Nguyên tác: Shiga Naoya
Người dịch : Trần Ngọc Phương
Shiga Naoya (1883-1971) là một trong số ít những nhà văn được kính trọng nhất ở Nhật. Rất nổi tiếng về truyện ngắn. Truyện dài chính của ông là truyện An’ya Koro ( A Dark Night’s Passing) có ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn chương Nhật Bản hiện đại. The Death of the Knife Thrower’s wife (1913) là một trong những truyện ngắn độc đáo nhất của ông.
*
Mọi người rất ngạc nhiên, Han, một nghệ sĩ xiếc trẻ người Hoa đã ném một trong những con dao to bản vào động mạch cổ của vợ trong buổi biểu diễn. Người thiếu phụ trẻ chết ngay tại chỗ. Han lập tức bị bắt giữ.
Nơi xảy ra sự việc có mặt của giám đốc nhà hát, có phụ tá người Hoa của Han, có xướng ngôn viên và hơn ba trăm khán giả, còn có thêm viên cảnh sát đứng ở bên sau hàng người xem. Mặc dù trước sự hiện diện của tất cả những nhân chứng sự vụ vẫn hoàn toàn bí ẩn, không biết việc giết người này là có chủ tâm hay do rủi ro.
Tiết mục của Han như sau: Vợ anh sẽ đứng trước một tấm gỗ lớn cỡ cánh cửa, và từ một khoảng cách xấp xỉ ba mét sáu, ba mét bảy. Anh sẽ ném những con dao lớn về phía cô,làm sao cho chúng ghim lên bảng gỗ tạo thành một đường viền quanh, cách thân thể cô khoảng nửa tấc. Mỗi con dao khi rời khỏi tay, anh sẽ hô lên một tiếng ngắn như để đánh dấu phụ hoạ cho việc biểu diễn của mình.
Quan toà xét xử hỏi câu đầu tiên với ông giám đốc rạp hát:
– Ông cho rằng đây là một tiết mục hết sức khó khăn?
– Không thưa ngài, nó không khó mấy đối với một người biểu diễn lão luyện. Nhưng để làm nó chính xác, người ta cần phải có tinh thần vững chắc và sự tập trung cao độ.
– Tôi hiểu. Nếu vậy, giả sử sự việc xảy ra là một rủi ro, đây là kiểu rủi ro rất hiếm khi gặp?
– Vâng, thực vậy, thưa ngài. Nếu mọi rủi ro rất có thể xảy ra, tôi sẽ không bao giờ cho phép diễn ra trong rạp của tôi.
– Được rồi, ông có nghĩ rằng sự việc vừa qua là hành động có chủ tâm?
– Không, thưa ngài, tôi không nghĩ thế. Vì lẽ này: Một việc làm loại này được thực hiện ở khoảng cách ba mét sáu, ba mét bảy, đòi hỏi không chỉ khéo léo mà đồng thời còn có chút ít …đúng rồi, trực giác! Sự thật, tất cả chúng tôi đều nghĩ là một lỗi lầm, hầu như không mảy may nghi ngờ gì nữa. Nhưng sau điều đó xảy ra, tôi nghĩ chúng tôi phải thừa nhận rằng, bao giờ cũng có khả năng lầm lẫn.
– Rồi, ông nghĩ nó như thế nào? – Đó là lỗi lầm hay cố ý?
– Đơn giản rằng tôi không thể nói được, thưa ngài.
Quan toà cảm thấy khó xử. Đây rõ ràng là một vụ giết người, nhưng không biết do ngộ sát hay do mưu sát, thật khó có thể khẳng định được. Nếu đó là tội giết người mưu sát thì quả thật, y là một kẻ tài giỏi – vị quan toà ngẫm nghĩ.
Kế tiếp Quan toà quyết định chất vấn anh phụ tá người Hoa, kẻ đã làm việc với Han trong nhiều năm qua.
– Bình thường ông Han cư xử như thế nào? – Quan toà hỏi.
