm Lía trên tay len lỏi qua rừng cây về nơi một căn nhà trúc, đặt thằng bé nằm xuống chiếc giường chõng rồi đưa hai tay xoa bóp khắp người nó. Một lúc sau Lía mở mắt ra, hình ảnh lờ mờ nó thấy đầu tiên là một ông tiên áo quần và tóc râu bạc trắng. Nó tưởng nó đã chết rồi nên ú ớ hỏi:

– Ta chết rồi sao?

Ông tiên nở nụ cười hiền hòa đáp:

– Chưa, con chưa chết.

Mắt nó đã nhìn rõ hơn, thì ra là ông lão lúc trước đứng trừng trừng với con cọp. Nó biết nó còn sống thật, liền hỏi:

– Con cọp đen chết chưa ông tiên?

– Chết rồi. Con siết cổ nó tắt hơi rồi. Giỏi lắm. Thôi con nằm nghỉ chút nữa cho lại sức đã, ta đi làm cho con chút thức ăn. Đói lắm rồi phải không?

Lía mỉm cười đáp:

– Dạ.

Rồi nó nhắm mắt lại. Nó cứ tưởng tay chân mình sẽ mệt mỏi lắm sau cơn vật lộn với con cọp nhưng không hiểu sao nó vẫn cảm thấy toàn thân dễ chịu không chút gì là mỏi mệt cả, chỉ có bụng là đang đói cồn cào. Nó lấy làm lạ nghĩ chắc do ông tiên đã cho mình uống thuốc tiên nên mới được như thế chứ đâu biết ông lão đã dùng phương pháp xoa bóp khí công vừa xoa vừa truyền lực vào các huyện đạo chính trong cơ thể nó giúp phục hồi sức khỏe mau chóng. Một lát sau, ông tiên trở lại với một bát cơm nóng cùng miếng thịt rừng nướng to tướng. Ông bảo nó:

– Con ngồi dậy ăn cơm đi.

Lía ngồi dậy đưa hai tay đỡ lấy tô cơm. Bao nhiêu ngày rồi nó chưa được ăn cơm, nó vừa đói vừa thèm nên không ngại ngùng gì, nói xong mấy tiếng “cảm ơn ông tiên” là nó hồ hộc và cơm nhai lia lịa. Ông lão ngồi nhìn nó ăn nở nụ cười từ hòa nói:

– Từ từ mà ăn. Nuốt vội qúa sẽ không tốt cho bao tử.

Lía vừa nhai cơm vừa hỏi:

– Tiên mà cũng ăn cơm với thịt hã ông?

Tới giờ nó vẫn nghĩ nó đang gặp tiên như lúc nó ở với người Bahnar vẫn thường nghe họ nhắc tới. Ông lão mỉm cười đáp:

– Ta không phải là tiên, ta là người như con vậy.

Lía ngưng nhai, trợn mắt hỏi:

– Thật sao?

– Ừ.

– Sao ông lại ở trên núi có một mình? Sao con cọp sợ ông không dám vồ? Con tưởng ông tiên có phép nên nó sợ chứ.

Ông lão thấy nó tuy khỏe hơn cọp nhưng tính nết ngây ngô nên cười nói:

– Con ăn xong nghỉ ngơi, tắm rửa sạch sẽ ngủ một giấc đi. Mai ông sẽ nói cho con nghe.

Lía không cần nghỉ ngơi nhưng cần tắm vì người của nó dơ như thú không thích hợp với khung cảnh thanh nhã, sạch sẽ trong gian phòng. Phía sau gian nhà trúc là con suối, nó trầm mình vào dòng nước lạnh của những ngày cuối đông, người cảm thấy sảng khoái vô cùng. Tắm rửa sạch sẽ xong vào nhà, gặp ông lão nó hỏi ngay:

– Còn con cọp chết, mình phải mang nó về chứ ông tiên. Con thích bộ da đen như mun của nó lắm. Lại có thịt để ăn nữa.

Ông lão nói:

– Nếu con thấy khỏe thì chúng trở lại chỗ cũ mang nó về. Con giữ bộ da của nó làm áo khoác mùa đông cũng là việc hay.

