6.- Lênh đênh xứ người.
Nàng đã bắt đầu cuộc đời làm vợ của một người xa lạ như vậy đó. Không áo hoa xanh đỏ, không kèn trống tiễn đưa, ” Tôi như con thú hoang lìa đàn, từng ngày qua, đếm bước quên thời gian”*. Không khóc hờn, không than van, hàng ngày nàng vác cuốc ra rẫy từ sáng đến chiều tối, như một chiếc bóng bên những người không quen biết, không cùng văn hóa, ngôn ngữ.
Tuy nàng biết là đang ở bên Trung Quốc, nhưng nàng không hề có chút ý thức là mình đang ở chỗ gì, tỉnh gì. Mà biết làm sao được khi nàng không biết gì cả về cái đất nước này, địa lý, con người cũng như ngôn ngữ của cái xứ xa lạ nầy.
Những ngày tháng đằng đẵng trôi qua, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương không lúc nào nguôi trong người cô gái Việt. Cũng vẫn những bà già, nhưng sao giờ nàng thấy mấy cụ già trong xóm nàng dễ thương thế, không như mấy bà ở đây, thấy nàng thì cười nói chỉ chỏ trông phát ghét. Cũng là những cô gái, nhưng chẳng cô nào thân thiện với nàng như những bạn bè trước kia mà ngược lại nàng chỉ nhận được những ánh mắt khinh khi pha lẫn ganh tị của những cô gái bản xứ.
Còn người chồng ? Anh ta như một người máy, ăn ngủ, làm việc, làm tình…lắm lúc Nga tự hỏi không biết anh ta có phải là người không nữa. Hình như cái xã hội nầy nó đã biến con người thành một sinh vật chỉ biết sống theo bản năng, ngay cả tình cảm, cũng chỉ là một bản năng như những bản năng khác nên khi không cần thiết thì cũng không cần biểu lộ ra.
Mà Nga nhận thấy đây là một xã hội kỳ lạ. Mỗi con người, mỗi gia đình là một cá thể riêng biệt. Không anh chị em ruột, cũng không có cả anh chị em họ, mà ngay cả trong gia đình, chồng và vợ hầu như cũng chỉ có một mối liên quan khi cùng lên giường ngủ mà thôi. Đến bữa ăn, người chồng xúc một bát cơm với đồ ăn rồi ra ngồi một góc ăn. Nga cũng vậy. Hai người không hề nói với nhau một tiếng.
Hai người như hai chiếc bóng xa lạ cùng trú mưa dưới một mái nhà, và cơn mưa thì dai dẳng nhưng không đủ lạnh để hai chiếc bóng phải lăn vào ôm nhau chuyền hơi ấm.
Rồi Nga cũng có con. Đất nước Trung quốc lúc này đi vào thời kỳ phát triển kinh tế nhờ các tập đoàn tư bản phương Tây đổ vốn vào, sau khi đã tính toán kỹ lưỡng lợi nhuận. Miếng bánh vẽ của cái thị trường khổng lồ hơn một tỉ dân đã được đưa ra làm mồi nhử dân chúng để họ dễ dàng chấp nhận sự thay đổi chính sách của các chính phủ Tây phương.
Nhưng họ có ngờ đâu, miếng bánh đó ngày càng phồng to và chai đá không nuốt nổi. Dân chúng phương Tây vừa đồng thời xài được hàng giá rẻ nhưng lại phải đánh đổi lấy việc làm đã di chuyển sang phương Đông. Các chính phủ phải vay tiền ngày càng nhiều để bù đắp vào các khoản thiếu hụt do muốn giữ các khoản trợ cấp xã hội để duy trì ổn định về mặt xã hội.
Kết quả là sự mất cân bằng về ngân sách đã kéo đến suy thoái kinh tế. Các nước phương Tây đã lên đến đỉnh dốc và phải đi xuống, trong khi Trung Quốc đi lên một cách âm thầm nhưng mạnh mẽ, bộ mặt hiền lành nhưng bên trong thì xảo quyệt, thâm hiểm và một ngày kia – khi chính các nước phương Tây, đã tạo nên sức mạnh Trung Quốc- nhận ra thì đã muộn rồi.
Từ khi có con, Nga cảm thấy được an ủi phần nào. Nhưng những chiều ru con bên góc hiên nhà, những câu ru mà nàng vẫn còn nhớ từ hàng xóm, càng làm nỗi nhớ nhà, nhớ quê ray rứt khôn nguôi.
Chiều nhìn mây tím xa xa,
Lòng dâng nỗi nhớ quê nhà khôn nguôi,
Mẹ già tần tảo ngược xuôi,
Ngày nao một thuở yên vui bên Người.
Đôi khi Nga cũng nhớ đến Hồng và Sương, hai người bạn cùng chung số phận như nàng, giờ nầy không biết ra sao, lưu lạc phương nào :
Phận người như chiếc lá rơi
Xoay theo bão táp lưng trời bay bay.
Thời gian này, Trung Quốc trong giai đoạn phát triển nên những công trình xây dựng rất nhiều. Những vùng quê như chỗ Nga đang ở cũng có nhiều công trình và nàng được chồng cho vào làm chân phụ hồ xây dựng.
Công việc cực nhọc nhưng nàng cảm thấy vui hơn vì nàng có cơ hội tiếp xúc với nhiều người. Rồi dần dần nàng cũng hòa nhập được vào ngôn ngữ địa phương sau sáu năm trời làm vợ. Đến lúc này, Nga mới biết rõ là nàng hiện đang ở Huyện Phong Khai thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc. Nơi này, nếu nói là xa thì cũng là xa mà nếu nói là không xa thì cũng không xa đối với quê hương Việt của nàng.
Hàng ngày, nàng làm việc, nuôi con vất vả ngược xuôi trong cái xã hội không có lương tri nầy. Ngay giữa những người bản xứ với nhau, họ cũng sống và đối xử với nhau bằng mánh khóe, thủ đoạn. Lúc đầu, Nga không hiểu lắm tại sao họ lại như vậy. Dù gì Trung Hoa cũng là xứ có nền văn hóa truyền thống nhân, lễ, nghĩa lâu đời, tại sao bây giờ họ lại như vậy.
Lần lần, nàng được nghe nhiều người kể chuyện và hiểu rằng, qua một quá trình sống trong một xã hội mà những chủ trương lòe bịp, những khẩu hiệu đao to búa lớn, những công cuộc gạt gẫm dân chúng, nhất là thanh niên để dẫn đến những cuộc thanh trừng nội bộ rộng lớn…thì con người bình thường nay đã tự nhiên biến thành những con người thật-thà-cửa-miệng, đó cũng chỉ là một trạng thái thích hợp môi trường để sinh tồn mà thôi. Lại thêm cái chính sách một con đã làm cho con người càng thêm ích kỷ, chỉ biết có mình, sẵn sàng làm những việc có lợi cho mình mà không chú ý đến sự thiệt hại của người khác, câu nói ” Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân ” của Khổng Tử ngày xưa hầu như chẳng ai còn biết tới nữa.
7.- Cùng một nỗi đau.
Mỗi lần Tết đến, Nga lại nhớ quê nhà quay quắt. Nỗi đau quặn thắt ruột gan, niềm thương nỗi nhớ của một con người về nơi chôn nhau cắt rún, về thời niên thiếu – thời khắc ghi dấu ấn của đời người – không bao giờ nguôi trong lòng nàng.
Một hôm, Nga vào làm phụ hồ ở một công trường mới. Trong số khá đông người làm, có một người phụ nữ, có vẻ trẻ hơn nàng và hay nhìn nàng như dò xét. Nga cũng nhận ra điều đó và thấy dường như người đó có vẻ giống như nàng, có nghĩa là người Việt. Sau vài hôm, trong một lúc nghỉ giải lao, nàng đánh liều hỏi cô ta một câu tiếng Việt. Ánh mắt người kia bỗng mừng rỡ, rồi hai người thì thầm với nhau. Cả hai đều khóc, những giọt nước mắt vì vui mừng cũng có, mà vì tủi thân cũng có, tuôn tràn sau bao năm tháng dài không hề được thốt lên tiếng nói thân thương đất Mẹ.