– Ông ta luôn luôn chuẩn mực, thưa ngài. Ông ta không đánh bạc, không uống rượu, không theo đuổi đàn bà. Hơn nữa, năm rồi ông ta vào đạo Cơ Đốc. Ông ta nghiên cứu tiếng Anh, trong lúc rảnh rổi dường như thường đọc tuyển tập các bài thuyết giáo – Thánh Kinh, hoặc là những loại như thế.
– Còn cách cư xử người vợ như thế nào?
– Cũng rất phải phép, thưa ngài. Như người ta biết, những nghệ sĩ xiếc rong thường không phải là người đạo đức nhất. Bà Han là một phụ nữ nhỏ nhắn xinh đẹp, và có khá nhiều người đàn ông thường đến gạ gẫm với bà ta, nhưng bà ta chưa bao giờ có chút chú ý tối thiểu nào đối với những hạng người như thế.
– Tính khí của họ nhìn chung thế nào?
– Luôn luôn tử tế và rất lịch sự, thưa ngài. Họ cực kì tốt đối với tất cả những bạn hữu, với người quen và không bao giờ cãi cọ nhau với một ai. Nhưng… – Y đột nhiên dừng lại, ngẫm nghĩ một lúc rồi tiếp tục – Thưa ngài, tôi e rằng nếu tôi kể cho ngài nghe điều này, có lẽ tình huống trở nên xấu hơn cho Han. Nhưng hoàn toàn sự thật, hai người này, những kẻ rất lịch sự tử tế và vị tha với người khác, thì họ tàn nhẫn đáng kinh ngạc trong quan hệ giữa họ với nhau.
– Tại sao thế?
– Tôi không biết, thưa ngài.
– Trường hợp đó xảy ra suốt từ khi anh biết họ?
– Không, thưa ngài chỉ khoảng hai năm trước đây thôi, bà Han có mang thai, đứa trẻ bị sinh non và chết sau đó ba ngày. Điều này đánh dấu sự thay đổi trong quan hệ của họ. Họ bắt đầu gấu ó nhau về những điều vặt vãnh, và gương mặt ông Han thường trở nên trắng bệch như tờ giấy. Ông ta thường kết thúc đột ngột bằng sự im lặng. Ông ấy chưa từng một lần nhấc tay đánh vợ hay bất cứ điều gì đại loại như thế…Tôi cho rằng điều đó sẽ đi ngược với nguyên tắc của ông ta. Nhưng khi nhìn ông ta, thưa ngài, người ta có thể thấy sự giận dữ khủng khiếp trong đôi mắt của ông ấy. Đôi lúc, đúng là rất đáng sợ.
Một hôm, Tôi hỏi Han tại sao ông ta không chia tay với vợ, vì xét thấy những điều đó quá tệ giữa họ. Ừm, ông ta bảo với tôi rằng ông ta không có lý do chính đáng để li dị, dù là tình yêu của ông ta với vợ đã chết. Dĩ nhiên, bà ta cảm thấy điều này và dần dần thôi không yêu ông ta nữa. Chính ông ta kể với tôi tất cả điều này. Tôi nghĩ, lý do ông ta bắt đầu đọc kinh thánh và tất cả bài thuyết giáo là để làm dịu đi cơn cuồng nộ trong tâm hồn và ngăn bản thân không căm thù vợ, kẻ mà ông ta không có lý do chính đáng để ghét bỏ. Bà Han thật sự là một phụ nữ dễ cảm. Bà ta đã sống với ông Han gần ba năm, và đã đi khắp mọi nơi cùng ông ta với tư cách là một diễn viên xiếc lưu động. Nếu bà ta rời bỏ ông Han về nhà, tôi không nghĩ bà ta sẽ dễ dàng tìm thấy được tấm chồng. Có bao nhiêu người đàn ông tin tưởng vào người đàn bà, mà người đàn bà đó đã trải qua suốt thời gian du hành đây đó? Tôi nghĩ rằng đây là lý do tại sao bà ta ở lại với ông Han mặc dù họ sống với nhau khá tồi tệ.
– Anh thực sự nghĩ sao về vụ giết người này?
