“ Có hai thứ trí tuệ, một là để tranh giành, hai là để mưu sự bình an”
Trương Văn Dân
Mồng sáu tết ông Hoá chống nạng bước từng bước khập khễnh trong phòng khách. Con người luôn tất bật và bận rộn như ông thế mà sáng đó ông thấy hình như mình chẳng có việc gì để bận tâm. Ông chẳng muốn làm gì. Đầu óc trống rỗng, tâm trí ông bồng bềnh như những mảng lục bình rời rạc.
Ông thả người phịch xuống ghế xa lông, nheo mắt nhìn những vật dụng đắt tiền mà không cảm xúc. Sự lộng lẫy của ngôi biệt thự xưa nay vốn là niềm tự hào và kiêu hãnh… nhưng hôm nay ông chỉ thấy nó trống vắng mênh mông. Mấy phút trước ông chỉ nhấm một ngụm cà phê, không đoái hoài gì đến những thức ăn thừa mứa chất đầy trong tủ lạnh. Ông ngồi im lặng, chẳng biết làm gì cho hết thời gian. Định đọc, nhưng trong phòng không có quyển sách nào.
Ông Hoá bâng quơ nhịp nhịp những ngón tay lên thành ghế. Mới chỉ một đêm mà cái nhìn của ông đã khác. Cho đến hôm qua mọi việc đối với ông đều rạch ròi, minh bạch, và ông chỉ có một con đường để phải đi thôi. Thế mà sáng nay ông chợt thấy lối sống vừa qua có điều gì không ổn. Nhận định đó làm ông cảm thấy hoang mang.
Ông thở dài rồi chống nạng, khập khiễng bước về phía cửa sổ. Trên trời có một đàn chim đang tung cánh. Bất chợt ông cảm thấy tù túng và ao ước mình là con chim đang bay bổng giữa trời cao.
&
Sáng mồng năm, ông gọi các trưởng phòng, ban bệ của công ty đến nhà ông để họp. Lý do vẫn giống mọi lần: Chúc đầu năm, thắt chặt mối quan hệ của những thành viên trong một mái nhà, tổng kết tình hình năm qua và hoạch định những chỉ tiêu, chương trình cho năm tới.
Ông ngồi ở giữa. Mười mấy cộng tác viên xếp thành hai hàng ngồi trước chiếc bàn dài hình bán nguyệt. Ông thao thao nói. Ít có ai phát biểu hay đưa ra ý kiến. Ông nhìn những khuôn mặt đồng tình và thấy lòng kiêu hãnh được vuốt ve. Rõ ràng lý lẽ của mình luôn có sức thuyết phục.
Họp xong thì đã quá trưa. Những ngày này ai cũng bận nên ông không thể mời họ ra ăn ở nhà hàng. Mọi người chúc nhau rồi ra về, bỏ ông lại một mình. Lúc đó Hoa, con gái ông vừa lấy xe vù đi đâu mất. Người ăn kẻ ở trong nhà cũng chẳng còn ai vì vợ ông đã cho tiền để họ về quê, còn bà thì thức dậy từ sáng sớm đi xem bói toán.
Ngồi một mình trong căn nhà rộng ông cảm thấy buồn, nên rảo bước ra ngoài. Trong khi ông chậm rải bước trên vỉa hè, đầu óc miên man nghĩ đến công việc sau ngày khai trương thì, bất ngờ, một gã lái xe đang chạy nhanh, bỗng loạng choạng, đâm ông ngã xuống lề đường. Một chiếc taxi chở ông vào bệnh viện cấp cứu.
Xương chân trái nứt tuy không nặng lắm, nhưng phải băng bột ngồi một chỗ trong ngày đầu năm làm ông thấy thời gian quay chậm lại. Nó không còn cái nhịp hối hả, luôn thúc giục ông phải tất bật lo toan. Cái nhìn về cuộc đời của ông cũng khác. Bởi ông có thời gian quan sát và chiêm nghiệm những sự việc mà trước đây chỉ lướt mắt cho qua. Chẳng hạn lúc ngã, nằm bệt xuống lòng đường, ông mới thấy bà lão ăn mày ngồi run rẩy bên cột điện hay các trẻ em đường phố đang ngồi co ro trên một vỉa hè. Hình ảnh của họ thu lại trong mắt ông rõ nét, bất chợt làm ông thấm thía những mảnh đời cơ hàn của họ. Đã bao lâu rồi, ông chẳng hề quan tâm đến chuyện tại sao gia đình ông phung phí không hết của mà người khác lại chẳng đủ ăn?
