Quê hương tôi là xứ Huế nơi có giòng Hương Giang lặng lờ như một dải lụa mềm êm ái, như tóc xỏa dài của nàng thiếu nữ chờ trăng. Nhưng tôi chưa về Huế lần nào vì công vệc làm ăn của Ba tôi, tự lúc thiếu thời ông đã lên tận sở chè Biển Hồ rồi Bàu Cạn tha phương cầu thực. Chín năm kháng chiến ba mẹ tôi tản cư lên ở Hội Yên một vùng cù lao của con sông Ân Thường và con sông Lại Giang hợp thành, nơi đây cách thị xã Bồng Sơn bảy cây số về hướng Tây
Hết kháng chiến ông bà dọn về Qui Nhơn rồi định cư luôn, từ đó đến nay chị em chúng tôi chưa được cái vinh dự về quê hương cha lần nào, mặc dù mỗi lần ông đi thì ông hẹn lần sau giỗ chạp sẽ dẫn chị em chúng tôi theo nhưng hết lần này đến lần khác cứ trôi đi trôi đi mãi cho đến hôm nay. Cứ mỗi lần có ai nói đến Huế, tôi lại mơ màng mường tượng bao cảnh đẹp não nùng của xứ Thần Kinh, bao lăng tẩm đền đài cổ xưa, đến ngàn cây ngọn cỏ của xứ Huế cũng đẹp mơ màng, theo như trong sách báo thường viết, tôi thèm lắm thèm về xứ Huế lắm
Bây giờ tôi đã lớn hai hai tuổi rồi và tôi đã có người yêu, tôi quen anh ấy hiện đang làm việc ở Qui Nhơn nhưng nhà của anh ấy ở đường Huỳnh Thúc Kháng gần đồn Măng Cá ở Huế. Khi ba tôi biết tôi quen với một người đồng hương cùng ông gương mặt ông sáng rỡ, nụ cười thật tươi, đôi mắt ánh lên sắc rạng ngời, nhìn đôi mắt ông tôi biết tình yêu quê hương của ông thật đậm đà và sâu nặng biết bao Còn mấy dì tôi và các bạn của tôi thì có thành kiến với người Huế nhất là đàn bà, mấy dì lo tôi lấy chồng xa làm dâu xứ Huế sẽ bị ngược đãi vì theo quan niệm của mấy dì bà gia Huế rất khó tính và lễ phép bắt bẻ lung tung, còn các O em chồng chị chồng thì chanh chua chuối chát, lo lắng ái ngại cho bước đường làm dâu của tôi sau này
Nhưng mà tôi đã yêu anh ấy mất rồi ca dao có câu
Thương nhau tam tứ núi cũng trèo
Lục bát sông cũng lội
Thập cửu đèo cũng qua
Sá chi một mẹ già và hai O em chồng chị chồng
Hôm ấy anh xin phép ba mẹ tôi anh đưa ba mẹ của anh đến thăm nhà, lòng tôi hồi hộp lo lắng tôi ở trong buồng hé cửa nhìn lén, tôi thấy anh ngồi chính giữa ba mẹ anh ngồi hai bên vuốt ve anh, ôm choàng lấy anh mân mê tay và mặt, một cử chỉ và hành động âu yếm mà gia đình tôi chưa từng có bao giờ, vì ba mẹ tôi quan niệm con cái lớn rồi không nên yêu thương lộ liểu nó biết nó sẽ lờn mặt rất khó dạy
Rồi đến lúc tôi được kêu ra trình diện tôi run run ngầm lo lắng chẳng yên tâm chút nào. Tôi ngoan ngoãn chào hai bác và cúi xuống không dám nhìn lên. Mẹ chồng tương lai tôi đứng dậy đến bên tôi cầm tay tôi với tiếng nói ấm mềm như người mẹ, khi ấy tôi mới từ từ ngước lên, đập vào thị giác của tôi là một ánh mắt triều mến hiền hòa ấm áp nhìn tôi, tự nhiên mọi ấn tượng về bà gia Huế trong tôi tiêu tan đâu hết, một cảm giác thật gần gũi thật thân thương vừa vun vén trong lòng tôi