– Ý ngài muốn nói, thưa ngài, rằng tôi nghĩ đó là một tai nạn rủi ro hay một hành động có chủ tâm phải không?
– Đúng vậy.
– Vâng, Thưa ngài. Tôi đã suy nghĩ mọi khía cạnh từ khi nó xảy ra. Tôi càng nghĩ tôi càng khó hiểu điều gì làm nó xảy ra. Tôi có trò chuyện với xướng ngôn viên và anh ta cũng nói thế, anh ta không hiểu điều gì đã xảy ra.
– Được rồi. Nhưng anh cho tôi biết điều này: Vào lúc nó thực sự xảy ra, anh có nảy ra ý nghĩ tự hỏi, đó là sự rủi ro hay có chủ tâm không?
– Vâng, Thưa ngài, tôi có nghĩ – tôi nghĩ, ông ấy đã giết vợ.
– Có chủ tâm, ý anh muốn nói?
– Vâng, thưa ngài. Tuy thế, xướng ngôn viên nói rằng, anh ta nghĩ ông ấy vuột tay.
– Đúng, nhưng anh ta đâu có biết quan hệ hằng ngày giữa họ với nhau như anh biết.
– Chắc có lẽ vậy, thưa ngài. Nhưng sau đó tôi tự hỏi xem điều đó mình có sai không? Bởi vì tôi biết mối quan hệ giữa họ, nên tôi đã nghĩ ông ấy giết vợ.
– Phản ứng của Han lúc ấy như thế nào?
– Ông ấy la lên: A! Ngay khi vừa nghe, tôi nhìn lên và thấy máu phun vọt ra từ cổ họng của vợ ông ta. Trong vài giây bà Han vẫn giữ tư thế đứng như vậy, sau đó đầu gối bà ta dường như gấp lại, thân thể đu đưa về phía trước. Khi con dao rời ra, bà ta đổ sập xuống sàn, rúm lại thành một đống. Dĩ nhiên, mọi người chúng tôi không thể làm gì…Chúng tôi chỉ ngồi đó chết sững và chăm chú nhìn vào bà ta…Về phần Han, tôi không thể mô tả phản ứng của ông ấy, vì tôi không nhìn đến ông ta. Chỉ khi tôi chợt nảy ra ý nghĩ: Cuối cùng thì ông ta đã giết vợ, tôi mới liếc nhìn ông ấy. Gương mặt ông ấy trắng bệch và mắt nhắm lại. Nhân viên sân khấu hạ màn xuống. Khi họ vực bà ta lên thì bà ta đã chết rồi. Han lúc đó quì gối xuống và trong một thời gian lâu ông ta tiếp tục cầu nguyện trong im lặng.
– Ông ta có biểu lộ tâm trạng bối rối không?
– Vâng có, thưa ngài, ông ta rất bối rối.
– Được rồi. Nếu tôi còn cần thêm điều gì nữa, tôi sẽ cho gọi anh trở lại.
Quan toà cho người phụ tá lui và bây giờ cho triệu tập chính Han đến. Gương mặt thông minh của người nghệ sĩ xiếc co rúm và xanh xao, người ta có thể nói ngay rằng, y đang ở trong trạng thái thần kinh bị kích động cùng cực.
-Tôi đã thẩm vấn Giám đốc rạp hát và phụ tá của anh – Quan toà nói khi Han đã đứng vào chỗ ghế nhân chứng – bây giờ tôi muốn xét hỏi anh.
Han cuối đầu xuống.
– Nói cho tôi biết – Quan toà nói – Anh có yêu vợ anh suốt mọi lúc không?
– Từ ngày chúng tôi kết hôn cho đến khi đứa bé được sinh ra, tôi yêu cô ấy với tất cả tấm lòng.
– Tại sao việc sinh nở của đứa bé làm thay đổi mọi thứ?
– Bởi vì tôi biết, đó không phải là con tôi.
– Anh có biết người đàn ông khác đó là ai không?
– Tôi đã nghĩ rất đúng. Đó là anh em họ của vợ tôi.