Nga được biết cô kia tên Thìn. Thìn cũng như nàng, đã bị lừa bán sang đây cả chục năm nay và cũng lần đầu tiên gặp người Việt. Theo Thìn biết thì nơi nây cách Việt nam cũng cả ngàn cây số. Tuy vậy, cả hai người đều muốn bỏ trốn, tìm đường về quê hương.
Cả hai bắt đầu lên kế hoạch cho việc bỏ trốn khỏi nơi nầy. Trước tiên là phải có tiền. Mà tiền thì họ đều bị chồng quản lý, nên hai người phải cố gắng “xén bớt” từ tiền chợ hoặc các chi phí khác có thể. Dần dần qua nhiều tháng trời, hai người cũng tích góp được một số tiền mà họ nghĩ là tạm đủ chi phí cho cuộc vượt trốn và tìm về quê hương.
Trong công trường, nơi mà Nga và Thìn làm việc, chỉ có hai cô là người Việt, còn lại tất cả đều là người Hoa. Những thợ xây là đàn ông và thường đa số phụ hồ là phụ nữ như Nga và Thìn. Đặc biệt người cai coi công trình này, một người đàn ông khoảng 50 tuổi, có vẻ rất thích Nga, nên ông ta cũng có phần dễ dãi cho Nga và Thìn hay gặp nhau xầm xì to nhỏ mà không bị la rầy khó dễ.
Cái khó cho việc trốn đi ở chỗ là nơi nầy không nằm trên đường xe đò đi về hướng Việt nam. Trước tiên, họ phải đi bộ vài cây số để đón xe ra Thị trấn, từ đó mới lấy xe đi tiếp nữa, đi tới đâu hỏi tới đó vì thật ra cả hai cũng không ai biết phải đi như thế nào cả.
Rồi ngày N đã đến. Hôm đó hai người cũng khăn gói quả mướp đi làm như thường lệ. Đứa con gái của Nga nay đã mười hai tuổi, sau khi ăn sáng đã đến trường, chồng của nàng thì đã ra đồng. Đêm rồi, hầu như Nga không ngủ được vì cứ băn khoăn, thấp thỏm, phập phồng cho chuyến đi của mình. Nga cũng chạnh lòng nghĩ đến con nhưng rồi niềm ao ước về quê cũ đã mãnh liệt hơn và nàng đã dứt khoát ra đi, nếu thoát được thì việc gặp lại con sẽ tính sau.
Nga và Thìn hẹn nhau tại Thị trấn. Từ nhà ra thì mạnh ai nấy đi chứ không dám đi chung sợ bị nghi ngờ. Buổi sáng sớm còn giá lạnh, Nga đội nón, trùm thêm chiếc khăn che khuôn mặt, trông nàng như một bà già. Đang cắm đầu rảo bước, suy nghĩ miên mang nên Nga băng qua đường quên luôn cả nhìn xe. Một tiếng “tin” thật lớn làm nàng hết cả hồn vía, lật đật giật lui người lại. Người lái xe thò đầu ra la :
– Ê, Nị muốn chết hả ?
Nàng hết hồn cúi gầm mặt khi thoáng thấy tài xế chính là người cai, xếp của nàng. Chiếc xe lao đi nhưng một ánh mắt thoáng ngỡ ngàng của người lái xe như vừa chợt nhận ra Nga. Nàng lại vội rảo bước, không dám ngước mặt lên.
Tới Thị Trấn Huyện thì Nga đã thấy Thìn có mặt ở đó, hai người vội vã đi ra bến xe. Vì không biết chữ nên hai người phải hỏi lòng vòng một hồi mới tìm ra được xe đi Giao Minh. Hai người rồi cũng cầm được chiếc vé lên xe ngồi mà lòng không ngớt hồi hộp. Chỉ cần xe lăn bánh, chạy khỏi nơi đây thì có thể yên tâm phần nào.