Hai người, một già một trẻ liền trở lại nơi con cọp nằm chết. Lía một mình xốc con cọp nặng cả mấy trăm cân lên vai bon bon trở về. Ông lão đi sau thấy bước đi vững vàng như không của nó lắc đầu, khen:

– Lê Phụng Hiểu ngày xưa chắc cũng chỉ khỏe như con là cùng.

Lía hỏi:

– Lê Phụng Hiểu là ai hỡ ông tiên?

– Là một người rất khỏe ở đất Thanh Hóa thời nhà Lý, cách nay đã bảy trăm năm. (Lê Phụng Hiểu sống khoảng năm 1000 đến 1070, thời Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông và Lý thánh Tông). Thời trẻ như con, ông ta đã có thể một mình nhổ một gốc cây đại thụ dùng làm vũ khí để đánh lộn. Sau ông ra làm quan có công rất lớn giúp triều đình nhà Lý đánh đuổi quân Chiêm Thành.

Lía nghe nói hứng chí:

– Lê Phụng Hiểu đánh đuổi quân Chiêm Thành, còn con khi lớn lên nếu giặc Tàu dở thói xâm lăng con sẽ tiêu diệt chúng giúp chúa Nguyễn như Cha con vậy.

Ông lão cười nói:

– Có chí khí lắm. Cha con là ai?

Hai người đã về đến nhà, Lía quăng con cọp xuống đất cái bịch đáp:

– Cha con trước kia làm Cai đội thủy quân đã từng tiêu diệt bọn cướp biển hung dữ người Tàu ở đảo Hoàng Sa.

– Cha con là Cai đội Long hay Cai đội Trụ?

Lía thấy ông lão hỏi đúng tên cha mình thì ngạc nhiên lắm, chợt nhớ lời mẹ dặn nó giật mình vì đã lỡi lời nên ngần ngừ không dám đáp. Ông lão cười nói:

– Con không cần phải lo sợ về ta. Ta gác bỏ việc đời lẩn tránh vào thâm sơn cùng cốc đã lâu rồi. Việc bọn cướp Hắc Long bị hai người Cai đội Long và Trụ tiêu diệt lúc đó được mọi người nhắc tới mãi nên ta mới biết mà thôi.

Lía nghe nói mới an tâm đáp:

– Cha con là Cai đội Trụ.

Xong nó hỏi ngay:

– Ông tiên vì sao lại phải ẩn vào chốn thâm sơn cùng cốc ở hòn Sưng này? Ông tiên cũng là người Phú Lạc à?

Ông lão nghĩ bụng “thằng bé này lanh miệng thật, nó sợ lộ thân thế của nó cho người lạ hẳn là có bí ẩn gì đây”. Ông mỉm cười nói:

– Đợi đấy ông sẽ kể cho nghe.

Ông bước vào trong lấy ra một ngọn trủy thủ nhỏ nhưng sắc bén vô cùng, bắt đầu xẻ thịt con cọp. Ông xẻ rất khéo, khi lọc xong hết thịt, bộ da đã có hình chiếc áo khoác. Số thịt cọp ông bảo Lía vót cây nhọn xiên vào phơi lên cho ráo máu rồi ướp muối xong hun khói cho khô đợi ngày nắng đem ra phơi tiếp. Riêng tấm da hổ ông bắt Lía lọc thật kỹ thịt và lớp mỡ sát trong da, sau đó rửa kỹ rồi ngâm vào chậu nước muối với thật nhiều muối. Ông nói:

– Đợi đến tối khi muối thấm sâu vào trong da, con lấy bộ da ra phơi cho ráo, sáng mai ta hun khói cho kỹ thì con sẽ có một chiếc áo da cọp này để mặc.

Xong việc ông lão gọi nó vào nhà nói:

– Bây giờ để ông kể trước cho con nghe về ông nhé. Trước tiên ông không phải là tiên, đừng gọi ông tiên nữa.

Lía cười toe:

– Dạ, vậy con gọi ông là gì?

– Gọi cụ Bạch là được vì ta họ Bạch.

Lía nói ngay:

– Lía xin chào cụ Bạch.

Ông lão cười:

– Ra tên con là Lía. Ta là một võ trạng triều vua Lê Dụ Tông, ở Thăng Long ngoài Bắc hà. Sau chúa Trịnh Cương lộng hành truất phế ngôi Vua nên ta chán việc làm quan bỏ trốn vào núi rừng ở ẩn.

