Én Liệng Truông Mây [Hồi 16]

ÉN LIỆNG TRUÔNG MÂY.

Hồi thứ mười sáu

Trăng vằng vặc soi tấm lòng nhi nữ

Đả lôi đài hào kiệt trả thù sâu.

Trăng Trung Thu.

Mùa trăng năm nay may mắn trời không một áng mây nên màu trăng thật rực rỡ. Lúc chiều Bạch Mai đã dẫn Hiền Nhi đi dạo khắp Giản Phố và sắm cho nàng đủ mọi thứ vật dụng cần thiết của một thiếu nữ. Họ xem hai đoàn múa Lân và múa Rồng diễn qua các phố lớn rồi mới trở về. Tối đến, Hữu Dụng vào mời mọi người đi uống rượu ngắm trăng nhưng Hồng Liệt và Bạch Mai bận ở luyện võ sảnh, Đại Bằng và Đại Kỳ đang say mê với việc huấn luyện bồ câu nên chỉ có Văn Hiến và Hiền Nhi nhận lời. Ở Giản Phố có dịch vụ cho thuê thuyền du ngoạn trên sông để khách ngắm trăng uống rượu. Ba người chọn một chiếc rồi cho thuyền bơi ngược dòng, vòng theo sông Sa Hà thong thả ngắm cảnh trăng nước mênh mông. Hiền Nhi nhìn ánh trăng thanh trên sông chợt nhớ về những đêm trăng trên cửa Hàn nên nói:

Anh Hai, trăng ở đây đẹp thật nhưng em vẫn thích đêm trăng ở cửa Hàn của mình hơn.

Hữu Dụng hỏi:

Vì sao?

Hiền Nhi đáp:

Dạ, cháu cảm thấy màu trăng ở đây như thiếu một chút gì đó sự đầm ấm. Nó hơi nhạt đi một tí.

Hữu Dụng cười:

Không phải màu trăng nhạt đi mà do trong lòng cháu đặt nhiều tình cảm cho màu trăng ở cửa Hàn hơn ở đây. Đó là sự khác biệt giữa quê nhà và đất khách. Nếu cháu có dịp sang tận Xiêm La hay Nhật Bản, cháu sẽ thấy màu trăng ở đó còn nhạt hơn trăng ở Giản Phố này rất nhiều.

Hiền Nhi nói:

Như vậy sự đậm nhạt của màu trăng là do tình cảm trong lòng mình dành nhiều hay ít cho khung cảnh mình đang ngắm trăng hã Chú?

Hữu Dụng đáp:

Đúng vậy. Màu trăng ở đâu vẫn vậy, chỉ có tâm tình con người thay đổi tùy lúc, tùy nơi mà thôi. Cho nên Đức Phật dạy: Cảnh là do tâm động mà sinh ra. Nếu cháu có thể yêu mọi cảnh, mọi người bằng một tình cảm giống như nhau, với một cái tâm duy nhất, thì trăng ở đâu vẫn là màu trăng nguyên thủy, không có sự đậm hay nhạt trong đó.

Hiền Nhi ngồi im lặng nhìn lên mặt trăng như để hiểu cho thấu đáo lời nói của Hữu Dụng. Một lúc sau nàng mới lên tiếng:

Nếu mình yêu hết mọi người, mọi cảnh bằng một tình cảm như nhau thì lúc nào mình cũng thấy được cái đẹp nguyên thủy của cảnh và người hã Chú?

Hữu Dụng mỉm cười ý nhị:

Đúng rồi. Đó là hạnh phúc đích thực mà chỉ có một tâm hồn đẹp mới hưởng được. Tâm hồn như thế gọi là tâm từ bi, tâm lành, giống như của cháu vậy.

Hiền Nhi cả thẹn cúi đầu nói:

Chú lại qúa khen cháu nữa rồi. Chú không thấy cháu yêu trăng cửa Hàn hơn trăng ở đây sao. Cũng như cháu bao giờ cũng thấy thương đàn em của cháu hơn là những đứa trẻ khác.

Nhưng cháu cũng yêu trăng ở đây và cũng thương những đứa trẻ khác. Đúng không?

Dạ.

Hữu Dụng cười:

Đó là căn bản của một tâm hồn đẹp. Sau này có điều kiện nới rộng hơn môi trường sống, chú tin là cháu sẽ yêu những đứa trẻ khác như yêu đàn em của cháu hiện giờ. Sự hơn kém cháu thấy bây giờ chỉ là do cuộc sống của cháu từ lâu bị gói gọn quanh vùng cửa Hàn và trong trại nhỏ với đàn em của mình mà thôi.

Đôi mắt của Hiền Nhi sáng lên dưới ánh trăng:

Thật vậy không Chú? Đôi khi cháu cũng thấy mình hơi ích kỷ vì chỉ biết nghĩ đến những đứa em của mình mà thôi.

Hữu Dụng nói:

Thật chứ. Rồi cháu sẽ thấy là chú không qúa khen cháu đâu.

Hiền Nhi rót rượu ra chung cho hai người:

Cảm ơn Chú. Anh Hai sao nãy giờ chỉ im lặng uống rượu không nói gì hết vậy?

Văn Hiến mỉm cười đáp:

Chú Dụng đã khen em đủ rồi, nếu anh khen thêm vào nữa sẽ làm em hư đấy.

Hiền Nhi nũng nịu:

Anh Hai lúc nào cũng cho em là con nít cả.

Văn Hiến nói:

Đâu có. Hôm qua nhìn em trong bộ y phục mới anh cứ tưởng là cô tiểu thư đài các nào chứ. Xúyt nữa là thần hồn của anh bị điên đảo lên rồi.

Hiền Nhi vừa bẻn lẻn vừa vui mừng:

Thôi anh Hai đừng nhạo em nữa. Lúc đó em thẹn muốn chết đi được. Bạch sư tỷ thật là ác, một hai bắt em phải mặc đồ rồi trang điểm, son phấn lung tung cả lên.

Hữu Dụng nói:

Cháu thấy đó. Y phục làm nên con người. Hôm qua cháu đâu kém gì Bạch Mai tiểu thơ.

Hiền Nhi mỉm cười xua tay nói:

Thôi, thôi. Chú và anh Hai đừng nhạo cháu nữa. Cháu nhảy xuống sông bây giờ đó.

Hữu Dụng và Văn Hiến đồng cười lớn. Chợt có tiếng hỏi từ một chiếc thuyền đang đi ngược chiều trên sông vọng sang:

Có phải chú Dụng và Trương huynh bên đó không?

Hữu Dụng nhận ra giọng nói đó vội đáp:

Là tôi đây. Âu Dương hiền điệt phải không?

Tiếng người bên kia đáp:

Vâng, cháu đây. Đợi chút, cháu quay thuyền lại nhé.

Hữu Dụng bảo người chủ thuyền dừng lại. Giây lát sau chiếc thuyền kia đã trở đầu và cập sát hai mạn thuyền vào với nhau. Âu Dương Long đưa tay vịn vào be thuyền của Hữu Dụng, hai chiếc thuyền như chập lại thành một khối. Văn Hiến lên tiếng:

Chào Âu Dương huynh. Chào Thu Hồng cô nương. Hai vị sức khỏe thế nào? Xin chào Công chúa. Chúng ta lại gặp nhau. Công chúa vẫn an khang chứ?

Lý Dung Dung đang ngồi phía mũi thuyền lên tiếng đáp:

Xin chào chú Dụng, chào Trương huynh. Vâng, chúng ta lại gặp nhau. Mời ba vị sang bên này chúng ta cùng ngắm trăng với nhau được không? Xin chào vị tiểu thư xinh đẹp…

Văn Hiến nói thay:

Đây là Hiền Nhi, cô em gái của tôi vừa từ Hội An vào. Hiền Nhi, đây là Lý Dung Dung Công chúa, vị này Âu Dương Long hiệp sĩ, còn đây là Thu Hồng cô nương.

Hiền Nhi vội đứng lên cúi đầu chào:

Hiền Nhi xin chào Công Chúa. Chào Âu Dương huynh, chào Thu Hồng tỷ tỷ.

Dung Dung cũng đứng lên đáp lễ:

Chào Hiền Nhi. Rất vui được biết nhau. Mời mọi người sang bên này đi.

Hiền Nhi nói nhỏ với Văn Hiến:

Anh Hai sang bên đó nói chuyện với Công chúa đi. Em ngồi đây với Chú Dụng cũng được.

Thu Hồng đề nghị:

Đã vậy thì để tiểu tỳ sang nói chuyện với Hiền Nhi tỷ tỷ cho vui.

Âu Dương Long tiếp lời:

Vậy thì tôi cũng phải sang bên đó uống rượu với chú Dụng, Trương huynh tiếp Công Chúa nhé.

Hai người nói xong bước sang bên này. Văn Hiến đành phải qua bên thuyền của Dung Dung. Chàng nói với Hiền Nhi:

Em nói chuyện với Thu Hồng cô nương. Anh Hai cũng có vài điều muốn nói với Công chúa.

Hiền Nhi đưa tay đẩy Văn Hiến nói:

Anh Hai sang bên đó đi.

Văn Hiến bước sang thuyền của Dung Dung. Âu Dương Long đẩy tay, hai chiếc thuyền lại tách ra. Chàng ngồi vào bàn uống rượu cùng Hữu Dụng, Thu Hồng nắm tay Hiền Nhi hỏi:

Tỷ tỷ mới từ Hội An vào à? Đi biển có mệt không?

Hiền Nhi đáp nhỏ:

Dạ, Hiền Nhi mới vào cùng chú Dụng. Cũng không mệt lắm. Thu Hồng tỷ là người ở đây à?

Thu Hồng đáp:

Không, nô tỳ theo công chúa từ Phúc Kiến sang đây năm rồi. Vừa đúng một năm tròn đấy.

Hiền Nhi vội nói:

Hồng tỷ đừng dùng chữ nô tỳ khi nói chuyện với Hiền Nhi. Hiền Nhi sẽ bị giảm thọ đấy.

Thu Hồng cười nói:

Quen mất rồi. Mà Thu Hồng là phận nô tỳ thật sự mà, có gì mà giảm thọ với tăng thọ.

Hiền Nhi cương quyết:

Không. Nếu Hồng tỷ còn xưng nô tỳ thì Hiền Nhi sẽ không nói chuyện với Hồng tỷ nữa.

Thôi được. Vậy chúng ta xưng nhau là tỷ muội nhé.

Hiền Nhi cười vui vẻ:

Như thế có vui hơn không.

Âu Dương Long hỏi:

Hiền Nhi là em gái của Trương huynh à?

Hiền Nhi đáp:

Dạ không, Hiền Nhi là em nuôi của anh Hai và anh Cả. Bọn chúng em có đến hai mươi đứa lận, toàn là những trẻ mồ côi.

Âu Dương Long nói:

Đinh huynh và Trương huynh qủa là những con người có những tấm lòng vàng.

Hiền Nhi nắm tay Thu Hồng hỏi:

Tỷ từ Phúc Kiến sang à? Xa nhỉ? Tỷ ở lại đây luôn hay trở về Phúc Kiến?

Thu Hồng đáp:

Lẽ ra đã trở về mùa gió nồm vừa qua nhưng Công chúa muốn đợi qua đêm Trung Thu này.

Hiền Nhi thắc mắc:

Mùa gió nồm đi từ đây về Phúc Kiến mới là thuận gió chứ. Đợi sau mùa Trung Thu mới đi có thể gặp bão to hay gió lớn đó. Nguy hiểm lắm.

Thu Hồng thở dài kéo Hiền Nhi đứng lên, cả hai bước ra đứng ở mũi thuyền. Nàng nói thật khẽ vào tai Hiền Nhi:

Biết vậy nhưng Công chúa vẫn muốn đợi đến đêm Trăng Trung Thu với hy vọng gặp lại Trương công tử.

Hiền Nhi ngạc nhiên hỏi:

Gặp lại anh Hai à? Họ quen nhau từ mùa trăng trước phải không?

Họ đánh nhau ở Hội An, cứu nhau ở Phan Rang rồi uống rượu với nhau ở đây đúng vào đêm Trung Thu năm ngoái. Sau đó họ chia tay. Đúng một năm rồi.

Hiền Nhi chợt nghe lòng mình chùng xuống. Một cảm giác thật lạ xâm chiếm trong tâm hồn nàng. Cảm giác đó lạ lắm nàng không thể nhận ra được là gì, chỉ biết mùi vị của nó đăng đắng, nằng nặng, buồn buồn. Vô tình nàng dõi mắt nhìn theo chiếc thuyền bên kia nói nhỏ:

Đó là chữ duyên phải không Hồng tỷ.

Ừ, nhưng chỉ e là mối oan duyên.

Hiền Nhi tròn xoe đôi mắt:

Vì sao?

Không biết nữa. Tôi chỉ linh cảm như thế.

Không đúng như thế đâu. Họ thật là đôi trai tài gái sắc. Mong đó là mối lương duyên.

Mong là vậy.

Hai chiếc thuyền giờ đã cách nhau một quảng xa. Ánh trăng trên sông Sa Hà lóng lánh sóng nước tạo cho cảnh đêm những sắc màu lung linh huyền ảo. Văn Hiến bước đến chiếc bàn của Dung Dung ngồi xuống. Dưới ánh trăng trông nàng đẹp như một nàng tiên áo trắng, nàng tiên đượm một chút u buồn trên nét mặt. Nàng rót rượu ra hai chiếc chung mời:

Mời Truơng huynh. Mừng tái ngộ.

Mời Dung Dung. Mừng tái ngộ.

Hiền Nhi là em gái của Trương huynh à?

Có thể nói là như vậy. Hiền Nhi là đứa em gái lớn nhất trong số hai mươi đứa trẻ mồ côi mà Đinh huynh mang về chăm sóc.

Dung Dung nhìn Văn Hiến nở nụ cười thật đẹp:

Đinh huynh và Trương huynh là những con người với những tấm lòng vàng.

Văn Hiến mỉm cười:

Cảm ơn Dung Dung. Là Đinh huynh tất cả. Tôi chỉ giúp bọn trẻ học hành mà thôi. Tôi cứ ngỡ Dung Dung đã trở về Phúc Kiến.