Mấy ngày sau tôi đi cùng mẹ chồng tương lai ra phố sắm sửa các thứ cần thiết cho một cô dâu mới ,giọng mẹ nói ấm và dịu, mẹ cho tôi toàn quyền lựa chọn các thứ như vải vóc đồ trang sức theo ý thích của mình về nhà mẹ còn than van với tôi thời buổi chiến tranh làm gì cũng tiết kiệm, tội hai đứa nhỏ, nhất là tôi một cô dâu mới phải chịu bao nỗi thiệt thòi thiếu thốn mọi bề, tôi nghe mà cảm động rơm rớm nước mắt
Hôm ngày cưới tôi khoe cùng các dì, các bạn bà da tôi hiền dịu lắm nhưng đã nghe tiếng phản bác của mọi người ‘ bà gia Huế làm mặt bước đầu’.Vậy là nỗi lo âu lại bất chợt nhen nhúm trong lòng tôi
Cưới xong bốn ngày chồng tôi đi công tác tận Kontum, lên để lập một chi nhánh mới cho công ty . Ba mẹ chồng tôi còn ở lại Qui Nhơn chờ máy bay, vì lúc ấy chưa có đường bay dân sự Qui Nhơn – Huế, ba mẹ chồng tôi phải ở lại chờ xin máy bay những ngày này gần gũi cùng mẹ chồng, tôi mới biết mẹ tuy bà gia mất sớm nhưng có người chị chồng rất khắc nghiệt. Ngoài những lần xúi ba chồng tôi đánh mẹ còn chơi ác len lén bỏ thêm muối vào nồi canh
Thuở nhỏ nhà mẹ rất nghèo ở tận dưới quê cách kinh thành mười cây số nhưng mà như xa xôi lắm ít khi lên Huế, coi Huế như là nơi chỉ dành riêng cho các ông hoàng bà chúa và quan lại trong triều người dân thường không được đến gần, lúc con gái và cả khi có chồng mẹ làm hàng xáo nghề mà ở thôn quê những người không có ruộng nương thường làm .Mẹ kể trưa cơm nước xong quảy gánh đi mua lúa trong làng, chiều đem về xay giả sàng sảy sáng mai ra chợ bán gạo và cứ như thế tiếp nối nhau ngày này qua ngày khác. Bởi công việc rất vất vả nên đêm đêm có tiếng hò giả gạo để xua tan cái khổ, cái mệt nhọc trong ngày
Sau này vì việc học của các con và Tây đi càn nên ông bà mới dọn lên Huế ở, thời gian đầu cũng khổ lắm. Lúc ấy ba chồng tôi đi làm ở nhà thương Huế, mẹ ở nhà cứ mỗi sáng dậy sớm nấu xôi và cháo gạo bán vậy mà mẹ đã nuôi ba đứa con ăn học nên người Mẹ con chuyện trò đầm ấm và tôi cũng hiểu thêm về gia đình mẹ chồng mình
Rồi ông bà đi Huế chúng tôi đi Kontum, anh thuê một cái nhà năm phòng rộng thênh thang mỗi lần anh đi công tác tôi ở nhà một mình sợ ơi là sợ, nghe tôi hiu quạnh mẹ vội vào cùng O út khi ấy O út vừa xong tú tài hai, hồi đó bằng tú tài hai xin đi dạy được vậy là gia đình chúng tôi trở nên đông đúc
Ôi! một khoảng thời gian hạnh phúc ngọt ngào đáng nhớ thấm đẫm vào lòng tôi, mẹ mua chuối về sấy, mẹ mua măng phơi khô,mẹ mua đậu quyên về làm bánh, mẹ mua củ sắn ( củ mì ) về mài bột nấu chè bột lọc bọc đậu phụng rồi bánh bột lọc bọc thịt tôm, miếng bột trong veo ăn vào thấm tinh quê hương xứ Huế. Có những hôm anh đi công tác hai chị em ở nhà dành mẹ, mẹ nằm chinh giữa, hai chị em hai bên ai cũng đòi mẹ xây qua phía mình, cuối cùng mẹ phải chia ra đầu hôm xây phía O út gần sáng xây qua phía tôi hai chị em tha hồ nhỏng nhẻo vòi vĩnh đủ thứ cùng mẹ. Khi ấy tôi có thai đứa con đầu lòng, mẹ nâng niu chăm sóc tôi như con ruột của người, mẹ không cho tôi giặt đồ nhưng đồ lót của tôi, tôi giấu dưới nệm giường mẹ tìm ra đem giặt hết tôi áy náy vô cùng. Đến bây giờ mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn còn thấy xốn xang ngập lòng, rồi công việc mẹ phải về Huế, tôi về Qui Nhơn chờ sinh vì theo tục lệ con so nhà mạ Nhưng đến khi tôi sinh mẹ vội vã vào Qui Nhơn chăm sóc cho tôi thật chu đáo, thật tận tình, đến khi đầy tháng chồng tôi guyết định đem tôi theo, trên chuyến bay Qui Nhơn – Kontum hôm ấy thời tiết rất xấu máy bay xóc nhiều tôi rất mệt. Mẹ một tay bồng cháu, một tay nắm chặt tay tôi như truyền hơi ấm, như truyền sức sống cho tôi, nhìn nét mặt mẹ tôi thấy hằn lên nét lo lắng tột cùng, đôi mắt mẹ nhắm lại miệng lâm râm khẩn cầu. Sau này mẹ thường nhắc lại hôm ấy mẹ nhìn thấy mặt tôi tái xanh, bàn tay lạnh ngắt mẹ cứ sợ dại, mẹ niệm Quan Âm người mà mẹ luôn luôn đặt hết niềm tin tưởng mỗi lần mẹ gặp chuyện bất an, mẹ đều khẩn cầu, lần nào mẹ cũng thấy linh nghiệm
Từ buổi ấy mẹ ở mãi với vợ chồng chúng tôi, chăm lo cho tôi. Thỉnh thoảng ba chồng tôi nhớ mẹ vào thăm.
Hai năm sau nhân dịp Tết chúng tôi dẫn con trai về thăm gia đình cũng để ra mắt bà con từ ngày lấy chồng đến giờ, lần đầu tiên thấy Huế quê hương của tôi, tôi bàng hoàng ngơ ngẩn, tôi không ngờ Huế đẹp và nên thơ đến nhường này, người Huế nói năng nhỏ nhẹ đáng yêu làm sao và nhất là nấu ăn ngon nữa. Mẹ bảo chồng tôi đưa tôi đi thăm vòng quanh xứ Huế, tất cả những lăng tẩm đền đài hoàng cung đã in sâu vào tâm trí tôi một cảm giác sâu đậm khó phai mờ như trong truyện cổ tích xa xưa. Niềm vui lớn lao nhất là tôi được các thành viên trong gia đình nhà chồng đón nhận với bao ưu ái ngập tràn làm tôi xúc động không nói nên lời, tôi quên đi cái lạ lẩm, cái ngỡ ngàng của buổi đầu tiên bước chân về nhà chồng. Rồi anh đưa tôi về thăm quê cha đất tổ của tôi, cách Huế hai chục cây số nơi có giòng sông Nông vừa trong vừa mát, có truông Phú Bài nhỏ cát dễ đi.
Cuộc sống êm đềm cứ trôi, trôi mãi đến khi tôi sinh đứa thứ hai cũng do bàn tay mẹ chồng chăm sóc, Bây giờ thì mọi thành kiến về mẹ,về bà gia xứ Huế trong tôi đã âm thầm tan biến theo năm tháng và thời gian
Rồi chồng tôi được điều về làm ở Huế, lúc này anh đi công tác liên miên, tôi ở nhà cùng mẹ trong căn nhà phía bên phải, bên trái vợ chồng con cái anh đầu ở, căn giữa thờ, cha mẹ chồng tôi ở phía sau gian thờ vì nhà hình chữ U. Thỉnh thoảng chồng tôi về đưa vợ con đi chơi, những hôm ấy mẹ dặn người giúp việc không được quấy rầy chúng tôi, anh như người từ rừng sâu trở về râu không cạo, anh đi bên tôi dạo quanh giữa phố phường đông đúc như một chiến tướng bên người tình, tôi thấy mình hảnh diện và hạnh phúc tuyệt vời.