Lía hỏi:

– Võ Trạng là chức gì hỡ cụ Bạch?

– Là người đoạt giải nhất trong kỳ thi võ cả nước.

– Vậy là cụ Bạch giói võ lắm phải không?

– Ừ, con đừng hỏi nữa để ta kể hết đã. Từ ngày rời bỏ quan trường, ta đã đi chu du khắp nơi trong nước, nhất là những vùng núi non hiểm trở tìm nơi thích hợp để ở. Cuối cùng ta chọn hòn Trưng Sơn cạnh dòng sông Côn này và đã ở đây gần một năm.

Lía lại hỏi:

– Chỉ để ở thôi mà phải đi tìm khắp cả nước ư? Mà sao cụ Bạch lại thích ở trên núi? Ở dưới kia vui hơn chứ? Cụ Bạch ở đây có một mình, không có gia đình à?

Ông Bạch đáp:

– Ông không có gia đình con cái gì hết. Ông thích ở trên núi vì ông đã chán việc đời dưới kia rồi. Còn ông phải đi khắp nơi để tìm chỗ ở là có mục đích riêng.

– Mục đích gì vậy cụ Bạch?

– Ông muốn tìm người tài giỏi để truyền nghệ lại. Chỉ có những nơi địa linh, tức là vùng đất tốt mới dễ tìm người tài.

– Vùng này mà là đất tốt à? Con thấy ở đây ai cũng nghèo cả, đất tốt thì người ta đâu có nghèo như vậy. Mà cụ Bạch đã tìm ra ai để truyền nghệ chưa?

Ông cụ Bạch nhìn nó mỉm cười:

– Rồi.

Lía reo lên:

– Vậy là cụ Bạch vui rồi. Lía chúc mừng cụ. Mà ai vậy?

Cụ Bạch đáp:

– Là con đó.

Lía tròn xoe mắt:

– Là con à? Con mà người tài gì. Tài đi ăn trộm gà, tài phá làng phá xóm thì có.

Cụ Bạch nói:

– Việc đó ông nói sau. Giờ con có thể nói cho ông biết về gia đình con được chưa? Tại sao con một mình vào tận trong núi cao này? Cha mẹ con là ai, ở đâu?

Lía nghe hỏi đến thân thế mình thì nét mặt đã trở nên buồn xo. Nó rầu rỉ kể lại cho cụ Bạch nghe về cuộc đời của nó theo lời mẹ kể. Cuối cùng Lía rưng rưng nước mắt nói:

– Mẹ lúc nào cũng sợ con nổi hung làm bậy, dặn con rán nhịn mọi việc, phải ráng sống trong sạch và anh hùng như Cha, nhưng cuối cùng con đã làm sai lời Mẹ dạy. Con thật bất hiếu, nổi hung giết người phải bỏ trốn để Mẹ con phải chết tức tưởi một mình mà không dám về lạy trước quan tài. Con thật hối hận và hổ thẹn với linh hồn của Cha Mẹ mình.

Cụ Bạch an ủi:

– Làm lỗi mà biết nhận lỗi là tốt rồi. Từ nay về sau nếu con từ bỏ được hung tánh, biết thương yêu đùm bọc người nghèo khó thì con đã trả hiếu cho cha mẹ con rồi. Còn lũ tham quan cũng có nhiều tên đáng chết lắm, con không cần phải ân hận qúa. Có điều, tha được người thì nên tha. Giết người bao giờ cũng là việc xấu cả.

Lía quẹt nước mắt nói:

– Dạ, con biết rồi.

Cụ Bạch hỏi:

– Con đã từng học võ với ai chưa?

– Dạ chưa, à mà có. Thằng Nhạc dưới xóm đi học võ ở nhà họ Đinh thôn Bằng Châu về dạy lại con. Con học của nó được một số bài quyền.

Cụ Bạch cười nói:

– Con thử đánh hết mấy bài quyền đó cho ta xem.

