Tác giả: Võ Như Vũ
Mùa Hè năm nay, 1972, nắng vẫn vàng nhưng sao tôi thấy có nhiều nóng cháy. Biển vẫn xanh nhưng lại gợn nhiều sóng bạc. Phượng vẫn nở trên hè phố như mọi năm, nhưng tôi không còn rộn rã nhìn hoa thắm trên nền lá xanh tươi, lại chỉ còn thấy một màu đỏ của lửa chiến tranh.
Ngoài những xe nhà binh chạy qua lại, những đường phố cũ bình an tấp nập và vui vẻ đã không còn nữa. Phố xá như đang ngủ say dù trời chưa tối. Những cánh cữa sắt của nhà ở, tiệm buôn đều mở hờ, như đang sẳn sàng để đóng kín đề phòng nguy hiểm bất ngờ xảy ra. Âu lo hiện rõ trên khuôn mặt của từng người.
Phần đông bạn bè tôi đều tản mát: đứa theo gia đình vào tận Nam để được xa bom đạn, đứa về quê chịu nguy hiểm để cùng gia đình chia xẻ thương đau. Tôi thấy lòng trống rổng vì thiếu vắng bạn bè. Tôi đang cần bạn bè chia xẻ, tránh né phiền lo để cùng nhau chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài 1 sắp đến.
Tôi đi tìm Hùng. Bước dọc theo đường Võ Tánh, quẹo phải trên Tăng Bạt Hổ, rồi men theo Cường Để để đến trường. Sân trường thật hoang vắng, biểu tượng cho sự sống không gì ngoài những cây xanh cố vươn tàn lá dưới nắng hạ vàng gắt.
Nhìn hàng cây xanh lá, tôi nhớ đến công lao đào hố của anh em học sinh. Năm ấy, trường tổ chức giải “đào lỗ trồng cây”. Thầy hướng dẫn Nguyễn Hữu Tánh hãnh diện nhiều vì lớp chúng tôi đã mang về giải nhất. Tôi không biết quí Thầy trong ban giảm khảo đã dựa vào tiêu chuẩn nào để phân hạng hầm lỗ, tôi chỉ biết hố chúng tôi sâu hơn vì may mắn không bị nhiều đá lớn cản trở và chung quanh mặt hố được chúng tôi dùng cát đất thấm nước “chà láng” một cách cẩn thận trước khi chấm điểm, như điêu khắc gia sửa sang lại những đường nét cuối cùng trước khi cho tác phẩm nghệ thuật trình làng.
Tôi đi thăm hố được giải nhất, thời gian và gió bụi đã thổi bay đi những “phấn son” mà chúng tôi đã trét, chỉ còn thấy một thân cây èo uột hơn tất cả nhưng cây khác trên mặt đất cằn cỗi. Nhìn cây yếu ớt, tôi thương hại cho số phận không may, bị trồng vào một hố thật đẹp đẽ bề ngoài nhưng trong lòng lại chứa đầy đất xấu.
Thính đường của trường, thường được dùng cho những buổi nói chuyện, những cuộc diễn thuyết, kỳ tranh tài Anh ngữ hùng biện hoặc những đêm văn nghệ, giờ này đang buồn im dưới nắng. Các lớp học, tôi cùng bạn từng ngồi rách đít quần trong sáu năm qua, cũng đang đồng tình kín cữa, nhẫn nại chờ đợi cho một mùa Hè khói lửa chóng qua mau. Chiến tranh, thi cử và quân dịch làm tôi buồn nghĩ đến chuyện không may, không thể tiếp tục học hành mà phải mãi mãi rời xa ngôi trường yêu dấu.