– Anh biết hắn ta?
– Hắn là bạn thân tôi. Chính hắn đầu tiên đề nghị chúng tôi kết hôn với nhau. Chính hắn xúi giục tôi cưới cô ta.
– Tôi đoán chừng có quan hệ giữa hắn và cô ta xảy ra trước cuộc hôn nhân của anh.
– Đúng thế, thưa ngài, đứa bé sinh có tám tháng sau khi chúng tôi kết hôn.
– Theo lời phụ tá của anh, đây là trường hợp sinh non.
– Đó là điều tôi nói với mọi người.
– Đứa bé chết rất sớm sau khi sinh phải không? Nó chết vì nguyên do gì?
– Nó bị ngạt thở trong ngực mẹ nó.
– Vợ anh làm điều đó có chủ tâm không?
– Cô ta nói đó là sự rủi ro.
Quan toà im lặng và nhìn chằm chằm vào mặt Han. Han ngẩn đầu lên, nhưng mắt hạ thấp xuống, anh chờ đợi câu hỏi kế tiếp. Quan toà tiếp tục:
– Vợ anh có thú nhận mối quan hệ đó với anh không?
– Cô ta không thú nhận, cả lúc tôi từng hỏi về họ. Cái chết của đứa bé dường như trừng phạt tất cả mọi cái. Tôi đi đến quyết định rằng tôi càng cao thượng, càng hào hiệp càng tốt. Nhưng…
– Nhưng cuối cùng, anh khó có thể trở nên cao thượng hào hiệp được phải không?
– Đúng vậy. Tôi không thể ngăn được ý nghĩ cái chết của đứa bé là sự trừng phạt thôi chưa đủ. Khi tách xa khỏi vợ tôi, tôi có lý do để bình yên. Nhưng ngay khi tôi thấy cô ấy, có điều gì đó xảy ra ở bên trong của tôi. Và khi tôi nhìn thân thể cô ta, sự tức giận của tôi bắt đầu bộc phát.
– Anh không nảy ra ý nghĩ ly dị sao?
– Tôi hay nghĩ, tôi sẽ phải ly dị, nhưng tôi chưa bao giờ đề cập nó đối với vợ tôi. Vợ tôi thường hay nói rằng nếu tôi bỏ cô ta, cô ta sẽ không sống được nữa.
– Cô ta yêu anh?
– Cô ta không yêu tôi.
– Thế, tại sao cô ta lại nói thế?
– Tôi nghĩ, cô ta đang dựa vào sự sở hữu của tài sản vật chất hiện có. Gia đình của cô ta bị phá sản bởi người anh lớn, và cô ta biết rằng không người đàn ông đứng đắn nào muốn cưới một người đàn bà đã từng là vợ của một diễn viên xiếc rong. Cô ta cũng không đứng thẳng được trên đôi chân mình để làm công việc bình thường nào đó.
– Về quan hệ chung đụng của anh như thế nào?
– Tôi hình dung về điều ấy cũng như hầu hết các cặp vợ chồng.
– Vợ anh có ưa thích thật sự với anh không?
– Tôi không nghĩ cô ta ưa thích tôi thực sự. Thực tế là tôi nghĩ cô ta chắc rất đau khổ để sống với tôi với tư cách là người vợ. Tuy nhiên cô ta chịu đựng nó. Cô ta chịu đựng nó với mức độ nhẫn nại hầu như không tưởng tượng được đối với một người đàn ông. Cô ta thường quan sát tôi với ánh mắt lạnh lùng độc ác, khi đời tôi đang đi dần đến sụp đổ tan tành. Cô ta chưa từng tỏ ra một chút thông cảm mong manh nào, khi thấy tôi đang vật lộn trong đau khổ, để tìm đến một sự hiện hữu thực hơn, tốt đẹp hơn.
– Tại sao anh không có một hành động dứt khoát nào đó…
– Bởi vì, đầu tôi chất chứa đầy những lý tưởng.
– Lý tưởng gì?
