*Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh ngày
07/12/1258 (11/11/Mậu Ngọ), con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và
Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh. Thân hình Ngài có những đặc điểm khác
thường, nhất là có màu vàng, nên được vua cha đặt cho biệt hiệu là
Phật kim.
Lớn lên, năm 16 tuổi (1274), Ngài được lập làm Đông cung Thái tử và
cùng năm Ngài kết duyên cùng công chúa Quyên Thánh, trưởng nữ Hưng Đạo
Đại Vương.
Về Phật pháp, Ngài học đạo với Tuệ Trung Thượng Sĩ, được Thượng Sĩ hết
lòng hướng dẫn và trao đổi những yếu nghĩa Thiền tông. Ngài tâm đắc
nhất là câu: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” (Quan sát
lại chính mình đó là bổn phận, không do người khác làm được) và tôn
thờ Tuệ Trung Thượng Sĩ làm Thầy. Ngài thường tới lui chùa Tư Phúc
trong kinh thành để tụng kinh, tọa thiền, lễ bái Tam bảo.
Năm 21 tuổi (1279), Ngài được Trần Thánh Tông truyền ngôi, trị vì
thiên hạ Đại Việt, lấy đức trị vì, dân chúng an cư lạc nghiệp, lấy
niên hiệu là Thiệu Bảo.
Năm 41 tuổi (1293), Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông lên làm
Thái Thượng Hoàng.
Năm 1299. Ngài quyết tâm trở lại thăm Kinh sư lần cuối, rồi đi thẳng
lên núi Yên Tử – Quảng Ninnh quyết chí tu hành, tham thiền nhập định,
lấy tên là “Hương Vân Đại Đầu Đà” và độ Đồng Kiên Cương làm đệ tử và
ban pháp hiệu là Pháp Loa.
Theo sử cũ, Ngài xả báo an tường, thâu thần thị tịch ngày 01/11/Mậu
Thân (1308). Thọ thế 51 năm tại am Ngọa Vân – Đông Triều – Quảng Ninh.
Vua Trần Anh Tông cung thỉnh nhục thân Ngài về kinh đô Thăng Long cử
hành Quốc tang trong thời gian hai tuần. Sau đó, Vua quan, quần thần,
văn võ bá quan, đệ tử Pháp Loa, Bảo Sát và chúng Tăng trong nước cử
hành Lễ Trà tỳ.
Sau khi thu nhặt Xá lợi, Xá lợi được chia làm hai phần, một phần xây
tháp thờ ở Lăng Quý Đức phủ Long Hưng – Thái Bình; một phần xây tháp
tôn thờ tại chùa Vân Yên – Yên Tử, Quảng Ninh, lấy hiệu là Huệ Quang
Kim Tháp, dâng Thánh hiệu: Đại Thánh Trần Triều, Trúc Lâm Đầu Đà, Tịnh
Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Phật Tổ.
Thơ :Trần Nhân Tông – 陳仁宗
Nguyên tác
春景
楊柳花深鳥語遲,
畫堂簷影暮雲飛。
客來不問人間事,
共倚欄杆看翠微。
Dịch nghĩa
Xuân cảnh
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
Hoạ đường thiềm ảnh mộ vân phi.
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Cộng ỷ lan can khán thuý vi.
Dịch thơ
Cảnh xuân
Hoa Liễu tiếng chim ríu rít vang
Ngắm mây thềm họa tỏa thiền quang
Sự đời quên hết khi chân đến
Lan cội tựa xem đẹp ngỡ ngàng
Nguyên tác
春曉
睡起啟窗扉,
不知春已歸。
一雙白蝴蝶,
拍拍趁花飛。
Dịch Nghĩa
Xuân hiểu
Thụy khởi khải song phi,
Bất tri xuân dĩ quy.
Nhất song bạch hồ điệp,
Phách phách sấn hoa phi.
Dịch thơ
Xuân sớm
Ngỡ ngàng mở cánh song
Sắc xuân tràn mênh mông
Chập chờn đôi bướm trắng
Lả lơi bên nụ hồng
Nguyên tác
春晚
年少何曾了色空,
一春心在百花中。
如今勘破東皇面,
禪板蒲團看墜紅.