Tôi trông chờ vào sự may mắn. Đúng vậy, tôi học hành bê bết và sẽ chẳng bao giờ đi lên được nếu không có bậc thang may mắn. May mắn đã giúp tôi hoàn tất lớp 11 chờ thi Tú Tài 1 và đã tạo nên tôi, một kẻ “sĩ” hôm nay. Đậu Tú Tài 1, đôn quân, tôi được vào trường Sĩ Quan. Thi rớt, chẳng chần chờ, tôi sẽ bị đưa đến trường Hạ Sĩ Quan. Chắc chắn tôi sẽ mang được chữ “Sĩ” bất luận kết quả của kỳ thi.
Nhìn dãy lớp hình chữ “L”, nơi có cây phượng lớn tỏa bóng mát xuống bãi đậu xe gắn máy của giáo sư và văn phòng thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Mộng Giác, tôi mơ ước may mắn vẫn còn theo tôi để tôi còn được tiếp tục ngồi dưới mái trường này thêm năm nữa.
Năm lớp 1 tôi ghét 1 môn: tập viết bằng ngòi viết lá tre mềm nhũn. Năm nay, lớp 11, tôi ghét hết tất cả 11 môn: đại số, hình học, lượng giác, sử, địa, vạn vật, lý, hóa, Pháp, Anh, Việt văn. Học dở môn nào ghét môn ấy. Tôi còn ngu ngơ và rụt rè vì nhút nhát. Ngoài cái nhát “sợ mang tiếng dốt”, tôi còn nhát đối diện với sự việc mới lạ, và còn nhát nhiều thứ nữa: Cắp sách đến trường hoặc về nhà trên lề đường Võ Tánh, khi nghe được những giọng nói thánh thót và tiếng cười khúc khích phía sau lưng, không dám quay lại, tôi cố bước nhanh hơn; lúc thấy đám áo trắng thướt tha tiến gần phía trước, tôi lặng lẽ thay đổi lề đường, bất kể xe cộ.
Học thầy, tôi đã quên gần hết. Tôi chỉ còn cách học bạn. Tôi mong được gặp Hùng, người bạn thân đang trông coi phòng thí nghiệm trường. Cữa phòng thí nghiệm đang mở lớn. Tôi hớn hở bước vào, thấy Hùng đang ngủ trưa trên hai chiếc bàn học ghép sát nhau, bên cạnh cuốn sách toán Hình Học Không Gian của Nguyễn Xuân Vinh còn đang mở và vài ba cuốn tập của Huyến còn ngổn ngang. Tôi mừng rỡ vì không những đã gặp Hùng mà còn sẽ gặp được Huyến chiều nay.
Ba thằng tôi học hành, trò chuyện bên nhau quá vui vẻ, đến nỗi tạm quên đi cái điêu linh của đất nước. Chúng tôi thay phiên nhau làm thầy làm trò để nhai đi nhai lại những tô cơm nếp không một chút gia vị của lớp 11.
Chung quanh trường, trên những góc đường Cường Để, Tăng Bạt Hổ và Hai Bà Trưng, rải rác có nhiều am miếu. Mỗi nửa tháng qua đi là mỗi lần chúng tôi được no say bánh chuối, có khi có cả chè xôi nữa. Mùng một âm lịch này, cũng như ngày rằm qua, sau khi chờ Thần Linh hưởng mùi nhang khói, ba thằng tôi đi thăm viếng tất cả bàn thờ ngoài đường để mang về phòng thí nghiệm thật nhiều trái cây và chè bánh. Đêm đến, bụng quặn thắt, tôi đau bụng như chưa bao giờ từng đau, dầu Nhị Thiên Đường xoa gần nửa chai, bụng tôi vẫn chưa thấy nóng. Một con ngựa bị đau, cả tàu tiếp tục ăn chuối bánh. Đã vậy, Hùng Carbon còn giảng giải: “Tao đã nói với mày rồi! Để khỏi bị Thánh phạt, mày phải lạy ba lạy trước khi chôm”. Tôi chỉ biết nhăn mày ôm bụng và méo miệng: “Mình chỉ hưởng đồ thừa thôi mà”.