Trương huynh mong là như vậy phải không?

Chàng rót rượu ra chung:

Mời Dung Dung.

Trương huynh vẫn chưa trả lời.

Văn Hiến uống cạn chung rượu rồi thở dài nói:

Vâng. Tôi qủa có mong như vậy.

Dung Dung nhìn Văn Hiến bằng tia mắt thật trìu mến pha lẫn trách móc:

Trương huynh thật không muốn gặp lại tôi ư?

Văn Hiến tránh ánh mắt thu hồn đó của nàng, chàng nhìn xuống ly rượu đáp:

Tôi chỉ muốn giữ một kỷ niệm đẹp về Dung Dung.

Kỷ niệm đẹp sao bằng thực tại đẹp?

Thực tại thường rất phũ phàng. Trường hợp của chúng ta là như vậy.

Dung Dung ngạc nhiên hỏi:

Trương huynh nói rõ hơn được không?

Văn Hiến hít vào một hơi dài rồi nhìn vào mắt Dung Dung chậm rải nói:

Toàn bộ hai gia đình của hai người bạn thiết của chúng tôi ở Quy Nhơn vừa bị thảm sát. Tất cả có đến gần bốn mươi nhân mạng, già, trẻ, lớn bé. Tất cả đều vùi chôn dưới đống tro tàn.

Dung Dung tròn xoe đôi mắt lên kinh ngạc hỏi liền một lúc ba bốn câu hỏi:

Thật ư? Vì sao vậy? Ai đã nhẫn tâm giết họ một cách tàn nhẫn như thế? Chuyện xảy ra lúc nào? Vụ huyết án có liên quan gì đến chúng ta?

Văn Hiến uống cạn một chung rượu, cố gắng đè nén mối thương tâm đang trào dâng trong lòng. Chàng chậm rải đáp:

Tháng rồi. Chưa biết chắc là ai, chỉ biết một trong các hung thủ đã sử dụng thanh Ỷ Thiên Trường Kiếm.

Dung Dung ngạc nhiên hỏi:

Ỷ Thiên Trường Kiếm ư? Đó là thanh kiếm mà Gia phụ vẫn giữ bên mình như bảo bối tùy thân. Người ở đây suốt mấy tháng qua với Dung Dung mà? Trương huynh có nhầm lẫn gì hay không?

Không thể nhầm lẫn được vì Hồng Liệt đã từng chứng kiến cảnh giao đấu giữa người sử dụng cây Ỷ Thiên Kiếm cùng với người bạn tôi mùa hè năm trước.

Dung Dung hỏi nhanh:

Người sử dụng kiếm đó tên gì?

Lãnh Diện Truy Hồn. Người đứng đầu trong Dương Tử Tam Kiếm.

Dung Dung lắc đầu nói:

Chịu. Việc làm của Gia phụ, tôi biết được rất ít. Cả những bộ hạ chung quanh người cũng thế, họ rất đông tôi không biết hết được, chỉ nghe Âu Dương Long nói đa số bọn họ thuộc hàng cao thủ hắc bạch đạo Trung Nguyên. Tôi sẽ hỏi lại xem sự thể thế nào. Vì vậy nên Trương huynh cho rằng Gia phụ là người có liên quan đến hai vụ huyết án phải không?

Văn Hiến thở một hơi dài buồn bã đáp:

Theo suy luận là như thế. Tôi chỉ hy vọng sự thật sẽ khác đi.

Cảm ơn Trương huynh. Đó là lý do Trương huynh không muốn gặp tôi. Trương huynh muốn tôi về Phúc Kiến để khỏi vướng bận trong việc trả thù phải không?

Văn Hiến không trả lời, chàng hỏi lại:

Dung Dung có biết trận đấu sắp tới giữa Kim Cương môn và Thần Quyền môn không?

Có nghe Âu Dương Long nói qua.

Diệp Sanh Ký đang muốn làm chủ toàn bộ khu Giản Phố này. Cục diện hôm nay cũng giống như năm xưa Vương gia thực hiện ở Phúc Kiến vậy, còn hơn thế một bậc. Cuộc thi đấu sắp tới có thể có nhiều máu đổ. Dung Dung tốt nhất nên về Phúc Kiến trước hôm đó. Một vị Công chúa thanh khiết như Dung Dung không nên để vướng mắc vào những trường tranh đấu máu tanh như thế này.

Giọng Dung Dung tỏ vẻ cương quyết:

Không. Tôi muốn biết những gì xảy ra quanh tôi.

Dung Dung càng biết nhiều chỉ càng thêm khổ mà thôi.

Nhưng sống mà mù mịt không biết gì quanh mình lại càng khổ hơn.

Văn Hiến im lặng không nói gì. Chàng rót rượu rồi tự uống một mình một lúc ba, bốn chung. Dung Dung nhìn chàng đăm đăm, chợt nàng buông tiếng thở dài:

Xin lỗi đã làm cho Trương huynh khó xử nhưng tình hình như thế này tôi lại càng không thể bỏ đi được.

Vì sao?

Nàng không trả lời, chậm rải nâng chung rượu lên uống cạn rồi đưa tay với bình rượu trước mặt Văn Hiến định rót tiếp. Văn Hiến đưa tay giữ bình rượu lại nhưng động tác của chàng chậm hơn một chút nên bàn tay của chàng đã chụp gọn bên trên bàn tay xinh xắn như ngọc của Dung Dung. Chàng giật mình vội rút nhanh tay về, giọng lí nhí:

Xin lỗi.

Sự va chạm chỉ trong chớp mắt nhưng cả hai đều nhận được một cảm giác thật kỳ lạ chạy rần rần theo các mạch máu trở về tim. Họ im lặng nhìn nhau. Dưới ánh trăng huyền ảo, bốn ánh mắt đã nói cho nhau nghe tất cả những chân tình của mình dành cho người kia. Người xua đuổi cũng giống như kẻ cương quyết ở lại đều vì một lý do duy nhất là họ thực sự lo lắng cho nhau. Sự lo lắng đó biểu hiện một mối chân tình. Cả hai đã hiểu như vậy, nhưng càng hiểu rõ, lòng họ lại càng trĩu nặng nỗi buồn. Cuối cùng Văn Hiến lên tiếng:

Con người dù cố gắng đến đâu cũng không thoát khỏi được bàn tay của số mệnh. Thôi thì cứ thuận theo tự nhiên rồi nhận lấy hậu qủa sau này vậy.

Dung Dung thở dài:

Không có cách nào khác ư?

Theo tôi biết thì không!

Cuối cùng Dung Dung nhượng bộ:

Thôi được, tôi sẽ trở về Phúc Kiến, nhưng phải sau trận so tài sắp tới này.

Văn Hiến nhìn nàng với ánh mắt biết ơn:

Cảm ơn Dung Dung.

Vầng trăng đã chếch bóng về tây. Hai chiếc thuyền lại cặp sát vào nhau ở ngả ba Sa Hà và Đồng Nai. Văn Hiến rót hai chung rượu nói:

Ngày Dung Dung lên đường trở về Phúc Kiến tôi xin được rót chén tiễn đưa.

Dung Dung uống xong chung rượu, giọng nàng nghe thật buồn:

Bảo trọng!

Bảo trọng!

Mọi người chia tay trở lại thuyền của mình. Hiền Nhi nói lớn:

Chào Công chúa. Chúc Công chúa ngủ ngon. Chào Hồng tỷ. Hôm nào chúng ta lại gặp nhau chứ?

Thu Hồng vui vẻ:

Chào Hiền Nhi tỷ. Nhất định rồi. Tôi sẽ đến tìm tỷ.

Hai chiếc thuyền lại tách nhau trở về bến. Hiền Nhi nhìn theo nói với Văn Hiến:

Công chúa thật là xinh đẹp. Trong đêm trăng trông nàng chẳng khác một vì tiên nữ. Hiền Nhi chúc mừng anh Hai.

Văn Hiến mỉm cười buồn bã:

Tiên nữ sẽ trở về tiên cảnh. Anh Hai là người phàm sẽ mãi mãi ở lại phàm trần với phàm nhân, có gì vui mà em chúc mừng.

Nghe câu nói đó Hiền Nhi chợt cảm thấy một niềm vui nho nhỏ len lén chạy vào tim. Nàng giật mình thầm nguyền rủa bản thân mình: “đồ xấu xa, ngươi học thói xấu này từ lúc nào vậy?!!”. Câu trả lời chỉ dành cho những người đã trưởng thành, nàng là cô gái mới chớm lớn nên lòng tự hỏi chỉ vì nàng có một tâm hồn cao thượng chứ bản thân nàng, tại thời điểm này, không thể tự trả lời cho chính mình được. Và chính vì không trả lời được nên lương tâm nàng có đôi chút cắn rứt. Lắng nghe những tư tưởng vô cớ bộc phát lộn xộn trong lòng, nàng lại mỉm cười tự nhủ: “rõ vớ vẩn!”.

*

Cuối tháng tám, ban ngày trời nóng bức nên chiều xuống nhiều đám mây tụ ở vùng trời đông. Vào khoảng đầu giờ tuất, bầu trời Giản Phố mây giăng đen kịt, cả vùng phố cảng chìm trong bóng đen dày đặt. Chẳng bao lâu sau mưa bắt đầu nặng hạt rồi trở thành một cơn mưa lớn như trút nước. Trong màn đêm dày kịt cùng với tiếng mưa gió ào ào có hai bóng đen thân ảnh như những con dơi đêm từ bên ngoài vượt bức tường cao bao bọc khu trang viện Kim Cương môn rồi chia ra hai hướng lao vút lên mái nhà. Trang viện Kim Cương môn rất rộng lớn, chia làm nhiều gian. Bên dưới gian đại sảnh lớn ở cuối dãy mái nhà, có lẽ là diễn võ đường nên có tiếng đông người tập luyện hò hét và tiếng binh khí chạm nhau chan chát. Dưới một mái nhà ở phía tây giáp với khu vườn hoa có ánh sáng tỏa ra bên ngoài. Bóng đen thứ nhất vội phóng người về phía đó dùng thế đảo quyển châu liêm móc ngược chân lên mái nhà thòng người xuống nhìn vào bên trong. Bóng đen chợt giật mình nghĩ thầm: “Là chỗ ở của nàng ư?”. Bên trong gian phòng bày biện trang nhã theo lối một phòng đọc sách, có cữa sổ nhìn ra vườn hoa. Dung Dung đang ngồi nơi bàn sách đối diện với một người đàn ông mặc Vương phục, chính là Lý đại vương Lý Văn Quang. Bóng đen đang treo người trên mái nhà không ai khác hơn là Văn Hiến. Chàng nghe Dung Dung nức nở:

Cha giàu có đến mức độ này còn chưa đủ ư? Cha cần gì phải mở rộng thế lực chiếm trọn các thương hiệu ở khu Giản Phố này nữa.

Lý đại vương nói:

Con là con gái, con không hiểu hết những gì một người đàn ông muốn đâu. Cha đã bảo con trở về Phúc Kiến sống an lành sung sướng ở đó con không chịu, lại cứ muốn lưu lại đây, bây giờ còn chất vấn cả Cha nữa.

Dung Dung nhìn Cha nàng bằng ánh mắt van lơn:

Nhưng sự ham muốn cũng phải có giới hạn chứ. Cha đã thống trị gần như cả thương cảng Hạ Môn, mọi người đều xem cha như một ông Vua, Cha còn chưa vừa lòng ư?

Con đừng quên rằng con là con cháu của Sấm Vương. Sấm Vương Lý Tự Thành con biết chưa. Cha muốn nối chí tổ tiên để trở thành một ông Vua thật sự có ngai vàng đường hoàng chứ không phải là một ông Vua không ngai thế này.

Dung Dung sững sốt hỏi:

Cha định chiếm cứ vùng Giản Phố làm của riêng mình ư?

Lý Văn Quang im lặng không nói gì. Sự im lặng của thừa nhận. Dung Dung lo sợ nói tiếp:

Dân Đại Việt không phải là những người Cha có thể xem thường được đâu. Con khuyên Cha hãy dẹp bỏ ý định đó đi.

Lý Văn Quang bật cười cao ngạo pha lẫn khinh bỉ:

Không thể xem thường. Ha..ha.. Con dựa vào cái gì mà nói lên điều ấy?

Dung Dung đáp:

Con dựa vào lịch sử. Cha xem cả một nước Trung Hoa của người Hán ta mà bao nhiêu lần xâm lăng họ, rồi cuối cùng cũng phải thảm bại rút về. Cha có bao nhiêu nhân tài, vật lực mà lại nghĩ đến chuyện chiếm lấy đất đai của họ làm của riêng mình?

Lý Văn Quang nghe con gái lý luận ông cảm thấy đuối lý, ông bỗng nổi giận nạt lớn:

Con im đi. Từ nay đừng nói chuyện này với Cha nữa. Thu xếp trở về Phúc Kiến ngay đi.

Dung Dung bị Cha lớn tiếng nàng bật khóc to:

Con lo cho sự an nguy của Cha, Cha lại la con. Cha quên Cha đã hứa những gì với Mẹ con hay sao?

Lý Văn Quang nghe nàng nhắc đến người vợ qúa cố mà ông yêu thương hết mực, ông vội đứng lên, bước đến dịu dàng vuốt tóc con gái:

Con nín đi. Cha không bao giờ quên. Có điều việc của Cha làm con không nên chen vào. Tạm thời con hãy trở về Phúc Kiến đi. Đừng làm Cha vướng bận.

Dung Dung tựa đầu vào người của Cha, nàng nói trong tiếng khóc:

Con sẽ về, nhưng phải đợi sau trận đấu sắp tới đã.

Nàng nói câu này mà lòng đau như cắt. Cha cũng không muốn vướng bận vì nàng, mà chàng cũng không muốn vì nàng mà vướng bận. Cả hai người thân yêu này đều muốn nàng biến đi để họ rảnh tay và an tâm mà đối đầu nhau. Sự đối đầu sinh tử, sự đối đầu oan nghiệt mà chính nàng phải gánh chịu nhiều nhất. Lý Văn Quang nhìn nàng hỏi:

Cha nghe nói con quen với tên thư sinh trói gà không chặt Thủ Hiến, con đang lo cho hắn phải không?