Dịch nghĩa
Xuân vãng
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.
Như kim khám phá đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán truỵ hồng.
Dịch thơ
Chiều Xuân
Chẳng biết sắc không thuở trẻ trai
Mùa xuân khắc khoải nhớ mong hoài
Bây giờ mới thấu xuân chân chính
Gối cỏ thiền tâm hồng lụy bay
Người dịch thơ : Lam Hồng{jcomments on}
Bái phục và tôn kính cả đời một vị Vua anh minh một nhà tu đắc đạo khai sáng môn phái Trúc Lâm Việt Nam và góp phần công lớn cho việc chỉ dạy thế hệ sau biết lo bảo vệ đất Việt tránh nạn Bắc lấn ngàn đời.
Cảm ơn LH. đã cho tôi đọc được 3 bài thơ Xuân hay của Người.
Anh Lộc ơi!
Sao chỉ là: “góp phần công lớn cho việc CHỈ DẠY THẾ HỆ SAU biết lo bảo vệ đất Việt tránh nạn Bắc lấn…”! Chính Ngài là vị chủ soái đã lãnh đạo quân dân Đại Việt vượt qua bao khó khăn, đưa 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông đến thắng lợi huy hoàng, đó là những chiến công bất diệt trong LS chống họa Bắc lấn của dân tộc ta!
Đặc biệt và thú vị nhất, theo tôi, là Ngài đã góp phần “mở cõi”, giúp đất nước ta có được 2 châu Ô và Lý mà không cần phải “mang gươm”!
Một chi tiết cũng khá thú vị nữa là Ngài được sanh ra trong năm bọn Nguyên – Mông xâm lược nước ta lần thứ nhứt (1258), sau đó 20 năm (21 tuổi ta), Ngài lãnh đạo cuộc kháng chiến chông Nguyên – Mông lần thứ 2 (1285)!
Anh Châu! Công lao của ngài thật là to lớn…ai cũng đọc biết điều đó,nhưng trong phạm vi này anh em mình nhắc chút để tưởng nhớ vậy là may mắn rồi (vì nhiều hơn có khi không mấy tiện..)Cảm ơn anh.
Bài thơ Xuân Cảnh hay quá:
Hoa Liễu tiếng chim ríu rít vang
Ngắm mây thềm họa tỏa thiền quang
Sự đời quên hết khi chân đến
Lan cội tựa xem đẹp ngỡ ngàng
Nhưng sao lan mà cội, chắc là hoa Ngọc Lan phải không dịch giả .
Trên cành hoa liễu chim ngân vang
Hiên họa nhìn mây tỏa diệu quang
Thanh thản lòng trần đời chẳng biết
Tựa lan ngắm cảnh tuyệt mây ngàn
QT thích bài thơ XUÂN SỚM
Xuân sớm
Ngỡ ngàng mở cánh song
Sắc xuân tràn mênh mông
Chập chờn đôi bướm trắng
Lả lơi bên nụ hồng
Hay lắm Lam Hồng ơi!
Xuân đến bên cánh song
Thảm hoa trải mênh mông
Lượn lờ đôi bướm trắng
Rực rỡ với cánh hồng
Cám ơn một buổi sáng đẹp trời được đọc ba bài thơ hay .