Hai người ngồi trên xe mà cũng chẳng dám nói chuyện vì sợ người khác để ý, cũng không dám nhìn ngang nhìn ngửa trong chốn đông đúc nầy sợ nhỡ gặp người quen. Nói chung là sợ đủ thứ, phận “tù’ vượt ngục mà, không sợ sao được.
Phận bọt bèo trời mây đưa đẩy,
Giữa xứ người run rẩy thân đơn
Mong sao Phật độ bước chơn
Tìm về đất mẹ tủi hờn bao năm…
Nga ngồi trên xe mà trong lòng chỉ biết âm thầm khấn vái Phật trời cho nàng thóat được để tìm về với Mẹ Cha, với quê hương nòi giống, con chim còn không muốn xa bầy lẻ bạn huống chi là người.
Chiếc xe đã bắt đầu lăn bánh, Nga và Thìn thở phào, trời ơi sao mà cái phút chờ đợi nầy nó dài giằng giặc vậy nhỉ.
8.- Số phận đẩy đưa.
Nhưng, bỗng có tiếng ồn ào, chiếc xe ngừng lại và Nga kinh hoàng nhận ra người chồng của nàng bước lên xe, khuôn mặt hầm hầm giận dữ.
Nga đã phải chịu một trận đòn thừa sống thiếu chết rồi bị nhốt ở nhà hàng tháng trời không được ra ngoài. Cả mấy tháng sau cuộc sống của nàng mới có phần trở lại như trước, nhưng nàng luôn bị nghi ngờ, nhất cử nhất động đều bị người khác để ý, không chồng thì cũng là những người trong họ hàng hay hàng xóm. Thìn hôm đó cũng bị bắt lại và Nga cũng không biết số phận của Thìn giờ ra sao, chắc cũng không khác gì nàng!
Những năm tháng dài lại trôi qua trong cuộc sống vô cảm. Niềm vui duy nhất của Nga là đứa con gái khi nó còn nhỏ giờ cũng không còn. Con bé Liu Liu khi còn nhỏ cũng thường quấn quít bên nàng vì nàng dồn hết tình cảm vào đứa con, là người ruột thịt duy nhất trên cái đất nước nầy. Nhưng khi lớn lên, cô con gái lại trở nên xa dần nàng. Có lẽ vì sự giáo dục đưa sự tự tôn dân tộc Hoa và xem thường các dân tộc chung quanh, cũng có thể vì bị ảnh hưởng của người cha và hàng xóm, xã hội, cũng có thể vì sự ích kỷ của đứa con một trong gia đình hay cũng có thể là tất cả những nguyên nhân đó, đã làm cho cô bé Liu dễ thương ngày nào không còn thân thiết với mẹ nữa. Nga rất đau khổ vì điều nầy và ước muốn tìm về quê xưa lại bùng lên trong tâm khảm người thiếu phụ dù nàng đã sống ở đây hai mươi năm ròng.
Cuộc sống hàng ngày của Nga từ bao nhiêu năm nay vẫn vậy, không có gì thay đổi. Mỗi sáng, nàng lại ra công trường làm phụ hồ dưới sự giám sát của những đồng nghiệp khác đã được người chồng gởi gắm.
Nga bây giờ chỉ còn là một cái máy robot được lập trình để làm việc, ăn ngủ theo giờ giấc. Tất cả những tình cảm, cảm giác hầu như đã chết trong lòng nàng, ngoại trừ lòng nhớ thương quê nhà lúc nào cũng âm ỷ trong tim.
Một đoàn xe chở gạch tiến vào công trường. Những công nhân phụ hồ phải tập trung để chuyển gạch xuống chất thành đống. Nga làm việc như cái máy dưới ánh nắng hè gay gắt, thỉnh thoảng gạt mồ hôi chảy thành dòng trên khuôn mặt khắc khổ.
Nàng đang lom khom làm thì bỗng nghe một câu nói làm nàng sửng sốt :
– Mấy con mẹ này sao mà chậm chạp thế, thèm ly café đá quá nhể !