Dung Dung ngẩng khuôn mặt đầy nước mắt lên hỏi:

Ai nói với Cha việc này?

Tạ Tứ.

Dung Dung nhìn Cha nàng, giọng bực bội:

Cha muốn con đừng xen vào việc làm của Cha thì con cũng yêu cầu Cha đừng bao giờ nhắc tới tên khốn kiếp đó với con.

Lý Văn Quang hỏi:

Cha thấy hắn là nhân tài trong lớp trẻ, tương lai sẽ rất tốt. Tại sao con lại ghét hắn đến thế.

Dung Dung bĩu môi:

Nhân tài à? Hắn là một tên hèn hạ, nhỏ nhen. Không đáng mặt nam nhi.

Lý Văn Quang mỉm cười nói:

Thôi được. Đó là việc của con, Cha không dây vào nữa. Con nghỉ ngơi đi. Nhớ là sau trận đấu dù có thế nào con cũng phải trở về Phúc Kiến đó. Cha có việc cần phải bàn với bọn chúng.

Ông định quay người ra cữa thì Dung Dung hỏi:

Cha. Cây Ỷ Thiên Kiếm của Cha đâu?

Lý Văn Quang ngạc nhiên hỏi lại:

Sao con lại hỏi đến thanh kiếm đó làm gì?

Cha trả lời con đi.

Trong phòng Cha. Còn gì nữa không?

Dung Dung nhìn thẳng vào mắt Cha nhỏ nhẹ:

Mấy tháng trước Cha giao nó cho Lãnh Diện Truy Hồn phải không?

Lý Văn Quang giật mình hỏi:

Sao con biết Lãnh Diện Truy Hồn?

Dung Dung giục:

Cha trả lời con đi.

Lý Văn Quang trừng mắt định lớn tiếng với nàng nhưng ông đã dằn giọng xuống:

Cha đã nói với con đừng đề cập đến việc làm của Cha mà.

Nói xong ông quay lưng bước ra cữa. Dung Dung bật khóc lớn:

Cha sai thủ hạ giết mấy mươi mạng người vô tội ở Quy Nhơn để làm gì?

Lý Văn Quang dừng lại, quay phắt người nhìn Dung Dung giọng gay gắt hỏi:

Làm sao con biết chuyện đó?

Dung Dung đứng lên nức nở:

Muốn người ta không biết thì đừng bao giờ làm. Cha dấu cả thiên hạ làm sao được.

Lý Văn Quang lớn tiếng:

Con im đi. Đã bảo đừng dây vào việc làm của Cha mà.

Ông giận dữ quay lưng bước ra ngoài rồi đóng mạnh cữa lại nghe sầm một tiếng. Dung Dung chán nản thả người nặng nề ngồi lên chiếc ghế, gục đầu lên bàn khóc nức nở. Bên ngoài trời mưa vẫn lớn. Văn Hiến nhìn thấy đôi vai nàng rung rung từng chập trong lòng không khỏi sinh ra cảm giác bùi ngùi thương xót. Ông trời trêu ngươi nên đem một tâm hồn cao đẹp như nàng đặt vào trong một gia đình có qúa nhiều tham vọng, sự tương phản đó đã đẩy nàng vào một hoàn cảnh trớ trêu. Chàng muốn nhảy vào phòng an ủi nàng đôi câu nhưng lại không dám làm kinh động sẽ lỡ việc do thám đêm nay. Chàng nhìn theo hướng đi của Lý Văn Quang, quyết định tung mình lên mái nhà rồi phóng đến một gian phòng khác, dùng thế đảo quyển châu liêm móc ngượi người nhìn vào trong. Chàng phát hiện ở mái bên kia, Hồng Liệt cũng đang thòng người quan sát bên trong.

Gian phòng khá rộng, một bộ bàn dài với hơn mười chiếc ghế chung quanh, đặt giữa phòng, đầu bàn là một chiếc ghế thái sư có chạm hình một con rồng uốn khúc quanh lưng tựa, hai thanh gát tay chạm hai đầu rồng đang ngậm hai trái châu. Trên hai dãy ghế đã có tám người đàn ông và một thiếu nữa trạc hai mươi, nét mặt xinh đẹp ngồi ở đó. Khi thấy Lý Văn Quang bước vào tất cả đều đứng lên cung kính nói:

Chào Đại vương.

Lý Văn Quang ngồi vào chiếc ghế thái sư, sắc mặt vẫn chưa hết tức giận vì câu hỏi của Dung Dung lúc nãy. Ông đảo ánh mắt như hai luồng điện nhìn mọi người hỏi:

Công việc sắp xếp thế nào rồi?

Hà Huy hé đôi mắt lim dim suốt ngày của hắn lên thưa:

Trình Đại vương. Theo chương trình đã có trong thiếp mời, chúng thuộc hạ dự định để hai trận quyền cước cho anh em Tả Hữu đô đốc là Tạ Tam và Tạ Tứ đối phó, hai trận binh khí thì một giao cho Lãnh Diện huynh đây đảm nhiệm. Lãnh Diện huynh vết thương hôm trước nay đã khỏi hẳn rồi. Trận thứ hai sẽ do Trung Nguyên Nhất Kiếm Quách Tử Dương ra tay. Trận nữ đã có Hắc Y Nữ Hiệp Triệu Phi Yến thủ đài.

Lý Văn Quang hỏi:

Lực lượng bên Thần Quyền môn và các nhà khác thế nào?

Hà Huy thưa:

Bẩm, Trần Đại Kỳ tuy là đại đệ tử của Thần Quyền Vô Ảnh Công Tôn Vũ, một đệ nhất cao thủ của Hoa Sơn phái trước kia, nhưng hắn chưa học được bao nhiêu của sư phụ nên không có gì đáng ngại. Chỉ có Trần An Hảo là tay đáng gờm nhưng hắn ta tuổi đã cao, thuộc hạ không tin là đối thủ của Tả đô đốc Tạ Tam của chúng ta. Còn lại tên Thủ Hiến đã là thủ hạ bại tướng của Tạ Tứ năm ngoái, và tên trộm vặt họ Đinh thì chỉ có tài khinh công chứ quyền kiếm không đáng sợ. Chỉ còn lại tên Trần Đại Bằng vừa từ Phú Xuân vào thì chúng ta chưa biết thực lực của hắn thế nào mà thôi, nhưng thuộc hạ tin hắn cũng không phải là đối thủ của Trung Nguyên Nhất Kiếm Quách đại hiệp đây.

Người được gọi là Trung Nguyên Nhất Kiếm tuổi cỡ trung niên, khuôn mặt thật thâm trầm không biểu lộ một chút tình cảm nào. Nghe Hà Huy khen tặng hắn vẫn ngồi điềm nhiên trơ trơ không lộ vẻ vui mừng hay tự phụ, con người hắn như một pho tượng vậy. Văn Hiến nhìn phong cách của hắn trong lòng chợt gai lạnh, chàng thầm nhủ: “Tên này không biểu lộ chút tình cảm nào ra ngoài, hắn đúng là tay kiếm đáng gờm nhất bọn”.

Lý Văn Quang nói:

Lần này nhất thiết không được sơ sót. Nếu cần cứ giết một vài tên để nhiếp phục tinh thần bọn chúng. Ta phải loại đám Thần Quyền môn kia ra khỏi Giản Phố này. Còn lão già đánh bại Thiên Ưng lão huynh năm ngoái thì sao?

Hà Huy đáp:

Bẩm, thuộc hạ cho người theo dõi thì không hề thấy hắn xuất hiện ở Giản Phố. Theo lời Thiên Ưng lão huynh nói thì cánh tay trái của hắn có thể sẽ bị tàn phế suốt đời, điều này chắc là đúng rồi.

Tạ Tứ bỗng lên tiếng:

Lần này nếu tên Thủ Hiến còn dám ra mặt, thuộc hạ sẽ giết hắn để dằn mặt bọn chúng.

Hắc Y Nữ Hiệp Triệu Phi Yến mỉm cười nói:

Chứ không phải Nhị ca ăn phải dấm chua rồi muốn trả thù sao?

Tạ Tứ trừng mắt nhìn nàng:

Tứ muội không nên nói đùa trước mặt Đại vương.

Lý Văn Quang hỏi:

Phần Phi Yến cháu thấy thế nào?

Phi Yến nói bằng một giọng rất tự tin:

Tiểu nữ tin là sẽ thủ thắng được.

Lý Văn Quang mỉm cười:

Hay lắm. Tất cả phải cẩn thận đừng để sơ suất như vừa rồi nữa.

Lãnh Diện Truy Hồn cúi mặt xuống không dám nhìn lên. Lý Văn Quang hỏi:

Đã có chút tin tức gì về cây Ô Long Đao chưa?

Lãnh Diện Truy Hồn đáp:

Cái vực mà tên Trần Nguyên Hào nhảy xuống đêm đó rất sâu và nước rất lạnh. Coi trên mặt hồ thì lặng yên nhưng bên dưới dòng nước xoáy mạnh vô cùng. Đại Chí đã cho người lặn xuống mấy lần nhưng tất cả hoặc bị cuốn mất hút, hoặc phải trở lên vì không chịu nổi độ lạnh cùng cực của hồ nước. Đến nay vẫn chưa tìm ra được xác của hắn và cây đao.

Văn Hiến và Hồng Liệt bên ngoài nghe bọn chúng bàn về cây đao thì mừng thầm: “Thì ra bọn chúng chưa lấy được bảo đao. Không biết cái vực mà chúng nói đớ ở đâu nhỉ? Nhất định phải tìm ra tung tích của Trần huynh và bảo đao mới được.”

Chợt nghe Lý Văn Quang nói:

Thôi được. Không có cây đao đó cũng không hại gì. Lần này phải hành động thận trọng hơn.

Hà Huy vội thưa:

Xin Đại vương an tâm, mọi việc sẽ tốt thôi.

Lý Văn Quang đứng lên, cả bọn cũng đứng lên cúi đầu tiễn ông ta. Văn Hiến và Hồng Liệt cũng vội vàng tung người trở lên mái nhà rồi băng mình trong đêm mưa vượt tường trở về Thần Quyền môn. Cả hai về đến nơi đã thấy Đại Kỳ, Đại Bằng, Trần An Hảo, một chàng thanh niên tuổi khoảng hai ba hăm bốn và một thiếu nữ tuổi trạc đôi mươi đang ngồi chờ ở phòng khách. Mọi người đứng lên đón, Đại Kỳ nói:

Hai người vào trong thay đổi y phục trước đã rồi ra đây uống vài chung rượu cho ấm. Mọi việc tính sau.

Hai chàng vào trong thay quần áo xong trở ra. Đại Kỳ giới thiệu:

Giới thiệu với Thúc thúc đây là Trương Văn Hiến huynh, còn đây là Đinh Hồng Liệt sư đệ của cháu. Vị này là An Hảo thúc thúc hai người biết rồi. Còn đây là Trần An Vinh, trưởng nam của Trần thúc thúc. Vị tiểu thơ này là ái nữ của Thúc thúc, Trần Mỹ Phụng.

Văn Hiến và Hồng Liệt đồng cúi đầu chào:

Tham kiến Trần thúc thúc, Trần huynh và Trần tiểu thơ. Bọn cháu biết mặt Thúc thúc từ lâu nay mới được diện kiến. Vạn hạnh.

Trần An Hảo tươi cười nói:

Hai cháu không nên đa lễ.

An Vinh và Mỹ Phụng chào đáp lễ:

Hân hạnh được biết hai vị huynh trưởng.

Đại Kỳ rót rượu ra chung nói:

Ngồi xuống uống một chung mừng gặp mặt đi. Việc thế nào? Có biết được gì không?

Mọi người uống cạn chung rượu, Hồng Liệt đáp:

Nhân sự của chúng rất đông. Lần này chúng quyết đánh bại chúng ta và loại Thần Quyền môn ra khỏi Giản Phố.

Đại Kỳ tỏ vẻ khẩn trương:

Lớn chuyện vậy à? Chúng bố trí thế nào?

Hồng Liệt bèn đem cách đưa người ra tham dự các trận đấu của Kim Cương môn thuật lại cho mọi người nghe. Cuối cùng chàng nói:

Bọn chúng chỉ úy kỵ có Trần thúc thúc mà thôi, còn những người khác kể cả anh Đại Bằng chúng chưa biết thực tài thế nào mà chúng cũng chẳng coi vào đâu.

Trần An Hảo vuốt chòm râu bạc cười lớn:

Không ngờ một tên già như ta mà cũng còn có kẻ nể mặt. Ha.ha.. Như thế cũng an ủi lắm rồi. Có điều bấy lâu nay sống thanh bình không đụng đến đao kiếm, hơn nữa tuổi tác đã lớn ta e không kham nổi việc này như bọn chúng tưởng đâu. Chúng nói rằng úy kỵ nhưng chúng không lo ngại gì ta cả có đúng không?

Hồng Liệt ngần ngừ không biết phải trả lời thế nào. An Hảo cười nói:

Cháu không cần ngại, cứ nói thẳng xem bọn chúng nói thế nào.

Hồng Liệt đành nói thật:

Dạ, chúng cũng biết rằng Thúc thúc đã có tuổi nên tin rằng tên Tạ Tam có thể thủ thắng được.

An Hảo nói:

Bọn chúng có vẻ biết người biết ta đấy. Dù sao ta cũng sẽ thử xem gân sức có còn vững chắc như ngày xưa không.

An Vinh rụt rè nói:

Thưa Cha, hay để con thay Cha trận này. Cha đâu cần ra mặt làm gì.

An Hảo nói:

Tạ Tam là đại đệ tử của Phùng Đạo Đức, thay mặt ông ta mở Kim Cương môn ở đây thì thân thủ của hắn không đơn giản đâu. Con quyết không phải là đối thủ của hắn. Sính cường chỉ làm hư sự mà thôi.

An Vinh cúi đầu nói:

Dạ, thưa Cha.