Thấm thoát năm năm sau tôi có thai đứa thứ ba, lúc nầy chồng tôi đi học đại học ở Đà Lạt một năm. Ở nhà khi thai được tám tháng mẹ dặn tôi dù đêm hôm khuya khoắc thế nào mà thấy trong người khác thường thì phải kêu mẹ dậy. Và ngày đó đã đến, hôm ấý hai giờ sáng tôi nghe đau nhói, tôi dậy sắp đồ vô xách thì mẹ đã dậy rồi, mẹ dặn xích lô gần nhà dọc đường thấy tôi nhăn nhó hít hà, mẹ ôm tôi vào lòng miệng dục chú xích lô đạp nhanh, theo ý mẹ thà đến nhà hộ sinh ngồi đợi an tâm hơn, mẹ an ủi tôi “Mẹ biết con đau lắm ráng lên nghe con.” Miệng mẹ lâm râm niệm Phật, rồi lẩm bẩm van xin mười hai mụ bà mười ba quan thầy phù hộ cho tôi mẹ tròn con vuông. Khi ấy tôi cảm động ứa nước mắt và lòng dâng lên niềm thương mến mẹ rất nhiều, về nhà mẹ tự tay lo miếng ăn giấc ngủ cho tôi, nhiều lúc cháu khóc mà tôi ngủ quên mẹ len lén bồng cháu dỗ rồi lặng lẽ để lại bên tôi, nhất là những lúc cháu đau ốm quấy quả mẹ ôm cháu thức suốt đêm, cùng chia sẻ bao nhiêu sợ hải lo âu, bao nhiêu bất an cùng tôi, lòng tôi lại ấm lên niềm xúc động vô ngần.
Sau nầy tôi sinh thêm hai gái nhưng không có mẹ ở bên, tôi thấy nhớ nhung, một nỗi nhớ nhung đằm thắm như thiếu vắng một thứ gì quan trọng lắm lắm, một nỗi nhớ ăm ắp trong lòng.
Rồi biến cố 1975 xảy ra chồng tôi đi lao động, mẹ cùng tôi lo bới xách cho anh ấy rất đầy đủ, có một lần hai mẹ con đi thăm anh, ở tận Đồng Sơn thuộc tỉnh Đồng Hới con đường từ ga vào trại tám cây số đầy sỏi đá gập ghềnh, dọc đường nắng chói chang hai mẹ con vừa mang vừa xách, bỗng có cái cộ của người đi cắt bổi ( cắt lá) về bỏ chuồng bò họ chở dùm đồ và còn cho mẹ già lên ngồi, ( vì ngồi hai người sợ bò kéo không nổi ) nhưng mẹ nhất định không ngồi mà cứ nhường cho tôi, mẹ viện lẽ tôi ốm yếu và chưa quen nhọc nhằn, cuối cùng tôi lên ngồi với lòng đầy áy náy, tôi nhin lùi lại cách xa mẹ dần dần từng bước chân, bước chân mà lòng tôi bức rức xốn xang, đến một ngả ba cộ vào rừng tôi ngồi lại đợi mẹ. Bây giờ nhớ lại tôi thấy lòng mình thương mẹ đến xót xa và cứ ray rứt tự trách mình sao hôm ấy lại nhẫn tâm để mẹ lủi thủi đi bộ một mình, hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi, ám ảnh suốt cuộc đời này không thể nào xóa nhòa. Khi chồng tôi về, cuộc sống thật vất vả thiếu thốn , mẹ lại bù đắp cho chúng tôi.