Một câu nói rất là tầm thường, thậm chí còn làm đụng chạm tới tự ái của nàng, người đang làm công việc bốc xếp gạch. Nhưng sao Nga lại nghe ấm áp làm sao ấy, bao nhiêu năm rồi mới lại nghe một giọng nói quê hương.
Nga ngước lên nhìn người vừa thốt ra câu nói. Một chàng trai trung niên, da rám nắng với cái nón kết đen trên đầu, trông có vẻ lãng tử. Hai ánh mắt gặp nhau- xa lạ- ngỡ ngàng- nhận ra-ấm áp- mừng rỡ.
Thế đấy, Nga đã gặp Hoà như vậy. Tuy lần đầu tiên gặp nhau nhưng chàng trai Việt cũng nhận ra ngay Nga là đồng bào. ” Xa quê hương ngộ cố tri “, tuy không phải là người quen biết cũ nhưng cả hai vẫn cảm thấy vui mừng, Nga thì đã từ lâu lắm mới gặp người Việt và cả Hoà cũng vậy, tuy qua Trung quốc làm lái xe thuê đã lâu nhưng cũng hiếm khi gặp người Việt, mà lại gặp trong hoàn cảnh nầy.
Nga được biết, có tất cả năm người Việt làm tài xế trong đội xe và thường lúc nào họ cũng đi chung với nhau.
Những ngày sau đó, lợi dụng lúc xuống vật liệu, Nga đã kể tình cảnh mình cho anh Hòa và các người bạn nghe, đồng thời cũng nói lên mong muốn được trở về quê hương.
Hòa và các anh em bạn nghe được câu chuyện của Nga cũng mủi lòng, thương thay cho một người con gái Việt phải lâm vào cảnh cùng khổ như vậy. Họ bàn nhau tìm cách giúp Nga, nhưng chưa biết làm thế nào, vì ở đây có những người hay để ý, canh chừng Nga. Có người bàn, hay là khi bốc hết hàng xuống rồi thì Nga nằm lại trên xe và xe mau chóng chạy ra khỏi khu vực, sau đó sẽ đưa nàng đi ẩn nấp. Mọi người nghĩ chắc không còn cách nào khác tốt hơn nên thống nhất như vậy và cho Nga hay. Từ ngày đó, Nga thấp thỏm mừng thầm, nhưng lo âu cũng có, vì nàng biết cũng không phải là dễ dàng gì. Dù sao nàng cũng phải liều:
Một liều ba bảy cũng liều ,
Ví như con trẻ chơi diều đứt dây.
Một hôm , khi đoàn xe chở vật liệu vào công trình thì trời đang vần vũ mây đen. Khi Nga và các bạn phụ hồ đang xuống hàng gần xong thì trời đổ mưa. Những hạt mưa lớn dần, rớt xuống làm rát cả mặt. Nga vẫn lầm lỳ làm việc trong khi những người khác đã chạy đi núp mưa hết. Khi những viên gạch cuối cùng đã được ném xuống, Nga nằm thu người lại trong góc xe cùng với tấm bạt phủ lên trên. Trời vẫn mưa như trút nước, người kiểm hàng nhập chỉ nhìn sơ qua rồi cho hiệu đoàn xe ra khỏi công trình.
Đoàn xe chuyển bánh từ từ in dấu trên khu đất loang lổ nước mưa. Nhưng, tất cả diễn tiến của cuộc vượt thoát đã không qua được cặp mắt của một người, Giang Hòa, cô em họ chồng của Nga. Khi xe ra tới cổng thì bị chận lại xét và người ta đã lôi Nga xuống như lôi một con vật. Nga cũng lanh trí, giả vờ như bị bệnh, ngất xỉu trong khi làm việc nên những người trách nhiệm của công trường cũng không làm gì nàng. Nhưng tối hôm đó khi về nhà thì ông chồng đã chờ sẵn một trận đòn thù. Nàng cũng chẳng biết sợ là gì nữa mà chỉ tiếc cho chuyện vượt thoát của mình không thành công, không biết bao giờ lại mới có dịp nữa.