Hồng Liệt nói:

Xin phép Thúc thúc và Đại sư huynh, trong việc này cho cháu được thay mặt mọi người chọn ra nhân sự thích hợp để ứng chiến với bọn chúng được không?

An Hảo vui vẻ nói:

Được, được. Cháu nói nghe đi.

Hồng Liệt chậm rải nói:

Xin Thúc thúc nhường trận đấu với Tạ Tam lại cho Đại sư huynh cháu. Phần Tạ Tứ cháu xin được săn sóc cho hắn. Lần này cháu phải ra tay trừng trị tên xấc láo này, trả mối thù một cú đá mà Trương huynh đã nhận lấy năm ngoái. Hai trận này coi như Thần Quyền môn chính thức tỷ thí Kim Cương môn. Với tên Lãnh Diện Truy Hồn thì để cho anh Đại Bằng. Anh ấy đã có dịp thấy hắn giao đấu với Trần Nguyên Hào rồi. Tên này và thanh Ỷ Thiên Kiếm trong tay hắn đã vây máu của Trần gia, đây là dịp để anh đòi lại món nợ máu đó. Riêng tên Trung Nguyên Nhất Kiếm thì giao cho Văn Hiến đây.

Đại Bằng nói:

Thân thủ của Lãnh Diện Truy Hồn không có gì đáng ngại vì trong thời gian ở lại Trần gia, tôi cùng Trần Nguyên Hào đã nghiên cứu kỹ đường kiếm của hắn. Chỉ ngại cây Ỷ Thiên Kiếm qúa sắc bén trên tay hắn mà thôi.

Hồng Liệt nói:

Anh an tâm, tôi sẽ giao lại thanh kiếm Thắng Tà cho anh để đối phó với Ỷ Thiên Kiếm.

An Hảo kinh ngạc:

Thắng Tà bảo kiếm à? Thanh kiếm này của Âu Dã Tử nước Việt rèn ra, đã thất lạc từ khi nhà Tần gồm thâu lục quốc cho đến nay không thấy xuất hiện lại. Cháu làm sao có được?

Hồng Liệt đáp:

Là Sư phụ của Trương huynh tặng cho cháu.

Đại Bằng mừng rỡ nói:

Được như thế thì hay lắm. Kiếm của người Bách Việt nay trở về với dân Bách Việt. Đây chắc là nhờ anh linh tổ tiên giúp đỡ con cháu chúng ta.

An Hảo hỏi tiếp:

Trung Nguyên Nhất Kiếm lai lịch thế nào?

Hồng Liệt đáp:

Lúc Sư phụ còn tại thế người thường đem chuyện võ lâm Trung nguyên kể cho cháu nghe. Theo lời Sư phụ thì thời đó Quách Tử Dương đã là tay kiếm thủ bậc nhất trong lớp trẻ, hắn chưa từng bị bại một lần nào. Kiếm của hắn nhanh như điện và hiểm ác vô cùng. Hắn giao đấu trăm trận, chỉ thắng thiên hạ bằng độc nhất một chiêu. Một chiêu vừa nhanh vừa chuẩn xác nhắm vào yết hầu của địch chưa hề sai lệch.

An Hảo nghe Hồng Liệt mô tả về tên Trung Nguyên Nhất Kiếm thì ngạc nhiên vô cùng. Ông nói:

Việc ta nhường trận đấu cho Đại Kỳ thì hợp lý thôi, nhưng còn với một tay kiếm như Quách Tử Dương, xin lỗi, Trương hiền điệt có đảm đương nổi không?

Hồng Liệt mỉm cười đáp:

Việc này xin Thúc thúc đừng lo. Cháu dám đem cả tính mạng của mình ra để đặt cuộc cho hắn.

Mỹ Phụng chợt chen vào:

Đinh huynh đừng đem tính mạng của mình ra làm trò đùa. Tiểu muội xin lỗi Trương huynh trước, năm ngoái Trương huynh sao lại bị thất bại dưới tay Tạ Tứ dễ dàng qúa vậy?

Văn Hiến mỉm cười không nói gì. Hồng Liệt làm bộ bí mật nói:

Thiên cơ bất khả lậu. Tiểu thơ không tin thì đợi vài hôm nữa mà xem.

Đại Kỳ nói:

Lời đề nghị của Hồng Liệt theo cháu thấy rất hợp lý. Thúc thúc không cần phải nhọc sức làm gì, cứ giao cho bọn cháu đảm trách.

An Hảo nói:

Như vậy cũng được. Tre tàn phải để cho măng mọc chứ.

Mỹ Phụng đưa cặp mắt đen láy như mắt chim bồ câu nhìn Hồng Liệt hỏi:

Còn trận nữ, Đinh huynh giao cho tiểu muội được chăng?

Hồng Liệt cảm thấy khó xử trong việc này vì không muốn làm mất mặt hai cha con An Hảo, nhưng chàng không biết thân thủ của Mỹ Phụng thế nào nên chẳng biết trả lời sao cho hợp lẽ. Chàng bối rối đưa tay vuốt chót mũi của mình mấy cái liền. Mỹ Phụng nhìn thấy sự ái ngại của Hồng Liệt nên mỉm cười hỏi:

Chắc Đinh huynh chê tiểu muội tài sơ, sợ đấu không lại người ta phải không?

Hồng Liệt bối rối đáp:

Không phải như thế đâu. Ái nữ của Trần lão anh hùng có ai dám chê bao giờ. Duy có điều, vì từ trước chúng tôi không biết Tiểu thơ sẽ tham gia nên đã giao trách nhiệm này cho Bạch Mai rồi. Hơn nửa tháng nay cô ấy đã cố gắng tập luyện cả ngày lẫn đêm để chuẩn bị cho trận đấu này đó. Tiểu thơ không tin thì vào luyện võ sảnh mà xem, Bạch muội giờ này vẫn còn đang luyện tập trong đó.

Mỹ Phụng nhoẻn miệng nở nụ cười thật khả ái nói:

Tiểu muội đùa chút cho vui thôi. Bạch đại tẩu dù sao cũng sẽ là người nhà, muội không tranh công đâu.

An Vinh trừng mắt nhìn em:

Muội muội đừng có nói nhảm, không sợ người ta cười cho sao.

Mỹ Phụng chu môi lên nói:

Chứ không phải Gia gia và Trần bá phụ lúc xưa đã từng định hôn ước cho Ca ca và Bạch tỷ tỷ hay sao?

An Vinh nặng mặt gắt:

Nhưng việc chưa đến, Trần bá bá lại qui tiên sớm, muội không nên ăn nói hồ đồ như vậy trước mặt Đinh huynh và Trương huynh đây.

Mỹ Phụng quay sang Đại Kỳ hỏi:

Đại Kỳ ca ca, huynh nói đi, muội nói có đúng không?

Đại Kỳ nghe hỏi bối rối đáp:

Ơ.. ơ..việc này..

An Vinh gắt:

Muội có im đi không !..

Mỹ Phụng nắm tay An Hảo phụng phịu nói:

Gia gia thấy không. Ca ca lúc nào cũng bắt nạt con hết á. Con chỉ nói sự thật thôi mà.

An Hảo cười:

Hai đứa tụi con lúc nào cũng trái ý nhau. Coi chừng người ta cười Cha không biết dạy dỗ con cái đó.

Đại Kỳ cười gỉa lả:

Không sao, không sao. Có như vậy mới vui nhà vui cữa chứ. Anh em tụi cháu cũng như thế mà.

Hồng Liệt im lặng ngồi nghe anh em nhà Mỹ Phụng nói chuyện với nhau không nói gì. Chỉ thấy chàng đưa hàm răng cắn nhẹ vào môi mình. Văn Hiến nghĩ thầm: “Tên trộm kỳ này bị một gáo nước lạnh tạt vào mặt hóa băng rồi. Hà, ngươi cũng nên uống một tí dấm chua cho biết mùi vị cuộc đời chứ”. Bầu không khí trong phòng chợt trở nên ngột ngạt, cũng may vừa lúc ấy Bạch Mai và Hiền Nhi từ phía sau cùng nhau bước vào, cả hai y phục vẫn còn ướt đẫm mồ hôi vì tập luyện. Bạch Mai cúi đầy chào:

Điệt nữ xin thỉnh an Thúc thúc. Chào Trần huynh và Phụng muội.

An Hảo cười ha hả nói:

Giỏi lắm, giỏi lắm. Mỹ Phụng, con hãy nhìn kìa. Bạch tỷ của con chịu khó luyện tập ngày đêm, không như con chỉ có tài vòi vĩnh Cha là giỏi.

Mỹ Phụng nũng nịu:

Gia gia lúc nào cũng bênh vực cho Bạch tỷ. Bạch tỷ, muội ghen với tỷ đấy.

Mỹ Phụng không phải là cô gái có nhan sắc nghiêng thành nhưng khuôn mặt của nàng mười phần khả ái. Nàng giả bộ nũng nịu lại càng đáng yêu hơn. Bạch Mai bước đến nắm tay Mỹ Phụng mỉm cười:

Thúc thúc chỉ khen tỷ theo phép lịch sự cho tỷ vui thôi. Phụng muội mới thật là viên ngọc báu của Thúc thúc đó, đừng ghen với tỵ sẽ mất cái nét bá mỵ thiên kiều của mình đi.

Văn Hiến không muốn Hồng Liệt phải ngồi đó chịu đựng thêm sự khó chịu nên đứng lên nói:

Xin phép Trần thúc và huynh, muội. Cháu có chuyện muốn nói với Hiền Nhi. Mọi người tiếp tục đi.

An Hảo nói:

Trương hiền điệt cứ tự nhiên. Công việc như thế cũng tạm ổn rồi, chúng tôi xin cáo từ. Đại Kỳ, mọi việc đều trông cậy vào cháu đó.

Đại Kỳ đứng lên chắp tay thưa:

Thúc thúc an tâm. Dù bỏ mạng, cháu cũng không để cơ nghiệp của tổ tiên rơi vào tay người khác đâu.

An Hảo đứng lên nói:

Ta tin tưởng nơi cháu. Thôi, thúc thúc kiếu từ nhé. Chúng ta hẹn nhau ở diễn võ đài.

An Vinh và Mỹ Phụng chào mọi người rồi theo Cha ra về. Trước khi đi, nàng không quên kín đáo liếc nhìn Hồng Liệt bằng một tia mắt thật dịu dàng. An Vinh cũng không quên chào Bạch Mai bằng ánh mắt chứa chan tình cảm. Đại Kỳ và mọi người tiễn chân cha con họ Trần xong trở lại khách sảnh. Bạch Mai hỏi:

Đã biết ai sẽ đấu với ai chưa?

Hồng Liệt đáp:

Đã. Bạch muội sẽ đấu với Hắc Y Nữ Hiệp Triệu Phi Yến, tứ đệ tử của Kim Cương môn.

Sau đó chàng kể thêm những ai sẽ đấu với ai như đã bàn định lúc nãy. Bạch Mai nhìn Đại Kỳ lo lắng hỏi:

Ca ca có được bao nhiêu phần thắng?

Câu hỏi này bản thân Hồng Liệt, Văn Hiến và Đại Bằng cũng rất muốn biết. Cả ba kín đáo theo dõi diễn biến trên nét mặt của Đại Kỳ. Chỉ thấy chàng ta bình thản nở nụ cười với cô em gái:

Tuyệt kỷ của họ Trần và Thần Quyền Vô Ảnh của Sư phụ sẽ không để ai có thể xem thường đâu. Muội đừng lo.

Cả ba người dấu đi hơi thở nhẹ nhõm. Văn Hiến thầm nghĩ: “Chỉ với sự bình thản này, Đại Kỳ đã có được ba mươi phần thắng rồi”.

Trần Đại Bằng nói:

Sự bình thản, tự tin của Trần huynh đã đem lại ba mươi phần trăm cơ hội thắng địch rồi.

Đại Kỳ nói:

Cuộc trá bại của Trương huynh năm ngoái đã làm cho bên địch kiêu căng, khinh địch cũng sẽ giúp chúng ta thêm một phần tất thắng nữa.

Văn Hiến nói:

Nhưng với hai tên Lãnh Diện Truy Hồn và Trung Nguyên Nhất Kiếm thì chúng ta không chiếm được sự tiện nghi này. Hai tên này đã đạt cảnh giới cực cao của kiếm đạo. Ngoại cảnh không còn ảnh hưởng được đến tâm lý thi đấu của chúng.

Bạch Mai lại hỏi:

Nhị Sư huynh thì sao?

Hồng Liệt mỉm cười đáp:

Huynh sẽ cố gắng hết sức mình.

Hiền Nhi rụt rè hỏi:

Còn anh Hai?

Văn Hiến đáp, giọng hài hước:

Đối với bậc cao thủ, việc thắng bại quyết định chỉ trong chớp mắt. Có khi chưa giao đấu đã phân định được rồi. Khi anh Hai lên võ đài, Hiền Nhi cứ nở nụ cười thật tươi là anh Hai sẽ thắng ngay.

Hiền Nhi vỗ tay reo lên:

Nếu vậy thì Hiền Nhi sẽ cười suốt cuộc tỷ võ để mọi người đều thắng trận cả.

Cả bọn cười ồ lên. Sự vui vẻ đã trở về trên khuôn mặt mọi người.

*

Tin Kim Cương môn sẽ thi đấu với Thần Quyền môn đã được loan đi khắp nơi trong vùng Trấn Biên và Phiên Trấn. Mọi người háo hức chờ đợi một trận thư hùng ngoạn mục giữa hai môn phái lớn của cả miền Nam này. Mới sáng sớm, cả khu đất quanh võ đài đã đông kín người xem, họ chen chúc nhau có đến hàng ngàn người trong một khuôn viên không lấy gì lớn lắm. Với số tiền mà Diệp Sanh Ký đã cúng năm trước, ngôi miếu Quan Đế nay đã được tu sửa khang trang và rộng rãi hơn rất nhiều. Trong khi các quan chức và chức sắc địa phương làm lễ trong miếu, bên ngoài đám khán gỉa không ngớt bàn tán xôn xao về năm trận đấu sắp diễn ra. Đại đa số nhìn vào bề thế bên ngoài và những hoạt động rầm rộ của Kim Cương môn gần đây, cũng như trận thắng dễ dàng năm ngoái, đều cho rằng Kim Cương môn sẽ thắng chí ít bốn trong năm trận so tài. Một số mang nặng tình cảm với những người tiên phong khai phá vùng Giản Phố thì nhất mực cho rằng phần thắng sẽ nghiêng về bên Thần Quyền môn. Những người này đưa ra những chiến công hiển hách của Trần Thượng Công và Định Viễn Hầu trong việc bình định quân Cao Mên và Xiêm La để bảo vệ cho ý kiến của mình. Họ bàn tán, họ cãi nhau không ngớt miệng. Có nhiều kẻ sính máu cờ bạc còn dám đặt cược với nhau nữa.

