Chiếc Lexus màu đen bóng lộn dừng lại trước cổng một biệt thự sang
trọng. Một người đàn ông bệ vệ bước xuống. Trong khi gã tài xế loay
hoay đi tìm chỗ đậu, người đàn ông bước lên những bậc tam cấp, đẩy
cửa, bước vào nhà.
Bỗng, từ bên trong, có tiếng khóc ấm ức, phá tan khoảng không gian yên tĩnh.
Trong phòng khách, cô giúp việc đang cố dỗ một cậu bé ăn cơm, nhưng
cậu bé quá ngán ngẩm những sơn hào hải vị! Câu ham chơi nên nhất định
không ăn. “ Nè, bây giờ em thích chơi với cái này này”. Cậu chỉ tay
vào chiếc thiết giáp chạy bằng pile, có hai nòng súng giương cao đặt
trong tủ kính. Cô gái dịu dàng bảo : “ Chị không có chìa khoá. Lát ông
về rồi sẽ lấy xe để em chạy và nã súng sau nhé!” “ Nhưng em thích chơi
bây giờ cơ!” Cô gái vẫn kiên nhẫn : “ Em đang có rất nhiều đồ chơi
đây này. Chơi tạm đi, lát ông về sẽ đổi sau. Em cố gắng ăn thêm một ít
nữa nhé!” Vừa nói cô gái vừa bám theo năn nỉ, “giỏi”, cố đút thêm
một muổng thức ăn vào miệng nó.
Ngay lập tức, cu cậu giậm chân, phun thức ăn phì phì xuống chiếc thảm
Ba Tư trải trên sàn nhà. Rồi cậu trợn mắt, hét toáng lên, ngã lăn đùng
ra đất.
Lưng cậu chạm vào một vật gì. Cộm. Cậu cầm lên, ngắm nghía, rồi không
hiểu vì lý do gì, tiện tay hay điên tiết, cậu ném thẳng vào mặt cô
gái. Sau tiếng “bịch” khô khốc, chiếc xe lửa tí hon bằng kim loại mỏng
rơi xuống đất.
Máu từ mũi cô gái chảy xuống thành hàng.
Cô gái đứng trân, nhưng dường như cô chưa thể quan tâm đến mình. Mắt
lấm lét cô nhìn ra phía cửa rồi sau đó mới đưa hai tay che mặt chặm
lấy vết thương. Đầu gối run run, cô cúi xuống, một tay áp lên mặt, tay
kia quờ quạng tìm nhặt những toa xe đã tách thành nhiều khúc, rời rạc
văng tung toé.
Đã nhiều tháng giúp việc trong nhà, cô thừa biết tính ông
mãnh: Mỗi lần trái ý là ông khóc, ông dẫm chân và đấm ngực. Trường hợp
nặng, mặt ông nhăn nhó, không nói, không ăn… Sau đó nếu thấy nỗi sợ
của mọi người vẫn còn chưa đủ, ông liền tăng đô, ôm bụng quằn quại lăn
trên sàn nhà. Cả lớn lẫn bé, trong nhà ai cũng sợ ông, bởi ông là con
trai một. Ông chính là kẻ quyền lực nhất nhà.
Cô gái biết phận, khép mình trong thái độ nhẫn nhục và cam chịu. Không
dám một lời trách móc.
Chính lúc đó, người đàn ông vừa bước qua ngạch cửa, đưa đôi mắt nhìn
vào bên trong. Dò xét.
– Ba, ba …con mẹ này làm gãy xe lửa của con.
Xương sống cô gái lạnh buốt. Cô biết chiếc xe lửa đó là thứ đồ chơi
cao cấp mà mẹ ông mãnh đã nhờ người mua tận bên Mỹ để làm quà sinh
nhật cho con.
-“Cô đã làm cái gì vậy, hả ? ”
Cô gái hoảng hốt, ngẩng đầu, khẽ đưa mắt nhìn thằng bé rồi sợ sệt quay
sang ông chủ :
-“Dạ thưa ông…con lỡ tay làm rớt ”… . Vừa nói cô vừa cúi xuống, tiếp
tục nhặt những toa tàu vương vãi trên tấm thảm len. Bàn tay trái buông
ra nên máu từ vết thương trên mũi tiếp tục rịn ra.