– Tôi muốn cư xử với vợ tôi một cách, mà trong cách đó tôi sẽ không có sai lầm…Nhưng cuối cùng, điều đó không thành.
– Có bao giờ anh nghĩ đến việc giết vợ không?
Han không trả lời và quan toà lập lại câu hỏi của ông ta. Sau một lúc lâu, Han đáp:
– Trước khi ý tưởng giết cô ta nảy ra trong tôi. Tôi thường hay nghĩ, sẽ là một điều tốt nếu cô ta chết.
– Rồi, trong trường hợp đó nếu không đi ngược lại luật pháp. Liệu anh đã chẳng nghĩ có lẽ anh sẽ giết cô ta sao?
-Tôi không nghĩ đến những điều khoản của luật pháp, thưa ngài. Đó không phải là điều cản trở tôi. Đúng ra là tôi nhu nhược. Đồng thời tôi có nỗi ước muốn chế ngự để đi vào kiểu sống chân thật hơn.
– Tuy nhiên anh đã có ý muốn giết vợ – ý tôi muốn nói – về sau này, phải không?
– Tôi chưa bao giờ quyết định làm việc ấy. Nhưng, vâng, nói đúng ra rằng, tôi đã nghĩ về nó một lần.
– Bao lâu trước sự việc xảy ra này?
– Đêm trước đó, hay có lẽ, ngay cả cùng buổi sáng.
– Anh chị cãi nhau?
– Vâng thưa ngài.
– Về điều gì?
– Về một vài điều vặt vãnh không đáng để đề cập đến.
– Cứ thử cho tôi biết về điều đó đi.
– Đó chỉ là vấn đề ăn uống. Tôi khá hơi cáu khi chưa ăn gì trong một thời gian. Rồi, buổi chiều hôm đó, vợ tôi dây dưa lần lữa và bữa cơm tối không được chuẩn bị sẵn sàng như đã định. Tôi trở nên rất giận dữ.
– Anh đã giận dữ hơn thường lệ?
– Không, nhưng sau đấy, tôi cảm thấy nó tăng dần, điều này thì không thường lệ. Tôi cho đó là vì tôi quá lo lắng trong suốt những tuần qua về việc cải thiện cuộc sống mình cho tốt hơn, và nhận thấy mình chẳng có thể sửa đổi được gì. Tôi đến giường đi ngủ, nhưng không tài nào ngủ được. Tất cả mọi thứ ý tưởng lộn xộn đi qua đầu tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy rằng, làm bất cứ cái gì, tôi cũng sẽ chẳng bao giờ có thể hoàn thành những điều tôi thực sự muốn – rằng, dù tôi cố gắng hết sức đi nữa, tôi cũng sẽ chẳng bao giờ có thể thoát khỏi mọi căm ghét đời sống hiện tại của tôi. Tình trạng tuyệt vọng buồn chán của công việc, tất cả dường như gắng liền với cuộc sống hôn nhân của tôi. Tôi hết sức mong mỏi tìm chút khe hở ánh sáng để đưa tôi ra khỏi bóng tối, nhưng ngay cả nỗi mong ước này dần dần cũng tiêu tan. Hi vọng thoát ra vẫn còn le lói chập chờn trong tôi, tôi biết rằng nếu bao giờ nó ra đi, tôi cũng sẽ gần như là một xác chết.
Và rồi sau đó, tư tưởng xấu xa bắt đầu vụt qua tâm trí tôi: Ước gì cô ta chết đi! Ước gì cô ta chết đi! Tại sao tôi không giết cô ta? Hậu quả của một tội ác như thế, chẳng còn chút ý nghĩa nào nữa đối với tôi. Chắc chắn tôi sẽ phải đi tù, nhưng cuộc sống trong tù chưa hẳn là tồi tệ hơn – có thể, chỉ tốt hơn – cuộc sống thực tại này. Và tuy nhiên, theo một cách nào đó tôi có cảm giác rằng, giết cô ta sẽ không giải quyết được gì. Đó sẽ là sự lẩn tránh vấn đề, cùng một cách giống như là tự vận. Tôi phải chịu đựng nỗi đau khổ mỗi ngày, tôi thầm nhủ: Không có cách nào phá vỡ được điều ấy. Điều ấy đã trở thành cuộc đời thật của tôi: Chịu đựng.