Xin gởi bài thơ đường thi thuận nghịch
Chung Tình
Thương yêu quá, nối sóng thì thầm
Gió bão ngăn, chung ý quyết tâm
Trường lớp mở thông, soi sáng trí
Nghĩa nhân chung lối, ngộ tri âm
Đường mơ giấc mộng mong đôi lứa
Nhớ đậm hương say mãi sắc cầm
Vương vấn bóng hình mơ vọng tưởng
Cương nhu giữ trọn được tình thâm
Tình Chung
Thâm tình được trọn giữ nhu cương
Tưởng vọng mơ hình bóng vấn vương
Cầm sắc mãi, say hương đậm nhớ
Lứa đôi mong, mộng giấc mơ đường
Âm tri ngộ, lối chung nhân nghĩa
Trí sáng soi, thông mở lớp trường
Tâm quyết, ý chung ngăn bão gió
Thầm thì sóng nối, quá yêu thương
XUÂN SỚM
Bên song cửa mở ngỡ ngàng
Mênh mông xuân sắc ngập tràn ban mai
Dập dìu bướm trắng cả hai
Hồng hoa chúm chím lã lay khoe mình
CHIỀU XUÂN
Thiếu thời đâu biết lẽ sắc không
Xuân sang khắc khoải mãi ngóng trông
Bây giờ mới thấy xuân hiện hữu
Gối cỏ thiền tâm rụng cánh hồng
XUÂN CẢNH
Trên cành dương liễu tiếng chim vang
Thềm hoa chiều rợp áng mây quang
Khách vào chẳng thiết buồn nhân thế
Mơ màng mây núi tựa lan can
XUÂN SỚM
Xuân tươi lộng lẫy ngỡ ngàng
Qua song lồng lộng xuân tràn sớm mai
Chập chờn cánh bướm vờn bay
Nhụy hoa thơm ngát đắm say vươn mình
CHIỀU XUÂN
Niên thiếu biết đâu chuyện sắc không
Ngày Xuân đẹp ý nguyện chờ trông
Chừ đây mới thấu xuân nguồi cội
Thiền tại cỏ xa tục lụy hồng
XUÂN CẢNH
Cành hoa dương liễu rộn chim vang
Thềm họa nhìn trời mây tỏa quang
Khách đến màng chi đời thế sự
Chi li tuyệt cảnh tự lan can.
Lam Hồng thật là uyên bác.
Bài dịch của Khảo Anh cũng rất thanh thoát.
Còn nhà thơ Đường thi Khảo Mai đâu rồi?
Xếp lại thứ tự : Xuân hiểu, xuân cảnh, xuân vãn để thấy triết lý thiền trong những bài dịch thơ của Lam Hồng. Cám ơn Lam Hồng với những bài dịch thơ Trần Nhân Tông để mọi người cảm nhận mùa xuân với một vẻ đẹp nhân văn. Chúc vui
Lam Hồng không những làm thơ hay mà còn là một dịch giả, một nhà nghiên cứu văn học.Cảm ơn anh rất nhiều đã cho đọc mấy bài thơ rất hay, rất thanh thoát của minh quân Trần Nhân Tông, một vị minh quân có công lớn với đất nước chúng ta trong việc đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ và mở rộng giang sơn gấm vóc Đại việt.
Cho Nguyentiet ké với nghen HNT.NT cũng rất ngưỡng mộ Lam Hồng “Lam Hồng không những làm thơ hay mà còn là một dịch giả, một nhà nghiên cứu văn học.”.HX có nhiều người uyên bác quá!Cám ơn anh Lam Hồng.
Cho chị ké nữa với nhen HNT & nguyentiet chị rất ngưỡng mộ Lam Hồng từ rất lâu!Cám ơn LH rất nhiều!
Tâm thế
Tiên tổ trăm triều tạo tác thành
Trận tiền thông thạo thế tường tinh
Tham tàn tác tệ từ thời trước
Thôn tính triệt tiêu tính thối tanh
Tây Trúc tiêu tàn Tây Tạng tiệt
Thát tan thống trị tới triều Thanh
Ta tránh tác tan tâm thế tĩnh
Triệu tim triệu trí thiết tha tình
Tết Tỵ tiền tiêu Thủy trận tinh
Tường triều tiêu tặc thể tan tành
Tâm tư thấu tỏ trình thôn tính
Tài trí thần thông thế tự tin
Tâm tuệ thần tình tài thông thái
Tính thâm tham tận tráo trơ tình
Theo thời tức thế tinh tường trận
Trăm triệu thuận tâm thắng tất thành
Chỉ mong viết lại những anh hào
Đất Việt muôn đời chí khí cao
Nhìn thấu ngàn năm sau hệ lụy
Tránh xa tham dại gánh thương đau
Biết giữ minh tâm để hóa an
Vượt qua thử thách với gian nan
Lo cho đại cuộc ngàn năm vững
Khai phá nhân tâm ngộ Phật Hoàng
2 bài ý thơ rất hay ! bài TÂM THẾ toàn chữ T hay quá LH ui…Chúc mừng LH!