May mắn, hôm nay là một ngày đẹp trời, ánh dương quang chói lọi khắp nơi. Vào đầu giờ Tỵ việc lễ lạc trong miếu đã xong, quan khách bắt đầu tiến ra khán đài ngồi vào vị trí của mình dưới sự hướng dẫn của những võ sinh mặc võ phục màu đen với phù hiệu Kim Cương môn. Người ta thấy ở chiếc ghế chính giữa là quan Lưu thủ Cường Oai hầu, kế đến bên trái là Cẩn Thành hầu, ba cha con Trần An Hảo, Dương Ngạn Siêu cháu nội của Dương Ngạn Địch ở Mỹ Tho và năm đại diện năm hãng buôn lớn ở Giản Phố. Bên phải quan Lưu thủ là Lý Văn Quang, Công chúa Dung Dung, Hà Huy và một số nhân vật lạ mặt không ai biết.

Ba mặt khác của võ đài thì một mặt để cho khán giả, hai mặt kia ở phía trước là những chiếc ghế dành cho võ sinh và những đấu thủ của Kim Cươn môn, Thần Quyền môn. Người phát ngôn của buổi thi đấu đã bước lên võ đài, ông ta cúi chào các quan khách trên khán đài rồi hướng về phía khán giả dõng dạc tuyên bố buổi thi tài của hai võ đường lớn nhất tại miền Nam. Ông nhấn mạnh:

Cuộc thi tài gồm có quyền cước và binh khí. Tuy mục đích chính của cuộc thi tài là để trau dồi võ nghệ cho đôi bên, nhưng đao kiếm là vật vô tình, nếu trong qúa trình thi đấu có xảy ra điều đáng tiếc thì cả hai bên đều phải gánh chịu sự thiệt thòi này. Nếu bên nào cảm thấy qui luật này có hơi qúa đáng thì có thể rút lui khỏi trận đấu.

Đám khán giả nghe nói cuộc giao đấu quyết liệt đến có thể đổ máu thì hung tính số đông bị khích động, họ nhao nhao bàn tán. Có kẻ lớn tiếng:

Đúng rồi. Đao kiếm vô tình. Ai sợ chết thì cứ chịu thua rút lui. Giao đấu mà không tận hết sức mình thì sẽ nhạt nhẽo lắm.

Đám đông bao giờ cũng vậy, chỉ cần một vài kẻ có hung tính trong người lên tiếng, tức thì tính hung đó sẽ lan truyền sang những kẻ khác rất nhanh như một bệnh truyền nhiễm ác tính. Cuối cùng, những kẻ thông thường nhút nhát cũng sẽ bị khích động và hùa theo đám đông. Một khi đã bị lôi vào vòng hỗn loạn, đôi khi những kẻ nhút nhát kia lại còn táo tợn hơn người bạo dạn ban đầu. Người phát ngôn chờ cho sự khích động của đám khán giả lắng xuống, ông ta tuyên bố:

Trận đấu quyền cước thứ nhất bắt đầu. Mời đấu thủ của Kim Cương môn thượng đài.

Lời giới thiệu vừa dứt, từ hàng ghế của Kim Cương môn đã có một bóng người mặc võ phục màu đen tung vút lên cao rồi nhẹ nhàng đáp xuống sàn đấu. Tiếng vỗ tay vang dội khắp nơi:

Khinh công tuyệt diệu. Thân pháp thật đẹp mắt.

Người vừa phi thân lên võ đài chính là Tạ Tứ. Hắn cúi chào bốn người ngồi các ghế giữa trên khán đài rồi quay mặt về phía Thần Quyên môn nói lớn:

Có người cho rằng trận giao đấu năm ngoái tôi đã may mắn mới thắng được Thủ Hiến của Thần Quyền môn. Hôm nay tôi muốn được tái thách đấu với Thủ Hiến để chứng minh cho lời nhận xét kia là đúng hay sai.

Trên khán đài, Lý Dung Dung cau mày tỏ vẻ khó chịu. Cả Âu Dương Long và Thu Hồng đứng dưới cũng tỏ ý bất mãn. Âu Dương Long nói nhỏ với Thu Hồng:

Tôi cũng mong Trương huynh lên đài để dạy tên khốn này một bài học cho bỏ cái thói nhỏ nhen, ganh tỵ.

Trong lúc Âu Dương Long đang nói chuyện thì một bóng trắng từ hàng ghế của Thần Quyền môn đã tung người vút lên cao, đảo lộn trên không trung bốn năm vòng rồi tà tà đáp xuống sàn đài đứng đối diện với Tạ Tứ trong một tư thế hết sức ngoạn mục. Tiếng vỗ tay vang dội khắp nơi, cả những người ngồi trên khán đài cũng phải vỗ tay tán thưởng. Tiếng khen ngợi nhao nhao cả đấu trường:

Thân pháp tuyệt đẹp.

Chỉ có chim mới có thể bay được như thế, con người mà làm được như thế thì đúng là thiên tài.

Có người hiểu chuyện nói lớn:

Truy Phong Vô Ảnh xứng đáng là thân pháp độc bộ giang hồ.

Người áo trắng đó chính là Đinh Hồng Liệt. Hôm nay chàng vận bộ võ phục màu trắng của Thần Quyền môn. Trên ngực áo bên trái ngay trái tim có một huy hiệu năm qủa đấm xếp vòng tròn, biểu tượng của Thần Quyền môn. Thân pháp tuyệt đỉnh và phong thái điềm nhiên của chàng đứng trên sân khấu đã áp đảo tinh thần của Tạ Tứ. Hồng Liệt cúi chào quan khách trên khán đài và khán giả xong quay lại đối diện với Tạ Tứ nói:

Vị bằng hữu nào đã nói anh bạn thắng Thủ Hiến năm ngoái là do may mắn, vị bằng hữu đó qủa có cặp mắt nhạy bén của võ học. Với tài lực của anh bạn nếu thắng được ta thì mới có cơ may đụng được chéo áo của Thủ Hiến.

Tạ Tứ tuy bị thân pháp của Hồng Liệt làm cho chấn động tinh thần, nhưng hắn dù sao cũng là kẻ có bản lãnh lớn nên chỉ thoáng chốc đã lấy lại được bình tĩnh. Nghe Hồng Liệt nói như vậy máu nóng trong người hắn bốc lên, lớn tiếng hỏi:

Anh bạn có phải là Vô Ảnh Thần Thâu khét tiếng vùng Thuận – Quảng không?

Hồng Liệt mỉm cười đáp:

Cảm ơn bạn đã nhận biết tiện danh.

Ta Tứ hỏi:

Bạn là gì của Thần Quyền môn?

Ta là sư đệ của Chưởng môn sư huynh Trần Đại Kỳ. Hôm nay ta đại diện Thần Quyền môn lên đây phó hội với Kim Cương môn.

Tạ Tứ nói:

Được. Ta hãy thắng anh bạn trước rồi sẽ đụng đến chéo áo của Thủ Hiến sau vậy. Mời.

Cả hai lùi lại một bước, đảo quyền bái tổ xong hai bên đập tay nhau rồi nhảy lui lại trụ bộ thủ thế. Tạ Tứ nóng nảy xuất chiêu tấn công trước với dụng ý tiên phát chế nhân, hắn dở toàn bộ tuyệt học Kim Cương quyền ra quyết thắng thật nhanh trận này. Quyền pháp của hắn tung ra thật dũng mãnh và hiểm hóc, ra chiêu liên tục không cho địch thủ cơ hội phản công. Hồng Liệt sau khi đả thông được Sinh Tử Huyền Quan nội lực trong người tăng lên gấp bội, thân pháp của chàng vốn đã mau lẹ nay còn nhanh hơn gấp nhiều lần. Quyền của Tạ Tứ tuy cương mãnh nhưng Hồng Liệt thân thủ mau lẹ nên tất cả chiêu thức của Tạ Tứ đều bị chàng hoặc né tránh hoặc đỡ gạt một cách tài tình. Tạ Tứ thấy dùng đòn cương mãnh không mang lại hiệu qủa, hắn chuyển lối đánh, dùng Đại bi thiên thủ thức kết hợp với Đại cầm nã thủ pháp của Thiếu Lâm chính tông tấn công đối phương. Hai lộ quyền và cầm nã này là tuyệt nghệ của Thiếu Lâm, đòn ra như gió hốt, bóng quyền và cầm nã thủ bao trùm khắp nơi. Hồng Liệt phải vất vả đỡ gạt nhưng vẫn trúng liên tiếp mấy đòn. Tuy nhờ thân ảnh mau lẹ nên không nguy hiểm lắm nhưng mép miệng đã thấy máu ứa ra. Khán giả bên dưới không ngớt reo hò cổ vũ cho thai đấu thủ trên đài:

Thiếu Lâm quyền lợi hại thật.

Truy phong ảnh của Thần Quyền môn nhanh không thể tưởng tượng.

Hồng Liệt bị liên tiếp mấy đòn trong lòng tức giận, chàng giở tuyệt đỉnh Truy Phong Ảnh bộ di chuyển quanh người Tạ Tứ như phiêu như hốt, Vô Ảnh quyền mờ mịt tung ra tấn công trả đòn. Nên biết Vô Ảnh quyền là tuyệt kỷ trấn sơn của phái Hoa Sơn, bên Trung Nguyên. Quyền pháp nhìn không cương mãnh như Kim Cương, Phục Hổ quyền của Thiếu Lâm nhưng rất nhanh và tiềm ẩn một sức công phá dữ dội bên trong. Sự kết hợp giữa Truy Phong ảnh bộ và Vô Ảnh quyền nếu đạt đến trình độ cao siêu thì hiệu qủa rất lớn, địch thủ khó có thể tránh né hoặc đỡ gạt được hết. Tạ Tứ bây giờ rơi vào thế thủ, hắn tức giận la hét vang trời kèm theo mỗi cú đỡ và đánh. Thình lình Hồng Liệt thay đổi quyền pháp, chàng chuyển từ Thần Quyền của Hoa Sơn sang Long Quyền của Việt Võ đạo. Hét lớn một tiếng như rồng ngâm, Hồng Liệt sử dựng liên tiếp ba thế Nhất Tiễn Tấn Tâm Hung, lao vào đấm thẳng một quyền như trời giáng vào ngực đối phương. Qúa bất ngờ, Tạ Tứ phải xoay người né đòn, Hồng Liệt nhanh chóng đảo bộ theo thế Kim Kê Độc Lập rồi xoay nhanh người tung ra một cú Đảo Vĩ Cước như chớp giật. Cú đá này chàng và Văn Hiến đã tập dợt không biết bao nhiêu lần, thân thủ trông thật đẹp lại thật hiểm hóc và nhanh qúa mức tưởng tượng. Tạ Tứ vô phương né tránh, lãnh trọn một cước vào mặt, cả thân người lảo đảo lui lại phía sau hai ba bước liền. Hồng Liệt không bỏ lỡ cơ hội vội lướt nhanh ngựa tới tung ra một chiêu Ngạ Hổ Ly Sơn, thúc cùi chỏ vào hông Tạ Tứ rồi cả hai tay tung liền theo đó hai cú đấm thốc vào bụng địch theo thế Bá Vương Cử Đảnh. Tạ Tứ liên tiếp trúng ba bốn đòn miệng phun máu tươi cả vòi. Hắn còn đang chới với chưa đứng vững thì Hồng Liệt lại tung ra cú Hồ Điệp Song Phi quyết định vào ngực đối phương. “Bịch” một tiếng lớn, thân hình Tạ Tứ bắn xa ra sau rớt xuống dưới võ đài ngay phía bọn Kim Cương môn đang ngồi. Diệp Hồng Sanh vôi đứng lên đỡ gọn thân hình của Tạ Tứ. Hồng Liệt đứng thẳng người lên phủi hai tay nhìn theo nói:

Ngươi đá bạn ta một đá, ta trả lại ngươi hai cước để thu lại cả vốn lẫn lời.

Chàng cúi người chào quan khách trên đài, bắt gặp nơi ấy một đôi mắt sáng lộ bao vẻ vui mừng và ái mộ của Mỹ Phụng đang nhìn mình. Chàng quay sang chào khán giả rồi từ từ bước xuống võ đài về lại chỗ ngồi.

Khán giả bây giờ mới bừng tỉnh sau một thời gian dài căng thẳng theo dõi trận đấu. Tiếng bàn tán xôn xao nổi lên khắp nơi. Mọi người đều công nhận thân pháp và quyền pháp của Thần Quyền môn qủa nhiên tuyệt đỉnh giang hồ. Phe Kim Cương môn bị bại trận, cả bọn lúc trước cao hứng bấy nhiêu thì lúc này ủ dột bấy nhiêu. Người phát ngôn trở lại võ đài tuyên bố:

Vừa rồi là Trận đấu giữa đệ nhị võ sư Kim Cương môn và đệ nhị võ sư Thần Quyền môn. Thần Quyền môn thắng trận đầu. Sau đây sẽ là trận đấu của hai nữ đệ tử của hai môn phái. Tứ đệ tử Kim Cương môn Hắc Y Nữ Hiệp Triệu Phi Yến sẽ thủ đài.

Tiếng giới thiệu vừa dứt, một bóng đen mảnh mai từ hàng ghế ngồi của Kim Cươn môn đã phóng vút lên cao rồi đáp xuống sàn đài nhẹ nhàng như một con chim én. Tiếng vỗ tay vang dội khắp nơi. Có tiếng nói thật lớn vang lên:

Thân pháp tuyệt đẹp, giống hệt như con én đang bay lượn trên trời vậy. Kim Cương môn qủa thật có rất nhiều nhân tài.