Khi đầu óc tôi đuổi theo những dấu vết đó, tôi hầu như quên rằng, nguyên nhân nỗi đau khổ của tôi nằm ở sát bên cạnh tôi. Tôi hoàn toàn mệt lả không ngủ được. Tôi rơi vào tình trạng u mê ngây dại, và khi đầu óc bị tra tấn của tôi trở nên tê liệt, ý tưởng về việc giết vợ dần dần phai nhạt. Tôi kiệt sức bởi cảm giác trống rỗng buồn chán kéo theo sau cơn ác mộng. Tôi suy nghĩ về tất cả những quyết tâm đẹp đẽ của mình để cho cuộc sống tốt hơn và tôi hiểu ra rằng tôi quá nhu nhược để đạt đến nó. Cuối cùng bình minh ló dạng, tôi thấy rằng vợ tôi cũng thế, cũng không ngủ…
– Khi thức dậy, hai người có cư xử bình thường với nhau không?
– Chúng tôi không nói với nhau một lời.
– Nhưng tại sao anh không nghĩ đến việc rời bỏ cô ta khi mọi chuyện đã đi đến nông nỗi này?
– Ý ngài muốn nói, thưa ngài, rằng điều đó sẽ là một giải pháp cho vấn đề của tôi? Không, không, điều đó cũng sẽ là một sự lẩn tránh vấn đề! Như tôi đã nói với ngài. Tôi quyết định cư xử với vợ tôi sao cho về phần tôi không có gì phải sai quấy.
Han nhìn tha thiết vào quan toà, quan toà gật đầu như tỏ dấu hiệu để anh ta tiếp tục.
Ngày kế tiếp, thân xác tôi mệt lã và dĩ nhiên thần kinh tôi rã rời. Để giữ im lặng thật là đau khổ cho tôi. Ngay sau khi mặc đồ, tôi rời khỏi nhà và đi lang thang vô mục đích ở những nơi hoang vắng trong thành phố. Tư tưởng tôi luôn luôn quay lại ý nghĩ rằng phải làm một điều gì đó để giải quyết cuộc sống, nhưng ý tưởng giết cô ta không còn xảy đến với tôi nữa. Thật sự có một lỗ hổng lớn giữa ý tưởng giết người của tôi đêm trước và bất cứ một quyết định thực sự nào để phạm tội ác! Quả thực, tôi chưa hề ngay cả nghĩ đến buổi trình diễn hôm đó. Nếu có, chắc chắn tôi sẽ quyết định huỷ bỏ tiết mục ném dao. Có hàng tá tiết mục khác có thể được thay thế.
Rồi, buổi tối đến và cuối cùng đến lượt chúng tôi xuất hiện trên sân khấu, tôi không thấy có chút điềm báo trước khác thường nào xảy ra. Như thường lệ, tôi biểu dương những con dao bén của tôi trước khán giả bằng việc cắt những mẫu giấy ra thành từng mảnh, và phóng một số dao xuống sàn gỗ. Chẳng mấy chốc vợ tôi xuất hiện, trang điểm đầy phấn son, y phục trung quốc chải chuốt, sau khi chào khán giả với nụ cười duyên, cô ta đến đứng vào vị trí trước tấm bảng. Tôi nhặt lên một trong số những con dao và tự ướm khoảng cách với cô ta.
Khi đó, mắt chúng tôi gặp nhau lần đầu kể từ buổi chiều hôm trước. Ngay lập tức tôi nhận ra sự liều lĩnh việc chọn tiếc mục đặc biệt này cho buổi trình diễn. Hiển nhiên tôi sẽ làm chủ thần kinh của tôi, tuy thế tình trạng kiệt sức đã thấm lọt vào xương tuỷ tôi, đã ngăn cản tôi. Tôi cảm thấy tôi không thể tin tưởng vào cánh tay của chính mình nữa. Để trấn tĩnh, tôi nhắm mắt lại trong một chốc, và tôi có cảm giác rằng toàn thể thân xác tôi run rẩy.