Hồi sáng thấy LH tặng thơ ở buổi HM ĐHB Đ mà chừa TKL & HKC lại nhe! xấu quá!
TKL cho cái hẹn đi
LH tạ lỗi tặng tức thì
Chỉ sợ văn chương lời nước ốc
Đọc xong nhăn mặt uổng quá đi….
hi…hi…đùa tí thôi! hẹn gặp vào buổi họp mặt đồng hương Phù Mỹ vào chủ nhật này chắc có LH chứ!
Xin gởi tiếp mấy bài dịch thơ Đường thi của
Phật Hoàng Trần Nhân Tông
和喬元郎韻
Hoạ Kiều Nguyên Lãng vận
飄飄行李嶺雲南,
春入梅花只兩三。
一視同仁天子德,
生無補世丈夫慚。
馬頭風雪重回首,
眼底江山少駐驂。
明日瀘江煙水闊,
葡萄嫩綠洗心惔。
Phiêu phiêu hành lý lĩnh vân nam,
Xuân nhập mai hoa chỉ lưỡng tam.
Nhất thị đồng nhân thiên tử đức.
Sinh vô bổ thế trượng phu tàm.
Mã đầu phong tuyết trùng hồi thủ,
Nhãn để giang san thiểu trụ tham.
Minh nhật Lô giang yên thuỷ khoát,
Bồ đào nộn lục tẩy tâm đàm
Hoạ vần thơ Kiều Nguyên Lãng (Người dịch: Lam Hồng)
Nhẹ nhàng vi hành đất phương nam
Nhụy thắm huy hoàng đón gió xuân
Ơn đức vua nhuần thiên hạ tỏ
Chuyện đời lợi ích sẵn sàng dân
Phong sương lưng ngựa bao lần đã
Đất nước hào hùng dậy quyết tâm
Sương sớm sông Lô xao xác sóng
Bồ đào sảng khoái dậy lâng lâng
Hoạ vần thơ Kiều Nguyên Lãng (Người dịch: Lê Quý Đôn)
Non Nam hành lý nhẹ như không,
Xuân đến cành mai mới điểm bông.
Lòng chúa không riêng ơn vũ lộ,
Chí trai quyết trả nợ tang bồng.
Ngựa pha sương tuyết quay đầu lại,
Mắt ngắm giang sơn ngẩng mặt trông.
Mai sáng sông Lô mây nước thẳm,
Bồ đào ngọt giọng rưới khuây lòng
早梅其二
Tảo mai kỳ 2
五日驚寒懶出門,
東風先已到孤根。
影橫水面冰初泮,
花壓枝頭暖未分。
翠羽歌沉山店月,
畫龍吹濕玉關雲。
一枝迷入故人夢,
覺後不堪持贈君。
Ngũ nhật kinh hàn lãn xuất môn,
Đông phong tiên dĩ đáo cô côn (căn).
Ảnh hoành thuỷ diện băng sơ bạn,
Hoa áp chi đầu noãn vị phân.
Thuý vũ ca trầm sơn điếm nguyệt,
Hoạ long xuy thấp Ngọc Quan vân
Nhất chi mê nhập cố nhân mộng,
Giác hậu bất kham trì tặng quân
Hoa mai sớm kỳ 2 (Người dịch: Lam Hồng )
Băng giá năm ngày ngại bước ra
Ai ngờ gốc cội gió sương pha
Băng tan nước gợn cây soi bóng
Cánh rộ tâm khai lộng lẫy hoa
Lảnh lót chim ca trăng đỉnh núi
Bổng trầm sáo vọng áng mây qua
Mơ màng người ấy mong lần gặp
Không thể tặng… đành để xót xa
Hoa mai sớm kỳ 2 (Người dịch: Trần Lê Văn)
Năm ngày ngại rét, lười ra cửa.