Lía đứng lên bước ra sân, ông lão theo nó. Nó xuống tấn hướng về cụ Bạch ôm quyền bái tổ rồi đi hết các bài quyền đã học được. Nó học võ lại của một đứa nhỏ rồi tự tập lấy, tuy chiêu thức nhìn còn vụng về nhưng quyền phong vun vút, khí thế kinh người. Cụ Bạch đứng nhìn không ngớt gật đầu tán thưởng. Đi một lượt hết các bài quyền nó lại ôm quyền hướng về cụ Bạch bái tổ lần nữa, nở nụ cười bẻn lẻn:

– Con học lại của thằng Nhạc rồi tự tập lấy nên đánh bậy bạ không biết có đúng không. Cụ Bạch thấy chắc mắc cười lắm phải không?

Cụ Bạch nghiêm sắc mặt nói:

– Không bậy bạ chút nào cả. Đó là những bài quyền của họ Đinh truyền từ thời tướng quân Thái bảo Đinh Liệt dưới trướng Lê Thái Tổ ta. Họ Đinh đã theo vua Lê Thánh Tông đánh dẹp Chiêm Thành, lấy được thành Đồ Bàn, sau đưa nhau vào đây lập nghiệp ở Bằng Châu. Những bài quyền đó thuộc loại quyền pháp thượng thừa. Con tuy học không chính thống nhưng đường quyền của con phát ra rất uy mãnh, để ông giúp con điều chỉnh lại thì sức công phá của những đòn này sẽ rất cao.

Lía cúi đầu thưa:

– Con xin cảm ơn cụ Bạch.

Cụ Bạch mỉm cười:

– Khỏi cảm ơn. Con có muốn ở lại đây học võ với ta không?

Lía nghe nói mừng rỡ vội qùi xuống lạy cụ Bạch bốn lạy nói:

– Đệ tử Lía xin ra mắt Thầy.

Cụa Bạch đỡ nó đứng lên nói:

– Được, bắt đầu ngày mai thầy sẽ truyền hết tuyệt kỷ dòng họ Bạch cho con.

– Cảm ơn Thầy.

*

Hôm sau, trước khi bắt đầu buổi tập đầu tiên, cụ Bạch nói:

– Môn võ gia truyền của họ Bạch có từ lâu lắm nhưng đến thời Mười Hai Sứ Quân cuối nhà Ngô mới thực sự lừng danh toàn cõi Giao Châu mình. Thời đó tổ Bạch Khai Thành là người căn cơ tuyệt đỉnh, trí tuệ hơn người nên đã phát huy quyền pháp và đao pháp họ Bạch đến mức tinh vi, huyền diệu. Bạch gia quyền gồm hai lộ Cương quyền và Nhu quyền, còn Bạch gia đao pháp gồm đơn đao và đại đao. Bạch gia quyền thời tổ Bạch Khai Thành qúa sức huyền diệu nên người Giao Châu ta thời đó gọi là Quái Quyền và tặng cho danh hiệu Giao Châu đệ nhất quyền pháp và đao pháp, vượt cả quyền pháp họ Đinh của vua Đinh Bộ Lĩnh, ông tổ của họ Đinh ở Bằng Châu bây giờ. Quái Quyền gồm 120 thế Cương quyền và 60 mươi thế Nhu quyền. Con là người có sức mạnh, Thầy sẽ dạy Cương quyền trước, sau đó mới học đến Nhu quyền. Cuối cùng con sẽ học đao pháp và tiễn pháp, tức bắn cung.

Lía nghe Thầy kể về môn Bạch gia quyền đệ nhất thiên hạ, chợt nhớ tới câu hỏi của thằng Nhạc lúc trước, giấc mơ trở thành đệ nhất cao thủ đánh khắp thiên hạ vô địch thủ bỗng bừng lên trong lòng nó. Nó mừng rỡ nói:

– Con xin cảm ơn Thầy. Con sẽ rán sức tập luyện để khỏi phụ công ơn Thầy dạy dỗ và quyết không làm cho Bạch gia quyền mai một danh tiếng vì con.

Cụ Bạch mỉm cười nói:

– Tốt lắm. Có mấy điều con cần phải ghi nhớ là, Bạch gia quyền chỉ dùng để giúp đời, giúp nước. Người học Bạch gia quyền phải biết cứu khốn phò nguy, khuông phò xã tắc, tuyệt đối không được phản dân hại nước, tác ác, cường đồ. Con có thể thực hiện được những điều đó hay không?