– “Giờ cô tính sao, hả, hả?”
– “Dạ để con gắn lại.”
Cô nói chưa hết câu, ông mãnh đã hùng hổ đứng dậy. Ông co giò dẫm bẹp
toa xe dưới chân rồi đá một toa khác ra xa…
Cô gái kinh hồn, lùi lại : “ Ô hay! em làm gì vậy?”
Giọng cô thất thanh. Mặt cô lem luốt.
Giữa lúc căng thẳng đó, bà chủ cũng vừa bước vào nhà.
– “Má! Má! Má ơi ! Nó làm hư … Con mẹ này nó làm gãy đồ chơi của con
rồi !!! Huu huu…”
-“ Đồ khốn, tay mầy bắt đom đóm hả? Rờ đâu là bể đó…”
Cô gái chết lặng. Cô chưa kịp thanh minh thì thằng bé đã hét lớn :
-“ Đuổi cổ nó đi!”. Tiếng rống của thằng bé như mèo tru, nước mắt nước
mũi chảy thành dòng.
Nghe con khóc, bà chủ tức khắc ra lệnh đuổi cô gái.
Thằng bé ngừng hét, đưa mắt thoả mãn nhìn những khuôn mặt đầy ưu tư
đang đứng xung quanh.
Khi nhìn thấy cô gái đi sửa soạn hành lý, nụ cười tươi tỉnh chợt
xuất hiện trên môi nó.
&
Mười phút sau, cô gái bước ra khỏi ngôi biệt thự. Cô thất thểu ôm gói
đồ đi trên đường phố.
Lúc này là mùa Giáng Sinh. Những ánh đèn màu rực rỡ giăng khắp nẻo
đường, nhưng chúng không làm cô gái vui như mọi lần. Cô chỉ thấy buồn.
Và cô độc.
Khi đi gần đến bến xe để mua vé về quê, cô gặp một bé trai chừng
mười tuổi đang lượm khúc bánh mì của ai bỏ dở trên lề đường, ăn ngấu
nghiến. Cô đứng lặng nhìn em ăn hết. Nuốt xong mẩu bánh cuối cùng, cô
còn thấy thằng bé mút mút mấy ngón tay còn dính mỡ, rồi liếm mép: “
Chị ơi em đói quá!”
Cô gái bỗng quỵ xuống, ôm chầm lấy em bé .
Trời không gió, nhưng cô gái bỗng thấy lạnh.
Nhưng có lẽ không phải vì giá buốt mà cô bật khóc. Tiếng nấc không
biết có bay được lên cao, vút đến ánh sao, trong ngày Chúa ra đời ?{jcomments on}
Câu chuyện quá bi thảm những cậu ấm cô chiêu nầy khi lớn lên sẽ còn tiếp tục gieo đau khổ cho nhân loại.
chào các bạn Giáng Hương,Quốc Tuyên, Khảo Mai, T Kim Loan, N N THo, Kieu THanh, Da mai…đã vào đọc và chia sẻ
TVD chi muốn nói: Hình như chúng ta chưa học đuợc gì từ những lời dạy của Chúa, của Phật…
Cô gái không trách Chúa! Cô chỉ mong là tiếng khóc nghẹn của mình sẽ làm Chúa nhìn xuống thân phận của mình và hai đứa bé rất khác nhau.
Chúc tất cả các bạn và gia đình dón một mùa năm thật đầm ấm & sức khoẻ, thành công,bình an và hạnh phúc
TVD
Thương quá cô gái nghèo và đứa bé nghèo trong câu chuyện .Còn cậu bé con nhà giàu sau này lớn lên sẽ trở thành người ác!
“Trời không gió, nhưng cô gái bỗng thấy lạnh.
Nhưng có lẽ không phải vì giá buốt mà cô bật khóc. Tiếng nấc không
biết có bay được lên cao, vút đến ánh sao, trong ngày Chúa ra đời?” Chúa trên cao có thấy nỗi đau khổ của kiếp người!
Bài viết cảm động quá anh TVD ơi!