&
Buồn và chán, ông Hoá thả mình xuống ghế salon rồi hững hờ cầm chiếc máy điều khiển TV. Tay bấm liên tục, ông lướt qua tất cả các kênh mà đầu óc mông lung, chả chủ ý xem gì. Mãi sau, khi màn hình hiện lên thiên phóng sự đón tết ở làng quê, ông mới đặt máy xuống. Bởi nó vừa gợi lại trong ông hình ảnh của những lần đón tết ở quê nhà.
Mới đó mà nhanh thật! Ngày nào còn là một đứa trẻ mà giờ ông đã sắp đến tuổi sáu mươi. Ông nhẩm tính thời gian rồi chợt nhớ đến những người bạn thời niên thiếu. Thuở đó ông và các bạn thật hồn nhiên, vui buồn với những điều đơn giản. Thế mà giờ phần lớn đã xa ông; còn ông, thể xác là vẫn của thằng Cu Quắn nhưng tâm hồn ông đã thuộc về một thế giới mới: từ con người chân chất, ông thành một doanh nhân, đã vỗ vỗ chân, rũ bỏ lớp bùn quê hoá thân thành một đại gia trong thành phố.
Thực ra lúc mới vào thương trường ông vẫn còn liên lạc với vài người bạn cũ, nhưng về sau, có lẽ do điều kiện kinh tế cao hơn đã làm ông thay đổi tính cách mà không hề nhận biết. Từng bước, ông dẫm chân lên những tấm thảm hãnh tiến của kẻ bắt đầu có của. Chính lúc tiền bạc thu vào mỗi ngày mỗi nhiều là lúc ông thấy mình có quyền liếc mắt, khinh khỉnh nhìn lũ bạn “khù khờ” đếm bạc vụn, vui với những thú “tầm thường”.
Lúc đầu, vắng bạn, ông thấy buồn; nhưng về sau, ông lại xem như rảnh nợ. Ông cần thời gian để gia nhập vào thế giới quan chức, cần thiết cho việc tạo bè, củng cố thêm vây cánh. Dĩ nhiên ông thừa hiểu là thứ quan hệ này nhạt thếch, nhưng vì lợi ích ông cần phải ép mình đàn đúm với những họ để moi lấy thông tin và chia nhau những món lời.
Trong cái bối cảnh thương trường như chiến địa, mọi thứ chân chất, mộc mạc của bạn bè xưa đã thành lạc điệu, chỉ có ông mới hoà nhập được. Rồi năm tháng trôi qua ông chỉ có nhiều bè nhưng ít bạn, nhiều người hùn, nhưng chưa hạp, có đồng minh mà không có ai tri kỷ.
&
Thành doanh nhân, mỗi lời bóng gió của ông đều có một chủ ý, mỗi nụ cười của ông đều có một ý nghĩa. Từng cử chỉ đều đi theo một mô hình sắp sẵn, nhắm đến mục tiêu. Trong một lúc ông có thể đóng vai đại gia hay quý tộc, là người bán, kẻ mua… người có tất cả hay kẻ chẳng có gì… rồi tuỳ vị trí, phân tích đối tượng, thu phục cảm tình, giành lợi điểm khi thương lượng. Đời sống của ông lúc nào cũng mấp mé giữa thật và ảo, ông đeo trên mình không biết bao nhiêu mặt nạ: tự cho đó là khả năng thoát xác nhập hồn trời ban để giúp mình bay lên đỉnh cao. Trong các cuộc họp, ông có thể một mình thao thao bất tuyệt, trình bày như một nghệ nhân độc thoại; lý lẽ của ông sắc bén, nhưng cũng nhiều khi ngụy biện. Cái kém của ông là thích được tâng bốc và nhiều khi mâu thuẫn với chính mình. Kêu gọi đoàn kết nhưng ông lại sợ mọi người lập bè; Yêu cầu góp ý, nhưng thường bác bỏ rồi đưa ra kết luận. Đôi khi ông còn đặt ra những khẩu hiệu để cấp dưới theo đó thi hành.