Ngoài Quảng Trị ra, súng đạn các nơi khác vẫn còn vang nhưng thưa thớt dần, Qui Nhơn tôi dần dần trở lại như cũ. Gió bão lớn qua đi, cây cành bớt xao động, đàn chim ẩn gió lần lượt bay về tìm tổ cũ. Phố xá Qui Nhơn tấp nập hơn, chợ búa nhiều người lui tới và bạn bè tôi đều đông đủ. Qui Nhơn tôi giờ này đủ yên ổn để Bộ Giáo Dục tiến hành những kỳ thi như dự định.
Ngày thi Tú Tài 1 của năm 1972 rồi cũng đến. Tôi cùng bè bạn xách bút thước đi thi. Không được lựa chọn để trốn tránh, hôm nay tôi bị buộc phải vào tận sào huyệt của bọn con gái, trường Nữ Trung Học. Cũng may phần lớn những tà áo trắng còn đang ở nhà với mẹ hoặc đang ở trong lòng Chợ Lớn để tìm mua ô-mai và me chua, chỉ có một số ít bị xen kẽ với lũ nam nhi như tôi, nên tôi bớt rụt rè. Qua khỏi cầu thang, phòng học thứ nhì bên trái là phòng tôi phải vào để run rẩy chờ đề thi. Vì thứ tự tên họ, tôi được xếp ngồi cạnh Lê Quang Định, có dáng người phong trần và kinh nghiệm đời hơn tôi nhưng lại còn trẻ hơn tôi đúng nửa tháng. Tôi sinh ngày 15 tháng 2 và “30 tháng 2” là ngày tháng sinh của anh bạn Lê Quang Định. Tôi không mảy may có chút ấn tượng gì khi nhìn thoáng qua ngày sinh này, nhưng khi nghĩ đến nửa tháng, đúng mười lăm ngày, sau ngày 15 tháng 2, tôi mới biết được rằng suốt cuộc đời của bạn Lê Quang Định, không phải tốn một cây đèn bạch lạp và cây quẹt diêm nào để mừng sinh nhật, cho dù anh có sống thọ hơn trăm tuổi. Chắc chắn là bạn Định đã ít nhất được một lần tái sinh, tại một vùng quê hẻo lánh nào đó mà các quan thầy giấy tờ địa phương chưa một lần coi lịch tháng hai. Tôi chợt thông cảm cho Lê Quang Định, không may lãnh số phận một người con trai độc nhất của gia đình trong thời chinh chiến, lại không còn mẹ già để chăm nuôi để được hoãn dịch vì gia cảnh. Tôi thông cảm vì ngay cả chính tôi, tương lai xa không nhìn thấy được vì học sau quên trước, tương lai gần mà gia đình tôi mong muốn là thi đậu kỳ này để được hoãn dịch thêm năm nữa.
May mắn vẫn còn ở quanh tôi. Tôi lại được tiếp tục cắp sách đến trường!
Không như những niên học qua, niềm vui của mùa tựu trường năm nay bị che mờ bỡi khói lửa chiến tranh chưa tan biến hết. Cho dù Quảng Trị đã được bình yên, nhưng chúng tôi không khỏi buồn nghĩ đến biết bao nấm mồ của đồng bào trẻ em vô tội và của các anh lính chiến đang chờ xanh cỏ, để thấy được rằng mình thật diễm phúc, còn có cơ hội ngồi chung với bạn bè năm cuối cùng của bậc trung học.