50% thực phẩm toàn cầu vào thùng rác!
chào NGuyễn Tiết,
dây là bản tin trên báo Tuổi trẻ ngày hôm nay: 12/01/2013
TT – Trong khi 860 triệu người suy dinh dưỡng và thế giới vào cuối thế kỷ này sẽ phải nuôi thêm 2,5 tỉ miệng ăn mới… thì khoảng một nửa lượng thực phẩm được tạo ra trên toàn hành tinh lại đang bị lãng phí!
cảm ơn NT đã vào đọc- chúc vui
Anh Dân,
Câu chuyện anh viết về tương phản hai mảnh đời, cùng tuổi, cùng thời nhưng chỉ khác nhau nơi sinh ra. Cuộc đời trớ trêu, kẻ ăn không hết, người lần không ra. Thượng đế vẫn còn đấy, nhưng không thể lo hết cho hàng bao tỉ con người. Lại càng không thể can thiệp khi con người bức bách con người qúa mức. Nhưng chắc rồi sẽ có một ngày, những con người vô lương tâm kia phải trả giá. Và rồi, biết đâu cô Osin và đứa bé đói bên đường, sẽ được đổi đời, và sẽ được trời ban cho một chút gì đó bù lại. Đọc chuyện của Anh, nhớ lại những câu chuyện như Đỉnh Gío Hú, Kiều Giang…, không hẳn giống như thế nhưng nói lên cái bất công giữa giàu nghèo, giữa hai thế giới có và không. Không có nhiều thứ, không sao, nhưng đáng sợ nhất là những con người không có tình người, không có trái tim. Truyện của Anh mình đọc lại thấy thấm mặn nước mắt của cô giúp việc và nghe được tiếng than khóc của thằng bé đói bên đường. Chung quanh ta còn bao nhiêu con người vật vã như thế và lê lết từng ngày. Ôi bất công!
NL
Cảm ơn Nguyên Lương đã đọc và có những ý kiến thật đáng suy gẫm. Thực ra câu chuyện có thể xảy ra vào ngày Phật Đản, ngày sinh Mahomet…
Nhưng người viết không hề có ý xúc phạm tôn giáo, và vấn đề không phải ở việc nói về tôn giáo này hay tôn giáo kia, và Vì thực ra tôn giáo nào cũng dạy cho chúng ta lòng từbi, bác ái, và sống hoà đồng với nhau như anh em…
Bài viết chỉ đưa lền một góc nhìn: chúng ta đã làm gì với những lời giáo huấn kia, mấy nghìn năm nay chúng ta có từ bi với nhau? Bác ái với nhau và xem nhau như anh em.
Thế thôi
Và dĩ nhiên, với một câu hỏi như vậy, mỗi người tùy tâm của mình mà tìm thấy câu trả lời.
Cả ơn NL đã đọc và chia sẻ.
Nghịch cảnh của xã hội của con người được tác giả lồng vào trong khung cảnh Một Ngày Của Chúa , một ngày đấng cứu rỗi trên cao nhìn xuống trần gian với những thân phận khổ đau nhưng cái cao quý nhất là tình người đã thể hiện sự ấm áp trong đêm đông lạnh lẽo
Khi đi gần đến bến xe để mua vé về quê, cô gặp một bé trai chừng
mười tuổi đang lượm khúc bánh mì của ai bỏ dở trên lề đường, ăn ngấu
nghiến. Cô đứng lặng nhìn em ăn hết. Nuốt xong mẩu bánh cuối cùng, cô
còn thấy thằng bé mút mút mấy ngón tay còn dính mỡ, rồi liếm mép: “
Chị ơi em đói quá!”
Cô gái bỗng quỵ xuống, ôm chầm lấy em bé .
Người giàu sang quá đã quên hai chữ đạo đức rồi chăng?
chào LC Ái,cảm ơn LCA đã vào đọc :
đây là bản tin trên báo Tuổi trẻ ngày hôm nay: 12/01/2013
50% thực phẩm toàn cầu vào thùng rác!