Những khi không bận “phát biểu”, ông khép mình giữa bốn bức tường, căng óc tìm khe hở của chính sách để luồn lách, hay tìm các thủ thuật mua chuộc, đút lót, nhằm trốn thuế hay gian lận tài chính. Đầu óc ông lúc nào cũng nghĩ đến tiền. Lo thu vào ít. Lo thất thoát nhiều. Lo giá mua tăng. Lo giá bán giảm. Và cuộc sống giàu sang nhưng chỉ vì tiền mà suốt ngày ông cứ đăm đăm lo nghĩ.
Công việc bám theo ông, ngay cả trong giấc ngủ. Mấy tháng trước thấy người uể oải nên phải nghỉ vài ngày. Nhưng buổi sáng đầu tiên trong resort sang trọng ở Phú Quốc, ông lọ mọ chuẩn bị mặc quần áo rồi gọi tài xế chở đi làm… mãi đến lúc nghe trả lời ông mới biết là mình đang xa công ty hằng trăm cây số.
&
Ngồi một mình trong nhà ông Hoá bỗng nhớ đến Tùng, người bạn duy nhất thời nối khố ông còn liên lạc.
Tùng làm thơ, viết báo. Vẫn làm việc trong thế giới đua chen để tồn tại, nhưng xem Tùng vẫn ung dung tự tại. Tính hai người rất khác nhưng thỉnh thoảng ông Hoá vẫn dành thời gian gặp bạn, dù bạn không ít lần mỉa mai, châm chọc ông.
– Mầy tìm tao cũng phải! Xung quanh mầy có nhiều kẻ quỵ lụy và nịnh bợ, vui, nhưng chán! Đôi khi mầy cũng cần gặp một thằng dám nói điều nó nghĩ.
Ông Hoá mỉm cười. Ông biết Tùng là người sâu sắc.Trong thâm tâm ông xem Tùng là tấm gương soi chiếu những phần khuất lấp ở trong ông. “Tao biết trong mầy có hai con người. Một chủ tịch Hoá khôn khéo, giả dối và một thằng cu Quắm đất bùn, chân thật. Sự tranh chấp giữa hai bản thể không bao giờ ngã ngũ. Chờ đến cuối đời thì may ra…”
Tuy vậy cũng có những lần Tùng ăn nói quá đà đã làm ông tự ái. Chẳng hạn lần Tùng nheo mắt ngắm cách bày biện trong nhà ông: ” Hi hi…mầy mua những vật dụng với chủ ý phô trương hơn là khẳng định khả năng thẩm mỹ”. Hay khi thấy ông đóng góp vào quỹ từ thiện: ” Tao vui khi thấy mầy giúp đỡ người khác. Nhưng tao thấy lòng hảo tâm của mầy nó ơ hờ ra sao ấy! Mầy chỉ chìa ra khi người ta kêu gọi! Như cái cách cho tiền người nghèo khổ: Đưa tờ bạc vì thẹn thùng chứ không phải vì vui thích. Mầy hấp tấp như để chóng rũ bỏ một điều khó chịu. Còn sắc mặt thì hoan hỉ với sự bất hạnh của kẻ đang cầu xin sự thương xót của mình”. Hay có khi thẳng thừng trách móc: “ Mầy chỉ dạy con làm điều có lợi chứ không bảo chúng làm điều có ích !”
Thường gặp, dù sinh hoạt của ông và Tùng rất khác. Tiền, trong khi ông ngồi đếm thì Tùng đi xin hay ngồi viết những bài báo kêu gọi từ tâm, đóng góp quỹ giúp trẻ em đường phố, hỗ trợ những bệnh nhân thiếu tiền chạy chữa. Nhưng, quái lạ, ông luôn thấy nhớ bạn. Chỉ có ngồi với Tùng thì ông mới thấy bình yên. Không tranh chấp. Phòng hờ. Cái mà ông muốn chiếm đoạt, chụp bắt, Tùng thờ ơ, bất cần những thứ mà ông có.
Ông bấm máy, gọi. Nhưng điện thoại của nhà thơ đã tắt.
