Chiều Quê

* Hân hạnh giới thiệu bài viết của cháu Mina- ái nữ

của hai bạn Bửu Châu – Kim Đức .HX

Sáng thức dậy sớm ở một nơi không quen thuộc, nhà có khu vườn nên nghe
tiếng lá cây xào xạc phía sau…cảm  giác rất nhẹ nhàng. Chợt nhớ
những ngày bé còn ở quê Nội.

Ngày đó, cứ mỗi sáng T và anh Hai lại được đánh thức dậy
bởi tiếng loa phát thanh của xã, cái loa được gắn ngay trên cây xòai
của nhà Nội nên nghe to và rõ lắm, nhưng mà mỗi lần nghe tiếng loa
phát thanh lại thấy buồn lắm, cảm giác nhớ nhà kinh khủng, ừ! thì một
đứa nhỏ tám tuổi không được sống cùng với Tía, với Mẹ, chỉ có hai anh
em thui thủi sống với nhau ở một vùng quê ít người nhiều ruộng …
nhưng cái tiếng loa phát thanh buổi sáng không làm người ta buồn đến
mức rơi nước mắt bằng tiếng đài phát thanh mà mỗi chiều ông Nội vẫn
bật to lên, T nhớ như in là tiếng của cô phát thanh viên giọng bắc đều
đều vẫn vang lên vào lúc 6h tối ” Đây là đài tiếng nói Việt Nam, phát
thanh từ Hà Nội – Thủ đô nước CHXHCNVN…tèn ten, tèn ten…”

Ngày nào cũng vậy, cứ khi trời bắt đầu nhá nhem tối, nhà
thằng Tí bên cạnh lại la ó um sùm lên vì nhà hết dầu lửa để thắp đèn,
nhà Nội cũng bắt đầu thắp đèn dầu ở phòng khách và nhà ăn, anh em T
mỗi đứa lại chia nhau đi kiểm tra các phòng (vì nhà rộng và nhiều cửa
nên sợ ăn trộm lẻn vào rồi núp dưới gầm giường), sau đó lại đi đóng
tất cả các sổ lại và thắp nhang ở ngõ trước và ngõ sau như một tục lệ
của người nhà quê để trấn an. Cứ mỗi lần cầm nhang ra ngõ trước cắm
lên cây vú sữa, T lại dõi mắt trông ra xa phía con suối đầu đường để
chờ một điều gì đó, T mong có thể thấy được bóng dáng của chú Mười
hoặc Tía về đón anh em T như lời chú Mười hứa sau khi ôm T vào lòng vỗ
về. Đó cũng thường là thời điểm tiếng loa phát thanh vang lên. Mỗi lần
như vậy, T lại thấy buồn đến rơm rớm nước mắt.

Sau này, khi đọc truyện “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, không biết sao T
lại thích truyện này cực kì – một tác phẩm không có cốt truyện, chủ
yếu xoay quanh miêu tả nội tâm nhân vật đúng như lời nhận xét của mấy
quyển sách giải hồi đó T hay dùng để làm văn. T thích bởi trong đó có
đoạn miêu tả, cứ mỗi lần trời bắt đầu tối, là hai chị em con Liên lại
ngồi trên chiếc chõng tre và ngắm nhìn về phía Hà nội xa xăm, nơi đó
có những ánh đèn sáng rực, có thứ nước xanh đỏ …. T thích cái cách
tả nội tâm con bé Liên, thích luôn cái cách tả ít gợi nhiều mang đến
vẻ buồn man mác như chi tiết bà cụ Thi điên cười khanh khách đi lạng
chạng trong ánh đèn của gánh phở bác Siêu.

T vẫn nhớ hình ảnh T ngồi chóc ngóc trên bậc thềm phía trước và chờ…
{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.