“Tất cả thực phẩm lãng phí này có thể được sử dụng để nuôi sống một lượng lớn dân số trên thế giới đang thiếu đói. Chưa kể rác thải thực phẩm còn tác động xấu đến môi trường khi sản xuất nông nghiệp tiêu hao rất nhiều năng lượng, nước, phân bón và làm mất một diện tích lớn đất rừng”
Giáo sư Tim Fox
Những người làm cha làm mẹ có biết đâu vì lòng thương con quá mù quáng đã biến con mình trở thành những đứa bé ích kỉ, vô tâm và cuộc đời những đứa trẻ như thế sau này chắc gì đã được sung sướng, hạnh phúc.
Đọc câu chuyện anh viết em thấy thương cô bé giúp việc, cậu bé bên đường những mảnh đời cơ cực và cả cậu bé con nhà giàu đã bị cha mẹ mình làm hư từ rất nhỏ.
Chú bé tai ác đó cũng do cha mẹ nó dựng lên!Đời nó sẽ khổ nhiều trong tương lai!
Chỉ thương cho những người nghèo, thấp cổ bé miệng!
Mong Trời Phật, Chúa rộng lượng hơn, thương nhân loại đồng đều,
phải không anh TVDân?
Có nhiều nỗi đau không thanh minh được và không phải sự thanh minh nào cũng có sự can thiệp và lắng nghe.
Chỉ nhìn vào các tin trên báo, trên thế giới này còn có lắm bất công.
Những oan ức còn nhiều lắm…
chuc ND vui
Chào Truong van Dan
TVD đã mô tả một thực tế phủ phàng trong xã hội hiện nay .Càng ngày khoảng cách giữa giai cấp càng cách biệt .Một nền giáo dục không tốt cho thế hệ làm cha làm mẹ ở lứa tuổi 25 -4o .Thật đáng buồn TVD nhỉ !
chao anh LV KHiêm
Những cảnh đời nghiệt ngã luôn ở quanh ta và thường làm lòng ta quặn thắt.
Dĩ nhiên không chỉ là ngày Giáng Sinh
Nhung cũng may, những trái tim nhân ái cũng còn nhiều.
chuc anh vui
Trời không gió, nhưng cô gái bỗng thấy lạnh.
Nhưng có lẽ không phải vì giá buốt mà cô bật khóc.
Tiếng nấc không biết có bay được lên cao, vút đến ánh sao, trong ngày Chúa ra đời ?
Hai cảnh đời trái ngược…và xã hội luôn có những điều bất công trái ngược từ con người mà ra
Bài viết hấp dẫn làm người đọc hồi họp theo cái ác ác tinh ranh của cậu bé…
Câu chuyện đã nói lên những cảnh đời trái ngược & những bất công của xã hội hiện nay thật sâu sắc!
Bài viết rất hấp dẫn & lôi cuốn người đọc ! Cám ơn TVD một bài viết rất hay!
“Một ngày của chúa” _ Lời văn ngắn, sắc gọn như những “lát cắt”_ Cắt mùa đông lạnh lẻo “thả” vào hơi ấm “tình người” cạnh những phận đời hẩm hiu , bạc trắng…”tình đời” trong ngày Chúa sinh !
Những mảnh đời bất hạnh , bất hạnh nhất là cậu bé nhà giàu .
Cám ơn anh TVD câu chuyện giống như một bản tin nhưng qua ngòi bút sâu sắc của anh thật hay và xúc động .
Hello anh Dân! còn ở VN hả? Hy vọng gặp lại anh chị sau gần 50 năm xa nhau!
Khi đi gần đến bến xe để mua vé về quê, cô gặp một bé trai chừng
mười tuổi đang lượm khúc bánh mì của ai bỏ dở trên lề đường, ăn ngấu nghiến. Cô đứng lặng nhìn em ăn hết. Nuốt xong mẩu bánh cuối cùng, cô còn thấy thằng bé mút mút mấy ngón tay còn dính mỡ, rồi liếm mép: “Chị ơi em đói quá!”Cô gái bỗng quỵ xuống, ôm chầm lấy em bé .
cảm ơn Trương Văn Dân một bài viết sâu sắc, lôi cuốn người đọc về hai mảnh đời đều bất hạnh khổ đau mà xã hội vẫn tiếp diễn bất công không biết đến bao giờ mới chấm hết được.