Con đường học trò chúng tôi đi trước đây thênh thang thẳng tắp, có chút ít luyến lưu khi hè đến vì bạn bè xa cách nhau ba tháng, nhưng rồi lại bắt đầu được gặp lại nhau vào mỗi cuối thu. Kỳ thi Tú Tài 1 như một ngã tư đường, chờ đón để phân rẽ chúng tôi ra nhiều phương, mà trong đó có những hướng đi chúng tôi không có quyền lựa chọn. Đứa học giỏi hoặc may mắn như tôi, thi đậu, được bước thêm được đoạn ngắn nữa; thằng học không dở nhưng kém may mắn, bị rớt, phải vào Đồng Đế; nhiều bạn thi đậu nhưng vì hạ tuổi hoãn dịch nên phải vào Thủ Đức hoặc thi vào Sư Phạm để rồi trở thành những sĩ quan hoặc nhà giáo. Tôi bắt đầu nghe thấy mùi vị của “mỗi đứa mỗi nơi”. Vài bạn chí thân đã không cùng tôi gặp mặt hàng ngày nữa. Lớp 12 của chúng tôi năm nay thiếu vắng đi một số bạn bè đã từng ngồi chung lớp, từng học cùng Thầy cùng Cô trong suốt sáu năm qua.
Bình an, vô tư, vui vẻ, yêu đời và học tập là những thiêng liêng của tuổi học trò của chúng tôi, nếu không phải là của riêng tôi. Mặt hồ “bình an” đã bị những tảng đá rơi của chủ nghĩa làm xao động mạnh, lung lay cả “vô tư” và “vui vẻ”. Tôi trân trọng gìn giữ những gì đang có, để tuổi học trò tôi được thêm đúng nghĩa là tuổi học trò. Tôi mau chóng quen thân với bạn bè mới vào từ các trường khác. Tôi vui mừng được học những môn chỉ được học ở lớp 12 như toán giải tích, đạo hàm, nguyên hàm và triết học. Cũng vì vậy mà khi cắp sách đến trường, tôi thường kẹp sách toán giải tích ngoài cùng, cho dù xấp sách vở có mất thăng bằng và làm tôi mỏi tay mấy đi nữa, tôi cũng cố gắng cầm giữ một bên cho tựa sách thật lớn lộ ra ngoài, với mục đích là khỏi cần mở miệng mà cũng hiên ngang la làng được rằng: “Ta đây đang học lớp 12, lớp cao nhất của bậc trung học!”
Tôi thật hảnh diện vì được làm đệ tử thầy Tâm dạy triết và thầy Bé vừa dạy toán vừa là vị giáo sư hướng dẫn. Tôi rất quí mến thầy Bé vì cái tính thẳng thừng như 1 cọng 1 bằng 2, vì cái trẻ trung nhưng đứng đắn và vì cái nghiêm nghị không ngộp thở của thầy. Tôi bị thầy “bắt” làm trưởng lớp, có nghĩa là thầy “đì” tôi phải cùng với 4 trưởng lớp khác, chia phiên lãnh lấy trách nhiệm điều khiển chào cờ mỗi sáng thứ hai. Một buổi sáng thứ hai, cũng như những ngày đầu tuần khác, anh em với đồng phục trắng, ngay thẳng từng hàng quanh trụ cờ giữa sân trường. Tôi cũng đồng phục trắng nhưng lại lẻ loi trên cao, gần trụ cờ, để hát trước vài chữ của bài Quốc Ca. Tôi chẳng nhớ, tôi đã ngu dại gióng giọng bắt đầu bài quốc ca cao đến cỡ nào, để đến khúc “nòi giống lúc biến phải cần giải nguy” cả trường đều im tiếng nhép miệng, chỉ còn 2 “ca sĩ” của trường, Thành và Huyến, rống to, khoe giọng làm át cả tiếng máy bay đang đáp xuống tại phi trường Qui Nhơn. Tôi lo sợ, lấm lét liếc nhìn các vị giáo sư, nhưng lại yên tâm nhiều khi thấy thầy Bé đang cười mỉm.
Mùa Hè Đỏ Lửa đã ra đi, an lành và nhộn nhịp đã về lại với phố Qui Nhơn. Chúng tôi vui vẻ cắp sách đến trường, thi đệ nhất lục cá nguyệt, cắm trại tất niên, rồi rộn ràng nghe bản Ly Rượu Mừng chen lẫn cùng pháo Tết reo vui khắp phố.