Một tiếng nói khác trả lại:

Thì bên Thần Quyền môn cũng đâu kém gì. Để xem họ sẽ đưa ai lên đài đây.

Tiếng nói thứ ba vang lên:

– Thì còn ai khác hơn là Bạch Y Nữ Hiệp Trần Bạch Mai.

Triệu Phi Yến cúi đầu chào khắp nơi rồi đưa mắt nhìn về phía Thần Quyền môn nói:

Xin mời.

Nàng đứng bằng một dáng dấp thật kiêu kỳ trên võ đài, lưng dắt song đao, nét mặt thật kiều diễm nhưng ánh mắt sắt sảo đến khiếp người. Bạch Mai thong thả đứng lên bước đến gần sàn đấu rồi tung mình nhẹ nhàng lên sàn, cử chỉ thật ung dung nhà hạ không một chút khoa trương. Sau lưng nàng dắt một thanh kiếm, cán kiếm có buộc một chùm tua màu trắng, trông nàng thật tinh khiết thanh kỳ. Tiếng vỗ tay bên dưới khán giả lại vang lên. Nhiều tiếng nói đồng vang lên:

Bạch Y Nữ Hiệp trông thật diễm lệ và thanh kỳ.

Có người nói:

Nữ Hiệp xứng đáng là đệ nhất mỹ nhân miền Nam này.

Bạch Mai cúi chào tất cả rồi quay sang đứng đối diện với Phi Yến. Nàng cúi chào và giới thiệu:

Tiểu muội là Bạch Mai, hân hạnh được biết Phi Yến tỷ tỷ.

Nàng lên võ đài thi đấu mà thái độ thân tình như đi gặp người quen vậy. Phi Yến lãnh đạm nói:

Hân hạnh. Chúng ta sẽ đấu quyền hay đấu kiếm?

Bạch Mai đáp:

Tùy ý tỷ tỷ.

Phi Yến nói:

Hai vị sư huynh vừa đấu quyền xong. Chúng ta đấu kiếm nhé.

Được. Nhưng đừng để đổ máu hay sát thương.

Phi Yến lạnh lùng:

Đao kiếm vô tình làm sao tránh khỏi. Nếu vậy ta đấu quyền đi.

Bạch Mai nói:

Như vậy hay hơn.

Phi Yến quay người lại ném song đao xuống cho đồng bọn. Bạch Mai cũng ném thanh kiếm của mình xuống cho Hiền Nhi giữ. Phi Yến nói:

Mời.

Mời.

Hai người bái tổ và chào nhau xong, Phi Yến liền lướt người tới tung song quyền tấn công vào mặt và bụng Bạch Mai. Cú đánh thật bất ngờ và thật thần tốc đã trúng thẳng vào bụng của Bạch Mai. Bạch Mai dội ngược người về phía sau. Phi Yến không bỏ lỡ cơ hội lướt nhanh người ra đòn liên tiếp. Bị cú đánh bất ngờ Bạch Mai hơi choáng váng nhưng nàng đã mau chóng lấy lại được bình tĩnh vội xoay người né tránh, giở Truy Phong Vô Ảnh bộ pháp ra di chuyển thật nhanh bao quanh người Phi Yến vừa né đòn vửa phản công. Phi Yến đã quan sát cách đánh của Hồng Liệt lúc nãy, theo lời chỉ dẫn của Tạ Tam nàng bỏ lối đánh tấn công, dùng lối phòng thủ vững chắc để làm công, đòn ra chậm lại. Nàng sử dụng Ba la mật thủ pháp, đòn xuất trầm ổn nhưng mỗi đòn phát ra đều thật hiểm hóc, hàm chứa sát cơ. Hai người một y phục màu trắng, một y phục màu đen xoắn tít nhau trông thật đẹp mắt. Khán giả bên dưới không ngớt vỗ tay khen ngợi và cổ vũ nhiệt tình cho cả hai. Bạch Mai biết cách đánh của mình không thể chế thắng được đối phương nên nàng cũng thay đổi cách ra chiêu. Nàng chuyển từ nhanh sang chậm, sử dụng Viên Viên miên chưởng của Văn Hiến truyền thụ để đối phó với cương quyền Thiếu Lâm. Phi Yến thấy địch thủ chuyển sang thế thủ nàng liền đổi sang lối đánh tấn công, ra đòn mỗi lúc một nhanh hơn, kết hợp cả Ba la mật thủ và Đại bi thiên thủ thức quyết hạ cho được Bạch Mai để rửa nhục cho sư huynh. Khán giả bên dưới theo dõi trận đánh mỗi lúc càng tỏ vẻ ngạc nhiên vì họ thấy thân ảnh của Bạch Mai nhẹ nhàng như cánh bướm trắng, hai tay như phiêu hốt bao bọc lấy tay quyền của Phi Yến, nhẹ nhàng đỡ gạt những cú đánh mãnh liệt của Thiếu Lâm quyền. Bỗng nghe Phi Yến hét lớn một tiếng, sử dụng Bát Nhã chưởng, một tuyệt kỷ công phu Thiếu Lâm, tung đòn như sấm sét vào ngực đối phương, Bạch Mai tay phải nhẹ nhàng như con rắn uốn lượn theo cánh tay của địch thủ, mượn lực hất mạnh ra, tay trái liền theo đó vỗ mạnh vào ngực Phi Yến một cú. Phi Yến “hự” lên một tiếng thối lui người ra sau, miên quyền của Bạch Mai phát đòn liên tục nên liền sau cú vỗ đó, cả hai tay của nàng tiếp tục vỗ thẳng vào ngực và bụng đối phương. Phi Yến trúng ba đòn liên tục miệng ứa máu chảy xuống vạt áo trước ngực. Bạch Mai lướt người tới định đánh tiếp một đòn kết thúc nữa nhưng nhìn thấy Phi Yến đã hộc máu ra mồm nên nàng bất nhẫn dừng tay lại nửa chừng không phát chiêu. Trong khoảnh khắc đó, Phi Yến đã dụng hết sức mình đấm thẳng vào ngực Bạch Mai một cú đấm thôi sơn. Bạch Mai lãnh trọn một quyền vào ngực bật người ra sau mấy bước, miệng cũng ứa máu tươi. Khán giả bên dưới có người nhanh mắt nhìn thấy cảnh đánh lén của Phi Yến vội la lớn:

Hèn hạ. Người ta đã tha mạng cho sao còn đánh lén.

Tiếp đó là nhiều tiếng la phản đối vang lên khắp nơi. Người phát ngôn vội vàng chạy lên đài tuyên bố:

Trận này hai bên đều bị thương như nhau nên được xem như là Hòa. Mời hai vị nữ hiệp trở về chỗ.

Khán giả la ó om sòn. Nhiều người lớn tiếng phản đối:

Bạch Y Nữ Hiệp đã thắng. Xử như thế là không công bằng.

Người phát ngôn tỉnh bơ vờ đi những lời phản đối đó. Một bóng trắng nhẹ nhàng từ dưới đất tung người lên sàn đấu dìu Bạch Mai xuống. Người đó là Hiền Nhi, nàng ngoái lại nhìn Phi Yến trách:

Người ta tha cho sao ngươi còn nỡ ra tay hạ thủ. Thật là xấu xa.

Trên khán đài, đôi mắt của Lý Văn Quang long lên một tia sáng như điện nhìn sang Hà Huy. Hà Huy thất kinh vội đưa mắt ra hiệu cho Tạ Tam đang ngồi bên dưới. Tạ Tam hiểu ý liền ra hiệu cho Lãnh Diện Truy Hồn lên đài. Không đợi người phát ngôn giới thiệu, Lãnh Diện Truy Hồn với bộ mặt lạnh như tiền nhẹ nhàng tung người lên sàn đài, thân pháp của hắn không kiểu cách nhưng mọi người đều nhận rõ khinh công của hắn thật cao diệu. Trên lưng hắn dắt một thanh trường kiếm, cả người hắn toát ra một màn sát khí đến rùng người. Đưa ánh mắt lạnh băng nhìn xuống phía Thần Quyền Môn giọng hắn cộc lốc:

Mời.

Trần Đại Bằng đứng lên rồi tung mình nhảy lên đài, ông cúi chào quan khách và khán giả rồi quay sang đối diện với Lãnh Diện Truy Hồn. Trên lưng ông cũng dắt một thanh trường kiếm. Cả hai đứng im lặng nhìn nhau. Hai người có hai dáng dấp và phong thái thật trái ngược nhau. Một bên thì lạnh như băng và âm trầm thật đáng sợ như một hung thần ác sát. Bên kia thì nho nhã, khoáng đạt như một nho phong hiệp khách. Đại Bằng nhìn thẳng vào mắt Lãnh Diện Truy Hồn nói:

Chúng ta lại gặp nhau ở đây.

Lãnh Diện Truy Hồn lạnh lùng:

Ừ.

Đại Bằng nói:

Món nợ máu gần hai mươi nhân mạng của Trần gia ta thanh toán ở đây cho xong.

Nếu ngươi muốn.

Rút kiếm ra đi.

Reng. Reng. Hai tiếng vang lên trong trẻo, ánh kiếm lóe lên dưới ánh mặt trời làm mọi người chói mắt. Khán giả nhốn nháo hẳn lên. Có kẻ sành kiếm nói lớn:

Kiếm báu, cả hai thanh đều là báu kiếm của thiên hạ. Họ có vẻ là kỳ phùng địch thủ gặp nhau đây.

Thanh Ỷ Thiên Trường Kiếm tỏa ánh sáng vàng rực chói chang dưới ánh thái dương, thanh Thắng Tà phát ra một làn hồng quang dìu dịu. Hai thanh báu kiếm thời thiên cổ cùng tỏa ra hàn khí lạnh buốt cả đấu trường. Dưới ánh mặt trời tháng chín mà mọi người đều cảm thấy như phát run. Hai đấu thủ đứng im lặng nhìn nhau. Cả đấu trường cũng hoàn toàn im lặng, sự im lặng mở đầu cho chết chóc. Bỗng hai tiếng thét lớn vang lên, hai bóng người nhanh chóng nhập vào nhau, kiếm quang chớp ngời lên không ngớt dưới ánh mặt trời rồi tách ra xa đứng đối diện nhau y vào vị trí ban đầu. Chỉ trong chớp mắt đó hai bên đã trao đổi nhau đến ba chiêu, mỗi chiêu đều ác hiểm chết người. Trên vai trái của Đại Bằng máu đã tuông ra thấm dần xuống ngực áo. Nơi ngực của Lãnh Diện Truy Hồn cũng bị một nhát kiếm, máu bắt đầu tuông ra. Cả hai lại im lặng nhìn vào mắt nhau như không hề biết máu của mình đang từ từ nhỏ giọt xuống sàn đấu. Người ta nghe có tiếng lá rơi nhẹ ngoài kia. Chỉ có tiếng gió nhẹ chứ không nghe tiếng thở của người mặc dù quanh võ đài có cả hàng ngàn trái tim, nhưng dường như chúng đang ngưng đập. Lại có hai tiếng thét vang lên, hai bóng người lại nhập vào nhau, tiếng bảo kiếm chạm nhau trong trẻo lại vang lên hàng loạt. Khắp võ đài như có hàng trăm đóa hoa mai vàng bay lượn chen lẫn vào hàng trăm điểm hồng quang. Lãnh Diện Truy Hồn đã xuất tuyệt chiêu “Bách hoa phong vũ” trong Mai hoa kiếm pháp. Đại Bằng tung ta tuyệt chiêu “Cao Sơn Quán Nhật”, một sát chiêu trong Phong Điền Tam Tuyệt chiêu của chàng. Những đóm sáng tắt ngúm, đồng thời với hai tiếng rên A! A! vang lên, hai bóng người lại dang ra lảo đảo một lúc mới đứng vững lại được. Thanh kiếm trên tay của Lãnh Diện Truy Hồn bỗng rơi xuống sàn đấu nghe keng một tiếng trong trẻo, cánh tay phải cầm kiếm của hắn buông xuôi chỉ còn dính tòng teng vào thân hắn bằng một mảnh da mỏng. Cánh tay đó gần như bị đứt lìa. Khắp người hắn máu me nhuộm đỏ, khuôn mặt hắn trông càng thêm dễ sợ. Trần Đại Bằng đưa tay trái ôm bụng, máu từ nơi đó không ngớt tuông ra. Ông ta nhìn Lãnh Diện Truy Hồn nói:

Gởi cái mạng ngươi lại đó. Một ngày kia ta sẽ đem ngươi đi tế trước mộ Trần gia.

Nói xong ông quay người chậm rải xuống chỗ ngồi. Lãnh Diện như một xác chết biết đi, hắn dùng tay trái nhặt thanh kiếm lên chặt đứt cánh tay phải rơi xuống sàn rồi quay xuống bên dưới bỏ lại cánh tay thân yêu, cánh tay mà hắn đã dùng nó để giết không biết bao nhiêu mạng người. Cả đấu trường chưa hết nỗi bàng hoàng. Có lẽ với tất cả những người hiện diện nơi đây, trận đấu này là trận đấu hi hữu nhất đời họ được chứng kiến. Một lát sau đó, tiếng xì xào bàn tán lại nổi lên khắp nơi. Trên khán đài, quan Lưu thủ và quan Cai đội cũng đã trao đổi nhau những gì không nghe rõ vì bị tiếng ồn ào của đám khán giả khuất lấp. Khuôn mặt của Lý Văn Quang đã đỏ hồng lên vì giận, đôi mắt ông lại càng sáng hơn lên khiến cho đám thuộc hạ Kim Cương môn ai nấy đều nơm nớp không dám nhìn vào. Người phát ngôn đã trở lại sàn đấu. Ông ta tuyên bố, giọng hơi run có lẽ vẫn còn bị kinh khiếp vì trận đấu vừa rồi:

Trận so tài vừa qua, bên Thần Quyền môn lại thắng. Còn hai trận so tài nữa để quyết định cuộc thi tài hôm nay. Mời Trung Nguyên Nhất Kiếm của Kim Cương môn thượng đài.