Lía qùi xuống đưa tay lên thề:

– Con là Võ Văn Doan xin thề với trời đất, với tổ tiên Bạch gia, suốt đời giữ đúng môn qui, trái lời sẽ bị trời tru đất diệt.

Nó coi hát bộ bắt chước nên lời phát thệ rất đúng nghĩa lý. Nhưng nó thề với tất cả tấm lòng thành của mình. Cụ Bạch thấy được vẻ thành thật trong lời thề của nó nên rất mừng:

– Tốt. Đứng lên đi. Từ nay con sẽ là đệ tử của Bạch gia.

Từ đó trên đỉnh cao dãy Trưng Sơn, thôn Phú Lạc, Lía miệt mài ngày đêm luyện tập võ nghệ. Vùng đất địa linh đang nảy mầm sản sinh một nhân kiệt cho đời.

**********{jcomments on}

0 thoughts on “Én Liệng Truông Mây

  1. Tôn Nữ Yên Khê

    Chiều chiều én liệng Truông Mây

    Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.

    Cuộc đời chàng Lía từ thuở nhỏ đã khác thường rồi, cám ơn nhạc sĩ đa tài.

    Reply
  2. Trần thị Hiếu Thảo

    Cám ơn VT một thời cuộc đã đi qua nhưng óc tưởng tượng cuả anh thật phong phú truyện viết rất sinh động tính cách nhân vật được lột tả sắc sảo văn phong gởi nhiều tâm sự, T rất hãnh diện về người BĐ, trong đó có anh….từ nhỏ T thường nghe má hát khi những đưá cháu nhỏ nằm trên võng
    “Chiều chiều é liệng truông mây
    Cảm thương chú Liá bị vây trong thành”
    Từ nhỏ đã gieo vào lòng T sự cảm động ấy bây giờ lại có dịp một quyển TT dã sử Lịch sử đã cho T thưởng thức vẻ đẹp tính cách khác thường đáng yêu cuả anh hùng Liá .Cám ơn anh VT nhiều .chúc vui

    Reply
    1. Quang Vo

      Cảm ơn Hiếu Thảo đã bày tỏ cảm xúc của mình. Hy vọng khi bộ truyện ra đời cũng được nhiều người đón nhận với cùng cảm xúc như Thảo vậy. Chúc vui vẻ.

      Reply
  3. Võ Như Vũ

    Cảm ơn Vũ Thanh đã đóng góp nhiều cho văn hóa VN!
    Tiểu thuyết, thơ, nhạc đều hay và giá trị!
    Vũ Thanh có biết Võ Thanh Vân ?

    Reply
  4. Quang Vo

    Chào Võ Như Vũ. Cảm ơn lời khen của anh. Võ Thanh Vân là anh tôi đấy. Chắc anh Vũ là bạn anh Vân phải không? Chúc vui khỏe.

    Reply
    1. Võ Như Vũ

      Mình là bạn của Võ Thanh Vân từ thời trung học, nhưng rồi mỗi đứa một nơi nên nhiều chuyện gia đình chưa dịp biết đến.
      Cuối tuần qua, cùng bạn nghe Quốc Khanh hát vài bản nhạc, kể cả về đôi mắt mà ngàn lần không hiểu nổi, rồi nhắc đến Vũ Thanh lòi ra Võ Thanh Vân. Mừng Vân có người em đa tài! Chúc Vũ Thanh khỏe, thảnh thơi để sáng tác!

      Reply
        1. Võ Như Vũ

          Mình thuộc nhánh Khánh Phước (Cầu Chun), Phù Cát.
          Tiểu thuyết hay, lôi cuốn: đọc vài dòng, muốn đọc cho hết.