Bẵng đi gần bốn tháng, Nga mới lại được chồng cho đi làm trở lại. Nàng vui lắm vì được ra ngoài và nhất là sẽ lại gặp những người đồng hương tốt bụng.
Hòa và mấy anh em bạn lại tìm cách cứu nàng. Họ biết rằng không thể làm như trước nữa vì đã bị để ý, cuối cùng họ đã nghĩ ra một cách khác.
Họ vẫn thường xuyên được điều đi chở lợn mua của những trại chăn nuôi tư nhân hoặc hợp tác xã ở khắp nơi . Họ cho Nga biết ý định và hẹn Nga ngày giờ cùng địa điểm.
9.- Vượt thoát.
Hôm đó, đội xe của Hòa cùng các anh em bạn đi nhận lợn của một trại chăn nuôi gần nhà của Nga. Đúng giờ hẹn, Nga vờ như đi chợ và tấp vào nơi thì cũng là lúc các anh em đang chất lợn lên xe. Nga đến và chui tọt vào trong một rọ lợn cho các anh khiêng lên xe xếp vào hàng bên dưới , phía trong cho khỏi bị ai nhìn thấy. Xong việc, bốn chiếc xe ra đi mà không ai biết là có Nga bên trong. Khi đã đi được khá xa, đến một đoạn đường vắng vẻ, cả đội dừng xe lại để đem Nga ra ngoài. Vừa kéo những rọ lợn ra, Hòa và các bạn vừa hỏi thăm nàng, nhưng không thấy nàng trả lời. Mọi người hốt hoảng lo âu, vội vã làm thật nhanh. Khi mang được Nga ra bên ngoài thì nàng đã ngất xỉu, khuôn mặt có vẻ tím tái biểu hiện của việc thiếu dưỡng khí. Hòa đã từng là bộ đội nên cũng có học qua cấp cứu và anh chẳng dám chậm trễ. Hòa dùng phương pháp miệng qua miệng là một phương pháp hiệu quả nhất để truyền oxygen qua cho Nga. Một lát sau, sắc mặt Nga dần hồng hào trở lại, hơi thở mạnh hơn và rồi nàng đã mở mắt ra. Mọi người mừng rỡ, vội vàng đưa nàng lên xe rồi chạy đi. Chạy được vài chục cây số, đến ngã đường có thể bắt được xe đò cũng là lúc chia tay. Bốn anh em bạn dồn tất cả số tiền ít ỏi của mỗi người cho Hòa và Nga, chúc hai người may mắn rồi ôm nhau chia tay, phút giây thật cảm động, tuy ngắn ngủi nhưng Nga sẽ không bao giờ quên được. May mắn thay, trong cuộc đời nghiệt ngã, man rợ nầy vẫn còn những Người như Hòa và các bạn.
Hòa và Nga, với một giỏ xách nhỏ đựng vài bộ quần áo và số tiền nhỏ nhoi trong túi đón được chiếc xe đò xuôi Nam. Nhưng chiếc xe chỉ đi khoảng ba trăm cây số là hết tuyến, muốn đi nữa phải đợi sang xe khác. Hai người đã phải dè xẻn từng đồng, ăn những gì rẻ nhất để qua ngày, vì biết rằng đường về còn rất xa và họ sẽ không đủ tiền. Hai người phải bắt xe đi chuyền từng đoạn để lần về quê hương. Lần lửa được hơn nửa đường thì số tiền nhỏ nhoi trong túi họ cũng đã cạn. Những ngày đói khát, cơ cực bắt đầu.
Cả hai vừa đi bộ vừa kiếm ăn. Họ ăn bất kể thứ gì có thể ăn được để sống, để có thể có được chút sức mọn tìm về với quê nhà, kể cả ăn xin.