&
Cầm chiếc máy điều khiển ông Hoá lơ đãng đổi kênh. Trên màn ảnh hiện ra cảnh một gia đình đang đi picnic làm ông nghĩ đến vợ con. Cuộc sống gia đình tuy không sóng gió nhưng hai vợ chồng ông từ nhiều năm có hai lối sống.
Thuở mới lấy nhau đâu đến nỗi, tình yêu cũng mặn mà say đắm. Trước khi bước vào thương trường hai vợ chồng ông cũng thường chia sẻ buồn vui. Thế thì vết rạn đến từ khi nào nhỉ? Có lẽ từ buổi tối bà kể chuyện bực mình nơi làm việc, chưa nói hết thì ông đã gạt: “Bà cứ tha chuyện không đâu về nhà! Tôi nghe mệt cái đầu. Thôi, lo cơm nước, chăm sóc chồng con rồi nghỉ ngơi cho khoẻ… đừng càm ràm chuyện đời làm chi cho mệt”. Nhưng đó chưa phải là giọt nước tràn ly. Giọt nước ấy chỉ đến khi tiền bạc bắt đầu dư dả. “Bà phải bỏ dạy, ở nhà. Không cần lo chuyện tiền nong.”
Khi lệnh buông ra mọi thứ vẫn tròn trịa trong gia đình. Ông yên tâm thấy bà nằm theo dõi những bộ phim dài nhiều tập rồi lao đầu vào núi việc mà chẳng quan tâm đến thái độ của ai, dù có lúc cũng lờ mờ cảm nhận là chứng trầm cảm đã dắt bà đi tìm sự bình yên trong cõi vô hình.
Ông Hoá tắt TV, chống nạng đến trước khung hình treo bên tủ rượu. Gia đình không con trai, ông dồn hết tình thương cho hai người con gái. Nhưng trời đã không chìu ông. Con gái lớn chỉ thích tiêu hoang và làm việc cầm chừng.
– Mầy ham chơi như lũ bạn. Toàn là bọn ăn hại.
– Rồi sao? Chẳng lẽ cứ ép xác, ru rú và khư khư giữ túi bạc như ba?
– “Bốp”. Cút đi ! Cút ngay khỏi căn nhà này, đừng làm bẩn mắt tao!
Hai mươi lăm tuổi, Liên bỏ nhà ra đi. “Ba má đừng tìm con. Hãy để yên con đi tìm cuộc sống của riêng mình”. Vợ ông không còn nước mắt. Bà đăng báo nhắn con trở về. Gần một năm mà Liên vẫn bặt tăm. Bà thường đi cầu cơ và hầu thánh. Còn ông thì sốt ruột: “Tại sao nó đi hoang? Con dại cái mang! Bà ăn không ngồi rồi, sao không dạy dỗ?”. Bà câm lặng trước lời buộc tội. Chỉ tháng trước, qua bà, ông được “Thánh“ cho hay là Liên đang sống ở miền Bắc.
Trước đó ông cũng tình cờ nghe Liên gọi điện về. Lúc đó ông định vào nhưng rất nhanh trí, chỉ đứng rình nghe và để vợ giải quyết. Chứ chẳng lẽ ông lại xuống nước với nó sao?
– Trời, con đang ở đâu? Mẹ nghe có tiếng tàu hoả? Con khoẻ không? Đêm ngày mẹ chờ điện thoại của con!
– …..
– Đừng khóc! Mẹ van con!Về nhà đi! Con còn trẻ mà! Đừng huỷ hoại đời mình! Đừng nói là đời con nát bét. Chỉ có mẹ mới là đồ vô dụng!
– …..
– Đừng đi nữa! Con về đi! Ba và mẹ luôn chờ đón con về!
-…
– Đừng nói vậy! Ba chờ con thật mà! Đừng nói là ba chỉ yêu tiền! Ba làm vậy là muốn con có tương lai tốt đẹp! Nghe lời mẹ… Mẹ khổ quá, ngoài hai con mẹ chẳng còn gì nữa.
-…
– Không bao giờ muộn! Mọi thứ sẽ qua! Về nhà đi! Con đang ở đâu? ở đâu?
Hôm đó ông đứng thừ một lúc rồi khi biết con gái cúp máy ông lặng lẽ bỏ đi.