Quách Tử Dương đứng dậy, tay hắn cầm kiếm, chân bước chậm rải từng bước thật đều nhau theo lối bậc thang để lên võ đài. Hắn đứng yên lặng giữa sàn đấu vững vàng như một tảng đá lớn, khí thế trầm ổn như dãy Trường Sơn. Hắn đưa mắt nhìn xuống bên Thần Quyền môn rất nhanh rồi thu ánh mắt về khoanh tay chờ đợi. Mọi người đang hồi hộp theo dõi xem bên Thần Quyền môn sẽ đưa ai lên để giao đấu với một đại kiếm thủ được tặng cho cái danh hiệu Trung Nguyên Nhất Kiếm này. Khi thấy Văn Hiến đứng lên, tay cầm kiếm cũng theo bậc tam cấp để bước lên sàn đấu thì tất cả mọi người đều “ồ” lên một tiếng thất vọng. Họ nhớ lại anh chàng thư sinh trói gà không chặt này trong trận so tài năm ngoái đã lãnh trọn một cú đá của Ta Tứ văng xuống đài thì năm nay làm sao có thể giao đấu với một kiếm thủ đệ nhất Trung Nguyên này. Có người nói nhỏ nhưng cũng đủ để những người khác nghe thấy:

Thần Quyền môn hết người rồi. Chàng thư sinh này ắt phải bỏ mạng dưới lưỡi kiếm của gã Trung Nguyên Nhất Kiếm hung thần kia rồi.

Văn Hiến thong thả cúi chào quan khách trên khán đài. Chàng bắt gặp ánh mắt vừa vui mừng vừa lo sợ của Dung Dung đang nhìn mình, chàng nở nhanh một nụ cười. Dung Dung nhìn thấy ánh mắt và nụ cười đó nàng bỗng như trút được một gánh nặng trên vai. Họ thông cảm nhau thật lẹ. Chào xong quan khách và khán giả, Văn Hiến ôm quyền chào Quách Tử Dương. Hắn hơi cúi đầu đáp lễ. Văn Hiến hỏi nhỏ:

Trước khi giao đấu, tôi có một câu hỏi nhờ các hạ trả lời cho được không?

Quách Tử Dương nói:

Hỏi đi.

Các hạ sang Đại Việt từ bao giờ?

Hơn hai tháng trước.

Các hạ là người chủ chốt trong vụ huyết án núi Bích Khê, Quy Nhơn phải không?

Quách Tử Dương hơi nhíu mày:

Vì sao các hạ cần biết điều này?

Vì nó sẽ quyết định số phận của chúng ta trong trận đấu này.

Các hạ định trả thù?

Đúng vậy.

Các hạ tìm đúng người rồi.

Văn Hiến nói:

Cảm ơn.

Họ cùng lui ra nửa bước, khoảng cách vừa đủ tầm ba cây kiếm. Cả hai cùng lúc rút kiếm ra. Hai tiếng ngân thánh thót vang lên. Thanh kiếm trên tay Quách Tử Dương lóe lên ánh sáng màu hồng nhạt. Thanh Long kiếm trên tay Văn Hiến tỏa ra ánh sáng màu xanh lạnh buốt. Hồng Liệt ngồi bên dưới la nhỏ:

Thanh Hồng kiếm.

Có tiếng của Tạ Tam vang lên bên kia:

Báu kiếm. Thanh kiếm màu xanh này ta chưa hề nghe nói tới. Nhưng qủa là báu kiếm trong thiên hạ.

Quách Tử Dương tay phải nắm đốc kiếm để cao ngang bụng, mũi kiếm chênh chếch hướng về yết hấu đối phương. Tay trái của hắn trong tư thế lật ngược nắm bao kiếm chỉa thẳng xuống đất. Bao kiếm của hắn rất đặc biệt, ở phần chót được bịt bằng một lớp thép nhọn, rất bén, bén như mũi kiếm trên tay hắn đang cầm. Hắn đứng yên bất động, nhìn hắn người ta có cảm tưởng hắn, thanh kiếm và bao kiếm là một, người và kiếm đã hợp nhất thành một khối. Khí thế này, địch thủ không biết phải tấn công vào đâu, vì ở đâu đối phương đều có cảm giác thanh kiếm của hắn cũng có mặt. Văn Hiến thoáng nhìn cách rút kiếm và tay trái cầm bao kiếm, hợp với sự cấu tạo đặc biệt trên bao kiếm của địch thủ, chàng đã nhận ra ngay sát chiêu của đối phương nằm ở nơi nào. Trong bất kỳ cuộc đấu nào, sự quan sát chuẩn xác bao giờ cũng là yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi. Văn Hiến từ lâu đã đặt nền tảng võ học của mình trên căn bản chữ Định. Từ sự định tĩnh của tâm, trí và huệ sẽ minh mẫn, mọi hành vi của bản thân đều sẽ rất chuẩn xác. Mọi chi tiết, dù nhỏ, của địch thủ đều không thoát khỏi đôi mắt nhạy bén của chàng. Tay phải chàng nắm đốc kiếm, mũi kiếm chỉ xiên xiên xuống đất. Tay trái nắm bao kiếm hướng về phía sau lưng ở tư thế song song với mặt đất. Chàng đứng trong tư thế hoàn toàn bỏ trống, không có một chút gì gọi là phòng thủ hay đang chuẩn bị tấn công. Cả ngàn khán giả từ từ chồm thân người tới trước, những bàn tay đã nắm chặt lại, móng tay bấm sâu vào lòng bàn tay, mũi nín thở, mắt mở căng chăm chú theo dõi từng cửa động nhỏ của hai đấu thủ trên sân khấu. Nhưng cả hai đều bất động. Cả bốn con mắt của họ đang nhìn thẳng vào đối phương cũng bất động, không thấy chớp một lần nào. Một bên sừng sững như núi, kiếm và người hòa làm một, tỏa ra một làn sát khí lạnh buốt, ghê hồn. Một bên thong thả như người đang dạo chơi không có chút chuẩn bị nào trong khi cái chết đến chỉ trong chớp mắt. Người thường cho rằng điều đó thật quái dị, nhưng cao thủ tuyệt đỉnh trong kiếm đạo thì lại giật mình khi phải đối địch với một đối thủ có lối phòng thủ bỏ không như thế. Vì đó là nguyên lý tối cao của kiếm đạo. Không phòng thủ tức là phòng thủ khắp mọi nơi. Mọi nơi đều kín đáo, kín đáo bỡi vì địch thủ không có điểm nào để làm mục tiêu tấn công. Không có mục tiêu tức là không có chút sơ hở nào. Có thủ, dù kín đáo bao nhiêu tất sẽ còn chỗ sơ hở. Chỗ sơ hở đó là mục tiêu để đối phương tung sát chiêu. Quyền chỉ có Pháp và Thuật, nhưng kiếm thì đã vượt qua hai cảnh giới đó để đạt tới Đạo. Cách thủ thế của Văn Hiến hàm súc đạo lý “vô trung sinh hữu”. Chàng đứng yên bỏ ngõ mà trên trán tay kiếm thủ bậc nhất Trung Nguyên dần dần đã lấm tấm mồ hôi. Có mồ hôi tức là lòng có động. Lòng có động thì ý bị xao, mà ý bị xao thì kiếm xuất sẽ không còn theo ý muốn nữa. Quách Tử Dương hiểu rõ điều đó nên hắn hét lớn một tiếng và xuất chiêu. Hắn xuất cả hai tay. Cả hai tay hắn đều nhanh như chớp, thân ảnh của hắn cũng di động nhanh như chớp, kiếm và bao kiếm đồng thời nhoáng lên, lao thẳng vào yết hầu của đối phương. Nhưng hai tay của Văn Hiến còn nhanh hơn hắn một bậc, vì lòng của Quách Tử Dương động còn tâm của Văn Hiến thì tĩnh. Tĩnh bao giờ cũng đúng lúc và chuẩn xác hơn, cũng có nghĩa là nhanh hơn. Ánh kiếm chớp ngời lên dưới ánh nắng mặt trời. Mọi người chỉ nghe một tiếng keng thật ngọt như vật gì đó bị một vật thật bén chém đứt tiện, và một âm thanh tựa như mũi kiếm tra nhanh vào vỏ kiếm. Tất cả chỉ diễn ra trong chớp mắt rồi trở lại bất động. Sau một cái hoa mắt, mọi người nhìn kỹ lại đấu trường đã thấy thanh kiếm Thanh Hồng của Quách Tử Dương cắm sâu vào bao kiếm đang nắm trên tay trái của Văn Hiến, bao kiếm trên tay phải của hắn đã bị chém đứt tiện mất phần mũi, trong khi đó mũi kiếm của Văn Hiến đã cắm một lỗ sâu chừng một phân nơi huyệt mi tâm trên trán của hắn, máu từ đó rỉ ra. Quách Tử Dương chết đứng mà đôi mắt còn mở trừng trừng, có lẽ hắn quá đỗi kinh ngạc không hiểu tại sao địch thủ có thể phá được chiêu kiếm tối độc, tối bí mật của hắn. Chiêu kiếm mà từ khi hắn xuất đạo giang hồ, đánh khắp Trung Nguyên chưa có ai đỡ được mà hôm nay lại bị một tên thư sinh ở cái xứ An Nam mọi rợ này hoá giải một cách tài tình. Văn Hiến rút kiếm về và rút luôn bao kiếm của mình ra khỏi lưỡi kiếm Thanh Hồng, thân hình Quách Tử Dương từ từ đổ xuống sàn đấu nghe một tiếng bịch nặng nề. Văn Hiến ngước mặt lên trời khấn nhỏ: “Tôi đã thay huynh rửa được mối thù, Võ Trụ huynh và gia đình xin hãy an nghỉ”. Khấn xong chàng quay người thong thả xuống khán đài. Khán giả vẫn còn bàng hoàng quên cả vỗ tay hay bàn tán. Trận đấu chớp nhoáng đã gây một ấn tượng vừa kinh hoàng vừa hấp dẫn và ngoạn mục trong đầu óc họ, những hình ảnh mơ hồ xảy ra trong ánh chớp đó vẫn còn xoay xoay mãi trong mắt trong tai của họ, máu họ đang chạy rần rần khắp nơi trong cơ thể tạo nên cảm giác lùng bùng trong đầu nên chẳng ai có thể mở miệng nói được lời gì. Trên khán đài, Lý Văn Quang ngồi yên như chết sững, mặt tái xanh. Quan Lưu thủ dán chặt thân hình phì nộn của mình vào ghế, hai tay bấu cứng vào thành ghế. Cẩn Thành hầu đã đứng lên khỏi ghế lúc nào ông cũng chẳng biết. Trên đôi má xanh xao vì lo sợ của Dung Dung hai hàng nước mắt đã chảy xuống lúc nào nàng chẳng hay. Nhưng người rơi nước mắt nhiều nhất phải kể đến Hiền Nhi. Từ nãy giờ nàng cố gắng nở nụ cười như đã hứa với anh Hai, nhưng hai hàm răng bị căng cứng vì hồi hộp và lo sợ nên chẳng thể nào cười được. Cho đến khi cuộc giao đấu kết thúc thì thay vì cười nàng đã khóc. Những giọt nước mắt vui mừng chảy ra như suối không ngăn cản được. Văn Hiến trở lại chỗ ngồi thấy nàng đang khóc, mỉm cười hỏi:

Em nói sẽ cười cho anh Hai thắng mà sao lại khóc thế này?

Hiền Nhi đưa tay quẹt nhanh nước mắt, thút thít đáp:

Em muốn cười nhưng không biết sao nước mắt cứ tuông ra.

Bên kia, Tạ Tam dẫn theo hai tên đệ tử nhảy lên võ đài khiêng xác Quách Tử Dương và mang thanh kiếm Thanh Hồng xuống. Tạ Tam trợn mắt nhìn xuống phía Thần Quyền môn nói lớn như thét:

Còn một trận nữa, xin mời môn chủ Thần Quyền môn thượng đài.

Tiếng nói của hắn chứa đầy sự căm hờn. Cẩn Thành hầu vội lớn tiếng nói:

Đủ rồi. Cuộc so tài đến đây là chấm dứt. Đừng để đôi bên trở thành kẻ tử thù với nhau.

Nói xong ông tung người nhảy sang võ đài. Ông sợ hai bên sẽ gây nên cuộc ẩu đả. Ông nói lớn:

Bà con hãy giải tán đi. Cuộc so tài đã kết thúc.

Người dân ở Trấn Biên và Giản Phố đặc biệt nể sợ vị Cẩn Thành hầu này, kể cả nhóm người Diệp Sanh Ký. Lời ông nói là mệnh lệnh, mọi người bắt đầu giải tán. Tạ Tam trừng đôi mắt đỏ như máu lên nhìn thẳng vào mặt Cẩn Thành hầu như muốn nổi hung, nhưng rồi hắn cũng đành nuốt giận quay người bước xuống khán đài, dẫn đám đệ tử theo bước chân hậm hực của Lý Văn Quang trở về. Đám khán giả đến lúc này mới hoàn hồn, trên đường về họ bắt đầu bàn tán trở lại trận đấu ác liệt cuối cùng. Họ thắc mắc làm thế nào mà anh chàng thư sinh đó có thể dùng bao kiếm của mình hứng trọn lưỡi kiếm nhanh như điện của tên Trung Nguyên Nhất Kiếm. Việc đó thật hết sức nguy hiểm, vì chỉ lệch đi một ly, mũi kiếm kia sẽ đâm thẳng vào yết hầu của chàng ta tức khắc. Họ thắc mắc nhưng không thể trả lời, cuối cùng họ tự nhủ: “Kết qủa là câu trả lời vậy”. Đa số dân chúng vì tự ái dân tộc nên đều hả hê kháo nhau:

Tưởng gì, không ngờ Trung Nguyên Nhất Kiếm cũng chẳng đỡ nổi một kiếm của chàng thư sinh Đại Việt ta. Đã thật, đã thật, hà.. hà….