Gốc lẻ nào ngờ đã gió xuân.
Mặt nước băng tan, cây bóng ngả,
Đầu cành hoa trĩu, ấm chưa phân.
Trăng chìm xóm núi, lời ca bổng,
Mây ướt quan hà, tiếng sáo ngân.
Lạc tới chiêm bao, hoa một nhánh,
Muốn đem tặng bạn, khó vô ngần!.
天長府
Thiên Trường phủ
綠暗紅稀倍寂寥,
霽雲吞雨土花銷。
齋堂講後僧歸院,
江館更初月上橋。
三十仙宮橫夜榻,
八千香剎動春潮。
普明風景渾如昨,
彷彿羹墻入夢饒。
Lục ám hồng hi bội tịch liêu
Tễ vân thôn vũ thổ hoa tiêu.
Trai đường giảng hậu tăng quy viện,
Giang quán canh sơ nguyệt thượng kiều.
Tam thập tiên cung hoành dạ tháp,
Bát thiên hương sát động xuân triều.
Phổ Minh phong cảnh hồn như tạc,
Phảng phất canh tường nhập mộng nhiêu.
Phủ Thiên Trường (Người dịch:Lam Hồng)
Hoang liêu cây trống cánh hồng trơ
Mưa tạnh trời quang đất mộng chờ
Đến viện giới trai mong được giảng
Trăng về bến cũ mộng nguyên sơ
Tiên cung theo chúa ba mươi có
Hương sát đón xuân cả vạn cơ
Nguyên thủy Phổ Minh phong cảnh cũ
Mơ màng Nghiêu Thuấn dậy trời mơ
Phủ Thiên Trường (Người dịch: Ngô Tất Tố)
Lục rậm, hồng thưa cảnh quạnh hiu,
Mây quang, mưa tạnh đất tan rêu.
Phòng trai giản đoạn, sư về viện,
Cầu bến canh đầu, bóng nguyệt treo.
Ba chục cung tiên, giường ngủ đặt,
Tám nghìn bóng tháp, nước triều reo,
Phổ Ninh phong cảnh, chùa như cũ,
Trong giấc mơ màng Thuấn thấy Nghiêu.
Tống bắc sứ Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng
送北使麻合,喬元郎
軺星兩點照天南,
光引台躔夜繞三。
上國恩深情易感,
小邦俗薄禮多慚。
節凌瘴霧身無恙,
鞭拂春風馬有驂。
鼎語願溫中統詔,
免教憂國每如惔。
Thiều tinh lưỡng điểm chiếu thiên Nam,
Quang dẫn thai triền dạ nhiễu tam.
Thượng quốc ân thâm tình dị cảm,
Tiểu bang tục bạc lễ đa tàm.
Tiết lăng chướng vụ thân vô dạng,
Tiên phất xuân phong mã hữu tham.
Đỉnh ngữ nguyện ôn Trung Thống chiếu,
Miễn giao ưu quốc mỗi như đàm.
Tiễn sứ bắc Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng
(Người dịch: Lam Hồng )
Hai vua tiếp sứ luật trời Nam
Ba mặt quang minh dẫn luận bàn
Nước lớn ơn cao dầu cách mặt
Đất nghèo lễ mọn giữ thành tâm
Gió mưa lam chướng dân lam lủ
Yên ngựa xông pha cực phải làm
Hai nước ôn hòa Trung Thống chiếu
Ưu tư lân quốc mối giao bang
Tiễn sứ bắc Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng
(Người dịch: Trần Lê Văn)
Trời Nam, sao sứ chiếu hai ngôi,
Dẫn lối ba vòng, đêm sáng soi,
Bên ấy, ơn sâu tình cảm động
Nơi đây, lễ bạc thẹn sơ sài.
Gió xuân vi vút, vui kèm ngựa.
Cờ tiết xông pha, mừng khoẻ người.
Trung Thống, chiếu xưa, lời hãy nhớ,
Nỗi lo đất nước, dịu lòng tôi