Thời kỳ bao cấp anh của chồng tôi buôn bán phát đạt rất cần đến mẹ vì chị dâu của tôi qua đời, vậy là mẹ sẳn sàng quán xuyến công viêc cho anh. Khi ấy vợ chồng con cái tôi ở Đà Nẳng. Chồng tôi vừa về được thuê làm mì sợi gia công cho ty lương thực, tháng nào mẹ cũng vào thăm chúng tôi, mẹ dúi tiền cho tôi và dặn mua thêm thức ăn cho chồng cho con, tự nhiên trong tôi xao động ứa nước mắt và có một luồng cảm xúc nồng nàn, ấm áp về mẹ đang miên man trôi chảy trong trái tim tôi. Đến khi hết lương thực vợ chồng chúng tôi thất nghiệp lên Pleiku đi kinh tế mới tự túc với nguyện vọng làm rẫy, làm cafe nhưng làm rẫy chẳng ăn nhập vào đâu, vì vợ chồng con cái chúng tôi tự thuở nào đến giờ chưa ai cầm đến cây cuốc, chưa biết cuốc lát đất nào, rồi chống nước cả nhà đau ốm liên miên tiền bạc cạn hết có thời gian tôi làm bánh bán ở các cổng trường học, còn chồng tôi làm mực viết bán cho học trò, các con tôi mỗi đứa làm một nơi chỉ có hai con gái nhỏ đi học, cuộc sống cầm hơi qua ngày, rồi chính sách mở cửa các con tôi được đi học trở lại, chúng học cao đẳng sư phạm cho mau và có học bổng đủ mua gạo cho cả nhà, chúng tôi cực khổ thiếu thốn nhưng dấu mẹ. Một lần tôi ra thăm mẹ, hình như mẹ đoán biết chúng tôi thiếu hụt, mẹ lần trong lớp áo cánh thứ ba đưa ra một cái gói nhỏ và nói “Mẹ chỉ còn chừng này, mẹ cho con đem về bán đi làm vốn buôn bán sinh sống, đây là chiếc xuyến ba chỉ mẹ giữ rất lâu, lâu lắm rồi. ” Tôi bàng hoàng rúng động ôm chầm lấy mẹ nghẹn ngào ” Không, không mẹ phải giữ lại một chút ít cho ngày cuối đời của mẹ, mẹ ơi. ” Một nỗi xúc động sâu lắng mênh mang trong trái tim tôi, tôi lặng người đi rất lâu, rất lâu với đôi mắt cay cay và từ chối, viện lẽ các cháu sắp ra trường rồi, sẽ không cần lắm đâu, mẹ cất đi để dành cho những ngày sau này, mẹ con cứ dùng dằng mãi, nhưng tôi nhất định không nhận. Cả nhà chúng tôi đi học, đến năm cuối phong trào Anh văn nở rộ, các con tôi được mời đi dạy ở trung tâm ngoại ngữ vì chúng đều học Anh văn, rồi các con tôi ra trường đi dạy cuộc sống có phần khởi sắc.
Thỉnh thoảng chúng tôi về Huế thăm mẹ, bây giờ mẹ đã trên chin mươi nhưng còn khỏe và minh mẫn, ông mất đã lâu mẹ đang ở với O út
Sáu năm sau, một buổi chiều tôi ngồi nhìn mây trôi lửng lờ, sương giăng ngập lối tiết trời lành lạnh, lòng đang nghĩ về mẹ với rưng rưng niềm cảm mến ngọt ngào. Bỗng có tin mẹ đau nặng sợ không qua khỏi. Vợ chồng con cái tôi tức tốc về, đến nơi mẹ nằm im thim thíp, tôi bước vào gọi mẹ, mẹ nhướng mắt,đôi môi mấp máy, rồi nắm chặt tay tôi, tôi ôm mẹ gục xuống khóc ngất, tức tửi gọi ” Mẹ ơi! Mẹ ơi! ” Trong khoảng khắc ấy bàn tay mẹ buông thỏng trái tim mẹ ngừng đập, mẹ đã trút hơi thở cuối cùng, lúc ấy mẹ chín mươi bảy tuổi, tôi tê tái lặng người.{jcomments on}
Mẹ Chồng Tôi
Leave a reply