Sự khoan khoái mang lại từ mấy trận thắng của Thần Quyền môn trước các cao thủ Trung nguyên không chỉ đến với đám khán giả mà cả vị Cai đội Cần Thành hầu cũng không khỏi hả hê trong dạ. Từ lâu ông đã có ác cảm với lối buôn bán phá giá, bóp chẹt đồng nghiệp ở Giản Phố của Diệp Sanh Ký. Việc này giết chết từ từ truyền thống sinh hoạt tốt đẹp của Giản Phố đã có từ lâu. Tuy vậy, Diệp Sanh Ký chưa làm điều gì tác tệ nên chính quyền địa phương không có cớ gì để lên tiếng ngăn cản. Điều này gây khó chịu trong lòng vị Cai đội trực tính và nóng nảy này. Hôm nay chứng kiến cảnh cao thủ Thần Quyền môn, những con cháu của Trần Thượng Công và các võ sĩ Đại Việt đả bại cao thủ Trung nguyên, vị Cai đội hết sức cao hứng trong lòng. Ông rời võ đài xuống đến hàng ghế của nhóm Thần Quyền môn định nói vài lời khen ngợi. Trên khán đài bọn Trần An Hào và năm nhà khác cũng vội đến nơi để chúc mừng. Trần Đại Kỳ vội đứng lên chào:

Chào Cẩn thành hầu. Cuộc đấu hôm nay đã vượt qúa sự tưởng tượng của chúng tôi. Mong Cẩn thành hầu và quan Lưu thủ bỏ qua cho.

Nguyễn Cư Cẩn nở nụ cười thõa mãn nói:

Không sao, không sao. Đều là do ở sự khiêu khích của Kim Cương môn. Thần Quyền môn các ông không có lỗi gì. Tôi xin có lời chúc mừng.

Đại Kỳ vui vẻ nói:

Đa tạ thiện ý của Cẩn thành hầu. Hôm nay ngài có thể dành chút thời gian qúa bộ đến chỗ chúng tôi, chúng ta trao đổi một số công việc được chăng?

Cư Cẩn đáp:

Được. Tôi cũng có chút việc muốn hỏi thăm các ông.

Đại Kỳ nói:

Vậy mời ngài đi cùng chúng tôi.

Cư Cẩn nói:

Các ông đi trước, tôi sẽ dùng ngựa đến sau.

Trần An Hảo vỗ vai Đại Kỳ cười ha hả nói:

Giỏi lắm, giỏi lắm. Không hổ là con cháu của Thượng Công.

Đại Kỳ nói:

Đều nhờ sư đệ và các bằng hữu giúp sức cả. Cháu chưa làm nên việc gì.

Mỹ Phụng nắm tay Bạch Mai nở nụ cười rạng rỡ:

Bạch tỷ thật là tài ba lẫm liệt. Muội hết sức hâm mộ lẫn bái phục.

Bạch Mai mỉm cười nói:

Cảm ơn Phụng muội. Bị một cú đấm suýt nữa bể cả phổi đây này không thấy sao mà lẫm liệt với hâm mộ.

Mỹ Phụng bĩu môi:

Cái cô Hắc Y Nữ Hiệp gì đó thật hèn hạ. Tỷ đã thương tình tha cho, cô ta còn dở thói đánh lén thật chẳng có tinh thần thượng võ tí nào. Nữ Hiệp cái gì, Nữ Quái thì có.

Nàng quay sang chúc mừng ba vị cao thủ thắng trận nhưng ánh mắt nồng nàn lại dành riêng cho Hồng Liệt:

Muội xin chúc mừng ba vị huynh trưởng. Hôm nay ba vị đã làm cho toàn bộ Giản Phố hết sức hả hê và hảnh diện.

Hồng Liệt thấy nàng nhìn mình đành lên tiếng đáp:

Cảm ơn Trần tiểu thơ. Cũng chỉ là may mắn mà thôi.

Trần Đại Kỳ quay sang chào Dương Ngạn Siêu:

Chào Dương huynh. Dương huynh lên đây lúc nào sao không ghé nhà đệ chơi?

Dương Ngạn Siêu đáp:

Chào Trần huynh. Đệ hay tin đã lâu nhưng có chút việc nên mới lên sáng sớm hôm nay. Được chứng kiến trận so tài này đệ thực sự mở rộng tầm mắt. Xin chúc mừng huynh và các bằng hữu.

Đại Kỳ nói:

Cảm ơn Dương huynh. Đại công tử Dương Quán Nhật lúc này ra sao rồi. Thật là nhanh, mới đây mà đã ba năm trôi qua.

Ngạn Siêu đáp:

Vâng. Cháu rất tốt. Nghe nói Trần huynh cũng sắp có người nối dõi rồi phải không? Xin chúc mừng.

Đại Kỳ cười nói:

Vâng cũng sắp rồi. Chỉ mong có được một thằng phương phi, đỉnh ngộ như cháu Quán Nhật là đệ sẽ mãn nguyện vô cùng.

Nói xong Đại Kỳ quay sang giới thiệu Ngạn Siêu với mọi người, sau đó cả bọn cùng với nhóm Thần Quyền môn ra về, trên nét mặt mọi người đều không dấu được niềm vui và sự kiêu hãnh. Văn Hiến hỏi Đại Bằng:

Vết thương của anh thế nào?

Đại Bằng mỉm cười:

Vết kiếm khá sâu nhưng không sao. Đã rịt thuốc kim thương và băng lại rồi. Sẽ ổn thôi.

Hồng Liệt nói:

Chiêu kiếm “Bách hoa phong vũ” của tên khốn đó uy lực ghê gớm thật. Có điều từ nay thì hắn hết có cơ hội thi triển nữa rồi.

Đại Bằng nói:

Cũng nhờ tôi và Nguyên Hào nghiên cứu ra đấu pháp, nếu không hôm nay chưa biết ai sẽ thiệt hại hơn ai.

Đại Kỳ bỗng quay sang hỏi Văn Hiến:

Bí mật chiêu kiếm của tên Nhất Kiếm kia nằm ở chỗ nào?

Văn Hiến đáp:

Nằm ở bao kiếm của hắn. Thanh bảo kiếm trên tay hắn luôn hướng thẳng vào yết hầu của địch thủ chỉ là một cách đánh lạc hướng sự chú ý của đối phương. Sát chiêu của hắn nằm ở bao kiếm có mũi nhọn như mũi kiếm kia. Hắn có biệt tài sử dụng cả hai tay thuần thục và nhanh như nhau. Bỡi vậy người đối địch với hắn nếu không nhận ra sát chiêu nằm ở tay trái thì sẽ chết chắc bỡi mũi nhọn trên bao kiếm.

Đại Kỳ thở dài:

Hà! Võ học thật mênh mông, mỗi cao thủ đều có tuyệt nghệ riêng của họ. Thật đáng sợ.

Hiền Nhi hỏi:

Làm sao anh Hai phát hiện được sát chiêu của hắn nằm ở tay trái?

Văn Hiến mỉm cười đáp:

Cách trở ngược bàn tay trái cầm bao kiếm của hắn, cộng vào sự cấu tạo đặc biệt khác thường của bao kiếm.

Hiền Nhi nói:

Bỡi vậy anh Hai mới dùng thanh kiếm của mình chặt đứt bao kiếm của hắn, và dùng bao kiếm của mình bọc lấy mũi kiếm của hắn phải không?

Văn Hiến đáp:

Đúng vậy. Tuy nói hai tay của hắn xuất thủ nhanh như nhau nhưng vì sát chiêu nằm ở tay trái nên nó phải là điểm chính để dồn nội lực vào, mũi kiếm trên tay phải chỉ là phần nghi binh cho nên sẽ yếu hơn, nhờ vậy anh Hai mới có thể dùng bao kiếm của mình đón một cách chính xác được. Còn bao kiếm của hắn thì làm sao chống nổi thanh bảo kiếm Thanh Long. Do đó đã bị anh tiện đứt và sẵn đà thích thẳng vào mi tâm của hắn.

Hiền Nhi lại hỏi:

Nhỡ khi hắn thay đổi đấu pháp dùng tay trái làm hư chiêu còn tay phải là sát chiêu thì sao?

Văn Hiến đáp:

Hiền Nhi hỏi câu này hay lắm. Cho nên hắn mới thành danh là Trung Nguyên Nhất Kiếm. Sự thay đổi giữa hư chiêu và sát chiêu trong hai tay của hắn chính là điều nguy hiểm và độc đáo của kiếm chiêu kia. Lần này hắn giữ sát chiêu ở tay trái có lẽ do hắn đánh giá anh Hai qúa thấp nên cho rằng anh Hai sẽ bị uy hiếp bỡi mũi kiếm chỉa thẳng vào yết hầu của mình. Hơn nữa hắn đã bị ánh mắt chăm chú của anh nhìn thẳng vào mũi kiếm của hắn đánh lừa.

Trần An Hảo vỗ tay nói:

Thật là trầm tĩnh, minh mẫn và chính xác. Đó là những đức tính phải có của cao thủ khi đấu với cao thủ. Tuyệt lắm.

Văn Hiến từ tốn nói:

Cảm ơn Trần lão anh hùng đã qúa khen.

*****{jcomments on}

 

0 thoughts on “Én Liệng Truông Mây [Hồi 16]

  1. Lưu Đức Hoa - HK

    Hay lắm.Chừng nào bộ tiểu thuyết nầy viết xong tui mua bản quyền dựng thành phim được không Dũ Thanh.

    Reply
    1. Quang Võ

      Được chứ. Nhưng bản quyền hơi đắt đấy. Nói trước để biết. Coi chừng đóng phim không ai coi lỗ ráng chịu nhen.

      Reply
    1. Quang Võ

      Cảm ơn Dạ Lan. Dạ lan cũng chú ý đến vấn đề này ư? Thời đó Phật Giáo rất được các đời chúa Nguyễn đàng Trong tôn sùng, dân Đại Việt cũng rất sùng đạo. Tinh thần Phật giáo ăn sâu trong mọi nếp sinh hoạt của mọi người, kể cả võ thuật. Kiếm đạo lúc bấy giờ cũng mang nặng triết lý Phật giáo trong đó. Cho nên Văn Hiến (thầy của Quang Trung sau này) mới đặt nền tảng võ học của mình trên căn bản chữ ĐỊNH để đạt đến chữ VÔ. VÔ TRUNG SINH HỮU là như vậy. Chúc Dạ Lan vui vẻ.

      Reply
  2. locbach

    Hay lắm VT…nhưng đọc từng đọan rồi đợi…không kiên nhẫn, nên VT. ơi khi nào tác phẩm hoàn tất mình sẽ tìm một bản copy đọc luôn.

    Reply
      1. locbach

        OK cảm ơn VTQ. anh công phu quá ,thật tài tình từ tư liệu cho đến cách hành văn sao cho nó hợp thời điểm nữa …thán phục,từ hồi chưa bắt gặp tác phẩm này tôi đã từng nghĩ đến cái cốt của câu chuyện dân gian này…vì nó na ná giống chuyện chàng Robin Hood của xứ Anh và chàng Nick Kelly của xứ Úc ..rồi xứ ta cũng có Chú Lía đó…Thế chuyện ấy phải được dựng thành phim mới phải…trông chờ ai đó có lòng…

        Reply
        1. Quang Võ

          Anh Xuân Lộc ơi. Hôm nay mình đang ở Cali để gặp anh Sâm Thương, giáo sư điện ảnh và kịch bản vừa từ Sài Gòn sang. Thử xem cuộc trao đổi này có mang lại kết qủa gì không. Hy vọng chuyện kên phim có thể thực hiện. Vái ông Địa giùm VT nhé. Tuần rồi cháu Khanh có qua Úc trình diễn, không biết Bác Lộc có đi xem ủng hộ cháu không?

          Reply
          1. locbach

            Phải đó VTQ,anh nên nói về các chuyện phim kia trước (Robin Hood,Nick Kelly) rồi đề cập đến người hùng thời đại đó của anh…chúc may mắn.

          2. locbach

            Ngày Quốc Khanh diễn cùng đoàn TN cũng là ngày bạn mình cho ra mắt CD nhạc LBSN (trong CD. này có 4 bài thơ của mình được phổ nhạc,mình phải có mặt để nhận một cuộc phỏng vấn nhỏ nên khg đi xem chương trình của Thúy Nga..).Nói thêm là nhiều lần trước tôi có trông thấy Quốc Khanh tại Melb. biết là con anh là người đồng hương nhưng cũng còn ngại chưa chuyện trò với cháu được…hy vọng vẫn còn duyên hội ngộ…chúc vui.

  3. LamHồng

    Định tâm, định trí, định thần
    Vô ngã tự tại giữa trần gian nguy
    Vô trung sinh hữu diệu kỳ
    Bất ứng vạn biến tri…tri tĩnh thần

    Reply
    1. Quang Võ

      Dzậy là Lam Hồng đã thấu cái lẽ vô trung sinh hữu của chàng Trương Văn Hiến rùi đó. Cảm ơn nghen.

      Reply
  4. Quốc Tuyên

    Hồi thứ mười sáu đúng là kiếm hiệp kì tình, li kì, hấp dẫn viết hay lắm Vũ Thanh ơi!

    Reply
  5. Trần thi hiếu Thảo

    T thích xem truyện vũ Thanh viết lắm một vầng trăng đượx VT miêu tả T thíc T như lặng người thưởng thức….Nên thơ lắm T cũng học V Thanh đôi điểu văn phong…Bận quá chưa đọc hết, bận quá vô comment muộn Chúc anh vui

    Reply
    1. Quang Võ

      Cảm ơn Hiếu Thảo. Xin lỗi vì hồi thứ này qúa dài. Từ từ đọc. Toàn truyện có đến 40 hồi thứ như vậy đó. Chúc vui vẻ.

      Reply
  6. Tuệ Minh

    Truyện dài hay ngắn không thành vấn đề mà điều quan trọng là tính hấp dẫn của câu chuyện đã lôi cuốn người đọc và điều nầy tác giả đã làm được.

    Reply
  7. Thu Thủy

    Câu truyện rất lôi cuốn và có một tình huống không lạ nhưng làm người đọc ngậm ngùi đó là ” Cây đắng sinh quả ngọt “

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.