Thở dài, ông Hoá ngước nhìn bức chân dung của mình treo trên cao. Mọi ngày vẫn bình thường nhưng hôm nay sao trông mình giống một lãnh tụ nghiêm trang mà xa cách. Từ lâu, lâu lắm ông luôn tự hào với mọi người là mình chỉ sống, làm việc và xây dựng tương lai cho họ.
Bao lâu rồi mình chưa có một buổi ngồi ăn sáng hay uống ly cà phê cùng với gia đình?
Ông nhìn bức ảnh của Hoa, đứa con gái thứ hai, cục cưng khôn ngoan, xinh đẹp của ông. Ông thương con lắm nhưng hai năm trước ông đã phản đối tình yêu của nó với một sinh viên nghèo. Ông nghĩ hắn đến với con ông chỉ vì gia sản.
Để cách ly, ông gửi Hoa qua Singapore để học khoá điều hành. Không dám cãi cha nhưng khi về nước Hoa chỉ lao vào công việc. Cho đến nay cục cưng của ông vẫn chưa có ý trung nhân. Tệ hơn, hình như Hoa không hề tiếp xúc với chàng trai nào khác. Biếng nói, biếng cười. Nó sống cô độc, hết việc công ty về nhà đóng cửa, nhạc mở thật to, chờ đến giờ ăn. Rồi ngủ. Vàng trải dưới chân mà ông thấy con mình sống như một nữ tu.
Chợt ông rùng mình liên tưởng đến chuyện các trinh nữ bị chôn sống để làm thần giữ của trong các kho tàng thần thoại.
Ý nghĩ đó làm mi mắt ông Hoá giật lên vài cái.
&
Cuộc đời, bạn bè, gia đình, con cái… sáng nay ông tự hỏi là cuối cùng mình đã được gì? Có phải Tùng đã trả lời ông trong lần đối thoại mấy tháng trước chăng: “Có cái muốn, nhưng không muốn cái có nên mầy sẽ không hạnh phúc”. Câu nói như mũi kim đâm xước vào lòng kiêu hãnh của ông. Lúc đó ông im lặng nhưng Tùng đã tấn công ông liên tục. ” Khi không biết đủ, giàu cũng là nghèo!”. Những câu nói như những phụ đề chạy trên một màn hình trước mặt làm ông nhớ đến bạn. Ông còn nhớ tiếng hát nghêu ngao của Tùng trước khi dốc chén:
Rồi sẽ hiểu ít nhiều đều là đủ,
Trẻ hay già vô nghĩa trước mai sau.
Vua ôm ấp bao cung tần mỹ nữ,
Sướng hơn gì người cùng khổ ôm nhau. [1]
Ông Hoá lại bấm máy gọi bạn, nhưng chỉ nghe tiếng ò e của chiếc điện thoại. Chắc lúc này Tùng và vợ con vẫn còn ăn tết ở quê. Cuộc sống của Tùng bình yên. “ Đại sự cho đời người chính là hạnh phúc của người đó”. Ông thấy Tùng may mắn hơn mình.
&
Đến hôm mùng năm… với ông Hoá tiền bạc là máu của cơ thể… nhưng đến chiều mồng sáu tết mọi việc đều đã khác. Buộc phải ngồi một chỗ, ông đã có thời gian để nghiền ngẫm chuyện đời. Ông thấy xưa nay mình bước đi trong phù hoa, nhưng quên nơi mình đã đến và định đi đâu. Mấy năm về trước, trong một phiên họp các nhân viên yêu cầu ông đi làm bằng xe hơi, tránh đi xe máy. Ông tự hào vì mình là linh hồn của công ty, mọi an nguy đều ảnh hưởng đến sự tồn sinh của mấy trăm gia đình. Nhưng yêu cầu đó có phải phát xuất từ lòng yêu thương? Hay những kẻ dưới quyền chỉ muốn ông điều hành thật hiệu quả theo mong mỏi của lòng ích kỷ? Ông phân vân và thấy mình chưa chắc đã làm chủ được đời mình rồi lờ mờ nhận ra rằng mình sắp bị chính ngọn lửa của tham vọng thiêu cháy. Và nếu không khéo, nó có thể cháy lan sang cả vợ lẫn con, những người yêu thương nhất.