Hè nữa lại đến, mùa hè cuối cùng của đời học sinh tôi cũng đã đến, tôi lại phải say goodbye for the Summer. Có ai đó, nhưng vì nhát cáy, tôi chưa dám viết vài chữ nên cũng chẳng có được một lá thư nào để tôi sealed with a kiss. Tôi sẽ không còn hàng ngày cắp sách đến trường trên những con đường quen thuộc nữa, nên cái hy vọng meet in Septembermong manh như làn khói đã bay lên cao ngàn thước.
Ngày 27 tháng 6 năm 1973, tôi cùng bạn bè lần nữa lại phải ứng thí. Vào phòng thi, tôi tò mò tìm kiếm nhưng không thấy được anh bạn cùng tên, sinh ngày 30 tháng 2. Tôi ngẫm nghĩ: Có lẽ anh Lê Quang Định đã không may, bị rớt rồi lại tái sinh lần nữa để trở thành một con người khác với tên họ và ngày sinh mới.
Đời người, có rất nhiều sự kiện tưởng rằng chẳng thể nào có thể xảy ra, nhưng lại thật sự xảy ra, như chuyện: chó táp nhằm ruồi đến hai lần. Tôi qua khỏi được 2 cái Tú Tài không vì tài năng mà chỉ vì may mắn. Tuy nhiên tôi chẳng bao giờ muốn trả lại những gì Trời đã cho. Tôi ôm khư tờ giấy Tú Tài 2, làm hành trang để lên đường, bắt đầu một cuộc sống xa nhà. Tôi đón xe lam lên bến xe mới gần chợ Dinh, để chuyển qua xe đò lớn, tôi chẳng để ý xe đò thuộc hảng nào, có lẽ là của Phi-Long Tiến-Lực. Bến xe mới, sáng sớm rộn ràng. Tiếng la, tiếng gọi và cả tiếng chửi thề ồn ào khắp bến, nhưng tôi như đang trong một thế giới riêng, yên lặng một mình trên chiếc ghế xe không mấy thoải mái. Tôi nao nao hướng đến đời sống sinh viên, một bầu trời mới của những con chim vừa đủ lông đủ cánh, mà lòng vừa rộn ràng vừa man mác. Từ nay tôi sẽ không còn phải một ngày nghe mấy bận những tiếng “học bài đi chớ mày!”, “mày đi chơi nhiều quá!” hoặc “coi chừng bị rớt!” nữa. Từ nay tôi sẽ sống cuộc sống tự do hơn tuy vẫn chưa tự lập được vì sẽ phải nhận “mandat” từ gia đình mỗi tháng.
Xe lắc lư làm tôi thôi mông lung mơ mộng để biết được rằng chiếc xe đang chuyển bánh. Chiếc xe đò có tôi, đang rời xa Qui nhơn và đang vội biến “con phố thương có nhiều con đường nhớ” trở thành “những con đường cũ trong con phố xưa” dù chỉ mới cách vài tiếng đồng hồ và xa chưa đầy chục cây số.
Xe đò lăn ra khỏi bến xe mới, trên con đường đất đầy ổ gà còn đọng nước của cơn mưa đêm qua, quẹo trái, leo lên đường nhựa để hướng đến ngả ba Phú Tài. Chuyến xe lịch sử này đang đưa tôi đi xa thật xa, bỏ lại phía sau lưng những vàng son của cuộc đời, trong đó có bạn bè thân thiết mà có thể tôi sẽ chẳng bao giờ được gặp lại; có tình bằng hữu thuần túy trong suốt, không một vết bụi của vị lợi và giai cấp; có cả một tuổi xanh đẹp đẽ vui tươi của thuở học trò, quãng thời gian tuyệt vời nhất của đời tôi!
Quay nhìn lại phía sau, khói trắng đục từ ống “bô” của chiếc xe chỉ làm tôi thấy dãy bạc hà đang lung linh hai bên đường, mà không nhìn được đàng sau xa: những con đường cũ in nhiều vết chân tôi trong con phố xưa chứa đầy kỷ niệm.