Nào, bây giờ thời gian đã đến! Tôi nhắm mắt phóng con dao đầu tiên về phía trên đầu cô ấy, con dao gắm đúng một inch cao hơn thường lệ. Vợ tôi dang tay ra, và tôi sửa soạn ném hai con dao kế tiếp dưới mỗi cánh tay. Khi con dao đầu tiên rời khỏi mút cuối ngón tay của tôi. Tôi có cảm giác dường như một điều gì đó nắm giữ nó lại. Tôi không có ý nghĩ lâu hơn về tình trạng có thể xác định nơi đến của con dao. Bấy giờ, chính thật là vấn đề may mắn nếu con dao gắn vào điểm đã định sẵn. Mỗi động tác của tôi bây giờ trở nên thận trọng và có ý thức.
Tôi ném một con dao về phía bên trái cổ vợ tôi, và sắp sửa ném con dao khác về phía bên phải, khi ấy tôi thấy một vẻ xa lạ trong đôi mắt cô ta. Cô ta có vẻ dường như hoảng sợ tột cùng! Liệu cô ta có linh cảm con dao này – trong vài giây sắp tới – sẽ nằm ngay ở cổ cô ta? Tôi cảm thấy choáng váng hầu như muốn ngất. Con dao rời khỏi tay tôi một cách thận trọng, gượng ép, tôi hầu như nhắm nó vào khoảng không…
Quan toà im lặng nhìn Han chăm chú.
– Đột nhiên một ý tưởng đến với tôi: ‘Tôi đã giết cô ta’ – Han vội vã nói.
– Ý anh muốn nói…có chủ tâm?
– Vâng. Thình lình tôi cảm thấy rằng tôi đã làm việc ấy có chủ tâm.
– Sau đó, tôi hiểu anh quì xuống bên cạnh xách vợ anh và cầu nguyện trong im lặng.
– Vâng thưa ngài. Đó là mưu kế khá xảo quyệt đã nảy đến với tôi do sự khích lệ của tình thế. Tôi nhận ra rằng mọi người đều biết tôi là một tín đồ cơ đốc giáo. Nhưng trong khi tôi giả vờ cầu nguyện, tôi thực ra đang tính toán để chọn cho mình một thái độ thích hợp.
– Như thế anh hoàn toàn tin chắc, anh đã hành động có chủ tâm?
– Tôi tin. Nhưng lập tức tôi nhận ra rằng, tôi sẽ có thể giả vờ đó là một sự rủi ro.
– Và tại sao anh nghĩ đó là hành động có chủ tâm.
– Tôi đã mất tất cả ý thức phán xét.
– Liệu anh có cho rằng, anh đã thành công về việc bày tỏ ấn tượng đó là một rủi ro?
– Có. Mặc dù khi tôi nghĩ về nó, sau đó nó làm tôi sởn gai ốc. Tôi giả vờ một cách hết sức thuyết phục là tôi đau buồn thương tiếc. Nhưng nếu có một kẻ thông minh sắc sảo hắn có thể nhận ra ngay là tôi chỉ đóng kịch. Rồi, buổi tối đó tôi quyết định rằng, không có lý lẽ xác đáng tại sao tôi không được tuyên bố trắng án. Tôi tự nhủ rằng không mảnh bằng chứng cụ thể nào chống lại tôi. Chắc chắn mọi người biết tôi sống không hoà thuận với vợ tôi như thế nào, nhưng nếu tôi khăng khăng nói rằng đó chỉ là một tai nạn rủi ro thì không ai có thể chứng minh ngược lại. Ôn lại trong đầu mọi việc xảy ra, tôi thấy cái chết của vợ tôi có thể giải thích rất hợp lý như là một rủi ro.