          Reply
  5. Thu Thủy

    Gánh hát đã trang hoàng sân khấu xong xuôi, tiếng kèn trống dạo thử vang xa cả dặm. Ở những nơi xa xôi thế này, mỗi lần gánh hát bội về là y như một ngày hội lớn (chữ gọi đúng là hát bội chứ không phải hát bộ như mấy đứa nhỏ thường nói). Bà con cả mấy thôn bên kia sông như Phú Phong, Trinh Tường cũng rủ nhau sang coi hát đông như kiến. Nhiều người ở tận dưới An Thái cũng chịu khó lên coi. Sân khấu được dựng lên trên một khu đấy trống, chung quanh đoàn hát cho làm hàng rào che rồi chừa một cửa nhỏ để bán vé. Người lớn đi coi hát còn mua vé chứ đám con nít mười đứa hết chín đều chui rào coi cọp, chỉ có đứa nào con nhà giàu mới đi theo cha mẹ vào cửa đàng hoàng. Tất nhiên bọn chúng chờ đến khi tuồng bắt đầu diễn mới chui vào, lúc đó những người canh gát đã lơ là việc kiểm soát vì họ đã bán vé xong rồi, vã lúc tuồng dang diễn họ không muốn xua đuổi lũ nhỏ gây ồn áo. Vì vậy bọn con nít lúc còn sớm thường tụ lại từng đám chơi đùa với nhau, có khi gây lộn đánh nhau túi bụi là chuyện thường, mà chuyện ẩu đả nhau hầu hết là do sự khích bác giữa xóm này xóm kia, thôn này thôn nọ.

    Một Câu chuyện xưa được một nhà thơ thời nay viết lại, mà sao vẫn sống động, hấp dẫn như đang tham dự trong bối cảnh ấy, qua đó ta vẫn cảm nhận được Vũ Thanh đã bỏ biết bao là tâm huyết và công sức trong tác phẩm này.

    Reply
    1. Quang Vo

      Cảm ơn Thu Thủy nhé. VT hồi còn bé ở duới quê đã từng đi coi cọp những đám hát Bội và Bài chòi nên khung cảnh này vẫn chưa quên được. Ngày xưa ở quê, Ông Cụ của VT cũng có gánh hát Bội riêng của xã Phước Hưng nữa đó.
      Chúc vui khỏe.

      Reply
  6. nguyentiet

    Trưa nay không ngủ ngồi đọc Én Liệng Truông Mây để cảm thương cùng Chú Lía,để nghe buồn vui len vào lòng và để thưởng thức sự tài hoa của một người con xứ Nẫu : Võ Thanh Quang.Chúc anh vui , khỏe.

    Reply
    1. Quang Vo

      Cảm ơn Cô Giáo nghen. Tội nghiệp làm mất giấc ngủ trưa rồi.
      Hy vọng cảm xúc của Cô Giáo truyền sang được vào lòng mọi độc giả sau này. Chúc vui khỏe.

      Reply
  7. Giang Nhân

    Cảm ơn Vũ Thanh đã giới thiệu tác phẩm ÉN LIỆNG TRUÔNG MÂY với nhân vật CHÀNG LÍA chứa đầy cảm xúc và ước vọng.
    Chúc tác giả vui khỏe và có nhiều sáng tác mới đầy ý nghĩa và hấp dẫn người đọc.

    Reply
    1. Quang Vo

      Chào Khoa Trưởng. Sắp đậu rồi. Đầu năm tới những con Én sẽ thôi Liệng nữa mà đậu xuống đỉnh Kim Sơn đấy. Nhớ đón bắt đem về nhốt vào lồng nhé. Vui.

      Reply
  8. Quốc Tuyên

    Hồi thứ hai mươi mốt thật hấp dẫn, mình đọc hết một hơi từ đầu đến cuối qua đó được biết thêm về cuộc đời của chàng Lía qua những trang dã sử, hay lắm Vũ Thanh ơi!

    Reply
    1. Quang Vo

      Đọc một hơi nín thở luôn hã Quốc Tuyên? VT đang cố gắng hoàn thành sớm để các bạn có thể cầm trên tay mà đọc. Ngày về Quy Nhơn nhờ các bạn HX lần nữa đấy nhé. Chúc vui vẻ.

      Reply
  9. Kiều Thanh

    Câu chuyện hay quá vừa thể hiện tính cách ngang tàng của chàng Lía vừa thể hiện khí phách quân tử của Tây Sơn tam kiệt.

    Reply
  10. Quang Vo

    Chào Kiều Thanh. Đã nhìn ra được điều VT muốn nói trong đó rồi đó. Cảm ơn nhiều nhé. Chúc vui vẻ.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.