Đã gần ba tháng trời từ ngày hai người trốn đi, xứ Việt cũng không còn xa lắm, chỉ độ vài trăm cây số nữa. Nếu có tiền đón xe thì khoảng cách nầy không là bao, nhưng hai người chỉ đi bộ mỗi ngày vài chục cây số là nhiều nên cũng phải độ nửa tháng nữa mới đến. Trong thời gian trải qua bao nhọc nhằn, cơ cực cùng nhau đó, tình cảm giữa hai người đã trở nên thắm thiết. Họ như được kết chặt vào nhau bởi sự cảm thông, một bên là nạn nhân của sự buôn người, xa quê hương, thiếu vắng tình thương và một bên là con người có trái tim nhân hậu, không thể bỏ qua đồng hương khốn khổ.
Một buổi chiều nọ, hai người đi đến Thị trấn … thì thấy một chiếc taxi với tên hiệu Việt đang đậu trước một quán nước ven đường. Hai người bỗng nảy ra một tia hy vọng, biết đâu . Trong quán nước bình dân, một người thanh niên trẻ mặc đồng phục taxi đang ngồi uống nước. Hòa nhìn người thanh niên trẻ rồi hỏi :
– Anh là người Việt ?
Người thanh niên lái taxi hơi ngạc nhiên rồi trả lời :
– Phải rồi, anh chị có việc gì không ạ ?
Hòa và Nga ngồi xuống và bắt đầu kể về chuyện Nga bị lừa bán sang Trung Quốc như thế nào, rồi cuộc vượt trốn của hai người. Cuối cùng, Hòa xin anh tài xế taxi chở giúp về quê rồi Hòa vay tiền gia đình để trả. Người tài xế lắng nghe câu chuyện với vẻ xúc động rồi anh ta lên tiếng :
– Ồ , anh đã hy sinh nhiều để giúp chị như vậy thì em đây cũng là một người Việt mà, anh chị cứ lên xe, em chở về đến nhà không phải suy nghĩ tiền bạc gì cả.
Hòa và Nga mừng rỡ, hai người muốn ôm chầm lấy người lái xe trẻ để cảm ơn.
10.- Trở về quê hương.
Xe vượt qua biên giới, về đất Việt. Nga thấy tim mình rung động, người như tê tái, nước mắt tự nhiên ứa ra trên khuôn mặt mang nét khắc khổ vì cuộc hành trình bôn ba cực nhọc.
Con ngõ Khâm Thiên êm ắng ngày nào giờ đã hoàn toàn đổi khác. Những căn nhà trông có vẻ khang trang hơn, tươi sáng hơn, không còn còn cái vẻ u tối như ngày xưa. Nga thật là ngỡ ngàng với con ngõ ngày nao mình đã từng lớn lên, đã từng chơi đùa với các bạn cùng xóm. Trong tâm trí của nàng, chỉ còn đọng lại hình ảnh những căn nhà, những con người xưa, nhưng Nga chỉ thấy những người xa lạ. Nga hỏi thăm một chị hàng nước trong ngõ :
– Chị biết nhà bà Mẫm không ạ ?
– Tôi không biết, tôi cũng chỉ mới về đây không lâu thôi chị ạ. – Nói rồi chị ta lại quay sang quán tạp hóa kế bên :
– Chị Tường ơi, có biết nhà bà Mẫm không vậy ? Có người hỏi thăm .
Một người đàn bà đang săm soi đống hàng đồ chơi Trung Quốc mới nhận được. Bà ta nghe hỏi thì thò đầu ra :
– Bà Mẫm nào nhỉ ? Tôi ở đây cũng chục năm rồi có nghe ai là bà Mẫm đâu nào.
Một ông cụ già từ đầu ngõ đi vào tay cầm mớ rau, ông cụ ghé vào tiệm tạp hóa mua đồ. Bà chủ tiệm thấy ông thì hỏi ngay :
– Đây, bác Tính đây nầy, may ra bác biết nhà bà Mẫm không đấy .
Ông Tính nghe hỏi bà Mẫm thì nói ngay :
– Ai hỏi bà ấy thế ?
– Cháu đây bác ạ, thế bác biết bà ấy chứ ?
Ông già nhìn Nga rồi hỏi :
– Thế cô tìm bà ấy có việc gì không ?
– Cháu…cháu là con của bà, nhưng cháu đi xa đã quá lâu nên quên nhà, ở đây giờ đổi khác quá.