Và rồi sau đó, một câu hỏi khác đến trong đầu tôi: Tại sao chính tôi lại không tin đó là một rủi ro? Đêm trước tôi có nghĩ đến việc giết cô ta, nhưng có lẽ không đúng thật, điều mà bây giờ gây ra nơi tôi nghĩ về hành động của mình hình như có chủ tâm, có tính toán? Dần dần tôi đi đến điểm rằng chính tôi cũng đã không biết điều gì thực sự xảy ra! Về điểm này, tôi vô cùng hạnh phúc – hạnh phúc vô cùng không chịu nổi. Tôi muốn gào thét với hết cả buồng phổi của mình.
– Bởi vì anh đã đi đến cho rằng, đó là một rủi ro.
– Không. Tôi không thể nói thế. Bởi vì, không còn chút ý nghĩ nào để xem đó là việc có chủ tâm hay không chủ tâm. Thế, tôi quyết định rằng cách tốt nhất của tôi để được tha bỗng sẽ là phải khai hết mọi việc. Hơn là tự lừa dối mình và mọi người bằng cách nói đó là một rủi ro. Tại sao không hoàn toàn trung thực nói rằng tôi không biết điều gì xảy ra? Tôi không thể tuyên bố đó là một lỗi lầm. Mặt khác, tôi không thể thừa nhận đó là một cố ý. Nói tóm lại, tôi có thể biện hộ được cả ”có tội” lẫn ”không có tội”.
Han im lặng. Quan toà cũng vậy, ông giữ im lặng trong một lúc lâu trước khi dịu giọng nói, vẻ đăm chiêu:
– Tôi tin điều anh kể cho tôi nghe là sự thật. Chỉ thêm một câu nữa: Anh không cảm thấy chút hối tiếc nào về cái chết của vợ anh sao?
– Không một chút nào! Ngay cả khi tôi căm ghét cay đắng vợ tôi trong quá khứ, tôi chưa bao giờ có thể tưởng tượng tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc như thế – về việc cái chết của cô ta.
– Được rồi – Quan toà nói – Anh có thể rút lui.
Han lặng lẽ cúi đầu xuống và rời khỏi phòng. Một xúc cảm rung động kì lạ dâng lên, Quan toà với lấy cây bút. Trên văn kiện nằm trên bàn phía trước mặt ông ta, ông ta ghi xuống chữ: ”vô tội”.
*{jcomments on}
Ngay cả khi tôi căm ghét cay đắng vợ tôi trong quá khứ, tôi chưa bao giờ có thể tưởng tượng tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc như thế – về việc cái chết của cô ta.
Đồng bệnh tương lân nên quan tòa hạ bút: vô tội.
Lại thêm một cuốc đời bất hạnh nữa và phương thức giả thoát tê tái tâm hồn .
Anh Phương ơi! câu chuyện thật éo le đọc truyện dịch của anh và đọc bản tin thời sự hằng ngày thấy cách giải quyết của những người yêu nhau sao tàn nhẫn quá.
Tâm sự của người chồng thật bi đát mà làm sao lại để cho vợ ngoại tình dở quá.
Câu chuyện buồn quá Phương ui, không còn thương nhau nữa thì chia tay cớ sao lại giải quyết một cách quá tàn nhẫn!
Cách viết của nhà văn thật điềm đạm có hơi dửng dưng trước một sự việc đau buồn nhưng mà rất hay.
Ông ném dao đã giết người trong mộng bằng một con dao.
Qua bài dịch mới càng thấy được cái sắc lạnh của tâm hồn con người khi đã hết yêu nhau, tàn ác quá!
Nếu bagiakhoua phụ tui thì tui tự chết chứ không nỡ giết bà dù là giết bằng một lát dao.
Cảm ơn các bạn ghé thăm …phần nào giống phim Rashomon của đạo diễn Kurosawa. Một sự việc xảy ra có nhiều đánh giá khác nhau tuỳ quan điểm riêng. Một diễn biến tâm lý phức tạp trước sự việc… trong sâu thẳm nội tâm, và trong sự trung thực trí tuệ của nhân vật… được diễn tả rất độc đáo (lời bình của trang điểm sách nước ngoài).