Ông Hoá khúc khích ho rồi chống nạng bước vào nhà tắm. Ông xả nước rửa mặt. Dòng nước mát làm ông khoẻ khoắn hơn chút đỉnh. Nhưng khi nhìn bóng mình trong gương, những sợi tóc bạc như phản chiếu vào sự phiền muộn trong lòng ông. Mãi đến giờ ông vẫn chưa được sống như đáng ra phải được, rồi băn khoăn vì chưa tìm ra con đường phù hợp với tuổi đời. Về già, tiền bạc rủng rỉnh tưởng là sung sướng hoá ra lại có nhiều lo lắng. Đến giờ ông vẫn chưa biết sẽ chia chác tài sản và quyền hạn cho các con như thế nào.
“Mầy sẽ không gặp được lối đi khác. Con ngựa khi bị cái lá đề che hai bên mắt, chỉ nhắm vào một hướng nên không thấy bao nhiêu cảnh lạ.”
Ông Hoá trầm ngâm. Đời ông sẽ chảy về đâu? Không một kẻ nào sinh ra phải tự bắt mình đi trên một con đường, hẹp, rồi bám lấy nó như một điều có sẵn, ôm ấp cho đến chết. Tùng có lý:”Doanh thu lớn nhất là sự bình yên trong tâm hồn”. Ông thấy mình phải suy tư cho đến khi thấy được hướng đi mới.
Thay vì tái cấu trúc công ty, ông thấy cần phải tái cấu trúc đời mình.
Ông không muốn suốt cuộc đời chỉ sống nơi trận mạc.
Và muốn được rửa tay gác kiếm.
Xung quanh ông có còn ai không? “Khi thành công chỉ có kẻ thù là thật, còn bạn bè đều là giả dối.”Lời nói của Tùng bất chợt vọng đến làm ông giật mình, thấy mình chẳng còn bao nhiêu thời gian.
&
Trời càng về chiều càng xám xịt…
Ông Hoá chống nạng đi vài bước, mỏi mệt như vừa đi qua một chặng đường dài. Gió đưa nhè nhẹ, tiếng phong linh ngoài sân vườn khẽ rung trong gió.
Chợt, ông dừng bước. Ông chăm chăm nhìn con Hồng Long đang tha sức vẫy vùng, kiêu hùng độc chiếm cái hồ cá to lớn treo trên vách… Đã bao lần ông tâm đắc nhìn nó uốn mình quẫy đuôi trong sóng nước nhưng chỉ hôm nay ông mới thấy được nỗi cô đơn của thần ngư.
Nó chỉ một mình.
Chưa bao giờ ông cảm thấy mình trơ trọi đến thế, và lần đầu tiên trong đời ông chua xót thương thân. Thẫn thờ một lát rồi ông ngã người xuống ghế, thiếp đi. Trong giấc mơ đầu năm, ông thấy một bà lão mặc áo thụng tóc bạc phơ từ phía sau bước đến. Đôi chân mang hài của bà lướt nhẹ trên nền gạch. Ông cảm giác có một bàn tay đang đặt lên vai :
– Sao con khổ thế! Đừng làm việc nhiều quá! Ngủ đi… phải nghỉ ngơi cho khoẻ!
– Ai ?
– Hỏi làm gì? Hãy nghỉ đi! Tuổi này phải biết dừng, sống giao hoà với thiên nhiên.
Ông hé mắt nhìn bà cụ áo trắng có khuôn mặt hiền như bụt, đứng mà như bay lơ lửng trước một màn sương.
– Hãy nghỉ ngơi và bảo bọc gia đình….thôi, ta phải đi!
– Không! Hãy ở lại! Con cô đơn quá!
– Lên cao thì phải chấp nhận cô đơn! Đã mấy ai quyền quí mà thảnh thơi, nhàn hạ?
Câu nói chưa dứt thì bóng trắng đã mờ dần, phút chốc biến thành tia khói. Ông Hoá thấy giữa màn sương bóng trắng có dáng dấp của mẹ mình.
Bà đã mất từ năm năm trước.
Ông thấy mẹ lùi dần khỏi tầm nhìn của ông, lùi mãi vào cái quá khứ như quãng thời gian của đời đã mất, không bao giờ trở lại
Rồi ông giật mình, thức giấc.
Ngồi bật dậy, lao đi, ông cố chụp lấy điều không nắm được.
[1] Thơ Nguyễn Bảo Sinh{jcomments on}