– Hả, cô bảo sao ? Cô là con gái à, thế cô tên gì ?
– Dạ, cháu tên Nga ạ.
Ông cụ trợn mắt, nhìn sững cô gái, vẻ mặt ông thể hiện một sự kinh hãi tột độ. Rồi mọi người chỉ nghe ông ậm ừ trong cổ họng, ông đi thụt lùi và bỗng quay người lại vừa đi vừa lẩm bẩm ” Nó còn sống. Trời ơi, nó còn sống thật mà “. Ông cụ đi như chạy phia trước, Nga và Hòa lẽo đẽo theo sau, mọi người ai cũng ngạc nhiên nhưng không ai hiểu chuyện gì.
Ông già đi đến một căn nhà màu trắng, có vẻ như vừa được sơn phết không bao lâu. Ông xô cổng bước vào, vừa đi vừa la toáng lên :
– Cái Nga, cái Nga nó về kìa.
Bà Mẫm đang nằm trên võng đong đưa, thấy ông Du vào la lối gì đấy, bà hỏi :
– Này, cậu bảo gì đấy, Nga nào ?
– Còn Nga nào, con gái của chị đấy chứ còn Nga nào vào đây nữa .
Đến lượt bà cụ Mẫm nhìn sững ông em, cậu ấy phát rồ rồi chăng ? Rồi bà quay nhìn bàn thờ Nga thở dài. Lại sắp đến rằm tháng bảy là ngày gia đình làm giỗ lần thứ 21 cho cô con gái mất tích từ lúc 16 tuổi. Bà bỗng thoáng thấy bóng ai đi vào nhà, phía sau ông Du, là một phụ nữ.
Bà Mẫm đứng dậy, trước mặt bà, một người phụ nữ trẻ nhưng có nét khắc khổ đang nhìn bà chăm chăm, rồi cô gái bỗng ôm chầm lấy bà :
– Mẹ, mẹ, con đây, Nga đây, con về với mẹ đây.
Bà Mẫm như người đi trong cơn mơ, bà chưa kịp hiểu gì nhưng sợi giây tình cảm vô hình đã đánh thức tình mẫu tử của bà dậy, bà cũng ôm chầm lấy cô gái, cả hai mẹ con ràng rụa nước mắt. Ông Du đã quay trở lại cùng với một đám đông họ hàng và chòm xóm hiếu kỳ . Mọi người đều biết chuyện Nga mất tích năm xưa và khi nghe tin cô trở về thì đều muốn chứng kiến sự việc hy hữu nầy.
Mỗi người hỏi một câu làm căn nhà ồn ào hẳn lên, ai cũng muốn biết chuyện gì đã xảy ra với Nga trong hai chục năm qua. Nga dìu mẹ lên ngồi ở trường kỷ gian nhà trước rồi cô bắt đầu kể sơ lược về quãng đời 21 năm qua của mình cho mọi người nghe. Mọi người nghe câu chuyện trong ngậm ngùi, có tiếng sụt sịt trong phòng. Tới đoạn cuối, Nga được Hòa tận tình giúp đỡ để vượt thoát về quê hương, ai nghe cũng cảm động về tấm lòng của một con người, rồi cuối cùng, có người cất tiếng :
– Anh ấy đâu rồi ?
Câu hỏi làm Nga chợt nhớ đến Hòa mà tự nãy giờ nàng mãi vui với cuộc sum họp gia đình, đã quên bẵng mất ân nhân của mình. Nàng đưa mắt tìm kiếm, mãi mới thấy chàng trai đứng thu hình trong góc khuất căn phòng. Nga tiến lại, nắm tay Hòa kéo ra, một chàng trai có nước da đen sạm nắng gió bước ra với nụ cười hiền lành gục đầu chào mọi người. Một bạn trẻ nào đó đưa điện thoại và ánh flash lóe lên, hình ảnh đôi bạn Hòa-Nga hiện lên trong vòng tay yêu thương của gia đình, chòm xóm láng giềng cùng tiếng nhạc :
{jcomments on}